Lan Man Buổi Chớm Thu, Tạp ghi Đặng đình-Túy


DangDinhTuy1  duongtadidangdinhtuy

(Chân dung và tác phẩm của Đặng đình-Túy)

Đặng đình-Túy, sinh năm 1939 tại Tuy Hòa .Trước, dạy học rồi tham gia chiến sự; sau, trốn cải tạo. Hiện ngụ tại miền đông nước Pháp.

(Nguồn: http://www.gio-o.com/DangDinhTuyLanManChomThu.htm)

Đặng đình-Túy

Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa là đến 21 tháng 9, ngày đầu thu. Trời ở đây cao hẳn lên và xanh hơn, trong hơn. Ngoài vườn lá vàng đã rụng bộn rồi, nhất diệp lạc đã là thu mà đây thì vạn diệp lạc. Dấu hiệu của thu là một thứ không khí lắng đọng, bồi hồi ; dường như có cả một chút thanh khiết.

Mùa thu ở miền đông bắc Hoa-kỳ thật thơ mộng. Từ mạng Virginia đi ngược lên hướng bắc nơi nào rừng cây cũng loang-loáng-long-lanh-lung-linh-lênh-láng vàng nếu chưa kịp ngã ra màu chín. Khi hãy còn là mùa hè thì chúng lục thẫm nay biến ra mầu vàng và đỏ, gam đỏ ấy nếu có ý định dùng cọ phết lên mặt vải chắc phải trộn bằng loại bột mầu đỏ cadmium pourpre pha thêm một chút ocre chăng để có được thứ mầu gọi là mầu thu Tiên Điền trong cảnh chia tay chàng nàng, rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. “Muse” của tôi có cách nhìn thi sĩ hơn nhiều, tôi chỉ việc chép lại lối mô tả ấy: “phải đứng trong rừng thu khi lá trở vàng mới hưởng thụ được cái đẹp của ánh sáng lọc qua màn lá. Ta sẽ có cảm tưởng đang lội trong vùng hào quang, ánh sáng màu vàng chanh, giọt nắng liếm từng gốc cây màu hồng lóng lánh như kim tuyến nhưng khi chúng tràn lên những nền trắng của nóc nhà thờ hay các phiến đá thì chúng trở thành những giọt mật ong rót lên lớp kem sữa”. Nghe vừa ngon vừa đẹp bắt phát thèm. Mà quả đúng vậy, mầu vàng nắng bớt rực rỡ mà ngã ra vàng chanh, còn màu trời thì vừa trong vừa xa. Càng trong thì lại càng xa lăng lắc. Thiên nhiên có cách biểu lộ giống con người: khi muốn đe dọa thì kề sát mặt để mình sợ chơi (bầu trời lúc giông tố bão bùng bao giờ cũng sà thấp thiếu điều muốn chạm vào ta) thế mà khi vui khi đẹp thì lại đỏng đảnh giang xa.

he1bb93-trong-re1bbabng1

Thằng tôi là đứa bé được sinh ra ở miền trung chỉ thấy mỗi cái lá bàng là có hơi nhuốm đỏ khi mùa về. Những cây bàng ven bờ biển Nha trang chẳng hạn bắt đầu từ mảnh công viên nhỏ xíu giữa tòa hành chánh tỉnh và ty bưu điện kéo dài xuống đâu cỡ Grand Hôtel là dứt. Vài cây bàng, một ít lá đổ rải rác, mặt biển xám đầy sóng bạc, mấy cây dừa lao xao trên con đường vắng người; khi thiên nhiên cau mặt thì con người chuồn đi vui chơi chỗ khác vì cũng chẳng đẹp đẽ gì mùa thu miền trung khô cằn. Mãi đến khi có được cơ hội đến xứ người thì lại chọn nhầm vùng biển xanh. Mặt trời ở đây dư thừa hào phóng như bên đất tổ, thành ra cây cối không chịu vàng. Ngày xưa hát Mùa Thu Cho Em Ngô Thụy Miên dưới trời đổ lửa Sài gòn, và mỗi khi thấy vài đợt mây kéo ngang là vội vã khoác áo ra đi… giang hồ trên phố Lê Lợi mà tưởng tượng là thu. Bây giờ nơi này cũng vậy, dù lạnh nhưng thiếu vàng thiếu nâu chỉ có xanh lục miên viễn. Cho nên vì không nhìn được mầu thu thì lắng nghe tiếng thu vậy. Tiếng thu ra sao? Tiếng thu của tôi là tiếng kêu của chú cò cô đơn lưu lạc. Lẽ ra chú phải về vùng đông bắc kìa nơi bà con anh em chú nhận làm chốn tạm dung. Họ nghểu nghến trên những mái ngói xuôi xuội để tuyết bớt đóng dày và chọn lập tổ bên cạnh những ống khói lò sưởi ấm áp nơi ấy thế hệ tương lai sẽ chào đời, mọc đủ lông đủ cánh thì vừa xuân tới để kịp lân đầu tháp tùng họ hàng làm chuyến viễn du. Khoảng qua tiết thu phân, trong một buổi chạng vạng nào đấy, chú trở về kêu lên vài tiếng, tiếng kêu vang vọng một vùng trời khiến bọn bồ câu hoảng hồn bay tán loạn. Chúng chưa hề thấy ông bạn đồng chủng nào mà to khiếp vậy. Chú có vẻ quyến luyến vườn tôi vì giữa vô vàn những hoa chăm, cỏ xén và những hồ tắm trong trẻo phẳng phiu, chú bổng có thiện cảm với hồ cá tôi có bụi bờ lau sậy chằng chịt lại nhởn nhơ mấy con cá đỏ lội ngược lội xuôi. Chú sà xuống, mang bộ dạng triết nhân nhưng thình lình ra tay thảo khấu, thò mỏ gắp thử một chú cá mắt lồi. Bọn ngư chất long văn này hoảng hồn lặn một mạch xuống đáy. Cùng lúc ấy tay lính canh nhỏ bé của tôi lần đầu trông thấy tên xâm lược khổng lồ sợ quá vừa sủa ăng ẳng vừa tìm cách thối lui vào sào huyệt định làm kế tử thủ. Còn tên xâm lược thì đâm buồn tình lấy lại dáng triết nhân, ngoẹo đầu tư duy một chốc rồi uể oải cất cánh, bóng rợp cả góc vườn. Mặc thái độ không chính đáng của chú, đối với tôi chú vẫn là sứ giả của mùa thu. Có một năm sứ giả rủ rê được một nàng, họ chắp cánh bay đi bay về có lúc đậu lên cành ô liu trăm năm tuổi trông hài hòa ấm áp. Tưởng họ mãi mãi vợ chồng đầu bạc răng long bên nhau ai ngờ năm sau chàng trở về một mình không thấy nàng bên cạnh. Mùa thu thành thử chỉ còn một nửa.

Nhà soạn nhạc Trần Đình Quân viết về xứ Huế rằng đấy là miền “có nắng hạ giữa mùa thu, mây khắp trời giữa mùa xuân”, nghe nói vậy tôi đoán ông phải là người Bắc vì chỉ người ở miền Bắc Việt-Nam mới biết được bốn mùa rành rọt, nơi thiên nhiên tạo mùa nào ra mùa nấy không lộn xộn như miền nam chúng tôi. Tôi tương tư miền Bắc xứ mình; chắc nơi ấy phải đẹp lắm, tiếc chưa có dịp đi thăm để biết thế nào là đoản khúc thu Hà Nội –lẽ ra thì trường khúc mới phải, cứ riêng cặp Đoàn Chuẩn-Từ Linh đã sản xuất đủ trường khúc thu rồi chớ đừng chờ đến ai khác. Ở miền Nam, nhạc Ngô Thụy Miên cũng là một trường khúc thu khác mang từ ngoài Bắc vào. Một cách ngây thơ ta tưởng tượng rằng có “em bé” và có mùa thu đẹp thì ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ. Tôi vẽ. Anh ngâm. Em hát. Nếu chịu lục soạn kho nhạc của chúng ta nhạc tình chắc chắn chiếm đa số, còn nói đến mùa nào được các nhạc sĩ ca tụng nhiều nhất thì chắc chắn là mùa thu; mang hai cái đó làm bài tính cộng, sau dấu thành sẽ cho vô vàn đáp số đẹp đẽ, mê hoặc. Thuở thanh xuân, một buổi chiều nhạt nắng hoàng hôn khi lửa Sài Gòn đã bớt nung nấu, ngồi trong quán kem Hà Nội khoảng giữa Khai trí và rạp Rex nghe bản Thu Vàng Cung Tiến, tôi tưởng mắt nhìn thu Hà Nội của Đoàn Chuẩn chắc cũng bắt gặp cỡ chừng ấy mùi mè hương hoa chứ không hơn được. Những cảm xúc xuân xanh cũng có khác đi so với cảm xúc già nua: ngày nay lần đầu nghe câu có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn, trúng phóc tâm tình, đâm choáng váng cả mặt mày, tôi lần mò tìm ông Trần Quang Lộc lại phát giác ra thêm một ông Tô Như Châu. Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ? Từ dạo người đi… Con người trong ấy, đối tượng của nhớ thương, không rõ nét; mà ngay nỗi nhớ thương cũng không rõ nốt. Mà không biết chừng nhờ cái mập mờ đó ta nghe ra lại hay thêm chăng? Cái “em” ở đây khá tượng trưng; không biết em là em hay không phải là em nhưng dù sao nội phát âm được cái từ ngàn năm nhiễu loạn hồn người –dù già hay trẻ– ấy cũng đủ rồi. Đủ làm nên bồi hồi. Ủa mà ta nói bậy không à! Tâm hồn con người dù trẻ dù già vẫn một, cái tâm đắc kể trên chỉ làm rộng thêm chứ nào có làm cho khác đi.

Tôi cho rằng cảm quan trong nghệ thuật không phải là một cảm quan đã được định vị mà là cảm quan của hoàn cảnh. Thời chiến tranh cũng một thằng tôi mà khi về thành phố thì chỉ chịu nghe những Trịnh những Từ những Cung những Vũ vậy mà khi ra ngoài trận địa thì Sương Trắng Miền Quê Ngoại, Xuân Này Con Không Về, Tình Thư Của Lính… nghe ra lại gần gũi hơn tựa như được ôm người tình chất phác áo cộc khăn rằn. Nhạc mẫu tôi không ưa cải lương nhưng bà kể rằng có lần nghe anh kép ngân nga “cuộc tương phùng ngắn ngủi lắm người ơi” thì bà khóc ròng. Như vậy có nghĩa là một sự trùng nhập hoàn cảnh: ai trong chúng ta không một lần cảm thấy cuộc gặp gỡ nào đó đã quá vội vàng? Điều phỉ báng đau đớn hơn là ngày nay không biết kẻ đầu tiên nào đã gán cho chữ “sến” –nhạc sến, và dựa vào đấy để phân loại nhạc, một bên là loại …cao và một bên thấp nhưng thấp và cao như thế nào thì chẳng có tiêu chuẩn rõ ràng. Nhạc sĩ Thanh Trang trong chương trình Ca Khúc Việt-Nam trên đài VOA cũng có đề cập đến điều đó mà theo ông không phải vấn đề giai điệu mà là ca từ. Thiển nghĩ ca từ cũng chưa chắc lắm. Ngay cả tay phù thủy ngôn ngữ được bạn đồng nghiệp ca tụng vì đặt lời “dễ như lấy chữ từ trong túi” thì hồi đầu cũng hơi cầu kỳ khó hiểu nhưng sau ông cũng dần dần viết giản dị. Nào thử tìm một câu may rủi, “tôi như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài” (Tự tình khúc) có gì trau chuốt khó hiểu đâu? Cái khó hiểu, nếu có, nằm trong ý tưởng, trong chủ đề, loại chủ đề mang tính siêu hình (ý nghĩa đời sống, cái chết, cái vô thường, cái bất biến) không phải trong từ ngữ. Tất nhiên khi viết rằng “đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn” thì quả có hơi nôm na nhưng hãy nghe cho trọn bài ca và nguồn hứng để rốt lại tự hỏi bài ca có làm ta xao xuyến không; nếu ừ thì kể là đã đạt rồi đấy, “tới” rồi đấy, đòi chi hơn. Nhạc sĩ Trúc Phương viết Tàu Đêm Năm Cũ có những câu “trở gót bâng khuâng tôi hỏi người đêm nay buồn không, gió đêm nay lạnh không”, hoặc “trong giây phút này tôi ao ước sao nằm trọn vào tay nhau”… những tình cảm gần gũi chí thiết đôn hậu như vậy không đủ làm người nghe cảm động sao? Trịnh Công Sơn chẻ nhỏ tình yêu lật đủ trăm chiều nên lâu dần ông phải sáng tạo ngôn ngữ ý tưởng để diễn đạt cái muôn vẻ muôn chiều ấy trong khi kẻ khác chỉ nói đến một khía cạnh nhưng điều đó không nhất thiết là tiêu chuẩn định giá. “Chẳng thà không gặp thì thôi, gặp rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn” lời than dân gian được thốt lên giản dị như vậy đó liệu bạn có cho nó là sến không khi gặp hoàn cảnh tương tự bạn nghe rưng rưng trong lòng? Không phải dễ viết những lời giản dị, nhiều khi để có những lời ấy ta phải đổi bao nhiêu máu thịt và nước mắt.

Tôi sắp nói đến một bản nhạc thu mà tôi nghe nhiều bận trong những ngày chớm thu này. Trịnh Công Sơn đã một lần bảo rằng khi ta hát một bài tình ca là ta hát cuộc tình mình. Vậy thì tôi hát đây, Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển. Nếu tôi không lầm thì ngày trước tôi biết tên vị này với tư cách là một nhà thơ, bẵng đi một dạo truân chuyên gió bụi, người thành kẻ soạn nhạc. Nhạc rất gợi cảm. Lời ca lãng đãng bay bướm thích hợp với nhạc nhưng nếu là bài thơ thì sẽ trở nên tầm thường vì khá nhiều sáo ngữ, lập ý khiến chỉ nội hình ảnh đồi sim mà mỗi người nghe liên tưởng về một hình ảnh khác nhau. Liệu có phải cây sim của đói lòng ăn nửa quả sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương hay sim của nhà thơ thất tình : Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau/Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau/Chờ anh dưới gốc sim già nhé/Anh hái đưa em đóa mộng đầu? Còn hoàng hạc thì phải chăng hoàng hạc Thôi Hiệu? Hay hoàng hạc chỉ tượng trưng giản dị của một hình ảnh thân yêu đã mất? Dù gì đi nữa ca khúc vẫn làm mềm lòng người nghe, được chuyên chở bởi giọng hát vút cao (cao đến nỗi có khi mình đâm lo muốn buộc một sợi dây giữ chặt đầu mối nốt nhạc cao nhất kẻo nó bay mất như con diều) của Bằng Kiều hái dâng người một đóa đẫm tương tư. Chao ơi, tương tư đẫm ướt, tương tư tựa sương cứ đêm khuya lại rịn ra không biết bao nhiêu là giọt thủy ngân.

Ngẫm ra mùa thu và người tình có chỗ tương đồng, chỉ lâu lâu mới ló mặt trêu ngươi chút xíu rồi lặn mất. Không biết người tình có vậy không chứ mùa thu thì quả thật là bất thường. Mà chẳng phải là mùa nữa, chỉ là khoảng ngắn thời gian –một giờ một phút một giây nên phải nói là một giờ thu một phút thu một giây thu mới đúng. Thu rất đàn bà, rất đỏng đảnh, chợt mưa chợt nắng, nên ta phải gọi bằng nàng. Khi nắng “nàng” cũng kiểu cách, nắng to nắng nhỏ kiểu Xuân Diệu hoặc nắng dày, nắng thưa kiểu Trịnh Công Sơn. Mà nàng biến hiện nhanh lắm, mới tạnh mưa trưa chiều đã tà. Chắc có khi phải bắt nàng tuân kỷ luật một chút, chắng hạn, bắt nàng phải ngồi trực hăm bốn trên hăm bốn không được bỏ đi đâu hết để màu tím màu vàng của nàng tô sắc cho đời. Tâm tính con người cũng có chỗ kỳ cục, có ta không biết quí, chỉ khi mất rồi mới biết tiếc; tiếc thì đâm ra thèm. Là lý do ta thèm thu ngay cả khi thu còn đấy hay chỉ mới chớm như hôm nay. Tia nắng cuối chiều hiện đến sau một ngày ủ dột mới đẹp làm sao. Tôi bắt gặp tôi hoài trong cái ngẩn ngơ đó. Thường thường là trong phòng giấy, qua cánh cửa gương mở hướng về phía núi. Tia nắng thoáng thấy ngỡ như đóm lửa, đóm lửa nhìn qua gương mà nghe ấm cả người!

Nói như tây, inutile mais indispensable –vô ích nhưng không bỏ qua được. Nghệ thuật cũng tựa hơi thu.

Đặng đình-Túy

Chủ Biên: Người Tình Hư Vô. huvoanxuyen@yahoo.com.au

%d bloggers like this: