Chuyến Xe Bus Và Khúc Hát Người Lính Mù. Tuỳ bút Nguyễn Mạnh Trinh.


Nguyễn Mạnh Trinh

Sài gòn, năm 1980. Lúc đó, cuộc “cách” cái “mạng” ngày 30 tháng tư đã năm năm. Nhưng xem ra không khí chiến tranh vẫn còn bao phủ. Đời sống càng ngày càng đi vào bế tắc. Hè đường đầy những người đi kinh tề mới trở về hoặc vượt biên mất nhà sinh sống. Họ trở thành những người không nhà không hộ khẩu sống lây lất trong một thành phố đầy đe dọa. Những trại giam đầy áp người tù, tù chính trị và tù hình sự. Đêm đêm là thời gian của kiểm tra hộ khẩu, của bắt người, của đe dọa chập chờn ngoài cánh cửa. Với người dân thường còn như vậy. Huống chi những người tù bị gọi là “cải tạo” trở về. Đời sống lại càng bị đe dọa hơn biết bao nhiều. Tôi cũng bị ảnh hưởng trong thời thế ấy. Sống bất hợp pháp trong nhà của mình và trong đầu óc lúc nào cũng chờ đợi một chuyến vượt biển ra đi. Cột đèn mà cũng muốn xuất ngoại, huống chi…

Lúc ấy, phương tiện giao thông đi lại hầu như chỉ có xe buýt ở trong thành phố và xe đò đi xa ngoài thành phố. Ở bến xe, sinh hoạt thật nhộn nhịp. Như ở Xa Cảng Miền Tây lúc nào cũng đầy người mà số đông là những người chờ đợi một chuyến xe. Có người phải ngủ đêm chầu chực nhiều ngày. Nhưng nếu có tiền mua vé chợ đen, thì được đi ngay. Bao nhiêu con buôn đi hàng ngày mà còn chở theo hàng hóa cồng kềnh mà đâu có chờ đợi gì đâu. Còn xe buýt, thì là chỗ hỗn tạp. Đi xe luôn phải coi chừng, ăn cắp móc túi như ranh. Chỉ một loáng thôi, dù đã giữ gìn nhưng bị mất mát ngay một cách nhãn tiền. Thời mạt pháp, ai có thân thì giữ…

Trên một chuyến xe, có hai người lính cũ, một mù một què, dắt díu nhau đi hát để kiếm miếng ăn độ nhật. Người què thì dẫn đường cho người mù không có mắt để đi lần theo từng hàng ghế. Họ mặc bộ quần áo trận đã rách te tua bạc phếch nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh của người lính thời xưa. Trên tay người lính mù là chiếc đàn mandoline cũ kỹ và anh hát những bản nhạc lính của cuộc chiến ngày cũ đã tàn nhưng còn nhiều hậu quả nhức nhối. Những bản nhạc đã vinh danh những anh hùng như “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc” hoặc “Người Ở Lại Charlie”. Khi hát tôi thấy dường như trong đôi mắt đen đục của người lính mù có chút nước mắt. Đi lần qua những hàng ghế, cũng có những người cho tiền, mặc dù họ không phải là những người khá giả trong xã hội này. Và nếu có một vài chú bộ đội phê bình nào là nhạc phản động, nào là nhạc vàng bị cấm thì họ lại bào chữa bảo vệ “Người ta tàn tật đi kiếm ăn mà còn làm khó!”…

Trong không khí đe dọa, họ vẫn cất tiếng hát. Hình như, họ đang chiến đấu với tiếng hát của mình. Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu… Hay : Anh không chết đâu anh người anh hùng mũ đỏ tên Đương… Hay Anh Quốc ơi từ nay trong gió ra khơi từ nay trên cánh mây trôi có hồn anh trong cõi lòng tôi. Ơi những tiếng hát nhắc lại một thời binh lửa mà những người bây giờ đang hát đã hiến dâng cho đất nước những phần thân thể của mình. Tự nhiên, tôi cảm thấy mình xúc động quá. Những người lính thời trước chịu bao nhiêu điều thua thiệt mà bây giờ vẫn còn cất tiếng hát bất chấp đe dọa bất chấp công an để vẳng lên tâm sự của mình. Và qua từng chuyến xe này qua chuyến xe khác, họ vẫn hát dù có khi bị bò vàng bắt hoặc đánh chửi. Những lời hát vẫn cất lên, mặc kệ bạo lực mặc kệ ngục tù.

Có một bài thơ, đã được viết từ cảm xúc đó. Bài thơ “Chuyến Xe Bus và Khúc Hát Người Lính Mù”

Trang lịch sử đã dầy thêm lớp bụi

Ngăn kéo đời vùi kín mộ phần riêng

Và lãnh đạm chẳng còn người nhắc đến

Người trở về từ cuộc chiến lãng quên

Đôi mắt đục nhìn mỏi mòn kiếp khác

Đắt dìu nhau khập khiễng chuyến xe đời

Người thua trận phần thịt xương bỏ lại

Trên ruộng đồng sầu quê mẹ rã rời

Chuyến xe vang lời ca nào năm cũ

Nhắc chặng đường binh lửa lúc xa xưa

Khói mịt mù đường chiến tranh bụi phủ

Nghe bàng hoàng giọt nắng hắt giữa trưa

Tiếng thê thiết gọi địa danh quen thuộc

Thưở dọc ngang mê mải ngọn cờ bay

Cuộc thánh chiến gió muộn phiền thổi ngược

Dấu giầy buồn còn vết giữa sình lầy

Ôi tiếng hát nhớ những người gục ngã

Ngồi chuyến xe sao vang vọng nỗi niềm

Âm thanh cao xoáy tròn tim gỗ đá

Thúc hồn người theo nhịp thở chưa quên

Ôi tiếng hát vinh danh đời lính chiến

Cho máu xương không uổng phí ngày mai

Có sương khói trong mắt đời cầu nguyện

Để lỡ làng không chĩu nặng bờ vai

Người thản nhiên những tia nhìn cú vọ

Đây tàn hơi còn sót lại một đời

Đây ngôn ngữ của Việt Nam đổ vỡ

Vẳng không gian chợt héo một nụ cười

Ta nghe rực cuối hồn trăm bó đuốc

Một đời hoài tìm kiếm ánh đèn soi…”

Bài thơ đó tôi viết ở Sài Gòn năm 1980. Bây giờ năm 2010, như vậy đã ba chục năm. Tôi đã rời thành phố thân yêu và cũng đã định cư ở Hoa Kỳ 30 năm. Hôm nay ngồi đọc tin về Đại Nhạc Hội tổ chức ở ngoài trời “Cám Ơn Anh” để gây quỹ cứu giúp thương phế binh của QLVNCH còn kẹt lại ở quê nhà bỗng dưng sinh ra nhiều hồi tưởng. Bài thơ dắt tôi trở về những ngày tháng năm năm 1975, khi Cộng sản đã chiếm được đất nước đã thẳng tay dã man đuổi tất cả thương bệnh binh trong quân y viện ra ngoài bất kể tình trạng nguy hiểm hay không. Nạn nhân nặng nề nhất ngay lập tức chịu ảnh hưởng thua trận chính là những người thương binh. Biết bao nhiêu là thảm cảnh xảy ra. Không hiểu họ đã xoay sở thế nào để sống còn trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát ấy.

Chính Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn 4, trước khi quyết định tự sát đã đến thăm thương binh ở quân y viện Cần Thơ lần cuối vì ông biết số phận đáng thương của những người lính này. Trước khi tự sát, ông đã đến từng giường bệnh để an ủi những người lính đang điều trị tại đây. Ông đã não lòng khi trả lời một câu nói của người lính đang nằm viện : “Thiếu Tướng đừng bỏ chúng em !”. “Không, Thiếu Tướng không bỏ đâu”. Phải, mặc dù đã đến lúc cờ tàn, ông không còn giúp đỡ gì được những anh hùng nhưng là nạn nhân của cuộc chiến nhưng tấm lòng nhân hậu của ông đã là gương sáng cho đời sau.

Gần đây tôi có đọc một lá thư từ Việt Nam, của một người lính bị tàn phế gửi cho một người bạn . Bức thư có nhiều đoạn làm tôi suy nghĩ:

“… Các anh ạ! Bây giờ thì buồn quá! Các anh – những sĩ quan QLVNCH, những người anh của chúng tôi, những Đại Bàng, những Bắc Đẩu, Hắc Báo của ngày nào một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường… các anh đã có một thời quang vinh và một thời nhục nhã, giờ đây sau 30 năm vẫn lặng lẽ, các anh cũng nhòa đi hình ảnh của ngày xưa?

Các anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuộc quyền của các anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất mẹ thiêng liêng quên những đồng đội còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lây lất ở đầu đường xó chợ. Xin cảm ơn các anh về những đồng đô la mà các anh gửi về cho chúng tôi trong chương trình giúp đỡ thương phế binh QLVNCH. Những đồng tiền đó dù có giúp cho chúng tôi trong một thời gian ngắn, dù có an ủi cho những đớn đau vật chất được đôi phần nhưng cũng không làm sao giúp chúng tôi quên nỗi nhục nhã mất nước! Chúng tôi cần ở các anh những chuyện khác, các anh có thấu hiểu cho chúng tôi hay không? Tôi đã hiểu vì sao thằng khuân vác ở xóm trên, thằng vá xe đạp ở đầu đường, thằng chống nạng đi bán vé số ở cạnh nhà lại ghét cay ghét đắng đám Việt kiều. Họ là những người lính năm xưa, họ đã từng tuân lệnh những Đại Bàng, Thần Hổ xông pha nơi trận mạc. Họ đã từng chắt chiu từng đồng bạc nghĩa tình chung thủy gửi vào tận chốn tù đày thăm các anh. Họ đã từng uống với các anh chung rượu ân tình ngày đưa các anh lên phi cơ về vùng đất mới. Họ từng nuôi nấng một hoài vọng, một kỳ vọng ngày về vinh quang của QLVNCH.

Nhưng chính các anh đã làm họ oán ghét đến độ khinh bỉ khi các anh áo gấm về làng, chễm chệ ngồi giữa nhà hàng khách sạn năm sao tung tiền ra để tỏ rõ một Việt Kiều yêu nước. Các anh có biết không? Từ trong sâu thẳm của cuộc đời, những người lính VNCH đang lê lết ở ngoài cửa nhà hàng mà các anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các anh với ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người lính là sự bội bạc, là sự phản bội! Không biết khi tôi kết tội các anh là phản bội có quá đáng hay không, nhưng các anh hãy tự suy nghĩ một chút sẽ thấy rõ hơn chúng tôi. Tôi không tin là tất cả các anh đã biến thái thành những tên Việt gian nhưng sự trở về như các anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ Quốc và rõ ràng nhất các anh đã phản bội lại chúng tôi…”

Đọc lá thư ấy, lòng tôi như chùng xuống. Mỗi một người đếu có hoàn cảnh cũng như cách chọn lựa riêng nhưng tôi không ngờ rằng trong sâu thẳm của những người lính cũ còn có những nỗi niềm như thế. Sự phân cách quá sâu đậm, những con sông chia cách vẫn chưa thể lấp bằng được. Ngẫm suy lại, từ một khía cạnh nhìn ngắm khác nhau, đã có những khác biệt cho từng hành động…

Tới bây giờ, với những người ở hải ngoại đã không quên các anh, những thương phế binh VNCH. Dù có một số ít vô ý thức trở về nước vui chơi trên nỗi nhọc nhằn của dân tộc nhưng phần đông đều hiểu và tri ân những người lính đã mang xương máu và thân thễ hiến dâng cho đất nước. Ở đại nhạc hôi “Cám Ơn Anh”, hàng chục ngàn khán gỉa đi xem không phải chỉ là đơn thuần mua vui mà là biểu lộ tinh thần biết ơn đối với người lính VNCH. Dù số tiền thu được lên tới cả triệu đô-la nhưng cũng không đủ cho nhu cầu của hàng chục ngàn người lính tàn phế cần giúp đỡ. Nhưng của ít tình nhiều, điều đó mới là đáng quý. Cũng như, với sự tham dự của cả hơn một trăm ca nhạc nghệ sỹ, cùng với cả trăm người thiện nguyện bỏ công sức và cả tiền của cá nhân, thì đó phải hiểu là một thành quả to lớn ở hải ngoại của những người dân luôn luôn tương trợ giúp đỡ nhau. Cám ơn anh! Những thương phế binh đã hiến dâng đời mình cho đất nước…

Nguyễn Mạnh Trinh

Ngày Cưới. Truyện ngắn Nhật Tiến


Nhật Tiến

961F5B3B-6C7E-4952-88C7-5607C3478B56

– Nào…nào tỉnh dậy kẻo trễ rồi…con gái của mẹ…

Tiếng gọi ngọt ngào vẳng qua tai Thu xa rồi thật gần. Bàn tay quen thuộc vuốt từ trán Thu xuống má. Bây giờ thì mẹ không còn cù vào cổ Thu như những năm còn bé nhưng mơn nhẹ ở chỗ má lúm đồng tiền. Thế cũng đủ nhột lắm rồi và vì thế Thu đã thức giấc.

Nhưng Thu chưa mở mắt ra vội. Có một cái gì mù mờ chen lấn, xô đẩy trong đầu óc của Thu. Cả người Thu như đang trôi bồng bềnh. Phía dưới là vực thẳm sâu hun hút mà hình như Thu đã ngã xuống đấy và đã kêu gào thảm thiết. Phải rồi, Thu đã gào thảm thiết. Cảm giác nức nở còn như vướng lấy cổ họng, còn như đọng trên bờ mi, còn như làm run rẩy vành môi khô héo. Nhưng thực sự cái gì đã xẩy ra vậy kìa. Thu cố níu lấy một phần nào ý nghĩ để mong chụp bắt được những mảnh sống thực và mộng đã rã rời như sự rã rời mệt mỏi cũng cực đã khiến Thu không thể mở mắt ra, không thể nhấc nổi cánh tay trở dậy. À! Hình như có một biến cố nào vô cũng quan trọng xẩy ra đâu đó trong cuộc đời hai mươi năm làm con gái của Thu. Giọng mẹ vẫn thì thào như luồng gió ấm thổi qua tai:

– Trễ rồi…trễ rồi…con gái của mẹ…

Óc Thu vụt sáng rỡ như bầu trời tăm tối vụt được rọi một luồng hào quang. Thôi khỏi cần thắc mắc nữa rồi. Khỏi cần tỉnh dậy. Khỏi cần mở mắt ra Thu có thể nằm yên đó nhắm mắt thật kỹ cũng biết được cái gì đang xẩy ra ở quanh đó. Hẳn nhiên mẹ đang mỉm cười ánh mắt trìu mến.

Căn phòng quét vôi màu xanh tràn ngập ánh sáng. Ở góc kia một tấm gương chói lòa. Tấm gương của chiếc tủ phấn do anh chị Thúy mua tặng vào dịp cưới của Thu này đây. Tấm gương cao vừa đúng đầu người, đúng đầu của Thu thì phải hơn. Thu đã soi mình vào đấy. Áo cô dâu rực rỡ như cánh bướm đầu xuân. Chiếc voan choàng đầu mềm như suối tơ, nhẹ như cánh hồng dìu được tâm hồn của Thu bay bổng lên trời cao. Vòm trời chan hòa hạnh phúc. Có Thu có anh Sơn. Anh Sơn vững chãi như một cây thông giữa trời mà Thu chỉ ví mình như một cánh bướm nhỏ xíu bám trong vòng tay của anh. Đám cưới xẩy ra như một giấc mơ. Tất cả mọi người thấp thoáng ẩn hiện như đoàn người trong mộng tưởng. Không thể nhớ được. Không thể phân biệt được chuyện gì xẩy ra trước, chuyện gì xẩy ra sau. Kể cả cái hố sâu thẳm mà Thu đã té xuống rồi kêu gào. Nhưng tội gì mà nhớ cho đầy đủ. Hãy chỉ níu lấy giây phút làm Thu sung sướng nhất. Giây phút tưng bừng ở nhà thờ, có cha Thành trang nghiêm đọc những lời cầu chúc cho đôi lứa. Rồi anh Sơn…Ôi! Anh Sơn của em. Có phải anh đã đeo vào ngón tay em , ngón áp út chiếc nhẫn cưới xinh xắn nhất trên đời. Chiếc nhẫn ràng buộc đời em với đời anh. Chiếc nhẫn sẽ theo em suốt đời và em cũng sẽ đi theo anh suốt cuộc đời khổ nhọc mà anh đang mang đi. Phải…em sẽ theo anh cho đến suốt cuộc đời. Khởi sự từ giây phút này đây. Giây phút mẹ kêu em ở đầu giường. Bàn tay của mẹ mơn man trên má. Chỗ có lúm đồng tiền. Hì. Đến thánh cũng không thể nhịn cười được vì nhột nhạt. Mình sẽ mở mắt ra và sẽ thấy mẹ cười. Căn phòng sáng rạng rỡ. Ở góc phòng là một tấm gương gắn trước tủ phấn. Đấy là tủ phấn của cô dâu. Dậy…con gái của mẹ…bao nhiêu là việc phải làm mà cô ngủ ưỡn ra thế này thì hỏng hết. Ngủ dậy trễ, sau chồng nó chê đó!

Thế là Thu mở bừng mắt ra. Mỉm cười một nụ cười. Cơn nấc như còn vướng nghẽn trong cổ họng. Sức nặng nào vẫn còn làm nặng trĩu riềm mi. Vành môi khô héo. Nhưng việc đầu tiên là Thu nhìn vào góc phòng. Hai chiếc tủ phấn cô dâu còn đó. Tấm gương chói lòa. Những hộp son, phấn, bàn chải, lược còn nguyên ở đó. Mình sẽ trang điểm cho kỹ càng. Bao nhiêu người ngó chớ ít sao. Bộ áo trắng cô dâu rực rỡ như cánh bướm. Chiếc voan choàng đầu mềm như suối tơ. Ta cùng Sơn bay bổng lên trời cao. Thu lại mỉm cười nhìn mẹ. Cặp mắt long lanh sáng. Sáng hơn bất cứ vì sao nào sáng nhất trên bầu trời. Mẹ nhìn Thu bỗng nước mắt ràn rụa. Mẹ quay đi thật nhanh. Ồ! Anh Sơn không có gia đình. Anh Sơn chịu ở rể mà, sao mẹ còn buồn. Mẹ vui lên đi cho ngày cưới của con được trọn vẹn. Áo của con đâu. Chiếc áo mà suốt đời người phụ nữ nào cũng mơ ước được mặc một lần.

Mẹ nhoài tay lên rút xuống chiếc áo trắng. Có cả tấm voan, Thu nhẩy bổ lại trước gương. Vừa mặc vừa ngắm nghía. Thu vui sướng quên bẵng ngay mẹ mình vừa chạy vụt ra khỏi phòng đóng cửa lại. Ở phía tường bên kia, có tiếng mẹ khóc vẳng lại. Mẹ thật buồn cười. Con đi lấy chồng. Nhưng chồng con đi hành quân xa thỉnh thoảng mới về. Con vẫn ở với mẹ mà, sao mẹ buồn.

Chiếc áo này có vừa không. Nó rộng và dài. Nhưng nó là áo cô dâu. Mình là cô dâu, choàng khăn này. Còn phải đi hài nữa chứ ! Thu lăng xăng đi tìm đôi hài. Đôi hài đâu nhỉ. Thu nhớ mình dã xài và đã cất kỹ đâu đó trong một ngăn tủ. Thu lại mở tủ. Những bộ quần áo của anh Sơn xếp ngay ngắn bên cạnh những bộ quần áo của Thu. Ôi, anh Son. Anh mới đi không đầy năm ngày mà sao em nhớ anh quá đỗi. Hơi hướng của anh còn phảng phất đâu đây. Nhất là mùi thuốc lá đã từng ướp lên tóc của em. Mùi quen thuộc không thể quên đươc.

Thu ngẩn ngơ với đám quần áo, mãi rồi mới nhớ ra rằng mình đang đi tìm hài. Nàng thu được đôi hài ở góc tủ, trong một chiếc hộp còn thơm mùi giấy mới. Thu đi hài. Thu lại ngắm mình trong gương. Thật đủ bộ cho một cô dâu. Áo voan trắng, đầu trùm voan trắng, chân đi hài. Bộ quần áo hơi thô nhưng miễn mình là cô dâu. Suốt ngày hôm nay mình sẽ là cô dâu. Bao nhiêu người sẽ ngắm, bao nhiêu người sẽ trầm trồ khi mình xuất hiện. Thu lắng tai nghe. Quả nhiên ở nhà dưới đang ồn ào. Đông thật. Mẹ đâu rồi. Mẹ dẫn con xuống không thì con ngượng chết. Mẹ hiện ra ở cửa phòng. Mẹ ôm chầm lấy Thu khóc nức nở, Thu cũng sung sướng chẩy cả nước mắt. Nhưng rồi Thu cười ngay. Lấy anh Sơn chứ lấy ai mà sợ. Chắc anh chàng đang sốt ruột lắm phải không. Em xuống với anh đây. Thu mở cửa phòng. Đôi mắt rực lửa. Miệng Thu mỉm cười. Thu cố gắng lấy vẻ duyên dáng.

Nàng tự nhủ mình phải đi thật thẳng. Bước thật chậm. Bao nhiêu là người nhìn kìa. Khi bước xuống bậc cầu thang, quả nhiên tiếng ồn ào đông đảo bỗng dưng tắt ngúm. Tất cả mọi người đều nhìn lên. Thu muốn xốc lại chiếc áo, nhưng làm thế kỳ quá mặc dù Thu thấy mình luộm thuộm.

Chỉ có chiếc voan trên đầu là sửa được. Nó sụp xuống mắt. Thu thò tay ra mé sau, kín đáo kéo cái giải xuống thêm một chút. Chiếc voan nhích qua vầng trán rịn mồ hôi. Thu lại nhìn rõ mọi người. Tất cả là người quen thuộc đây, nhưng Thu không thể phân biệt ai với ai, đông lắm. Người nối người. Cả ngần ấy khuôn mặt đều hướng về phía Thu. Mắt Thu càng thêm sáng. Thu bước thật chậm. Ồ! Mình sẽ đi tới đâu kìa. Bạn phù dâu tệ thế, không biết chạy cả đi đâu. Anh Sơn đâu ? Anh Sơn đứng chỗ nào nhỉ?

Thu quay lại tìm mẹ. Bao giờ thì mẹ cũng gỡ cho Thu qua khỏi cơn bối rối. Quả nhiên mẹ đã năm lấy tay Thu. Bàn tay già nua, run rẩy, Thu thấy yên tâm hn đi. Tất cả mọi người đều đi ra. Thu đi theo họ, Thu hỏi:

– Mình đi đâu hả me.

Mẹ ấn Thu vào một chiếc xe hơi rồi thì thào:

– Lên nhà thờ con ạ.

A! Nhà thờ của cha Thành. Anh Sơn sẽ đeo cho mình chiếc nhẫn thật là xinh.

Thu lần tay xuống ngón áp út. Chiếc nhẫn còn nguyên ở đó. Nó làm cho Thu lại nhớ đến anh Sơn. Anh Sơn ngồi xe nào kìa. Nhưng không hề gì. Ta sẽ gặp nhau lại trong nhà thờ. Dưới tượng Chúa. Trước mặt cha Thành. Mình sẽ nguyện cầu hai đứa suốt đời không xa nhau. Nhà thờ đây rồi. Cha Thành đứng trang nghiêm như tất cả mọi lần. Quyển sách nhỏ mở sẵn cha cầm trên tay. Cha bảo Thu quì xuống. Nhưng Thu hỏi còn anh Sơn. Anh Sơn đâu rồi. Chồng con đâu rồi. Thưa Cha. Cha không đáp, nhìn Thu đăm đăm. Thu nhớn nhác nhìn quanh nơi làm lễ. Vẫn đám đông quì gối ngoan ngoãn. Vẫn tiếng cầu kinh rì rào. Khung cảnh y hệt như cách đó vài hôm, đúng ra là một tuần lễ, khi Sơn đeo cho Thu chiếc nhẫn này. Bây giờ Sơn đâu. Thu muốn kêu to lên để gọi cho Sơn nghe thấy. Nhưng đây là nhà thờ. Có cả cha Thành. Hãy hỏi cha. Thưa cha, chồng con đâu. Mấy hôm trước chồng con còn đứng đây. Sao cha không nói. Sao cha không trả lời. Còn mẹ Thu đâu. Bà đã khóc ngất đi ở chiếc quan tài. Trên có phủ quốc kỳ. Có cả những vòng hoa cườm. Thu nhẩy bổ lại. Thu hét lên. Thì ra cái vực thẳm chập chờn trong giấc ngủ hôm qua ấy là đây. Nó hiện ra trong khoảnh khắc. Thật phủ phàng. Thu như được rọi thêm đôi chút ánh sáng vào đầu óc mù mịt bồng bềnh của mình. Nàng nhìn lại tấm áo cưới. Nàng nhìn lại tấm khăn choàng cô dâu. Thu hét lên điên cuồng. Nàng quên cả là mình đang đứng trong nhà thờ. Quên cả cha Thành đang đứng trước mặt. Chỉ còn một vật vô tri mà nàng phải cấu xé. Nàng đã cấu xé gào thét. Anh Sơn Anh Sơn. Chiếc áo đại tang và vành khăn xô đang xụp xuống đôi mắt rực lửa của nàng đã rách bươm ra tơi tả.                                                                           

Nhật Tiến

Quê Hương Tôi… Đồng Bào Tôi… Hồi ký Đỗ Phương Khanh


Đỗ Phương Khanh

Bách Khoa

(Đã đăng trên Báo Bách Khoa, số 267, Tân Niên 1968, số đặc biệt về biến cố Mậu Thân)

Tôi vẫn thích xem những phim chiến tranh để mà sợ chiến tranh hơn, thích đọc thơ phản chiến để mà mơ ước ngày quê hương im tiếng súng, thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn.

Tôi vẫn thích xem những phim chiến tranh để mà sợ chiến tranh hơn, thích đọc thơ phản chiến để mà mơ ước ngày quê hương im tiếng súng, thích nghe nhạc T.C.S. để mà thấy thêm yêu chuộng hòa bình.

Nhưng thật ra là dân đô thị, tôi cũng chưa thấu rõ được chiến tranh là thế nào. Đó đây trong trí nhớ của tôi chỉ thoảng qua một vài hình ảnh người đàn bà đi buôn hàng chuyến dọc đường bị mìn, cả khuôn mặt nát bấy còn lại vài cái hốc và những mảng thịt bầy nhầy di động cố thì thào:

– Con tôi, các con ơi…

Hoặc bà mẹ trẻ bế con mới sinh chạy hớt hải, tới khi nhìn xuống tay thì chỉ còn lại mớ tã lót bọc trong cái chăn, con đã lọt đi từ lúc nào, bà ta chạy nguợc lại thì ra dòng người chen chúc xô đẩy đã vô tình dẫm nát đứa nhỏ. Chỉ vài ba hình ảnh vụn vặt với cái tầm kiến thức về hiểm họa chiến tranh rất nghèo nàn của tôi như thế cũng đã đủ làm tôi rùng mình ghê sợ không muốn nhớ tới nữa. Và, như những người thích thanh bần, tôi cũng không muốn hiểu biết dồi dào thêm về mặt này.

Nhưng với chiến tranh, tôi không còn có quyền muốn hay không. Nó tàn nhẫn dạy dỗ, nhồi nhét cho tôi được hiểu biết. Tôi đã biết. Và tất cả dân đô thị đều đã biết, biết rõ ràng những đau đớn, thống khổ, tang tóc do chiến tranh gây ra. Biết vào đúng lúc lòng đang phơi phới mừng Xuân mới, biết vào lúc đang tung tăng trên đường đến Chùa, đến Nhà Thờ, lúc đang điểm trang, đang nhận tiền lì xì và các cô cậu bé biết cả vào lúc đang nhí nhảnh trước gương làm điệu hiệp sĩ….

Họ đã đổi lấy sự hiểu biết này bằng nhà tan cửa nát, bằng sinh mạng, bằng cánh tay, bằng cẳng chân, bằng máu, bằng bơ vơ xó chợ đầu đường ngay giữa ngày Xuân.

mauthanhue19681

Đây chiếc xe lam chở người đàn bà và đàn trẻ mặt mũi nhọ nhem, trong đó có một đứa mặt xanh ngắt, máu đỏ thẫm đã ngả đen bê bết trên chiếc áo sơ mi mới tinh, một cánh tay còn nát bấy lèo nhèo thịt lẫn với vải rách. Bà mẹ mặt mày ngơ ngác kinh hoàng nhìn tai nạn chụp vào đứa con yêu quí, chỉ còn biết giữ chặt lấy cánh tay chết của con như ước mong có phép mầu gắn lại. Kia, một ông mặc complet vừa chạy vừa đẩy chiếc xe Scooter mồm la hét inh ỏi, ông ta quá sợ không dám dừng lại để đạp cho xe nổ máy.

Tất cả đều kinh hoảng tột độ. Họ chết, bị thương vào những giây phút bất ngờ nhất. Họ đã được yên tâm, được ru ngủ bằng lời hứa hẹn “hưu chiến đầu năm”. Họ đã được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn, thiệp mời in long trọng trên giấy kim nhũ, yêu cầu thực khách mặc lễ phục, để được thết bằng những món ăn tẩm thuốc độc.

Suốt những ngày khói lửa, tôi vô dụng đối với đồng bào. Tôi không giúp được gì khi được tin chồng chị bạn tôi chết giữa ngày Mồng Hai Tết, sau khi từ biệt chị để vào trại chiến đấu cùng đồng đội. Chị mếu máo:

– Hôm qua tụi em hẹn nhau tối nay đến mừng tuổi anh chị. Thế mà anh ấy bỏ em rồi. Anh ấy mới còn ngáp đây mà đã chết rồi.

Tôi không làm được gì cho chị giúp việc cũ của tôi. Nhà chị bị pháo kích cháy, chị cuống cuồng cắp hai đứa con ba và hai tuổi ra đường, chạy được vào định bế nốt con bé ba tháng thì mái nhà sập xuống. Chị tức tưởi:

– Cháu còn thấy nó dẫy trên võng. Tại đạn bắn rát quá nên mãi lúc cháy to cháu mới liều chạy ra. Cô ơi! Tội nghiệp nó quá, người nó teo lại bằng con gà quay mà bụng còn nguyên máu đỏ.

Tôi không thể làm vơi nỗi đau khổ của họ. Những lời an ủi đều vô nghĩa. Một mớ quần áo cũ, chút tiền cứu trợ có nghĩa gì với nỗi đau đớn tột cùng kia. Tất cả chỉ để cho họ được an tâm phần nào trong khi sự đau khổ đang xé nát trái tim họ.

Nhưng cũng có những hành động đẹp như bát nước mưa mát rượi tưới vào những cõi lòng héo hắt. Đó là những cụ già tóc bạc còn lặn lội đi hiến máu, những giọt máu của người già thật quí đối với họ, nó giữ gìn chút hơi tàn cuối đời mà cũng cố san sẻ để giúp nhân loại. Những cô cậu học sinh mò mẫm đi các trung tâm cứu trợ để giúp đỡ cho đồng bào tị nạn, các anh lái xe taxi, xe lam, xe honda, xe gắn máy ngược xuôi đi chở giúp những người bị nạn dời ra xa chốn bom đạn để tới những trạm tiếp cứu và những anh lính chiến len lỏi mò mẫm tìm đủ mọi cách tới được đơn vị, để chống giữ và đẩy lui những tang tóc đau thương đang tràn vào chụp thêm lên đầu dân chúng.

Trong những ngày dài dặc lo âu và xúc động, tôi thường nhìn những đứa nhỏ trong trại tị nạn đã mất cả cha mẹ một sớm một chiều – những đứa trẻ chẳng hiểu tang tóc đã đến, còn nhe răng cười khi thấy thằng bạn trượt chân – nhìn bà mẹ mất con mà phải dẹp đau đớn trong lòng, chen lấn để giành cho những đứa còn lại một chỗ nằm kín gió, nhìn ông già ngồi cạnh miệng cống đăm chiêu quấn điếu thuốc sâu kèn, để mà tự hỏi:

“Liệu tôi có nghĩ đúng khi cho rằng chỉ cần buông súng xuống là có hòa bình hay không ? Và còn có đời sống tự do hay không? Hay sẽ là những cuộc thanh trừng tàn sát còn đẫm máu hơn nữa”.

Tôi nghĩ…, tôi nghĩ…

***

Tôi không còn muốn nghĩ gì nữa. Từ thuở bé, tôi được ân huệ trời dành một nguồn hạnh phúc vô tận, là hằng đêm thường mơ thấy những giấc mộng đẹp. Tối lại, tôi đi ngủ với hy vọng gặp những giấc mộng. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng gặp ác mộng. Đại khái là một bà già hình dung cổ quái nhe răng nhìn tôi, rồi cánh tay bà vươn ra muốn chụp lấy tôi. Tôi cố chạy mà không thể được. Những cơn ác mộng của tôi thường được kết liễu bằng sự cố chạy mà không được, tôi sẽ tỉnh lại bằng tiếng la của chính tôi.

Cơn ác mộng đã đến với tất cả các đô thị, đã đến với đồng bào tôi…. đến trong mùa Xuân … trong tiếng pháo nổ tưng bừng…. Không ai có thể la hét lên để mong tỉnh lại. Chỉ còn ao ước ác mộng chóng qua và những ngày thanh bình êm đềm cũ lại trở về.

Đỗ Phương Khanh
Sài Gòn -1968

Nguồn: http://khaiphong.net/showthread.php?18756-Tuy&%237875;n-t&%237853;p-&%23272;&%237895;-Ph&%23432;&%23417;ng-Khanh

 

Dưới Bến Trên Thuyền. Tuỳ bút Tường Bách


Tường Bách

(Bài của nhà văn Tường Bách được đăng trên báo Ngày Nay số 3, in tại Hà Nội ngày 20/02/1935)

Bờ sông Hà Nội, ngay ở chỗ bến thuyền, là một nơi ít người để ý đến, ít để ý đến cách sinh hoạt của dân cư dưới bãi cát hay trên thuyền bè.

Người ta có đi qua cũng chỉ thấy một khung cảnh vui vẻ, tấp nập, tuy bây giờ đã kém xưa, hồi mấy năm về trước nhiều lắm. Cái rừng cột buồm thẳng tắp, khi trước chi chít, bây giờ trông có vẻ lơ thơ, buồn bã.

Những thuyền chở gỗ từ Yên Báy, Phú Thọ, chở than từ Đông Triệu, Quảng Yên, chở muối từ Nam Định, Thái Bình, tuy vẫn lui tới, nhưng chỉ còn ít. Ngoài cái nguyên nhân từ khủng hoảng kinh tế ra, còn vì lẽ những hàng hóa ấy người ta chở bằng tầu hỏa hay tầu thủy, nhanh chóng hơn và giá vận tải cũng không cao hơn là mấy.

May ra có những thuyền những thuyền Nghệ chở nước mắm là còn giữ được chút phồn thịnh ngày trước. Những chiếc thuyền đi bể này, trông to lớn, cột buồm cao vút với lá cờ phấp phới trên ngọn, hai bên mui vẽ mắt như mắt cá và rồng phượng nhiều màu như để dọa nạt những cơn sóng ngất trời ở giữa bể khơi. Một chiếc thuyền ghé vào bến Hà Nội như thể mang tới một chuyến hàng độ bốn năm trăm tấn, ngày trước có khi đến hằng nghìn. Hàng ấy chứa đầy trong đáy thuyền tối om và sâu như cái giếng, thường thường chỉ có một cái lổ vuông bằng cái bàn con để thò gáo xuống múc lên.

Bán hết rồi, họ xuôi về Nghệ. Về mùa này, phần nhiều họ đợi được gió bấc rồi mới quay mui. Người Nghệ đi bể quen nên đoán thời tiết rất giỏi. Nhiều khi, trời nắng chang chang, gió nồm thổi ẩm ướt, mà họ cũng sửa soạn cho thuyền quay về: thế là tối hôm ấy tự nhiên trời đổi lạnh, gió bấc thổi vù vù đưa những thuyền Nghệ xuôi ra bể nam.

Đời những người làm thuyền thật vất vả. Quanh năm sống trên mặt nước, những công việc khó nhọc và nắng mưa, gió bể đã khiến cho tay, chân họ thành chai và da dẻ xám đen già cỗi. Lắm khi còn phải chống cự với nhưng cơn gió táp lúc đang lênh đênh trên mặt sóng.

Mà những phu-phen làm việc ở bờ sông cũng khó nhọc như vậy. Họ phải vác những bao to hay gánh những gánh nặng đầy sỏi, cát hay than đá đen sì, trèo từ dưới thuyền lên bờ sông, dốc và gồ ghề. Những phu kéo gỗ nhiều khi phải giắt giây nhau chừng hai mươi người mới kéo nổi một cây gỗ lên cạn. Mồ hôi chảy nhễ nhại trong lúc trời rét như cắt, họ vừa ra sức vừa hát những câu tình ái kéo dài bằng những tiếng “ới a”, và thỉnh thoảng lại điểm một tiếng “dô ta” vang động cả bờ sông. Mỗi ngày như thế, tiền công được độ hai ba hào không cơm là nhiều lắm. Ăn uống lẽ tất nhiên là rất khổ sở. Và tối đến, họ chui rúc vào những nhà nứa lợp gianh ở Cấu Đất, những nhà thấp nhỏ, chật chội, bẩn thỉu và tối tăm không chút vệ sinh.

************

Bãi Cầu Đất cũng như mọi nơi khác, bên bờ sông, thật là chỗ tụ họp của người nghèo: phu phèn, thợ thuyền, buôn bán lặt vặt, như quà bánh chẳng hạn, chen chúc nhau trong dãy phố tồi tàn ấy. Đã vậy, nhiều khi nước lên to, tràn ngập cả, tình cảnh lúc đó mới thật là khốn đốn, vì còn biết chạy đi đâu. Ở bãi Cầu Đất, ta thấy rõ cái cảnh nghèo hèn, cách ăn ở khốn nạn của bọn mà ta gọi chung cả một tiếng là bọn hạ lưu. Nhưng khốn nạn thì khốn nạn, bao giờ họ cũng tìm được cách mua vui, những cuộc vui tai hại như rượu chè, cờ bạc.

Ở bến tàu thuỷ, quang cảnh vui vẻ hơn, vì sạch sẻ, sáng sủa hơn đây là lẽ tự nhiên. Nhưng lắm khi ta thấy, giữa đám đông người vừa ở dưới tàu lên, một cô gái quê ngớ ngẩn, tay cắp thúng trông bốn phía như tìm đường đi. Rồi có một người đàn bà chạy đến, nói cười một lúc rồi dắt cô đi theo. Người nhà hay quân giỗ người? Không biết chắc, nhưng ta đã nghĩ rằng cô gái quê ấy đã bước bước đầu trên con đường trụy lạc trong thành phố Hà Nội mà cái tiếng phồn hoa đã gọi cô đến nơi.

Ngoài những kẻ giỗ người, còn có những kẻ rủ người đi để bóc lột nữa. Một hôm, tôi đương đứng hứng gió bên bến tàu, bỗng có một anh quần áo cánh trắng tiến lại sẽ hỏi:

– Gỡ không?

Tôi chợt nghĩ đến bao nhiêu người ở dưới tàu lên thì giàu có, rồi chỉ vì một tiếng gỡ, mà phải ăn mày về tàu. Muốn cùng chung một số phận như họ, tôi đáp:

– Gỡ gì?

– Xốc dĩa, xì phé gần đây

Anh ta đưa tôi qua bãi cát, tới gần cầu, và lên một chiếc thuyền con chở ra giữa sông đến một cái nhà bè rộng rãi. Trong đó, đủ các hạng người đang sâu sé nhau. Mà trong đó, người hạ lưu không phải ít. Trong bộ quần áo bẩn thỉu, rách vá, họ ngồi để bị bóc lột, hình như sung sướng lắm. Trông những đồng tiền họ vứt đi, tôi lại nhớ đến bao nhiêu ngày họ phải khó nhọc, vất vả mới kiếm ra được.

Dưới bãi bờ sông thật là nơi tụ tập của người tứ xứ. Chỉ có những người các tỉnh khác, vì kinh tế phải rời làng đi kiếm ăn ở Hà Nội. Nghèo thì làm phu, làm thợ, mà giàu có hơn thi buồn bè, buồn nứa.

Cách sinh hoạt trên những nhà bè cũng có nhiều cái thú vị. Lênh đênh trên mặt sóng, nước lên đến đâu dâng cái bè lên đến đấy. Nhiều người quanh năm ở trên nhà bè, sống về nghề chài lưới. Còn những người buồn nứa, đến mùa nước cạn, họ làm một cái nhà trên bãi cát để ở.

Trông chỗ nhà bé ấy với cái nhà gianh thấp hẹp, nhiều nhất là những cái vòm tựa như cái cống làm bằng mui thuyền cũ, dưới đặt mấy cây nứa để ngủ, nằm rải rác trên bãi cát rộng, ta tưởng tượng như đứng giữa một bãi sa mạc bên Phi châu. Mà nói cho đúng, cách ăn ở của người mình ở đây cũng chẳng hơn người da đen là mấy.

Ngày họ đi làm, chẻ nứa hay bó nứa, tiền công độ một hào, hào rưởi, mà là công việc nhẹ, phần nhiều đàn bà trẻ con làm. Con bọn đàn ông thi đi giắt bè, những bè nứa từ trên Chèm về, đóng thành từng lớp, hay khuân vác những cây nứa. Như thế, họ sống cũng phong lưu. Phong lưu đối với họ, chứ trông bữa cơm với nhà cửa của họ, ta không thể hiểu sao họ sống lượm thượm đến như thế được.

Những cái nhà vòm, nhiều cái chỉ rộng bằng miệng cống, mà ở trong, nếu kê một cái giường có lẽ không đủ chỗ. Anh sáng chiếu vào chỉ rõ những cái chiếu cũ, rách giải trên sàn, và trong một góc, bát đĩa, quần áo để lộn xộn. Thế mà đêm đến, trong cái cống ấy, năm sáu người đàn ông, đàn bà, trẻ con lăn lộn co quắp ngủ trong một giấc say sưa.

Còn những cái nhà hơi ra hồn nhà một tí, thì cũng bẩn thỉu, chật chội như thế. Và mùa đông những tấm phên mỏng đầy lổ hở, chống sao nổi với cái lạnh căm căm theo luồng gió bấc thổi mạnh trên bãi cát mông mênh –  mà những ngày nắng rát, trên mặt trời chiếu xuống chói lọi, dưới hơi cát bốc lên, tưởng không còn chỗ nào nóng hơn được nữa.

Họ sống như thể, nhưng họ không lấy làm khổ lắm.  Họ hình như thản nhiên chịu cái số phận vất vả, khốn nạn, mà ít khi, ta thấy họ kêu ca oán thán lấy nữa lời.

Nhẫn nhục, biết phục tòng số mệnh, có nhẽ là cái đức tính to nhất của dân ta, dù ở nơi trên biển, dưới thuyền hay trong luỹ tre xanh cũng vậy.

Tường Bách

 

 

Phi Lạc Sang Tàu. Hồ Hữu Tường


Hồ Hữu Tường

PHI LẠC SANG TÀU

Phi Lạc sang Tàu là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hồ Hữu Tường. Qua nhân vật thằng mõ làng Phù Ninh và dưới hình thức tiểu thuyết trào lộng, gần như ông thỏa sức giãi bầy những quan điểm chính trị của mình trước thời cuộc vào những năm thế giới vừa chấm dứt đại chiến thứ Hai và Việt Nam cũng vừa tuyên bố độc lập vào tháng 9 năm 1945.

Trích đoạn dưới đây nói về nhà sư Hồng Hạc, thuộc phái Hồng Môn, Trung Hoa Dân Quốc, do lời ủy thác của sư phụ là sư Hoàng Hạc có niềm tin rằng “Thánh nhân xuất hiện ở phương Nam” nên lặn lội qua Việt Nam để tìm quân sư mách nước trước hiểm họa Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo khi đó đang thắng thế ở Diên An.

Thằng mõ làng Phù Ninh có lần chơi dại, tự nhận mình là con của Ngọc Hân Công Chúa, tức dòng dõi vua Quang Trung Nguyễn Huệ (hay Hồ Thơm) và Hồ Quý Ly nên bị thằng mõ làng Cổ Nhuế gài bẫy khiến nó phải chịu mang cái vạ là nhà sư Hồng Hạc đề quyết chính nó là “thánh nhân” mà ông đang đi tìm.

Thế là thằng mõ Phù Ninh bị buộc lên máy bay, theo sư Hồng Hạc về Trung Hoa.

Và khi tới nơi, nó trổ tài khua môi múa mép về đủ mọi vấn đề, thể hiện đúng tính chất hoạt kê thời sự mang đầy tính chất trào lộng chính trị …rất Hồ Hữu Tường!

Xin mời độc giả thưởng lãm.

Nhật Tiến

………………………….                                                                                 

Máy tàu bay chạy ù ù khó thể nói chuyện với nhau được. Thằng mõ dựa ngửa trên ghế nệm, nhắm mắt lại mà tư lự…

Điều thứ nhứt, nó lo rồi đây, sang Tàu nó sẽ x­ưng là tên gì? Họ, thì nó đã có rồi. Khi đến làng Phù Ninh, xin làm chân mõ của làng ấy, nó đã học lỏm được câu chuyện tông tích của Hồ Quí Ly, Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm) và nghe người làng nói kín với nhau về chuyện Ngọc Hoa công chúa giấu con trong làng ấy.

Vả lại Hồ Quí Ly và Nguyễn Huệ là hai nhân vật được người Tàu kính sợ lắm. Nay xư­ng con cháu dòng dõi ấy cũng nên. Còn như­ cái tên, thì chọn tên gì cho xứng đáng với chức tối cao Cố vấn nước Tàu? Sực nhớ lại cha của Nguyễn Huệ có một cái tên nghe hay hay, là Hồ Phi Phúc, (Phi nghĩa là rộng lớn, Phúc là tốt lắm) nay mình muốn được công nhận là dòng dõi của họ nầy, thì dùng chữ Phi làm chữ đệm mới là phải cách. Hồ Phi. Được. Như­ng để tên gì? Suy đi nghĩ lại, không tìm được chữ gì cho xứng với chức tối cao Cố vấn của một nư­ớc sáu ngàn năm văn hiến.

Máy tàu bay chạy ù ù, ghế nệm êm, nó nghe như­ hai mí mắt nặng. Tha hồ cho nó xập xuống đánh một giấc dài. Đến khi nghe nhức lỗ tai, giật mình dậy thì tàu bay đang quay tròn trên sân toan đáp xuống. Chết chư­a! Hồ Phi . . . gì, nó vẫn chư­a biết!

Ở phi tr­ường không biết bao nhiêu người đón r­ước toàn là người sang trọng quyền quí, kẻ trí thức có, thư­ờng dân có, nó mới hiểu cái tai hại của một bữa nói khoác. Thật vậy, có dè đâu do một bữa nói khoác, muốn cho đồng nghiệp sợ mình chơi, nó vỗ ngực xưng rằng nó là con đích dòng Nguyễn Huệ. Ngày nay, đứng tr­ước những ngư­ời tài cao học rộng của cả n­ước Trung Hoa như vầy, nó mới hay rằng nó bị trác một cách tai hại. Làm sao mà ứng đối cho xứng đáng với cái danh mà thằng mõ Cổ Nhuế đã khoác cho? Đó là mối lo thứ hai. Thôi thì đã mang cái nghiệp nói khoác, thì cứ khoác càn. Tới đâu hay đó. Chẳng lẽ dân tộc Việt Nam đã sản xuất biết bao nhiêu ông trạng, từ ông Mạc Đĩnh Chi có tên trong sử sách, cho đến trạng Quỳnh, ngày nay chẳng lẽ anh linh của nư­ớc Việt Nam lại không ủng bộ cho nó, dìu dắt cái lưỡi của nó sao?

Chính với ý nghĩ ấy mà nó bắt tay các thân sĩ Trung Hoa.

Khi về đến khách đư­ờng, phân ngôi chủ khách xong rồi, thì s­ư Hồng Hạc mới chánh thức đọc bài diễn từ sau đây:

Thưa các ngài,

 Ba đời liên tiếp, s­ư tổ của tôi là Bạch Hạc, sư phụ là Hoàng Hạc và tôi, đã dày công nghiên cứu sấm ký, nhất là sấm của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Nhờ vậy mà chúng tôi biết rằng chúng ta sắp đến một thời loạn to tát, chưa từng thấy trong lịch sử  Trung Hoa. Mà muốn cứu vãn tình thế, phải cần có Thánh Nhân, người xuất tại phương Nam, nghĩa là ở Việt Nam.

Bởi thế, tôi mới chịu khó lặn lội ở quê người ngót tám năm nay, để tìm vị Thánh Nhân ấy. Nhờ hồng phúc của dân tộc Trung Hoa, sức mọn của tôi lại mang đến kết quả. Tôi đã sưu tầm, điều tra, lập kế để dời vị Thánh Nhân về đây…..

Trong đám thính giả có người hỏi:

– Không hay vị Thánh Nhân ấy tên họ là chi?

Sư Hồng Hạc nghe nói, mới hay rằng trong bảy tám năm mình đã nghiên cứu kỹ lưỡng tông tích người nầy, không sót chi cả, mà quên hỏi tên họ. Liền day lại nhìn thằng mõ, để hỏi nó, thấy nó đương chăm chỉ ngó ba con chim bay, vẽ trên tấm nhãn của bình mực vuông để trên bàn. Nhà sư­ liền hỏi nhỏ nó. Nó trả lời ú ớ:

– Hồ Phi….

Cái chữ thứ ba trỏ tên cúng cháo của nó, nó không biết phải dùng chữ gì, thì nó ầm ừ trong miệng nghe không rõ.

HO HUU TUONG (2)...

Sư Hồng Hạc thấy nó nhìn ba con chim vẽ trên tấm nhãn bình mực, chắc nó trỏ loại chim ấy, tức là một thứ thiên nga, nhỏ thì đặt tên là Hồng, lớn thì đặt tên là Lạc. Không lẽ một vị Thánh Nhân mà đặt tên Hồng. Thì chắc là tên Lạc. Phi Lạc, con chim Lạc to, hay là con chim Lạc bay vẫn có nghĩa. Nhà sư­ liền trả lời lớn:

– Ngài tên là Hồ Phi Lạc.

Trong đám thính giả có người nói rằng:

– Có cái tên như vậy m­ới đích là Thánh Nhân!

Cử tọa quay lại xem, thì là một học giả già, họ Hồ tên Thích. Mọi ngư­ời đều­ yêu cầu học giả giải thích tại sao? Đáp rằng:

– Ở đây không phải là hội khảo cổ, thì không sao đem bằng chứng ra mà nói một cách khoa học được. Vậy xin tóm tắt kết luận tổng quát của các nhà bác học vế vấn đề  nầy:

” Thời xư­a, sau đời hoàng kim của Nghiêu Thuấn thì loài người ngày càng trụy lạc. Có một bộ lạc của dân Việt toan rời bỏ cõi đất Trung Hoa để tìm nơi dung thân chờ vận hội tốt mà trở về chỗ cũ. Trong trí họ, họ rất yêu con chim kia, đông đem lạnh tới thì bay về Nam tìm ấm áp, chờ Xuân về thì cùng về với xuân. Tù trư­ởng của bộ lạc ấy họ Hồ mới lấy hình ảnh tượng trưng của chim nọ mà làm vật tôn sùng cho tất cả việc cúng thờ, ý muốn nhắc nhở chúng rằng khi thời đến, như mùa xuân đến thì trở về đất Trung Hoa mà làm cho t­ươi đẹp quê của đất tổ. Con chim ấy là con chim Lạc. Bộ lạc kia là bộ lạc Lạc Việt, nguồn gốc của dân tộc Việt Nam ngày nay.

Như­ng dân Việt Nam ngày nay đang say sưa theo cái đà Nam tiến, không khác nào con chim Lạc đang say mê ấm áp mà ở mãi phương Nam, xuân đã trở lại mà không hay, quên về quê cũ. Còn con “chim lạc bay” hẳn là con chim còn mê cảnh, nghe xuân về thì trở lại Bắc phương, lên tiếng gọi thức tỉnh đoàn chim đang đậu. Thế có phải là tên Hồ Phi Lạc mới thiệt là tên của một vi Thánh Nhân chăng?”

Những thân sĩ Trung Hoa nghe lời giảng như thế thì nghĩ thầm rằng:

– Người nầy đi đến đây chắc là một tay du thuyết, toan đem ba tấc lưỡi mà nói cho nước Tàu nhìn nhận nước Việt Nam độc lập. Vậy ta hỏi thử coi hắn trả lời làm sao cho biết.

Một người đứng dậy hỏi rằng:

– Ngày nay, n­ước Việt Nam đang gặp quốc nạn. Nội tình bị một cơn cách mạng làm xáo trộn cả. Đối ngoại, đạo binh viễn chinh của một c­ường quốc đến đổ bộ với hải lục không quân, ngài nếu có tài sao không ở lại mà giúp nước, lại đến đây làm gì?

Phi Lạc nhìn kỹ coi người ấy là ai. Té ra là một mưu sĩ của phái Hồng Môn, họ Bành tên Bái. Bèn nghĩ rằng, cầm vận mạng của nước Tàu không phải là Quốc Dân Đảng, cũng không phải Cộng Đảng, mà chính lá phái Hồng Môn đư­ơng bí mật tổ chức và điều khiển tất cả nhân tài của nư­ớc Tàu­. Nếu không làm cho người nầy phục, thì ắt là nhân sĩ Trung Hoa sẽ theo chất vấn mãi. Phi Lạc ­ung dung đá:

– Tuy nư­ớc Việt Nam chúng tôi đ­ương bị, Nam có quân đội Anh chiếm cứ, rồi trả lần lần lại cho người Pháp, Bắc có quân đội Trung Hoa đóng nhân danh tước khí giới Nhật, song chúng tôi có cách để giải quyết rồi, chẳng những mưu được sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, mà còn bồi đắp được nền hạnh phúc cho tổ quốc và xây dựng được tòa nhà lầu vinh quang cho con cháu. Ở Việt Nam, nhân tài đã thừa để mà làm việc ấy. Tôi sang qu­a đây không phải để lo cho nư­ớc tôi mà chính vì số phận của nư­ớc Trung Hoa.

– Nước Trung Hoa là một nước thắng trận. Một trong năm đại cường quốc. Cần gì phải lo cho số phận của nó?

– Ngài biết một chớ chưa biết hai. Quân đội Nhật tuy đã đầu hàng song số binh lính Nhật đào ngũ, ôm súng ống, giả làm dân quân cách mạng không phải nhỏ. Tàu tuy là nu­ớc thắng trận mà không được hư­ởng cảnh thanh bình. Đó là điều thứ nhứt, thuộc về chi tiết của ch­ương trình phá hoại của chánh sách Đại Đông Á của đảng Hắc Long, Nhật Bổn.

Điều thứ hai, là sự thống nhứt của nước Trung Hoa không chặt chẽ. Trước năm Đinh Sửu (1937), nước Tàu đã chia làm hai. Một bên theo Nam Kinh. Một bên theo Diên An. Bởi có nạn ngoại xâm, bởi Nga Mỹ cần bắt tay nhau mà chống với trục Phát-xít nên hai bên phải bắt tay nhau. Đó là việc tạm bợ.

Nay cừu địch đã bại trận không còn nạn ngoại xâm, lấy gì mà ngăn cái họa đảng phái tư­ơng tranh? Thêm nữa là sau trận giặc thứ Hai nầy, Nga Mỹ sẽ tranh hùng, giành nhau làm bá chủ thế giới. Nga lôi cuốn Cộng sản. Mỹ thôi thúc phái Q­uốc dân. Thì việc Quốc Cộng t­ương tranh đã không tránh được, lại còn như lửa được thêm dầu­, không sao tắt nổi.

Còn điều thứ ba là ngót tám năm binh lửa, chính phủ Trung Hoa vay nợ rất nhiều. Nay lấy đâu mà lo kiến thiết nước nhà, lấy đâu mà nuôi dân bị đói khát sau hồi khủng khiếp của chiến tranh?

Tôi xem ngài là kẻ rnư­u sĩ của phái Hồng Môn. Họa sờ sờ tr­ước mắt lẽ nào chẳng thấy? Sao không lo cứu vãn nước nhà để tránh cái họa của một n­ước mang tiếng là cường quốc mà không có chút thiệt lực?

Bành Bái nghe nói không biết đáp làm sao. Bỗng có người cất tiếng nói rằng:

– Phi Lạc là người khua môi múa mỏ. Đồng bào của ngư­ời qua đây khóc lóc cầu đảng ta ủng hộ không biết bao nhiêu, sao dám nói rằng dân Việt Nam đã có kế lớn và thừa nhân tài lo kế ấy?

Phi Lạc nhìn xem, người ấy là Trần Nguyên Bội giữ chức Đổng Lý Sự Vụ của phòng Trung Nam, tức là phòng để nghiên cứu chánh sách đối ngoại của nước Tàu đối với các xứ Miền Nam của mình. Phi Lạc biết rằng Trần Nguyên Bội muốn nói đến những chánh khách đã hì hụp sang Tàu mà cầu cạnh Quốc Dân Đảng ủng hộ. Điều ấy có thật. Nh­ưng không trả lời cho xứng đáng thì làm sao cho họ kiêng nể được, bèn đáp rằng:

– Kẻ trí phải biết phân biệt hư­ và thiệt. Kẻ thức phải rõ đâu là nhỏ đâu là lớn. Trong một cuộc v­ươn mình chỗi dậy của một dân tộc hai m­ươi lăm triệu người, tránh sao cho khỏi việc có người thấy không hết cả đại thể của cuộc vận động, rồi sanh ra băn khoăn, thắc mắc.

Nh­ưng tôi xin hỏi lại ngài: Những người đến cầu cạnh với nước Tàu có phải là những nhà văn, nhà tiểu thuyết, hay một số ít võ tướng nào đó phải không? Thế thì họ  làm sao có tầm mắt rộng rãi bao quát cả đại thể? Nhứt là những nghệ sĩ ấy dễ cảm xúc, bị một vài tiểu tiết ghi một ấn tượng nào đó là phóng đại ra làm một kết luận tổng quát rồi.Vậy thì sự lo lắng của họ không phải là sự lo lắng của cả dân tộc Việt Nam.

Tôi còn hỏi ngài lại một điều nữa: Ngài có thể tưởng t­ượng rằng họ đến với ngài vì kế chớ không phải vì thật tình chăng? Còn tôi, tôi dám quả quyết rằng đó là vì kế.

Cả trong phòng đều ngạc nhiên vì lời quyết đoán ấy, nên trố mắt nhìn, chờ xem Phi Lạc giải nghĩa tại sao lại là kế. Phi Lạc tằng hắng lấy giọng rồi nói:

– Thấy các ngài chăm chú nghe, chắc các ngài muốn biết kế ấy là gì? Nhưng không lẽ tôi là công dân Việt Nam lại mang lỗi lầm tiết lậu việc bí mật của quốc gia? Và không lẽ các ngài là con cháu của Trư­ơng Lương, Khổng Minh lại không biết kế ấy là kế gì nữa.

Trần Nguyên Bội nghe vậy, phát cáu nói rằng:

– Ngư­ơi đừng vì túng lý mà nói chận người khác. Ta đã biết rồi. Không có kế gì đâu mà hòng nói khoác!

– Ngài muốn cho tôi mang lỗi với n­ước tôi? Được! Xét ra, kế đã thành rồi, dầu có nói ra cũng không hại. Chỉ có ích lợi là giúp cho ngày sau, nhà làm sử hiểu rõ mà phê bình cho đúng thôi. Tôi chỉ ngại có một điều, kế ấy gạt n­ước Tàu. Mà nay tôi đến đây nói thẳng với các ngài vốn là mưu sĩ của nước bị gạt thì là hỗn láo một cách trắng trợn quá. Các ngài không tha trước, tôi không thể cắt nghĩa kế ấy ra làm sao. Tôi là khách, tôi phải giữ lễ. Chừng nào các ngài ép lắm, tôi mới chịu vô lễ mà vâng theo ý muốn của các ngài.

Cử tọa ồn ào kịch liệt, cãi nhau lăng xăng. Người thì bảo thôi bỏ việc chất vấn đi, kẻo hắn phanh phui ra không tốt gì. Kẻ thì trách sao Trần Nguyên Bội lại khởi sự vô lễ trước, hỗn láo với hắn, để cho hắn khinh miệt lại. Kẻ lại tức mình, ủng hộ Tr­ần Nguyên Bội, một hai yêu cầu Phi Lạc nói toạc móng heo ra. Nếu không đúng lý, thì phạt tội vô lễ đối với một cường quốc. Cãi vã như “bị chìm tầu” một lúc, lần lần khuynh hướng thứ ba  nầy thắng. Trần Nguyên Bội thay mặt cho tất cả mà nói rằng:

– Thay mặt cho cử tọa, tôi yêu cầu ngài nói rõ ra kế ấy làm sao? Nếu là phải, thì chúng tôi hứa hẹn không giận oán gì cả. Chúng tôi cũng hứa hẹn là chúng tôi không chấp những lời lẽ phạm đến chúng tôi. Nh­ưng mà…

Phi Lạc đứng dậy, ra dấu chận ngang lại và nói:

– Cho phép chúng tôi vô lễ mà chận ngang tại đây. Nhưng mà thái độ khoan hồng của các ngài chưa phải là thái độ cứu nước Trung Hoa được. Các ngài có thể tha thứ những lời đả động đến lòng tự ái của cá nhân các ngài. Biết nước Trung Hoa có rộng lượng như vậy chăng ? Không khéo thì Bộ Ngoại Giao của các ngài gởi thông điệp cho chính phủ Việt Nam, tỏ ý không bằng lòng. Rồi chánh phủ của nu­ớc tôi sẽ trách móc trừng phạt, tôi chịu sao nổi

– Không sao đâu! Câu chuyện này là câu chuyện ta nói riêng với nhau, một câu chuyện dầu nói thật cũng kể là nói đùa, là một thứ văn chương trào phúng. Ai mà nhột thì rán chịu, không được lòng ròng cái gì hết.

– Có vậy tôi mới dám nói chớ ! Số là nước Việt Nam chúng tôi là nước nhỏ. Sau khi Nhật bại trận, chúng tôi chịu một số rất nhiều tai ách.

– Tai ách thứ nhứt là mấy chục ngàn lính Nhật đào ngũ, toan ở lại làm mưa làm gió. Chính phủ chúng tôi khó cởi cái ách ấy bằng vũ lực được.

Tai ách thứ hai là quân đội lấy tư cách đến tước khí giới quân Nhật rồi chiếm đóng luôn xứ tôi. Làm sao mà mời họ đi?

Tai ách thứ ba là hình như một số thực dân toan đặt lại những quyền lợi đặc biệt của họ trên xứ sở. Làm sao mà tránh được?

Thử hỏi các ngài có kế gạt những tai ách ấy qua một bên chăng?

Phi Lạc dừng lại, nhìn cử tọa. Ai nấy đều lặng thinh.

Một chập, Phi Lạc nói tiếp:

– Ấy vậy mà việc các nhà văn, nhà báo đến cầu cạnh với các ngài, đó là cái kế mọn ấy! Họ đến kêu ca nói rằng nước Việt Nam xích hóa hết. Chánh phủ Tàu nghe vậy phát sợ. Việt Nam mà xích hóa  thì đường vận tải Vân Nam, Tứ Xuyên, Tây Tạng bị chận nghẹt. Nước Tàu đâm ra lo, phải bàn với Mỹ, với Anh. Nh­ưng dù là Tàu, hay Anh, hay Mỹ đều không thể lấy danh nghĩa nào mà can thiệp vào nội trị của nước Việt Nam cả. Họ phải nhờ nước Pháp tính giùm. Rồi rút lui hết, giao việc chiếm đóng và săn bắt Nhật cho quân đội Pháp.

Có phải là không kế ấy, cuộc vận động giải phóng của Việt Nam phải gặp đến bốn năm đối phương, cả thảy đều là cường quốc; còn với kế mọn ấy, cho mấy anh văn sĩ  chạy chọt chút đỉnh, mà Mỹ, Anh, Tàu đều rút lui, mà dân tộc Việt Nam chỉ còn lo nói chuyện với một nước là nước Pháp mà thôi không?

Cử tọa đếu khen hay. Còn Trần Nguyên Bội nín thinh, chịu phục.

Bỗng trong đám có người đứng dậy nói lớn:

– Các ngài làm gì mà hoan nghênh một kẻ khua môi múa mỏ, đang làm nhục chúng ta. Hỏi hắn có mưu chước gì làm cho dân hắn đừng quay đầu về vòng nô lệ thì nói thử ra coi.

Mọi người đều day lại xem là ai, thì ra là Trương Thế Hùng, người trong phái Hồng Môn, đương ngấm nghé cái ghế bộ trưởng Ngoại Giao mà chưa có cơ hội để chiếm lấy.

Phi Lạc không đáp, ngồi lặng thinh.

Ai nấy cũng chờ xem. Ban đầu êm, rồi lần lần xì xào có ý chê rằng Phi Lạc đã hết ý. Phi Lạc vụt đứng dậy. Ai nấy nín lặng nghe hắn trả lời làm sao. Thì hắn nghiêng mình tới trước, vói tay lấy bao diêm, đánh một que, đốt thuốc hút, có vẻ thản nhiên lắm.

Người ta lại ồn ào nữa.

Trương Thế Hùng lại đứng dậy nói:

– Các ngài đã rõ rồi đó! Hắn có mưu chước gì đâu! Chẳng qua hắn định uốn ba tấc lưỡi nhưng mà không tài, muốn học đòi Trương Nghi, Tô Tần mà kém sức.

Phi Lạc chờ tràng pháo tay dứt rồi mới đứng dậy ung dung đáp:

– Phàm nói chuyện phải biết đặt vấn đề. Tôi sang đây không phải tự tôi cầu. Điều này sư Hồng Hạc thừa biết. Sẵn ngài đây, ngài có thể nói rõ việc ấy. Tôi sang đây cũng chưa hề tỏ ý cầu cạnh gì với nước Tàu. Ông Trần Nguyên Bội làm chứng điều đó. Và tôi hứa ngày nào tôi còn ở trên đất Tàu, tôi không nói một điều gì để nhờ nước Tàu giúp nước tôi cả. Việc cầu cạnh giữa nước nầy với nước kia đã sẵn có sứ thần, ngoại trưởng hay ít nhất có đại biểu có ủy quyền. Còn tư nhơn mà lặn lội ở xứ người để kêu ca thì chỉ là kẻ không có tư cách…hay là kẻ dùng hư gây thiệt.

Tôi mới vừa nói đến vai trò của các nhà văn của nước tôi đến đây dùng kế, mà làm cho bộ ngoại giao Tàu bấn loạn. Ấy là tôi đã mách cho các ngài rõ vai trò của những người không tư cách, không thẩm quyền, đem chuyện xứ mình mà nói ở xứ người. Nếu tôi làm như thế nữa, sao cho phải phép.

Còn phần ngài, sau khi tôi đã trỏ một ngón ngoại giao khôn khéo của người nước tôi, ấy là việc các văn sĩ, nghệ sĩ đấn cầu cạnh nơi nước Tàu, thì ngài nên biết cho rằng mình mới được một bài học về ngoại giao, chớ nên sơ sót nữa.

Nghĩa là: gặp người ngoại quốc đến, không nên hỏi đến việc nước nhà của người. Hỏi như thế, họ có thể mượn dịp ấy mà gạt mình, bịp mình…Bài học chưa tiêu, ngài lại rơi vào lầm lỗi nữa. Buộc tôi trả lời làm chi? Tôi thấy ngài lăm le chiếc ghế bộ trưởng Ngoại Giao. Xin khuyên ngài hãy dằn lòng để cho nước Tàu được nhờ vậy!

Thế Hùng nghe nói đỏ mặt tía tai, bẽn lẽn rút lui ra ngoài.

Phi Lạc cung kính nói:

– Tôi lấy lòng thành thật mà nói với các ngài. Tôi đến đây không vì quyền lợi của nước tôi. Tôi đến đây không có mục đích gì khác. Tôi không đến cầu cạnh việc gì hết, các ngài tất nhiên không có quyền chất vấn tôi điều gì, bởi lẽ tôi không phải kẻ có tội ra trước công lý. Nếu các ngài không có điều chi lợi cho các ngài để bàn, thì xin phép cho tôi về xứ.

Sư Hồng Hạc lật đật đứng dậy can:

– Xin ngài chớ phiền. Cuộc gặp gỡ hôm nay đổi thành một trường thiệt chiến, điều ấy rất đáng tiếc. Đáng lẽ chúng ta nên cùng nhau xét những vấn đề tương lai của nước Trung Hoa như thế nào? Cách giải quyết nó làm sao? Chính vì những lẽ ấy nên tôi mới chịu khó nhọc rước ngài sang nước tôi để giúp ý kiến…

– Và chính vì lẽ ấy mà mở đầu câu chuyện tôi đã nói rõ rằng: “Tôi đến đây không phải vì nước Việt Nam mà là vì nước Trung Hoa vậy.”

– Vậy thì ta phải đặt vấn đề cho trúng cách. Vấn đề như thế này: Làm sao mà chủng hoạn cứu nạn cho nước Trung Hoa?

Cử tọa đều hoan nghinh lời hòa giải của sư Hồng Hạc…..

thumbnail

Hồ Hữu Tường

(trích Phi Lạc sang Tầu- Hồi Ba)

f6f908ab-e4cc-4557-9fe1-ccec841615e7

 

Một Thời Đang Qua, tập truyện Nhật Tiến. Lời giới thiệu của Nguyễn Ngọc Bích


Nguyễn Ngọc Bích

mot-thoi-dang-qua

(Tập truyện Một Thời Đang Qua sắp được nhà xuất bản Huyền Trân tái bản năm 2017)

Lời giới thiệu

(trong ấn bản in năm 1985)

Ở ngoài đời, tôi chưa bao giờ gặp Nhật Tiến. Điều này, nếu đối vớí cá nhân tôi có thể được xem là một sự thiệt thòi thì trái lại, đối vớí tác phẩm có khi lại là một điều hay: tôi không có cách nào khác hơn là đến với anh qua tác phẩm.

Tuy chưa được gặp anh song Nhật Tiến trong Văn Học Việt Nam thì không phải là một ai xa lạ. Sau khi bước vào văn đàn với truyện dài Những người áo trắng (1959) và nhất là Những vì sao lạc (1960) nói về những trẻ “bụi đời” có cả mười mấy, hai chục năm trước khi có từ ngữ sau này, anh đã, ở tuổi 25, đạt tới được một vinh dự không nhỏ là được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc cho hai năm 1961-1962 vì truyện Thềm Hoang do nhà xuất bản Đời Nay của Nhất Linh in ra năm 1961. Là người yêu văn học, từ đó không ai là không để ý đến những tác phẩm gần như năm nào Nhật Tiến cũng có mặt để đóng góp vào văn học miền Nam tự do.

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VĂN HỌC CỦA NHẬT TIẾN

Người ta để ý đến anh không phải vì anh viết nhằm vào cái sôi nổi, như Chu Tử với những Loạn, Ghen, Yêu của ít năm sau đó hay Hoàng Đông Phương (tức Nguyễn Thị Hoàng) của Vòng tay học trò hoặc Lệ Hằng của những năm 70. Người ta cũng lại không để ý đến anh vì anh đi tìm cái mới như Thanh Tâm Tuyền hay thử nghiệm nhiều như Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư trong thơ. Người ta tìm đọc Nhật Tiến vì anh rất “cổ điển”, cổ điển không thua gì những bậc đàn anh (và cả đàn chị) như Nhất Linh và Nguyễn Thị Vinh, những người đầu tiên đã nhìn ra văn tài của anh và khuyến khích anh trên con đường sự nghiệp.

Ở anh nổi bật lên những đức tính như một lòng thương xót bao la dành cho những kẻ xấu số trong xã hội, một con mắt thật tinh đời nhưng không ác ý, một trái tim ôn hòa nhưng không phải không biết phẫn nộ, một con ngườỉ thuần túy dành cho giáo dục (kể cả giáo dục có bề ngoài hình thức như ở trong học đường lẫn giáo dục tưởng như không có hình thức như báo chí, tiểu thuyết, truyền thanh, truyền hình… ).

Người ta, do đó, tìm ở Nhật Tiến một cái gì chân thật, một lương tâm xã hội đôi khi có thể xem là hơi lý tưởng quá nhưng lúc nào cũng đầy một lòng trìu mến đối vớỉ tuổi thơ (như trong Chim hót trong lồng, Chuyện bé Phượng, hay Tay Ngọc), đối với những người dân lành bị kẹt vào trong một cuộc chiến thảm khốc mà họ không có đủ trí tuệ hay hiểu biết để tách bạch, phân tích các vấn đề (điển hình như những truyện dài Giấc ngủ chập chờn hay Quê nhà yêu dấu, viết vào trong những giờ phút khốc liệt ngay theo sau trận Mậu Thân). Ở trong một khung cảnh chiến tranh mà nhiều khi ta cảm thấy như bị bẫy, không trách có người cảm thầy mình điên lên được, không trách có người điên thực sự như trong truyện ngắn “Tặng phẩm của dòng sông”, một trong những truyện ngắn hay nhất của anh và được lựa chọn vào trong tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương do nhà xuất bản Sống in ra ở Saigon năm 1973.

Ở Nhật Tiến có nhiều con người xa lạ, tưởng không bao giờ có thể gặp nhau trong một người. Từ ngày trưởng thành, là một sinh viên di cư vào Nam, anh trong căn bản là một nhà giáo. Ra đời, anh đi dạy tư ở Mỹ Tho, nơi đây anh gặp Truơng Cam Vĩnh. Đời sống tỉnh lẻ, anh không biết làm gì hơn là ngồi viết văn – trước hết là cho mình, chưa dám nói là cho ai khác vội. Rồi một cơ may (qua sự giới thiệu của anh Trương Cam Vĩnh) anh đã đến với Nhất Linh, và từ đó anh trở thành một tác giả có sách xuất bản. Hỏi anh có làm gì về văn chương trong khung cảnh học đường không? “Thưa không, tôi dạy Toán, Lý, Hóa….”

Cho đến tận những năm cuối cùng trước khi miền Nam sụp đổ, anh vẫn làm nghề ‘‘gõ đầu trẻ” và trong đám “trẻ” này đôi khi cũng có cả những ông bà trung niên được anh luyện thi mà nhiều người không hề bao giờ biết là anh viết văn. “Tôi không bao giờ nói về văn chương ở trong lớp cả”, anh tuyên bố.

Anh dạy từ khi mới vào đời, anh dạy từ trong thời gian dài làm báo, viết văn, anh dạy tư thêm trong lúc bị động viện, ở trong quân đội, anh dạy cả sau khi Cộng sản vào thành. Nói tóm lại, ở trong anh từ trước đến sau là một nhà giáo. Nhưng là vì anh dạy tư suốt đời nên khi Cộng sản vào, anh cũng không phải đi học tập gì nhiều. Anh chỉ phải theo có một đợt học tập ngắn ngày dành cho diện các văn nghệ sĩ (lần đó anh đi có cả Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Lệ Hằng, Nguyên Thị Hoàng v…v… bị gọi đi cùng). Và cũng vì người ta, cả xã hội chung quanh anh nhìn anh là một “ông thầy” dậy trẻ nên không ai nỡ tâm khai anh đã từng là giảng viên trong quân đội, Cục Chính Huấn. (Có ai ở trong hoàn cảnh này mới rõ được lòng yêu mến, tình bao bọc của đồng bào là quý đến chừng nào !)

Mãi đến năm 78 anh mới thôi dạy học vì trong một xã hội Cộng sản, dạy học dầu là Toán, Lý, Hóa….mà không được dạy theo ý mình, phải theo giáo án, phải theo chỉ thị, phải theo yêu cầu chính trị của Nhà nước và Đảng thì quả là hơn một cực hình. Anh chị Nhật Tiến quay ra mở quán cà phê. Ta hãy nghe Mai Thảo nói về anh trong giai đoạn này:

“Một buổi chiều Saigon, ít ngày sau khi 30 tháng tư 1975, ngồi sau chiếc xe gắn máy của Duyên Anh, cũng tác giả Ngựa Chứng Trong Sân Trường dạo quanh một vòng trên những phố phường tan hoang của thành phố vừa đổi chủ, tôi bổng nhìn thấy Nguyễn Thụy Long trên một khúc vì hè ở khu đại học Duy Tân. Long ngồi sau một cái quán lộ thiên mọc lên như nấm ở Saigon lúc đó. Tác giả Loan Mắt Nhung đang nhậu, mặt mày đỏ sậm, kính trắng dầy cộm. Và cạnh đó, là một quán hàng khác, với Nhật Tiến, Nhật Tiến không nhậu, không nhậu bao giờ, đang lụi hụi với một chậu nước và một chồng bát đũa nhớp cạnh một gốc cây.

Cái cảnh tượng đập vào mắt tôi lúc đó, về hai cái quán liền sát, cũng ở trước một vi tường thấp chạy dài, là cái cảnh tượng của một đối nghịch hoàn toàn. Mang chung sự thất thế của văn nghệ gác bút ra đường bán quán trước hoàn cảnh mới, cái quán của Nguyễn Thụy Long với những xị đế ngổn ngang trên mặt bàn và mấy người khách hàng trẻ tuổi cũng ngất ngưởng như Long, hiện rõ vẻ bụi đời anh chị. Cái quán của Nhật Tiến khác hẳn. Nó lành mạnh hơn và cũng gia đình hơn gấp bội, với những đĩa rau muống chẻ nhỏ đặt ngay ngắn, bên cạnh là một chảo mỡ sôi bắn khói bốc xanh um, chị Nhật Tiến má hồng củi lửa chiên những cái bánh tôm vàng ngậy và đứa cháu lớn, nơ cài mái tóc, váy xếp chững chạc đang phụ một tay với ông bố nhà văn.

Nhìn Long một bên, Tiến một bên, cũng đã lăn cả ra với sương nắng thời thế với gió bụi hè đường, cũng đã trở thành hai ông chủ quán tài tử bất đắc dĩ mà quán bạn là quán bạn, quán tôi là quán tôi, bạn anh chị bụi đời, tôi gia đình nghiêm chỉnh, tôi đã nhìn thấy một lần nữa, và lần đó là lần cuối cùng, điều tôi yêu thích và tự hào nhất cho văn nghệ miền Nam 20 năm, là cái trạng thái đa diện và đa dạng không bao giờ đồng dáng và đồng tính. Đó là cái thế giới văn nghệ của mỗi người một trời mình, mỗi kẻ một biển mình. Đó là vùng đất đai văn nghệ của mỗi người một non sông, mỗi người một sông núi. Cái không đồng dáng, không đồng phục nơi mỗi người trước bàn viết cũng như trong đời sống ấy, lại là điều văn nghệ miền Bắc đổ khuôn và con số thù ghét nhất. Và bởi vì thù ghét nhất nên muốn triệt hủy nhất. Đó cũng chính là nguyên nhân của đại nạn đã tới với mọi ngành văn học nghệ thuật muôn nghìn hình vẻ của ta. Và đương nhiên là đại nạn ấy cũng đã đến với Nguyễn Thụy Long và Nhật Tiến.

Nhớ hôm đó, tôi và Duyên Anh đã ngưng xe lại. Đã vào ngồi xuống mấy cái ghế đẩu thấp. Đã lên tiếng ca ngợi cái tinh thần quả cảm của gia đình Nhật Tiến, hàng ngày từ thật xa cổng xe lửa số sáu xuống, vui vẻ nhập được tức khắc vào nếp sinh hoạt mới ở quanh mình. Nhớ lời hôm đó, chúng tôi đã ăn ủng hộ Thềm Hoang Quán mỗi người một đĩa bánh tôm, rất ngon, và tôi đã hỏi đùa Nhật Tiến:

– Rửa bát thạo ngay. Giỏi nhỉ?

Và Nhật Tiến đã cười nụ cười bình thường, chừng mực, nụ cười hơi già trước tuổi một chút của một nhà giáo. Nhật Tiến bao giờ cũng trước hết xác nhận mình là một nhà giáo:

– Giỏi quỷ gì. Việc làm thì phải làm. Để cho ai đây

(Trích Văn số 6, tháng 12,1982)

TỪ VĂN CHƯƠNG ĐẾN HÀNH ĐỘNG

“Giỏi quỷ gì. Việc làm thì phải làm. Để cho ai đây”. Đúng là Nhật Tiến, một trăm phần trăm. Nếu anh đã không để cho việc viết văn của anh ảnh hưởng đến việc dạy học của anh trước kia thì giờ này, anh cũng lại không để cho sự thất thế của anh ảnh hưởng chút gì đến việc làm của anh – một việc làm hoàn toàn lương thiện.

Cuộc chiến trong những năm đầu 70 ngày càng vượt xa sự hiểu biết của người dân thường, ngày càng đi quá khả năng chịu đựng của ngay cả những người ý thức nhất. Nhưng trong khủng hoảng tinh thần, trong “bế tắc” đó (chữ của anh), Nhật Tiến vẫn không bỏ cuộc. Anh quay ra làm báo thiêú nhi, một việc làm mà anh đã có ít nhiều kinh nghiệm trước đó khi làm tổng thư ký tờ Đông Phương của Nguyễn Thị Vinh. Tờ báo Thiếu Nhi do nhà sách Khai Trí bảo trợ đã trở thành mối bận tâm chính của anh trong những năm từ 1971 đến khi mất miền Nam. Trong thời gian này, anh đã chuyển hướng sáng tác, đi từ truyện viết về thiếu nhi (như Chim hót trong lồng, Tay ngọc, một số truyện trong Ánh sáng công viên) hay thanh thiếu niên (Những vì sao lạc, v…v…) sang thành truyện viết cho và của thiếu nhi. Đây là những chuyện như Lá chúc thư (truyện dài, in năm 1969, trong tủ sách Vàng), Đường lên núi Thiên Mã, hay cả Thưở mơ làm văn sĩ (tuy viết dưới hình thức hồi ký).

Đều đặn, đều đặn anh sáng tác để thành một văn nghiệp khá đồ sộ: Trước 75, như vậy là anh đã có gần như mỗi năm một tác phẩm, mà nói chung, tác phẩm nào cũng viết một cách cẩn trọng. Giá như anh có ngưng ở đó thì chúng ta cũng đã có một văn nghiệp gồm 11 truyện dài, 4 tập truyện ngắn, 1 truyện thiếu nhi, 1 tập viết dưới hình thức hồi ký, 1 tập viết dưới hình thức nhật ký, và một tiểu thuyết kịch (Người kéo màn in ra năm 1962 do nhà xuất bản Huyền Trân), tức 19 tác phẩm tất cả trong một đời sáng tác là 17 năm (1959 đến 1975). Đó là chưa kể những viết lách lặt vặt bên cạnh nữa, những đóng góp trên mặt báo, những bài diễn thuyết, những khẳng định lập trường, những bài giảng dạy về chiến tranh tâm lý v…v… Tóm lại, đây không thể coi là một văn nghiệp mà ta có thể khinh thường được ở một người mà tháng 4,1975 chưa đầy 39 tuổi.

Nhưng điều làm cho ngườì ta để ý đến Nhật Tiến sau này, trong những năm gần đây lại không nhất thiết là sự nghiệp văn chương của anh. Vì trong gần 5 năm ở với Cộng sản, dĩ nhiên là anh phải “gác bút” rồi trừ khi là anh bằng lòng đi làm tay sai cho chúng –  một điều chúng ta không thể nghĩ được về Nhật Tiến. Nhưng chỉ cần anh đặt chân lên đất Thái sau khi vượt biên bằng đường thủy là ta đã thấy ngòi bút của anh phục hoạt liền.

Những truyện ngắn của anh sáng tác ở trong trại sau này được tập hợp lại trong tập Tiếng Kèn (do nhà xuất bản Văn Học in năm 1982 ở Cali) vẽ lên một bức tranh vô cùng sống động về cuộc đổi đời lớn nhất của người dân Việt Nam (chứ không riêng gì của người dân miền Nam) có lẽ từ hơn một trăm năm nay. Thời Tây sang, với tất cả những cái va chạm, xung đột văn hóa giở khóc giở cười của nó, cũng không thể so sánh được với cái ngô nghê, cái ồ ạt và cái dã man của mấy chú mán ở rừng về như bộ đôi và cán bộ miền Bắc vào xâm chiếm miền Nam.

Song Nhật Tiến không để cho cái hận thù đó làm mờ đi cái đau thương trước mắt là nạn hải tặc hoành hành trong vịnh Thái Lan trong những ngày tháng anh ở trại. Với sự tiếp tay can đảm của hai nhà văn Dương Phục và Vũ Thanh Thúy, Nhật Tiến đã lên tiếng tố cáo nạn hải tặc ngay trên đất Thái, làm thành một cuộc vận động toàn thế giới (do sự tiếp sức của các báo chí Việt ngữ và cộng đồng người Việt ở hải ngoại) mà quốc tế phải để ý tới, mà Liên Hiệp Quốc phải họp hội nghị để giải quyết, buộc ngay cả chính quyền Thái phải lùng bắt một số hải tặc và đem chúng ra trước vành móng ngựa.

Tháng 9-80, sang đến Mỹ, Nhật Tiến vẫn không bỏ cuộc. Nhờ sự hiện diện của anh và của hai anh chị Dương Phục – Vũ Thanh Thủy ở miền Nam Cali, giờ này có thể đứng ra làm chứng nhân hay nhân chứng sống, phong trào chống hải tặc lên cao độ với Ủy ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (do giáo sư Nguyễn Hữu Xương cầm đầu) vận động khắp nơi trong báo chí, trên quốc hội, với lập pháp và hành pháp Mỹ, với Liên Hiệp Quốc. Những bài tố cáo của ba nhân chứng được gom lại thành một tập tài liệu mang tên Hải tặc trong vịnh Thái Lan do Ủy Ban Báo Nguy in ra năm 1981. Ngay sau đó, James Banerian đã dịch toàn tập sang tiếng Anh mang tựa  đề là Pirates on the Gulf of Siam.

Việc làm này của Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy được đến cả Coleman McCarthy trên tờ Washington Post công nhận là một công việc đầy ý nghĩa. Một số các bài xã luận đăng trên mặt các báo chí Hoa Kỳ và quốc tế cũng đã dựa phần nào vào những tiết lộ như ở trong Pirates on the Gulf of Siam.

KINH NGHIỆM Ở MỸ

Sang đến Hoa Kỳ, Nhật Tiến chấp nhận ngay cái thực tế của xứ này: Nhà văn Việt Nam không có (hay ít nhất cũng chưa có) chân đứng trong cái xã hội này. Anh vì thế nên cũng chấp nhận ngay cuộc chơi mới, lăn lộn từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, nhận đủ mọi thứ việc thượng vàng hạ cám, gì cũng làm tuốt, làm đêm làm ngày mệt nghỉ, và rồi đi học để kiếm một cái chuyên môn mà xứ này dùng được. Thế mà rồi anh vẫn viết, viết hăng say hơn bao giờ hết. Truyện của anh đăng đủ trên các mặt báo Việt ngữ ở hải ngoại, từ Ngày Nay ở Kansas City đến Đất Mới, Seattle, Washington, từ Khai Phóng và Nội San Cựu Giáo Chức ở Cali đến Chuông Saigon ở Úc Châu, từ Lửa Việt ở Canada đến Độc Lập ở Tây Đức và Quê Mẹ ở Pháp.

Mặc dầu phần lớn làm “chùa” anh vẫn không hề lấy đó làm buồn. Anh hăng say trong mọi việc, lại còn lấy đó làm như một niềm vui, một thú giải khuây cho những năm tháng âu sấu, buồn bã. Tập truyện Một thời đang qua hiện trong tay bạn đọc chính là một ghi chép trung thực của nhưng ngày tháng ấy, đặc biệt ở phần I. Sự đổi đời trong cuộc sống của người Việt hải ngoại, nhất là trong những năm đầu làm quen vớí xứ người, nó ghê quá, nó làm cho ta đôi khỉ tưởng như đến mất nhân bản tính tới độ ta chỉ còn có mộng tưởng là xem được là thật thôi (“Người làm ca đêm”).

Trong “Một ngày của nhiều người” gần như không còn ai là của riêng mình nữa. Một người sáng dậy, vừa chồm ra khỏi giường đã thấy mình trở thành một bộ phận của guồng máy xã hội; không hơn không kém một con ốc mà vì máy đã bắt đầu chạy nên mình phải theo. Thôi thì đủ thứ tính toán, “rất may là chỉ phải “để” có hai lần nhưng ngần ấy việc cũng đã tiêu đi mất của anh thời gian một phút rồi. Nếu chậm thêm 4 phút nữa thôi anh sẽ bị kẹt xe ở lối vào xa lộ…(trang 10). Thế mà trong óc lúc nào cũng còn lởn vởn những cái “bill” hàng tháng, “tiền điện thoại, tiền gas, tiền nước, tiền Tivi, tiền dàn âm thanh và những gói quà 2 pounds gửi cho gia đình ở Sài Gòn…” để rổi “đầu anh như bị xiết lại. Anh muốn ngộp thở về những ý nghĩ ấy trong đầu diễn ra rất nhanh như một dòng điện từ xẹt qua óc” (trang 11). Rồi câu chuyện đi sang những tình huống của một số người khác những tình huống không còn phân biệt được đây là câu chuyện của nhiều người khác nhau: Hải, Toản, Bình, Sảnh, Dũng…..Tại sao? Tại vì trong cái guồng máy khổng lồ đó, ta đã gần như mất hết cá tính.

Chẳng thế mà trong “Những mẩu dây leo” con người đã gần như điên, không còn biết mình điên hay người điên nữa! Ai lại ngày nào Vũ (nhân vật chính làm nhân viên an ninh trong một tòa lầu) cũng leo lên 3 tầng lầu “một ngày tám tiếng, mỗi tuần năm ngày… như con sên leo lên vách tường đã rổi bi tụt xuống. Tụt rồi lại leo lên nữa” (trang 43) để làm một công việc duy nhất là “thọc 25 cái chìa khóa khác nhau treo ở 25 nơi khác nhau vào cái hộp đen, xoay một vòng để nó in hàng ám số lên cuộn bằng giấy nằm bên trong” (trang 38). Riết rồi một hôm anh ngây người ra làm những công việc mà người ta có thể ngỡ là đã có tính cách bất bình thường, để rồi ông giám đốc phải gọi anh lên khiển trách. Anh về nhà, nằm mơ thấy một giấc mơ hãi hùng là anh đã bị sa thải vì bệnh “Mental Health” (“rối loạn thần kinh” bị), do thất nghiệp, anh không còn tiền gởi về cho gia đình, ngay cả đến một gói quà 2 pounds.

Sau đó, những chuỗi tư tưởng lớp lang bình thường vẫn “xuôi dòng” nay trở nên “lộn phèo” và “tình trạng này trước còn xảy ra thưa thớt, dần dà Vũ phát hiện được ra rằng nó đến với mình có vẻ thường xuyên hơn.” Chàng tự nhủ: “Mình phải chống trả lại chúng nó chứ. Phải chống bằng bất cứ giá nào để chứng minh với tất cẩ mọi người rằng tôi là một kẻ bình thường chứ.” (trang 46)

Song “bình thường” gì mà đến quên cả cái nheo nhóc của vợ con ở quê nhà.(quên cả những đoạn thư con gái út viết cho anh từ Sài gòn: “Hôm qua mẹ nhận được gói quà bố gửi. Hôm nay mẹ bỏ tiền mua xương phở cho cả nhà được gặm. Ngon quá bố. Lâu rồi con không được ăn thịt.”) để dám chạy thẳng lên văn phòng lão “manager” chỉ vào mặt hắn và mắng : “Tôi ghét sự nói láo của những kẻ làm việc dưới quyền của ông. Tôi ghét luôn cả những loại cây giả tạo mà ông cho trưng bầy ở mọi chỗ trong cơ quan này. Chúng nó chẳng có gì xứng đáng để khiến cho tôi phải đứng thừ người, chiêm ngưỡng so với những cây cỏ tươi tốt, đẹp đẽ ở trên quê hương của tôi. Vậy thì, những kẻ nào tố cáo tôi như vậy, chính nó mới là đứa có bệnh “mental health” đó thưa ông!” (trang 46).

Tả người mất trí đến như thế phải kể là hết cở. Nhưng hiện thực chiến tranh, những thảm họa của sự đổi đời trên quê huơng và trên quê người đã được Nhật Tiến mô tả một cách linh động, lôi cuốn đến độ khi buông sách ra ta đã phải thở phào mà thấy là mình may mắn đã không phải là người trong truyện.

Bên cạnh những truyện như vậy, ta cũng lại có một Nhật Tiến nhẹ nhàng hơn như trong truyện “Những mảnh trăng thu”, môt câu truyện khá cảm động. Tác giả tả cuộc sống của những đứa trẻ kiểu “bụi đời” ở trong trại tỵ nạn, tuy nghèo khổ nhưng vẫn còn có nhau, một tình huống khá tương phản với những trẻ em Việt Nam ở ngoại quốc, đầy đủ hơn nhưng tiếng nói thì đã chọ chọe, văn hóa thì đã xa vời với quê hương đất tổ: “Trăng thu năm đó chỉ còn hắt hiu trong trí nhớ của các em bé còn vất vưởng ở đâu đó trong các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á.” (trang 7)

Sự va chạm văn hóa còn được Nhật Tiến đem ra làm đề tài trong mấy truyện khác như ‘‘Mùa xuân của nàng” và nhất là “Bông hồng nào cho Mẹ”. Đây không phải là những đề tài chỉ có một mình Nhật Tiến nhìn ra, song phần anh bao giờ cũng có cái đậm đà, thâm trầm của riêng anh – một thứ trầm buồn mà nhiều người trong chúng ta cũng chia xẻ đứng trước những vấn đề đó. Thành ra, với Nhật Tiến, ta lại có thêm được một cách nhìn, một tiếng nói Việt Nam bên cạnh những Võ Phiến trong tiểu luận (Thư gửi bạn, Lại thư gửi bạn), những Trần Phong Vũ (xem truyện Hạt Cát trong tuyển tập Quê hương còn đó), Trần Diệu Hằng (Vũ điệu của loài công), Lê Thị Huệ (trong Bụi hồng), Nguyễn Ngọc Ngạn (trong Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Ngạn) trong tiều thuyết như một thể bao trùm cả truyện ngắn, những Cao Tần, Nguyễn Bá Trạc, Trần Mộng Tú trong thơ để bàn đến một loại đề tài tưởng như bất tận.

  PHẦN “QUÊ NHÀ”

Sang phần 2 (phần “Quê nhà” đối với “Quê người” của phần 1) thì ta thấy tiếp nối một số truyện mang cái hơi còn sung sức của tập Tiếng Kèn. Thật vậy, sự thành công của tập Tiếng kèn được tiếp nối (đây bằng nhưng truyện có kịch tính cao độ như truyện” “Người tù cuối năm” “Chặng đường cuối” và nhất là “Những vết chân trâu.” Qua tất cả những thảm kịch đổi đời ở quê nhà từ ngày Cộng sản đến như một tai họa (chữ của Nguyễn Chí Thiện), Nhật Tiến như muốn nói với chúng ta là cứu cánh vẫn chỉ có thể là con người. Chính con người trong một tên thủ trưởng công an tưỡng như khát máu đã giúp hắn nhìn ra ân nhân của hắn để nói:

“Ông Định, hơn ba mươi năm rồi, bây giờ tôi mới có dịp nói lên lời cám ơn ông.” (trang 78).

Cũng lại chính con người, một con người rất bình thường khi nó đã tước bỏ được hết những huyền thoại nhảm nhí về nó, đã làm cho tên đại úy trong “Chặng đường cuối”, xem như bị hủ hóa. Thì ra cả một huyền thoại về cách mạng đẹp đẽ có thể bi sụp đổ như một cái nhà bằng giấy đứng trước một xã hội thực tế, lột trần như một xã hội kẻ cắp, con buôn ở một vài đô thị miền Nam. Thì ra cái “đạo đức cách mạng” của “con người mới xã hội chủ nghĩa” xem ra cũng mỏng thôi!

Còn như truyện “Những vết chân trâu” một chuyên phải nghĩ đã xảy ra ở một hợp tác xã miền Bắc, cũng như truyện “Một chuyến đi”, mô tả tất cả cái trần ai của việc xin giấy đi một chuyến tàu ra Bắc, đều nói lên cả cái bế tắc của xã hội Việt Nam ở trong tay Cộng Sản. Xin xong giấy tờ, Quý, vai chính trong “Một chuyến đi đã chợt mỉm cười tự mãn.” Để rồi Nhật Tiến phải hạ môt câu: “Có lẽ ở trên đời này chỉ có Quý là kẻ duy nhất đã có thể cười được khi nhận được tin mẹ mình đang thực sự hấp hối!” (trang 91). Đó cuộc sống nó đã đảo điên tới mức đó thì không cần phải tác giả dùng lời trực tiếp lên án chế độ nữa, những truyện của Nhất Tiến có sức thuyết phục hơn chính vì chúng chỉ tìm cách tả sự thật: sự lên án chế độ đã trở thành một kết luận đương nhiên của cuộc sống.

Hai truyện “Tay ngà” và “Chân dung người nữ diễn viên” nói về sự sa sút của người phụ nữ Việt Nam trong chế độ Cộng sản. Ở đây, Nhật Tiến chỉ làm một việc là tiếp nối, mang cái nhìn sâu sắc của mình vào hoàn cảnh người đàn bà, một việc Nguyễn Du trước kia đã đặc biệt lưu ý, một việc Phạm Duy gần đây cũng làm trong nhạc của ông. Huyền thoại “Tay ngà” của Lữ về chị Thu đã bị sụp đổ sau 30 năm khi chị đưa tay ra, “hai bàn tay sần sùi nhăn nhúm và mang một vẻ chai cứng, khô queo” và giải thích: “Chế độ mới cần đề cao tinh thần lao động trong mọi tầng lớp quần chúng, kể cả những nghệ sĩ chơi đàn. Tôi không bị cấm đánh đàn nhưng tôi cũng bị bắt buộc phải cầm thêm cái cuốc. Cơn tàn phá đối với một bàn tay chỉ trong vòng một tháng là thấy rõ ….”(trang 66).

Trong “Chân dung người nữ diễn viên”, tuy là hoàn cảnh của người phụ nữ, song cứu cánh vẫn lại là con người. Ngày nay, chị Hồng hết được xem là minh tinh và chỉ sống bằng nghề cầy ruộng bên cạnh một anh chồng thương phế binh, song chị đã thoải mái biết bao khi bỏ được tất cả sự giả dối bao trùm đời chị khi chỉ còn phục vụ chế độ trong ngành kịch nghệ.

Trường tồn trong tất cả cuộc sống bi đát ở quê hương, nơi đó mỗi cuộc sống là một thảm kịch, chỉ có bà mẹ Việt Nam, bà mẹ muôn thưở mà ta thấy trong truyện “Cái túi bùa”.

Xem thế đủ thấy cả cái phong phú của Nhật Tiến trong Một thời đang qua.

CON ĐƯỜNG ĐÃ VẠCH

Trả lời một cuộc phỏng vấn mới đây thực hiện trên tạp chí Xác Định về cách nào anh phân biệt gỉữa con người của hành động và con người nhà văn trong anh, Nhật Tiến cho biết là theo anh, viết văn là một thứ thiên chức. Nhưng một thứ thiên chức đòi hỏi nhiều bền bỉ. Tuy anh không nói ra song ta phải hiểu là nếu không kiên trì thì thiên chức này cũng có thể mai một, cùn mòn. Do đó, nên giữa hành động và viết, anh không quên hành động (mà khi hành động anh còn hăng say hơn ai hết) nhưng đặc biệt, anh không bao giờ quên viết – chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng như nhưng năm anh bị kẹt ở lại với Cộng sản.

Ra được đất tự do, ngay khi hãy còn một mình ở trại (Chị Nhật Tiến, tức nhà văn Đỗ Phương Khanh, và các cháu đi sau nhưng ngay từ lúc còn ở nhà đã nói với anh là “anh ra làm được gì cứ làm, cần phải nói cái gì cứ nói” đừng bận tâm về những hậu quả có thể xảy ra cho chị ở nhà) anh đã bắt ngay trở lại cái nghiệp viết văn của anh để tiếp nối cái thiên chức kia. Ở trong nhiều điều kiện vật chất có thể nói là vô cùng bất thuận lợi và bất ổn định, anh vẫn tiếp tục “ra quân”. Cứ xem những ngày tháng của các truyện đề” trong Tiếng Kèn, ta sẽ thấy rõ: tháng 12,1979 (“Buổi sáng của bé”), tháng 1, 1980 (“Tiếng kèn”, “Nồi cháo thịt”) ở trạỉ Songkhla Thái Lan, tháng 12-80 ở Portland, Oregon (“Điểm hẹn”, “Một thoáng xuân về” và “Ước vọng của bà Năm”), tháng 8,1981 (“Trận đánh cuối cùng của một kẻ sĩ”) và tháng 12, 1981 (“Chuyến tàu cuối năm”) ở Santa Ana, California. Ta có cảm tưởng anh đang di chuyển mà cái bút, tập giấy vẫn không rời tay anh, và anh viết liên miên, viết bất chấp những điều kiện hay ngoại cảnh chung quanh.

Làm việc như vậy, chắc chắn Nhật Tìến đã phải có một niềm tin sắt đá. Bốn năm ở lại với Cộng sản, trong trường hợp Nhật Tiến, đã không phải là bốn năm sống thừa. Tuy không sáng tác, bốn năm đã thành bốn năm tích lũy ở trong nhà văn nơi anh. Nhờ đó, ngày nay ta có ở Nhật Tiến một tác giả dồi dào chất liệu cộng thêm với một ý thức chính trị thật sắc bén. Hai tập Tiếng Kèn và Một thời đang qua hay không phải vì tính cách chống cộng của chúng vì thiếu gì tác phẩm chống Cộng mà chẳng hay tí nào – nhưng là vì tính cách chân thật của chúng trong đó cái chất sống sờ sờ ra đó.

Nhật Tiến đã chứng kiến, mắt được thấy, tai được nghe, hay chính mình đã sống những kinh nghiệm đó, lại thêm được một nghệ thuật già dặn nên tập truyện tự nhiên đã trở thành một bản án chế độ Cộng sản mà khó có ngòi bút nào vượt qua được. Có thể nói, nếu Đại học máu của Hà Thúc Sinh là một bản án đanh thép nhất đối với chế độ lao tù “học tập, cải tạo” của Cộng sản thì Tiếng kèn và Một thời đang qua của Nhật Tiến là một bản án đanh thép không kém, mô tả chế độ bên ngoài lao tù ở quê nhà.

Nguyễn Ngọc Bích

Springfield, mồng 6 tháng 9, 1985

Đọc tiếp: Tập truyện Một Thời Đang Qua – Nhật Tiến

Chuyện Giữa Hai Người. Truyện ngắn Nhật Tiến


Nhật Tiến

cropped-bia-cho-blog072820161

(Chân dung và tác phẩm của Nhà Văn Nhật Tiến)

Căn phòng quét vôi màu hồng. Thảm màu da cam mịn mướt. Bộ sa lông bọc đệm màu đỏ sẫm kê chung quanh chiếc bàn kính bóng lộn. Hưng ngồi ở đó, trầm lặng, câm nín dưới ánh đèn tỏa ra từ những cái chụp tô vẽ những bông hoa sặc sỡ. Trời vào hạ. Không gian bên ngoài êm ả dưới bầu trời đã ngả màu tím sẫm có những vì sao long lanh ướt. Chẳng có tiếng động tĩnh gì ngoài âm thanh của một bản nhạc nhẹ như tỏa lan ra khắp căn phòng, len lỏi vào những ý nghĩ của Hưng vốn lúc nào cũng rời rạc, mệt mỏi, đứt quãng. Sức khỏe của chàng, sau bẩy năm học tập cải tạo suy yếu đã đành, nhưng còn nhiều yếu tố khác nó làm cho chàng suy yếu hơn. Như rượu. Như thuốc lá. Như cà phê. Và nhất là tâm trạng hụt hẫng của chàng khi được nhấc từ một hoàn cảnh tối tăm, tuyệt vọng sang một nếp sống mới hoàn toàn khác biệt: sung túc, đầy đủ, choáng lộn nhưng hoàn toàn trống rỗng.

Ngày nhận được giấy tờ đoàn tụ, Hưng tưởng như mình vừa mọc được đôi cánh có thể bay được khỏi địa ngục để lên thiên đàng. Bây giờ thiên đàng ấy đang ở đây, trong căn phòng quét vôi mầu hồng, thảm màu da cam, có bộ salon bọc nệm đỏ bầy chung quanh mặt bàn kính ngổn ngang những vỏ bia và những chai rượu mạnh. Mới buổi chiều, Hưng vừa từ cuộc họp mặt do một nhóm ái hữu tổ chức để nghe chàng thuyết trình. Chàng đã nói, bằng một giọng mệt nhọc, bằng những tư tưởng đứt quãng, lộn xộn mà chàng thấy rõ mình không làm chủ được cả một mớ ý nghĩ lộn xộn, giữa quá khứ với hiện tại, giữa hoàn cảnh tù đày và nếp sống đầy đủ đang có, giữa bạn bè, người còn ở trại cải tạo, kẻ đã ra đi.

Chàng biết rằng mình cũng không đem lại được điều gì mới mẻ cho nội dung câu chuyện. Vẫn chỉ là kềm kẹp, là đói khổ, là lao động vất vả cực nhọc, là ốm đau bệnh tật và những lời chửi rủa của bọn công an mặt còn non choẹt. Chàng lại còn đủ bén nhậy để cảm thấy rằng đám đông lố nhố ngồi nghe ở dưới cũng đã biết rõ những điều đó.

Thế là cơn mệt mỏi cứ uà đến. Nó làm chàng kiệt sức mau chóng, như một con quay đang hết đà, sắp sửa đổ xuống. Bài nói chuyện kết thúc trong nhạt nhẽo, gượng gạo nhưng rất may đã được kéo lại bằng những tiếng cười nói ồn ào về chuyện nhà cửa, chuyện tin tức bạn bè, chuyện job ở sở làm, chuyện cờ bạc ở Las Vegas giữa những vỏ chai bia được khui ra la liệt.

Rồi Hưng trở về trong căn phòng êm ả này. Chàng ngồi rũ liệt như một cái xác bất động, giống hệt như ngày nào chàng cũng đã ngồi như thế ở trại cải tạo Long Giao sau một ngày lao động cực kỳ khổ nhọc.

Hình ảnh này của chàng đã khiến cho Hương tuyệt vọng ghê gớm lắm. Không chỉ một lần mà nhiều lần. Không chỉ một tháng, hai tháng mà đã kéo dài cả năm. Làm sao nàng có thể làm cho chồng hiểu được rằng muốn sống sót ở cái xã hội này, con người phải có can đảm đứng dậy, sốc tới, che giấu tâm sự thầm kín ở bên trong để chỉ phô bầy nổi lạc quan ra bên ngoài. Tươi tắn. Hoạt bát. Vui vẻ. Đó là những điều kiện tối thiểu để làm lại từ lúc khởi đầu.

Từ ngày bảo lãnh được chồng qua, Hương không tìm thấy được ở nơi chồng một sự chia sẻ nào, ngay cả trong lãnh vực tình cảm. Đi làm mệt mỏi về, Hương mong đợi một nụ cười tươi, một lời thăm hỏi nồng nàn, một sự đỡ đần những dịch vụ lặt vặt (không tên nhưng rất nhiều), nhưng ngược lại nàng chỉ cảm thấy trong nhà ngột ngạt hơn, nặng nề hơn vì những vỏ lon bia ngổn ngang, vì vẻ mặt rầu rầu nặng trĩu tâm trạng ưu tư, u sầu, còn nụ cười thì hầu như gượng gạo chỉ khiến cho vẻ mặt của chàng đã rúm ró lại rúm ró thêm.

Tình thế ấy trước sau gì thì cũng có lúc bùng nổ, vì bất cứ lý do gì, dẫu nhỏ nhặt. Ly nước đã đầy tràn, chỉ còn chờ thêm môt giọt cuối cùng.

Giọt nước ấy đã đến vào hôm nay, trong lúc Hưng đang chập chờn trong tiếng nhạc êm dịu và những ý nghĩ miên man, rã rời. Hương đẩy cửa bước vào, theo sau là thằng Dũng, đứa con trai duy nhất của hai người, Hương nói:

– Đi tắm rửa thay đồ rồi ăn cơm. Mà chào bố đi. Mẹ đã dặn bao nhiêu lần là đi phải thưa, về phải chào cơ mà.

Thằng Dũng nhìn về phía bố nó, nói bằng giọng hờ hững:

– Hi, Dad!

Chính cái giọng hờ hững ấy đã khiến cho Hưng nổi sùng bất tử. Chàng ngồi bật dậy và cất tiếng sẵng ngay:

– Mày không mở mồm được một câu tiếng Việt sao, Dũng!

Rồi chàng nhìn nó bằng một cặp mắt hung tợn. Điều này khiến thằng Dũng sợ hãi, thụt lùi một bước và nhìn bố với vẻ mặt ngỡ ngàng. Nó chưa bao giờ từng thấy bố nó hung dữ đến như thế.

Sau đó nó cũng cố chữa lại:

– Thưa bố, con về.

Nói xong ngần ấy câu, nó quay phắt người lại và chạy thẳng lên cầu thang. Bước chân của nó giẫm lên thảm nhung, nghe không mạnh mẽ gì nhưng cũng đủ để cho Hưng thấy nó đang giẫm thô bạo lên lòng tự ái của chàng.

Đầu óc chàng bùng lên những câu hỏi: Nó khinh gì mình mà nó quay đi, nó hỗn quá đáng đến độ giẫm thình thịch lên mặt sàn để trả đũa cái vụ chàng hạch hỏi nó phải nói tiếng Việt, và đau đớn hơn hết là chàng thấy rõ nó với chàng đã trở nên quá xa, xa đến độ hai người chẳng còn bao giờ có thể dính líu gì tới nhau, dù đang ở chung trong một mái nhà.

Hưng muốn ném một cái vỏ chai bia về phía nó. Nhưng những ý nghĩ ngần ngại, thiếu dứt khoát đã làm cho ý định của chàng trở nên chậm trễ. Bao giờ thì chàng cũng bị cái thiếu dứt khoát đó làm chậm trễ đủ mọi công việc. Thằng Dũng đã mất biến sau bức vách tường ở trên cầu thang. Nó bỏ lại đằng sau một bầu không khí nặng nề, đặt sệt khiến cho cả hai người đều như sững lại, ngỡ ngàng, bực bội, não nề.

Một lát sau, Hương ngồi xuống chiếc ghế ở phía đối diện chồng và nói bằng một giọng cố gắng giữ cho được sự dịu dàng:

– Anh Hưng ạ, có lẽ mình phải nói chuyện thẳng với nhau, một lần cho tất cả.

– Cô muốn cái gì thì cứ nói.

– Trước hết anh phải hiểu rằng dù sao thì em vẫn còn yêu anh, quý trọng anh. Bởi có như thế em mới chịu khó làm lụng vất vả, vừa nuôi con, vừa cố bảo lãnh cho anh qua.

– Cô khỏi cần phải kể công.

Hương kiên nhẫn:

– Anh đừng tầm thường như thế. Giữa chúng mình đừng nói bao giờ nói chuyện công lao.

– Cô nói ra điều đó thì được. Tôi thì không.

– Tại sao lại thế? Có cái gì khác giữa anh và em đâu.

– Khác chứ! Khác nhiều chứ. Cô là người đang có tất cả. Còn tôi thì đang mất tất cả.

Đến lúc này thì Hương không còn giữ nổi sự bình tĩnh mà nàng tự nhủ phải có thái độ ấy ngay từ phút khởi đầu. Nàng sẵng giọng:

-Anh ám chỉ cái gì mà nói em đang có tất cả. Bộ ngần ấy nỗ lực của em dành cho anh, cho con vẫn không làm vừa lòng anh sao?

– Cô làm như tôi là người luôn luôn đòi hỏi và không bao giờ vừa lòng. Nhưng cô thấy đó, từ ngày đến đây, tôi câm nín, chịu đựng và có mở mồm đòi hỏi ở cô điều gì đâu.

– Thà rằng anh nói ra. Thà rằng anh bầy tỏ rõ rệt ý muốn của anh. Chứ sự câm lặng, lầm lì của anh mới là điều ghê gớm, không thể chịu đựng nổi.

Vẻ mặt của Hưng hằn xuống, đôi môi của chàng mím chặt, hai bên hàm bạnh thêm ra. Trông chàng lúc này đầy một vẻ vừa khắc khổ, vừa thiểu não. Điều này khiến cho Hương mủi lòng. Nàng nguôi ngay cơn bực bội, vội vàng tiến lại ngồi xuống bên cạnh Hưng, nắm lấy tay chàng và nói:

– Anh Hưng ạ. Anh là người thấy rõ từ gần một năm nay, cả hai chúng mình đều cũng không thấy hạnh phúc gì. Mà đó là điều vô lý, phải không. Cả anh cũng như em đều đã trải qua bao nhiêu là ngày tháng đau khổ chịu đựng kể từ ngày em ra đi và anh còn kẹt lại ở VN. Biết bao nhiêu đêm, ngày em cầu nguyện cho anh đi được, cho gia đình mình có thể đoàn tụ được với nhau. Thế mà đến lúc gặp lại nhau, cả hai đều không có hạnh phúc. Điều đó thật là vô lý quá, phải không?

Thấy Hưng im lặng không trả lời, Hương nói tiếp:

– Anh phải hiểu được rằng chính em là người muốn cứu vãn tình thế chứ không phải buông xuôi để tới một ngày đi đến đổ vỡ. Em thấy rõ mình phải làm một cái gì để thay đổi cái bầu không khí ngột ngạt này, nếu không muốn mất tất cả. Nhất là như anh thấy, giữa anh và thằng Dũng, hai người cứ mỗi ngày một xa thêm nhau hơn.

– Nó Mỹ hóa quá rồi, và tôi không thể chạy theo nó để cầu xin một chút tình thương.

– Nó còn bé quá để đủ tế nhị biết phải nên làm cái này hoặc không nên làm cái kia. Điều cốt yếu là mình phải mở rộng vòng tay với nó.

– Vậy là cô trách cứ tôi không có tình thương yêu đối với nó.

– Không phải vậy. Nhưng cung cách biểu lộ tình yêu thương của anh không thích hợp với nó, do đó nó không cảm nhận được. Và vì thế, khoảng cách giữa hai người càng ngày càng xa hơn.

– Phải rồi, tôi biết rõ là tôi đã lạc hậu ở cái xứ này rồi.

-Anh biết rồi mà anh không sửa, cái đó mới kỳ!

Hưng bất giác nổi sùng :

– Tôi bằng này tuổi đầu rồi mà còn sửa với chữa nỗi gì. Mà tại sao tôi lại phải sửa cơ chứ. Tôi là tôi, Tôi không bao giờ muốn trở thành một kẻ khác.

– Anh tưởng như thế chứ, anh không còn là anh ngày xưa nữa. Anh đã có quá nhiều đổi thay mà anh không biết đấy.

– Cô nói cái gì, tôi không hiểu.

– Đấy là tại anh cố tình không hiểu. Anh trốn tránh mọi sự thực. Anh cố chui rúc vào cái vỏ đậy của anh từ bao nhiêu năm nay. Anh sợ đối phó. Anh ngại đổi thay dù là sự đổi thay thiết thân đến cả đời sống của anh. Nói tóm lại là anh đầy mặc cảm và anh không dám đương đầu đến phá vỡ cái mặc cảm ấy.

– Xin lỗi cô! Tôi chả có gì phải mặc cảm với ai hết. Cô đánh giá như thế là cô hạ thấp giá trị con người của tôi quá.

Hương biết mình đang bị du vào tình thế không thể lùi được nữa, bởi nếu không mổ xẻ toạc móng heo một lần, thì sự hiểu lầm có thể sẽ làm cho mối liên hệ giữa hai người tổn thương nhiều hơn. Nàng dằn giọng:

– Em biết là em có thể dại dột khi đụng đến những tâm tư thầm kín của anh. Nhưng chính vì không muốn mất anh nên em phải nói một lần cho tất cả. Bây giờ anh hãy ngồi nhớ lại đi, những ngày còn gian khổ trong tù, anh mong gì và ước muốn được làm gì. Chắc chắn không phải là anh chỉ mong suốt ngày ngồi gậm nhấm nỗi khắc khoải của mình bằng những ly rượu, những lon bia. Bạn bè còn trong tù ngục của anh nếu biết như vậy chắc họ cũng xấu hổ thay cho anh đấy chứ nhỉ.

– Tôi có thể làm gì được khác hơn ở giữa cái xã hội xa lạ và đầy hưởng thụ này.Từ ngày tới đây, tôi cũng đã đi hội họp, đi thuyết trình, hội thảo và nói lên những điều cần phải nói….

Hương cướp lời:

– Và sau những lần như thế anh buồn rũ rượi hơn ra có phải không?

– Làm sao cô biết được!

– Có gì mà không biết! Lòng anh thì kỳ vọng, sốt sắng quá nhiều mà thực tế chẳng đáp ứng lại bao nhiêu.

Càng thuyết trình, càng hội thảo anh lại càng thấy trống rỗng, vô vị. Bởi vì hầu hết chỉ đánh trống xong bỏ dùi, lúc tan cuộc, ai cũng chỉ mua được cái cảm giác an toàn là đã làm tròn bổn phận của một kẻ lưu vong nhưng thực chất công việc thì chẳng có cái gì đi đến đâu. Anh không có can đảm nhìn thẳng vào sự thực đó sao?

– Thà như thế còn hơn không. Không lẽ cô lại muốn tôi buông xuôi, bỏ cuộc.

– Ai bảo anh rằng em muốn anh bỏ cuộc. Điều mà em muốn là anh hãy loại bỏ bớt những cái gì phù phiếm, bề ngoài vô ích để tập trung vào những cái cần làm, đang làm. Mà điều cần làm, đáng làm trước hết là anh phải nhìn lại chính bản thân của anh trước đã. Bản thân của anh chưa vững, chưa biết mình muốn gì, làm gì, chưa giải tỏa cho mình những nỗi phiền muộn nhỏ nhặt hàng ngày, chưa khuất phục được những giây phút gậm nhấm bên lon bia, ly rượu, thì đừng mong làm được bất cứ điều gì, chứ đừng nói chuyện lớn lao, đại sự.

Ngưng một giây để chờ phản ứng của chồng, thấy Hưng không nói gì, Hương liền tiếp:

– Nói tóm lại là anh hãy phải tự vực anh dậy trước đã. Anh vẫn thường tỏ ra buồn khổ và than rằng mình đã mất hết, không còn gì. Điều đó đúng, những chả lẽ cứ ngồi than hoài mãi sao? Rồi cũng phải tới một lúc anh phải đứng dậy, giẫm chân lên trên tất cả những cái đổ vỡ mất mát ấy mà biết lạc quan để làm lại từ lúc khởi đầu chứ. Bởi không có cái khởi đầu thì không bao giờ có cái kế tiếp, cho dù điểm khởi đầu của anh chỉ là một hạt cát, một hoàn cảnh thấp kém đến tận cùng đi chăng nữa. Điều cốt yếu là anh muốn từ đó đi lên, chứ không phải đắm chìm mãi mãi trong tiếc nuối mà không bao giờ tính chuyện thoát ra cả.

Hưng ngước lên nhìn nàng như dò hỏi, rồi chàng cất tiếng:

– Thế thì cô muốn tính toán, đề nghị tôi làm cái gì đây?

– Anh hãy suy nghĩ về những điều mà em nói đi đã. Khi nào tới lúc anh thấy rằng em có lý thì người đề nghị chính là anh chứ không phải là em.

Nói xong, Hương đứng dậy và đi thẳng lên lầu. Sau một lúc cố gắng hết mình để nói ra những điều mà nàng suy nghĩ, Hương bỗng thấy mệt mỏi đến tận cùng. Nàng muốn chui vào cái vỏ riêng tư của mình. Trong căn buồng biệt lập mà không biết từ bao lâu rồi, Hưng không có quyền bén mảng tới. Căn nhà có cả thẩy ba phòng, thì hai phòng ở trên lầu dành cho hai mẹ con. Hưng ở từng dưới, lủi thủi như một cái bóng mờ. Cái bóng ấy nhiều hôm đối diện với chai rượu thâu đêm, đến sáng ra, lúc tỉnh dậy thì cả Hương và thằng Dũng đã đi học, đi làm từ bao lâu rồi. Quả thực Hương đã nói đúng, không có phút khởi đầu thì không bao giờ có cái kế tiếp. Vậy mà Hưng vẫn tự cho rằng mình đang đi đến chỗ cuối của chặng đường khổ nhọc, không còn lối nào mà thoát ra nữa chứ. Điều này làm chàng nhớ lại một lần ở trong tù, chàng đã có dịp đối thoại với một kẻ cũng mang cái tâm trạng đang ở chỗ cuối của chặng đường mà hắn đang đi.

Vũ, người bạn tù vẫn luôn luôn than thở với chàng là anh ta hết chịu đựng với nỗi dầy vò cả thể xác lẫn tinh thần trong những ngày bị giam hãm đằng đẵng, không có ánh sáng hy vọng của ngày về. Vũ nói:

– Chả có lý do gì mà mình cứ phải giam hãm mãi ở đây. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Ở chỗ tận cùng của tuyệt lộ, mình còn có gì để trông đợi nữa đâu.

Hưng an ủi:

– Không có cái gì ở trên đời này gọi là bất biến cả. Vậy đừng bao giờ nghĩ rằng mình đang ở chặng đường tuyệt lộ. Hai chữ tuyệt lộ nghe ghê gớm quá. Mình còn nhiều điều phải làm, do đó phải cố gắng ráng giữ cho mình còn tồn tại.

Vũ nhìn Hưng mỉa mai:

– Cậu còn lạc quan đến thế cơ à. Với tôi thì tất cả đã hết rồi. Vợ đi lấy chồng. Con cái lạc lõng vất vưởng đứa đi chiến trường Kampuchia, đứa lang thang đầu đường xó chợ. Còn thân mình ở đây, đày đọa không còn ai ngó tới, biết tới. Chuyện thay đổi chỉ là chuyện mơ ước hão huyền, làm gì có tướng này, tá kia đang lập chiến khu để tính chuyện lật ngược thế cờ. Bẩy năm mòn mỏi trong hy vọng, bây giờ thì tôi không còn tin tưởng ở điều gì nữa rồi.

– Đành là như vậy, nhưng sống trong tù mà không có lấy một chút niềm tin, niềm hy vọng thì rất dễ dàng suy sụp, và mình tự hủy diệt chính mình.

Vũ cướp lời:

– Nhưng tồn tại thì để làm gì cơ chứ. Ở cái chặng cuối đọa đầy này, càng giải thoát sớm bao nhiêu, càng khỏe bấy nhiêu.

Trước sau thì Hưng cũng chỉ nghĩ rằng đó chỉ là lời than thở. Chàng không thể ngờ được rằng chỉ sau đó ít lâu, Vũ đã tìm phương cách giải thoát cho chính anh ta thực. Một hôm vào khoảng chập tối, sau khi đi lao động về, Vũ đã ngang nhiên chạy thẳng một mạch qua khu vòng rào và lao ra khỏi cổng trại. Lính trên chòi canh chĩa súng vào phía lưng của anh ta mà tuôn đạn xối xả. Thật là dễ dàng, nhanh chóng và giản dị nhưng vẫn khiến cho biết bao nhiêu người ngơ ngẩn, ngỡ ngàng. Người ngơ ngẩn nhất có lẽ là Hưng, bởi sau đó chàng cứ lởn vởn mãi trong đầu câu nói thầm thì với Vũ:

– Sao lại như thế hả Vũ. Mình còn bao nhiêu chuyện phải làm.

Nhưng chuyện phải làm đó, những chuyện mà Hưng ước mơ có thể làm được một khi tháo cũi sổ lồng, thì khi qua đến đây, nó tan xèo như một cánh bướm trước mồi lửa. Có lẽ Hương đã nói đúng, việc đáng làm trước hết là phải nhìn lại chính bản thân mình. Mình chưa vững, chưa biết mình thực sự phải làm gì, chưa thấy rõ mình phải khởi sự từ đâu, mà chưa chi đã muốn ôm cả đại cuộc trong lòng để rồi chán nản, bất mãn, tuyệt vọng, thì việc dìm mình trong những ly rượu đâu có khác gì cung cách chọn lựa lao qua hàng rào như Vũ ngày xưa. Hai hoàn cảnh tuy có khác biệt, nhưng chung quy vẫn chỉ là một bản chất. Đó là sự đầu hàng quá sớm trước hoàn cảnh khắc nghiệt.

Hưng nhớ đến những người bạn tù, những bàn tay nắm chặt lấy nhau trong bóng tối, những nỗi niềm ước ao sẽ thực hiện khi có ngày được giải thoát, và cả những lời nhắn nhủ trước khi chàng lên đường ra đi. Bao nhiêu là gửi gấm. Bao nhiêu là cậy trông. Vậy mà chàng vẫn còn ngồi ở đây, trong căn phòng này, với những lon bia đầy nhu nhược và ỷ lại.

Trong lòng của Hưng bỗng trỗi dậy một niềm xôn xao mới. Ở cái xã hội này , không ai có thể ỷ lại vào ai, dù kẻ đó là vợ mình, con mình. Đó là điều kiện trước tiên để có được niềm tự hào. Và chỉ có sự tự hào thì con người mới có thể tự đứng dậy và đi tới. Bước đi có thể ngắn, chậm, nhưng vững chắc. Nó khiến cho chàng thấy rõ mình đang ở đâu, muốn làm gì và có thể làm được gì. Mọi thứ sẽ ở trong tầm tay với, một cách cụ thể chứ không mơ hồ, huyễn hoặc, tiêu hao thì giờ mà chẳng đem lại được điều gì ngoài sự tự ru ngủ chính mình.

Ngày hôm sau, lúc Hương đi làm về và đón con ở trường ra thì Hưng đã chờ nàng ở trên sân sỏi trước nhà. Chàng nói với Hương bằng một giọng cố hết sức giữ cho được tự nhiên:

– Hương ạ, bây giờ thì chính anh đề nghị với em.

Hương cảm thấy ngay có điều gì khác thường vừa xẩy đến với chàng. Nàng nhìn chồng dò hỏi:

– Đề nghị gì thế hả anh?

– Anh sẽ xa em và con một thời gian để khởi sự lại từ đầu, bằng chính những nỗ lực của anh chứ không phải của ai khác, kể cả em. Em nói đúng, muốn làm gì thì làm, phải cách mạng cái bản thân mình trước đã.

Hương trả lời, giọng đầy xúc động:

– Đó vẫn là điều mà em mơ ước. Không phải anh đã trở nên tồi tệ, xấu xa gì, nhưng thực sự em không muốn anh cứ chìm đắm mãi trong một lối mòn. Bao nhiêu năm sống ở đây, em đã chứng kiến quá nhiều lối mòn đã làm thui chột bao nhiêu con người, bao nhiêu công trình, bao nhiêu nỗ lực mà không đem lại được kết quả gì. Em muốn anh thấy rõ điều đó và vượt qua được điều đó.

– Em đừng kỳ vọng ở anh quá nhiều. Anh mới chỉ khởi sự từ đầu và chưa biết mình sẽ làm được gì.

– Cái khó là người ta biết khởi sự lại từ đầu, không bị ràng buộc bởi những tiếc nuối vì mất mát trong quá khứ. Bây giờ cũng đã quá trễ để biết nhìn về phía trước chứ không phải chỉ quay lại về phía sau lưng. Anh cứ yên tâm mà suy nghĩ về những việc cần làm. Em và con sẽ lại lui tới thăm anh, như ngày nào đã tới thăm nuôi khi em còn ở quê nhà.

Hưng mỉm cười:

– Lại một hình thức cải tạo nữa, phải không?

– Không đâu anh. Cải tạo ở Việt Nam không hy vọng có ngày về. Còn ở đây, hoàn toàn tùy thuộc ở chính mình. Bao giờ anh cảm thấy thoải mái, tự tin, lòng đầy nhiệt thành mà không vướng víu bởi một chút nào tự ti mặc cảm nào, ngày đó anh cứ việc xách va-li trở về. Em sẽ vui mừng mở rộng cửa chào đón anh. Em nghĩ rằng đó là cung cách tốt nhất để cứu vãn hạnh phúc của chúng mình, và cho luôn cả những điều mà anh muốn làm khi anh còn ấp ủ trong vòng rào kẽm gai của một trại tù.

Nhật Tiến
Tháng 6- 1987

Những cái nhìn Văn Học Việt Nam Hải Ngoại từ trong Nước. Nguyễn Mạnh Trinh.


images

Nguyễn Mạnh Trinh.

Văn học Việt Nam ở hải ngoại? Lưu vong hay di dân? Câu hỏi ấy thường bị các nhà nhận định văn học ở trong nước né tránh. Văn học lưu vong là mang tính đối kháng với chế độ trong nước. Mà đối kháng thì khó lòng mà hòa giải đến hòa hợp được theo đúng như chế độ trong nước muốn. Những người ở trong nước nhận xét về văn học Việt Nam hải ngoại hình như theo một khuôn khổ đã được định sẵn như thế.

Nguyễn Thanh Sơn, được coi như là một nhà phê bình văn học trẻ, nhưng thực chất là một con buôn ngành truyền thông, tuy có qua Mỹ sống vài tháng nhưng lại viết như một người có hiểu biết khiêm nhượng và gần gũi với chủ trương của chế độ trong nước: “Trước tiên nó mang đặc tính của một nền văn học di dân, khi những nhà văn nói một cách hình ảnh, bị bứng gốc khỏi mội trường văn hóa quen thuộc của mình đặt vào một môi trường văn hóa xa lạ…” Có lẽ ông “trẻ” này chưa hiểu biết được cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại thành lập ra sao và vì lý do gì. Không phải họ vượt biển, đùa giỡn với cái chết để làm một “di dân” trong khi họ rất yêu quê hương và không muốn rời bỏ nó.

Huỳnh Phan Anh, một nhà văn miền Nam nhưng từ chối là nhà văn lưu vong cũng phát biểu: “Đặc điểm lớn nhất của những cây bút hải ngoại, cụ thể ở Mỹ là họ sống ở ngoại quốc nhưng lại viết về tâm trạng Việt Nam. Nhưng họ có hít thở bầu không khí Việt Nam đâu mà viết! Tôi vẫn nhớ lời nhà văn Boris Paternak nói rằng một nhà văn không thể xa rời tổ quốc mình”

Nếu phản bác lại, phải lập tức liên tưởng tới những tác giả lưu vong nổi tiếng trên thế giới với những tác phẩm lớn để đời như Milan Kundura, như Joseph Brodsky, như Aleksandr Solxhenitsyn,… Họ rời khỏi quê hương sống lưu vong nhưng vẫn sáng tác. Bởi vì, như có người diễn tả, họ đã lưu vong ở ngay chính trên quê hương mình.

Cái lý luận này thực ra cũng đã quen thuộc từ trước như Nguyễn Duy, một nhà thơ trong nước, thành viên nồng cốt của Hội Nhà Văn VN, người đã được đi xuất ngoại nhiều lần với tư cách là đại biểu của giới cầm bút trong nước, đã nói “người Việt ở hải ngoại không thể đóng góp vào văn học Việt Nam được vì họ đang mất dần sự thuần chất của ngôn ngữ, mất cái tiếng đang được nói và viết ở Việt Nam.”

Câu nói trên đã được Wayne Karlin dẫn chứng khi trả lời câu phỏng vấn của Trần Văn Thủy trong “Nếu Đi Hết Biển”. Dù về sau Nguyễn Duy có nói đi nói lại để cải chính nhưng lý luận như trên là một nhận định quen thuộc của những người trong nước nhìn văn học ở hải ngoại. Mà nhận định này, có sự chỉ đạo của những người lãnh đạo văn nghệ ở trong nước. Cái nhìn đầy thiên kiến ấy lại được rõ ràng hơn trong một bài viết được coi là phản ánh một suy tư đã được tác giả đi đến và sống trong 6 tháng ở hải ngoại để tìm tài liệu.

“Đọc văn học Việt nam hải ngoại” là một “chuyên luận” (được gọi là sơ thảo nhưng hình như tới nay chưa có chung tuyển?) của Hoàng Ngọc Hiến trong chương trình nghiên cứu của William Joiner Center năm 2000-2001 và là một văn bản được sự chú ý của mọi người.

Dư luận có vẻ coi trọng nhận định của một trí thức từ trong nước viết về đề tài văn học Việt nam ở hải ngoại. Thời gian sáu tháng để sưu khảo và tìm hiểu có lẽ ông nắm vững đề tài nhất là bản thân là một giáo sư đại học, có lúc làm giám đốc trường dạy viết văn Nguyễn Du, và là người coi như có đầu óc thông thoáng và chủ trương đổi mới trong văn học và giáo dục. Nhưng bài viết này có giá trị ra sao, có vượt qua được những “thiên kiến” mà chế độ ở trong nước đã “trang bị”? hay sơ thảo vẫn chỉ là sơ thảo mà thôi?

Ông Hoàng Ngọc Hiến và ông Nguyễn Huệ Chi là hai người cầm bút ở trong nước được tuyển chọn để nghiên cứu về đề tài trên. Chính vì sự tham dự của hai người này nên mới có sự việc ông Nguyễn Hữu Luyện kiện trung tâm WJC và Trường Đại Học University of Massachusetts.

Ông Hoàng Ngọc Hiến đã mở đầu chuyên luận của mình như sau:

“Tôi đọc văn học Việt nam hải ngoại, không có thời gian để nghiên cứu. Có lần gặp nhà văn Tô Hoài, ông đưa cho tôi xem một cuốn sách và nói “Tôi mới mượn được bộ tiểu thuyết này, lời giới thiệu viết rất hay” lần sau gặp lại ông nói với tôi: “Hóa ra người giới thiệu chưa đọc tác phẩm”. Như vậy nghiên cứu mất thời giờ hơn nhưng có khi dễ hơn đọc vì có thể chưa đọc mà vẫn có có thể viết được một bài nghiên cứu “rất hay”. Tôi làm công việc đọc những tác phẩm văn học hải ngoại, những bạn đồng nghiệp am hiểu mảng văn học này làm cho tôi bản danh sách tối thiểu, tôi đến thư viện Yên Kinh (đại học Harvard) tìm sách đọc, đi California kiếm những cuốn không có, tuy vậy vẫn còn thiếu… Từ những ấn tượng đọc tác phẩm nảy sinh nhiều vấn đề, tôi chọn những vấn đề đáng quan tâm nhất…”

Như vậy, viết chuyên luận theo như ông mô tả, là công việc khá giản dị. Danh sách tác phẩm có sẵn, cứ thế mà đọc rồi phóng chiếu ra, từ đời sống cá nhân thành sinh hoạt một cộng đồng.

Việc nghiên cứu đâu cần những người miệt mài theo dõi từng thời kỳ, từng hiện tượng đáng quan tâm của gần ba mươi năm sinh hoạt văn học ở hải ngoại… Chỉ cần đọc vài chục quyển sách là xong. Mà những tác phẩm mà ông đề cập tới nhiều khi lại thiếu tính đại diện cho văn học hải ngoại và chưa phải là những tác phẩm sáng giá (?). Ông Hoàng Ngọc Hiến chọn vì thấy hợp với chủ trương của ông hơn là vì giá trị văn học của nó…

Một điều lạ là ông nêu lên sự kiện viết giới thiệu mà không cần đọc mà vẫn hay. Chắc đó là một phương thức tốt có phải? Theo tôi, một người cẩn trọng muốn viết giới thiệu phải đọc kỹ tác phẩm mà mình lựa chọn để tìm ra được những cá tính nổi bật. Không biết như vậy có đúng không?

Tiếp theo, Ông Hoàng Ngọc Hiến lại viết:

“… Đánh giá một tác phẩm văn học hải ngoại, câu hỏi đầu tiên là giá trị văn học của nó (nó có đáng là một tác phẩm văn học không?), không mấy ai đặt câu hỏi về tính chất hải ngoại của nó, hoặc đó chỉ là một câu hỏi phụ “văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học” có nghĩa là như vậy…”

19N260

(Nhà phê bình trong nước, Ông Hoàng Ngọc Hiến)

Tôi nghi ngờ về sự chính xác của câu văn này. Trước hết là giá trị văn học, đúng rồi, nhưng chưa đủ, mà còn phải có nhiều yếu tố khác cấu thành văn học. Hình như ông Hoàng Ngọc Hiến có sự úy kỵ với những tính chất phản kháng của văn học hải ngoại thì phải. Những từ ngữ như lưu vong, như di tản đã ngầm chứa một tính chất chống đối chế độ hiện tại. Mà ông thì muốn chỉ có văn học hiền lành thôi, trong ngoài gì cũng là một. Hy vọng tôi không võ đoán? Nếu muốn làm rõ nét thời đại tính của văn học hải ngoại, làm sao không đề cập đến những sự kiện của thời thế cũng như lý do tại sao lại hình thành một cộng đồng lớn cả ba triệu người trên khắp thế giới. Vì đâu phải rời xa đất nước trong tình huống bất khả kháng. Đâu có ai muốn rời xa quê hương để định cư ở một đất nước phải bắt đầu làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng?

Tiếp theo, là: “… Đã có sự thảo luận về cách gọi tên: văn học di tản, văn học lưu vong, văn học ngoài nước,… Nếu như văn học di tản trước hết là văn học, văn học lưu vong trước hết là văn học, văn học hải ngoại trước hết là văn học,… thì sự khác biệt giữa những tên gọi không đến đỗi quan trọng như ta nghĩ. Trong văn học hải ngoại có mảng văn được gọi là “chống cộng” đối lập với mảng văn được gọi là “thân cộng”. Tưởng chừng như có một vực thẳm giữa hai mảng văn học này. Nhưng nếu như sự đối sánh được đặt ra trên quan niệm văn học “chống cộng” cũng như văn học “thân cộng” trước hết là văn học, thì sự đối lập vẫn còn nhưng nó bị lu mờ bên cạnh sự thống nhất của phẩm giá “đáng gọi là văn học..”

Ông giáo sư Hoàng Ngọc Hiến sống ở hải ngoại có một thời gian ngắn nên hình như không nắm vững vấn đề và hơi nhiều tưởng tượng. Ở hải ngoại làm gì có mảng văn học “thân cộng”? Vài tờ báo in ở hải ngoại mà chính quyền trong nước hỗ trợ làm sao gọi là mảng văn học “thân cộng” được?

Đại đa số người cầm bút ở hải ngoại đều là nạn nhân của chế độ Cộng sản thì làm sao mà bạn với kẻ đã hành hạ, đã truy đuổi mình. Họa chăng họ là những kẻ mất trí! Tôi có thể xác định một trăm phần trăm, ở hải ngoại không có mảng văn học nào gọi là “thân cộng” cả. Và như vậy, những cái mà ông giáo sư Hoàng Ngọc Hiến gọi là “đối lập” hoặc “thống nhất” chỉ là những dẫn chứng không có sở cứ và chẳng thuyết phục được người đọc.

Ông Hoàng Ngọc Hiến thường nhắc đến những tác phẩm có tính cách tuyên truyền thường nhất thời chết yểu và những tác phẩm đề cập đến vấn đề chung muôn thuở của con người thường có giá trị lâu dài. Nhưng thế nào là tác phẩm có tính tuyên truyền? Nêu rõ sự thực, lên án chế độ Cộng sản phi nhân chăng? Ông Hiến dùng lời phát biểu của một nhà văn hải ngoại: Bây giờ còn quá sớm để phân biệt đâu là những bài viết có tính cách tuyên truyền giai đoạn và đâu là những tác phẩm văn chương có giá trị lâu dài, nhưng theo quan niệm xưa nay, những tác phẩm đấu tranh chính trị chỉ sống được lâu khi nào nó vượt qua những giới hạn giai đoạn, đề cập được những vấn đề muôn thuở của nhân sinh…”. Điều ấy đúng, phải có thời gian để đãi lọc nhận định hay dở. Nhưng phân biệt có tuyên truyền hay không thì có lẽ không khó. Và cũng không thể nào kết luận một cách hồ đồ rằng ở hải ngoại chỉ có toàn bài viết tuyên truyền. Tuyên truyền? Với ai và cho ai bây giờ? chỉ có chế độ độc tài toàn trị mới dùng tuyên truyền để tạo chiêu bài lừa dối người đọc…

Tôi cũng muốn thêm rằng kiếm tìm chân thiện mỹ trong tác phẩm phải là mục đích để nhận định phê bình. Đề tài cũng quan trọng nhưng tài ba của tác giả mới là chính yếu để tạo vẻ hay đẹp cho tác phẩm. Ai dám nói những đề tài mà một thời được nhắc đến như Đức Quốc xã tàn sát người Do Thái, hay chuyện lưu vong của Alehsandr Solzhenitsyn, Milan Kundura,… thơ của Joseph Brodsky, của Czeslaw Milosz,… không có giá trị lâu dài? Cái hay đẹp, cái tuyệt tác, dù là đề tài lưu vong, cũng là giá trị lâu dài vượt qua không gian thời gian để thành bất tử.

Hoàng Ngọc Hiến hình như có chút ít “dị ứng” với danh xưng như nhà văn lưu vong, nhà văn di tản, nhà văn hải ngoại… Ông viết: “Không ít tác giả trong những người cầm bút ở hải ngoại tôi thấy gọi đơn giản bằng từ nhà văn như thế là đúng và đầy đủ chẳng cần kèm theo bất cứ định ngữ nào. Nhà văn Nguyễn Bá Trạc sớm hiểu ra điều này. Trong thư của ông gửi Phan Nhật Nam sắp rời Việt Nam sang Mỹ có đoạn viết: “Nước Mỹ không phải điểm đến. Nó là điểm khởi hành. Từ điểm này người ta có thể bắt đầu những hành trình mới để nhìn thế giới một ccah toàn bộ hơn. Nếu ông còn muốn tiếp tục viết thì cũng tốt lắm. Sau khi ổn định nên viết. Từ điểm khởi hành mới mẻ này, ông sẽ biết như một nhà văn chứ không phải là một nhà văn quân đội…”

Tôi thì nghĩ khác. Nhà văn Phan Nhật Nam là nhà văn quân đội với bao nhiêu kinh nghiệm sống từ đời quân ngũ cũng như tù đày thì tại sao lại không viết như một người lính? Đâu phải ai cũng có thể viết với vị thế như vậy. Đồng ý nhà văn Nguyễn Bá Trạc khuyên bạn nhưng quá chủ quan. Bởi vì, hoàn cảnh của ông khác. Ông là công chức tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh và năm 1975 không có bị cảnh ngộ như Phan Nhật Nam. Nhà văn quân đội, có lẽ tiếng gọi ấy bị những người trong nước như Hoàng Ngọc Hiến coi thường không chấp nhận. Nhưng với riêng tôi thì danh xưng “nhà văn quân đội” ấy lại có nét gần gũi và nêu ra được đặc tính văn chương của những người sống trong một thời thế quá đặc biệt của dân tộc.

Ông Hoàng Ngọc Hiến viết: “Trong văn học Việt Nam hải ngoại có nhiều tác phẩm có giá trị nhân chứng, giá trị tố cáo cao, viết về những địa ngục ở bên ngoài, những trại cải tạo, những phòng biệt giam, cuộc sống sau ngày 30 tháng Tư của những người vô tội bị o ép, bị nhục mạ trong trạng thái bần cùng, khánh kiệt, những quãng đời trôi giạt long đong vô vọng nơi đất khách quê người… Phải chăng nơi đây có ảnh hưởng của truyền thống hướng ngoại phương Tây? Khi chỉ ra “địa ngục đó là tha nhân”. Jean Paul Sartre chứng tỏ rằng ông triết luận trong truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương tây. Ông phát hiện ra địa ngục ở tha nhân tức là một địa ngục ở bên ngoài…”

Ông Hiến muốn nói gì khi đề cập đến Jean Paul Sartre và câu “địa ngục đó là tha nhân” với những sự thực được viết bởi các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại. Một sự đi quá xa hay cố tình hỏa mù? hoặc là một sự chống chế gượng gạo cho sự thực hiện hữu càng ngày càng tệ mạt càng ngày càng vong thân, vong bản của xã hội trong nước. Chính bản thân ông khi đề cập đến những xấu xa của chế độ đã phải ngán ngẩm nói ra một câu bất hủ “À! Thì ở nước ta nó thế!”. Thực tế rành rành trước mắt, hiển nhiên không che giấu được thì phải viết ra, nói ra bằng tâm cảm thành thực của mình. Những tác phẩm ấy đã tạo một dung mạo đặc biệt cho văn học Việt Nam ở hải ngoại. Nói chuyện triết luận như kiểu nói của ông Hiến có làm thực tế bớt u ám không?…

Hoàng Ngọc Hiến thích triết luận trong cái chủ đích phê bình văn học để phục vụ chính trị. Ông viết: “Trong truyện Chỗ Trở Về, nhân vật Kh. vượt biên đến ngày thứ ba rơi vào tay hải tặc “tàn nhẫn man rợ thú vật” “tan hoang hồn phách nhày nhụa xác thân”, “ bị cột vào can dầu thảy xuống sông” “được vớt lên,” vực sống dậy và “đến thiên đường mơ ước” “ở đây dường như có tất cả những gì mà trước đây Kh. từng mơ ước ở quê nhà, cũng nhà, cũng xe, cũng quần là áo lượt cũng kẻ đón người đưa”. Nhưng mà có điều gì sai trật rất mơ hồ rất trừu tượng. Kh. cứ mãi nháo nhác không yên. Vì lý do gì vậy? Không phải vì chia cách mẹ cha anh em họ hàng bè bạn, không phải vì dấu ấn kinh hoàng của mười ngày địa ngục cũng không phải vì ngày lại ngày công việc nhàm chán ở xưởng thợ. Đây chỉ là những điều bên ngoài nhân vật Kh. Cuối cùng sau một cơn sốc tâm lý Kh. nhận ra rằng nguyên nhân đích thực ở bên trong con người mình đó là những vọng động tối tăm ẩn tàng trong thâm sâu con người mình”.

Theo như ông Hiến viết, thì những thuyền nhân đau khổ kia phải tự nhận, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng? Những nguyên nhân bên ngoài của thảm trạng thuyền nhân được kể như cả nước là trại tù khổng lồ, đời sống bị tha hóa và nghèo đói cùng cực của một chế độ toàn trị bất nhân chỉ là “nguyên nhân bên ngoài thôi”. mà nguyên nhân chính “ở bên trong” là con người xấu xa là “địa ngục kẻ khác”. Nghe sao ngược đời quá sức? Những thuyền nhân thực ra là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, hết bị gán tội vì căm thù sân hận đến nỗi “vô minh” vì đã mang thực tế lịch sử làm đề tài cho văn học với tư cách chứng nhân. Rồi lại được gán tội “bêu riếu” chính mình với “hành động thả mồi bắt bóng” khi vượt biển. Triết luận kiểu ấy bạn đọc có thể chấp nhận được không? Riêng tôi, ở vai trò của một người đọc, không thể nào tránh được phản cảm…

image  04

(Một cảnh đốt sách thật tang thương 5-1975 ở Sài Gòn)

Trong những tác phẩm mà tác giả “chuyên luận” (sao không thực tế hơn gọi là tiểu luận?) đề cập đến có Đại Học Máu của nhà văn Hà Thúc Sinh.

“… Trong trạng thái vô minh của hận thù, con người –bất kể người nào- bị xổ toẹt dễ dàng, huống chi kẻ thù, nó là súc vật, bị đối xử còn kém hơn súc vật. Và không chỉ kẻ thù. Con dao được giơ lên không chỉ để “chém cá” mà còn “bằm thớt”. Sau đây là một cảnh trong tập hồi ký Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh:

Một đám tù đương đứng tắm “chuổng cời” cạnh giếng. Bỗng nhiên quản giáo Dương xuất hiện, nhanh quá không ai kịp mặc quần áo. Những người nhanh chân nhảy ngay đến những cái phuy đặt rải rác quanh giếng để giấu đi một phần thân thể. Bùi Vịnh, chậm chạp khi ngó lại thì không còn cái phuy nào cả, anh đành đứng yên tại chỗ và giơ tay bụm lấy “chim”

… Quản giáo Dương bỗng mỉm cười ác độc… “hắn hét Bùi Vịnh. Mày bỏ tay ra và giơ cao lên tao coi.

Thân tù, Bùi Vịnh không thể nào làm khác hơn là tuân lệnh. Anh đứng giữa sân hai tay giơ cao. Tồng ngồng như một con vượn. Tên Dương lừ một ánh mắt khinh bỉ rồi chửi, “Mày có thấy mày dơ dáng dại hình không? Mày phải nhớ rằng mày thua một con vật xét trên mặt tư cách. Vì con vật nó còn có cái đuôi, nó còn biết dùng cái đuôi để che giấu đi những cái không đáng khoe ra. Mày nhìn lại mày coi..”

Trong khi quản giáo Dương đang chửi mắng… thậm tệ thì quản giáo Hồng …từ nhà 2 bước ra phía giếng, không cần để ý đến sự có mặt của Dương, hắn hét mấy thằng tù đương lâm nạn:

“Mặc quần áo đi vào trong nhà tôi nói chuyện”

Quản giáo Dương nhìn Hồng uất ức ra mặt, nhưng có lẽ quá rõ tính tình Hồng nóng nảy, lại mang quân hàm trung úy trong khi hắn chỉ là chuẩn úy, hắn đành hậm hực bỏ đi một nước. Khi thấy Dương bỏ đi rồi, Hồng quay lại đám tù cười cười nói một câu không ai ngờ:

– Muốn tắm nữa thì cứ tắm đi, nhưng đừng tắm truồng trước mặt nó. Thằng ấy nó mất vợ về tay ngụy các anh đấy. Cứ giơ b… ra trước mặt nó, nó thấy lẫm liệt, nó lại liên tưởng đến chuyện xưa và đâm uất lên” (Đại Học máu, 1985, trang 443, 444)

“Đây là một trong những trang thê thảm nhất của văn học Việt Nam.”

Thú thực tôi chậm hiểu với cái ví von “chém cá” rồi “bằm thơt” của tác giả chuyên luận này cũng như câu kết “Đây là một trong những trang thê thảm nhất của văn học Việt Nam”.

Tôi thấy bất công cho Hà Thúc Sinh về cái câu phát biểu hơi vội vàng này. Tôi nghĩ tác giả Đại Học Máu đã rất trung thực khi mô tả sự kiện. Những người đã ở tù cải tạo chắc không lạ gì với những hoạt cảnh trên. Có khi còn “dữ dội”“thê thảm” hơn nhiều. Còn bảo Hà Thúc Sinh cố tình để gây thù hận rồi đắm mình trong trạng thái vô minh thì có lẽ ông Hoàng Ngọc Hiến quá lời. Không hiểu tôi có nhận định thiên lệch không?

Một câu văn có nhiều ngữ nghĩa và người đọc hiểu theo nhiều cách. Đọc trong mạch văn của ông, nhiều khi tôi phải tự phân tích để suy đoán ra ý tưởng mà ông muốn gửi theo.

Tôi là một người yêu sách vở và luôn luôn nghĩ rằng những cuốn sách là những ông thầy chân thực và hữu ích nhất. Tôi bao giờ cũng muốn học hỏi và tìm sự lãnh hội từ kinh nghiệm và tài năng của người khác. Và vì thế nên tôi có một vài thắc mắc như đã nêu ở trên. Chín người mười ý nhưng chân lý và sự thực chỉ có một. Tôi thắc mắc là để đi tìm được những kết luận khả tín.

Và tôi cũng biết thêm một điều, nhận diện văn học hải ngoại không phải là công việc dễ dàng. Quá nhiều khía cạnh để nhìn ngắm, cần thiết nhiều thời gian để nghiên cứu và suy luận. Có nhiều khi cả đời người suy tư mà vẫn chưa hoàn hảo. Huống chi là một ngày, một giờ, một tháng hay một năm? Nếu nghĩ đề tài này như một đơn đặt hàng theo nhu cầu thì chắc chẳng còn lý luận nào để nói vì đếm trang nhét chữ là xong!

Nhưng nếu nghĩ người trí thức còn cái thiên lương trung thực và lương thiện thì chắc sẽ phải khác. Sẽ phải hao tổn nhiều tâm huyết hơn và cái nhìn phải xuyên suốt hơn. Thật tình, tôi không dám sửa lưng một ai mà chỉ muốn với lòng thành của mình biểu lộ qua chữ nghĩa để mong đọc được những nhận xét chính xác và công bình…

Nguyễn Mạnh Trinh.

(Nguồn: Bán Tuần Báo Việt Luận Úc Châu)

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi”. Nguyễn Mạnh Trinh.


TranDan_Ghi_432

(Chân dung và tác phẩm của Trần Dần)

Nguyễn Mạnh Trinh.

Chuyện cũ: Đầu tháng 8 năm 2010, ở Hà Nội, đã cử hành Đại Hội Nhà Văn Việt Nam với sự tham dự của hơn 900 người.Với sự có mặt của một trung tướng công an trên bàn chủ tọa, cái xiềng xích của Đảng quàng lên cổ, lên vai các văn nghệ sĩ vẫn còn. Những bài tham luận nảy lửa của Trần Mạnh Hảo, của Bùi Minh Quốc,… đã không được đọc trước đại hội. Tinh thần khủng bố cũng như sự mua chuộc khiến kết quả cuộc bầu bán vẫn chỉ là cuộc chọn lựa tay sai để Đảng kiềm chế văn nghệ sĩ. Từ chuyện hôm nay, nghĩ tới chuyện ngày trước. Tấn tuồng diễn đi diễn lại vẫn thế, chỉ thay đổi ít chi tiết. Văn nghệ có đổi nhưng vẫn cũ, không mới…

Chuyện cũ: vào tháng 2 năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa công bố “Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả có tác phẩm hay, công trình văn học nghệ thuật giá trị cao góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”. Danh sách những tác giả được giải là Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm và hai vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ.

Khi biết mình được nhận giải, nhà thơ Lê Đạt và Hoàng Cầm đã tỏ ra hân hoan và sốt sắng bày tỏ như Lê Đạt đã nói với phóng viên Việt Nam Net rằng một thành viên trong ban chấm giả là Đỗ Chu đã phát biểu là “Có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”... Còn nhà thơ Hoàng Cầm thì tỏ ra cảm kích với kết quả của giải thưởng.

Có nhiều người đã tỏ ra không thiện cảm với hành động mau mắn ấy. Cái án Nhân Văn Giai Phẩm tới nay vẫn còn là một vết thương nhức nhối. Những lời buộc tội ngày nào đối với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bây giờ vẫn rành rành ra đó, chưa bôi xóa được. Những đầy ải, tru diệt cho cá nhân và gia đình vẫn chưa phai… Giải thưởng cho bốn người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thì có hai người đã ra người thiên cổ là Trần Dần và Phùng Quán. Theo nhà văn Nguyễn Trọng Tạo thì có cả nhà thơ Hữu Loan trong danh sách những người được giải thưởng nhưng giờ chót bị thay thế bởi hai vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Có lẽ, vì sự can cường bất khuất của nhà thơ tác giả Màu Tím Hoa Sim..

Tình cờ, tôi đọc lại “Trần Dần Ghi 1954-1960”. Một cuốn sách lạ lùng. Từ tên tựa sách đến nội dung chất chứa bên trong. Những trang sách của một người viết cho chính mình ở thể dạng nhật ký nay một cách bất đắc dĩ thành một tác phẩm cho độc giả. Những dòng chữ của sự thực, một sự thực đen tối không tưởng tượng nổi. Những bi ký ghi chép lại một thời kỳ mà con người đối xử với nhau không giống con người. Có những sự thực, là những sự thực chua chát, khi mà con người bị dồn đẩy vào trong những hoàn cảnh bất đắc dĩ, và trong nhiều trường hợp phải nghĩ đến mình mà quên đi những tình nghĩa, làm những điều mà kẻ sĩ không thể làm..

TranDan_CongTinh_Tho_432

(Tác phẩm của Trần Dần)

Trần Dần, một kiện tướng của Nhân văn Giai Phẩm, người đã viết “Dạ Đài”, bản tuyên ngôn của thơ tượng trưng từ những năm 1946 và là nhà văn, nhà thơ có năng lực sáng tạo mãnh liệt, cũng là người chịu sự trù dập suốt cả cuộc đời của chế độ độc tài phi nhân “Được cái hoạn nạn” ông đã chua chát tổng kết cuộc đời của mình. Tài ba như thế, tâm huyết như vậy mà vẫn phải chịu hết bão táp này qua phong ba nọ ròng rã mấy chục năm cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt. Đọc xong những trang sách cuối, bần thần một lúc, tự nhiên tôi thấy một nỗi buồn và mỗi khi nghĩ đến lại chạnh lòng. Cái cảm xúc ấy kéo dài nhiều ngày trong tôi. Tưởng tượng ra trong một xã hội mà con người phải luôn luôn sống thủ thế với nhau và tuyệt đối không tin tưởng vào một ai ngoài chính mình. Hoàn cảnh ấy đã tạo ra một quán tính chung để tự bảo vệ và sống còn. Trong cuộc sống ấy, mọi người tự rào kín mình trong chu vi phòng thủ, nhiều khi phải ích kỷ nghĩ đến mình trước và làm những công việc mà thật tình với thiên lương con người họ không muốn. Đè nén, trù dập, tù tội, bao vây kinh tế, thắt chặt sinh hoạt, cô lập hóa, tạo sự nghi kỵ lẫn nhau,… bao nhiêu là tội nạn chực chờ những người bị coi là có “vấn đề”. Những người ấy, có thể là những người đi sai đường lối của Đảng, hay không hưởng ứng sự suy tôn lãnh tụ hay thừa nhận quyền chuyên chính vô sản. Chuyện tru di tam tộc tưởng là chuyện phong kiến ngày xưa, nhưng những chuyện lý lịch, chuyện liên quan còn tàn bạo gấp nhiều lần. Đời sống ấy quá nhiều bi kịch, mà hậu quả dành riêng cho những nhà văn, nhà thơ có chân tài, có tâm huyết lại càng ghê gớm hơn như trường hợp Trần Dần. Lúc còn trẻ, tù tội gian nan, sống nghèo khổ không sinh kế, về già thì bệnh hoạn liệt bại, không có thảm cảnh nào hơn. Đó là một mẫu chân dung nhà văn bị đầy ải và nghiến nát trong guồng máy chính trị toàn trị độc tài…

Trần Dần viết “Thế là tôi mất bảy năm kể từ ngày hòa bình bắt đầu sinh sự cho đến ngày xử án. Bảy năm trong văn học có ý nghĩa gì? Một cái chớp mắt. Bảy năm trong đời một con người thì có ý nghĩa lắm! Chớp mắt mãi mà không xong…” Ngày 7 tháng 7 năm 1958 là ngày ông bị án treo bút hai năm. Thế mà không ngờ cái án hai năm ấy kéo dài đến suốt cuộc đời. Bảy năm, từ 1954 đến năm 1960, từ xã hội đến con người đều có nhiều thay đổi. Cộng sản nắm chính quyền tạo nhiều biến động cho đời sống nhân dân. Chủ trương đấu tranh giai cấp. Trí phú địa hào, đào tận gốc bốc tận rễ. Cải cách ruộng đất, đấu tố, sửa sai, bao nhiêu oan khuất, bao nhiêu máu xương, nước mắt.

Thế mà, nhà thơ Trần Dần lại viết phê bình phê phán lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu. Rồi mặc dù là đảng viên mà ông đã lập gia đình với người con gái thuộc thành phần gia đình “liên quan” có thân nhân di cư vào Nam bất chấp sự ngăn cấm của Đảng. Và về chủ trương văn nghệ thì ông đòi quyền tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ không thừa nhận chế độ chính ủy trong văn học. Thành ra, Trần Dần là người đứng đầu sóng ngọn gió, hứng chịu biết bao nhiêu đòn thù của chế độ. Bị phê phán bởi cả Hội Nhà Văn điều động, bị đấu tố bởi cả một tập đoàn cầm bút đang lăm le lấy điểm với chế độ. Thi sĩ Trần Dần chịu những áp lực đè nặng lên đời sống mình và gia đình mình.

Bảy năm ấy, với những trang nhật ký ghi chép lại, đã thành một cuốn sách để cho những lớp người của thế hệ sau hiểu được những tang thương dâu biển của một thế thời hỗn loạn của lịch sử Việt Nam. Ngôn ngữ, là tiếng than ngậm ngùi, là biểu tỏ của tâm sự không biết có ai làm tri kỷ. Những trang sách, không phải chỉ viết về một người mà còn cho cả một thế hệ, với một sự thực mấp mé cảnh tượng của cơn hồng thủy.

Sự thực ấy, với Trần Dần, không phải được mô tả theo cảm quan của người đứng bên này hay bên kia chiến tuyến. Ở cương vị người quốc gia, những tác giả của Nhân văn Giai Phẩm là những thần tượng văn hóa, là tiếng nói của kẻ sĩ chân thật. Còn ở phía bên kia, họ là những người phản bội lý tưởng Cộng sản, là kẻ nội thù, là những người phải bị phê phán và tiêu diệt.

Ở nhật ký Ghi của Trần Dần, có chân dung của một con người, có buồn vui riêng tư, có buồn bã thất vọng, có chua chát vì tình đời và cũng có những lúc đau xót vì tình người. Đọc những trang sách ghi nhận lại cảm xúc chân thực và rất người ấy, rõ ràng một điều là trong hoàn cảnh ấy, khó ai cưỡng chống lại được một guồng máy tàn bạo lạnh lùng của chế độ Cộng sản. Trừ khi, như một ý nghĩ của nhà văn Solhzenytsin, sự dối trá bị vạch trần và chế độ bị tan rã vì chính sự phản tỉnh ấy.

Con người, dù là văn nghệ sĩ, không phải là thần thánh siêu việt, nên đôi lúc cũng ích kỷ, cũng tự thủ thân bằng những hành động đôi lúc vì mình hơn là vì người. Nhưng, họ vẫn là những người hướng thiện, có những ray rứt những ý nuốn đi gần đến điều thiện hơn là điều ác. Nhưng xã hội ấy lại đẩy con người đi gần cái ác hơn mà bỏ xa cái thiện. Không có bản cáo trạng nào hùng hồn hơn những trang sách mô tả đến những nhỏ nhen, những tị hiềm, những vết chàm của chân dung những người một thời vang bóng. Đọc xong, để xót xa để thương cảm. Và, lại càng thấy hiện trạng của một xã hội bị sa đọa và xuống cấp trầm trọng. Làm sao hơn được, mọi người bị đẩy vào thế nghi ngờ nhau, tị hiềm nhau và như thế mọi đối kháng với chế độ không có cách nào liên kết với nhau được.

Lúc tôi còn trẻ, đọc “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” của cụ Hoàng Văn Chí, hay đọc những bài thơ Trần Dần, Phùng Quán, tôi đã nghĩ đến những sĩ phu Bắc Hà cang cường, nhưng nay đọc lại nhật ký của Trần Dần, thì sự ngưỡng mộ ấy không giảm bớt mà còn xót xa hơn. Từ sự thực ấy, mới hiểu được nỗi thống khổ của người cầm bút bị treo bút. Lại càng hiểu hơn những gánh nặng đè lên vai người mang cái nghiệp người cầm bút mà văn chương đã trở thành nghiệp… chướng. Cái họa văn tự đeo đuổi một đời, như những gông xiềng tuy không hiện hữu nhưng như mơ hồ ràng buộc. Chẳng thà là một cái tội có án để dễ thở hơn là những tội vạ cứ rình đến tạo những bi thảm cho đời.

“Trần Dần, ghi 1954-1969”, nhiều khi là nhật ký ghi chép lại những sự kiện hàng ngày mà còn là những ghi nhận có lúc mơ hồ không rõ ràng mà chỉ có người viết mới hiểu được. Nhưng cũng có những đoạn rất rõ ràng minh bạch, ghi lại những sự kiện, những ý nghĩ bằng những hình ảnh, những ngôn từ chuyên chở được tâm cảm. Viết về thơ, với tâm thức của một thi sĩ, và thâm trầm của người hay suy tư triết học, ông đã có những dòng chữ thật xúc tích và chứa nhiều đam mê. Thí dụ, đoạn viết kể lại hành trình đi vào thi ca của ông. Trước kia, ông viết tuyên ngôn của phái Tượng Trưng:

“Trước kia tôi muốn Thơ tôi thế nào?

Thời đó tôi muốn một thứ Thơ như một cơn mộng ác, trong đó người ta giận dữ, người ta điên cuồng, người ta lồng lộn, người ta sống hỗn độn, đang Bắc sang Đông, vừa ở Bắc lại vừa ở Đông. Người ta có thể bất phương chủ nghĩa, tự thả mình theo quy luật một thứ biện chứng duy tâm, những hình ảnh thơ nóng bỏng cháy như lửa, một hình ảnh ánh lên nhiều hình ảnh, hình ảnh nọ chống đối hình ảnh kia, lôi kéo nhau trong một điệu nhảy ma quái. Đúng là một cuộc sống chaotique, nhưng một cái chaos có harmonic của nó. Một cái hỗn độn có trật tự riêng của nó. Và cái harmonic, cái thần tiên, cái trật đó là tùy theo tiêu chuẩn tôi cho là ý thích của tôi. Mà ý thích của Tôi là theo tiêu chuẩn tối cao! Đó là sơ lược cái mơ ước ngày tôi mười tám, mười chín tuổi.”,

Lúc ấy là khi ông viết Dạ Đài. Nhưng khi chiến tranh, Trần Dần tham gia bộ đội, ông suy nghĩ về thơ khác hơn. Một phần nào, cuộc sống đã ảnh hưởng ông, nhưng ngược lại ông đã có những đối nghịch sâu sắc với những người lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Trần Dần là một trong những người sáng lập ra tạp chí Văn Nghệ thuở đầu tiên nhưng lối thơ bậc thang của ông lại bị chê bai là lập dị khó hiểu. Cũng như khi soạn tài liệu giảng huấn cho các khóa đào tạo văn công, ông bị chỉ trích là diễn dịch sai chính sách văn nghệ của Đảng. Dù rằng sau đó ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và do cái chết của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã tác động mạnh mẽ để ông hoàn tất tiểu thuyết “Người người lớp lớp”, một cuốn tiểu thuyết duy nhất của văn học kháng chiến thời kỳ đó về Điện Biên Phủ. Về thơ, ông đã đi gần với chính trị hơn, để viết về thời sự, về cuộc chiến đang diễn ra với tất cả sự khốc liệt của nó:

“Vào chiến tranh, tôi muốn Thơ tôi như thế nào?

Có những ngày và nhiều ngày, tôi không nghĩ tới nữa. Lại cũng có ngày tôi nghĩ rất nhiều. Có lúc tôi tưởng như nắm chặt chân lý trong tay rồi. Có lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời!!

Lúc tôi muốn một thứ Thơ dễ dãi. Lúc một thứ Thơ không có vần. Lúc một thứ Thơ như một hạt ngọc. Lúc một thứ Thơ kể chuyện. Lúc một thứ Thơ gồ ghề. Lúc một thứ Thơ hiền lành, có cái khỏe của những bắp thịt hồng… Lúc một thứ Thơ rõ nghĩa. Lúc một thứ Thơ vừa rõ nghĩa vừa mở 100, 1000 nghĩa khác. Lúc một thứ Thơ theo sát chính trị từng bước một. Lúc một thứ Thơ na ná như của anh lính, nó mát mà lành, nó hiền mà khỏe, nó thực tế… Tôi vẫn hằng nghĩ, đó là chuẩn bị cho một cơn bão sẽ tới. Tôi góp gió cho nên trong chiến tranh tôi mất và tôi được là những cái đó, chưa thành cái gì cả. Tôi có thể nói chắc chắn rằng Thơ tôi chưa thành tức là chủ nghĩa chưa đúc, lý tưởng chưa chảy vào tâm máu, chưa hóa thành những tế bào của cuộc đời tôi. Thơ tôi chưa thành tức là con người tôi còn đang dang dở, cuộc đời tôi chưa có ra gì. Chiến tranh đã dạy cho tôi những điều lụn vụn, những sự thực chi tiết và bộ phận. Chiến tranh chưa tạo cho tôi thành một người có da có thịt. Tôi chưa nhìn thấy sự thực lớn lao nhất của cuộc sống. Cho nên không có lạ gì những ngày đầu tiên của Hòa Bình tôi rất buồn cho những năm chiến tranh của tôi, tôi có những hối hận những tiếc rẻ tiếc đắt, những ý nghĩ bâng quơ và nhạt mồm..”

Sau chiến tranh, tác giả rơi vào hụt hẫng. Thơ đang ngơ ngác giữa ngã ba đường. Người ta (chỉ lãnh đạo Đảng) muốn một đàng thì tâm ý ông lại ở một nẻo khác:

“… Bây giờ tôi muốn một thứ Thơ như thế nào?

Những sự suy nghĩ của tôi nó kế tiếp nhau tuy nhiều lúc tưởng rằng nó chống chọi nhau và từ bỏ nhau hẳn. Bây giờ tôi muốn một thứ Thơ như thế nào đó giải quyết được một số những mâu thuẫn giữa tôi và người ta và giữa tôi với tôi. Tôi muốn nhiều nghĩa, mờ ảo mà người ta muốn rõ nghĩa rành mạch. Vì vậy tôi muốn có một thứ Thơ nào đó có một nghĩa rõ ràng kèm theo muôn ngàn nghĩa khác. Tôi muốn (…) không có vần, không có kỷ luật. Người ta thích thơ dễ đọc có vần vì vậy tôi muốn có một thứ Thơ nào đó rất tự do nhưng rất có nhịp chắc chắn, cái nhịp đó đủ sức mạnh và âm điệu để cho tự nó có thể sinh tồn- chỗ có vần chỗ không có vần. Nó rất nhịp nhàng nhưng đó là một cái nhịp nhàng tạo nên bằng những cái gồ ghề khúc khuỷu, chối tai rức óc. Nhưng mà những cái đó lại nhịp nhàng. Nghĩa là tất cả những cái xốc họp lại thành cái êm. Một cái êm rất xốc…

Tôi thích Thơ phải có buồn có tủi, có suy nghĩ, có thấm thía có chua xót, có đau khổ, có máu, có mồ hôi. Thơ đầm nước mắt. Giọt mực là giọt máu, giọt mồ hôi. Accent thơ là những accent éo le, trái ngược, giận dữ, châm chọc, tự hào, hãnh diện, hằn học, soi mói…”

Viết một tập nhật ký là không ngoài chủ đích ghi nhận lại những cái “được” của tác giả, những hoạn nạn khởi đầu từ chuyện ông không bằng lòng với chính sách kiểm soát văn nghệ của Đảng, viết bài phê bình tập thơ “Việt Bắc” của người làm thơ thuộc loại quan chức lãnh đạo Tố Hữu. Thêm vào đó, mối tình của ông với bà Bùi Thị Ngọc Khuê bị ngăn trở và phê phán gay gắt. Bà Ngọc Khuê xuất thân trong một gia đình Công giáo và cả nhà đã di cư vào Nam năm 1954. Bất chấp sự ngăn cấm và kỷ luật của đơn vị quân đội và đảng bộ địa phương, Trần Dần vẫn không ngại bị gán tội “liên quan” và kết hôn với bà Ngọc Khuê gây nên những cơn bão tố cho suốt cả cuộc đời mình. Biết là sẽ khổ sở, biết là sẽ bị trù dập nhưng với bản tính riêng ông vẫn bất chấp. Trong “Ghi”, Trần Dần than thở:

“… Đời một người con gái, một đứa bé và đời tôi người ta quyết định tùy tiện như vậy sao? Vậy có nhân đạo gì nữa không? Tư tưởng lập trường gì mà đàn áp tâm hồn người ta như vậy?

Kính gửi những người phụ trách cuộc sống ở Việt Nam tôi buồn như thế, khổ như thế. Người ta hà khắc vô lối với đời tôi, đời người con gái tôi yêu, đời đứa con tôi sắp đẻ như thế…”

Khi ấy đang có cuộc di cư vào Nam và tình hình còn nhiều lộn xộn chưa ổn định nên Đảng chưa ra tay vội mà chờ thời gian sau thuận tiện hơn. Thế mà Trần Dần lại chọc tức bằng một công việc táo bạo là viết bài phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, một người coi như là thi sĩ tiêu biểu cho văn học miền Bắc. Bài phê bình rất nặng nề, coi Tố Hữu như một nhà thơ giả trá, thi ca không có hồn và toàn là sao chép lượm lặt chứ không có nét to lớn vĩ đại của sáng tạo mà bộ máy tuyên huấn đã xưng tụng. Nhỏ nhen, Tố Hữu ra lệnh bắt giam Trần Dần ở Việt Bắc. Vợ Trần Dần ở Hà Nội bơ vơ một mình, bụng mang dạ chửa, không sinh kế. Bạn bè phải thăm hỏi, giúp đỡ, nâng cao tinh thần. Vụ ông bị bắt gây ra dư luận ồn ào tại Hà Nội và Đảng buộc lòng phải dẹp yên và sửa sai bằng cách bắt buộc Trần Dần tham gia phong trào Cải Cách Ruộng Đất.

Năm 1956, nhân cơ hội chính biến ở Liên Xô, Krushchev hạ bệ Stalin và chủ trương xét lại nên một nhóm trí thức ở Hà Nội thực hiện “Giai Phẩm Mùa Xuân” trong đó có bài “Nhất Định Thắng” của Trần Dần. Tạp chí này vừa in xong là bị tịch thu ngay, Trần Dần bị đấu tố tơi bời, quy tội phản động, mang ra đấu tố công khai trước hội nghị. Trần Dần uất ức dùng lưỡi dao cạo cứa cổ tự sát nhưng không chết. Sau này còn vết sẹo to ở cổ.

Năm tháng sau, lợi dụng phong trào sửa sai sau cải cách ruộng đất, nhóm trí thức này lại thực hiện “Giai Phẩm mùa thu” và tạp chí Nhân Văn. Cụ Phan Khôi viết “Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ”, nhà thơ Hoàng Cầm viết “Con Người Trần Dần”. Sau khi bị đàn áp, đến năm 1957, báo Văn phê bình Đảng và Trần Dần đăng bài thơ “Hãy Đi Mãi” với sự xác quyết sẽ theo đuổi lý tưởng của mình đến cùng. Trần Dần bị kỷ luật, treo bút ba năm nhưng thực tế thì bị ghi tên vào sổ đen đoạn trường và không một chủ nhiệm hay chủ bút nào có gan đăng bài viết của ông nữa. Cuộc đời của ông lúc này bị cô lập, tuyệt đường sinh kế, cả gia đình nheo nhếch sống nghèo đói khổ cực.

Ghi lại đời mình trong những trang nhật ký, ông trung thực trong từng ý nghĩ cũng như sự nhận định. Nhiều chi tiết mà tới bây giờ khi đọc tới vẫn làm người đọc rùng mình ghê sợ. Cải cách ruộng đất, vô sản chuyên chính, oan khuất chập chồng, cơ hội cho những kẻ mặt người dạ thú cầm quyền sinh sát. Những chuyện xảy ra, vừa bi vừa hài, tưởng là chuyện giỡn mà là sự thực. Con người đối xử với nhau tàn bạo, phản trắc, vì quyền lợi mà đôi khi giết nhau một cách gián tiếp, gán cho nhau những tội lỗi tày trời một cách điêu ngoa. Trần Dần ghi chép lại. Không phẩm bình nhưng cô đọng và lôi cuốn với sự thuyết phục. Đọc những trang nhật ký, mà ở đó, sự thực được phô bày để rõ nét hơn một thời kỳ vô cùng đen tối của đất nước mà chủ nghĩa Mác Lê-nin đã gây ra.

Những trang nhật ký tiếp theo từ năm 1957 là những năm mà Trần Dần viết nhiều về những người cầm bút cùng thời kỳ với ông. Chân dung con người thực được tỏ lộ, để sự thực làm đau đớn và thất vọng những người đọc thời sau. Xã hội ấy, thì những chuyện như thế là chuyện dĩ nhiên phải có. Họ phải tự tạo ra áo giáp trong cuộc sống để thủ thế và nhiều khi có những lời nói, những việc làm trái với lương tâm ngược lại điều mong muốn.

Trần Dần viết về Lê Đạt, người mà về sau này đã nhận giải một cách thật là “khôn ngoan”“hồ hởi”:

“… Viện Văn Học Gorki chỉ lấy 8 người đi học. Gạn mãi, ta mới chấm được 5! Ông Lê Đạt đâu tuyên bố: xin đi, để tị nạn!

Hoàng Cầm cười khỉnh: “Ông Lê Đạt mà! Bão chưa lên ông ấy đã trốn biến ngay”

Trần Dần viết về Văn Cao, Hoàng Cầm:

“ Cuối cùng Vcao (Văn Cao) bảo thẳng mặt Hcầm (Hoàng Cầm) rằng tính mày hay mách lẻo thì nhớ cho kỹ nội dung cuộc gặp hôm nay đấy, có mách thì mách cho đầy đủ!

Cuộc hội đàm bẩn thỉu ấy xong rồi, không biết Vcao có về báo cáo lãnh đạo hay không? Nhưng HCầm thì có: Anh ta gặp ngay NĐThi (Nguyễn Đình Thi) báo cáo ra sao không rõ, nhưng cũng có thể đoán là anh ta chắc không báo cáo đúng về riêng cái phần của anh ta! Tphác (Tử Phác) kết luận “cả hai thằng đều như hai con đĩ rạc đĩ rày cả. Bẩn hết chỗ nói!!”

Và đoạn khác: “Tphác nói:“rất lạ, là nó cứ nói mình, rất cynique rằng, nó xưa nay vẫn là người tiến bộ, theo Đảng! Kỳ thế cơ chứ, bao nhiêu lần pum, ăn uống, nó nói những gì, bây giờ nó làm như không có cả! mà nó lại rất thành thực cơ chứ, Vcao quên thực hay sao! Đặng Đình Hưng bĩu môi xì một cái. “Quên. Nó thiếu probité… thì có”.

Đang lúc kiểm thảo ở cơ quan thì tiên chỉ đi pum. Tất nhiên là lãnh đạo phải biết! Một tối anh mò đến Tố Hữu. Tố Hữu hỏi:

– Có còn chống đối không?

– Thôi rồi. Văn Cao nói.

– Nhưng pum thì vẫn còn chứ? Tố Hữu hỏi độp một cái, khác gì cái tát.

Văn Cao choáng người, thú nhận vẻ xuê xoa:

– Có một lần… Hì!!

– Đã mắc chưa?

– Chưa!! Hì… Buồn quá thì lại đi… Hì!! Chứ chưa mắc… Hì…

Văn Cao về, kể lại chuyện ấy, có vẻ khoe cái sự thân mật của mình với Đảng đến được cái độ ấy!!”

Trong Ghi rất nhiều những đoạn ghi lại những câu chuyện của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Những Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung, Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Đặng Đình Hưng, Tử Phác, Hoàng Cầm.. Những người thực, chuyện thực. Và ở trên tất cả là một không khí chung của một xã hội mà mọi người không ai tin tưởng vào ai được, luôn luôn dè chừng, canh chừng nhau, thủ thế nhau, báo cáo lẫn nhau. Ở những khuôn mặt ấy, họ bộc lộ đầy đủ mặt xấu mặt tốt. Đừng ai bắt họ phải tử vì đạo bởi vì trong cuộc sống họ phải vật lộn bương chải để tự sinh tồn nên cá tính của mỗi người hiện ra không che giấu được. Những năm 1959, 1960, Trần Dần sống trong hoàn cảnh tận cùng khổ sở một vợ hai con gia đình nghèo mà đơn bạc lại không được ở gần để săn sóc. Bị cải tạo lao động chân tay ở tập đoàn sản xuất Chí Linh ở gần thị xã Đông Triều. Công việc nặng nhọc, không phù hơp với thể chất thư sinh nên lâm bịnh nặng nhưng vẫn phải gượng làm việc, cố gắng để bày tỏ thiện chí muốn tự mình sửa đổi bằng lao động. Viết văn, làm thơ, lúc này đối với ông sao xa vời quá. Năm 1960 ông bị cải tạo ở khu gang thép Thái Nguyên, bị bệnh nặng nên được trở về Hà Nội. Sau đó, ông sống âm thầm bằng nghề dịch sách, bị cấm viết một cách không chính thức và xóa tên trong những sinh hoạt văn học. Trong “Ghi” có kể lại những ngày tháng đó, phác sơ lược nỗi đau đớn và vẫn là những câu hỏi để tự vấn chính mình. Lao động như thế có giúp ích gì cho nhà văn, nhà thơ hay không…

Đọc xong cuốn sách lần đầu, tôi bàng hoàng cả người và những lần sau đều như thế. Đời sống ấy, từ những phóng chiếu trung thực, từ tâm tư tác giả, phản ánh một thế thời đen thẳm. Câu văn, ý chữ, không phải đơn thuần mà như kết tinh bằng máu lệ của một đời người trí thức sống trong một xã hội đầy biến loạn nhiều biến cố. Trần Dần là một người cầm bút bất hạnh, là một nhà thơ luôn gặm nhấm nỗi bất lực của mình với cuộc đời. Cuộc sống dìm ông xuống tận đáy vực sâu, tuổi trẻ hoạn nạn, tuổi già bệnh hoạn liệt bại cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

Trần Dần, tuy đời sống đầy tân toan cực nhục, mà thơ ông vẫn khởi hành đi, đi mãi như những câu thơ:

“Tôi vẫn cháy
Ngọn hải đăng con mắt
Ở trong biển sống
Hằng đêm
Tôi vẫn đóng những câu thơ
Như người thợ đóng tàu
Chở khách
Đi về phía trước.
Nơi
Loài người
Đã biết sống chung nhau
Nơi
Tất cả
-chẳng còn ai bần tiện
chẳng còn lo
cơm áo
nợ nần”

Nghĩ về một thi sĩ, nghĩ về một người tuẫn nạn bởi văn chương, tôi bắt chước ông Nguyễn Hữu Đang, khấn vái và cầu chúc:

“Anh đi nhé và sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài ở thế giới bên kia!!!”

Nguyễn Mạnh Trinh.

(Nguồn: Bán tuần báo Việt Luận Úc Châu)

Mưa Trong Vườn Nhà Cô Françoise, Truyện ngắn Nguyễn Nghiệp Nhượng


cc30a06a7dc43c54819459680239eb27-460f8

Nguyễn Nghiệp Nhượng

Vòm kính nháng những tia chớp tím hay hơi nước bay tỏa đã nhuốm mặt nàng trong thứ ánh sáng thật dịu, từ mầu tím chuyển qua những mầu khác hoặc xanh trắng, pha hồng, liên tiếp nháng lên trong bầu trời đen mà chính những tia chớp đó đã làm cho rộng rinh. Hai dẫy cây ương có lá cong; chốc chốc, một cơn rung chuyển nào đó từ ngoài đưa tới, như thể từ phương xa, trong một chuỗi tinh hệ khác, xảy ra từ triệu năm trước mà lúc này ảnh tượng mới chuyển tới. Tôi đi rất nhẹ nhàng chung quanh vòng kính, ngang những cọng lá, những chậu sứ tráng men xanh, qua đầu nàng. Nhưng nàng không hề biết. Đó là một cái đầu nhỏ, tóc dài xuống lưng không buộc lại và có vẻ như ướt nước. Mùi thơm từ mái tóc đó tỏa ra khắp gian nhà lớn. Nàng bất động.

Nhưng chính như thể sự bất động đó của nàng trong gian nhà đầy ánh sáng thay đổi và những cơn rung chuyển xa vắng không tiếng động làm nàng có vẻ như đang trầm tư. Hơn nữa, lúc này, nàng đang với tay tới một cọng lá cong, một cánh tay để trần, trắng và dài. Điều này không chắn chắn mấy.

Nàng nói: “Con ngủ rồi .”

Từ cánh tay trần của nàng, ánh sáng chớp liên tiếp chói lòa như thể cánh tay đó có bôi mỡ và khi nàng thả cọng lá ra, nó bật lên, một vài giọt nước rơi xuống. Nàng cũng dùng cánh tay để trần này xoa nắn hai bả vai, xoa bụng và mạn sườn. Rồi đó, nàng cởi áo khoác thả xuống nền đất. Cái áo mỏng, dài như kiểu áo choàng ngủ, có những lỗ tròn cháy, bằng đồng xu nhỏ. Lớp da bụng của nàng hiện ra căng tròn về phía trước. Nàng thõng tay che một cách chậm chạp phần cuối cơ thể, bắp tay gần như ngáng trên bụng. Nàng mỉm cười và lại bất động.

Chính lúc đó, một người đàn ông hiện ra. Anh mở cánh cửa nào để vào tôi cũng không biết. Chỗ anh đứng, đằng sau là những ô kính vuông liền khít nhau đóng bằng nẹp gỗ. Nhưng một tay anh ngoái lại phía sau như động tác để khóa chốt; rồi đó, anh buông thõng tay xuống.

Tôi nói với nàng: “Có ai vào.”

Nàng nói, lơ đãng: “Ai đó.”

Nhưng hình như nàng mỉm cười mà không nói gì thì đúng hơn. Lúc này, nàng như cục sắt bị nam châm hút cứng xuống đất, không nhúc nhích, không thở, và nụ cười của nàng yên giữ như thế. Mắt nàng nhìn xuống, cũng bất động, ngay cả khi tôi ngó vào. Núm vú nàng đỏ hồng, quầng sưng mộng và nổi ốc.

Người đàn ông đã đứng bên cạnh nàng từ lúc nào. Anh đứng thẳng, mắt hướng về phía trước với một cái nhìn thật xa xăm như thể không thấy nàng.

Anh có những nét duỗi thẳng trên khuôn mặt, khiến cái đầu dài khác thường. Anh đeo một cái mũ rộng vành tô xanh đỏ gì đó bằng một cái quai nơi cổ, hai bên tai thừa ra hai đường cong của vành mũ. Anh thõng tay đứng yên, chỉ có đôi môi bập bập cái tẩu thuốc dài. Anh cao hơn người đàn bà nhiều.

Anh nói: “Mũ cói của Hector gởi tặng. Em thấy có đẹp không ?”

Anh bập bập mấy hơi thuốc, đưa một tay lên giữ ống điếu.

“Cả ống điếu. Bây giờ anh ta đang ở nhà hay đi chơi với bạn bè. Hector Louis Végas, mau thật. Hồi nãy trong khi đi xuống đây, mưa lớn quá anh tới ngồi dưới cái vòm chậu, tự nhiên có cảm tưởng như…như…”

Bây giờ, một tay nàng đặt lên vai anh, mái tóc dài che ra trước ngực. Một chuỗi cười thật dòn dã như ở trên nóc vòm kính đưa xuống rồi đột ngột ngưng hẳn. Nàng trở lại bất động nét mặt có một chút ủ rũ nào đó. Giọng người đàn ông mà lúc này đã đội cái mũ rộng vành lên thật trầm như khi anh đọc một đoạn thơ.

“Xin lỗi, xin lỗi em. Nhưng hễ cứ trời mưa là anh lại vậy.”

Nàng không nói gì, ánh mắt thật mơ màng.

“Thời kỳ này anh sống giật lùi thật xa. À, chỉ tại trời mưa.”

Anh đi tới một bước, hất cái mũ cói xuống ghé sát vào má của nàng và cọ cọ bộ râu vào đó. Anh nói trên gò má:

“Tại mùa mưa này làm anh hỏng.”

Nàng vẫn không nói, mắt nhìn xuống trong im lặng không biết tại sao. Lúc này thì mưa nhỏ hơn, nhưng chớp liên tiếp sáng chói ngòng ngoèo trên bầu trời đen, lâu lâu có những lằn chớp dài chạy nhỏ rức như chỉ trắng, nới rộng trời ra như một tấm màn kéo, và vòm kính chớp nhoáng những tia sáng đỏ. Một đôi khi, ánh sánh tím và nhạt nhạt như soi lên bụng nàng, một mầu nhẹ nhàng huyền hoặc kỳ lạ.

“Anh có kể cho em nghe chuyện trên núi chưa nhỉ? Trên núi, sống thật là tuyệt. Thời kỳ này anh gần với núi hơn. Mầu xanh của núi mát mẻ hơn cái gì khác, lâu lâu anh tưởng như hơn cả em nữa.”

Anh ngừng nói và hút thuốc. Anh cúi đầu đi loanh quanh. Hai tay chấp sau lưng. Trong một lúc nào đó, anh vẫn đi và tiếp tục nói:

“Nhưng mà, hồi nãy, anh nói khi đi xuống đây, khi đi xuống đây đó. Anh sợ sợ. Anh bê bối thật. Em thấy đó, hồi này anh sống như mất trí nhớ. Trí nhớ của anh lúc trước phi thường, hả? ”

Anh đứng lại và ngó ra ngoài. Lát sau, anh tiến tới tỳ trán vào một ô kính, hai tay làm như cái khung bấu vào nẹp gỗ và gần chạm vào thái dương. Cái mũ cói vẫn ở sau lưng.

“Giá mà anh nhớ được. Giá như hồi trước, em hả? Lúc này, anh quên thật nhiều thứ, không nhớ gì hết. Nhưng mà, làm như anh đã thanh toán xong cái của nợ đó chứ không phải anh bị chúng bỏ anh.”

Anh làm một cử chỉ vung tay, rồi cầm cái ống điếu vẫy vẫy.

“Anh nhẹ mình.”

Anh hút vài hơi thuốc và nhả khói:

“Tại anh sống trên núi đó.”

Bất chợt nàng nói:

“Anh sống trên núi với ai ?”

Câu hỏi như câu nói, không cao giọng, như thể là nàng không hỏi anh mà là hỏi một cái tượng gỗ nào đó. Tẩu thuốc lá đã hết, anh bập bập rồi gõ vào thành gỗ, gõ nhẹ vào mặt kính, nhưng không có tiếng động. Những cử chỉ giới hạn nào đó làm anh có vẻ như đang nghĩ ngợi.

“Có ai. Như vậy mới thật tuyệt. Nhưng mà, anh đã nói, hồi này anh sống khó khăn quá. Hừ, anh muốn nói gì với em đây? Cũng như…cũng như…à như là anh tạc nàng đó.”

Anh quay lại, một tay thọc vào túi, tay kia cầm ống điếu vẫy vẫy.

“Anh quên nàng. Khó khăn lắm anh mới nhớ hay nhận ra mặt nàng. Mà không biết anh định tạc nàng làm gì. Anh làm công việc vô ích thật, hả ?”

Tôi bước ra khỏi những chậu sứ tráng men xanh vừa đi vừa nhìn nàng và những cọng lá cong cong. Mưa vẫn đều đều, chớp liên tiếp. Không hiểu gian nhà này làm từ hồi nào nhưng nó có vẻ như sắp nứt đôi. Tiếng động ì ầm xa vắng có một lúc nào đó thốt nhiên rõ lớn trở lại như trước. Người đàn ông đã đi mất và lúc nãy chỉ còn tôi với nàng, với mùi thuốc phảng phất.

Nhưng nàng làm như không có tôi. Nàng cất tiếng hát nho nhỏ và nói:” Con đang ngủ ngon, phải không con ?”, và nàng bước chậm rãi quanh những chậu cây ương.

Những tia chớp xanh và tím vẫn liên tiếp nháng chiếu. Tôi bỗng nhớ tới một giấc mộng đã lâu lắm, trong đó, như ở một gian nhà có mái kính mầu, một đứa trẻ đang khóc và người mẹ bế nó vừa nựng nịu vừa ru. Anh sánh tím nhiều hơn cả chiếu rọi khắp nơi, chiếu lên đứa nhỏ và cánh tay cùng thân thể người mẹ.

“Con sắp ra đời mà anh không thèm để ý gì hết.”

Tôi muốn đi tới, nhưng thân thể tôi bỗng nhiên cứng nhắc.

“Anh xem. Nó quẫy dữ lắm. Đôi khi em thấy một cục cứng. Như cái đầu. Với lại, đôi khi nó quẫy cả hai bên như là….như là có hai đứa. Em sợ quá.”

Tôi cười lớn tiếng, nói:

“Sinh đôi. Như vậy càng nhiều chứ sao.”

Nàng bỗng tới và ghé vào tai tôi. Hơi thơ ấm khiến tôi tỉnh thức như tỉnh thức sau một giấc mơ dài. Trong hơi thở, tiếng nàng nói thật nhỏ:

“Có phải anh không?”

Cũng vẫn ghé sát như thế, nàng thì thầm:

“Ở trên núi của anh, lúc này chắc mưa lớn hơn, nhỉ? Em muốn lên ở đó, mình tìm một cái hang động trú mưa, lót lá ngồi cho tới sáng .”

Thốt nhiên nàng rời xa tôi, tới chỗ lúc nãy của nàng. Tôi bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm hơn, như vừa thoát khỏi một sức hút nào đó. Tôi chậm rãi ra khỏi gian nhà ương cây. Trong một góc tối giữa vườn lớn, người đàn ông đội mũ rộng vành đang đứng bên một mái cong giống như kột cái tàn lớn đúc bằng xi măng.

Mưa nhỏ. Trong những lối đi lót sỏi trắng, một vài vũng nước thỉnh thoảng lấp lánh. Người đàn ông đội cái mũ rộng vành rời cái mái cong đang đi trên những lối đó. Anh dừng lại trước một cây cảnh nào đó, giơ tay vuốt những chùm lá. Anh vẫn hút thuốc.

Anh đứng yên lặng trước bụi cây. Mưa đã ngớt hẳn, chỉ còn những bụi nước rơi cong cong như những sợi chỉ. Đêm yên tĩnh rõ hẳn những giọt nước rớt thánh thót. Đột nhiên, về phía ngôi nhà gạch lớn phía trong, một khung cửa sáng lên và tiếng nhạc thoát từ một loại nhạc khí nào đó, rời rã đưa đến. Anh có vẻ hơi quay lại phía cửa sổ, nhưng tay vẫn đặt trên một chùm lá. Lát sau, anh có vẻ như không chú ý đến tiếng nhạc nữa tuy nó vẫn nhẹ nhàng rời rạc thoát ra. Anh rời bụi cây đi loanh quanh trong vườn.

Người nào đó chơi đàn có lẽ để cho hết thời giờ. Những hợp âm đưa tới khiến tôi biết đó là tiếng Tây ban cầm. Tôi rời chỗ đứng đi lại gần cái cửa sổ sáng ngó vào nhưng không thấy ai. Có lẽ người chơi đàn ngồi khuất sau những tấm màn màu xanh nhạt, bằng nhung, óng ánh và có vẻ hơi buồn bã. Gian phòng không rộng lắm, nhưng cao và có trần. Tường quét vôi vàng nhạt, trong ánh đèn yếu ớt màu vàng nhạt đó tăng thêm một chút đen do những mảng bóng tối từ góc khuất phát ra. Chính giữa gian phòng, đối diện với cửa sổ là một bức chân dung lớn, có lẽ vẽ hơn là ảnh chụp. Người trong bức vẽ béo tốt, râu ria xồm xoàm mặc võ phục có nẹp đỏ, ngang lưng đeo một thanh kiếm chuôi tua chỉ vàng. Một mắt của ông ta đeo kính trắng thêm vẻ dữ tợn nghiêm nghị. Phía trước bức chân dung là một cái tủ kính, trong để các thứ trang trí mỹ thuật gì đó. Cửa ra vào thông với một phòng khác hé mở nhưng không thấy người. Tiếng nhạc có lẽ phát ra từ sau một cái chụp đèn tròn và lớn, gần khuất trong tấm màn nhung.

Tôi rời cái cửa sổ đi theo đường rãnh nước ven tường vào những lối mà người đàn ông đội mũ cói rộng vành lúc nãy đã đi qua. Không biết lúc này anh ở đâu, bốn bề vắng ngắt mờ tối, mưa vẫn rơi cong cong. Gian nhà kính ở về phía trái ngôi nhà lớn, bên này là vườn cây nhỏ và thưa. Có một cái nhà gỗ thấp trong những cây đó.

Có lẽ anh tới nhà kia chăng? Nhưng ở đó tối om, vắng ngắt và không có vẻ gì có người cả. Tôi đi quanh quẩn trong khu vườn thưa, những chiếc lá rớt xẹp xuống dưới chân. Ở đây có vẻ đọng nước, mưa cùng hơi ẩm thấp tạo thành một bầu không khí nằng nặng, ngưng đọng và không chuyển động. Tiếng đàn trong phòng sáng lúc này nghe tiếng được tiếng mất, như thể những âm thanh kia bị chận lại ngoài cửa vườn.

Dù sao tôi cũng đi tới cái nhà gỗ nhìn vào. Bên trong tối nhờ nhờ nhưng không tối đặc như tôi đã tưởng. Vô số những que gỗ, buộc với nhau thành hình này nọ bởi những sợi giây thép và những thanh gỗ đó thì dính đất hay một chất trắng cứng nào đó. Một số khác có hình thù hơn treo lủng lẳng trên những cái móc, trên những thanh gỗ bắc ngang hoặc dựng sát vào tường. Có một pho tượng cao và lớn hẳn so với những hình thù kia, giống như một người đàn ông; đầu và hai tay dài khác thường.

Bất chợt, một giọng nói sau lưng tôi.

“Ông bạn làm gì đó?”

Tôi lạnh toát, quay lại. Người đàn ông đã đứng sau lưng tôi tự lúc nào. Tôi ngạc nhiên vì giọng nói của anh không có gì tỏ vẻ khó chịu hết dù tôi đột nhập lén lút, hơn nữa điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là anh trông không giống người đội mũ rộng vành chút nào. Anh có vẻ ốm yếu, mép để ria, hai mắt sâu và lớn, tóc hơi quăn.

“ Ông bạn đừng ngạc nhiên. Tôi thấy ông bạn từ lúc trời mưa.”

Tôi hỏi một câu ngô nghê:

“Ông là ai ?”

“Tôi hả? Hà, buồn thật. Không ai hiểu tôi hết.”

Anh im lặng một chốc, cúi nhìn tôi qua những sợi giây leo ở cửa. Anh nói trong lúc nhìn đó: “ Tôi buồn rầu quá. Tôi nhìn thấy sự buồn phiền.” Anh thò tay vào cửa lấy một cái mũ máng đâu trong vách và đội lên đầu. Anh nói:

“Phải không?”

Tôi nhìn sững người đàn ông, tôi không tìm ra được nét giống nhau nào giữa anh ta và kẻ ở trong nhà ương cây, trừ cái mũ cói rộng vành mà anh ta đang đội. Nhưng ai cũng có thể có một cái mũ cói rộng vành hết.

Người đàn ông vẫn nói bằng giọng đều đều lúc đầu:

“Tôi không biết làm gì bây giờ. Hơn nữa, tôi không biết nói với ai.”

Anh chợt thay đổi giọng nói: “Hà, bây giờ có ông bạn.” Sau đó anh lắc đầu tiếp:

“Có những chuyện không thể nói với đàn bà được.”

Tôi hỏi:

“Ông ở đây phải không?”

Tôi lại hỏi một câu ngô nghê nữa. Người đàn ông cười lớn:

“Tôi đâu ở đây được. Phải sống nơi khác. Ở đây, mùa mưa làm ai cũng thấy buồn cả. Mà mùa mưa thì kéo dài tới tám tháng.”

Anh ngừng nói bằng cả vẻ mặt. Anh có vẻ bồn chồn như đang chờ đợi cái gì đó. “ Tôi muốn nói chuyện, à, muốn kể chuyện với ông bạn…”, anh nói không nhìn tôi như đang chú tâm nghe ngóng đâu đó, “ Nhưng khoang đã, tôi cần tới đây một chút.” Anh vụt rảo bước vào khoảng cây và bóng tối mà lúc nãy anh tới. Anh đi như bóng ma và rất nhanh chóng. Hơn nữa, tôi cũng không để ý mấy. Tôi tiếp tục nhìn ngắm những thứ lủng cũng trong cái nhà gỗ.

260_149_1362582639_33_1362238147_426284_400894609925130_1056361736_n_large

Trời đang có vẻ tạnh bỗng lại mưa. Gió nổi rất lớn, rung ào ào trên đầu tôi. Tôi nép vào mái gỗ, nhưng mưa lớn quá, hai chân tôi bắt đầu ướt. Tôi tìm cửa vào nhưng không thấy, liền trèo cửa sổ. Mái nhà lợp bằng những tấm tôn mỏng, mưa xối ầm ĩ, tôi thu hình ngồi trên một cục gỗ khá lớn không biết dùng làm gì. Chung quanh tôi, những hình thù và các thanh gỗ ngang dọc trở thành đậm mầu hơn, lẫn với bóng tối, như thể chúng là cả một khối đang nổi rõ vài đường nét góc cạnh nào đó. Tôi nhớ người đàn bà trong nhà kính, hình dung sắc đẹp của nàng, hình dung những nét diễm lệ và nhất là vẻ im lặng quá mức của nàng. Ánh sáng tím nhạt cách quãng của những tia chớp, làn da bụng trắng của nàng, cánh tay dài và cọng lá cong cong, những thứ đó hợp thành một khung cảnh rung rinh như giấc mơ, hay chính là giấc mơ thật, nhưng dù sao, đó là một khung cảnh không thể tìm thấy ở đâu khác, huyền hoặc và thơm ngát.

Trận mưa kéo dài không biết bao lâu. Tôi cứ ngồi thu hình yên lặng và nhìn ngó trong bóng đêm những hình thể lờ mờ chung quanh và những hình thể dễ nhận biết khác, như những cụm mây, góc cây, cái bờ tường, cánh cửa sổ, những vũng nước, ở xa tít phía cuối vườn hay trong nhà ở, và những thứ đó càng lúc càng xa thêm, lờ mờ, chập chùng. Một đôi lúc tôi tự hỏi về lai lịch cái nhà và khu vườn này, hay những người sống ở đây, người đàn bà trong nhà kính, người đàn ông đội mũ rộng vành, tiếng đàn, bức chân dung vị võ quan…nhưng những tra vấn này hình như không làm bận tâm trí tôi nhiều. Chúng lướt qua, như thể không phải là lướt qua trí tôi nữa.

Khi mưa tạnh trở lại, tôi bắt đầu thấy mỏi mê cùng khắp. Tôi trèo qua cái cửa sổ đi ra bên ngoài. Tôi đạp lọc bọc trên những vũng nước và lá ướt, trở lại căn nhà ở. Đèn ở cái cửa sổ lúc nãy vẫn sáng, nhưng cửa đã đóng. Tôi đi chậm chậm trong những lối sỏi cũng ướt nước và tiến về cái nhà kính. Ở đây là một cái nền cao, xây bằng gạch miếng không tô vữa, những ô kính loáng thoáng vì ướt nước. Tôi trèo lên nền gạch, bước vô. Nhưng tôi chưa kịp trông thấy người đàn bà thì đụng phải một cô bé.

Cô bé ngẩng nhìn lùi lại như muốn la lớn. Tôi nói:

“Có gì thế ?”

Cô bé đứng tới ngực tôi, tóc gần chấm vai và hơi cong, mắt như vừa khóc. Tôi lập lại: “ Có gì thế ? Cô bé là ai thế ?”, cô bé nói:

“Ông tới đây làm gì ?”

Tôi lúng túng không biết trả lời sao. Sao cùng tôi nói:

“À, tôi đi chơi thôi. Tại sao em khóc ?”

“Ông không phải là bạn của cô Françoise sao ?”

“Cô françoise nào?”

Cô bé nhìn tôi, lau nước mắt bằng một cái khăn mỏng rất lớn và tiệp với mầu áo.

“Ông tới đây từ bao giờ thế?”

Tôi cười cười đáp:

“Hồi nãy.”

Đột nhiên, cô bé tỏ vẻ sợ hãi hỏi:

“Ông đã gặp cô Françoise chưa? Cô Françoise là chủ nhà.”

Tôi đáp: “Chưa. Tôi chưa gặp.”, và ngó chung quanh, “À, nhưng có lẽ tôi gặp rồi. Cô Françoise thật là đẹp phải không?”

“Đẹp.”

Tôi nhớ tới cái bụng trắng nõn và căng tròn của nàng, tôi hỏi cô bé:

“Chồng cô Françoise là ai thế? Cô sắp có con đấy, nhỉ? ”

“Ông nói lạ thật. Cô chưa có chồng.”

“Như vậy…như vậy….Em nói gì thế?”

Đột nhiên cô bé bỏ chạy. Tôi đuổi theo. Thật ra tôi có thể chụp nó dễ dàng nhưng tôi chạy lúp xúp coi sao. Cô bé chạy giữa những hàng chậu sứ, thỉnh thoảng kêu nho nhỏ: “Cô Françoise” như thể một nỗi sợ hãi nào đó làm miệng cứng không há được. Phía cuối góc gian nhà kính, người đàn bà trắng toát vẫn đứng yên, không nói gì, hình như nàng đang chăm chú nhìn tôi và cô bé đuổi nhau. Sau cùng cô bé không chạy giữa những chậu sứ nữa mà thoát ra ngoài thềm gạch. Tiếng kêu nhỏ vẫn gọi tên cô Françoise với nỗi sợ hãi gì đó. Tôi nói hơi lớn:

“Đừng chạy nữa, em nhỏ. Cô Françoise ở đây này”, và tôi hơi dừng lại để nhìn người đàn bà. Bóng cô bé thấp thoáng phía trước trong những lối sỏi, chạy hớt hải kỳ lạ. Tôi lớn bước đuổi theo. Dù sao, tôi vẫn không muốn gây tiếng động gì trong vườn này.

Cô bé đang chạy vào vườn cây, chỗ có cái nhà gỗ. Tôi đuổi kịp không khó khăn lắm. Khi vừa tới trước cái nhà gỗ, tôi nghe bịch một tiếng.

Cửa đã mở. Một cái cửa lớn và quá rộng ngay sát bên cửa sổ mà lúc nãy tôi không biết. Cô bé với quần áo trắng toát ngã sóng soài trên mặt đất. Tôi nói nhỏ: “ Có sao không?” và bước vào kéo tay cô bé. Đầu tôi đụng vào bức tượng cao lớn không biết ai mới treo lên, lủng lẳng, đen ngòm. Bức tượng yên lặng kỳ cuc. Có lẽ cô bé đã va vào đó nên ngã lăn.

Tôi cúi xuống ẵm ngang thân hình bé nhỏ đó lên, bước ra khỏi nhà và đi thẳng tới cái mái cong mà lúc nãy người đàn ông đội mũ rộng vành đứng trú mưa, Tôi đặt cô bé xuống. Nó đã ngất xỉu và lạnh. Tôi ngần ngừ một lát rồi làm loa tay kêu lớn:

“Cô Françoise, em bé ngã.”

Không chờ trả lời, tôi chạy thật nhanh thoát ra đường./.

(Trích Tuần báo Nghệ Thuật số 19. Phát hành ngày 19.2.1966. Và, đối chiếu lại trong tuyển tập truyện ngắn: Dạ Khúc do Hồng Đức xuất bản lần thứ nhất vào tháng 7 năm 1969.
Bản của Thư Ấn Quán)

Nguyễn Nghiệp Nhượng

Huế Của Một Nửa Tôi, Tùy bút Phan Ni Tấn


phannitan.edsbv_Tinh Khuc Phan Ni Tan

(Chân dung và tác phẩm của Thi – Nhạc Sĩ Phan Ni Tấn)

Phan Ni Tấn

Thỉnh thoảng tôi được đọc những bài viết của Nhóm Huế viết về Huế, về các bạn Huế thật giản di, chân tình, thật thắm thiết, thật hay.

Chữ nghĩa dành cho Huế của các bạn Thái Huỳnh, Tống Mai, Trần Kim Đoàn, Trụ Vũ, Hoàng Xuân Sơn… làm tôi thêm thèm Huế. Tôi chưa ra Huế lần nào, nhưng thơ tôi ở với Huế từ những ngày xưa lắm. Chính vì vậy mà dòng máu Huế trong tôi dù luân lưu một nửa nhưng Huế vẫn quả quyết nhận ra tôi. Bởi vì tôi đâu phải là người khách lạ. Và Huế đâu phải là một miền đất xa xăm, huyền ảo mong manh như một cái gì không thực. Dù Huế có tối tăm trong các đền đài, thành quách rêu phong, ẩm mốc nhưng Huế trong trí tưởng tôi lúc nào cũng trầm mặc, cổ kính nên Huế buồn. Ông bạn già Hoàng Xuân Sơn, người thơ xứ Huế có lần tự vấn:

Huế buồn chi, Huế không vui
Huế o ở lại, Huế tui đoạn đành

Sau cơn bão thời thế, Huế phân ly, kẻ ở người đi biểu sao Huế không buồn.

Huế buồn những đứa con Huế vì vận nước mà đi xa. Huế buồn cả xương cốt của nhừng người con đất Thần Kinh đã phân hủy nơi chốn quê người. Mới đây, ca sĩ Quỳnh Giao của làng Vỹ Dạ bên kia Đập Đá, người bạn hát của tôi xưa ở Sài Gòn, vừa đi vào thiên cổ. Với tôi, cái gì dính tới Huế đều buồn. Bạn hát của tôi đã đi rồi mà câu thơ buồn tôi cứ bịn rịn, nắm níu hoài:

Ngồi đây đi bạn, ngồi đây
Chiếu tôi đã trải dệt đầy Huế xưa
Thôi đừng khóc nữa Huế mưa
Hát cho nghe thuở Huế chưa biết buồn

Các bạn đã nói đến quê nhà và thời thơ ấu của các bạn, thì cái “thuở Huế chưa biết buồn” là cái thuở nào chắc các bạn phải biết. Riêng tôi chỉ biết bây giờ cho tới ngàn sau, Huế vẫn cứ buồn ở Bãi Dâu tang tóc. Huế vẫn cứ sầu thê thiết bên Gia Hội. Huế trong chiến tranh với biết bao tuổi trẻ vì miền đất bên này mà anh dũng hy sinh. Một cỏ xe tang. Một lá cờ. Và máu chảy vào hư vô. Nhiều đêm trong giấc ngủ vật vờ tôi nghe thấy Huế vẫn rên rỉ, khóc than trên bờ sông một đời buồn bã.

Huế nắng không nhiều nhưng mưa thì chì chiết đến thúi trời thúi đất. Mưa trên Lăng Miếu trước cổng trường Đồng Khánh. Mưa trong lòng các chàng trai Quốc Học. Mưa trên sông Hương. Mưa trên con đò. Mưa thê thiết trong câu mái đẩy đến chạnh lòng nước non. Chỉ có mưa tôi mới nghe được tiếng thở dài của Huế.

Nhưng bù lại, Huế có những con đường tình mượt mà, thơ mộng dù đi hoài không tới. Huế của Thúy, của Nguyệt, của Diễm, của Khê, của Ngà, của Lan, của từng người tình…

Bây giờ tất cả đều trôi xa, không còn lại chi ngoài hoài niệm và lời chào. Phải rồi. Xin chào các bạn của tôi, những người đã sinh ra và lớn lên trên đất Thần Kinh, vì vận nước đã trôi giạt ra ngoài đất nước. Tôi chẳng có chi dành cho các bạn ngoài bài thơ:

Huế Và Em
phan ni tấn

Một đời anh chắc chẳng bao giờ tìm ra nổi Huế
Bởi sinh ra chân anh đã có những con đường
Những con đường không kịp nở những đóa hướng dương
Chở súng đạn ra ngoài mặt trận

Sau chiến tranh những trận đánh đều trở nên luộm thuộm
Người ta cất các chiến cụ và những cuộn băng trong các viện bảo tàng
Anh trở về uớc mơ tàn tạ dưới chân
Ngó ra Huế chút Huế cũng đành hanh xa vắng

Con đường Huế bây chừ dù vẫn mưa vẫn nắng
Vẫn hương sen bay trên khắp mặt hồ
Nhưng lâu rồi liệu Huế vẫn còn em ngọt ngào giọng nói
Còn đôi mắt sáng, ngấn cổ cao, thả suối tóc trôi huyền?

Một đời anh chắc chẳng bao giờ quên em quyến luyến
Ngày chia ly tay anh đã có bão giông rồi
Vòng thanh xuân đâu còn quay đều trong sân chơi
Thôi thì nhai chút giọng cười Cẩm Lệ

Sông Hương núi Ngự là khuôn mặt ngó nghiêng của Huế
Cửa Thượng Tứ là ngỏ hẹp chở tình em qua cầu
Chiếc nón bài thơ rụt rè che bớt chỗ khổ đau
Em xuống đò rồi Huế cũng trôi xa ngái

Huế của ngày ấy bị trói thúc ké bằng những cuộn dây thép gai
Và bạo lực được viết bằng những nhát cuốc
Để câu mái đẩy khóc thành câu đứt ruột
Nước mắt khô chan trên mỗi mảnh đời

Trải tuế nguyệt Huế hồi sinh như nếp nhăn già cỗi
Vẫn nhọc nhằn, trầm mặc thiếp sương đêm
Huế cổ kính ngồi chòm hõm xõa tóc hương bồ kết
Gội đền đài thành quách rêu phong thành hoài niệm

Một đời anh chắc chẳng bao giờ tìm ra nổi tím
Áo tím than bay trong gió phất phơ buồn
Em bình minh hay chừ em lom khom
Mà Đồng Khánh cũng già theo tiếng thở dài Quốc Học

Nước sông Hương chia đời nhau hai nhánh tóc
Hút tiếng đò đưa chim lẻ bạn kêu sầu
Chợ Đông Ba ai dời ra bãi dại
Để Huế buồn biền biệt tím mãi đâu.

Phan Ni Tấn

6_48_1320553259_49_111105HDnusinhHue01

Phan Ni Tấn- Huế và Em (Hoàng Lan Chi)

Mọi người đang hoà với sôi động trong nước. Có nhiều người hân hoan khi thấy biểu tình rầm rộ. Tôi ngậm ngùi khi thấy bạn ta, sao quá đỗi thiệt thà. Bao nhiêu năm với cộng nô đè nén, dân chúng ta, có bạo động cũng không thể thế đâu. Chỉ chớp mắt cũng đoán được đâu là sự thật. Chỉ tàu cộng với âm mưu lộ liễu.

Giải pháp nào đây cho một Việt Nam? Tôi không nghĩ tàu chiếm Việt vì tôi vẫn cho rằng Miên, Thái, Nhật, Singapoor, Ấn còn đó và không thể thế giới nhìn Tàu lan vết dầu. Tây tạng: có thể vì người dân hiền hoà. Việt: không thể vì “giống da vàng này là vua đấu tranh”. Sau nữa, Việt còn khối dân đang lang thang toàn thế giới.

Mịt mờ thật.

Trong mịt mờ, lang thang facebook. Gặp bài thơ hay.

Ghi lại đây như những câu thơ tôi thích:

Những con đường không kịp nở những đóa hướng dương
Chở súng đạn ra ngoài mặt trận

Đấy bàn chân anh, người lính, đã không kịp về cho áo tím quấn chân mà phải vội chở ra ngoài mặt trận, những súng gươm của một thuở binh đao

Vòng thanh xuân đâu còn quay đều trong sân chơi
Thôi thì nhai chút giọng cười Cẩm Lệ

Ừ nhỉ, sân chơi đâu còn bóng dáng để tuổi xuân chầm chậm quay đều. Tôi ưa thích câu nhai giọng cười Cẩm Lệ. Thật tượng hình. Các bà mẹ Huệ vẫn nhai thuốc Cẩm Lệ!

Huế của ngày ấy bị trói thúc ké bằng những cuộn dây thép gai
Và bạo lực được viết bằng những nhát cuốc
Để câu mái đẩy khóc thành câu đứt ruột
Nước mắt khô chan trên mỗi mảnh đời

Huế, với câu hò mái đẩy. Tấn đưa vào thơ, quá đỗi tuyệt vời. Câu mái đẩy khóc thành câu đứt ruột.

Trải tuế nguyệt Huế hồi sinh như nếp nhăn già cỗi
Vẫn trầm mặc, cổ kính thiếp sương đêm
Huế chòm hõm chải tóc hương bồ kết
Gội đền đài thành quách rêu phong thành hoài niệm

Hơi hướng “điệu” với ngôn từ cổ kính. Nhưng Huế chòm hõm thì chao ơi, thật đẹp và nhớ làm sao. Tôi cũng một thuở, chòm hõm ngồi gội tóc. Cũng một thời hương bô kết ngát thơm. Chỉ có điều tôi giữ trong tim, những nhung nhớ, tôi kết thành hoài niệm. Tôi không gội đền đài thành quách như Huế của Ni Tấn, nơi đây soi giòng nước chỉ là tượng Nữ Thần Tự Do.

Chợ Đông Ba ai dời ra bãi dại
Để Huế buồn biền biệt tím mãi đâu.

Ái chà, mầu tím than của giòng Hương hai nhánh tóc, tôi có đây, mùa phượng tím mới vừa ươm: phượng tím California

Cám ơn lão, bài thơ buồn muốn chết! Nhưng tôi không khóc đâu lão à. Thơ của lão, chưa đủ làm tôi khóc. Lão hiền hoà như núi Ngự sông Hương, lão làm sao chở được những ngoan cường, những gào thét, sẽ xé lòng tôi nơi xứ lạ?

Nhưng cũng cám ơn lão, bài thơ Huế đáng yêu!

(Hoàng Lan Chi)

Bình Nguyên Lộc, Một Nhân Sĩ Trong Làng Văn, Võ Phiến


nguongocmalai-binhnguyenloc_76443117857128566-binhNguyenLoc-400index

Võ Phiến

Năm 1969, tạp chí Khởi hành (ở Sài Gòn, số24, ra ngày 9-10-1969) hỏi Bình-nguyên Lộc: “Ông đang viết cuốn truyện thứ bao nhiêu của ông?” Bình-nguyên Lộc đáp: “Tôi đang viết truyện thứ nhứt”.

Cuốn truyện thứ nhứt của Bình-nguyên Lộc, ông khởi thảo từ năm 1935, năm ông hăm mốt tuổi. Tức cuốn Hương gió Đồng Nai. Bản thảo thất lạc trong thời chiến tranh, trong những cuộc tản cư hối hả. Mấy chục năm sau, ông vừa thử viết lại vừa cố gắng tìm bản thảo xưa; ông rao tìm trên mặt báo, kêu gọi sự giúp đỡ của người hảo tâm tứ xứ. Cho tới khi qua đời ở Mỹ năm 1987, tức 52 năm sau, tác phẩm nọ vẫn chưa tìm lại được, vẫn chưa viết lại xong. Đồng Nai là một mối bận tâm suốt đời của Bình-nguyên Lộc. Dòng họ ông vẫn giữ được bản gia phả mười đời. Sinh sống ở đất Tân Uyên, một làng bên con sông Đồng Nai. Mười đời kể đến 1965 (lúc ông trả lời cuộc phỏng vấn của Ngu Í) thì đến đời cháu ông hiện nay đã thành ra mười hai đời, tức độ ba trăm năm; vậy tổ tiên ông thuộc lớp những di dân đầu tiên vào Nam lập nghiệp.

fe9b1363699fe7fa11cf69778e397c54

Đồng Nai là bận tâm của một dòng họ. Phù sa là bận tâm của cả miền Nam. Phù sa, tác phẩm thứ hai trong đời Bình-nguyên Lộc, khởi thảo năm 1942, nhằm vào công trình mở mang bờ cõi về phương nam, cho đến mãi tận mũi Cà Mau. Tác phẩm ấy, đến ngày cuối cùng của ông, 45 năm sau, viết đi viết lại mãi vẫn chưa xong.

Chúng ta vừa nói đến hai mối bận tâm, mối bận tâm thứ ba của Bình-nguyên Lộc bao trùm cả dân tộc. Cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam được xuất bản năm 1971, năm sau đã xuất hiện ngay cuốn Lột trần Việt ngữ. Cả hai đều là sách đồ sộ, đòi hỏi lắm công phu, không biết khởi thảo từ lúc nào, và công cuộc tìm tòi sưu khảo bắt đầu từ bao giờ. Dù sao phải là một thời gian đáng kể; ông từng than với Viên Linh trong cuộc phỏng vấn ở số báo Khởi hành nói trên : “Về ngôn ngữ học thì thật là bể đầu, vì tôi tự học, chớ không có vào trường ngôn ngữ nào hết, mà phải học ngót một trăm ngôn ngữ thì rất khổ”. Biến cố tháng 5-1975 làm cho công trình bị ngưng lại, dở dang. Năm 1985, sang đến Mỹ ông nghĩ ngay đến việc tiếp tục. Trong lá thư gửi chúng tôi viết ngày 16-1-1986, ông cho biết : “Số là quyển Nguồn gốc Mã Lai của tôi tuy đã dày 950 trang, nhưng thật ra thì chỉ là tome I mà thôi. Tome II quan trọng hơn, tôi đã viết xong tại Sài Gòn, nhưng mang bản thảo theo không đọc, thành thử giờ phải viết lại, mà viết thuộc lòng vì tài liệu cũng không mang theo được (…). Số là trong tome I tôi chỉ mới chứng minh bằng việc đo sọ và bằng trích các cổ thư. Tome II là sách đối chiếu ngôn ngữ, trong đó có nhiều khám phá mới lạ về ngôn ngữ học, mà Âu Mỹ đã làm nhưng không xong.” Đầu năm sau, ông qua đời: lại một bận tâm dày lâu nữa chưa toại nguyện.

Một chủ đề khác cũng được Bình-nguyên Lộc trân trọng. Xem qua các tác phẩm đã xuất bản của ông, người để ý có loại được ông dành cho một sự đãi ngộ đặc biệt. Như cuốn Những bước lang thang trê nhè phố của gã Bình-Nguyên Lộc, cuốn Thầm lặng. “Lang thang trên hè phố” là hè phố Sài Gòn đấy thôi: nơi ông đã sống hẳn từ 1949 về sau, tức 36 năm, những năm trưởng thành, sung sức, nơi ông đã trải qua gần như suốt cuộc đời hoạt động văn nghệ của mình.

Sách thuộc loại này – như ông nghĩ – không dính dáng đến chuyện thương mãi: trên đời hẳn không mấy ai đọc nó, mua nó. Sách loại này kẻ viết viết vì mình, in cho mình : thật ít, bìa không hề có màu sắc lòe loẹt. Cuốn Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc in đúng 658 bản trên giấy đặc biệt chế tạo tại làng Vĩnh Cửu, không có bản nào in trên giấy thường, và cam đoan sẽ không bao giờ tái bản ! Sau cuốn “Lang thang”, cuốn Thầm lặng cũng được tác giả liệt cùng loại: sách bìa đen trắng, “bán không ồ ạt”. Năm sau nữa, có lời rao mời độc giả đón đọc cuốn Thu hẹp thiên nhiên, “sẽ chỉ in có 569 quyển và không bao giờ tái bản”; nhưng cuốn này rồi không thấy xuất hiện trên thị trường, chẳng hay có phải vì lý do bán chác thiếu ồ ạt quá đáng mà dự định đành gác bỏ chăng?

“Những bước lang thang” thực ra thuộc một thiên phóng sự dài, tên là thám hiểm đô thành. Trong “những bước lang thang” ấy, Bình-nguyên Lộc ca ngợi “những hàng me Sài Gòn”, những ghe thuyền, những “quà đêm trên sông ông Lãnh” v.v…, với những bài viết từ năm 1952. Trong Thầm lặng bài nói về “Người chuột cống” kiếm ăn trong những ống cống dưới lòng thành phố đã đăng báo từ 1950. Vậy Sài Gòn cũng là một ấp ủ trong lòng tác giả qua nhiều thập kỷ.

Nhớ quê là một ấp ủ khác nữa. Nhà Văn Nghệ ở California tái bản cuốn Cuống rún chưa lìa năm 1987 với lời nói đầu (tôi nghĩ là do chính tác giả soạn thảo), cho biết về đề tài này Bình-nguyên Lộc từng viết tới 17 thiên truyện ngắn. Nhớ quê, chữ “quê” nên hiểu rộng : đối với kẻ đi làm ăn xứ xa, thì làng cũ tỉnh cũ là quê; đối với dân ruộng đi Cần Thơ, đi Sài Gòn, sinh sống, thì nông thôn là quê, đối với Việt Kiều theo chồng sang Pháp, sang Mỹ ở, thì nước Việt Nam là quê, đối với dân thương hồ lênh đênh trên sông nước rập rờn, thì mặt đất liền là quê v.v…Quê thì vui, thì quí, thì thương không biết để đâu cho hết, thì nhớ da diết không nguôi được. Lửa reo trong bếp thì vui, nước mưa tràn đồng thì vui; xa đất thấy thèm mùi đất; xa xứ bắt được mùi nước mắm, mùi hương hành kho cá thì … xao xuyến cả tâm tình v.v…Tôi có cảm tưởng những câu chuyện như thế, trong một đời, từ năm nọ sang năm kia, ông Bình-nguyên Lộc không chỉ đem ra viết có mười bảy cái truyện nhỏ đâu. E hơn thế. Có dịp kiểm điểm kỹ, e còn gặp thêm nhiều.

Trong đời Bình-nguyên Lộc còn có một bận tâm khác nữa. Ông không hề cố ý ấp ủ nó, tự nó đến với ông, dày vò ông. Đó là chứng bịnh thần kinh, được phát hiện vào nam 1944. Năm sau, ông khỏi bịnh. Nhưng vào khoảng thời gian từ 1950 đến 1964, ông bỗng trở nên khó tính, bực tức khác thường, khiến cuộc sống gia đình lắm lúc rất khó khăn. Sự kiện này ám ảnh ông. Trong nhiều năm ông suy nghĩ, tìm hiểu về bịnh thần kinh. Người trưởng nam của ông – bác sĩ Tô Dương Hiệp – chuyên về chứng bịnh này và đã từng là giám đốc một dưỡng trí viện. Hai cha con cùng nhau thực hiện một công trình biên khảo mang tên Khinh tâm bệnh và sáng tác văn nghệ. Sách chưa xuất bản thì bác sĩ Tô Dương Hiệp qua đời. Riêng ông, Bình-nguyên Lộc từng có nhiều truyện về bệnh tâm trí.

Vào khoảng đầu thập niên 70, Nguyễn Nam Anh của tạp chí Văn ở Sài Gòn có hỏi Bình-nguyên Lộc trong một cuộc phỏng vấn về tác phẩm ưng ý nhất của ông, Bình-nguyên Lộc cho biết, trong tất cả những gì đã viết, ông thích nhất ba cuốn : Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc, Cuống rún chưa lìa và Tỳ vết tâm linh. Tại chủ quan tôi thấy nó hay. Nhưng người khác chưa chắc đã thấy như tôi. Tỳ vết tâm linh là cuốn truyện dày về một thiếu nữ bị bệnh tâm trí. Cùng một chủ đề tâm trí, ông còn nhiều truyện ngắn. Cái cảm tình “chủ quan” của ông đối với cuốn truyện dày kia có chỗ thương tâm.

Chúng ta chắc chắn là chưa kiểm điểm dược mọi nỗi niềm tâm sự của Bình-nguyên Lộc : đời có ai thấu hết được lòng ai. Tưởng không nên tham lam quá.

*

Bình-nguyên Lộc trước viết báo, rồi sau làm báo luôn. Vừa viết văn vừa làm báo là một đời quá bận rộn, mà sự thiệt thòi thường khi thuộc về phía nhà văn. Người ta vẫn có cảm tưởng rằng cái văn cái truyện viết đăng báo, viết trong hối hả, e chẳng qua là món tiêu khiển, hời hợt. Báo chí liên hệ với thời sự, không phải thứ để đời.

Ở Bình-nguyên Lộc – như đã thấy – không phải thế. Cái ông viết ra hàng ngày trên báo mà là cái tiêu khiển ư?- Là tấm lòng ông đấy. Là những thiết tha một đời của ông đấy. Là những gì vẫn theo đuổi ông từ năm nọ đến năm kia không buông tha đấy.

Bình-nguyên Lộc là một tác giả nghiêm chỉnh. Ông được kính trọng.

Năm 1974, trên tại chí Thời tập (ở Sài Gòn, số ra ngày 10-10-74) Sơn Nam có nói về việc ông mua một cuốn sách cũ của Bình-nguyên Lộc: cuốn Nhốt gió. “Quyển này in 3.000, gần một phần tư thế kỷ rồi, chắc là đã hao mòn, mất mát, người chơi sách họa chăng còn giữ ở Sài Gòn này chừng mười quyển là nhiều. Chúng tôi may mắn có một quyển, mua cách đây bốn năm ở hiệu bán sách cũ với giá đặc biệt của loại sách cổ sách quí. Năm 1950, sách ghi bán 18đ00. Chúng tôi mua lại 600đ.00 với cái bìa đã nát. Mua để làm gì? Mến mộ Bình-nguyên Lộc là một lẽ…”

Mến mộ Bình-nguyên Lộc không phải chỉ những người cùng xứ, tuổi đáng đàn em, như Sơn Nam. Trong số quen biết bạn bè, giao du về văn nghệ với Bình-nguyên Lộc từ lâu có Xuân Diệu, Huy Cận, Đỗ Đức Thu, Mặc Đỗ, Nguyễn Văn Bỗng…, kẻ Bắc người Trung, trong thời tao loạn có kẻ đứng về bên kia chiến tuyến. Sau tháng 5-1975, Xuân Diệu đến thăm Bình-nguyên Lộc hai lần lại nhà; Nguyễn Văn Bỗng cũng còn đi lại.

Anh chị em cần bút trong Nam thì chắc là số người thân với ông tất phải nhiều hơn, nhưng tôi không thấy cần dông dài. Chỉ xin chú ý đến những nhà văn các miền ngoài, nhất là ngoài Bắc. Ở đó, cái biết về các hoạt động văn học trên phần đất Nam Kỳ cũ rất là sơ sài. Theo sự phác giác của Nguyễn Văn Trung gần đây, bộ môn tiểu thuyết xuất hiện ở trong nam sớm hơn ngoài Bắc chừng ba, bốn chục năm. Vũ Ngọc Phan không hề biết; ông nói về Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn…như những người đi tiên phong, mà không kể đến những Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắc, Trương Duy Toản, Trần Chánh Chiếu v.v.. Sau lớp tiên phong, đến lớp nhà văn tiền chiến các cây bút trong Nam cũng không được chú ý bao nhiêu. Trong bộ Nhà văn hiện đại có 79 tác giả, gốc Nam Kỳ cũ được 4 người. (Ở hai quyển 4 và 5, nói về các bộ môn sáng tác, thì không có người Nam nào). Trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân có 46 tác giả, người Nam chỉ được một cặp ông bà Song Hồ. Sau1945, miền Bắc chỉ quan tâm đến những cây bút đã gia nhập vào hàng ngũ chính trị của họ. Thành thử sự kết giao của các tên tuổi Bắc Trung vừa kể với Bình-nguyên Lộc là trường hợp hiếm.

Ngoài ra, Bình-nguyên Lộc còn được Nhất Linh chọn mời cộng tác vào tờ tạp chí ông chủ trươg ở Sài Gòn sau Genève. Năm 1952, mới từ Hương Cảng về Sài Gòn, Nhất Linh đã nhắn Bình-nguyên Lộc đến gặp mình tại nhà trọ bấy giờ ở đường Lê Văn Duyệt (Phỏng vấn của lê Phương Chi, Tin sách số 32, tháng 2-1965).

Một thắc mắc có thể được nêu ra : Liệu có thể bảo rằng những mối giao hữu, những sự chọn lựa nọ đối với Bình-nguyên Lộc là căn cứ trên các ưu tư làm cơ sở cho văn nghiệp một tác giả nghiêm chỉnh không ? Có phải ai tiếp xúc với Bình-nguyên Lộc cũng để ý đến các hoài bảo âm thầm của ông, và quí trọng nó?

– Không phải chúng ta vừa khám phá ra điều bí ẩn nào bất ngờ nơi Bình-nguyên Lộc đâu! Trước chúng ta mấy chục năm, các phỏng vấn viên Ngu Í, Nguyễn Nam Anh, Viên Linh, vị nào đến với Bình-nguyên Lộc đều biết, đều có đề cập xa gần đến tác phẩm đầu tiên luôn ám ảnh ông. Tất nhiên họ không biết hết mọi hoài bảo của Bình-nguyên Lộc. Thì cũng như chúng ta!

– Nhưng những hoài bão cao quí có làm nên giá trị một tác giả hay một tác phẩm văn chương chăng?

– Đó là một nghi vấn lợi hại. Trăm năm trước Oscar Wilde đã nói chăc nịch : “There is no such thing as a moral or an immoral book. Books are well written, or badly written.” Sách chỉ có sách hay với sách dở thôi, cần gì biết tới chuyện cao quí với không cao quí ? Nhưng chúng ta sống trong một truyền thống văn hóa khác. Ở ta, đến như cụ Nguyễn Du mà vẫn từng điêu đứng một thời vì cái giá trị đạo lý của cuốn Kiều, huống chi những phận hèn như chúng ta. Mặc dù chúng ta đã xa thời Nguyễn Du, dù các quan niệm văn học Tây phương đã phổ biến rộng rãi, nhưng phải nhận rằng ảnh hưởng của truyền thống vẫn còn : Đối với sách, ngoài chuyện sách hay sách dở ở ta vẫn lắm kẻ lưu tâm đến sách tốt sách xấu; và đối với người (tác giả) ta vẫn quí chuộng những kẻ kiêm đủ tài và … đức, những kẻ có lòng. Dĩ nhiên chỉ quí chuộng khi sách tất không đến nỗi dở, kẻ có đức không đến nỗi bất tài.

Nhưng chuyện hay dở rồi sẽ bàn sau.

*

Người ta để ý thấy Nhất Linh mời Bình-nguyên Lộc cộng tác làm báo, nhưng Nhất Linh không đề cử Bình-nguyên Lộc vào Tự Lực văn đoàn, không đưa sách ông vào các nhà xuất bản Phượng Giang, Đời Nay, như đối với một số nhà văn khác lúc bấy giờ (Nhật Tiến, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam…). Tại sao vậy? Một cách đánh giá chăng? Chúng ta không có căn cứ đầy đủ để ức đoán. Hãy bằng lòng với một ghi nhận, một “để ý” vậy thôi.

Từ đó liên tưởng đến vài sự kiện khác.

Trở lại với Sơn Nam, xem cách Sơn Nam đọc sách Bình-nguyên Lộc. Ông mua cuốn Nhốt gió với cái giá đã gấp 33 lần nguyên giá, lý do thứ nhất là vì lòng mến mộ đối với tác giả (như ông đã nói). Lý do thứ hai là đối với tác phẩm: “là muốn có sẵn trong tủ một quyển sách có công dụng thiết thực. Công dụng gì? (…) Chúng tôi đọc Nhốt gió để tìm một vài phút lâng lâng (…) Thế nào là lâng lâng? (…) .Muốn thưởng thức Nhốt gió thì nên lật ra, đọc một vài hàng, hoặc vài chục hàng để rồi xếp lại. Hoặc bỏ vài chục trang, đọc một đoạn cho vui. Người đọc không phải cố gắng, chịu cực để theo dõi nhơn vật hoặc suy nghĩ gì cả. Xin giới thiệu vài đoạn (…). Cứ đọc Nhốt gió khi nào mình thấy thiếu thốn một chút hương vị quen thân. Sách chỉ dày có 200 trương, đọc lai rai chừng một tháng là hết, nhưng thỉnh thoảng đọc lại năm ba hàng, tình cờ, lại thấy vui và mới.

Nó giống như ca dao, những câu ca dao bằng văn xuôi.” (Thời tập, Sài Gòn, số đã dẫn.)

Vài đoạn Sơn Nam đem ra giới thiệu là một đoạn nói về cánh rừng dầu lông cao lỏng khỏng, lá khô rôm rốp dưới chân người, ong kêu vù vù như muôn ngàn người trò chuyện trên ngọn cây. Và đoạn nữa là về một anh chàng xa quê nhớ về làng quê, nhớ những buổi đầu đông gió bấc ở rừng về bay theo bầy tu hú, những chiều đầu mùa mưa gió nồm từ biển vào rũ dọc đường bầy bông lồng mứt trắng mịn như tơ trời…

Cả tháng trời, Sơn Nam đọc từng đoạn như thế, và ông lâng lâng. Thì ra ông có đọc truyện đâu! Tay cầm cuốn truyện, ông đọc ca dao!

Như thế, Sơn Nam quả là tay sành sõi. Ông Cao Huy Khanh, ông Nguyễn Văn Sâm đọc truyện của Bình-nguyên Lộc, và không mấy vừa lòng. Ông Cao kêu về cái “cá tính ưa thích sự phân tích lý luận bác tạp rộng về bề mặt nhưng thiếu chiều sâu”. Ông Nguyễn cũng bảo “Ông (Bình-nguyên Lộc) giải thích quá nhiều lần, nên người đọc dễ chán, người ta đọc tưởng mình đọc sách học hơn là đang thưởng thức một sáng tác phẩm.” (Tạp chí Văn học, Hoa Kỳ, số 18, tháng 7-1987). Hay vị gặp nhau ở cái chủ tâm giảng giải, thuyết phục, nơi Bình-nguyên Lộc.

Hai vị đã bắt đúng một trong vài chỗ nhược của Bình-nguyên Lộc. Một chỗ nữa là cốt truyện. Lấy kinh nghiệm sáng tác của mình, ông khuyên các bạn trẻ đừng nghe lời một số các nhà phê bình mà nghĩ rằng cốt truyện hay thì làm mất giá trị của truyện. (Thời tập, Sài Gòn, số đã dẫn). Có nhà phê bình nào bảo vậy không? Dù sao Bình-nguyên Lộc là một tác giả tốt bụng, ông chuộng loại truyện hay vì truyện (dĩ nhiên cũng hay luôn về các phương diện khác). Truyện nhiều tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn, đọc vẫn thích; ông tử tế với độc giả, ông muốn độc giả hưởng nhiều khoái trá.

Rốt cuộc ông lâm lụy vào hai cái ấy: truyện rộn ràng tình tiết và nặng giảng giải

Về cái giảng giải khỏi cần dông dài: một sự kêu trời rập ràng của hai vị Cao – Nguyễn vừa rồi đã đủ. Giảng làm chi chữ hả? Tiểu thuyết gia nào có phải là thầy cô của ai đâu, độc giả tìm đến cuốn truyện nào có ý học hỏi gì đâu mà tự dưng hạ người ta xuống phận học trò cho người ta í ới thảm thương!

Còn về tình tiết rộn ràng, có thể chọn một thí dụ nơi cuốn Đò dọc mà ông cao Huy Khanh cho là “sự thành công duy nhất và quá hiếm hoi” của Bình-nguyên Lộc. Bốn chị em Hương, Hồng, Hoa, Quá đều chưa chồng, các cô đã quá muộn, cha mẹ đã lấy làm lo. Lại gặp cảnh rời Sài Gòn về tỉnh nhỏ, cha mẹ càng lo thêm. Chợt có tai nạn xe xảy đến ngay trước nhà. Trong một đêm, cả bốn chị em nối đuôi trò chuyện với nạn nhân, là anh Long. Rồi bốn chị em cùng yêu. Rồi hai chị em nối nhau tự tử vì tình. Rồi ba chị em lại xúm nhau lấy chồng. Sự việc sao mà dồn dập, mà rụp rụp, ngoạn mục quá chừng. Cũng ngoạn mục như chuyện yêu đương có dây gai thắt gút, có đèn pin bỏ túi của một chàng trai Sài Gòn, trong Tỳ vết tâm linh. Lại cũng ngoạn mục như chuyện anh chàng Bùi An Khương trong truyện “Thèm người” bị thất tình, đi trả thù tình, vào rừng, bị con khỉ cái bắt, cặp nách nhảy vùn vụt nên các ngọn cây, đêm đêm trói chàng lên cành cây, ban ngày hái trái ngậm đầy mồm đem về nuôi chàng, nuôi để mà … hiếp. Chàng trai sống riết với khỉ đến gần mất hình người.

Chúng ta có cảm tưởng ông Bình-nguyên Lộc có hảo ý muốn làm vui người đọc. Hảo ý không thuộc về nghệ thuật.

*

Giảng giải là một quan tâm về ý nghĩa, cốt truyện ly kỳ là mối quan tâm gây thích thú. Ý nghĩa nếu cao xa, diễn biến nếu ngoạn mục, xem qua biết rồi cũng sẽ mất lý do thu hút. Trong khi đó vài câu bâng quơ, chẳng hạn:

“Ai về Giồng Dứa qua truông

Gió run bông sậy để buồn cho em”’

lại có thể hát đi hát lại hoài vẫn còn sức kích động. Ông Sơn-Nam bỏ qua các khoản kia, nhảy vọt qua từng đoạn sách, chọn dọc những câu “ca dao” trong truyện Bình-nguyên Lộc, cho nên sách cũ một phần tư thế kỷ vẫn thấy hay.

Cái nhược kia với cái ưu này cùng của ông Bình-nguyên Lộc cả. Và đều do những bận tâm ấp ủ một đời của ông cả. Điều ấp ủ mà nóng lòng đem ra phân giải quá lộ liễu thành hỏng. Nỗi lòng ấp ủ mà tiềm ẩn tận cõi sâu trong tâm hồn hoặc kín đáo bộc lộ, hoặc bất thần xuất hiện không chủ tâm lại gây xúc động, lại làm nên giá trị nghệ thuật.

Cảnh rừng dầu lông ong kêu vù vù (“Thèm người”) cảnh những chiếc ghe thương hồ đậu kinh Tàu Hủ, những chiếc ghe từ các miền Ba Thắc, Đồng Nai… lên, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ (…), những chiếc ghe khẳm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lõng vào thành phố (“Sông ông Lãnh”); cảnh mùa mưa nước dâng ngoài đồng, đom đóm đậu nghẹt lá cây, chớp nháy buồn thê thiết, cảnh hai ba giờ khuya thức giấc, cất tiếng hú chị em bạn vầy đoàn chín chị mười chị cùng đi chợ vui không quên nổi (“Con Tám cù lần”); chuyện những ngôi cổ mộ, hoặc của một ông sư hoặc của một ông tướng, phu phen ty Lộ chính đô thành quật lên nay ở góc đường này mai góc đường kia, những mả cũ bên đường một đô thị nhộn nhịp gợi bao nhiêu ngậm ngùi (“Hui nhị tì II”) v.v…, bấy nhiêu chuyện nọ cảnh kia rải rác khắp tác phẩm Bình-nguyên Lộc. Lại còn như câu chuyện người các tỉnh lên Sài Gòn làm ăn, buổi sáng ngồi ở bến ông Lãnh uống tách cà-phê, trông ra những chiếc ghe thương hồ trên sông mà:

“Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê

Rưng rưng nước mắt tư bề người dưng”

lại nghĩ quẩn :

“Ghe ơi, vài bữa ghe về

Nhắn người dưới ruộng cô Quì còn không?”

Ghe đi ghe lại về, người xa xứ thì mòn mỏi tháng năm trên các nẻo đường đô thành, tư bề người dưng ! Những cái ấy cũng làm ông Sơn Nam lâng lâng sầu được chứ! Những cái ấy, chúng là những “ca dao” lốm đốm trong truyện, trong thơ, trong bút ký, trong mọi môn loại sáng tác của Bình-nguyên Lộc. Chúng là cái dấu ấn phân biệt thứ văn chương đăng báo, văn chương nhật trình của Bình-nguyên Lộc với văn nhật trình của bao kẻ khác.

Những đóm “ca dao” ấy đã kết tinh từ cái thiết tha đối với quê hương, nguồn gốc, đất đai, cái thiết tha từng ôm ấp các công trình Phù sa, Đồng Nai, Mã Lai v.v…trong mấy thập kỷ. Cái ưu này kết hợp với cái khuyết kia kết quả thế nào? Nên cân nhắc bên nặng bên nhẹ ra sao cho phải ? Chắc chắn Bình-nguyên Lộc không có ý cãi cọ với ai, nhưng có lần cùng Nguyễn Nam Anh nói chuyện, trước 1975 (bài phỏng vấn được đăng lại trên tạp chí Văn học, Hoa Kỳ, số 18 năm 1987) ông đã xác quyết, cũng chắc nịch như Oscar Wilde: “Giữa tài với đức, đức phải hơn. Tôi không phải là một nhà đạo đức chút xíu nào hết, nhưng tôi vẫn trọng đức của người khác, đánh giá họ bằng đức chứ không bằng tài, mặc dầu tôi vẫn quý trọng tài của họ lắm.”

Bình-nguyên Lộc không chịu nhận lấy cho mình chút xíu đạo đức nào, nhưng tấm lòng của ông chắc chắn là yếu tố đáng kể trong sự quý trọng của người đời. Người ta quý trọng ông như quý trọng một nhân sĩ trong làng văn, cái lòng rộng lớn cả cõi Nam Kỳ cũ.

Võ Phiến

Giận Nhau, Truyện ngắn Đỗ Phương Khanh


me-ban-giay-thieu-tri-21hinhbiatruoc2

(Chân dung và tác phẩm của Đỗ Phương Khanh)

Đỗ Phương Khanh

Hằng quả quyết đứng dậy:
– Thôi, lần này thì nhất định đi tắm đây. Muộn rồi còn gì. Anh Nhân hẹn sáu giờ về. Bây giờ năm giờ. Tắm xong sửa soạn thì vừa. Ngồi với cô cứ cả ngày cũng không hết truyện.
Kim cười:
– Ừ, mà có nói chuyện với em cả ngày đi nữa thì mai chị cũng về rồi còn gì. Nhưng thôi, tha cho chị đấy. Sửa soạn rồi còn đi dạo phố với phu quân chứ.
Hằng quay lại phát mạnh vào vai em:
– Nỡm nào. Chỉ được cái chế diễu là không ai bằng.
Rồi Hằng lấy quần áo vào nhà tắm.
Hai vợ chồng nàng mới ở Hải Phòng lên hồi sáng. Đã lâu mới lại về thăm cha mẹ. Từ hồi cưới đến nay dễ đến gần một năm rồi còn gì. Nhiều khi nhớ nhà quá Hằng cũng muốn về vài hôm. Nhưng nghĩ đến Nhân lủi thủi một mình, Hằng lại thôi.
Tuy đã lấy nhau gần một năm mà hai người vẫn soắn suýt như hồi mới cưới. Hai vợ chồng chẳng bao giờ rời nhau một bước. Lần này may sao Nhân lại được sở phái về Hà-Nội hai ngày. Thấy vợ có vẻ nhớ nhà, Nhân ngỏ ý rủ Hằng về cùng. Nàng nhận lời liền.
Tối hôm trước, Hằng sửa soạn mãi cái sắc đựng quần áo của hai vợ chồng. Lần đầu tiên, kể từ khi lấy nhau, hai người đi chơi xa. Hằng lục tung tủ áo chọn những cái nàng thích nhất xếp ra một chỗ. Nhân trông thấy ngạc nhiên:
-Sao em đem theo nhiều quần áo thế. Ngày kia về rồi cơ mà.
Rồi Nhân chỉ vào đống quần áo dài Hằng đã gấp gọn gàng:
-Em định đem đi đấy à. Thôi, có một ngày, đem áo dài theo làm gì.
Hằng nũng nịu:
– Em mang về để còn đi chơi với anh chứ. Chả lẽ đi chơi cũng mặc áo đi đường à. Bẩn chết.
Đêm hôm ấy nàng bàn tính mãi với Nhân về những công việc ngày hôm sau. Cho đến lúc chồng đã ngủ say rồi mà Hằng vẫn còn thao thức mãi.
Tối mai, hai vợ chồng sẽ đi xem chiếu bóng ở rạp Majestic. Nghĩ đến rạp Majestic, Hằng lại nao nao. Hôm nhị hỷ, hai vợ chồng cũng rủ nhau đi xem ở rạp này. Hôm ấy rạp chiếu phim Tấm Thảm Thần. Phim thần thoại Ấn Độ trích trong Một Nghìn Lẻ Một Đêm. Chuyện phim thì chả có gì đặc sắc. Nhưng mỗi lần nhớ đến, lòng Hằng lại thấy nao nao. Ngày mai thế nào cũng phải đi xem ciné mới được. Nhà mẹ nàng ở phố hàng Bông. Hai người có thể thủng thỉnh đi bộ xuống. Buổi chiều mát mẻ mà hai đứa giắt tay nhau đi ven hồ Hoàn Kiếm thì thú biết mấy. Hai đứa sẽ đến sớm để ngồi vào những cái ghế lần trước.
Rồi Hằng thiếp đi trong niềm vui nhẹ nhàng ấy.

me_va_hoa-pix-02192013

(Tác giả giới thiệu báo Thiếu Nhi cùng “độc giả nhí”)

******

Kim đập cửa buồng tắm:
-Này chị Hằng, ra ngay đây em bảo. Anh Nhân anh ấy đang mách tội chị đây này.
Hằng mừng rỡ:
– Anh ấy về rồi đấy à. Khá quá nhỉ. Sớm hơn giờ hẹn cơ.
Rồi Hằng mở cửa bước ra ngơ ngác:
-Đâu, anh Nhân đâu.
Kim cười:
-Đùa chị đấy. Ra đây em chải đầu cho. Chị không biết chải. Tóc uốn đẹp thế mà chải lăng nhăng, phí cả đi.
Hằng lấp liếm:
-Thôi, già rồi còn gì. Thế nào cũng được.
Tuy nói thế, Hằng cũng nhìn Kim thầm ao ước. Nàng biết rằng mình không khéo trang điểm bằng em.
Kim đánh phấn cho chị xong, chọn một mầu son thật tươi tô môi Hằng. Rồi Kim nhẹ nhàng chải từng lọn tóc một. Lúc Kim buông lược đứng thẳng dậy, Hằng soi mình vào gương thấy đẹp lên bội phần. Nằng bằng lòng với mình khi nghĩ đến lúc hai đứa giắt tay nhau đi chơi. Hằng chắc hôm nay Nhân sẽ ngạc nhiên lắm về nhan sắc của mình. Từ lúc đó, Hằng mong Nhân quá.
Mà Nhân cũng lạ thật. Hẹn với nàng là sáu giờ mà gần bảy giờ chưa thấy về. Hằng vừa soi vào gương vừa hỏi :
– Quái, sao mãi anh ấy chưa về nhỉ.
Kim đang rửa tay, vọng vào :
– Được, chị cứ thay quần áo sẵn sàng. Anh ấy về là đi ngay chứ gì.
Nhưng Hằng thay xong quần áo mà Nhân cũng chưa về. Hằng lấy tập báo xem mà đầu óc để đâu. Rồi Hằng chán nản gập báo lại, đi ra cửa.
Trời tối hẳn. Nền trời ngả mầu tím đen. Dẫy đèn ở ngoài đường bật sáng , chạy mãi về phía đầu phố. Hằng có cảm tưởng những cái đèn càng ngày càng gần nhau hơn. Phố xá vắng vẻ hẳn, vài người phu xe uể oải đạp xe không, đón khách.
Một cặp vợ chồng ở Ngõ Hội Vũ rẽ ra, đi về phía nàng. Hằng không muốn nhìn mà mắt cứ đưa theo họ. Cô vợ đi bên cạnh có vẻ nũng nịu quá. Hai người nắm tay nhau sao mà đầm ấm thế. Cô vợ có vẻ yêu đời lắm.Cứ toe toét cười luôn miệng. Lúc họ đi ngang mặt, Hằng vờ nhìn sang vườn hoa. Nhưng họ đi khỏi Hằng lại dõi theo.
Mà Hằng thì có kém gì họ. Giá Nhân về sớm thì bây giờ mình cũng đi như thế ở Bờ Hồ rồi.
Một hồi chuông leng keng vang lên, Hằng quay đầu lại. Chiếc xe điện đã đậu ở chỗ tránh xế cửa nhà nàng từ hồi nào. Mấy người trên xe hối hả bước xuống. Hằng nhìn lên. Toa xe sáng trưng. Vài người đàn bà đứng gần cửa. Tay họ cầm chiếc đòn gánh chống xuống sàn. Bên cạnh, quang gánh chất lên nhau cao nghễu nghện.
Hằng thở dài. Giờ này, ai cũng trở về hết rồi mà không biết Nhân còn lang thang ở đâu. Nàng quay vào trong nhà lo lắng :
– Kim ơi! Sao mãi bây giờ anh ấy chứa về nhỉ. Hơn tám giờ rồi còn gì.
Nhìn dáng điệu bồn chồn của chị, Kim cười:
– Thì làm gì mà chị cứ cuống lên thế nào. Ngộ lỡ anh ấy có việc cần thì sao.
-Cần gì cũng phải về qua báo cho mình biết chứ. Sốt ruột quá. Không biết có chuyện gì không!
Kim gạt đi:
-Ôi dào! chị thì lúc nào cũng sợ có chuyện. Rõ thật là dân đồng chua nước mặn ra tỉnh. Chắc lại ai rủ anh ấy đi chơi chứ gì.
Hằng tức tối:
-Rủ đi, thế sao anh ấy lại hẹn chị tối nay. Đã thế, chị không đi với anh ấy nữa. Hằng đang vùng vằng cởi áo thì Nhân về. Vừa thấy vợ, Nhân vội phân trần:
– Em chờ anh lâu lắm hả. Gớm, ngồi quán cà phê mà sốt ruột quá. Mấy lần định đứng dậy mà anh bạn cứ giữ lại nói truyện.
Thấy Hằng vẫn im lặng cởi cúc áo. Nhân biết nàng giận nhưng vờ hỏi :
– Kìa, không đi à ?
Kim đỡ lời :
– Chị ấy giận đấy, đợi anh từ lúc sáu giờ cơ mà.
Nhân nhìn vợ:
– Thôi, anh xin lỗi. Gớm, hôm nay đánh phấn xinh quá. Nào, mặc áo vào nào.
Rồi Nhân lại cài cúc hộ vợ.
Hằng đã hết giận nhưng vẫn nguýt chồng phụng phịu.
Ra đến đường, Nhân hỏi:
-Đi Majestic em nhé.
Hằng bàn:
-Bây giờ có lẽ Majestic sắp chiếu. Người ta mua hết vé rồi còn gì. Thôi hay chúng mình đi loanh quanh ở Bờ Hồ rồi mai hãy xem ciné.
Ý Hằng muốn để mai đến sớm, còn chọn đúng chỗ mà hai người ngồi lần trước. Nhưng Hằng không nói ra, sợ Nhân cười mình lẩn thẩn.
Nhân có lẽ không hiểu ý Hằng nên gạt đi:
-Thôi, bây giờ xem đi em ạ. Mai anh hẹn rồi, sợ không đi với em được đâu.
Hằng thấy nghẹn ở cổ họng. À, thì ra Nhân không nghĩ gì đến nàng. Lúc nào cũng bạn. Có lẽ tối hôm nay Nhân đi với nàng là vì đã trót hẹn rồi. Hoặc là ông bạn ấy bận nên không đi với Nhân được nữa chứ gì. May mà Nhân lại không gặp ông bạn nào khác. Chứ nếu gặp thì bây giờ nàng còn chờ mỏi mắt. Mà mình cũng ngu thật. Nếu anh ấy muốn đi với mình thì lúc nãy đã về sớm. Thế mà Nhân bảo là sốt ruột. Chẳng thà cứ nói thẳng ra còn hơn. Tại sao lại phải giả dối với mình. Không đi chơi thì thôi, mình ở nhà chơi cũng được. Đi mà phải gượng ép như thế thì còn thú vị gì. Còn lẽ anh ấy thấy mặt mình khó chịu nên nói xuôi cho êm truyện chứ sốt ruột gì.
Nhân thấy vợ im lặng, hỏi sẽ:
– Anh gọi xe em nhé.
– Gọi làm gì hở anh
– Để đi ciné chứ. Sắp đến giờ rồi.
Hằng cố lấy giọng thản nhiên:
-Không. Em không đi đâu. Em ghét cái phim này lắm. Đi chơi loanh quanh thôi.
Thật ra thì Hằng cũng chả biết tuần này chiếu phim gì cả. Nhưng bây giờ mà lên rạp ciné thì nàng chỉ thêm bực mình. Vì Hằng cứ có cảm tưởng là Nhân thừa thì giờ mới dẫn nàng đi. Ý nghĩ ấy làm nàng thấy tức tối. Tuy thế nàng vẫn bước bên chồng.
Nhân dỗ dành:
-Thôi, Hằng ơi. Đi xem với anh. Lâu lâu mới về. Đi với anh cho vui.
Hằng lặng thinh.
Nhân gọi xe bảo đến phố Đồng Khánh. Đứng ở cửa rạp. Nhân nhìn vào cái biển nhỏ kê chữ “Hết vé” thất vọng.
Hằng cười nhạt nhẽo:
-Chín giờ hơn rồi còn gì nữa. Hôm nay thứ năm, mới thay phim, làm gì có ghế thừa. Thôi, về đi anh ơi!
Nhân vớt vát:
-Hay là mình xuống Đại Nam. Ở dưới ấy chín giờ rưởi mới chiếu.
Hằng cương quyết:
– Không em không xem đâu.
Rồi nàng đi ngược trở lại. Nhân cũng lặng lẽ bước bên cạnh.
Chính ra thì Hằng đã không định đi ciné tối nay. Nhưng thấy hết vé Hằng lại bực mình. Trong cái bực mình này lại ẩn sự đắc ý. Nàng cho là chỉ tại Nhân. Tại Nhân về muộn. Nhân không nghĩ đến mình. Thấy chồng đi bên cạnh không nói gì Hằng lại càng cáu. Giá lúc ấy Nhân nói khó với nàng, dỗ dành nàng thì nàng hết giận đấy. Đằng này Nhân lại lờ đi. Vì thế Hằng càng thấy tức.
Qua trường Nguyễn Trãi, Hằng cố ý đi sát hàng rào sắt nhìn vào trường. Nàng cũng chẳng định nhìn cái gì cả, nhưng không muốn Nhân thấy mặt mình. Những lớp học cửa đóng im ỉm. Hằng thở dài nhớ lại thời còn đi học. Hồi ấy, Nhân chiều chuộng Hằng biết bao. Hằng còn nhớ nhiều hôm nàng chẳng chịu chép bài gì cả . Lúc về nàng lại mượn vở của chị An đem đến nhà Nhân nhờ chàng chép hộ. Vì sợ giáo sư biết Hằng lười, Nhân phải tập mãi cho giống nét chữ của Hằng. Nhiều khi Nhân mạo chữ nàng mà các em còn lầm.
Hằng chua chát nghĩ rằng bây giờ Nhân không cần nàng nữa mà nàng lại phải cần Nhân.
Hằng cứ lững thững đi bộ. Tuy không nhìn sang mà nàng cũng đoán là Nhân bực mình lắm. Hai người cùng im lặng bước.
Lên đến hàng Trống thì chân nàng mỏi lắm rồi. Tuy thế nàng vẫn cố đi vì còn hy vọng Nhân hòa giải. Nàng biết rằng nếu bây giờ mà không hòa được với nhau thì lát nữa về, nhà đông người lại càng làm hai đứa xa cách nhau thêm, mà như thế thì đêm này Hằng không thể yên tâm được. Nhưng hình như Nhân không hiểu gì cả. Hay Nhân hiểu mà không muốn dỗ dành nàng. Mà Nhân thì cần gì nàng cơ chứ. Ý nghĩ ấy làm Hằng lại thấy xa Nhân. Rồi tự nhiên Hằng đi chậm lại. Gió ngoài Hồ thổi vào mát rười rượi. Hằng nghĩ đến ngày chưa cưới. Có một lần hai đứa cũng đi với nhau như thế này. Cũng dưới những bóng cây cao vút này. Hằng còn nhớ hôm ấy là lần đầu tiên hai đứa đi với nhau.
Hồi ấy hai đứa mới yêu nhau cơ. Rồi Nhân phải đi cắm trại cùng đoàn Hướng Đạo một tuần. Một tuần ấy hai đứa nhớ nhau quá. Hôm về, Nhân vội vàng đến nhà Hằng rủ nàng đi xem triển lãm hội họa. Thật ra thì Nhân kiếm cái cớ để hai đứa đi chơi phiếm với nhau thôi. Hằng biết thừa đi nhưng cũng nhận lời ngay, vì chính Hằng cũng muốn thế. Hôm ấy hai đứa đi ven Hồ mãi mà chẳng thấy mỏi chân gì cả. Hằng nghĩ lại mà ngao ngán. Thì hôm nay hai người cũng đi đấy chứ. Cũng những lùm cây cao vút. Gió hây hẩy. Mặt hồ gợn sóng nhòe những ánh đèn lóng lánh dưới nước.
Hằng gây gây với cái cảm giác đang ở trong một cảnh tượng giống hệt một cảnh đã qua. Nhưng hôm nay sao mà buồn thế. Chả bù với hôm ấy, nàng nói năng bẻo lẻo. Bây giờ, hai người vẫn đi cạnh nhau mà lòng buồn tênh. Hằng liếc nhìn chồng thấy chàng nhìn ra phía đường. Chỉ có tiếng giầy nện trên nền xi măng cồm cộm vang trong đêm vắng. Tự nhiên, Hằng thấy cái âm thanh ấy trở nên là lạ.
Nhân uể oải:
-Thôi, gọi xe đi em. Anh mệt lắm rồi.
Hằng bước nhanh qua mặt Nhân, ra mé đường, vẫy một cái xe rồi leo lên. Nhân cũng lên ngồi cạnh. Người phu xe đạp mãi chả thấy hai người nói gì, khẽ hỏi :
-Ông bà đi đâu ạ.
Hằng đáp cụt ngủn:
-Hàng Bông.
Rồi nước mắt nàng như muốn trào ra. Hằng phải nuốt ừng ực ba bốn lần để nén cái nghẹn ngào xuống. Dù sao thì cũng không thể khóc cho Nhân trông thấy được. Nhân đã không cần nàng, không nghĩ gì đến nàng, mà nàng lại khóc như thế, nó hèn quá.
Hằng tự nhủ sáng mai sẽ về Hải Phòng thật sớm.

******
Sáng hôm sau, Hằng về thật. Dù câu mợ và các em giữ thế nào, Hằng cũng không ở. Nhưng Hằng lại nói là nàng tránh đi buổi chiều sợ sương vì mới bị cảm. Hằng chẳng muốn ai biết hai đứa giận nhau. Ông cụ có vẻ tin. Có lẽ ông cụ còn vui lòng nữa. Tính ông cụ cẩn thận. Mà cô con gái lại biết lo cho sức khỏe thế là hợp ý cụ lắm. Còn Nhân thì chẳng nói gì cả . Anh chàng có vẻ buồn. Hằng về thế này thì có lẽ anh chàng ân hận lắm. Thế là Hằng chẳng được đi chơi.
Hằng đứng ở của sổ xe lửa nhìn xuống đường. Đến mỗi chỗ chắn, Hằng lại nhìn suốt lượt xem trong đám người đứng dưới ấy có Nhân không. Dù Hằng đã biết là Nhân chả đứng đấy làm gì. Nhưng nếu có Nhân đứng đấy mà không nhìn thấy Hằng thì chàng sẽ thất vọng lắm. Ban nãy lúc ngồi chờ xe chạy, Hằng đã định trở lại. Nhưng Hằng chỉ thoáng nghĩ thế thôi chứ quay về làm gì. Nhân cười cho. Giá lúc ở nhà đi. Nhân giữ Hằng lại nhỉ. Nghĩ đến đây. Hằng tủi thân nước mắt chạy quanh. Bây giờ thì Hằng nhớ Nhân quá. Giá mà trở về nhà được. Nhưng xe đã chạy rồi. Không biết lúc này Nhân làm gì. Nhân có buồn không. Hằng cũng hay lôi thôi lắm. Nhân yêu Hằng đấy chứ. Nhân chả rủ Hằng về đấy thôi. Chính Nhân rủ Hằng cơ mà. Chắc tối hôm qua Nhân buồn lắm đấy. Không biết rồi sau Nhân đi đâu đến mười hai giờ mới về.
Nàng tưởng tượng đến cảnh tối hôm qua của chồng. Chắc anh chàng trở lại Bờ Hồ. Nàng nghĩ đến lúc Nhân đi một mình trong đêm vắng lòng buồn hiu, thì lại thấy ân hận quá. Nhân chiều nàng biết bao. Không bao giờ làm nàng buồn, mà chỉ vì câu chuyện con con ấy. Hằng lại làm chồng buồn. Nàng thấy thương chồng quá. Bao nhiêu lâu mới đi với nhau một lần mà lại giận nhau. Giá bây giờ được gặp Nhân! Thì Hằng sẽ đến sau lưng Nhân cù vào gáy chồng một cái. Rồi Nhân sẽ quay lại ôm lấy đầu Hằng mà hôn lên tóc Hằng. Nhưng bây giờ Nhân đang ở trong thành phố. Mà Hằng thì ngồi trên cái xe lửa này. Làm sao gặp nhau ngay được. Mãi đến tối cơ. Nhưng mà ngộ lỡ Nhân giận nàng mà không về. Nhưng Hằng yên tâm ngay vì Hằng biết chắc chắn là Nhân yêu nàng lắm. Xa nhau thế này Nhân nhớ lắm. Thế nào tối nay chàng cũng về.
Lúc xuống ga, nàng rẽ vào chợ.
Tối nay, mãi mười giờ Nhân mới tới nhà. Chắc Nhân đói lắm. Hằng sẽ nấu một soong cháo thật ngon. Hằng sẽ mua một miếng sườn lợn nhỏ. Lợn nhỏ thịt thơm hơn , rồi Hằng cho vào nấu cháo.
-Đi về mệt, mình sẽ bắt Nhân ăn cháo thật nóng cho ra mồ hôi.
Rồi Hằng mỉm cười nghĩ đến lúc hai đứa rúc vào chăn bàn thiên hạ sự.

Đỗ Phương Khanh

Áo Dài, Bài viết Võ Phiến


DAN_4472

Võ Phiến

Nữ sĩ Linh Bảo đi dự một đại hội thường niên của các nhà sinh vật học Hoa Kỳ tại tiểu bang Vermont, một hôm vừa bước vào phòng ăn bỗng nghe tiếng một người đàn ông Mỹ nói sau lưng: “Bà mạnh giỏi không? Áo zài. Chời ơi!” Nữ sĩ quay lại, hỏi chuyện, thì ông Mỹ tịt: Ông ta chỉ biết có mỗi một câu tiếng Việt ấy. Và trong câu tiếng Việt duy nhất của ông ta đã có cái “áo zài”.

Năm ngoái, trên sân khấu trình diễn tại hội chợ Osaka, so sánh với thiếu nữ của mấy mươi quốc gia trên thế giới, các cô gái Việt Nam vẫn được đặc biệt chú ý mỗi lần xuất hiện với chiếc áo dài.
Đầu năm 1970 ấy, một phái đoàn đại diện báo chí và các cơ quan truyền thông của ta sang thăm Đại Hàn, ông Tổng trưởng Thông tin và Văn hóa Đại Hàn — bấy giờ là ông Shin Bum Shik — có tặng mỗi người một xấp hàng để về làm quà cho vợ! Mở ra xem thì là thứ hàng rất mỏng và dài đúng 2m80. “Chời ơi”, ông Shin Bum Shik am hiểu cái món “văn hóa” Việt Nam ấy sao mà kỹ quá vậy?

Hai trăm năm mươi năm trước, vào đúng ngày cuối năm Canh Thìn đời Cảnh Hưng, sứ giả nước ta là Lê Quí Đôn gặp sứ giả Triều Tiên là Hồng Khải Hy tại Yên Kinh nước Tàu. Đôi bên bút đàm, thành ra thân mật. Đêm trừ tịch của cái năm Canh Thìn ấy, sứ thần Triều Tiên sai con trai mang đến cho Lê Quí Đôn một phong thư và một món tặng phẩm. Trong thư có những câu: “Nhân giở bản đồ, biết có quí quốc, hai nước chúng ta, Đông Nam xa cách, loài trâu ngựa có dông nhau cũng không kịp. Thế mà được cùng hội họp nơi Hồng Lô quán, thực là ngoài sức tưởng tượng”.

Hai trăm năm sau, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Hàn Việt càng vượt xa cái sức tưởng tượng của Hồng sứ giả không biết đến bao nhiêu mà nói. Không cần “giở bản đồ”, người đồng bào lỗi lạc của Hồng sứ giả không những đã biết rõ về nước Việt Nam, lại còn biết vanh vách đến cả món y phục của đàn bà con gái nước này nữa. Không những Shin tiên sinh nắm vững kích thước của áo dài, ông lại cảm thông đến cả cái sở trường của nó, là thật mỏng!

Nhưng trong câu chuyện này không phải chỉ có Shin tiên sinh là đáng khen. Phải nhận rằng về phần chiếc áo dài Việt Nam, tự nó cũng phải xuất sắc mới được. Thật chứ: Để cho bấy nhiêu chi tiết về nó thấu đến tai nhà lãnh đạo văn hóa một quốc gia cực bắc, món nữ phục của nước Đông Nam Á này phải lẫy lừng lắm.

Áo dài lẫy lừng ở quốc ngoại. Nó cũng không ngớt ghi những thành công liên tiếp ở quốc nội.

Đôi ba mươi năm trước, phụ nữ miền Nam không mấy người mặc áo dài. Ngày nay thì chiếc áo dài đã thẳng xông xuống tận Năm Căn, U Minh… Áo dài đã Nam tiến đến mũi Cà Mau.

Con đường Tây tiến của nó nhiều trở ngại hơn, nhưng không hẳn sẽ bế tắc đâu. Hôm 14 tháng 4 năm nay, ai có đến xem lễ chịu tuổi của đồng bào gốc Miên tại ngôi chùa đường Trương Minh Giảng đã có dịp thấy hầu hết các cô gái Miên đều mặc áo dài. Ở Ninh Thuận, Bình Thuận, các nữ sinh trung học gốc Chàm mặc một thứ áo cổ truyền đã cải biến, rất gần với chiếc áo dài của ta.

Hai sắc dân thiểu số tiến bộ nhất đã dần dần chấp nhận áo dài, chắc chắn một ngày không xa, chúng ta sẽ thấy các bạn gái sắc tộc trên Tây nguyên mặc áo dài. Phải, hiện nay thì chưa có, hay hiếm có lắm, cái hình ảnh một thiếu nữ Gia-rai, hay Ba-na, hay Xơ-đăng v.v… với áo dài tha thướt. Nhưng họ đã dùng bà ba, áo thun, xú-chiêng, sơ-mi… Họ sẽ tiến đến áo dài là cái chắc.

Và như thế, thiết tưởng áo dài có một đóng góp không nhỏ vào việc làm nồng nàn thêm tình cảm dân tộc.

Trong một thiên truyện nọ của Sơn Nam, thầy phái viên nhà báo Chim Trời ở Sài Gòn xuống tận xóm Cà Bây Ngọp ở Rạch Giá tìm ông độc giả Trần Văn Có để đòi hai đồng sáu cắc rưỡi tiền mua báo. Đến nơi, chủ và khách, sau bữa cơm chiều, đốt lửa un khói rồi chui vô trong mùng trốn muỗi, ngồi nói chuyện. Quanh quẩn một hồi, hai người gặp nhau ở những trang Quốc văn giáo khoa thư: kẻ nhớ bài “Chốn quê hương là đẹp hơn cả”, người thuộc bài “Thú chăn trâu”, mỗi người thay nhau đọc to lên một câu, có khi cả hai cùng hợp xướng: “Đầu tôi đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa…”. Cuộc hàn huyên thú vị quá, tình nghĩa giáo khoa thư đầm ấm quá. Sáng hôm sau, thầy phái viên báo Chim Trời từ giã ông bạn đi về Sài Gòn, không thâu một cắc bạc nào.

Hãy tưởng tượng một ngày kia những người bạn gái gặp nhau, kẻ ở U Minh người trên Phú Bổn, kẻ gốc Chàm Phan Rí, người gốc Miên Sài Gòn v.v… mà có thể cùng nhau bàn tán om sòm về những chuyện tà nam, tà bắc, cổ thuyền, cổ hở, cổ tròn, cổ vuông, eo suông, eo thắt v.v… thì cuộc gặp gỡ sẽ hào hứng, thân mật biết mấy! Giữa đàn bà con gái với nhau mà không gặp nhau được ở đề tài ăn mặc, không đem chuyện áo chuyện xống nói với nhau được thì biết làm sao gây được thân tình?

Nhất định rồi một ngày nào đó, tất cả các bạn gái Việt Nam sẽ gặp nhau. Và cũng nhất định, cuộc gặp nhau trên vạt áo dài con gái càng đông đảo, vui thú, thân thiết hơn cuộc gặp trên những trang Quốc văn giáo khoa thư.

Thế cho nên chúng ta tin mạnh ở sự thành công của cuộc thống nhất đất nước bằng chiếc áo dài. Nó êm thấm, đẹp đẽ hơn những đường lối thống nhất bạo tàn biết bao!
Áo dài Việt Nam thắng lớn trong nước và ngoài nước, do đâu mà được vậy?

—Do nó cho thấy gió.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm, sau nhiều tháng ở hội chợ Osaka, chứng kiến sự thắng lợi của chiếc áo dài Việt Nam trước các đối thủ quốc tế, sau khi so sánh các ưu khuyết điểm của y phục phụ nữ các nước được phô diễn tại đây, đã nhận xét như thế.

Mặc áo dài mà đứng yên chưa chắc đã ăn đứt nổi những cô gái Âu Á khác mặc y phục dân tộc của họ. Nhưng mặc áo dài mà đi, mà múa v.v… thì người con gái Việt Nam linh động hẳn lên.

Áo dài Việt Nam nó vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa thêm cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó vẫn ao ước. Những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất, cũng hóa ra thanh thoát.

Thân người là đẹp, nhưng thứ y phục chỉ nhằm khai thác cái đẹp của thân người thì rõ ràng là tục. Trang phục là văn hóa, văn hóa là một cố gắng cải biến thiên nhiên. Trang phục mà như mini-jupe, thì ấy là một cuộc phi nước đại trở về tự nhiên, gợi lên những ham muốn trực tiếp vào “tòa thiên nhiên”, là một chối bỏ văn hóa.
Nhưng thân người đẹp, y phục không được phép xóa hẳn cái thân người đi. Trang phục mà như chiếc kimono Nhật thì là một sự quá trớn của văn hóa đấy nhé. Văn hóa cũng phần nào thôi chứ.

Chiếc áo dài Việt Nam là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần trên của nó đề cao thân người, bạo và tục; đã có phần dưới rất thanh, thoát hẳn thân người.
Nhìn vào một người nữ mặc áo dài, sau khi bị khích động vì cái phần trên, mắt lần dò nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy… gió! Vâng! ở đây chỉ thấy có gió (như người nhiếp ảnh gia tinh mắt đã thấy), có cái thướt tha, cái bay bướm mà thôi.

Luận về dân tộc tính, có người đã đặc biệt chú ý đến cái đức tính truyền thống của người Việt Nam là đức tính thiết thực, thể hiện trong lối ăn mặc những áo quần (nhất là quần) rất ít màu sắc. Đúng lắm, quần áo chúng ta lại còn thiết thực ở chỗ gọn ghẽ, giản đơn nữa. Tuy nhiên, nhận xét đây không bao gồm chiếc áo dài phụ nữ. Áo dài gái Việt thì được phép màu mè sặc sỡ, được phép lả lướt. Tha hồ!

Mà như vậy phải chứ. Trong cuộc sinh hoạt thường nhật ở một hoàn cảnh gian khổ, dân tộc ta thiết thực; nhưng áo dài không phải là sinh hoạt thường nhật. Nó là hội hè. Dân tộc nào cũng tự cho phép mình có những ngày hội, những cuộc vui.

Những ve vẩy phấp phới của các tà áo dài là niềm vui hợp lý mà chúng ta tự thưởng cho mình bên cạnh những lao tác nhọc nhằn. Là cái văn vẻ trong cuộc sống tinh thần của dân tộc, sau khi đã nỗ lực củng cố cuộc sống vật chất.

Bởi vậy, trên đất nước, hễ nơi nào còn đang khai phá, còn đang bận rộn vất vả nhiều về công cuộc xây dựng những cơ sở vật chất của đời sống thì chiếc áo dài chưa vội xuất hiện. Chỉ nơi nào đất mới đã khai phá xong, điều kiện sinh sống đã thiết bị xong xuôi, con người đã thảnh thơi, bấy giờ thì hai vạt áo của người đàn bà Việt Nam mới tự buông thõng xuống, phe phẩy, và reo vui với gió.

Hồi sinh thời, anh Y Uyên thích một câu ca dao của tỉnh Phú Yên:

“Con ngựa tía ăn quanh đèo Cả, Vầng nguyệt đêm rằm bóng ngả về đông.
Chẳng thà tôi giục ngựa về không,
Chẳng thèm cướp của giành chồng người ta”.

“Về không”? — Tốt lắm. Nhưng chuyện “giục ngựa” nghe có hơi kỳ. Đây là chuyện của con gái Phú Yên ba bốn mươi năm trước. Thuở ấy, con gái Phú Yên quấn khăn trùm đầu, cưỡi ngựa phóng như bay. Thuở ấy dĩ nhiên họ chưa mấy người mặc áo dài. Thuở ấy, ở Phú Yên, gái cũng như trai, còn phải xông pha vất vả; cũng là cái thuở — như Võ Hồng từng cho biết — mà văn bằng yếu lược là cả một sự hiếm hoi, cuộc sống tinh thần chưa kịp lo đến. Như thế không phải chỉ riêng trong Nam, mà ngay ngoài Trung, trước đây chẳng bao lâu cũng vắng bóng chiếc áo dài phụ nữ.

Rồi dần dần Phú Yên có văn sĩ, có luôn áo dài. Rồi trong Nam cũng lại nhiều văn thơ, và… áo dài. Áo dài xuất hiện, rồi thịnh phát cùng với sự tăng cao của mức sống, cùng với sự thuần hóa của nếp sống.

Nó là món trang phục đẹp đẽ. Nó đáng yêu, đã đành; nó lại là một dấu hiệu đáng mừng.

Võ Phiến

Tháng Giêng Cỏ Non, Truyện Ngắn Mai Thảo


imagessxx1d7afec08-2de6-41b4-abea-15f9a831cdbd_mw1024_s_n1indexqswsd1

Mai Thảo

Cách đây 18 năm, Sạng bỏ quê hương, một thôn xóm bé nhỏ miền duyên hải Bắc Việt, vào Nam kỳ. Chuyến đi của anh Sạng ngày ấy như một chuyến đi phát vãng biệt xứ và anh Sạng lúc xa lìa bóng tre làng cũ lên đường vào đất Nam kỳ xa xôi, anh đã cầm bằng là sẽ gửi nắm xương trên một mảnh đất nào ở xứ lạ. Anh Sạng đi làm phu đồn điền cao su.
Hồi ấy, tôi mới có tám tuổi. Ngày anh Sạng đi đến nay tôi chỉ còn nhớ được qua những hình ảnh rất nhạt thoáng, bóng dáng người mẹ anh khóc sướt mướt chạy theo anh lên tận chân đê đầu làng, túm áo anh van xin anh ở lại. Ở lại mà làm ăn. Mà cầy bừa. Mà thương lấy một người đàn bà còn trẻ dại đã có với anh hai đứa con thơ.
Nhưng rồi anh Sạng cũng vẫn đi Nam kỳ. Đôi mắt ấu thơ của tôi ngày ấy đã nhìn thấy những ấn tượng khá buồn thảm: bóng anh Sạng xa khuất dần trên con đê heo hút, người mẹ khóc rũ xuống, bước chân xiêu đổ trên con đường về và qua nhà tôi, người đàn bà hiền lành đã chạy vào ngồi trên bục cửa mà khóc như mưa như gió.
Tôi còn nhớ mụ bảo tôi:
“Chú Thảo ơi, thằng Sạng nó bỏ vợ bỏ con nó đi Nam kỳ rồi”.
Một lát sau, chị Sạng tay bồng hai đứa trẻ nhỏ cũng chạy đến. Thế rồi cả cái gia đình đáng thương ấy đã ngồi quây lấy nhau mà khóc cái tan vỡ gây nên bởi một người bỏ đi Nam kỳ. Hồi ấy tôi chưa hiểu gì đến phân ly. Càng không hiểu Nam kỳ là gì nữa. Người làng xóm nhắc nhở thì thầm đến Tân Thế giới, đến Nam kỳ, đến đời sống hãi hùng của những người phu dưới bóng lá tối thẳm của những đồn điền cao su và đất Nam kỳ đã hiện ra trong tưởng tượng thơ ngây đơn giản của tôi như một hòn đảo nào xa dạt có những bến bờ hoang vu và đầy gió bão.
Trong cái thôn xóm nhỏ bé của quê tôi, một vài năm lại có một vài người, thường là một gã con trai, động lòng bốn phương thì ít, vì chuyện này chuyện nọ thì nhiều, bỗng dưng một buổi bỏ làng đi Nam kỳ. Chuyến đi nào cũng chứa đựng một cái gì tối tăm thê thảm. Người làng coi những người bỏ đi như những kẻ điên dại cùng cố, đã mất hết lẽ phải.
“Bọn mày đã dở chứng. Muốn hoá điên hay sao mà đi chứ? Tự dưng bỏ làng bỏ nước đi biệt vô tăm tích, có chăng là đồ hoá dại!”
Riêng anh Sạng, cái nguyên nhân bỏ đi của anh về sau tôi hỏi và mẹ tôi có thuật lại. Số là anh Sạng bị làng xóm láng giềng nghi ngờ là đã ra tỉnh báo Tây đoan về bắt rượu lậu chôn giấu ở vườn rau một người anh họ con chú con bác với anh. Người anh họ bị đi tù sáu tháng về tội nấu rượu lậu thật. Và anh Sạng uất ức bỏ đi. Riêng tôi, không hiểu tại sao ngay hồi đó tôi đã nhất định tin rằng anh oan. Một phần có lẽ vì anh Sạng oan thật, một phần vì anh là một trong những người ở làng mà tôi mến yêu trong suốt thời kỳ tuổi nhỏ. Giữa anh Sạng và tôi có nhiều kỷ niệm, bé mọn, nhưng lòng tôi thay đổi nhiều mà những kỷ niệm ấy vẫn còn lại và vẫn thơm hương.
Anh Sạng có một thửa ruộng nhỏ ngoài cánh đồng gần nhà tôi. Buổi sớm nào tôi cũng ra đứng ở đầu ngõ và buổi sớm nào tôi cũng gặp anh Sạng ra đồng. Lần nào thấy tôi anh cũng đứng lại, trợn mắt, mắm môi, làm cho tôi vừa sợ hãi và thích thú. Anh bế bổng tôi lên trên cánh tay lực lưỡng, đoạn anh ghé sát vào tai tôi, hỏi nhỏ:
“Chú Thảo muốn gì?”
Lần nào anh cũng chỉ hỏi có vậy. Lần nào tôi cũng giơ tay chỉ lên cây bàng cổ thụ ở trước cửa nhà tôi. Thế là anh Sạng liền bỏ cày bỏ cuốc leo ngay lên cây. Từ những cành cao chót vót, anh hái những trái bàng chín vàng vất lung tung xuống đất cho tôi nhặt. Khi nào thấy hai túi áo tôi đã phồng lên, anh mới leo xuống, phùng má trợn mắt với tôi một hồi nữa rồi mới bỏ đi. Tôi lớn dần lên. Đến lúc đi học ở trường làng lại vẫn anh Sạng là người ở những ngày mưa gió cõng tôi đi trên con đường lầy đến tận cửa trường.
Tôi yêu anh Sạng. Gia đình tôi quý anh, vì tính anh hiền lành, vì lòng dạ anh ngay thẳng, hay nổi nóng, nhưng bản chất anh bao giờ cũng đôn hậu, cũng vui tươi.
Chuyện anh Sạng bỏ làng đi Nam kỳ, người làng người nước nói này nói nọ mãi rồi cũng thôi. Như mọi câu chuyện xảy ra ở cuộc đời, những sự kiện sôi nổi nhất cũng lắng chìm trong dĩ vãng và cái thôn xóm bé nhỏ của tôi cũng biết lãng quên. Chuyện cũ nhoà dần, rồi chết hẳn. Duy có gia đình anh, duy có tôi là vẫn không quên anh. Cứ mỗi mùa bàng chín, tôi ra đầu ngõ nhìn lên là hình ảnh anh lại hiện về qua một nhớ thương phảng phất dịu nhẹ. Bàng chín vàng trên kia nhưng không ai hái cho tôi nữa. Người mẹ già yếu thêm mãi. Chị Sạng lúc nào cũng tư lường sầu muộn. Những đứa con anh đã biết nói biết đi.
Nhưng anh Sạng đi Nam kỳ thì vẫn chẳng thấy về. Cũng chẳng có âm hao tin tức gì. Người đàn ông bỏ làng một buổi đi xa, con đê cao dẫn lối cho anh Sạng ngày nào, đến nay vẫn không hắt trả lại một bước chân, một tiếng nói, một âm hưởng, một chút ánh sáng dù rất mong manh của ngày hồi hương. Tôi thương vợ con anh Sạng, càng thấy cái đất Nam kỳ là mịt mùng xa xôi. Không biết anh Sạng còn sống hay đã chết? Một vài lần, chị Sạng khẩn khoản nhờ vả, tôi cũng viết mấy lá thư cho chị gửi vào Nam. Nhưng viết đấy cũng biết trước chẳng ăn thua gì. Phần vì anh Sạng bặt vô âm tín đã lâu ngày. Phần vì thư gửi đến những địa chỉ hết sức vu vơ. Thường là những vùng có đồn điền cao su. Dầu Tiếng, Trảng Bom, Ninh Hoà. Hỏi thăm phong thanh thấy nói anh Sạng ở đâu là chị Sạng lại nhờ tôi viết đến đấy. Cứ viết cứ gửi. Cứ bặt vô âm tín. Chị Sạng buồn phiền đau yếu luôn, càng biết đến những ngày cùng cực thiếu thốn trên mảnh vườn ruộng xơ xác. Về sau không biết ai đồn đến tai chị Sạng rằng anh Sạng ở trong Nam kỳ bây giờ giầu có lắm, rằng anh đã có nhà cửa đất cát, anh đã thôi làm ở đồn điền cao su về mua nhà mở tiệm ở Sài Gòn. Chị Sạng cũng giục giã tôi viết hộ chị những cánh thư gửi vào Nam. Thư tôi viết cho anh Sạng từ hồi đó đã nhiều mà vẫn không có một hồi âm nào gửi trả về xóm cũ.
Ngày tháng nghiêng đi. Như thế đã 18 năm.
Rồi người ta ký kết với nhau hiệp định Genève.
Cái thôn xóm bó nhỏ miền bể quê tôi náo động lên như một cuộc đổi đời. Đàn bà trẻ con già lão từng đoàn kéo nhau lũ lượt xuống tàu. Vợ con anh Sạng cũng dời bỏ mảnh vườn cũ. Đất Nam kỳ xa xôi hãi hùng ngày nào bây giờ lại nằm trong nhỡn giới người đi như một viễn tượng tươi đẹp của miền Tự Do.
Chị Sạng cùng đi một chuyến tàu với tôi. Suốt mấy ngày lênh đênh trên mặt sóng, chị Sạng chỉ nói chuyện với tôi đến chồng. Xa cách 18 năm, tin tức bằn bặt, mà chị Sạng vẫn cứ tin rằng anh còn sống và trời đất tao loạn lại làm cho vợ chồng chị được gặp nhau. Tôi, tôi cũng muốn tin như thế, tin niềm tin của chị Sạng, tin tưởng hết lòng. Kỷ niệm tuổi nhỏ trở về trong một ngày ly hương của tôi đã có cái bóng dáng của anh Sạng, những ngày mưa gió cũ cõng tôi đi trên con đường lầy. Tôi cũng mong được gặp lại anh.
Đặt chân lên đất nước miền Nam, mẹ con chị Sạng theo người làng lên định cư ở vùng Dốc Mơ, trên con đường Biên Hoà. Chị khẩn khoản dặn tôi ở Sài Gòn nếu có gặp anh Sạng thì nhắn ngay cho anh biết mẹ con chị đã vào đây. Sự chung thủy của người đàn bà làm tôi cảm động. Tôi hứa với chị Sạng nếu anh còn sống, thế nào tôi cũng tìm bằng được anh.
Suốt hai tháng đầu tiên ở Sài Gòn, tôi để ý thăm dò tin tức của anh Sạng trong những buổi đi thăm thú đường đất, thuê mướn nhà cửa. Tình cờ một hôm, tôi gặp anh Sạng ở Khánh Hội. Tôi nhận ra anh nhưng anh không nhận được tôi. Mãi sau, lúc tôi đã nói trên tuổi nhà cửa anh mới chợt nhớ. Nhớ ra tôi rồi, anh mừng quýnh mời tôi về nhà.
Anh Sạng đã già đi nhiều. Tóc đã hoa râm. Những nếp nhăn in hằn lên những ngày mưa nắng. Vậy mà đi bên anh tôi bỗng có cảm tưởng như mình bé nhỏ hẳn lại. Tôi sống một cảm giác thơ dại bỡ ngỡ như những tháng ngày hoa bướm đã về cũ, đã xa khuây, gặp anh đi qua ngõ ra đồng phùng má trợn mép làm bộ doạ nạt, một cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú lại nổi dậy trong tôi. Chỉ thiếu một con đường lầy và những trái bàng chín, nếu không, anh Sạng đã đưa hẳn tôi trở về trong tuổi thơ.
Tôi hỏi anh Sạng:
“Anh đi từ hồi ấy được bao lâu rồi nhỉ?”
Anh Sạng vẫn gọi tôi bằng chú:
“Chú tính 18 năm rồi còn gì? Dạo ấy chú còn bé tí. Giời mưa đi học còn phải cõng, chú bá lấy cổ tôi mỏi chết đi ấy”.
Hai chúng tôi cùng cười.
Đang đi tôi chợt nhớ đến mẹ con chị Sạng. Định báo tin cho anh biết, nghĩ thế nào tôi lại thôi. Để đến nhà anh sẽ báo sau. Tôi muốn dành cho anh một sự bất ngờ vui thú. Tôi tin rằng nếu biết vợ con anh đã vào đây anh Sạng sẽ sung sướng lắm.
Đến một căn nhà lá bé nhỏ, xiêu vẹo cuối một ngõ hẻm, anh Sạng đứng lại.
“Nhà tôi đây chú ạ!”
Tôi nhìn căn nhà tồi tàn, thật thà hỏi anh:
“Sao người ta đồn anh giàu có lắm cơ mà?”
Anh Sạng nói, giọng buồn rầu:
“Ấy vì thế mà tôi cũng chẳng muốn tin tức gì về làng về nước cả. Đã lang bạt đến nơi đất khách quê người mà cứ lận đận mãi. Tôi cũng chẳng muốn cho làng xóm láng giềng họ biết làm gì. Chỉ thêm chê cười chú ạ!”
Anh đẩy cánh cửa gỗ mời tôi vào. Định nói cho anh biết tin tức vợ con anh tôi lại thôi ngay. Vừa có một người đàn bà đi ra tay dắt mấy đứa trẻ con. Thấy tôi nhìn trừng trừng có vẻ lạ lùng, anh Sạng vậy nói:
“Nhà tôi đấy chú ạ!”
Người đàn bà cúi đầu chào tôi. Chị nói tiếng miền Nam. Mấy đứa trẻ nhỏ vây chung quanh gối người mẹ, nhìn tôi chăm chú.
Anh Sạng bảo vợ:
“Chú Thảo đấy!”
Người đàn bà mỉm cười bế con lại gần. Chị hỏi thăm tôi chuyện ngoài Bắc. Chị bảo tôi rằng anh Sạng có nói chuyện đến tôi, đến gia đình tôi cho chị nghe luôn. Chị mong một ngày nào yên bình, đường đất đi lại dễ dàng, mẹ con chị sẽ được anh Sạng cho ra chơi thăm ngoài quê chồng. Tôi trả lời nhát gừng. Tôi không có cảm tình với người đàn bà này. Nhìn chị, tôi nghĩ đến một người đàn bà khác, người vợ cả miền Bắc, vừa vượt bể đi hàng nghìn cây số vào đây, với niềm tin tưởng cuối cùng gửi gấm tất cả vào một ngày lại gặp người cũ. Nhưng mà cuộc đời có đi theo cái hướng đi của niềm tin tưởng kia không? Anh Sạng đã lấy vợ khác rồi. Anh đã có những đứa con khác, xây dựng một cuộc đời khác. 18 năm hiện lên trong trong qua một ấn tượng cách biệt thăm thẳm. Tôi nghĩ đến khoảng thời gian không cùng ấy với sự đổi thay rộng lớn của cuộc đời và của con người. Tôi nghĩ đến những tầng lớp của biến chuyển tàn nhẫn, đảo lộn ghê gớm, đến cái độ tan biến hoàn toàn những dấu vết đường lối cũ. Thời gian ở đây cũng đang làm loãng nhạt những tâm hồn chung thuỷ nhất, những kỷ niệm đằm thắm nhất và những liên lạc sâu nặng nhất. Vậy mà chị Sạng đã đợi chờ mười tám năm. Hình ảnh người đàn bà bồng con đợi chồng về trong không gian bát ngát và trong thời gian không màu, dưới mưa nắng gió bão, mùa qua mùa, trở lại về bằng những bóng hình tối xám trong tôi. 18 năm. Người đàn ông bỏ làng ra đi, khi ném cả đời mình vào cuộc phiêu lưu chắc đã có thừa ý định đoạn tuyệt với đoạn đời cũ, những người thân yêu cũ. Tôi không muốn tin. Nhưng lại bắt buộc phải tin.
Tôi nhìn anh Sạng. Anh bế đứa trẻ nhỏ nhất vào trong lòng. Người đàn bà đến ngồi bên anh. Tôi quay mặt trước cảnh tượng âu yếm. Tôi đứng dậy.
“Ngồi chơi đã chú Thảo”. Anh Sạng bảo tôi.
“Thôi để lần khác”.
“Vậy hôm nào chú ở chơi lâu nhé! Các con chào chú Thảo đi”.
Người đàn bà đẩy tay những đứa trẻ. Chúng chào tôi ngượng ngập. Anh Sạng đứng dậy bảo vợ:
“Mình ở nhà, tôi đưa chú Thảo ra đầu phố”.
Từ nhà anh Sạng đi trở ra, ngõ hẹp chói nắng không có một bóng cây. Tôi nhớ đến cái bóng mát dầy đặc của một cây bàng cổ thụ ở đầu ngõ quê tôi. Tôi muốn đưa anh Sạng trở về cùng tôi dưới gốc bàng này, trong dĩ vãng. Tôi nghĩ nhiều đến cái gia đình của anh. Đến chị Sạng, đến sự đợi chờ của chị suốt bấy lâu, đến những cánh thư của chị gửi đi lác đác suốt một đoạn đời dài thẳm, sự trông mong khắc khoải không tính đếm đến tháng ngày. Tôi nghĩ đến lúc tàu ghé bến Sài Gòn, đôi mắt chị tha thiết, khẩn khoản nhờ tôi tìm bằng được anh Sạng cho chị. Tôi đã tìm được rồi, chị Sạng ạ! Nhưng anh Sạng có còn là người của chị nữa không?
Hai chúng tôi im lặng bước đi.
Tôi nói bất thình lình:
“Anh Sạng này!”
“Chú Thảo bảo gì?”
“Chị ấy và các cháu đã vào đây rồi đấy”.
“Ai?” Anh Sạng hỏi sửng sốt.
“Chị ấy với các cháu. Cùng đi một chuyến tàu với tôi. Bây giờ hiện ở trên Dốc Mơ. Chị Sạng có nhờ tôi nếu có gặp anh thì nói cho anh biết để anh tới đón về”.
Một lát ngẫm nghĩ. Anh Sạng nhìn tôi:
“Sao bây giờ chú mới nói cho tôi biết”.
Tôi không trả lời anh. Anh cũng đã biết tại sao tôi đã im lặng, tại sao bây giờ tôi mới nói với anh. Người đàn bà miền Nam với những đứa trẻ nhỏ tôi vừa gặp đã là cái nguyên nhân làm cho tôi trở nên ngại ngùng. Báo tin cho anh Sạng về sự mới tới của mẹ con chị Sạng, tôi chỉ giữ trọn vẹn một lời đã hứa. Thế thôi. Tôi không dám tin tưởng gì. Mà lại chỉ dám tin tưởng ở điều này là thời gian và sự xa cách vẫn làm cho những hướng đời gần gụi nhất cũng lãng quên nhau và kỷ niệm chỉ là một hình ảnh trừu tượng, những sự kiện đã chết, không có được lấy một tác động bé nhỏ. Tôi không giận anh Sạng nếu thực ra anh đã lãng quên. Tôi biết anh đang buồn phiền nhiều. Đem lòng mình hôm nay để giải quyết một sự trạng trái ngược của hiện tại, anh Sạng chỉ còn cách đi ngược lại 18 năm cũ, thăm dò lại lòng anh thì anh mới tìm được giải pháp thích đáng. Lại cũng chỉ có mình anh giải quyết được thôi. Tôi đoán anh cũng đang làm thế.
“Tôi thật không ngờ, chú Thảo ạ! Chú có nói tôi mới nhớ vì quả thật tôi đã quên từ rất lâu. Như tôi đã muốn quên tất cả. Cả làng ngờ oan cho tôi, đến mẹ tôi, đến vợ tôi cũng ngờ vực theo nữa. Mấy năm sau có người vào trong này nói đến tai tôi là vợ tôi đã đi lấy chồng. Sau đó tôi gặp cái Năm ở Dầu Tiếng. Đang buồn bực tôi lấy nó làm vợ. Bây giờ thấm thoát đã ăn ở với nhau được mười hai năm rồi. Có con cái với nhau nữa. Tôi cũng lại bảo cái Năm là tôi đã mất vợ trước, nó mới bằng lòng lấy tôi. Nó biết sự thể thế này, nó sẽ buồn lắm. Mà tôi bỏ cái Cả ở trên Dốc Mơ thì cũng không đành. Chú bảo tôi xử trí thế nào bây giờ?”
Trước hết tôi thấy cần phải đính chính giùm cho chị Sạng một điều: không bao giờ có chuyện chị đi lấy chồng. Mười tám năm trời chị nuôi con trong khổ cực và sống trong sự chờ mong tin tức anh. Anh Sạng có thể tin rằng, trước sau ở người vợ miền Bắc đáng thương kia không hề có một dấu vết đổi thay bé nhỏ nào, mà chỉ là những sắc màu bền vững nhất của chung thuỷ. Ngoài ra đó là chuyện riêng của anh. Anh phải xử trí lấy. Nghe rõ những tiếng lòng anh, thì rồi anh sẽ giải quyết được êm đẹp ổn thoả.
Cuối cùng, tôi cho anh biết địa chỉ của mẹ con chị Sạng, rồi tôi từ giã anh.
Thời gian nghiêng đi. Từ ngày gặp anh Sạng, đến nay đã được sáu tháng. Trong thành phố rộng lớn, cuộc sống tiến tới là sự kết thành của những lớp đổi thay mãnh liệt. Mỗi ngày một hình thức mới. Mỗi ngày một màu sắc mới, một tâm tình mới. Đôi khi, giữa hai trang nhật báo, đọc những tin tức của thất lạc, của thăm hỏi, và qua hình ảnh của những người mẹ tìm con, những đứa con thơ dại đi tìm những người chị khuất vắng dài hạn, những người vợ yếu đuối đi dò thăm một dấu vết nhoà nhạt của chồng con giữa những ngã ba, những đám đông, tôi lại chợt nhớ đến chị Sạng, đến đôi mắt chị Sạng, chị có còn được ai dành cho một chỗ đứng bé nhỏ dưới một mái nhà nào không? Sự cô độc đơn lẻ ở người đàn bà đáng thương kia có là một trạng thái vĩnh viễn kéo dài như một vệt bóng tối cho đến trọn đời?
Tôi còn giữ được niềm tin của tôi ở rất nhiều điều. Nhưng tôi không dám tin tưởng ở sự bền chặt của lòng người. Nhất là ở lòng người đã bỏ đi như anh Sạng.
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa, của buổi gặp lại, của ngày trở về. Mùa xuân tự do thứ nhất ở đây vẫn chứa đựng cái hình ảnh muôn đời đôn hậu của đoàn viên. Cuộc sống như hình ảnh của một ngả đường đến hình ảnh một trạm hẹn. Con người từ hình ảnh một chuyến đi đến hình ảnh một ngày dừng chân. Đến sự hoà hợp của những phương hướng cách biệt. Nhưng còn điều này: mùa xuân có đến với tất cả mọi người? Đến với tôi, đến với chúng ta, nhưng có đến với mẹ con chị Sạng? Tôi không biết nữa.
Rồi câu chuyện của anh Sạng, nỗi bận tâm của tôi trong suốt một thời gian, chính tôi cũng lãng quên đi.
Cho mãi đến tuần lễ trước. Một buổi sáng tháng Chạp. Thành phố tấp nập không khí buôn bán cuối năm. Tôi đang đi bộ ngắm những dãy hàng đến dịp này thì lại xuất hiện và lại chiếm hết chỗ của những hè đường vây chung quanh chợ Bến Thành thì tôi gặp anh Sạng.
Trông thấy tôi, anh đứng sững lại mừng rỡ:
“Ô kìa chú Thảo! Lâu lắm mới lại gặp chú. Về nhà chơi cái đã”.
Không kịp để tôi trả lời, anh kéo bừa tôi đi. Giữa phố phường đông đảo, một anh Sạng đã già yếu nắm tay tôi kéo thẳng một mạch về nhà, và tôi ngoan ngoãn đi theo anh như anh đã dắt tôi những ngày thơ ấu cũ. Anh Sạng nói chuyện suốt dọc đường đến cái Tết năm nay. Đến công việc của anh dạo này xem chừng đã thấy khấm khá hơn. Đến sự may mặc cho những đứa trẻ. Như thế cho đến nhà.
Như lần trước căn nhà bé nhỏ của anh hiện ra cuối đáy ngõ hẻm.
Như lần trước anh gõ cửa. Như lần trước cửa mở, rồi người đàn bà miền Nam hiện ra. Đằng sau chị, mấy đứa trẻ nhỏ.
Nhưng lần này tôi đã nhìn thấy thêm một cái gì, một cái gì mà tôi đang mong đợi hết lòng suốt mười tám năm. Tôi đứng ngây người: ở một góc nhà, dưới một vùng ánh sáng của lửa bếp, chị Sạng, người vợ cả miền Bắc, đang ngồi thổi cơm. Bên gối chị, hai đứa trẻ miền Nam tựa vào lòng chị nhìn lửa cháy. Nghe tiếng động, chị Sạng bỏ củi lửa nhìn lên. Chị mỉm cười với tôi. Tôi nhìn anh Sạng. Tôi nhìn cả nhà. Sau cùng cái nhìn của tôi gửi đến người đàn bà miền Nam vẫn đứng sau tôi. “Cái Năm Sà-goòng” của anh Sạng, người đàn bà thứ hai đã đến đời anh, yên lặng ngó tôi không nói gì. Nhưng tôi đã hiểu chị, qua một thoáng lửa lấp lánh nghịch ngợm mà tôi vừa bắt gặp ở trong mắt chị, nó nói nhiều cho cái tâm tình dễ dàng cởi mở, dễ dàng đón nhận, mà tôi thường thấy ở người đàn bà miền Nam. Tôi nhìn chị Sạng Hai. Tôi nhìn anh Sạng. Vui mừng và cảm động.
Tôi biết anh đã giải quyết ổn thoả êm đẹp cái chuyện riêng của anh rồi. Tôi còn biết rằng một phần lớn chính còn ở chị Năm nữa. Trước sự phân vân lưỡng lự, trước hoàn cảnh éo le của chồng, người đàn bà miền Nam đã hành động cao đẹp bằng cách đón nhận về chung một mái nhà, người đàn bà miền Bắc xa lạ, chia sẻ tình vợ chồng để có thêm tình chị em. Hành động này tôi thấy như một bông hoa vừa nở lên giữa thiên nhiên, trong cuộc đời, thành mùa xuân thứ nhất sau 18 năm không có mùa xuân. Tôi nhìn chị Năm, kính phục, quý mến. Chị Năm đã lấy được trọn vẹn cảm tình của tôi.
Buổi trưa cuối năm hôm đó tôi đã ở lại ăn một bữa cơm thường với gia đình anh Sạng.
Chúng tôi nói chuyện ngày xưa. Kỷ niệm tuổi thơ được nhắc nhở lại, vừa cảm động, vừa buồn cười. Tôi thấy tôi bé nhỏ hẳn lại.
Vợ chồng con cái anh Sạng đưa tiễn tôi ra tận đầu ngõ. Ngày ngả về chiều. Nắng vàng lụa. Xa xa từ những trung tâm thành phố, những tiếng ồn ào của một phiên chợ Tết vừa dâng lên. Tôi đi ra khỏi ngõ. Tôi cất tiếng hát nhỏ. Tôi nhớ đến tuổi thơ của tôi. Tôi đang đi trên đường tuổi thơ. Hình ảnh đoàn viên của gia đình anh Sạng, chiều nay đã gây cho tôi cái cảm giác ấm áp của đêm Giao thừa, của ngày mùng Một. Người ta đang tìm về nhau. Đông lắm. Người ta đang gặp lại nhau. Con người, dân tộc đang hồi xuân.
Tôi nghĩ đến những con mắt, những nắm tay, những bếp lửa, những mái nhà. Từ một chấm dứt của mưa phùn tháng Chạp đến một khởi đầu của cỏ non tháng Giêng, mùa xuân dâng lên trong tôi, trong những hình ảnh tươi đẹp nhất của Đoàn Viên.

Mai Thảo

Văn Cao . Một Tinh Cầu Giá Lạnh, Tạ Tỵ


fill_300_44659hinh7

Tạ Tỵ

Văn Cao: Viết văn, làm thơ, dựng kịch, soạn nhạc, vẽ. Sinh năm: 1922 tại Hải Phòng
Nhạc phẩm: Buồn tàn thu, Suối mơ, Bến Xuân, Trương Chi, Thiên thai, Sông Lô và nhiều ca khúc chiến đấu khác.

*****

Dòng nước của đại dương luôn luôn đuổi nhau xoáy vào mỗi bờ cát, soi mòn chân đá, đắp dày từng lớp mặn chát trên mặt đất khô cằn quanh năm ẩm mốc váng muối và sình lầy. Cửa biển Hải Phòng với những ống khói đen sì nhấp nhô in lên nền trời, nhả từng vệt khói xám đậm vươn cao rồi vút biến vào lưng chừng mệt mỏi. Những nét mặt lem luốc tro than diễn hành từng chiều, rồi từng chiều trên các nẻo đường lở lói, đầy bụi và rác. Thân phận con người đeo đuổi, dính chặt vào tiếng còi thét ngất ngư từ một nhà máy hay tiếng động rầm rì, đều đều, của chiếc chân vịt cuốn sục sôi mặt nước. Con người sống trong cửa biển vật vã từng giờ, từng khắc, với lao khổ, tủi nhục và âm thầm bên cạnh vùng ánh sáng đàng điếm của giai cấp thống trị.
Cửa biển là nơi hẹn hò của những tay giang hồ hảo hớn, của bao thảm kịch đan kết thành dòng sống phức tạp, đớn đau. Cửa biển với vòm trời xanh thăm thẳm bồng bềnh, với từng phiến mây phiêu du vô định, với từng con nước dật dờ lôi cuốn số phận con người vào sự nổi trôi, mỗi lần nhổ neo tạm biệt bến bờ. Cửa biển với cơn cuồng nộ tới tấp của giông bão giữa mùa biển động làm vỡ nát ước mơ, làm tả tơi hy vọng.

Cửa biển tượng hình uất hận. Cửa biển than khóc. Cửa biển nghẹn ngào.

Văn Cao đã khóc tiếng đầu tiên để chào cửa biển Hải Phòng với ngần ấy gia tài. Văn Cao lớn lên và được dạy dỗ bằng nước mắt hơn là tiếng cười. Những khuôn mặt lem luốc của công xưởng, của hầm mỏ, của bến tàu đã khắc sâu vào tiềm thức, trở thành ám ảnh, dằn vặt khôn nguôi. Văn Cao đã sống với tiếng máy và thở cùng than bụi. Văn Cao đã biết đói, biết rét, biết đau khổ, trước khi làm người lớn. Vì thế, sự hiện diện của Văn Cao ở một hàng ngũ cách mạng nào đó trước năm 1945, người ta đừng lấy làm lạ, phải coi như một lẽ đương nhiên. Kẻ thù đã đẩy, chẳng riêng gì Văn Cao, mà cả dân tộc đứng lên đòi quyền sống.

Văn Cao là mẫu người đặc biệt. Với vóc dáng nhỏ nhắn. Với nụ cười lắng chìm không thành tiếng. Với hàm răng ngắn, đều. Với đôi mắt lạnh lùng dễ sợ lúc giận dữ, và dịu hiền khi tâm hồn chìm du vào dòng suy tưởng.

Văn Cao nhập cuộc không phải bằng tài năng đơn độc mà bằng một thác lũ nghệ thuật, chùm lấp vòm trời Kinh đô Văn nghệ. Từng bước khoảng khoát, Văn Cao hiên ngang đi vào lòng Mẹ Việt Nam và được tiếp nhận nồng hậu. Chưa ai nghĩ tới và tưởng tượng nổi một Văn Cao trước những đối nghịch lớn, chứa đựng cái vóc dáng khiêm nhượng ấy. Người ta có thể cho là huyền thoại khi nói về một Văn Cao vẽ giấy bạc giả để chi dùng trong khi hoạt động túng thiếu, đến lúc hành vi bị lộ, đã rút súng Colt 45 chĩa vào những người có mặt, bắt họ giữ nguyên vị trí, để mình rút lui, rồi sau ngày 19-8, mang giấy bạc thật đến hoàn lại số tiền đã trả bằng bạc giả với đôi lời xin lỗi. Cũng như ít ai biết tác giả Thiên thai, Trương Chi ở tổ chức ám sát nội thành Hà Nội dưới thời Nhật. Bị hoàn cảnh xã hội lúc đó đẩy vào con đường nghẽn, Văn Cao phải lao tìm một lối sống đặc biệt. Nhưng hôm nay tôi viết đến Văn Cao, không phải để đề cao điểm đặc biệt ấy, mà chính là để tìm hiểu Văn Cao ở khía cạnh Văn nghệ Tiền chiến và sự khuất chìm của một Văn Cao trong hiện tại.

Tâm hồn Văn Cao luôn luôn nghiêng về đau khổ. Văn Cao cố tìm cách tránh né nó bằng sự thoát du của trí tuệ. Trong mỗi sáng tác của Văn Cao tiền chiến, chúng ta nhìn thấy rõ quan niệm ấy ẩn nấp trong ca khúc Thiên thai, Trương Chi hoặc các đoản tác về nhạc cũng như văn thơ khác. Văn Cao lẩn trốn thực tại, một thực tại nhức nhối rã rời của cuộc sống phẫn nộ. Văn Cao tìm đến sự cứu rỗi linh hồn ở Lưu Nguyễn, ở tình yêu không phai tàn trong Sắc-Hương-Thiên-Giới, hay nỗi hờn ngàn kiếp giữa gã lái đò nghèo và cô gái đài trang. Chiếc chén tương tư đã tan thành nước và biến vào dòng suối đau buồn của cõi trần gian có từ khi trái đất hình thành. Văn Cao đã mượn hình thức cũ để nói lên tâm sự mình, một tâm sự chứa trọn vẹn nỗi bất bình xã hội. Nhưng đừng ai hiểu lầm Văn Cao đã sáng tác Trương Chi theo chiều hướng căm thù giai cấp. Trong nỗi bơ vơ của kiếp người, lớn lên với bao nhiêu cực nhọc, chịu thiếu thốn thường xuyên về cơm ăn, áo mặc, Văn Cao mong vượt thoát bằng sự ước mơ, bằng trở lui về quá khứ thơ mộng, bằng đam mê với suy tư trong ảo ảnh xa lìa. Văn Cao muốn tự giải thoát bằng sáng tác. Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ. Sự vượt lên của Văn Cao trong một thành phố đục lầm cát bụi, trong tiếng khua rộn ràng của những sợi dây xích sắt khổng lồ trong tiếng nấc nghẹn ngào không thoát khỏi cổ họng, được coi như cố gắng phi thường của một tâm hồn sung mãn. Đối nghịch đã làm cho Văn Cao trở thành con người có phong cách riêng biệt.

Văn Cao muốn tạo cho mình một thế giới êm dịu đầy mộng mơ tuổi trẻ, nhưng thực tại tàn nhẫn đã đập vào trí não Văn Cao từng hình ảnh đoạ đày, từng nỗi đau ngấm ngầm. Văn Cao dẫy dụa trong những giăng mắc đó như con cá biển cố vùng vẫy thoát khỏi mắt lưới, để đừng bao giờ thân xác bị moi ruột ướp muối đem phơi khô, rồi trở thành phân bón. Văn Cao giơ đôi bàn tay khoả lấp vùng lưu đày tuổitrẻ bằng nghệ thuật.

“Thiên thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian”.

Ôi, trần gian, trần gian nào đó, thứ trần gian chỉ được cấu tạo trong tưởng tượng mà Văn Cao cố víu lấy để thấy – ít nhất trong khoảnh khắc – kiếp người chưa hẳn đã chịu chết chìm trong u ngục, đói rét, áp bức. Nhưng trong cõi sâu thẳm hun hút của vũ trụ trên kia, Văn Cao vẫn cảm thấy và nhận ra niềm cô đơn dằng dặc của thân phận mình. Trong nhạc phẩm Trương Chi, Văn Cao không phải chỉ than van cho khối tình oan trái, không phải chỉ oán hờn định mệnh theo nghĩa hẹp hòi, cũng không phải chỉ là nói lên cái đẹp thuần tuý của thơ, nhạc; thực ra, Văn Cao đã “Ngồi đây ta gõ ván thuyền, Ta ca trái đất chỉ còn riêng ta”.

U uất bủa vây trùng trùng, điệp điệp làm Văn Cao ngỡ ngàng xoay quanh để kết đoàn. Niềm thống khổ như từng cơn sóng đại dương xô đuổi miên tục, phá phách đến tận đáy cùng thẳm của xã hội ung độc. Văn Cao buông rời cửa biển, gia nhập vào một không gian khác để mong tìm sự bình yên của tâm hồn. Nhưng dù đi đâu, đến đâu, thì hình ảnh của đói rét, khốn cùng vẫn nằm kề sa đoạ. Cửa Ồ Cầu Rền với xóm Dạ Lạc bốn mùa khai hội, từng đêm, tiếng sênh phách reo vui với xiêm y rực rỡ, với chuỗi tiền cười lạnh lẽo, vang dội vào khuôn gác nhỏ, không một ánh đèn, ánh nến, không cả tình thương. Trong khuôn gác nhỏ giữa xóm Vạn Thái, Văn Cao đã sống những ngày cuối cùng của tủi nhục, đã phải chấp nhận cái đau của những con người rời bỏ ruộng vườn, ngược dòng sông Hồng, lần theo đường sắt, qua các ngả đường, từ sau luỹ tre thân yêu, từ dưới mái nhà ấm cúng, từ chiếc sân gạch với hàng cau thẳng vút, đã kéo vào thành phố lũ lượt như lũ âm hồn dắt díu nhau đi đầu thai tập thể qua năm Cửa Ô Hà Nội.

Nhịp sống hờn tủi mỗi giờ, mỗi phút cứ xiết chặt lấy mỗi kiếp người đói rét. Gió dào dạt rức buốt da thịt. Gió đập gãy từng thể xác lả xuống mặt hè như cành khô rơi rụng. Không một lời trối trăn, không một giọt nước mắt. Trong cái phờ phạc của mùa đông Hà Nội, bóng những con quạ đen thui chập chờn lượn vòng, đe doạ. Từng đêm tiếng bánh xe lăn lọc cọc đi xuôi về cửa Ô. Ngọn đèn dầu đỏ loe loét lắc lư bên hông xe soi thấp thoáng những cẳng chân, cẳng tay đen đúa thò ra dưới manh chiếu nát. Vòng xe trôi, trôi mãi, đêm này qua đêm khác theo lộ trình định sẵn. Tiếng vó ngựa gieo rời rạc trong mưa phùn gió buốt, chen lẫn vào tiếng nói cười đàn ca rộn rã hắt ra từ hai lề dâm đãng.

Văn Cao đã từng đêm nhìn qua khuôn gác nhỏ, xóm Dạ Lạc mờ đục dưới ánh sáng bạc phếch của điện đường. Niềm xót thương dấy động tự chiều sâu của tâm ta và lòng oán thù thân phận lại đẩy mạnh Văn Cao vào hàng ngũ chống đối. Tất cả nỗi giận hờn đó Văn Cao đã giãi bày bằng những vần thơ đau thương nhất:

“Cửa Ô ơi, cửa Ô đau khổ
Bốn ngả âm u
Nhà ta thuê, mái gục tự mùa thu
Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc
Đêm đêm dãy đài canh tan tác
Bốn vực nhạc động vẫy người
Dãy đèn treo ánh đỏ quạnh máu đời
Ta về gác chiếu chăn gào tự tử
…………………………
… Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói Công Yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe xào xạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực…”

Tâm trạng Văn Cao ở thời gian đó không phải là tâm trạng của kẻ làm cách mạng tích cực mà chính là tâm trạng của nghệ sĩ với tất cả rung cảm chân thành. Nhìn thấy thảm trạng xã hội Văn Cao bi phẫn thét lên “Ta về gác chiếu chăn gào tự tử”. (Nhưng câu thơ này đến lúc được in trên tờ Tiền Phong lại đổi thành: “Ta về gác gió cài then cửa rú” có lẽ vì lý do nào đó hơn là tự ý tác giả). Văn Cao bị dồn ép, xô đẩy vào một ngõ cụt. Văn Cao vùng lên phá phách bằng nghệ thuật thấy chẳng ích gì, nên phải dấn thân vào ngả khác, chưa hẳn ngả ấy bây giờ đã hợp với tâm hồn và xoa dịu nỗi khắc khoải mà Văn Cao mang từ tuổi ấu thơ tới trưởng thành.
Với tài năng phong phú, Văn Cao không từ bỏ một hình thức nghệ thuật nào. Văn Cao vẽ, viết, làm nhạc và hoạt động cách mạng. Ở mỗi bộ môn Văn Cao đều xuất sắc.

Văn Cao gia nhập làng văn nghệ bằng một vài truyện và kịch ngắn đăng trong Tiểu thuyết thứ Bảy. Mấy sáng tác này hồi đó bị chìm đi trước những hào quang sáng chói của những vì tinh tú như Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và Vũ Bằng, Thanh Châu, Ngọc Giao, Nguyễn Công Hoan, Bùi Hiển, Nam Cao, Tô Hoài trong nhóm Tân Dân. Thấy văn chương không thể đưa mình lên đỉnh cao nghệ thuật, Văn Cao rẽ sang âm nhạc. Tác phẩm Buồn tàn thu chào đời vào cuối năm 1943 gây một phản ứng tốt trong giới yêu nhạc. Lời và ý nhạc tuy chưa đạt so với những sáng tác sau đấy, nhưng nó là điềm báo trước một cái gì sẽ và sắp đến. Quả thực vậy, sau đó ít lâu nhạc phẩm Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ và Bến xuân ra đời gây một ảnh hưởng lớn đến tinh thần thưởng ngoạn âm thanh của giới trí thức Hà Nội.

Hai nhạc phẩm Suối mơ và Bến xuân, Văn Cao cùng sáng tác với Phạm Duy. Vì giá trị hiển nhiên, nhạc Văn Cao đã vượt thoát qua cửa ải được trấn giữ lâu ngày bởi Lê Thương, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Hoàng Quý v.v…

Cánh cửa vinh quang đã mở cho bước chân thứ nhất của con người tài hoa tuổi trẻ. Nền âm nhạc Việt Nam hồi đó chưa phát triển mạnh, chỉ có một vài tên tuổi và vài nhạc phẩm quá quen thuộc, trong đó nhạc phẩm của Đặng Thế Phong với Con thuyền không bến, Giọt mưa thu và Vạn cổ sầu là được ưa chuộng nhất. Nói cho đúng, những nhạc phẩm của Văn Cao quá mới và hay, so với thời gian lúc đó nhất là lời ca.

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà…
… Tới đây, chân bước còn ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân…
… Tới đây, mây núi đồi chập chùng
Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân…
(Bến xuân)

Lời nhạc Văn Cao đặt như thơ, thật chọn lọc. “Mắt em như dáng thuyền soi nước” và “Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng” là những hình ảnh quen thuộc của thi ca, chưa ai dùng để đặt lời cho nhạc. Tứ nhạc phong phú, nét nhạc thanh thoát dìu người thưởng thức đi vào cõi mộng êm đềm, quấn quít giữa sự giao duyên của thơ và nhạc. Nhưng chẳng phải chỉ có một lần mà hầu hết các nhạc phẩm của Văn Cao đều có lời đẹp và chất chứa cả một sức mạnh giông gió làm đổ vỡ những chướng ngại cản đường. Tôi nhớ mãi năm xưa, mỗi lần gặp nhà văn Vũ Bằng, nói chuyện về Văn Cao, Vũ quân nức nỏm khen bài Suối mơ hay quá, tuyệt quá, và cao hứng khẽ hát:

… Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối
Nghe suối róc rách trôi, hoa lừng hương gió ngát
Đàn ai đùa trong khóm lá vàng tươi…
(Suối mơ)

“Anh có đồng ý với tôi câu: Đàn ai đùa trong khóm lá vàng tươi là nhất không?”, Vũ quân nhìn tôi gay gắt.

Có nhiều người cho rằng Văn Cao sáng tác hai bài Suối mơ và Bến xuân tại chiến khu trong thế gian hoạt động bí mật, vì đó là hình ảnh của miền Cao-Bắc-Lạng với núi đồi, rừng, suối – không đúng hẳn, Văn Cao có hoạt động bí mật ở chiến khu, nhưng Văn Cao làm ra hai bài ấy ngay lòng Hải Phòng, cùng soạn với Phạm Duy, và chính Phạm Duy là người hát đầu tiên. Văn Cao làm nhạc do tự học, về sau mới thụ huấn nhạc lý ở lớp nhạc Tạ Phước. Văn Cao không hát được, tất cả mọi nhạc phẩm phổ biến gây được ảnh hưởng, phần lớn nhờ tài trình diễn của Phạm Duy.

Những nhạc phẩm của Văn Cao được xưng tụng rầm rộ sau ngày cách mạng ôm trọn nước Việt Nam – một phần cũng vì tác giả đã làm ra bài Tiến quân ca, bài ca chính thức của cách mạng. Từ “Chủ tịch” đến thứ dân đều phải đứng nghiêm trước nét nhạc trỗi lên. Trong khoảng thời gian này, Văn Cao đã vươn lên tới đỉnh chót của ân thưởng cho tài năng và công lao đối với cách mạng.

Ngoài văn thơ, âm nhạc, Văn Cao còn là hoạ sĩ có tài. Tất cả những nhạc phẩm do Văn Cao xuất bản, đều tự trình bày với những nét vẽ của hoạ phái Lập thể. Văn Cao sử dụng cọ và màu cũng sắc sảo mặn nồng không thua gì các hoạ sĩ chuyên nghiệp, có khi hơn nữa. Về hoạ Văn Cao có học một hai năm ở mỹ thuật Hà Nội với tư cách dự thính viên tự do (auditeur libre).

Văn Cao vẽ tranh sơn dầu cũng bằng hình thức và nội dung mới. Bức hoạ “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” (Le Bal aux suicidés) mà Văn Cao trưng bày tại Phòng Triển lãm Duy Nhất (Salon Unique 1943) đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc.
Văn Cao là một nghệ sĩ trên nghệ sĩ. Một mình ôm mấy vùng ánh sáng.

Tôi biết Văn Cao trước khi biết Phạm Duy, qua hội hoạ nhiều hơn. Mối tình giao bắt đầu giữa tôi và Văn Cao trong một căn nhà ở phố Hàm Long vào năm 1944 nhân một buổi xem tranh của nhau. Lúc đó Văn Cao đã “hoạt động”, tôi đâu biết. Trong số anh em có mặt, tôi chắc cũng chẳng ai ngờ con người nhỏ nhắn ấy lại có gan to, mật lớn.

Chúng tôi tranh luận về hội hoạ và phê bình tác phẩm của nhau, sau cùng chúng tôi đồng ý rằng, hội hoạ phải chuyển hướng không thể dùng để truyền thần sự vật. Bẵng đi một thời gian, tới cuối năm 1945 tôi mới gặp lại Văn Cao. Mối giao tình vẫn như xưa và quan niệm về hội hoạ của Văn Cao không thay đổi theo cách mạng. Văn Cao đã lấy vợ và hay lại nhà thi sĩ Hoàng Lộc (chết trên đường số 5 trong trận đánh vào cuối năm 1947), một căn gác rộng đối diện với dãy 24 gian, phố Huế. Lộc sống cùng với người anh. Cả hai độc thân, nên căn gác đã thành “quán tha hồ muôn khách đến”, thường dùng làm nơi họp mặt của anh em. Rồi thời gian cứ thế trôi đi, tới ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.

Đầu năm 1947, nhân chuyến lên Việt Bắc cùng Phạm Duy, tôi gặp Văn Cao ở Yên Bái, trong buổi chiều nắng tàn xuân thoi thóp trên đầu núi ngọn rừng, trên nỗi điêu tàn của một thành phố bắt đầu tiêu thổ! Chúng tôi ngồi trong quán ăn giữa trời. Bữa đó, tôi chứng kiến lần thứ nhất tài uống rượu của Văn Cao. Văn Cao uống hai chai đế, da mặt cứ tái đi và thái độ vẫn ung dung hoà nhã như chưa uống giọt nào. Lúc trước, tôi đã nghe nói về tửu lượng và sức hút thuốc phiện của Văn Cao. Theo anh em, Văn Cao có thể hút sáu, bảy mươi điếu liền trong một tối và uống tối thiểu một chai “Cổ nhát” sếch. Lúc vui, tôi hỏi. Văn xác nhận: “Đúng! – “Moa” uống và hút như thế đó, nhưng không nghiện thứ nào cả. Có cũng vui, không cũng chẳng sao!”. Nói xong, Văn cười, nụ cười không thành tiếng, tôi chỉ nhìn thấy hàm răng nhỏ trắng đều lấp lánh bên ánh đèn dầu lửa.

Rồi chúng tôi xa nhau. Sự chia tay trong thời gian kháng chiến thật ngậm ngùi vì không ai dám đoan chắc bao giờ gặp lại. Tôi quay về Âm Thượng, gia nhập một đoàn văn nghệ đi lang thang khắp núi rừng cho đến ngày cơn sốt rét ấn tôi nằm liệt giường, tôi trở về quê nhà tại Liên khu 3 để chữa bệnh.

Vào mùa đông năm 1948, mặt trận đang sôi động, quân Pháp đóng cách nơi tôi ở chừng 6 cây số theo đường chim bay, trên con đê Đặng Giang, suốt từ Vân Đình xuống làng Phù-Lưu-Tranh, bỗng một chiều Văn Cao và Nguyễn Đình Thi đến tìm tôi. Sau bữa cơm, trời bên ngoài đen như than, mưa phùn, gió bấc. Rặng tre trước nhà rung lên kẽo kẹt như tiếng nghiến răng. Gió luồn qua khe cửa thổi buốt tê da thịt. Văn và Thi tưởng chỉ sang thăm tôi rồi về làng bên ngủ nơi có cơ quan, không ngờ mải vui nên ở lại. Lên đèn được lúc lâu, lạnh quá, chúng tôi chui vào giường. Chiếc mền Mỹ mỏng teo làm chúng tôi rét không ngủ được. Văn Cao nằm giữa, ngâm bài thơ “Chiếc xe gác qua Phường Dạ Lạc”. Giọng ngâm làm da thịt tôi tê gợn. Nó âm u hơn cửa địa ngục. Nó rờn rợn như có ai đang cầm một miếng mảnh chai cạo vào chiếc lóng tre khô. Nó ai oán thê lương hơn một bãi sa trường sau giờ tác chiến. Nó thấm vào hồn mình như từng giọt cường toan. Tôi đang bị vây hãm bởi âm thanh ma quái đó, chợt nghe ngoài ngõ có tiếng chân đi rầm rập, rầm rập: đoàn quân đang di động ban đêm.

Khi tiếng ngâm vừa đứt, Nguyễn Đình Thi nhỏm dậy hỏi tôi, giờ này mua rượu ở đâu? Tôi nói đang chuyển quân ai cho mình đi! Thi lại nằm vật xuống. Cả đêm chúng tôi không ngủ, phần vì lạnh, phần thảo luận văn nghệ và nhắc kỷ niệm anh em.
Sang đầu năm 1949, Văn Cao và gia đình về Khu 3 ở tại làng Hoà Xá gần chợ Đại. Chúng tôi gặp nhau luôn và chính ở nơi này Văn Cao đã sáng tác nhiều nhạc phẩm trong đó có bản “Tiến về Hà Nội”. Văn Cao dạy hoạ sĩ Bùi Xuân Phái và tôi hát bài này trước tiên. Trong thời gian ở Liên khu 3, chúng tôi có tổ chức một cuộc Triển lãm Hội hoạ. Văn Cao bày một bức sơn dầu mang tựa đề “Cây đàn đỏ” vẽ người bộ đội ôm “Cây đàn chủ nghĩa”.

Triển lãm xong, Văn Cao nhờ tôi giữ giùm hoạ phẩm đó, nhưng sau quân Pháp đã lấy hết, cả tranh của tôi lẫn tranh Văn Cao, trong một cuộc hành quân càn quét vào đầu năm 1950. Từ đó, chúng tôi không một lần gặp lại nhau.
Tính ra đã 20 năm rồi. Tôi đứng bên này vĩ tuyến nhìn qua vòm trời Bến Hải, nhìn qua Đồng Hới, qua Vinh, Thanh Hóa, Nam Định, Phủ Lý rồi đến Hà Nội, nơi Văn Cao đang có mặt với vụ án Nhân văn – Giai phẩm, với kỷ luật tập thể giết dần Văn Cao, biến Văn Cao thành công cụ. Cái không khí “đỉnh cáo sáng tác” mà Văn Cao thèm khát đã trở thành nỗi ước mơ thật sự, ước mơ này chắc anh sẽ đem theo về cõi chết.

Dù sao, Văn Cao vẫn hiện diện trong tôi với hình dáng của một tinh cầu giá lạnh, với cô đơn dằng dặc ở cuối khung trời ngăn cách.

Tạ Tỵ
Trích từ tác phẩm Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ của Tạ Tỵ
(Nguồn: Việt Nam Thư Quán)

Trích thơ Văn Cao

imagesfgg VANCAOTUYENTAOTHO_0

Chiếc Xe Qua Phường Dạ Lạc

Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hóa tà ma
Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách rục
Tình tang gõ nhịp khóc đàn sương
Áo thế hoa lả lướt lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế
Ta đi giữa đường dương thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây
Chiếc xe ma chở vội một đêm gầy
Xác truỵ lạc gục bên thềm lá phủ
Ai hát khúc Thanh Xuân hờ ơi, phấn nữ
Thanh Xuân hờ Thanh Xuân
Bước gần ta bước nữa thêm gần
Khoảng giữa tuổi xuân nghe loạn trùng hút tuỷ
Ai huỷ đời trai trên tang trống nhỉ?
Hay ác thần gõ quác nạo mồ khuya
Đảo điên mê say thể phách chia lìa
Nghe reo mạnh chuỗi tiên cười lạnh lẽo
Tiền rơi, tiền rơi…
Chùm sao huyền diệu
Lấp lánh hằng hà gạo rơi tiền rơi
Ta lả nhìn cửa sổ mắt mờ rồi
Vàng mấy lá thừa đãi thây phủ chiều.
Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo
Dặt dìu cung bậc âm dương
Tàn canh nhễ nhại mưa cô tịch
Đầm đia rả rích phương Đông
Mang mang thở dài hờn đất trích
Lưới thép trùng trùng khép cố đô
Cửa Ô đau khổ
Bốn ngả âm u
Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu
Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc
Đêm đêm dãy dài canh tan tác
Bốn vực nhạc động vẫy người
Dãy đèn treo ánh đỏ quạnh máu đời
Ta về gác gió cài then cửa rú
Trên đường tối đêm khoả thân khiêu vũ
Kèn nhịp xa điệu múa Vô Luân
Run rẩy giao duyên khối nhạc trầm trầm
Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc
Kiếp người tang tóc
Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương.
Một nửa kêu than ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc.
Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói Công Yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe xào xạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực.
Mưa, mưa hằng thao thức
Trên phố lội đìu hiu
Mưa, mưa tràn trên vực
Hang tối gục tiêu điều
Mang linh hồn cô liêu
Tiếng xe càng ám ảnh
Tiếng xe dần xa lánh
Khi gà đầu Ô kêu.
(1945)

Những Ngày Báo Hiệu Mùa Xuân

“Những ngày báo hiệu mùa Xuân” là một đoạn trong bài thơ dài “Những người trên cửa biển” của Văn Cao, in trong tập thơ của bốn người: Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần và Lê Đạt, do Nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành.

Nước biển đổ vào quanh Hải Phòng ngày bão
Làng mạc bồng bềnh trời đất bềnh bồng
Ở những ngọn tre xác xơ mốc lên chất muối
Còn lại ít rơm khô của mái nhà trôi
Những mảnh lưới thuyền ai bay tan tác
Xe gạo ngày đêm từ Hải Phòng về các xóm
Chúng tôi đêm ngày vét nước nối đê
Tưới ngọt lại ruộng đồng, dựng lại từng thôn xóm
Tìm lại những nụ cười ở môi người sống sót
Lửa đỏ đêm đêm trên bãi biển bập bùng
Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẩn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Đậu trên những chiếc dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao nhiêu tay chân dìm chết một con người.
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
Chúng muốn những em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng
Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người
Chúng nó ở bên ta, trong ta, lén lút
Đào rỗng từng kho tiền gạo, thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt từng tên xâu chuỗi
Tôi sẽ vạch từng tên lên mặt
Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to chớ cớm mầm non
Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông thành biển
Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường đi trái đất quanh mặt trời…”

(Trích Tâm trạng của giới Văn nghệ ở miền Bắc, Mạc Đình soạn)

Đêm Gĩa Từ Hà Nội, Tùy bút Mai Thảo


hoa1-7aca7

Mai Thảo

Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà Nội nhoà dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa.
Dưới những hàng mái cong trũng, ngập đầy lá mùa kia, đang xảy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không đoán hiểu được. Hà Nội đang đổi màu. Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt, anh đã đứng trên một bờ vĩ tuyến mà nhìn về một vĩ tuyến bên kia. Bên ấy, có những hình ảnh chia cắt, đứt đoạn. Bên ấy, có những hình chiến luỹ, những hàng rào dây thép gai, những đoạn đường cấm, những vùng không người.
Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.
Phượng nhìn xuống lòng đường. Trong bóng tối, mặt nhựa lầm lì không nói gì. Những hình cây đổ nghiêng trên những tấc đất đá câm nín. Bí mật dàn ra những bề phẳng, những đường dài như một dòng sông ngăn chia hai bờ, và Phượng đã đứng ở bên này mà nhìn sang một bờ bến bên kia. Bên kia có Hà Nội. Bên này có anh. Có tập thể. Có những bạn đường. Có một chuyến đi về Hà Nội.
Chung quanh chỗ Phượng đứng, những tảng bóng tối đã đọng lại trên bờ đường như những bờ hầm hố. Nhìn xuống, Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy.
Anh nhớ đến Thu. Thu cũng còn ở dưới ấy, trong Hà Nội. Cái mái nhà cũ kỹ bên kia, chính là mái nhà Thu, lại cũng chính là ở bên ấy, Thu sẽ đến với anh, ở bên này. Từ một mái nhà của Hà Nội đêm nay, đến bờ đường anh đứng, chỉ có một đoạn ngắn, nhưng Phượng biết rằng đêm nay, nó chứa đựng tất cả ý nghĩa của một đoạn đời. Và Thu, Thu phải đặt cả đời Thu vào một chuyến đi, thì Thu mới vượt được đoạn đường ngắn ngủi ấy, và Thu mới sang được với anh. Như anh, như hàng nghìn hàng vạn con người Hà Nội đêm nay, Thu sẽ ở lại hay sẽ vượt lòng biên giới cũ. Giữa những phút giây Hà Nội đang rắn lạnh lại trong chuyển đổi chính thể đã bắt nguồn, đứng bên này đường, Phượng mới cảm thấy rằng ở bên kia Hà Nội, Thu đã ở thật xa anh. Cái cảm giác ớn lạnh mỗi khi anh đứng trước một dòng sông lại nổi lên. Con sông biên giới đêm nay lại hình như con sông Hồng chảy qua một bờ Hà Nội. Trong Phượng, sóng lòng của chuyển dịch chưa kịp nổi lên mà những ngọn sóng của dòng sông cũ đã nổi dậy. Âm thanh oà oà. Lòng đêm Hà Nội chứa đựng những tiếng đổ vỡ đang xô chen trong bóng tối đặc quánh.
Qua bóng tối, Phượng nhìn thấy những hình khối của Hà Nội bên kia: một cửa ô đoạ đầy. Một hàng mái cũ. Những lớp phố phường sa đoạ. Những ánh đèn nhạt tái trên những bờ tường câm đen. Bóng tối chính thể đổ xuống làm nghiêng ngả những sự kiện này.
Bên kia, Hà Nội vẫn đang lặng lẽ đổi màu. Người Hà Nội dựng cửa tắt đèn để mà đổi thay trong bóng tối. Phượng thấy thương Hà Nội. Thương những người Hà Nội. Những người còn ở lại dưới những hàng mái cũ kỹ kia vì những vướng bận đau khổ.
Đêm khuya dần. Từ một cửa ô, Hà Nội bắt đầu ngây ngất dấy lên những ngọn gió núi rừng thổi về. Gió rừng hoang về qua cửa ô, đi thẳng vào tâm can của người Hà Nội. Ngọn gió tiền phong này đến trước chính thể, đang lọt dần qua cửa ô Yên Phụ, Kim Liên như một điển hình của hoang lạnh rộng lớn. Cả Hà Nội run lên, tê đi. Trước phút bỏ đi mà Phượng cũng như giá buốt cả cơ thể. Hà Nội đã bắt đầu đón nhận ấn tượng. Ngày mai, Phượng ở miền Nam rồi, Hà Nội sẽ phải còn đón nhận những sự kiện, những con người bên ngoài. Sau ấn tượng hoang vắng đêm nay, sẽ là sự thật tàn nhẫn ngày mai. Nhưng chỉ đón nhận ấn tượng, Phượng cũng đủ thấy Hà Nội không còn gì. Hà Nội chỉ còn là một thứ thuộc về bên kia. Hà Nội chỉ còn là một thứ thuộc về bên kia. Bên kia như Đêm. Như Bóng tối. Như Sa đoạ. Như Tù đày.
Trên đầu Phượng, những ngọn lửa nhìn xuống. Ấy là những con mắt đau yếu của một Hà Nội không ngủ. Những ánh lửa tròn, nhợt nhạt, bé nhỏ, bị giam chặt giữa bóng tối. Phượng nghĩ đến những vì sao xa xôi đứng chết ở một góc trời cũ. Hệ thống ánh sáng Hà Nội đã hết bay múa. Bóng tối dềnh lên những đường lung linh. Từng điểm lửa gục đổ. Đêm nay, Phượng chỉ còn mong chúng có đủ ánh sáng để soi đường cho Thu đến được với anh. Phượng chỉ còn mong có thế thôi. Vì anh biết ngày mai những điểm lửa ấy sẽ không sáng nữa. Hà Nội sẽ không sáng nữa.
Buổi chiều, hồi năm giờ, gặp Thu ở cuối nhà Thuỷ Tạ, anh đã nhắc Thu đến một ngả đường. Đúng hơn đến một chuyến đi. Anh lại nhắc cả Thu đến một hạn định: Hôm nay là ngày cuối cùng người ta được tự do rời khởi Hà Nội.
Phượng bảo người yêu: “Hôm nay đã là ngày chót rồi, Thu ạ! Mười hai giờ đêm nay, chuyến xe cuối cùng sẽ đi qua cầu Long Biên. Anh sẽ đi chuyến ấy. Việc lớn việc nhỏ, anh đã thu xếp tạm yên cả rồi. Chưa yên hẳn, nhưng cũng đành vất bỏ hết. Việc đi khỏi Hà Nội trước hạn định cần hơn. Anh sẽ đến đợi em ở đầu phố tối hôm nay. Chúng mình sẽ cùng vào trong Nam”.
Phượng nói vắn gọn có thế. Bao nhiêu lần gặp trước, kể từ ngày có hiệp định chia đôi, anh và Thu đã bàn với nhau nhiều. Bàn đi bàn lại, nhưng vẫn chưa ngã ngũ ra sao cả. Vấn đề chỉ mới giải quyết xong về phần anh thôi. Trước sự lựa chọn một thái độ và trước những mưu toan xây dựng một cuộc sống tay đôi ở bên kia vĩ tuyến của hai con người cùng gắn bó đến những cái cao đẹp của đời sống, những gió bão của chiến thời ở đây lại có thêm những thảm trạng của đất nước bị chia rẽ. Sự ngăn chia đến cả từng cuộc đời. Đất nước ngăn cách làm hai miền, thì những cuộc đời cũng chia về hai phía. Như đêm và ngày. Bên này, bên kia. Biên giới oán thù dựng lên ở giữa.
Cho đến nay, Thu vẫn chưa quyết định. Thời hạn được ấn định cho di chuyển trong khu vực Hà Nội cứ vợi mãi trong phân vân lưỡng lự của người thiếu nữ. Phượng cũng hiểu cho người yêu. Anh khác, Thu khác. Cuộc sống mấy năm gần đây của anh trong Hà Nội cứ an định một chỗ, chỉ một ngụm gió nổi lên là cũng đủ đưa anh ra ngoài cửa ô. Di chuyển là một cần thiết cho đời sống của Phượng trong ngày cũ, bây giờ lại là một hành động của tự do. Cứu cánh của người Hà Nội hôm nay nằm trong sự thoát khỏi phố phường cũ.
Nhưng Thu, Thu chỉ là một người đàn bà. Vây quanh lấy đời Thu, Phượng cũng đoán thấy không biết cơ man nào là những sợi dây nối kết cuộc đời của Thu với Hà Nội. Như lúa với đất. Đi khỏi được, ít ra Thu cũng phải cắt đứt được bằng hết những sợi dây ấy. Chúng là những rễ lớn rễ con đã bám chặt lấy đời Thu từ tuổi thơ. Trên mái tóc suối chảy của người thiếu nữ, bóng dáng một mái nhà cổ kính đổ xuống. Những nếp nhăn trên trán người mẹ. Những sợi tóc bạc trắng của người cha. Đi thoát được mái nhà cũ, hành động của Thu sẽ là một hành động quyết liệt. Nó đòi hỏi nhiều đau khổ, nhiều mất mát. Lòng người vẫn phải rách nát vì những đau khổ, những mất mát ấy.
Phượng biết thế, nên người anh hùng cũng không giục giã người yêu. Mặt khác, anh muốn rằng trước thử thách này, Thu sẽ hành động, sẽ quyết định một mình. Như một con người tự do hành động và quyết định. Phượng vẫn thường có quan niệm rằng chính kiến của con người như một thứ hướng đi, tuỳ theo sự lựa chọn chân trời riêng. Đối với Phượng trái đất này có hàng triệu ngả đường thì con người cũng có hàng triệu hướng đi, trên đó đua nở những hoa cỏ cùng là rung động những tình cảm của người trước cuộc sống. Thảy đều mênh mộng, không bến bờ. Nhẹ thoáng như không khí. Bay múa như nắng.
Nếu không, thì trái đất không còn là trái đất nữa. Con người không còn là con người nữa.
Mấy ngày gần đây, Hà Nội của Phượng đã hết nắng. Hà Nội đã thiếu không khí, thiếu hơi thở. Bên kia tả ngạn Hồng Hà, bên này năm cửa ô, ngay trong nội tâm Hà Nội, những sự kiện mới mai đây sẽ về ngự trị trên Hà Nội đã như những tảng bóng tối mịt mùng dâng lên. Bóng núi bóng rừng chấp chới. Tim phổi người choáng váng, rức buốt. Những mạch đời ngừng nghỉ. Những màu sắc lộng lẫy nhất cũng nhạt tái lần lần.
Trên những sân ga, bến tàu, từ những trạm hẹn, những con người có sẵn thái độ như Phượng đã hướng vào chuyến đi. Những cuộc đời như đời Thu, rách nát vì mâu thuẫn, giờ phút này đang trải qua một cuộc tranh đấu quyết liệt với bản thân. Chúng là những miền còn tranh tối tranh sáng. Sau hết, là những người ở lại. Ở lại với Hà Nội. Vì hoàn cảnh vướng bận.
Chưa bao giờ Phượng lại cảm thấy Hà Nội chứa đựng nhiều khía cạnh, nhiều thời gian tính đến thế. Đứng trước cuộc đổi đời, Phượng va chạm với những con người đang lựa chọn để nắm lại trong dĩ vãng hay đi vào tương lai. Từ một bản hiệp định chia đôi, chói lên những phút giấy thử lửa. Thái độ của từng người phân định dần mãi. Như thế cũng hay. Lại hơn. Đằng nào cũng một lần.
Từ ngày Hà Nội thay đổi sắc thái, Phượng thấy cái việc giã từ Hà Nội của anh không đến nỗi sầu thảm như anh tưởng. Nhìn sang một lớp sự kiện còn nằm lại bên kia, đêm nay, Phượng, trong một cảm thông cụ thể, như đã sờ mó thấy trên đầu ngón tay cái lành khoẻ rộng lớn của một khối đời anh sẽ dựng lên sau chuyến đi. Dựng lên bằng niềm tin. Trong tập thể. Niềm tin này, riêng đêm nay, đã đốt cháy được hộ Phượng những sợi dây gắn bó với đời cũ. Với bên kia. Với Hà Nội. Theo anh, Hà Nội cũng không còn gì. Những người như anh lên đường đã mang theo Hà Nội vào chuyến đi.
Thanh toán cho xong được những chua xót lúc đầu, lòng người đi vậy là đã ổn định.
Duy có một vấn đề là Thu. Đối với Phượng, Thu đi hay Thu ở lại, việc ấy đã ra ngoài cái lãnh vực thường rất bé mọn của tình cảm. Anh yêu Thu, qua những rung cảm của tình yêu, còn có những nỗi niềm hết sức bao la, hết sức sâu nặng của con người anh gửi đến một người bạn cùng đường. Thêm Thu tập thể thêm đông, và đời Phượng cũng vui thêm trong xây dựng.
Chiều xuống dần. Hai người yên lặng bước đi. Buổi chiều cuối cùng ở lại Hà Nội, Phượng chỉ còn tìm thấy ở Thu một sự kiện lành mạnh gần gụi, khi mà tất cả những sự kiện khác đã sa đoạ, đã đổi màu.
Anh nhìn Thu: Mái tóc dài chảy xuống một bờ vai gầy. Hàng mi nghiêng nghiêng. Và con mắt sâu đen của Thu thì nhíu lại trong suy nghĩ. Phượng nhìn lâu lâu vào đôi mắt ấy, tận trong, đôi mắt u uẩn hình như đang thăm dò một ngả đường, trong đêm tối. Anh không biết Thu đang nghĩ ngợi gì. Nhưng anh đoán Thu đang đau khổ nhiều. Trong nội tâm người thiếu nữ cũng đang có những sự kiện vừa nằm xuống, vừa chìm lặn, cùng một lúc với những sự kiện đang đi lên, đang sinh thành. Bóng tối và ánh sáng chấp chới trên những mâu thuẫn chưa ổn định. Trong Thu đã có một ngả đường? Cháy một niềm tin? Đường mũi dài, đôi môi trang nghiêm của Thu in lên một nền nhờ xanh của sương mù, của buổi chiều. Bên kia, thấp thoáng những hàng cây, những mái nhà Hà Nội.
Một lát yên lặng. Phượng châm một điếu thuốc.
Thu nói với anh: “Em thì em cũng định đi rồi. Một phần vì Hà Nội. Cơ sự đã xảy ra thế này, cũng chẳng ở được nữa. Một phần vì em không muốn xa anh. Xa nhau, biết đến bao giờ mới gặp lại? Em sợ thay đổi lắm. Nhưng anh cũng biết, còn gia đình em đấy! Thầy me em già rồi. Me em đang đau nặng. Thầy em thì chỉ biết có lũ chậu hoa cây cảnh. Hồi này ông cụ chán đời cứ thở dài suốt ngày”.
Phượng hỏi Thu:
“Thầy me không bằng lòng cho Thu đi ư?”
“Không, thầy me em bằng lòng. Chính vì thế mà em phân vân. Anh hiểu cho em chứ?”
Phượng cúi đầu không nói gì. Hai người lại yên lặng bước đi. Phượng nhìn đồng hồ. 7 giờ 35. Anh bảo bạn:
“Thôi, anh đưa Thu về. Đêm nay, trên đường tới trạm di chuyển, anh sẽ đi qua nhà em. Em về nhà nghĩ lại đi. Cố thu xếp xem có được không?”
Thu đáp, tiếng nói bé nhỏ:
“Vâng, em sẽ cố gắng thu xếp. Dù sao, anh cũng đến, anh nhé!”
Hai người chia tay. Và Phượng, đúng 11 giờ đêm, đã xách va ly đến đợi Thu ở đây, bên này đường. Bên kia là Hà Nội.
Đêm Hà Nội càng về khuya càng lạnh buốt. Mặt nhựa loáng ướt. Những ánh đèn lu xanh một màu xanh hoang vắng trong sương. Trước mắt Phượng con đường Trần Nhật Duật chạy dài, một đầu phố nhạt nhoà mất hút về phía chân cầu Long Biên. Vắt qua lòng sông Hồng, những ánh lửa nơi chân cầu đổ về một hướng Gia Lâm. Gia Lâm, Phượng nghĩ đến những vùng cỏ tối bên ấy, nơi phi trường. Lát nữa anh sẽ vượt Hồng Hà, tới phi trường và ở đó, anh sẽ giã từ Hà Nội.
Lòng Phượng lắng đọng lại trong suy tưởng, trong đợi chờ. Những ý nghĩ nhẹ thoáng nhất cũng đều có những sắc thái rất mênh mông. Nhãn giới Phượng bắt gặp những hình khối của Hà Nội đang ngược đường về trong dĩ vãng, và lòng Phượng thì đã thơm rồi, những nhành hoa của xây dựng trên luống đất tương lai. Ngày mai, anh đi khỏi, tập thể xa rồi, Hà Nội sẽ ra sao? Những con người ở lại Hà Nội sẽ ra sao? Trong đêm giã từ, ba mươi sáu phố phường đi dần vào những tầng lớp của ký ức. Nhìn Hà Nội, Phượng bỗng liên tưởng tới những thành phố khác của thế giới, của thời đại. Hán Thành, Bá Linh. Những thủ đô đổ nát vì chiến tranh, bây giờ lại chứa đựng những ấn tượng buồn thảm của chia cách, hờn oán. Bên này, bên kia. Giã từ Hà Nội. Những con người cúi đầu. Một khung cửa đen câm. Những ngả đường ngoại thành hoang vắng. Những hàng mái đau yếu. Thu, Thu của anh.
Đứng một mình trong đêm dài, trước một Hà Nội ngủ thiếp, Phượng nghĩ đến những người bạn đường đã vượt Hồng Hà, đã bỏ Hà Nội, bỏ đất Bắc trước anh, vượt vĩ tuyến về tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do, cho con người, trên phần đất nước còn lại. Anh biết rằng thời đại, trong ngày tới sẽ nối kết con người bằng một ý niệm một hệ thống tự do. Tâm trạng của Phượng đêm nay cũng là tâm trạng của một người thợ máy Đức, một người dân cầy Triều Tiên, đang ngày đêm vượt khỏi những vĩ tuyến tù đày để tìm một hướng đi, một chân trời có không khí và ánh sáng. Năng lực đấu tranh của con người nằm trong những cạnh khía bay múa ấy.
Cái ý nghĩ cuối cùng của Phượng, gửi đến Thu. Anh nhìn sang bên kia đường. Vẫn không thấy gì. Có lẽ Thu đã ở lại. Phượng nhìn đồng hồ: Chiếc kim dạ quang chỉ đúng mười hai giờ đêm. Phượng cúi xuống nhấc va ly, bước đi.
Sau lưng anh, bống có tiếng gọi nhỏ: “Anh!”.
Phượng quay lại. Đôi mắt anh sáng lên trong tối. Từ bên kia bờ đường, từ bên kia Hà Nội, một bóng người bé nhỏ đang vượt lòng đường đi sang anh. Thu. Bóng Thu xiêu xiêu vội vã. Một thoáng, Thu đã đứng bên cạnh anh. Đôi mắt Thu còn ngấn lệ. Phượng đỡ lấy va ly Thu.
Tiếng Thu vang lên trong đêm Hà Nội:
“Em được đi rồi. Cả thầy me cũng đi nhưng đi sau.
Và kéo tay Phượng.
“Chúng mình đi đi thôi anh ạ!
Phượng mỉm cười nhìn Thu. Giọt nước mắt của người lên đường nhập vào hàng ngũ của tập thể, của di chuyển, Phượng biết là một giọt nước mắt của tin tưởng. Sự đấu tranh cho tự do khởi thuỷ ngay cả ở chỗ ấy, nơi con người phải đấu tranh quyết liệt với chính mình, chịu đựng những mất mát, lìa bỏ ruộng đất, phố phường, để đến những miền tự do. Sau Thu, rồi còn hàng ngàn người như Thu, cũng chiến thắng được hoàn cảnh, cũng sẽ lên đường. Để bảo vệ một niềm tin. Để bảo vệ con người. Tất cả, họ sẽ trở về.
Phượng đưa Thu đi. Những ánh đèn xanh biếc của Hà Nội nghiêng theo những bước chân bắt đầu dời khỏi Hà Nội.
Bóng Phượng, bóng Thu nhoà dần. Rồi mất hẳn. Họ đã đi vào Tương Lai.

Mai Thảo
Hà Nội – 100 ngày, sau Hiệp định Genève
( Nguồn: Việt Nam Thư Quán )

Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau, Truyện Hoàng Ngọc Tuấn


hnt-omnacqncover

Hoàng Ngọc Tuấn

Những sớm mai cả bọn ngủ lăn lóc trong căn phòng bỗng bị đánh thức dậy, không phải vì tiếng động náo nhiệt của xe cộ ngoài đường phố. Cô gái đứng gần cánh cửa, thân người ở ngoài, chỉ có khuôn mặt hiện ra với một cái răng khểnh, nụ cười và đôi mắt tinh ngịch. Cô gái kêu lên một vài tiếng trong vắt, gọi mọi người thức dậy rồi lắc đầu đứng nhìn những người nằm co quắp, đôi mắt người nào cũng chỉ mở một chút ra rồi nhắm lại. Cô gái tiếp tục kêu tên từng người, trong cơn chập chờn giữa ánh sáng ban ngày và bóng tối mê mệt của giấc ngủ, tiếng gọi đập vào tai mỗi người vang dội như tiếng chuông nhà thờ trong đêm Giáng-sinh. Cũng trong cơn chập chờn đó, có người nghe thấy một tiếng con gái nào gọi tên mình thật êm ái như tiếng đàn hay tiếng hát. Cái bọn người tuổi trẻ này, suốt ngày đã nghe âm nhạc từ sáng sớm cho đến khuya, và bây giờ tưởng là có một thằng siêng năng nào thức dậy sớm hơn cả, đang ngồi ôm đờn dạo một nhạc khúc gì đó . Nhưng rồi họ biết không phải như thế, họ dần dần nhận ra được khuôn mặt quen thuộc của cô gái và uể oải ngồi dậy từng người một, vì họ thấy nằm dài người ra trước mặt của một thiếu nữ thật bất lịch sự, dầu thiếu nữ ấy thân thiết với họ còn hơn một cô em gái. Một vài người đứng dậy dụi mắt, càu nhàu trong miệng, lưỡi đắng nghét và nhạt nhẽo cho đến khi thắp một hơi thuốc lá đầu tiên mới thấy dễ chịu. Một thằng bần tiện nào đó đá vào bụng những đứa đang còn ngủ say vì không muốn có người nào được ngủ nhiều hơn mình .

Có một gã con trai nằm ở góc phòng, hắn tung hết những đống quần áo mà suốt đêm hắn dùng làm chăn bao kín lấy người, rồi la lên một tiếng thật lớn như một võ sĩ ngay trước khi lâm trận, để lấy can đảm đứng dậy. Vừa mở mắt là miệng hắn hát ngay, không phải hát đàng hoàng những bản nhạc gì đó mà lảm nhảm hát bất cứ chỗ nào vừa đến trong đầu hắn, vì hắn có biệt tài biến thành nhạc điệu tất cả những lời nào tầm thường nhất, ví dụ như tin mừng đám cưới, cáo phó, quảng cáo xe hơi hay rao vặt bán nhà cửa trong nhật báo hắn cũng “phổ nhạc” được như thường. Cái gã ưa làm khổ lỗ tai người khác đó giờ đây nhăn mặt chào cô gái, hắn nói những lời thường lệ như những người bạn nói với nhau khi gặp gỡ vào buổi sáng . Hắn thầm mong ước sáng nay mái tóc đen của cô gái đó có gắn một bông hồng đỏ, sáng nào hắn cũng mong như thế nhưng chưa bao giờ hắn toại nguyện cả, cô gái không khi nào làm cái trò trang điểm rẻ tiền ấy, tóc nàng thường bó lại ở phía sau bằng một chiếc kẹp tầm thường, như thế cũng xinh xắn lắm rồi vì ai cũng khen nàng thật xinh, chỉ có hắn hơi buồn. Hắn lại thầm mong sáng nay cô gái ấy sẽ mặc một chiếc áo dài lụa màu xanh, nhưng nàng lại mặc áo màu đỏ làm hắn buồn chán chết được và nghĩ rằng ngày hôm nay thật là một ngày bất hạnh nhất của hắn .

Cô gái vừa đánh thức mọi người dậy như thường lệ, ngày nào cũng đến sớm để làm cái công việc của chiếc đồng hồ reo, reo một cách êm ái như màu hồng chói lọi của mặt trời, đôi khi có người nịnh rằng nàng giống như mặt trời, mỗi sáng chiếu những tia nắng thật đẹp và ấm áp làm con người tươi tỉnh. Mỗi khi nghe ai nói như thế, cô gái đều e thẹn hoặc làm bộ e thẹn cúi đầu cười một cách duyên dáng, nàng hay cười để khoe chiếc răng khểnh ngộ nghĩnh của nàng, dĩ nhiên nàng không nói cho ai biết điều đó.

Có điều ai cũng biết là tên của nàng giống như tên của một giòng sông nhỏ: Sông Nhuệ
Giọng nói của Nhuệ có vẻ trách móc:

– Con trai gì mà làm biếng quá trời, sáng nào cũng phải đợi người ta đến đánh thức mới thèm dậy. Thôi dậy hết đi mấy ông anh, sáng nay mình có cả khối công việc phải làm .

Một người vừa cầm lấy chiếc bàn chải đánh răng, mặc dù vừa ngủ dậy mới một phút, trong hắn có vẻ tươm tất nhất trong bọn, mái tóc đã chải năm sát trên đầu. Hút xong điếu thuốc, hắn mới gật đầu đồng ý với Nhuệ:

– Nào dậy hết đi anh em, ngày hôm nay tụi mình có quá nhiều công việc . Trước tiên là đi kiếm một tô phở với một ly cà phê dằn bụng, xong rồi ra quán nào ở góc phố, ngồi nhìn thiên hạ đi qua đi lại, trưa lên nhà người quen ăn cơm, ăn xong chui vô một rạp xi-nê vừa xem vừa ngủ trưa, chiều lại ra ngồi ở quán nào đó nữa. Đêm có rảnh được phút nào đâu, lại ngồi uống cà phê, nói dóc, nghe hát cho đến khuya.

Mọi người đều có vẻ ngộp thở vì nghe quá nhiều công việc phải làm trong một ngày, và gần như ngày nào họ cũng bận rộn từ sáng đến khuya với những trò quen thuộc đó.
Buổi sáng đã ồn ào, ánh nắng và tiếng động của một thành phố thức giấc nổi lên như thường lệ. Thỉnh thoảng có người dậy sớm lắm, vào khoảng bốn năm giờ sáng, mới nhìn thật thực sự vẻ vắng lặng tuyệt đẹp của thành phố, khu vườn cỏ, hàng cây xanh, những ngọn đèn đường còn thắp đỏ. Thành phố sớm mai không bóng người có dáng dấp âm thầm và trong sạch như một gái trinh mười ba tuổi.

***

Nếu có một gã tuổi trẻ nào trạc chừng hai mươi, một ngày mặc thay đổi hai chiếc sơ mi ủi thẳng tắp tay gài manchette đàng hoàng, giày màu nâu bóng loáng đóng theo kiểu mới nhất, quần màu xám tro lịch sự. Nếu có một gã nào luôn luôn diện bảnh như một nhà quý tộc mặc dù đôi lúc không có một đồng. Nếu có một gã nào bụng đói kinh khủng vì cả ngày không có cơm ăn, vẫn cứ bỏ hai tay vào túi quần thảnh thơi dạo phố, hay ngồi nhà ôm đàn tây-ban-cầm khẽ hát một bài tình ca lãng mạn, dù bụng trống không âm thanh vẫn cất lên cao mạnh mẽ. Nếu có một gã nào như thế trên trái đất này, chắc chắn gã ấy chỉ có thể là Xuân .

Xuân là người kê khai dài dòng những công việc trong ngày cho cả bọn nghe, miệng hắn ngậm một điếu thuốc, tay ôm đàn dạo một khúc nhạc nhưng chưa dứt hắn đã bỏ đàn xuống lục hộc bàn lấy ra một tờ giấy trắng và cây viết, và bởi vì hắn là một thi sĩ nên khi có những vật trong tay như thế dĩ nhiên là hắn làm thơ, thơ tình yêu hay thơ chí hiếu có nhắc đến công ơn cha mẹ như hắn vẫn thường làm. Xuân học ban Triết ở Đại-học, nhưng không phải đó là khía cạnh đáng chú ý của hắn và ngay chính hắn cũng ít khi quan tâm đến nhà trường cả. Xuân chỉ hãnh diện và cố gắng trau dồi những tài vặt đặc biệt của mình, hắn thật là một người có nhiều thiên tài về mọi mặt: thi sĩ ca tụng tình yêu, cha mẹ và quê hương; cố vấn về thời trang; chuyên môn đàn đệm thật tài tình cho ca sĩ hát mặc dầu trong bụng không có lấy một chữ nhạc lý; kịch sĩ hài hước xuất sắc; người kể về những chuyện dâm dục dự tưởng rất kinh khủng; họa sĩ viết chữ đẹp .v..v…

Sáng nay Xuân đang làm một bài thơ lục bát, hắn cố gắng mới xua đuổi được hình ảnh của những tô phở, hủ tiếu, cà phê trong trí óc để tưởng tượng đến một cánh đồng lúa xanh ngày thanh bình . Nhưng rồi hắn vứt bút, đứng dậy mặc bộ quần áo bảnh bao vào, nói với lũ bạn một câu không dính dáng gì đến thi ca cả:

– Thằng nào còn tiền dẫn đi ăn sáng mau, đói quá rồi mà cứ chậm chạp như rùa bò .

Có một người nào đó gật đầu, chỉ tay vào túi quần ra dấu là có tiền làm Xuân hài lòng, hắn cảm thấy vui vẻ hơn đôi chút, và những khi vui vẻ là hắn cố nặn óc để nghĩ ra một câu chuyện khôi hài gì đó . Xuân quan sát một thằng mập nhất trong bọn, thằng này có bộ mặt mà các bà thầy bói xem tướng rất khoái, nghĩa mặt no tròn, mắt to, mũi lớn, trong tương lai có vẻ rực rỡ lắm, nhưng chiều dài của thân hình hắn hơi ngắn. Xuân mở to mắt kinh ngạc kêu lên:

– Ê Thạch, sáng nay trên đầu mày có mọc những cái gì dính chùm với nhau kinh khủng vậy ?

Ảnh hưởng của câu chuyện anh chàng Samba hóa thân thành con bọ hung làm Thạch nghĩ rằng mình dám bị cái điều bất hạnh đó lắm, hắn kinh hoảng chụp lấy chiếc gương soi mặt, lắp bắp kêu lên:

– Đâu? Có gì trên đầu tao đâu?

Xuân đáp bình thản:

– Có tóc chứ gì nữa. Mày không thấy sáng nay tóc mày tự dưng dính sát nhau sao .

Thạch định ném chiếc gương soi mặt vào bộ mặt khoái trá của Xuân nhưng hắn chợt dừng lại, kịp nghĩ là cả bọn chỉ còn một tấm gương soi này thôi, nếu làm vỡ là mỗi sáng phải soi gương chãi đầu bằng cách nhìn vào chiếc bật lửa Zippo nhỏ xíu, hay là phải tìm một đôi mắt nào mở to và trong sáng nhất để soi mặt mình trong đó, thông thường phải nhờ đến đôi mắt của cô em gái Sông Nhuệ, Thạch đành cười theo trong những tiếng cười của lũ bạn, hắn nói:

– Thằng Xuân mới mở mắt là đã biết làm hề rồi. Mẹ nó kể với tao nó mới lọt lòng mẹ đã biết thọt lét mấy cô y tá.

Thạch có vẻ tạm bằng lòng với lời nói của mình, hắn xếp những đống giấy tờ vào một chiếc cặp da đen, rồi hắn lấy sổ tay có ghi chi chít những số điện thoại và giờ hẹn gì đó với dáng nghiêm trọng. Hắn nói với lũ bạn là ăn điểm tâm xong hắn có rất nhiều công việc phải làm, nào là lên trường để bàn luận với bọn sinh viên về một vụ tranh cử gay go sắp đến, dự một cuộc hội thảo về thanh niên, tìm gặp và “nói chuyện” với mấy ông nào đó để vận động tổ-chức thành lập đoàn thể này nọ hay xuất bản một tờ báo gì đó. Thạch học cùng lớp với Xuân và hai chơi thân với nhau từ nhỏ nhưng tính tình Thạch trái ngược với Xuân, nghĩa là Thạch sống khá ngăn nắp, siêng năng, làm đủ mọi công chuyện, hăng hái hoạt động và bây giờ có chân ở trong hầu hết các hội đoàn sinh viên, thanh niên .

Thạch ôm chiếc cặp da trong tay, hắn hăng hái nói với lũ bạn:

– Năm nay tao nhất định đắc cử Chủ-tịch sinh viên ở trường, đã thảo một kế hoạch tranh cử vĩ đại và khoa học lắm. Rồi từ đó nhảy ra nắm ghế Chủ-tịch sinh viên toàn quốc luôn, lúc ấy tha hồ có phương tiện làm báo, in sách, tổ chức hội thảo, văn nghệ đủ thứ . Học xong ở Đại-học là mình trở thành quen thuộc với người và kinh nghiệm dồi dào rồi lần hồi có thể làm Dân-biểu, Bộ-trưởng và cuối cùng là làm Tổng-thống. Tụi mày thấy tao tính trước tương lai như thế được không ?

Một thằng nào đó trong bọn vừa ngáp vừa trả lời:

– Thạch à, mày là cái thằng chỉ trong năm phút đã nói hết những điều mà có khi mày phải bỏ hai ba cuộc đời của mày mới làm hết được. Như vậy không phải là chính trị nữa, mà là làm thơ, làm thơ là một việc đáng khuyến khích lắm. Nhưng mày lại đâu có muốn làm thi sĩ phải không?

Nhưng Thạch không nghe câu trả lời đó, hắn đang mải mê với những dự định, kế hoạch tốt đẹp trong đầu óc.

Khi Sông Nhuệ bước ra khỏi phòng, cả bọn khoảng năm sáu người lần lượt đi theo nàng. Họ đứng lại một lát trong khu vườn, nhìn cả một đám cỏ dại xanh ngắt bao kín quanh bàn chân của họ như một dòng suối chôn kín những viên sỏi trắng. Trong khu vườn đầy cỏ dại ấy, một quán cà phê lợp tôn và một dãy nhà thấp lụp xụp làm bằng những vật liệu thô sơ như gỗ rơm, cát-tông nằm gần bên nhau. Căn phòng mà bọn người vừa mới rời khỏi nằm trong dãy nhà đó.

Khu vườn là một mô đất cao, nên đứng ở đây họ có thể nhìn thấy hoàn toàn một đoạn đường phố trước mặt, những mái nhà, xe cộ, hình người có những màu đỏ, nâu, hay xám di động như một khúc phim quen thuộc. Cả bọn không ai bảo ai nhưng tất cả đều tự động bước đi hướng về một quán cà phê quen thuộc năm trên vĩa hè của một con đường ngắn thường thường có nhiều bụi xe, nhưng thỉnh thoảng, sớm mai và buổi trưa, yên tỉnh cho người ta nhìn thấy con đường hơi đổ dốc về phía trung tâm thành phố.

Khi ra ngoài đường, ngoại trừ Sông Nhuệ vì nàng là cô gái duy nhất trong bọn, còn tất cả mọi người đều đùa cợt hay ngắm nghía kỹ càng những người đàn bà xấu hay đẹp đi qua trước mặt họ.

***

Căn gác của Lệ-Mai thật nhỏ, vừa đủ để đặt chiếc giường ngủ, tủ gương và còn lại một khoảng trống, nên việc bếp núc phải làm ở nhà dưới. Khi nàng ôm tô canh bốc khói thật lớn và cẩn thận đi từng bước một trên bục thang gỗ, nàng suýt chút nữa đụng phải một thằng đang múa tay múa chân ở trên gác, cái thằng suýt chút nữa làm cho cả bọn hụt thưởng thức tô canh chua cá lóc ngon lành đó là Thạch, hắn đang biểu diễn cho bạn bè xem một kiểu đọc diễn văn theo điệu của Hitler. Lệ Mai ngồi gần nồi cơm, xới cơm cho từng người, trước mặt nàng là những món anh thật hấp dẫn đối với một lũ háu ăn ngồi chờ cơm nãy giờ: canh chua rau muống luộc, mắm cà, cá lóc nướng, bữa cơm thật dễ chịu, vì cả bọn không khách sáo gì cả, cười nói ồn ào và thi nhau ăn thả cửa. Mà muốn có những bữa ăn như thế này cũng không khó khăn gì, chỉ cần cử một thằng bạo miệng nhất thú thật: “Mai à, bọn này hết tiền ăn cơm rồi, trưa lên nhà Mai ăn cơm nghe”. Thế là xong, Lệ-Mai chỉ cần chịu khó nấu nướng thêm vài món và mời cả bọn đến, bà ngoại của nàng ở tầng dưới cũng không than phiền gì về những vụ họp mặt đông đảo ở tầng gác trên của nàng cả.

Xuân tự dưng đề nghị nàng hát một bài, hắn nói có đem đàn theo và sẽ đàn đệm cho nàng, nhưng Lệ-Mai lắc đầu cười:

– Thôi mấy bạn khôn vừa vừa thôi chứ. Định bắt tôi hát để làm rượu khai vị cho ngon miệng sao? Giờ này là giờ cơm, tôi cũng đói lắm rồi, để đến tối tụi mình còn cả đêm tha hồ hát.

Cái thằng chuyên môn phổ nhạc một cách bừa bải bây giờ mới lên tiếng, vì từ lúc đầu đến giờ hắn đang bận rộn với dĩa mắm cà, món ăn mà hắn khoái nhất. Đại khái hắn nói đồng ý với Lệ-Mai là bây giờ lo ăn cho no đi đã, cái gì cũng gác qua một bên, hắn lại còn nói dong dài thêm là hắn thích nhìn Lệ-Mai hát dưới ánh đèn sân khấu lắm. Nhưng thực tính hắn khoái nàng như bây giờ hơn, nghĩa là mặc một chiếc quần đen với chiếc áo bà ba vải thô màu trắng thật giản dị, trên má lấm tấm những giọt mồ hôi vì lửa bếp dễ thương như một người vợ hiền. Càng lúc càng hứng, hắn nói thêm rằng hắn rất khoái loại đàn bà tầm thường, suốt ngày đi chợ, nấu ăn và quanh quẩn hoài trong gia đình. Dĩ nhiên quan niệm của hắn thật cổ hủ ít ai đồng ý được, nhưng dầu cho có ai cãi lại hắn cũng không thèm nghe gì, nói xong là hắn quay trở lại nhanh chóng với bữa cơm. Hắn ăn cho mau xong để được hút ngon lành một điếu thuốc, vì hắn khoái hút một thứ thuốc lá hiệu Lạc-đà nên bạn bè đặt tên cho hắn là Lạc-đà, cái tên cũng không đến nỗi tệ lắm.

Sau bữa cơm, họ chia tay và hẹn đến tối sẽ gặp lại nhau như thường lệ tại quán cà-phê. Lệ-Mai dặn một người nào đó trong bọn nhớ đem xe đến chở nàng đi, vì có lẽ tối nay nàng không còn một đồng để đi xe tắc-xi, và nàng vẩy tay chào tất cả, thỉnh thoảng có một thằng sung sướng nào đó được nàng đưa bàn tay đùa nghịch xoa lên mái tóc. Bực thang gỗ rung rinh dưới những bước chân nặng trĩu của một bọn người mới no nê. Cuối cùng không còn ai đi trên bục thang nữa, chỉ một mình Lệ-Mai đứng trên cao, môi nàng cũng như môi bọn họ, có gắn một điếu thuốc lá. Một màn khói màu xanh che phủ khuôn mặt của nàng. Thằng Lạc-đà quay đầu trở lên với hy vọng bắt gặp một nụ cười của nàng, nhưng hắn không thấy gì cả.

***

Đối với bọn người sống trong khu vườn cỏ dại, đêm là thời khắc của một thứ hạnh phúc dễ chịu, đêm sống động và tràn đầy. Không một phút trống rỗng, không một phút thừa thải. Từ khi trời bắt đầu tối cho đến khoảng mười hai giờ khuya, đêm được nối tiếp với nhau bằng những tiếng người nồng nàn quen thuộc giọng nói và giọng cười ồn ào của bạn bè hay của chính mình. Những câu chuyện lý thú hay vô duyên nhất thi nhau phát ra không ngừng nghỉ như một đĩa hát khổng lồ. Thỉnh thoảng có vài tiếng đờn chậm rãi, tiếng hát khe khẽ, và đêm nào cũng thế, cứ đến khuya, khi những người khách lạ trong quán đã bỏ về, chỉ còn lại trong đêm tối và ánh sáng nhỏ của ngọn đèn mờ một ít người quen biết nhau thân thiết. Lệ-Mai sẽ hát cho họ nghe một vài bài hát.

Bây giờ trời chưa khuya, quán vẫn còn một ít khách, bàn ghế nhỏ đặt vương vãi trên mặt đất và đám cỏ dại. Trên đầu họ không có một vật gì ngăn cản đôi mắt nhìn, bầu trời đêm trọn vẹn trên cao trông thật xa vắng, có những điểm sáng từ những ngôi sao thắp mờ như ngọn đèn.

Sông Nhuệ đang ngồi ở quầy quán, hai tay nàng nhanh nhẹn bận rộn với những tờ giấy bạc từ tay khách hàng, nhưng nàng vẫn không quên cười thật tươi đối với tất cả mọi người, kể cả những anh chàng vô duyên nhất. Cho nên đêm nào cũng có vài anh tưởng mình đẹp trai hay duyên dáng lắm, đứng nói chuyện với nàng dai dẳng. Nhuệ quay sang một gã thanh niên đứng bên cạnh, gã đang bận rộn với một đống ly tách nghiêng ngả bừa bộn trong quầy.

– Giang pha cho mấy ông này ba ly ca phê đi, họ đứng đợi nãy giờ lâu lắm rồi đó.

Giọng càu nhàu làm điếu thuốc lá rơi khỏi miệng hắn.

– Ráng đợi thêm chút nữa. Từ chiều đến giờ làm luôn tay không thấy sao? Đi xách nước, pha chế đủ thứ, không kịp nghỉ vài phút để ăn tối, khuya lại còn phải rửa ly tách. Sao Nhuệ không kêu bọn thằng Thạch, thằng Tự vào giúp một tay? Tụi hắn đang ngồi nói dóc phè phỡn ngoài kia kìa.

– Đêm này là phiên của Giang mà, có phải phiên của mấy ông đó đâu?

Giang cau mày tỏ ra bực theo thói quen, rồi hắn cúi xuống tiếp tục pha ba ly cà phê. Giang là em ruột của Xuân nhưng người lạ ít ai biết được điều đó vì hắn và Xuân không có vẻ gì giống nhau cả. Giang tính tình xuề xòa, ăn to nói lớn, hắn có thân hình với những bắp thịt của một lực sĩ to gấp đôi ông anh, hắn chỉ giống Xuân ở chỗ thỉnh thoảng cũng biết đàn hát với cái giọng rất tốt của hắn. Ngoài những đặc tính đó ra, hắn còn có tài pha cà phê thật khéo nên được giữ chức đầu bếp cho quán.

Khi Giang vừa đưa những ly cà phê cho khách, lại thêm một thằng có cái tên kỳ cục là Lạc-đà chạy vào:

– Làm cho tao một tách cà phê đen. Tao uống chịu, mai sáng trả tiền liền.

Giang cương quyết lắc đầu:

– Có tiền cũng không bán, bây giờ tao mệt lắm rồi, đang sửa soạn thu dọn rồi đóng cửa quán đây.

– Vậy thôi. Nhưng Lệ-Mai ngoài kia nói với mày là cô nàng muốn uống một ly cà phê đá, mày có chịu pha cho cô ấy không ?

Giang tưởng Lạc-đà đánh lừa nhưng khi hắn liếc mắt nhìn ra ngoài sân, hắn bắt gặp khuôn mặt của Lệ-Mai quay vào nhìn hắn, nàng cười và đưa một ngón tay ra dấu. Dĩ nhiên Giang không từ chối với nàng được, cả bọn ở đây ai cũng mến nàng hết. Giang lại mò mẫm trong quầy để tìm một cái ly, hắn nói:

– Được rồi mày ra nói với Mai lát nữa tao sẽ mang ra cho.

Lạc-đà mỉm cười, chọc ghẹo Giang một câu gì đó làm hắn đỏ mặt. Lạc-đà chợt thấy Nhuệ đang nhìn mình, hắn móc túi lấy chiếc chìa khóa xe gắn máy cà tàng của hắn đưa cho Nhuệ, và nói:

– Bọn này tối nay chắc ở lại hết cả đây nhậu say tới sáng. Nhuệ nói thằng Lai lấy xe đưa về nhà trước đi, thằng đó chỉ chờ có thế.

***

Giang đưa ly cà phê cho Lệ-Mai rồi hắn cũng ngồi xuống cùng với lũ bạn đang ngồi sát cạnh nhau, hắn lấy ở bao thuốc lá của Lệ-Mai một điếu và châm lửa. Thứ thuốc nhẹ dành cho đàn bà tỏa ra một luồng khói thơm cay dìu dịu. Lệ-Mai nhấp một tí cà phê, nàng dụi mẫu tàn thuốc trên đám cỏ, lắc đầu cho mái tóc của nàng tung qua tung lại ngộ nghĩnh như cánh bướm, rồi mỉm cười:

– Anh Trịnh đàn cho em hát bài Hạ Trắng này đi, kẻo cái ông mặt mày nhăn nhó ngồi nì nài từ chiều đến giờ kìa. Em đã bảo là em không thuộc bài này.

Lạc-đà là người vừa bị gọi là có bộ mặt nhăn nhó, hắn vội vàng nhe răng cười để chứng tỏ là nếu muốn hắn cũng có bộ mặt tươi tỉnh như người khác được. Trịnh cầm lấy cây đàn Xuân vừa đưa, những ngón tay ốm dài của anh bấm nhịp nhàng vào những sợi dây đàn, anh có hai ngón tay đặc biệt màu vàng vì bám đầy khói thuốc lá, Lệ-Mai sắp sửa hát một bài của anh, bài này anh làm đã lâu, vào một tuổi hai mươi mơ mộng gì đó, và đến bây giờ đã gần mười năm rồi nên anh cũng không còn nhớ rõ lời.

Nếu có một cô con gái nào chăm chú nhìn Trịnh khi anh hát, cô nàng chỉ thấy lờ mờ trong đêm tối, cái trán cao và cặp kính trắng to tướng che kín hết khuôn mặt của anh, hàm râu lởm chởm ít khi cạo bao quanh trên mép và dưới cằm, đôi mắt nhắm nghiền, thân hình ốm trong chiếc áo rộng thùng thìng, trông Trịnh giống như một gã lãng tử người Mễ-Tây-Cơ. Mà anh có vẻ là một gã lãng tử thật sự, anh rời gia đình đi giang hồ gần mười năm rồi, đã gần mười năm toàn là những ngày rong chơi, những đêm một mình thức trắng để viết nhạc hay những đêm ồn ào như thế này, đông đảo một bọn người trẻ tuổi nghe anh hát, một đôi khi nghe Lệ-Mai nàng bây giờ là người đàn bà hát những ca khúc của mình nhiều nhất.

Khi tất cả đều im lặng. Chỉ còn hơi thở của người, hơi khói thuốc lá và hình như có một chút hơi lạnh của sương đêm, tiếng nhạc nổ bùng từ những ngón tay bấu víu vào cây đàn, âm thanh hoang đường lạ lùng cũng vừa bật ra từ một đôi môi đàn bà. Những đoạn cất lên cao, Lệ-Mai đứng dậy, gói chân trần trụi thoát ra khỏi đôi giày chật, tay vịn vào vai của một người bên cạnh, tiếng hát cất vút cao nhưng vẫn nghèn ngẹn một giọng trầm buồn bã. Người ta không thể vừa nhậu nhẹt vừa nghe nàng hát. Đó là một tiếng hát làm thân thể sựng bất động, và tâm hồn mở ra mọi cánh cửa khép kín nhất để ôm ấp những lời hát như ôm ấp tình nhân. Khi những lời đó kêu gọi điều gì, một giọt nước tưởng chừng an phận trong đời sông hồ bỗng nhiên ao ước bay về trời lắm mây trở lại.

Đêm đã khuya, tất cả vào trong căn phòng quen thuộc tối tăm vì không có điện, khi ngọn lửa từ cây nến thắp bùng lên, ai cũng có thể nhìn thấy trên nền nhà chiếu mền vứt lăn lóc, một chiếc bàn đặt bề bộn mọi thứ ở trên, khắp căn phòng đầy dẫy sách báo và tàn thuốc lá. Nếu có thêm một chút ánh sáng, mọi người có thể nhìn thấy vách tường dơ bẩn đầy ắp những chữ viết nguệch ngoạc, những lời nhắn tin hằng ngày xen lẫn với những câu danh ngôn của các nhà tư tưởng: Cô đơn tuyệt đối ta sẽ nắm được chân-lý ở đời: Simone Weil . Yêu cầu các bạn đừng mượn bất cứ cuốn sách nào của tôi, bạn nào muốn đọc sách xin chịu khó ra tiệm mà mua: Lạc đà . Hãy là ông thầy vì thầy là nhà điêu khắc của chính mình …Bổn phận của con người là trở nên chính mình: Nietzche . Xin bạn nào mượn đôi tất màu rượu chát của tôi làm ơn trả lại cho tôi gấp, cám ơn nhiều: Xuân. Khi tôi nói rằng tôi yêu em, có nghĩa là em bất tử: G. Marcel ..v..v…

Bọn con trai nằm ngủ trên chiếu, chiếc ghế bố duy nhất trong căn phòng được dành cho Lệ-Mai, nàng mặc một bộ áo pyjama đàn ông rộng thùng thình. Và khi cái gáy của nàng đã đặt trên gối, mái tóc xổ tung, khuôn mặt không son phấn, đôi môi và đôi mắt bình yên khép lại. Nàng nằm đó, nhỏ nhoi và bình thường như một thiếu nữ còn êm ấm với mẹ cha trong gia đình, nhưng trên vầng trán của nàng đã hằn rõ một vài nếp nhăn phiền muộn, dấu hiệu của những người cô độc bước vào cuộc đời. Khi giấc ngủ đối với nàng, con người đã nhìn thấy tiếng cười thơ dại và những nếp nhăn trên vầng trán của nàng cùng một lúc chan hòa với nhau thành một hình ảnh đẹp. Có người đã nghĩ rằng nàng như một nữ thánh .

Ban ngày Lệ-Mai nghịch ngợm như một con chim rừng xanh, nhưng đêm, đôi khi nàng có những giọt lệ âm thầm.

***

Trong khu vườn cỏ hoang ấy, bọn người họ đã sống với nhau trong một khoảng thời gian dài, suốt trong biết bao mùa mưa và mùa nắng hạ. Họ còn trẻ, mỗi người có một quá khứ ngắn ngủi riêng và đã quen mau đi rồi. Họ đến đây từ những thành phố xa xôi khác nhau, từ những mái nhà tiện nghi ấm cúng của tuổi thơ mà bây giờ thỉnh thoảng họ về một lần, rồi thế nào cũng quay trở lại khu vườn cỏ. Bởi vì ở đây đời sống là âm nhạc, tiếng cười, vui chơi, tình cảm thân mật của bạn bè, tình thương không tên gọi đối với một vài cô em nhỏ. Tất cả dần dần thấm vào mạch máu bọn ngườì trẻ tuổi này như một một liều nha phiến quyến rũ. Khu vườn ở ngay trong thành phố nhưng quay mặt với thành phố, bọn người hầu như hoàn toàn xa lạ với cái thành phố quay cuồng của công việc, bận rộn, tiền bạc, áp phe và không khí sôi nóng của tình hình chính trị. Học muốn suốt ngày được thắp những hơi thuốc ngon, được chuyện trò như pháo nổ, được cười đùa sặc sụa như trẻ thơ, được tiêu pha vui chơi tơi bời và thỉnh thoảng được đói để thèm thuồng những bữa cơm tầm thường nhất. Họ muốn thời cuộc như một giấc mơ xấu không thực, chỉ có trên những trang nhật báo như một loại tiểu thuyết dài đăng từng kỳ, xem xong rồi vứt bỏ không chút bận. Nhưng thời cuộc dần dần xòe những móng tay dài quái ác chụp bắt những người từ chối nó. Đời sống không làm ai toại nguyện cả, đời sống dầu đã tống cổ mỗi người ra khỏi chiếc vỏ hồn nhiên đẹp đẽ của mình. Đời sống xô đẩy họ vào những con đường mà trước đây họ không bao giờ mơ mộng đến.

Những Xuân, Thạch, Giang, Nhuệ, Trịnh, Mai và biết bao người nữa sẽ không thoát khỏi bàn tay xô đẩy tàn bạo ấy .

***

Nhưng có một người, bây giờ sống chán kinh khủng nên thường hay nhớ tên quãng đời ngắn và đẹp trong khu vườn cỏ. Có một người, trong những khi thoát ra khỏi sự ào ạt của cuộc sống, muốn chụp lại nguyên vẹn hay một phần nào quá khứ của hắn, những kỷ niệm tươi đẹp hay buồn bã. Một người mà trí nhớ khốn khổ của hắn rất lờ mờ đến nỗi mỗi khi muốn nhớ lại điều gì, hắn chỉ nhớ được những chi tiết vô vị nhất, còn bao nhiêu chuyện quan trọng hắn điều quên hết cả. Thế mà lúc nào hắn cũng ao ước được tìm lại hình ảnh của bọn người thân thiết với hắn, của chính hắn trong những ngày ở khu vườn cỏ dại. Người ấy là tôi .

Tôi là một người mà hồi đó nếu có ai muốn tìm gặp, xin cứ đi vào khu vườn cỏ, đến quán cà phê vào lúc ban đêm và hỏi bất cứ một người nào ở đó:

– Anh có thấy một thằng người Huế, hơi gầy, tóc dài không chải, áo quần bê bối, miệng hay hát những câu kỳ cục, thường hút một thứ thuốc lá hiệu Lạc đà, hay bó gối ngồi một mình với dáng cô độc buồn bã. Nhưng thật ra hắn không có gì buồn bã đâu, đôi khi hắn sung sướng kinh khủng mà vẫn cứ mang bộ mặt thảm hại ấy như thường. Anh có biết thằng đó không? chắc chắn là người nào cũng sẽ trả lời bằng một cái gật đầu, vì họ đều quen biết hắn, cũng như ở đây mọi người đều quen biết nhau .

Hoàng Ngọc Tuấn

Chiếc Áo Tây Vàng- Nhật Tiến


rr

                                    Truyện ngắn của Nhật Tiến

Ðã Có Một Thời Như Thế….

(Đã được dịch ra Anh và Pháp ngữ)

Trong cái đám đông ồn ào ấy, người thiếu nữ cũng chen vào. Nàng hơi choáng váng vì mùi xú uế của đống rác gần đó xộc lên. Nó gợi cho nàng cái cơn buồn nôn chờn vờn mãi từ ngày hôm qua chưa chấm dứt, mặc dầu nàng đã nén nó xuống từ nãy bằng một viên kẹo bột.

Vị đường ngọt lịm vẫm còn dính đâu đó ở kẽ răng, nhưng viên kẹo thì đã tan hết. Nàng có thể cất giọng nói to mà không bị bướng víu cái gì ở trong miệng.Trước hết nàng cất tiếng chào một bà cụ ngồi bán thuốc lá cuộn, bó thành từng bó, bày trên chiếc mẹt ở ngay mé vỉa hè. Bà cụ đáp lại bằng những tiếng gì nghe không rõ vì đám đông ồn quá. Bên tai thiếu nữ, nàng chỉ nghe thấy những tiếng chào mời om xòm của mấy người đứng bên cạnh, và nhất là tiếng cười nói tục tĩu vang lại từ mấy thanh niên ở gần đó. Trên tay của họ là những xấp quần tây dài. Ðủ loại vải. Ðủ loại màu. Nhiều nhất là màu ka-ki bộ đội. Có anh cầm trên tay tới ba, bốn cái, bên tay kia còn giơ cao thêm một cái nữa. Một vài người đi qua, đứng lại ngắm nghía, lật bên này, giở bên kia, xem cho có rồi bỏ đi. Từ sáng, chưa thấy ai bán được món nào, mặc dầu tất cả đã phải bỏ chạy ba bốn lần vì công an kiểm soát chợ đi rảo nhiều lần.

Ðây là khu đất hẹp ngay đàng sau lưng của chợ Ðồng Xuân, một vùng đất hạn hẹp, phụ thuộc nhưng đầy vẻ mâu thuẫn so với cả một khu vực đã đi vào nền nếp từ bao nhiêu năm nay. Nhưng cũng chính vì tính chất phụ thuộc ấy mà nó trở nên hỗn độn, phức tạp hơn nhiều so với cái quang cảnh vắng hoe ở ngay trong lồng chợ. Vào trong đó thì cái gì cũng sạch, cái gì cũng ngăn nắp, chỉ phải mỗi tội là hầu hết đều phải mua bằng tem phiếu. Nhiều món hấp dẫn khác lại chỉ được bày cho có, với mảnh giấy ghi rõ là “hàng mẫu”. Như thế chẳng trách gì nhân viên phục vụ đông đảo hơn khách mua hàng.

Rút cục, chẳng cần xua đuổi, mọi người cũng đã tự động rút ra sinh hoạt ở mé ngoài, tạo thành một xã hội bên lề của xã hội. Tất cả đều lam lũ như nhau, cùng chen lấn, hỗn độn, chìm ngập trong những mớ gồng gánh, thúng mủng giăng la liệt ở khắp các lối đi. Vào những hôm mưa, con đường trở nên lầy bùn, dẫm chân lên thấy lép nhép. Rác rưởi quăng bừa bãi, người chen nhau trên từng khoảng đất nhỏ vừa đủ để đặt chân tới.Thỉnh thoảng gặp một cái xe đạp thồ nghênh ngang đi vào thì cả đám đông đều bị nghẽn ứ lại. Tiếng chửi rủa cất lên. Tiếng cãi lại còn to giọng hơn nữa. Ðủ loại danh từ tục tằn được văng ra. Không nói được ở cơ quan, không văng được ở các buổi hội họp, không được phát biểu tự do cho nó đã cái miệng, thì sự dồn nén ấy được sì ra hết ở đây.

Bọn thanh niên phải kể là đã văng tục nhiều nhất. Từ nãy đến giờ, người thiếu nữ đã nghe đến hàng chục lần câu nói tục tĩu từ anh chàng trai trẻ đứng ở chỗ gần nàng nhất. Nàng không bực mình vì những từ ngữ hắn dùng, nhưng cái tội của hắn là đã la to quá. Tiếng nói của hắn xoáy vào màng tai của nàng nghe như những tiếng búa đập lên đe, vừa gọn vừa sắc. Nó làm cho cơn khó chịu của nàng tăng lên và lại bắt đầu thấy lợm giọng. Nàng định móc túi lấy thêm ra một viên kẹo nữa thì sực nhớ đến nhiệm vụ của mình. Nàng bỏ ý nghĩ lấy kẹo ra ăn và giơ cao chiếc áo đang cầm trên tay, cất giọng chào mời một đám khách hàng vừa đi qua đó.

Cái áo gây được sự chú ý của mọi người. Nó là một cái áo tây bằng vải ka-ki màu vàng, đã cũ rích cũ mèm, nhưng chính vì nó quá xưa cũ mà cái kiểu áo còn mang một vẻ rất “tây”. Tay áo dài và rộng, ráp lên hai bờ vai thật khéo không một vết nhăn nhúm. Cái kiểu cổ bẻ, hở xuống tới ngực rồi chạy tiếp hai hàng nút áo, mỗi bên có ba chiếc khuy bằng đồng chạm trổ, đem lại một vẻ phong lưu mà xuất xứ của nó, hẳn phải là của một tay chơi sành từ hai ba chục năm về trước. Tuy lâu đời là vậy, nhưng là vải hàng ngoại, lại được giữ gìn, nên mặt áo trông vẫn còn tươm. Thiếu nữ giơ cao cái áo lên quá đầu của mình.

Nàng nói với một người đang đi tới:

“Áo này mặc vừa, mua đi anh giai!”

Người khách ngừng lại, nhìn hững hờ. Biết anh ta chỉ tò mò thôi, nhưng nàng vẫn nói thêm:

“Ba chục thôi, mùa đông này mặc ra ngoài áo len, ấm phải biết.”

Người khách toan thò tay ra ướm, bỗng nghe thấy cái giá “ba chục” bèn rút ngay lại. Ông ta nhìn thiếu nữ với ánh mắt cười cười. Thiếu nữ cảm thông ngay rằng, những hạng như của này thì chỉ nên mua cái đồ giẻ rách đáng giá ba đồng.

Rồi một đợt khách nữa đi qua, thiếu nữ lại mời chào. Sự đón đợi của nàng cứ giảm dần đi. Nàng bắt đầu trở lại cái cảm giác khó chịu như buồn nôn vẫn chờn vờn ở cổ. Nàng thò tayvào túi nhón một viên kẹo bột khác bỏ vào miệng. Bây giờ nàng thì khám phá ra cái nguồn gốc của cơn khó chịu này vốn đã  ám ảnh nàng từ suốt ngày hôm qua. Nó không phải vì nàng đã ăn bát mì vữa mà đứa em của nàng bỏ đó từ chiều hôm trước. Nó cũng không phải vì nàng đã nhiễm lạnh sau khi phơi mình giữa làn sương đêm. Nàng nhớ ra rằng, trong lúc sử dụng cây cuốc, nàng đã cuốc nhằm giữa lưng một con cóc. Con vật không kịp kêu lên một tiếng thì đã bị dẹp lép sau một tiếng “bụp” khô khan. Nàng có cảm giác như những mảnh xương gẫy của nó truyền được cái âm thanh khô khan đó dồn qua cán cuốc để vào được đôi bàn tay chai cứng của mình. Từ cái phút ấy nàng bắt đầu thấy rờn rợn ở trong đầu, rồi càng nghĩ tới nàng càng cảm thấy lợm giọng thêm. Con cóc là một sự sống. Chính nàng đã đập giập sự sống ấy để biến nó thành một đống bầy nhầy.

Bây giờ cơn ám ảnh đó vẫn còn, và còn gia tăng hơn nữa vì cái mùi xú uế bốc lên từ những đống rác ở ven chợ. Nàng lại lợm giọng, và nàng thèm được ọe ra một lần cho nó nhẹ nhõm trong người, mặc dù từ sáng, nàng chưa ăn gì ngoài mấy viên kẹo bột.

Vừa đúng lúc nàng vắt cái áo tây vàng lên vai định rời chợ thì có một người khách ngừng lại ở ngay trước mặt. Không phải là một người đàn ông, mà lại là một người đàn bà. Bà ta ngó sững cái áo tây vàng như bị thu hút bởi một sức lực kỳ lạ, rồi thiếu nữ thấy mặt của bà hơi tái đi. Bà ta xòe tay ra nắm lấy cái áo trong khi hai mắt của bà bỗng nhìn xoáy vào mắt thiếu nữ bằng những tia dữ dội. Nàng không ưa cái cung cách có ai nhìn thẳng vào mắt mình như thế. Nàng càng không ưa cái vẻ mặt xanh tái với nước da màu chì trên khuôn mặt dữ dằn của thiếu phụ đứng trước.

Bà ta trạc khoảng năm mươi, nhưng nếu nhìn thật kỹ để thấy cái nét tươi trẻ phảng phất ở vành môi và vầng trán phẳng thì tuổi của bà chỉ đến bốn mươi là cùng. Thiếu nữ cố gợi lại trong óc của mình để tìm xem bà ta có gì liên hệ đến mình, nhưng trong một vài giây ngắn ngủi, nàng chỉ thấy như mình bị xao động bởi cái nhìn của người đối diện, với đôi mắt đục lờ hơi sếch lên, ẩn dưới đôi lông mày khá đậm.

Bây giờ thì người đàn bà đã gỡ được cái áo trên tay của thiếu nữ. Bà ta rũ tung nó ra và giơ áo lên bằng cả hai tay. Thiếu nữ có cảm giác ngay rằng bà ta không xem xét như thể để hỏi mua. Nàng muốn giằng cái áo lại để lui đi, nhưng người đàn bà đã nắm chắc lấy nó bằng hai bàn tay xương xẩu, đầy gân xanh của mình. Bà ta cất giọng hỏi hách dịch:

“Cô lấy cái áo này ở đâu?”

Thiếu nữ thấy lành lạnh ở sống lưng. Nàng ngó sững lại người đàn bà. Vẻ hung hăng của bà ta đem lại cho nàng một thoáng bối rối. Nhưng rồi nàng đã biết mình phải làm gì cho qua cơn xui xẻo này. Nàng đáp bằng giọng thản nhiên:

“Tôi mua đi bán lại!”

Vừa nói, thiếu nữ vừa xông tới, giật cái áo ở trên tay người đàn bà. Nàng hoàn toàn thất bại trong công việc đó và chẳng những nàng không cầm được chiếc áo trên tay mà còn bị người đàn bà túm ngay lấy cánh tay của mình nữa. Thiếu nữ cảm thấy những móng sắc của bà ta bấu cứng lấy da thịt mình. Ngay khi đó thì nàng biết mình vừa làm một chuyện sai lầm. Nàng đã tiếc cái áo một cách dại dột nên thay vì bỏ chạy đi, nàng đã xông tới.

Bây giờ thì đã quá muộn. Thiếu phụ đã đeo cứng lấy nàng bằng những móng vuốt của bà ta. Nàng có cảm giác như bà ta đã chất chứa bên trong tấm thân gầy gò ấy một sức khỏe lạ lùng. Nàng đã thử vùng lên chạy, nhưng những móng sắc càng bám sâu thêm vào làn da, làm thiếu nữ đau đớn. Nàng hơi nhăn mặt, và cất giọng cau có:

“Ô hay! Làm cái gì thế này?”

Người đàn bà tác sác:

“Tao hỏi mày, mày lấy cáo áo này ở đâu ra?”

“Tôi mua đi bán lại!”

“Ðồ điêu! Mày ra công an với tao, xem mày còn điêu ngoa được như thế mãi hay không?”

Thiếu nữ giằng lại. Bà ta lôi đi. Cuộc giằng co làm náo loạn cả một góc chợ. Mọi người xúm lại. Có cả trăm câu hỏi cùng một lúc nhao nhao lên:

“Ăn cắp hả?”

“Ăn cắp hả?”

“Ðánh bỏ mẹ nó đi. Không chịu lao động, chỉ ngồi không ăn bám!”

Sự ồn ào ấy trong khoảnh khắc đã thu hút mấy đồng chí an ninh ở quanh chợ. Một người xông tới, phụ với người đàn bà giữ cứng thêm một cánh tay nữa của thiếu nữ. Tóc của nàng bây giờ xổ tung. Hai chiếc khuy áo trên ngực cũng bị banh ra. Nhưng thiếu nữ không nhìn thấy gì, không phân biệt được gì trước khung cảnh hỗn độn ồn ào trước mắt. Nàng nghĩ đến hai em đang còn ở nhà. Nàng nghĩ đến cặp mắt dữ dội của thiếu phụ. Nàng nghĩ đến cái áo tây vàng và hình ảnh của con cóc dẹp lép bầy nhầy. Tất cả ùa đến thật nhanh, choáng ngộp hết đầu óc nàng và nàng để mặc cho mọi người lôi mình đi như lôi một con vật.

Tới đồn công an, người đàn bà trung niên khai rành rọt:

“Thưa các đồng chí, tôi vừa chôn chồng được đúng năm ngày.Tất cả giấy tờ khai báo, thủ tục tôi còn giữ đầy đủ cả ở đây. Trong lúc khâm liệm cho chồng, tôi có để cho ông ấy một chiếc áo tây vàng. Chiếc áo này đây. Nó quen thuộc với gia đình tôi từ mấy chục năm nay. Tôi có thể chỉ ra rất nhiều dấu vết mà tôi đã thuộc nằm lòng. Vậy mà hôm nay đi chợ, tôi thấy cô này đứng bán đúng cái áo đã chôn theo chồng tôi. Nhờ các đồng chí điều tra hộ, cái áo ở đâu ra? Làm sao cô ta có được cái áo đó?”

Tất cả mọi người trong phòng đều sửng sốt. Mấy đồng chí công tác ở bàn kế bên cũng bỏ cả việc, mở to mắt ra nhìn. Trong cả trăm ngàn vụ rắc rối về đời sống ở đây, chưa bao giờ lại có chuyện xảy ra lạ lùng đến thế. Mọi con mắt đều dồn về phía thiếu nữ. Nàng có vẻ còn mệt mỏi sau một cuộc lôi kéo ồn ào giữa đám đông, nhưng bây giờ nàng đã lấy lại được vẻ bình thản hằng ngày, và nói cho đúng hơn, thật khó có thể đoán ra được tâm trạng của nàng sau vẻ mặt lầm lì và ánh mắt sắc sảo lạnh lùng. Nàng đã biểu lộ một thái độ không nao núng, mà cũng chẳng sợ hãi, đúng là một thái độ của một kẻ đã bị dồn đến đường cùng và sẵn sàng đương đầu với tất cả.

Chính thái độ ấy đã khiến cho anh chàng công an trẻ, mới khởi đầu giở giọng nạt nộ nhưng rồi sau cũng phải dịu xuống. Nàng không để cho ai mắng mỏ mình. Với thiếu phụ trung niên, nàng nói:

“Ờ thì cái áo ấy của ông chồng bà. Bà không cần phải la lối om xòm.”

Thiếu phụ cũng chỉ cần nàng xác nhận có thế. Bà ta giơ hai tay ra trước mặt, về phía đám công an lố nhố ở trong phòng như để phân vua: “Thế đấy! Thế đấy! Tôi có vu oan giá họa cho ai!”

Rồi bà ta ngồi xuống ghế, thở dốc. Sau một hồi cố gắng, kể từ lúc túm đứa con gái to gan này ở ngoài chợ cho đến lúc nó phải xác nhận rằng cái áo tây đó là của bà, bà ta đã hoàn toàn đạt được những thắng lợi mà mình mong muốn. Sau đó là phần của nhà nước. Nhà nước sẽ xử lý vụ này, sẽ phải làm cho ra nhẽ. Nếu cần, bà sẽ thưa lên tới thành ủy. Nhưng sự sốt sắng của các đồng chí công an trong vụ này làm bà hài lòng. Bà thấy mình nên đóng vai trò hiền lành, chân chỉ thì sẽ có lợi hơn, vì đằng nào sự thể cũng đã hai năm rõ mười. Nghĩ như thế bà dịu hẳn vẻ mặt của mình xuống và chẳng mấy chốc, mọi người nghe thấy tiếng của bà ta khóc sụt sịt. Bàn tay của bà quơ lấy dải khăn tang dài lên lau mặt một cách cố ý để cho mọi người nhìn thấy.

Ðiều này có kết quả ngay vì đồng chí công an ngồi ở bàn giấy giữa đã an ủi bà bằng một giọng dịu dàng rồi quay qua thiếu nữ, cất giọng nạt nộ:

“Biết điều thì khai hết đi, nếu không thì tù mọt gông!”

Thiếu nữ hơi nhếch cặp mắt lên, ánh mắt vẫn đầy vẻ lạnh lẽo, và nàng cất tiếng hỏi lại:

“Chế độ ta cũng còn có “gông” hả đồng chí?”

Bị hỏi móc họng, đồng chí công an tái ngay mặt lại rồi sau đó vụt đỏ bừng lên. Ðồng chí ấy tác sác để xí xóa câu nói hớ hênh của mình:

“Ðừng có đánh trống lảng. Cái áo mày lấy ở đâu. Khai ra đi!”

“Việc gì tôi phải đánh trống lảng. Việc gì tôi phải chối cãi. Nhưng tôi yêu cầu đồng chí bỏ cái giọng “mày tao” ấy đi. Tôi là nhân dân. Ðồng chí phục vụ nhân dân, đồng chí không có quyền nói năng với tôi như thế.”

Bị hai đòn phủ đầu liên tiếp, anh chàng công an đột nhiên sững sờ hẳn lại. Anh ta nhìn người con gái ngồi ngay trước mặt với một vẻ vừa ngạc nhiên, vừa tò mò. Kinh nghiệm cho thấy những loại cứng cỏi như thế hẳn gốc gác của nó phải có gì đáng gờm. Vậy thì không ai dại gì mà húc bừa vào những “của” mà tông tích chưa rõ ràng. Thế là anh ta nhỉnh ngay nét mặt, và xuống giọng ôn hòa:

“Ðược rồi! Tôi rút lại cách xưng hô đó. Nhưng tôi nói trước cho cô biết, muốn xưng hô cách nào thì xưng hô, cô phải khai cho hết. Cái áo đó cô lấy ở đâu?”

Thiếu nữ buông sõng một câu:

“Ðào mả!”

Giọng nói của nàng sắc, gọn, lạnh lùng, thản nhiên, không một chút xúc động. Ðiều đó làm cho mọi người cùng sửng sốt lên một lượt. Ðến ngay thiếu phụ đang ngồi sụt sùi cũng vội ngưng ngay tiếng khóc để giương to mắt lên nhìn.

Ðào mả thì dĩ nhiên rồi, nhưng bà ta không thể tin được rằng câu chuyện động trời ấy lại được thực hiện bằng chính ngay thiếu nữ mảnh mai ngồi ở phía trước mặt. Bà ta chợt nhớ đến hành động của mình trong vòng nửa giờ trước đó. Giât  lấy cái áo trong tay nó rồi túm nó ở giữa chợ. Ðiều nó đi qua một dẫy phố để tới đồn công an. Vậy mà quân trời đánh thánh vật này không xỉa cho bà một dao thì quả là bà vừa thoát khỏi một tai nạn tầy trời. Nghĩ như thế, bà ta thấy rúm người lại, nếu ở quanh đó không đầy rẫy những bóng dáng công an áo vàng thì bà ta đã vùng lên, bỏ chạy đi rồi.

Bây giờ thì bầu không khí trong phòng có vẻ nghiêm trang hơn lên. Ðây không còn là một vụ ăn cắp, ăn trộm hay mua đi bán lại nữa. Nó đã trở thành một vụ đào mả. Một vụ động trời. Một vụ hi hữu mà từ xưa đến nay chưa bao giờ ở đây xử lý tới cả.

Mọi thủ tục bây giờ được chuẩn bị lại hết. Người ta trình báo vào văn phòng của đồng chí trưởng phòng. Người ta sắp xếp lại hồ sơ ngổn ngang trên mặt bàn.Người ta tăng cường thêm một xấp giấy trắng để đặc biệt ghi cung. Người ta cũng thay thế luôn cả đồng chí ngồi ở giữa bàn lúc nãy bằng một người chắc ở chức vụ cao hơn.

Cuộc thẩm vấn thiếu nữ kéo dài suốt ngày hôm đó. Nàng trả lời hết. Nàng thú nhận hết. Nàng mô tả hết. Ðến độ trong hồ sơ khai trình của nàng có cả sự việc con cóc bị một nhát cuốc chém dẹp lép trở thành một đống bầy nhầy. Người thư ký quều quào ghi chép cũng đã xài gần hết một thếp giấy đôi.

Bây giờ thì người ta biết được rằng nàng đã sinh sống bằng cái nghề đào mả từ trước đó hai năm. Bố nàng thuộc diện ngụy quyền đã bị đi an trí và bỏ xác trong trại cải tạo từ những năm của thập niên 60. Mẹ nàng bỏ đi lấy chồng khác, rồi cũng chết sau đó vài năm. Nàng còn hai em nhỏ. Nàng đã làm đủ mọi nghề để có thể nuôi cho hai em ăn học. Nhưng nghề nào cũng chỉ đủ nuôi một thân một mình nàng, trừ cái việc đi đào mả người chết lấy đồ dùng đem ra bán ở ngoài chợ trời. Nàng đã khai như thế. Và nàng tỏ ra thản nhiên khi nói lên những sự thực chết người như thế.

Thể theo lời yêu cầu của gia chủ đã có thân nhân bị đào tung mả lên, nàng bị giam giữ để cho tòa xét xử.

*

Nhưng một tháng sau đó, người ta lại thấy nàng xuất hiện ở khu vực chợ trời. Người nàng xanh rớt. Thân hình tiều tụy. Sức khỏe của nàng sút giảm hẳn đi. Nàng ngồi thu mình ở một góc vỉa hè như một con mèo ốm, trước mặt nàng loe ngoe mấy hộp sữa và vài bịch đường. Nghĩa là nàng chẳng bị tù tội gì hết.  Nàng vẫn còn là một công dân của nhà nước xã Hội chủ nghĩa. Lý lịch của nàng vẫn còn trắng tinh.

Bởi vì khi đứng trước tòa, nàng đã rành mạch khẳng định:

“Xã hội của chúng ta là xã hội chủ nghĩa, chủ trương duy vật mà đả phá duy tâm. Chỉ những kẻ còn đầu óc duy tâm mới quan niệm rằng đào mả lên tức là xâm phạm đến linh hồn người chết.

Tôi sống bằng lao động của chính tôi. Tôi không ăn bám một ai. Tôi chỉ lấy đi những đồ dùng chôn dưới mả là những thứ mà xã hội bỏ đi, đã phế thải.

Hơn thế nữa, tôi lại dùng lợi tức của những thứ phê thải ấy để nuôi các em tôi ăn học, tức là bằng thứ lao động hợp pháp đó, tôi đã nuôi dưỡng được những mầm non của đất nước!

Vì thế, tôi là người hoàn toàn vô tội!”

Santa Ana, tháng 4-1981

NHẬT TIẾN

*******************

Bản dịch Anh ngữ:

 SHORT STORY

THE KHAKI COAT

Nhật Tiến- Translated by Xuan Phong

Into this noisy crowd the young girl was elbowing her way. The stench of the rubbish heap made her feel dizzy. lt revived the nausca that had lingered in her throat since the previous day, though she had tried to drown it down with a farina candy. The sweet flavor of sugar still stuck in her teeth though the candy had completely melted away. She could speak as loudly as she liked without the fâeeling of having something entangled in her mouth.

She first greeted an old lady who was selling rolls of dry tobacco leaves displayed on a flat winnowing basket. The old lady’s reply was inaudible above the noise of the crowd. She only heard the loud voices of a few people who, standing next to her, were shouting their wares, including the obscenities of a few nearby youths. On their arms hung several pairs of Western trousers of different fabrics and colors. Most were the khaki of the bo doi (soldier). A few passers-by slopped to have a look, felt this side and that, then left without making any offer. Since the morning nobody had succeeded in selling anything, because people had had to flee whenever pubhc security men were on patrol. The whole place had a disorderly air compared with the main Dong Xuan Market nearby. The problem with the main market was that most of the displayed articles could only be sold to people with book of Stamps; there were always more sales assistants than customers. Most people withdrew from the main market to form a “fringe society”. All the members of this society were ragged and dirty; all werc jostling each other in the chaos. On rainy days thc roads became muddy.

Rubbish was scattered everywhere, making it difficulty to walk. Now and then the  whole crowd would be bottled up by a bicycle with a saddle loaded with merchandisc. Curses were exchanged. Words that were forbidden at agencies, that could not be used or fully expressed to one’s heart content at conferences, were let out here without any fear of being condemned as a person who had compromised his political standing.

Youths cursed morc offen than anybody else. For some time the girl had heard this young man shouting out his vulgarities. She was not vexed at his words but his shouts were so loud that they hammered at her temples. She felt sick again. As she was aboul to takc out of her pocket another farina candy, she remembered her task. She held out the coat in her hand to a few passers-by.

The coat did attract people’s attention. It was a Western coat made out of golden- colored khaki. Its long and roomy sleeves  were so skilfully sewn to the two shoulders that no wrinkles were to be seen. Down the two lapels that left bare the front part of the wearer’s chest ran two rows of three carved copper buttons on either side. The coat must have belonged to a prosperous person who a few decades ago had certainly been fashion-conscious. Because it had been well cared for it  still looked quite new.

ThE girl held the coat over her head as high as she could.To a youth who was approching her, she said, “This coat fits you very well, buy it.”

He stopped, looked indifferent. Though she knew that he was merely curious, she added all the same, “Thirty dong ( piastres ), you can wear it over your sweater this winter. How warm you will be !”

The young man, who had intended to try it on, changed his mind when he heard the price. He looked at the girl with his laughing eyes. The young girl understood that it was far too expensive for him.

Another wave of customers passed and she showed them the coat, but she had lost interest in selling it. She felt sick again. She took another farina candy from her pocket and put it in her mouth. Then she discovered the cause of the nausca she had been having since the day before. lt wasn’t that she had eaten the bowl of stale wheat noodles left unfinished by her sibling the afternoon before, nor that she had caught a cold after exposing herself to the nightly frost the night before. She remembered that while using a pick she had hit a toad on its back. The animal had died immediately. She felt a chill running through her body as she thought about it. A toad, though small, is life itself. lt was she that had smashed that life and reduced it to a formless mass. That night she had wandered vaguely from one thought to another as she dug up the ealth. Now the stench rising from the pile of garbage at the edge of the market increased her nausea-she wanted to vomit.

She was on the point of leaving her place when she noticed a woman standing just in front of her. The woman gazed at the coat as if attracted by some extraordinary powerful force. Then her faced turned pale. Stretching her hand out, she look hold of the coat while she stared furiously at the girl’s face. The girl didn’t like being stared at like that. Nor did she like this woman’s pale countenance. She looked fifty but could have been younger. The girl was disturbed by the woman’s muddly eyes under her thick eyebrows.

The woman succeeded in taking the coat of the girl’s hands. The girl knew immedialely that she did not intend to buy it. She wanted to grab back the coat and run away with it but holding it firmly with her two bony hands the woman asked in an authoritative manner. “Where did you get this coat ?”

The girl felt a chill again. She was intimidated by the woman’s aggressive manner. She knew what she had to do to overcome this difficult situation. She said, “l bought it to sell it  again,” then tried to snatch back the coat. Her arm was seized by the woman. She felt her skin being pinched by the woman’s sharp fingernails. She realized she had made a mistake. She should have run away when she had the opportunity. lt was too late now. The woman held her firm with her claws. ln spite of her slender body, the woman had an extraordinary strength. The girl struggled hard to break free but to no avail.

Frowning, the girl asked angrily, “Whal are you doing?”

The woman demanded, “I ask you-where did you get  this coat ?”

” I bought it, to sell it again.”

”Liar! Come to public security post with me.”

The girl struggled furiously to escape. The woman held firm and started to drag her along, making a disturbance in this corner of the market. People gathered around and started asking questions :

“Is she a thief ?”

“A looting?”

” Beat her ! Doesn’t like working! Just wanted to be a parasite !”

A few ” comrades” who worked as security agents in the market were on hand within  a minute. One rushed  forward and helped the woman by holding the girl’s other arm. Her hair came loose, as did her vest., but she saw nothing, could distingush nothing in the melee in front of her. She thought of her two siblings at home, she thought  of the woman’s furious eyes, of the yellow coat, of the  crushed toad. Everything was rushing  so quickly through her mind that she felt dazzled, stifled and she let  herself be dragged away like an animal.

At the public security post the woman said:

“Dear comrades, my husband was buried just five days ago. I remember everything about it. I dressed him in this khaki coat before his burial. This khaki Western coat has been in our possession for a few decades. I can show you the marks on it. While I was at the market today I saw this girl trying to sell the very coat my husband was buried in. Plcase, dear comrades, find out how this coat has reappeared in this world? How does this girl come to have it?”

Everyone in the public security office was stunned. The staff at nearby desks stopped working to stare. Never before had anyone come across such a strange story. All eyes were on the girl. She looked tired after being dragged the whole way through a hostile crowd, but she had recovered some of her calmness. Her demeanor hid her emotions. She stood like someone ready to stand and fight against anything.

To the woman she said, “Yes, this coat belonged to your husband. There’s no need to shout like that.”

That was the comfirmation the woman wanted. She pointed her two hands toward the  crowd of public security agents standing there as if she would have liked to say, “Well, what did I tell you? I didn’t make it up, did I ?” Then she sat down, breathing heavily. She had got what she was after; now il was up to the state. The state should settle the matter for her. If she was not satisfied, she would take it up with the municipal committee. The eagerness with which the public security agents had so far dealt with this case had given her a certain satisfaction. Her face relaxed. Then everybody in the office heard her sobbing. She used the waist band of her mourning clothes to wipe her face in a deliberate way to draw people’s attention. This immediately brought the desired result as the public security agent on duty comforted her, then turned to the girl and said, “Be reasonable, tell me everything now, unless you want to spend the rest of your life in prison until the day the stocks around your neck get rotten and eaten by woodworms.”

Glancing up, the girl retorted, ” Dear comrade, does our regime still use the stocks?”

The agent’s face paled, then turned red. He raised his voice to erase the error he had committed. “Don’t try to evade the question. Tell me, where did you find the coat?”

“Why should I evade the question?” said the girl. ” I have nothing to hide. And don’t  you “thou”­ and “thee” me. I am one of the masses. You serve the masses. You have no right

to talk to me like that.”

Struck dumb by these two successive blows, the agent looked at the girl sitting in front of him with surprise and curiosity. Expcrience had taught him that anyone with such a fearless attitude might have a relative worthy of respect. It was best to remain calm until he knew more about her. He softened and lowered his voice, “All right, I withdraw what I said. But I warn you in advance that you have to tell me everything. Where did you get this coat?”

The girl simply said , “From the graves,” in her sharp unemotional voice.

Everybody was taken aback. Even the woman stopped sobbing, and looked with wide eyes at the girl. Of course it had been taken from a grave, but she couldn’t believe such a terrible deed had been carried out by this slender girl. She suddenly remembered what she had done half an hour before. She’d caught this girl in the middle of thc market, brought her through a long street to this public security post-and hadn’t been stabbed by her. She felt she had indeed just escaped a great calamity.

Now there was more seriousness in the atmosphere. This was not a thcft or a robbery. lt was digging up a grave. It was so rare they had  never dealt with it before. Every procedure had to be reconsidered. The matter had to be brought the attention of the senior offcial. Files  scattered on the desks were rearranged. A packet of white paper was brought out for the secretary to write down the defendant’s statement. The agent, who a moment earlier had sat at the desk in the middle or the room, was replaced by another man of higher rank.

The girl’s interrogation lasted all day. She answered all the questions and told the whole truth. She described everything, including the fact that a toad had been crushed and deformed by a pickaxe. The secretary,  with his awkward handwriting, used up all his paper in the process.

Now it was known that she had earned her living for two years by digging up graves.    Because of his connection with the puppet government, her father had been sent to a reeducation camp and there he had died. Her mother remarried, then died a few years later. She herself had two siblings to look after. She had been through a number of jobs, but only digging up graves to strip the dead had proved lucrative enough.

At the request of the woman whose husband’s grave had been dug up, the girl was  detained to await trial, but one month later,  she reappeared at the flea-market. She looked pale and emaciated. Her health had deteriorated.

She squatted, gathering herself together in one corner or the pavement. ln front of her were a few cans of condensed milk and some packets of sugar. Her curriculum vitae, still stainless, allowed her to assume any occupation she liked because, when brought to the Court, she had stated in these terms:

“We are now living in a socialist country. Materialism is being upheld and idealism attacked. Only those whose minds are idealislic would think that to dig up a grave is to violale

a dead person’s soul. As for me, I  earn my living by my own labor. 1 do not live as a parasite, at somebody else’s expense. I have only taken what was buried in a grave, i.e. what had been discarded by society. Furthermore, I have used the profit I made to bring up my siblings, which means that by this kind of labor I’ ve reared two children who belong to the next generation and in whose hands will lie the fate of our socialist country. Therefore, I am totally innocent.”

 Translated by Xuan Phong

 (from CHIEC AO TAY VANG by Nhat Tien)

**********************

Bản dịch Pháp ngữ:
LE PATELOT JAUNE

(“Chiếc Áo Tây Vàng” – Nhật Tiến)
Text français de LY VAN

Dans cette foule bruyante, la jeune fille se faufila quand même. Elle fut légèremẹnt prise de vertige à cause de la puanteur qui se dégageait du monceau d’ordures situé près de là. Cette puanteur lui rappela la nausée qui n’avait cessé de la hanter depuis la veille quoi’quelle l’eût éprimée avec un bonbon de farine. Car si un peu de sucre d’une douceur suave restait encore quelque part dans les interstices des dents, le bonbon lui même était entièrement dissous. Elle pouvait élever la voix pour parler sans en être empêchée par quelque chose qui avait obstrué sa bouche. Tout d’abord, elle salua une vieille femme vendant du tabac en rouleaux, noués sous forme de gerbes, étalés sur un panier plat, posé à même le rebord du trottoir. La vieille femme répondit par des mots qu’on n’entendait pas clairement à cause du brouhaha de la foule. La jeune fille n’entendait que le vacarme de ceux qui, debout près d’elle, faisaient la réclame de leurs marchandises, et surtout les rires et les paroles grossières d’un groupe de jeunes gens se tenant près de là. lls avaient sur leurs bras des pantalons de coupe occidentale, de tissus variés, aux couleurs diverses. La couleur de kaki militaire prédominait. L’un d’entre eux, ayant déjà sur un bras trois ou quatre pantalons, en élevait un autre de l’autre main. Quelques hommes passant par là regardaient en tournant et retournant les pantalons, rien que pour voir, puis circulaient. Depuis le matin, personne n’a pu vendre une seule marchandise, quoique tous aient du s’enfuir trois ou quatre fois, car les policiers chargés du contrôle du marché faisaient plusieurs fois la ronde. Ceci se passait sur un petit terrain, sis juste derrière le marché Dông-Xuân (Hanoi). Il constituait la contradiction d’une zone déjà rentrée dans les normes depuis plusieurs années. Mais c’était justement à cause de son caractère secondaire qu’il était devenu beaucoup plus désordonné, plus complexe que le spectacle désert au coeur même du marché. A ce dernier endroit, tout était propre, tout était ordonné. Le seul inconvénient c’était que presque tout ne pouvait être acheté qu’avec des bons d’approvisionnement. D’autres articles attrayants n’étaient exposés que pour présenter au complet les gammes des produits, munis de l’étiquette: “échantillons”.

Ainsi, rien d’étonnant à ce que les vendeurs fonctionnaires fussent plus nombreux que. les clients. En somme, point n’était besoin de chasser les clients, tous se retiraient d’eux-mêmes du côté extérieur, créant ainsi une société en marge de la société. lls étaient tous aussi misérables les uns que les autres, se bousculant en désordre, au milieu des tas de fléaux, de paniers, de corbeilles éparpillés sur toutes les voies d’accès. Les jours de pluie, le chemin était recouvert d’une vase gluante produisant des flip – flap quand on y marchait. Les immondices étaient jetées pêle-mêle, on se disputait de petits espaces pour y poser les pieds. De temps en temps, un triporteur s’amenait, et toute une foule nombreuse était bloquée.

Des bordées d’injures s’échangeaient, plus bruyantes encore étaient les disputes. Toutes sortes de termes grossiers fusaient ne pouvant être jeté librement pour que la bouche pût s’en donner à coeur joie, tout ce vocabulaire refoulé trouvait ici son exutoire, sans que l’on pût s’accuser réciproquement de déviationnisme ! Il fallait compter les jeunes gens parmi ceux qui employaient le plus souvent ce langage ordurier. Depuis un long moment, la jeune fille entendait des dizaines de fois des phrases grossières sorties de la bouche du jeune homme qui se tenait le plus près d’elle. Elle ne s’offuquait pas des vocables qu’il employait, mais de sa voix tonitruante. Cette voix lui vrillait les tempes, semblable a un marteau frappant sur une enclume, avec un bruit sec et aigu. Elle recommença à éprouver la nausée. Elle voulait prendre dans sa poche un autre bonbon, quand elle se rappela sa missìon. Elle abandonna l’idée de prendre le bonbon, éleva la veste qu’elle tenait à bout de bras et invita un groupe de clients qui passaient par là. L’habit attirait l’attention de tout le monde. C’était une veste coupée à l’occidentale, en toile kaki. Elle était très vieille et usée, mais c’était pour cette raison qu’elle revêtait un aspect très européen. Les manches étaient longues et larges, ajustées aux épaules de manière très habile, sans un pli. Le col ouvert avec des revers descendant jusqu’à la poitrine, dans leur prolongement couraient deux rangées de boutons, dans chaque rangée, trois boutons en cuivre ciselé, tout cela reflétait quelque chose d’opulent et devait appartenir il y a quelque vingt ou trente ans, à un fin connaisseur. Ce paletot était bien vieux, mais comme la toile était de fabrication étrangère et qu’il avait été bien conservé, il gardait un aspect élégant. La jeune fille éleva la veste au-dessus de sa tête et dit à un homme qui venait vers elle :

– Ce paletot vous va à merveille, monsieur, prenez-le !

Le client s’arrêta, indifférent. Sachant qu’il n’était que curieux elle n’en continua pas moins de dire :

– Trente piastres ! Pour cet hiver, de le porter pardessus un vêtement en laine, comme ça tiendra chaud ?

L’homme esquissa un geste de la main vers l’habit, mais entendant le mot “trente”, la retira immédiatement. Il regarda la jeune fille en lui souriant du regard. Celle-ci comprit tout de suite que des gens comme lui ne pouvaient acheter que des nippes à bas prix valant trois piastres. Voyant un autre groupe de clients, elle refit son offre. Son accueil et son attente devenaient de moins en moins chaleureux. Elle recommença à ressentir son malaise: la sensation de nausée la serrait de nouveau à la gorge. Elle prit dans sa poche un autre bonbon qu’elle mit dans sa bouche. A présent, elle découvrit l’origine de cette nausée qui l’obsédait depuis la veille. Ce n’était pas parce qu’elle avait avalé le bol de vermicelle avarié laissé par son jeune frère l’avant veille. Ce n’était pas non plus parce qu’elle avait pris froid après s’être exposée à la brume nocturne. Elle se rappela qu’en maniant la pioche, elle avait donné, par inadvertance, un coup juste au milieu du dos d’un crapaud. La pauvre bête n’avait pas eu le temps de jeter un seul cri avant d’être complètement aplatie. après un “flop” sec de la pioche. Elle avait la sensation que ses os brisés avaient le pouvoir de transmettre ce bruit à travers le manche de la pioche jusqà ses mains calleuses et dures. Depuis cette minute, elle sentait un léger frisson la parcourir, et plus elle y songeait, plus elle avait envie de vomir. Le crapaud était une existence. Elle a écrasé cette existence pour la transformer en une masse visqueuse. Si seulement, ce n’était que le cadavre d’un crapaud mort ! En travaillant avec la pioche, elle songeait vaguement. Si ç’avait été un crapaud mort, il ne l’eût pas hantée jusqu’à ce point.

Maintenant, cette obsession subsistait et s’intensifiait à cause de la puanteur se dégageant des alentours du marché. De nouveau, elle avait la nausée, et elle aurait voulu vomir une bonne fois pour s’alléger d’un poids, quoique, depuis ce matin, elle n’eût rien dans l’estomac, sauf ces quelques bonbons de farine.

Au moment même où elle jeta la veste sur son épaule pour quitter le marché, un client s’arrêta juste en face d’elle. Ce n’était pas un homme, mais une femme. Elle avait le regard rivé sur le paletot comme par une extraordinaire force d’attraction, puis la jeune fille vit pâlir légèrement la figure de la femme. Celle-ci ouvrit sa main pour se saisir de la veste, pendant qu’elle dardait son regard courroucé qui semblait jeter des étincelles sur les yeux de la jeune fille. Celle-ci  n’aimait guère à être regardée dans les yeux de cette manière. Elle n’aimait pas davantage le teint blême sur la peau bistrée du visage de celle qui était debout en face d’elle. La femme paraissait dans la cinquantaine, mais à y regarder de près, un certain air de jeunesse flottait encore sur les commissures des lèvres et sur le front, et laissait deviner qu’elle avait tout au plus quarante ans. La jeune fille cherchait à se remémorer quels rapports auraient pu exister entre elles. Mais, dans un bref instant, elle n’eut que la sensation d’être troublée par celle qui était en face d’elle, par le regard de deux yeux sombres bridés abrités sous des sourcils assez épais. Maintenant, la femme parvint à arracher la veste des mains de la leune fille. Elle déploya la veste, la souleva des deux mains. La jeune fille s’aperçut immédiatement que ce n’était pas pour l’acheter que la femme examinait la veste de la sorte. Elle voulut la ressaisir pour s’ échapper en marchant à reculons. Mais, la femme tenait l’habit solidement entre ses mains labourées de veines bleues. D’un ton autoritaire, elle demanda :

– Où est-ce que vous avez pris cette veste ?

La jeune fille eut froid dans le dos. Elle fixa sur son vis-à-vis un regard stupéfait. L’attitude violente de la femme la troubla un moment. Mais, elle savait ce qu’elle devait faire pour passer ce mauvais quart d’heure, elle répondit d’un ton calme :

– Je ne fais qu’acheter et revendre.

Tout en parlant, la jeune fille se précipita pour reprendre la veste des mains de la femme. Elle échoua complètement dans cet effort. Non seulement elle n’arriva pas à tenir la veste, mais son avant-bras fut enserré par une main de la femme. La jeune fille sentit les ongles tranchants de son adversaire s’enfoncer dans sa chair. Dès ce moment, elle se rendit compte qu’elle avait commis une erreur. D’une manière stupide, elle avait regretté de perdre la veste. C’est pourquoi, au lieu de s’enfuir, elle a foncé sur l’ennemi. Maintenant, c’était déjà trop tard. La femme s’est accrochée à elle avec ses serres acérées. Elle sentait que la femme avait accumulé dans ce corps maigre une force extraordinaire. Elle essaya, dans un soubresaut, de s’échapper, mais les ongles tranchants s’enfoncèrent plus profondément dans sa chair endolorie. Elle grimaça légèrement et dit d’une voix irritée :

– Ah ! Que faites-vous là, madame ?

– Je t’ai demandé, répliqua vertement l’autre, où tu as pris cette veste.

– Je l’ai achetée pour mon commerce.

– Fourbe ! Viens avec moi au poste de police, on verra bien si tu pourras persister dans ton imposture.

La jeune fille résistait, la femme la tirait. Ces tiraillements causaient un grand tapage dans tout un coin du marché. D’une foule vite ameutée, partit un vacarme fait de mille interrogations lancées en même temps :

– Un vol ?

– Est-ce bien un vol ?

– Une bonne râclée, à en faire ch… sa maman ? Refuser de travailler pour vivre en parasite de la société !

Ce tapage ne tarda pas à attirer l’attention des camarades policiers qui veillaient à la sécurité autour du marché. L’un d’eux se précipita pour prêter main forte à la femme, serrant solidement l’autre bras de la jeune fille. Ceile-ci était maintenant entièrement échevelée. Deux boutons de sa tunique, sur sa poitrine, furent arrachés. Cependant, la jeune fille ne voyait plus rien, ne distinguait plus rien du spectacle confus et tumultueux qui se présentait à ses yeux. Elle songeait à ses deux frères restés à la maison. Elle songeait aux yeux méchants de la femme. Elle songeait au paletot jaune et à l’image du crapaud aplati et visqueux. Tout cela vint à elle précipitamment, accapara son esprit, et elle se laissa traîner comme on traîne une bête. Au poste de police, la femme d’âge mûr fit une déclaration on ne peut plus claire et précise :

– Chers camarades, j’ai enterré mon epoux, il y a tout juste cinq jours.Toutes les attestations et formalités concernant cette inhumation, je les ai gardées ici au complet. Lors de la mise en bière de mon époux, je lui ai laissé une veste jaune. Cette veste, la voici. Elle nous était familière, à nous, membres de la famille, depuis des dizaines d’années. Je peux y indiquer des traces et des taches que je connais par coeur. Et cependant, aujourd’hui, comme j’allais au marché, j’ai vu cette demoiselle mettre en vente cette veste que j’avais ensevelie avec mon époux. Camarades, je vous prie de faire une enquête pour savoir d’où est venue cette veste. Comment cette demoiselle a pu l’avoir entre les mains ?

Tous ceux qui se trouvaient dans la salle étaient frappés de stupéfaction. Les camarades qui travaillaient autour d’une table voisine, délaissant leur travail, ouvrirent de gros yeux. Des milliers et des milliers d’affaires compliquées s’étaient passées ici, mais on n’avait jamais rien vu d’aussi ahurissant que celle-ci. Tous les regards se dirigèrent vers la jeune fille. Elle avait l’air encore fatiguée par les tiraillements, le vacarme de la foule. Mais elle parvenait à reprendre son calme habituel, ou plus exactement, il était difficile de deviner son état d’âme derrière son mutisme et l’éclat glacial de ses yeux. Elle manifestait une attftude imperturbable, sans l’ombre d’une crainte, l’attitude de quelqu’un qui était acculé à ses derniers retranchements et se tenait prêt à tout affronter. C’était justement cette attitude qui faisait que le jeune policier qui avait commencé à gronder et à menacer finissait par baisser le ton. Elle ne se laissait injurier par personne. A la femme d’âge mur, elle dit :

– Je conviens que cette veste appartenait à votre époux. Mais vous n’avez pas besoin de crier et de faire du tapage.

La femme, du reste, ne demandait guère mieux que la jeune fille reconnût cela. Elle étendit ses bras devant elle, dans la direction du groupe désordonné des nombreux policiers qui étaient dans la salle, comme pour se justiíier :

– Vous voyez, vous voyez, je n’ai calomnié personne.

Ensuite, elle s’assit sur une chaise, haletante. Après un temps d’efforts, depuis l’instant où, dans le marché, elle s’était saisi de cette audacieuse jeune fille jusqà l’instant où celle-ci a du reconnaître que la veste était sa propriété, elle a parfaitement atteint au triomphe qu’elle avait escompté. C’était maintenant l’affaire du gouvernement. Le gouvernement en décidera, selon la justice. Si c’était nécessaire, elle porterait son cas devant le Comité Révolutionnaire de la Ville. Mais elle était déjà satisfaite de la diligence des camarades policiers. Elle sentait qu’elle aurait avantage a jouer le rôle de la jemme sincère et de bon coeur, car, de toute façon, la situation était parfaitement élucidée. Pensant ainsi, elle adoucissait nettement les traits de son visage, et bientôt, tout le monde l’entendait pleurer. De sa main, elle prit un bout de son ruban de deuil pour s’essuyer le visage avec l’intention d’attirer l’attention de tous. Ce geste eut immédiatement son effet, car le policier assis devant le bureau central se mit à la consoler d’une voix douce, et, se tournant vers  la ieune fille, il tempêta :

– Si tu es raisonnable, tu avoueras tout, sinon, tu pourriras en prison, la cangue au cou.

La ieune fille, levant légèrement les yeux aux éclats toujours froids, interrogea :

– Camarade, est-il vrai que notre régime use aussi et encore de la cangue ?

A cette insolente interrogation, le visage du camarade blêmit, puis, brusquement, rougit. Il prit un ton courroucé pour effacer son propos inconsidéré :

– Ne cherche pas à t’esquiver. Ce paletot, où l’as-tu pris ? Avoue-le.

– Je n’ai pas à m’esquiver. Je n’ai pas à nier. Mais, je vous prie, camarade, de bien vouloir vous dispenser de me tutoyer. Je suis du peuple. Vous êtes un serviteur du peuple. Vous n’avez pas le droit de me parler sur ce ton.

Absourdi par cette double attaque, le policier resta brusquement interdit. Il regarda, stupéfié, la jeune fille assise en face de lui, avec un air à la fois étonné et curieux. Son expérience lui avait appris que des gens si durs devaient être d’une redoutable extraction. C’est pourquoi on ne serait pas assez sot pour enfoncer des portes dont on ne sait de quel bois elles sont faites.

Le camarade policier se repnt et dit sur un ton conciliant : .

– Ca va, ça va. Je retire ma façon de vous interpeller. Mais ie tiens à vous avertir que, quelle que soit la manière d’interpeller, vous devez tout avouer. Où est-ce que vous avez pris cet habit ?

La jeune íille lâcha brutalement :

– Dans une tombe que j’ai creusée.

Son ton fut tranchant, bref, froid, calme et sans l’ombre d’une émotion. Cela ébahissait davantage  tous ceux qui étaient là. La femme elle-même, qui était en train de pleurer, arrêta ses pleurs, leva les yeux pour regarder la jeune fille. Qu’une tombe ait été violée, c’etait l’évidence même. Mais que pareille abomination ait été commise par la frêle jeune fille assise en face d’elle, cela dépassait son entendement. Brusquement, elle se remémora ce qu’elle avait fait depuis une demi-heure. Se saisir de la jeune íille au milieu du marché, la trainer tout au long d’une rue pour l’amener à un poste de police. Et pourtant, pendant tout ce temps, si elle n’avait pas reçu de la jeune fille un coup de poignard, c’est que vraiment elle venait d’échapper au plus grand des dangers. Rien qu’à y penser, elle frissonnait de peur. N’eussent été autour d’elle ces policiers en uniforme jaune, elle eût pris la fuite.

Maintenant, l’atmosphère de la salle est devenue plus sévère. Ce n’était plus ici un simple cas de vol de cambriolage ou de traffic clandestin. C’était un cas de violation de sépulture. Une affaire inouïe ! Une affaire extraordinaire que jamais ce petit poste de police n’avait eu à régler. Toute la procédure devait être réaménagée. On informa le bureau du camarade chef de poste de ce qui venait de se passer. On arrangea les dossiers éparpillés pêle-mêle sur la table. On ajouta une main de papier blanc en vue d’écrire un procès-verbal. de caractere spécial. On alla jusqu’à remplacer le camarade qui tout à l’heure était assis devant le bureau central par un autre sans doute d’un grade supérieur.

L’interrogatoire auquel était soumise la jeune fille durait toute cette journée. Elle répondait à toutes les questions, elle avouait tout, à tel point que, dans sa declaration, il était également question d’un crapaud écrasé par un coup de pioche et transformé en une masse visqueuse. Le secrétaire qui gribouillait le procès-verbal a presque épuisé la main de papier à format double.

Maintenant, on savait que, depuis deux ans, la jeune fille avait gagné sa vie en exerçant la profession qui consistait à violer les tombeaux. Son père, ayant été un collaborateur du gouvernement fantoche, avait été envoyé en rééducation dans un camp de travail depuis les années soixante et y avait laisse sa peau. Sa mère avait abandonné la famille en se remariant, et était morte à son tour quelques années après. Il restait à la jeune fille deux jeunes frères. Elle a exercé tous les métiers pour les nourrir et les envoyer à l’école. Mais aucun métier ne lui permettait de gagner leur vie, à tous les trois, sauf celui qui consistait a creuser les tombeaux afin d’y prendre des objets qu’elle pouvait écouler au marché aux puces. Tels étaient ses aveux. Et elle paraissait tout à fait naturelle quand elle disait ces vérités.

Selon la demande de la partie plaignante dont le tombeau du mari avait été violé, elie fut détenue en attendant le jugement du tribunal.

Cependant, un mois plus tard, on la voyait reparaitre au marché aux puces. Elle était toute pâle et souffreteuse. Sa santé etait nettement détériorée. Elle se tenait assise, recroquevillée, à l’angle d’un trottoir, derrière quelques boîtes de lait et quelques sacs de sucre. Son casier judiciaire restait vierge, et il lui était loisible de faire le travail de son choix, légalement.

Voici sa déposition devant le tribunal :

“ Notre société est une Société Socialiste, elle préconise le matérialisme et combat le spiritualisme. Seuls les gens encore imbus de spiritualisme pensent que violer les sépultures, c’est porter atteinte à l’âme des morts. Je gagnais ma vie en travaillant de mes propres mains. Je ne vivais aux crochets de personne. Je ne faisais que prendre des objets ensevelis dans de la terre et que la société avait rejetés, éliminés. Bien plus j’ai utilisé l’argent que j’ai ainsi gagné pour élever mes frères et les envoyer à l’école, c’est-à-dire que par ce travail, j’ai cultivé des “germes pour l’avenir” de la Patrie. Pour toutes ces raisons, je suis parfaitement innocente !”

nhât  tiên

texte français de Ly Van

 

 

 

 

 

 

 

Tết Này Anh Trở Về, Hồ Trường An


fbbbhtanpix1mua-thuc-nu-vu-quy

Hồ Trường An

Cô Hai Nguyện săm soi mớ dưa giá trắng phau phau trong chiếc thau nhôm. Cọng giá mập mạp thấy thương hết sức! Điểm vào đó là những cọng hẹ xanh biếc. Tui có biệt tài nấu bất cứ món rau cải nào cũng giữ được màu xanh. Rau lang luộc, rau cải trời luộc, rau giền, mồng tơi, bồ ngót, cao kỷ nấu canh xanh tươi ngăn ngắt. Còn tui mà xào cải bẹ với thịt gà thì màu cải khi chưa vô chảo chỉ xanh có bảy, đến khi ra dĩa nó xanh tới mười, vừa xanh vừa trong, đẹp dễ sợ!

Năm nay cô Hai Nguyện tính ăn Tết tươm tất hơn năm ngoái. Cô đã lựa con cá lóc vừa bự vừa mập để kho chung với thịt bắp đùi, nước kho phải bằng nước dừa xiêm tươi thì cô mới bằng bụng. Có nồi thit cá kho chung đệm trứng luộc để dành ăn với bánh tét hoặc bánh chưng của cô Ký người Bắc thì phải điệu quá rồi, ăn lai rai, ăn hoài hoài tới hạ nêu cũng không ngán. Bánh tét ăn với món kho phải đệm thêm dưa giá, dưa cải hoặc củ kiệu, củ hành ngâm giấm thì mới nổi vị mà không ngán. Bởi vậy cô Hai Nguyện cùng hai đứa con gái lớn, Trang và Hiền, làm đủ thứ dưa. Trang trổ tài làm khéo, mua củ cải trắng, cà rốt, đu đủ xanh để tỉa bông huê, chim bướm trước khi ngâm giấm, coi vừa đẹp lại vừa ngon!

Sáng ba mươi tháng chạp ta, cô Hai Nguyện thở một cái phào, khoan khoái hết sức. Nồi cá thịt cùng trứng luộc kho chung đã xong. Cô còn làm thêm nồi giò heo hầm với măng, nồi khổ qua dồn thịt bằm với bún tàu, nấm mèo nước trong leo lẻo, niêu tôm kho tàu nước gạch đỏ ối…Chiều nay cô mới mổ gà nấu cháo kèm gỏi gà trộn bắp chuối, rau răm để cúng rước ông bà.

Cô Hai Nguyện đã lau chùi, quét tước nhà cửa, bàn thờ ông bà. Lư hương, chân đèn, mâm cổ bồng đã đánh sáng loáng. Trên vách, cô treo bộ tranh tứ quí màu sắc tươi rói. Trên các cột hàng ba, cô dán liễn bằng giấy hồng đơn, chữ thảo mực tàu đen lánh. Năm nay cô chỉ mua một cặp cúc vạn thọ màu hoàng yến, một cặp mồng gà lưỡi búa đỏ để bày trong sân. Bánh phồng, bánh tráng, bánh tét thì đã có má cô là bà Hương kiểm Thiện ở chợ Trường An cho ê hề. Còn mứt thì cô mua ở chợ Vĩnh Long. Hai hộp mứt hình trái tim gói giấy trang kim lấp lánh cài cái nơ sa-teng hường coi mê quá! Trong hộp, mứt củ cải và mứt bí như giồi phấn, mứt khổ qua tươi nước cốt cỏ rồng chầu xanh như cẩm thạch, mứt cà-rốt màu gạch mới, mứt cà-chua đỏ như son tàu, mứt nào cũng khéo ơi là khéo, bỏ tiền ra mua giá phải chăng, tội gì mà làm cho mệt để lãnh cái thua sút, thô kém!

Dữ ác! Năm nay không hiểu ông ứng bà hành gì mà cô Hai Nguyện phấn khởi đón xuân như vậy? Năm năm qua, thằng bảy Huỳnh Kim Báu, thằng chồng trời đánh thánh đâm của cô đã bỏ nhà theo vợ bé, trôi nổi ở chơn trời góc biển nào rồi. Hễ cở mười năm mà nó không về, hoặc cô không tìm được tung tích nó, thì cô đành lấy cái ngày nó ra đi để làm đám giỗ. Thây kệ, ai quấy ai sai có trời cao đất dày, có nước mây cây cỏ chứng giám. Thằng Bảy kia dù gì cũng là tía của lũ con cô. Bên chồng cô kể từ khi biết nó ăn ở tệ bạc với cô, họ đâm ra thương mến cô. Bởi đó tuy giận nó, cô vẫn không nỡ để lũ con cô quên nguồn cội, tổ tông.

Năm năm qua, một thân đàn bà yếu đuối, cô Hai Nguyện vẫn phải đảm đương mọi việc mưu sinh. Cô mua lúa đem tới nhà máy chà gạo rồi đem gạo ra bán ngoài chợ. Con Trang vừa học xong đệ lục phải bỏ học ngồi trước rạp hát bóng Lạc Thanh bán quà vặt như cốc, ổi, xoài dầm chua, me ngào đường…Con Hiền thì ở nhà coi việc bếp núc, dọn dẹp. Chỉ có thằng Đức được đi học. Nhờ trời thương Phật độ, má con cô lần hồi đủ ăn. Tối tối Trang đi xuống cầu Cái Cá học nghề luôn áo vắt sổ nơi cô Tám Kim Chi, em kế ba nó. Tới năm ngoái, bà nội nó mua cho nó cái máy vắt sổ để nó trả góp. Nhờ luôn áo khéo, vắt sổ tính giá phải chăng nên nó có khá nhiều khách hàng.

Năm nay con Trang mười tám, sáng đẹp như trăng rằm. Con nầy lanh lợi, biết phải quấy, ăn nói mực thước, lớp lang nên được lối xóm mến yêu, bạn bè trang lứa nể nang. Còn con Hiền mười lăm tuổi mà khờ khạo lắm! Nước da nó trắng hơn con Trang, vóc vạc thanh cảnh, thân hình đã bắt đầu dậy mẩy. Chiều chiều nó ưa mượn cáo quần xăng-đầm của cô Hai Nguyện mặc vào rồi kéo quần lên tới ngực buộc chặt, nhảy xuống cái đìa bên hông nhà tắm lội đùng đùng như cù dậy. Một hôm ngủ đêm sáng dậy, nó thấy máu từ quần loang ra ướt mền, ướt chiếu, nó hoảng hồn gọi cô Hai Nguyện, mếu máo kể lể:” Má ơi, con hay tắm đìa nên chắc đĩa chui vô người con làm ổ, máu me nhểu tùm lum đây nè!” Cô Hai an ủi: “Hễ làm đờn bà con gái, tới tuổi dậy thì là mỗi tháng máu tuôn ra rỉ rả như vậy đó, không sao đâu con”.

Nhìn hai đứa con gái, cô Hai Nguyện tự hào, nhủ thầm: “Tui không được đẹp nên không giữ nổi thằng chồng mắc dịch, bị nó phụ bạc bỏ lăn bỏ lóc. Bù lại, tui được bầy con hiếu hạnh, ngoan ngoãn. Con Trang sắc sảo, con Hiền đoan trang, thằng Đức siêng năng, tuy giống ông già nó như đúc nhưng thằng tía nó mặt mày dúc dắc, lẳng lơ bao nhiêu thì thằng con nghiêm trang, đằm thắm bấy nhiêu.

° ° °

Từ ngoài đầu ngõ, Trang và Hiền la chói lói:

– Má ơi, ba dìa! Ba dìa má ơi!

Cô Hai Nguyện đang ngồi xắt su hào, vụt đứng dậy, mặt xanh dờn như đờn bà xảo thai. Nhưng cô không nhúc nhích, chơn cẳng như chôn chặt trong đất. Thằng Đức tưởng má nó chưa nghe kịp, nhắc:

– Ba dìa má à. Ba dìa thiệt mà!

Cô Hai Nguyện vụt tỉnh cơn bàng hoàng, ngây ngất. Thằng chồng ôn dịch của tui về? Nó còn dám vác cái bản mặt chai mày đá về đây làm gì? Tưởng nó chết bờ chết bụi, không bỏ xương trong miệng cọp thì cũng gởi thịt trong bụng sấu rồi chớ! Ai dè nó còn xách đít về đây để tui tức thiếu điều trào máu hoè ra khỏi họng. Cô rít lên:

– Thây kệ mồ nó!

Cô ngoe nguẩy ra ngoài vườn, ngồi trên cây sung gie ra mặt ao. Hừ, thằng khốn nạn Bảy Báu, thằng chồng oan gia của cô, năm năm nay đi theo con Tư Mỹ Huệ, chẳng hiểu nó có phỉ chí trong thú yêư đương, hay bị con dâm nương kia hành thân hoại thể? Hồi nó gây gổ, bỏ cô đi theo con Tư, cô hăm he:

– Mầy đành đoạn bỏ tao mà đi theo bợ đít mấy con thúi thây lầy cốt, mai sau mầy vác mặt về đây là chổi nhúng đường mương, chổi dọn chuồng heo tao sẽ quét mầy ra khỏi nhà, biết chưa?

Tên Huỳnh Kim Báu đã mặt trơ trán bóng, bảo:

Con cá buôi quạt đuôi ra biển Bắc,

Bơi dọc lộc ngang, không chắc trở về.

Ôi năm năm qua, ngày ngày cô làm lụng đầu tắt mặt tối để kiếm miếng ăn. Đêm đêm, càng nghĩ tới thằng chồng lòng lang dạ thú kia mà tay chân cô lạnh ngắt, ngực cô nặng trĩu, châu lụy cô tuôn rơi đồm độp:

Cu kêu từng cặp trên cây

Tào khương nghĩa nặng, sao mầy bỏ tao?

Ngồi trên cành sung, cô Hai Nguyện lắng tai nghe tiếng lao xao từ trên nhà vọng tới. Có lẽ chòm xóm tới chào hỏi thằng chồng đi hoang của cô đó mà. Xời ơi, họ chỉ biết nó là thằng hàng xóm dễ thương chớ đâu thèm biết tới cái tánh bạc bẽo, ưa thay đào đổi mận của nó! Còn lũ con cô đó, bởi sợi dây huyết thống thiêng liêng, thấy tía nó về là mừng rối rít. Lá rụng về cội mà! Tụi nó quên tưốt luốt cái thói vô trách nhiệm của tía tụi nó, quên lúc tên Bảy Báu bỏ nhà ra đi, bốn mẹ con đổ mồ hôi hột ra vật lộn kiếm miếng ăn, chơn chạy không bén đất. Đã bao phen đi bán gạo về, thay vì nghỉ ngơi, cô hăng hái ra sở rẩy sau nhà để săn sóc mười luống dưa gang. Tháng bảy âm lịch vừa rồi, cô trúng mùa dưa. Cô bán mớ dưa chín mềm, còn kỳ dư loại dưa cứng cạy, cô bán cho các vựa mắm để họ gài mắm. Vốn là dân làng Tân Ngãi nên cô rất mát tay trồng dưa:

Dưa Tân Ngãi, bự trái dầy cơm,

Dẫu mình không nợ, không duơn,

Tháng bảy, tháng tám mau chơn trở về

Té ra, Tết nầy chồng cô trở về! Cơn giận làm trái tim cô nhảy ạch đụi trong lồng ngực. Thiệt tình cô Hai Nguyện không oán cô Tư Mỹ Huệ. Cô có bao giờ gặp mặt con tình địch nầy đâu! Nhiều lần cô suy nghĩ, biết Bảy Báu là thứ tham thanh chưộng lạ, hết đèo con nọ tới xọ con kia. Cô đã từng nhiều phen trách ai tham giấy bỏ bìa; khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa.. Chồng của cô nếu không dính con Tư Mỹ Huệ vốn là gái điếm chợ Lách, thì cũng rượn theo con Bảy Kim Hoàng ở Cái Nhum, cũng lẹo tẹo với con Mít con Xoài, cũng mê say con Ổi con Lựu nào đó…Trước con Tư Mỹ Huệ, Bảy Báu cũng đã từng cặp xách hết con ngựa bà nầy lại du dương mùi mẫn với con đĩ chó khác. Cô Hai Nguyện đã từng ốm o so bại, mình mẩy mỏng lét, da dẻ xanh chành vì ghen. Ngày tối cô đâu có làm ăn gì cho an ổn được! Cô cứ rình rập để bắt gian phu. Cô hết ghịt tóc lột quần tình địch lại đè đầu đè cổ chồng ngắt véo, đánh vả. Cô phung phí hơi sức chửi bới la rầy chồng tới mỏi miệng rát cổ, ran ngực thốn tim. Chồng cô lúc nào cũng nhịn cô, mặt mày lấm la lấm lét, mắt mũi dớn dác, lơ láo… Vậy mà đời nào nó chừa thói ngoại tình, bỏ tật phong nguyệt cho cô nhờ! Mà cắc cớ thay, ông trời ổng sanh chi cho cô cái tánh lạc lòng. Chồng cô mỗi khi chán mèo hoặc bị mèo đá đít là quay về với cô, dùng giọng kèn tiếng quyển lung lạc khiếng cô xiêu lòng ăn ở với nó, để nó bơm cho cô một cái bầu bự chình ình. Hễ cô vừa đẻ xong là nó đánh lừa đánh đảo cô để đi ve vãn, tò tí mấy con khác rồi quất ngựa chuối bôn đào.

° ° °

Bảy Báu xách chiếc valise bự tổ chảng, tay kia bồng một thằng nhỏ cỡ hơn một tuổi đứng tần ngần trước ngõ. Trang vồn vã:

– Ba vô nhà đi ba, kẻo nắng. Không sao đâu!

Bảy Báu gượng làm tỉnh:

– Ừ, có sao đâu! Nhưng ba nhờ tụi bây năn nỉ má tụi bây dùm ba một tiếng.

Hiền rụt rè hỏi:

– Con của ai đây ba?

Bảy Báu tỉnh tuồng:

– Em của bây đó đa. Ba đặt tên nó là thằng Phước. Má nó chết rồi. Ba vừa làm tuần bách nhật cho cổ hôm qua.

Đứa nhỏ thiệt dễ thương, mập mạp trắng trẻo. Nó giuơng cặp mắt đen huyền như hai hột nhãn, nhìn hai cô gái rồi cười hịch hạc, thấy thương đứt rưột. Trang sốt sắng:

– Ba đưa em cho con bồng. Vô nhà mau đi ba.

Khi bốn cha con vô nhà thì Hiền đòi bồng em lấy hên rồi hun thằng nhỏ chùn chụt. Trang giằng lấy thằng nhỏ, hun ngay cái nọng của nó, đả đớt:

– Mèn ơi, cưng của chị “Chang” thơm “xữa” quá “chời” quá đất!

Hiền xía vô nựng đứa nhỏ, miệng tía lia:

– “Chắng” gì mà “chắng” như dừa nạo, như bông bưởi vậy nè “chời”!

Thằng Phước nhột quá cười sằng sặc. Chu choa ơi, hoàn cảnh côi cút của đứa nhỏ cùng sợi giây huyết thống đã làm hai cô gái yêu thương đứa em khác mẹ của mình tức thời. Hai cô gái giống mẹ ở chỗ ưa con nít. Ba mẹ con hễ rảnh rang là dạo xóm, thấy con ai cũng bồng, cũng hun hít, cũng nựng nịu. Cô Hai Nguyện ưa làm bánh chuối, kẹo chuối để kêu tụi con nít lối xóm lại ăn.

Thằng Đức lỏn lẻn nhìn cha rồi nhìn thằng Phước. Vì nhút nhát, nó không dám tới gần để rờ rẫm hun hít, nhưng nó nhìn em nó bằng cặp mắt sáng quắc vì thèm thuồng coi thiệt tức cười. Bảy Báu buông valise ở góc nhà một cái xạch rồi dựa ngửa người trên ghế, hỏi:

– Má tụi bây đâu rồi?

Đức xớt trả lời:

– Nghe tin ba dìa, má bỏ ra vườn sau rồi. Má cứ bụm mặt khóc ào ào…

Bảy Báu nhìn đứa con trai, ứa nước mắt:

– Đức lại đây!

Đức ngoan ngoãn bước lại gần cha. Bảy Báu vuốt ve con trai, ngậm ngùi:

– Thiệt thằng con tui mau lớn quá! Năm nay con ngồi lớp mấy?

Đức thỏ thẻ:

– Dạ con học lớp đệ thất rồi ba. Con thi nhảy lớp hồi năm ngoái, nghĩa là từ lớp nhứt con thi thẳng một lèo vô đệ thất chớ không cần ngồi lớp tiếp liên.

Bảy Báu đỏ mặt vì ăn năn, hổ thẹn, nước mắt chảy ròng ròng. Sau cùng, anh ta nói vắn tắt:

– Con học giỏi là ba mừng.

Vừa thấy Bảy Báu cà rà trước ngõ, bà Năm Thẹo ở gần bên, cách hàng rào xương rồng, đã lập lờ lập lượn sau cánh cổng để nghe ngóng. Rồi kế đó bà chạy qua nhà thím Năm Én, nhà cô Bảy Ơn rủ họ nhập bọn qua nhà cô Hai Nguyện. Liền sau đó, bà Chín Ích ở đối diện nhà bà Năm Thẹo cũng lạch bạch bước qua, miệng ong óng:

– Bây chờ tao đi với chớ!

Bà Năm Thẹo tuôn vô nhà cô Hai Nguyện trước hết, cười ỏn ẻn:

– Nghe thằng Bảy mầy dìa nên tao rủ chị Chín với mấy con lủng, con lành qua thăm.

Bà Chín Ích nhìn thằng Phước trầm trồ:

– Chèn ơi, thằng nhỏ giống cháu Bảy quá chừng chừng!

Cô Bảy Ơn nói:

– Thiệt tình, chị Bảy khi khổng khi không có thằng con dễ thương quá!

Thím Năm suýt soa:

– Tui nghĩ rằng ông trời thương chị Bảy nên Tết nầy ông lì xì cho chỉ đứa con trai nầy. Con Trang, con Hiền, thằng Đức đều thua nó màu da trắng.

Phút chốc chòm xóm bu tới, ồn ào bàn tán. Cô Hai Nguyện từ ngoài vườn bước vào, mặt trắng bệch như sáp, mắt chau quảu ngút lửa. Cô hét:

– Ai vào đây làm giặc, nổi loạn đó vậy?

Bảy Báu làm tỉnh, đứng dậy:

– Qua đây, em Hai. Bảy Báu, chồng của em dìa ăn Tết với vợ con đây!

Cô Hai Nguyện xáng cho chồng một cái nhìn sấm sét:

– Báu nào? Báo đời, báo hại chớ quí báu gì nà! Mà thôi, nhà tui là nhà mần ăn, không chứa cái phường mèo mả gà đồng, cái quân mèo đàng chó điếm, thầy nghe chưa? Thầy làm ơn xách gói đi chỗ khác, chỗ nào có mấy con dâm phụ chuyên môn cướp giựt chồng người. Thầy còn nấn ná chần chờ thì tui sẽ lấy chổi quét cứt gà, chổi tẩm cứt heo quét thầy xuống đường mương cho thầy coi.

Bảy Báu nhăn nhó:

– Tội nghiệp qua lắm mình ôi. Mình hãy cho qua phân giải đôi lời.

Cô Hai Nguyện nhảy đong đỏng:

– Thầy đã phân giải nhiều lần rồi. Tui cũng đã lạt lòng nhiều quá rồi. Không mình không đầu gì nữa hết! Thầy hãy cuốn gói cho lẹ để mẹ con tui ăn Tết.

Nói được những tiếng thô nhám như đá ong, cứng nặng như đá xanh đó, cơn giận cô hạ xuống, rút biệt một cái rột như nước lọt qua miệng cống.

Bà Năm Thẹo tằng hắng can:

– Thôi cho tao can đi! Mầy cũng để cho thằng chồng mầy phân bua phải quấy đôi lời chớ! Hễ nó vừa mở miệng là mầy nạt nhào thì còn non nước gì!

Thím Năm Én khuyên:

– Hai, em phải nghe lời bác Năm, bác Chín. Chị cũng can em. Bổn phận làm vợ là phải nể nang, ngọt dịu với chồng. Nó dẫu ăn ở quấy với em thì có trời cao chứng giám, có bà con láng giềng chê cười nó. Nhưng nếu em mà gay gắt với nó quá thì té ra em cũng quấy theo nó hay sao? Gắt quá thì nó nổ đa em! Hễ mọi sự nổ tanh banh tét bét thì mụ nội ai mà hàn gắn lành lặn như xưa?

Cô Hai Nguyện quét mắt qua khắp bà con hàng xóm láng giềng. Coi bộ ai cũng có ý binh vực thằng chồng dâm bôn bạc bẽo của cô. Cô nhìn con Hiền bồng đứa nhỏ. Mèn đéc ơi, thằng nhỏ coi giống hịt thằng Bảy Huỳnh Kim Báu quá trời quá đất! Nó ngó cô, hả miệng chim dòng dọc ra cười hịch hạc, bày cái nướu màu hồng tươi vừa nhú mấy cái răng sữa lùn tịt. Chèn ơi, nụ cười nó giống nụ cười tía nó quá chừng chừng! Bởi nụ cười đó mà hồi mười tám năm về trước, cô lén ăn cắp tiền bạc vòng vàng của tía má cô để đi theo tiếng gọi của trái tim. Trái tim cô lúc nào mà chẳng dại dột! Nụ cười đó đã từng hóa giải tủi hờn, căm tức nơi cô mỗi khi thằng Bảy Báu bị mèo đá xất bất xang bang bò về. Cô Hai Nguyện hét:

– Con cái ai đây?

Bảy Báu ấp úng:

– Thì…nó là con của…qua. Qua bồng nó về đây cho em nuôi làm phước.

– Ê, đùng có giỡn nghe cha nội! Cây không trồng, lòng không tiếc; con không đẻ, mẹ ghẻ không thương

Cô Bảy Ơn khuyên lơn:

– Chị Bảy, em khuyên chị bớt nóng. Thiệt tình chị nóng cũng phải, chẳng ai dám trách chị chút nào. Anh Bảy bậy quá, sái quấy lung lắm . Em mà ở vô hoàn cảnh chị, em cũng giống như chị vậy, cũng tức bể ngực rồi hộc máu cả chậu cả vịm chớ không vừa. Nhưng mà xin chị suy cho cùng, nghĩ cho cạn. Nếu chị nóng quá mất khôn, làm cho gia cang xào xáo thì tụi nhỏ khốn đốn, gẫm có ích lợi gì đâu! Xin chị cho ảnh ăn năn chuộc tội.

Cô Hai Nguyện rống lên khóc:

– Đây đâu có phải lần đầu nó vác mặt mo mặt thớt về đâu? Tui nuôi nó lúc nó thất cơ lỡ vận để rồi khi sung sức mập thây, nó xách đít đi đép bậy cho ốm o so bại, thân tàn ma dại rồi mới trở về. Một lần, hai lần thì còn bỏ qua được, chớ lần nầy thì nhứt quá cửu, quá thập rồi chớ đâu phải quá tam! Nó đội vàng cả thúng, hột xoàn cả tráp về đây tui không ham nữa là!

Bà Chín Ích xía vô ỉ ôi:

– Con vợ thằng Bảy nè. Con phải nghe lời má Chín lần nầy. Chồng con trở về đây tốt tươi phi mỹ chớ không te tua bèo nhèo, không rách rưới đói khát. Nó ăn bận như thầy thông thầy ký ở đất thầy-gòn đó con. Nó về đây chắc có duyên cớ gì đó chớ không phải mong nhờ hột cơm của con đâu! Vợ chồng bây có thể hiểu nhau, chớ người ngoài làm sao tỏ tường trong đục! Vậy con gắng nuốt giận, nghe nó cạn phân bày giải. Má Chín khuyên con đùng tỏ ra lấn lướt với kẻ lép vế, thất thế hơn mình. Không nên đâu con!

Thấy chưa? Chỉ vừa thấy thằng nhỏ mà coi bộ bà con lối xóm đều ngã rạp về phía tên Bảy Báu hết trọi. Họ thấy đứa nhỏ mồ côi mồ cút chớ họ làm sao thấy lúc cô canh khuya trằn trọc, tủi phận bị chồng chán, chồng chê, não nề lo gánh mưu sinh cho bầy con dại? Té ra tên Bảy ó đâm nầy sanh ra để được thương yêu dung thứ. Còn cô sanh ra để làm nạn nhơn của nó cho tới tim bảy lỗ héo khô, gan bảy lá héo hắt mà người ngoại cuộc đương thèm biết tới.

Bỗng đứa nhỏ bị con Hiền ôm chặt khóc ré lên. Thằng Đức vụt chạy lại ôm tía nó, khóc rống:

– Ba ơi, ba đừng đi đâu hết! Má ơi, má đừng để ba bồng em cho bà phước xóm đạo nghe má! Em con dễ thương quá má à!

Mấy bà lối xóm cùng khóc ngon khóc ngọt theo thằng Đức.

° ° °

Khi lối xóm về hết, cô Hai Nguyện xuống bếp bắt con cá lóc rọng trong vịm ra cạo vẩy. Cô hỏi Trang:

– Tía mầy đâu rồi?

– Ông Năm Thẹo mời tía qua cụng ly bên bển rồi.

– Còn con Hiền đâu?

– Nó bồng thằng Phước qua nhà thím Năm Én mượn cái bình sữa và núm vú cao su.

Cô Hai Nguyện trề môi:

– Tía mầy là thứ đờn ông hư thúi. Vừa về tới nhà là liệng va-ly cái xạch nên bình sữa mới bể hai bể ba như vầy….

Bảy Báu chỉ dám nhậu sương sương với ông Năm Thẹo rồi lật đật trở về nhà kẻo vợ quở, vợ rầy. Cô Hai Nguyện và Trang lo nấu, dọn cơm trưa. Cô dặn cô trưởng nữ của minh:

– Con lên nhà trên mời tía con rửa mặt, thay đồ mát đi. Cơm nước xong, con nhớ gói bánh tét, bánh dừa để tối nay má luộc. Chút nữa má ra chợ Vãng mua bình sữa, xà bông, khăn lau,thau chậu cho thằng Phước.

Hiền mượn được bình sữa, bồng em về nhà. Cơm canh chưa xong nhưng cô Hai Nguyện đã dọn chén, bày bàn sẵn. Cô rửa tay sạch sẽ, bồng đứa nhỏ. Thằng nầy dễ thương thiệt mà. Cô vừa bồng nó là nó rúc đầu vô ngực cô làm cô bồi hồi xúc động. Nó lại cười tít toát, thấy ghét hết sức! Nhưng cô Hai Nguyện chưa hun nó liền đâu. Cô tự hỏi mình có thể yêu thương nó thiệt tình không? Cô chưa biết mặt má nó lần nào. Cô chỉ có thể hình dung má nó qua khuôn mặt của những tình địch khác: mắt con nầy, mũi con kia, tóc tai con nọ, hình vóc con khác nữa…Mà lạ dữ! Thiệt tình cô chẳng ghét con nào hết. Bao nhiêu việc oan trái cũng do cái tánh chuộng trăng hoa, ưa đào đĩ của tên Bảy Báu mà ra. Nếu nó không có tâm địa uốn éo ruột rồng, lòng vòng ruột rắn, lắn quắn ruột dê thì chẳng có con nào có thể nhảy vào cuộc sống lứa đôi của cô để ăn mót hoặc cướp giựt hạnh phúc của cô được hết. Bởi chồng cô già không bỏ, nhỏ không tha, tươi như hoa nó liền mê lú, xấu như ục cú nó cũng say sưa…như vậy thì con đờn bà nào cũng có thể để nó dê, nó nịch ái ráo trọi. Nhưng mà trời ơi, dù cô đã khóc cả thùng, cả thau, cả xô nước mắt vì sự bạc bẽo của chồng, nhưng lòng cô vẫn sẵn sàng dọn một chỗ tha thứ đợi ngày nó trở về.

Trang làm bình sữa xong, đem lại mẹ. Cô Hai Nguyện cho thằng Phước bú. Và khi bình sữa chưa cạn thì nó đã ngủ khò, miệng thỉnh thoảng mỉm cười. Cô Hai Nguyện đặt nó lên vạt tre trải chiếu đậu, rồi đắp mền mỏng lên tận ngực nó. Thằng Đức cứ cà rà bên em ngắm nghía, lâu lâu hun lên đôi má măng sữa của nó.

Bảy Báu rửa mặt chải đầu, thay đồ mát xong. Biết là vợ bớt cơn thịnh nộ, anh ta giả bộ ra sàn nước rủa chơn rồi mang guốc lóc cóc tới bên vợ nói nhỏ:

– Mình! Bảy Huỳnh Kim Báu, chồng mình dìa với mình đây nè, mình.

Cô Hai Nguyện quắc mắt khi thấy Bảy Báu chờn vờn muốn ôm mình:

– Anh chớ rớ tới tui. Anh mà xáp lại gần là tui tri hô anh muốn ám sát tui, nói cho anh biết.

Bảy Báu tha thiết:

– Mình ôi, anh dìa đây là quyết lòng trụ luôn bên mình cho tới mãn đời suốt kiếp. Anh đã chán ngán việc mèo đàng chó điếm rồi. Khi má thằng Phước lâm chung có dặn anh quay về với mình vá bắt anh thề dứt bỏ chuyện én anh, ong bướm để tạo dựng nghiệp nhà.

Cô Hai Nguyện trề môi:

– Nói dóc! Con Tư Mỹ Huệ đó mà kể số gì tới tui. Đừng có xạo nghe cha nội! Con này ăn cơm bảy phủ, dạo đủ khắp nơi, nó đâu có khờ như anh tưởng!

Bảy Báu giọt dài giọt vắn:

– Má thằng Phước không phải là cô Tư Mỹ Huệ đâu!

Cô Hai Nguyện chưng hững:

– Ủa! Vậy chớ con nào?

Bảy Báu kể vắn tắt:

– Khi qua đưa cô Tư Mỹ Huệ lên Tân Châu lập nghiệp thì cổ tình cờ gặp lại thằng chồng cũ. Ông bà mình thường nói : “Vợ chồng cũ không rũ cũng tới” nên cổ đành đoạn bỏ qua để về với thằng cha đó. Cả hai dắt nhau qua Hồng Ngự mần ăn. Riêng qua thì dẫu gặp cảnh xất bất xang bang thì cũng không còn mặt mũi nào về với mình. Qua nhờ nghề chích dạo kiếm ăn rồi gặp má thằng Phước tức cô Hai Lành con gái thầy Hương quản Nên…Cổ làm cô mụ vườn mát tay lắm, tiền kiếm bộn bàng nhưng duyên số hẩm hiu nên mãi ba mươi ngoài mà cổ còn ở giá. Cùi mít trôi lên gặp cùi thơm trôi xuống, cả hai gá nghĩa bậy với nhau mà ăn nên làm ra. Bởi qua xử tệ với mình nên trời không cho qua hưởng trọn cảnh êm ấm với cô Hai Lành cho tới mãn kiếp. Đẻ thằng Phước xong một tháng là cô Hai đau dây dưa gần một năm rồi nhắm mắt qua đời…

Món canh chua cá lóc với bạc hà do Trang nấu ngon dễ sợ. Trong bữa cơm trưa hôm đó, Bảy Báu hỏi han vợ con đủ thứ.

Hiền mặc cái áo lụa màu hoàng yến, đeo sợi giây chuyền bướm lóng lánh, dịu dàng bảo mẹ:

– Má cứ ở nhà hủ hỉ với ba, con đón xe ngựa ra chợ Vãng mua sắm vật dụng cho thằng Phước. Con có nấu nước bồ kết và hái chanh cho má gội đầu.

Cô Hai Nguyện ôn tồn:

– Con nhớ mua phấn trị sảy, xà bông thơm, rượu chổi cho em con. Về sữa, con nhớ mua sữa hiệu Con chim chớ đừng mua hiệu khác. Nhớ mau về nghe con. Má cần đủ thứ bộ vận để tắm rửa cho nó.

Khi thằng Phước thức dậy, thằng Đức giành bồng em đi dạo xóm. Cô Hai dặn dò:

– Nhớ đừng bồng em ra chỗ nắng nôi, gió máy mà nó ấm đầu sổ mũi nghe hôn con!

Rồi cô dặn Trang:

– Con Trang nhớ làm gà nấu cháo và trộn gỏi bắp chuối để ba con rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Tối nay con nhớ ủi quần áo cho cả nhà. Cúng tất, hạ nêu xong, má sẽ đi chuộc bùa trừ tà tróc quái cho em con ăn chơi, mau lớn.

Tết nầy cô Hai Nguyện mua xấp lụa cẩm vân màu cánh sen, xấp lụa hồng đào để may áo dài cho Trang. Cô mua xấp cẩm nhung màu hoàng yến và xấp nhiễu tím may áo dài cho Hiền. Còn thằng Đức, cô sắm cho nó chiếc quần tây bằng nỉ xám, áo sơ-mi trắng bằng tít-so và đôi giày xăng-đan.

Sực thấy chồng cứ theo tò tò bên mình, cô hỏi:

– Còn ông tía non nầy, ông uống trà hay ưống cà-phê thì nói một tiếng cho tui biết để tui làm?

Bảy Báu cười mơn:

– Mình cho gì thì uống nấy.

Cô Hai Nguyện nguýt chồng rồi lủi xuống bếp, lầu bầu lẩm bẩm:

– Cái thứ trời đánh thánh đâm như anh, uống nước cống, nước đường mương mới đáng, ở đó mà uống cà phê, uống trà…

Nói vậy, nhưng cô vẫn pha một tách cà phê cho chồng và không quên pha thêm một bình trà Xiểu Chủng.

Xế xế, cô Hai Nguyện gội đầu bằng nước bồ kết vàn nước cốt chanh tươi. Hôm nay là ngày ba mươi tháng chạp, cô Hai Nguyện theo thường lệ, tắm rửa và gội đầu để xả xui.

Bữa cơm chiều, vì để mừng ngày phu thê tái hiệp, cô Hai Nguyện làm thêm vài món nhậu tươm tất cho chồng như nem cá cơm ăn với thịt phay, bún, rau sống; như gỏi sứa tôm thịt…

Tối hôm đó, Trang và Hiền tình nguyện thức canh nồi bánh tét, bánh dừa cùng nồi luộc đầu heo, lòng heo.

Vợ chồng lâu ngày tái hiệp, ân ái thiệt mặn nồng. Thằng Đức nằm ngủ ở vạt tre kê giáp tấm vách ngăn buồng cô Hai, nửa đêm thức giấc, nghe tiếng lào xào của cha mẹ.

Tối hôm nay, cô Hai Nguyện mặc chiếc áo bà ba lụa tím, quần lãnh trơn cặp lưng bằng nhiễu màu hường cánh sen, chơn đi guốc sơn đen. Khi cô ra ngoài đường thắp nhang, cúng nước trở vào thì thấy Bảy Báu mở valise lôi ra một cái gói vuông bọc mo cau. Anh ta mở gói, bày những phiến vàng lá, bảo vợ:

– Bốn chục lượng vàng đó. Xứ Tân Châu dễ làm ăn hơn ở đây nhiều. Qua tặng mình hết để làm vốn, đặng cho hai đứa con gái mình rảnh rang kiếm cách học thêm.

Cô Hai Nguyện nhìn sững chồng rồi gói vàng lại, cẩn thận cất vô tủ. Cô nhỏ nhẹ:

– Mình cứ ngủ đi. Em sửa soạn cúng giao thừa đây.

Giao thừa tới. Pháo chuột, pháo tre hàng xóm nổ vang. Thằng Phước giật mình khóc ré. Cô Hai Nguyện cúng kiếng xong, lại bồng nó, dỗ nó ngủ lại. Bảy Báu ăn mặc chỉnh tề, bước ra phòng khách, bảo vợ:

– Mình kêu sắp nhỏ ăn mặc đàng hoàng để mừng tuổi vợ chồng mình.

Bảy Báu lì xì cho Trang chiếc kiềng chạm, cho Hiền chiếc kiềng trơn kèm chiếc nhẫn nhận hột cẩm thạch hình hột dưa. Thằng Đức thì được chiếc đồng hồ đeo tay.

Trước khi xuống bếp vớt bánh tét dừa đặt vào rổ cho ráo nước, Trang hỏi mẹ:

– Năm nay con gì ra đời vậy má?

Cô Hai Nguyện trầm ngâm:

– Má chẳng nghe con gì ra đời hết! À, lúc giao thừa, em con giựt mình khóc om sòm. Vậy là con trống ra đời đó. Con trống nầy tên Phước, tức nhiên nó đem phước tới cho nhà mình.

Khi trở về buồng, Bảy Báu ôm chặt vợ vào lòng. Anh ta thấy giờ đây vợ mình mặn mòi quá cỡ, môi má đỏ au chớ không xanh xao như chầu xưa. Anh ta ứa nước mắt:

– Kiếp trước chắc anh tu kỹ nên kiếp nầu được trời ban thưởng cho một người vợ hiền như mình.

Cô Hai Nguyện nguýt:

– Xạo vừa vừa chớ! Em đã bao phen bầm dập bởi lời ỏn thót của mình rồi. Mình về đây được…

Cô toan nói rằng mình về đây được ngày nào là em mừng ngày đó, nhưng cô ngưng ngang vì đó là câu nói gở, gây điềm xuì xẻo. Cô nằm bên chồng, cất giọng ngọt lìm lịm:

– Ra giêng, mình nhớ đem hình má thằng Phước hoạ lớn để thờ. Em muốn vong linh má nó theo phù hộ cho nó mạnh khoẻ, ăn chơi….

Hồ Trường An

Previous Older Entries

Chủ Biên: Người Tình Hư Vô. huvoanxuyen@yahoo.com.au