Én Bay Qua Mùa Thơ Lục Bát
Hoàng Nga
Lũ én bay qua mùa thơ lục bát…
(Lý Thừa Nghiệp)
Mẹ tôi làm thơ Đường. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương khen thơ mẹ tôi chữ dùng rất mới và rất ngọt. Vũ Đình Liên và nữ sĩ Ngân Giang cũng khen tương tự. Nhưng mẹ tôi nói loại thơ bảy chữ tám câu, đối ý đối vần này gò bó, cứng ngắt thể như bị trói tay, cột chân. Bà bảo muốn bộc bạch điều đó chất chứa trong lòng bằng một bài thơ Đường thường không bao giờ dễ, để có được bài thơ hay, với ý mới, tứ mới, và chữ dùng mới, càng khó hơn. Mẹ tôi còn bảo làm thơ gò bó như thế, giống hệt như đi cày.
Nhưng “lỡ”, quen với thể thơ này, gần như mẹ tôi chỉ làm Đường luật. Sáu mươi, bảy mươi, mẹ tôi còn làm những câu thơ lãng mạn, “Mưa sa lấp bể tơ sầu nghẹn. Cửa chếch trăng nghiêng lỡ độ Kiều”, hay “Giãi sầu ai bím trong cung lạnh. Ngày tháng bơ vơ ngọn cỏ vàng”… Vân vân. Mẹ tôi vẫn thường hay than bà đã viết không được theo ý mình muốn viết.
Vì vậy, thời tôi mới bắt đầu tập tễnh làm thơ viết văn, mẹ tôi khuyên nên tránh thơ lục bát. Mẹ tôi nói đó là một loại “Đường”, không hơn không kém. Bà bảo dẫu lục bát không quá cứng ngắt, không quá bó buộc đối ý đối chữ, nhưng đã vần, đã điệu thì phải luật, phải lệ. Và luật lệ, mẹ tôi kết luận, là kẻ thù của sáng tác.
Lục bát. Sáu chữ. Tám chữ. Chữ cuối câu sáu vần bằng, khớp với chữ sáu câu tám… Người Việt, văn chương bác học hay văn chương bình dân, khi đọc lên câu lục bát, vô hình chung đều biết cái luật này. Ca dao, hát ru em, “Đưa tay bứt một cọng ngò. Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”, “Anh buồn có chỗ thở than. Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”… Lục bát không hạn định câu. Viết bao nhiêu cũng được. Muốn dông dài để tỏ bày, muốn diễn đạt điều muốn nói, hai không đủ, thì bốn, tám, vài trăm. Hẳn phải dễ hơn thơ Đường. Dễ, nên thơ dân gian, thơ bình dân, ca dao, thậm chí, biểu ngữ, quảng cáo cũng dùng thể thơ này. Nói đùa, cũng có thể thành câu lục bát.
Lục bát, dễ mà khó hay. Bị “cảnh cáo”, nhưng cuối cùng, lục bát vẫn là thể thơ tôi yêu nhất. Có thể vì tôi chỉ làm thơ cho vui, không trở thành nhà thơ.
Tôi yêu lục bát. Nhạy cảm với lục bát. Như người quen ăn hàng ăn quán, được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, đến một lúc nào đó, dẫu vào bếp chỉ biết… luộc trứng, nấu nước sôi, cũng là một người khó ăn. Với thơ, với lục bát, không thể so sánh cách phàm tục như vậy, nhưng có thể nói, tôi “khó khăn”. Gặp câu lục bát hay, chữ dùng trong câu lục bát hay, tôi ngẩn ngơ.
Mắt ơi con mắt chết người
Để ai ngụp lặn đất trời mênh mông
(Mắt ơi- Hương Chiều).
Gặp con mắt chết người của thơ Hương Chiều, tôi ngẩn ngơ.
Bài lục bát hay, câu lục bát hay, với tôi là bởi cái chất giọng ngọt ngào tự nhiên. Bởi cái ngọt dịu, đằm thắm. Ngọt tới xương tới tủy. Ngọt thấm. Ngọt tới bàn chân bước qua cầu, đánh rơi sợi tóc.
Tại em bước vội qua cầu
Đâu hay ngọn tóc vướng vào vai anh.
(Người Tình Hư Vô- Hư Vô)
Thơ, thường phải lãng mạn. Phải tình. Không lãng mạn, không ra thơ. Không tình, không ra thơ. Không cách gì ra thơ. Như thương, phải hoài ngàn năm, chứ không thể thương hoài mà … mười năm được. Bởi vậy những nhà thơ Úc Châu của chúng ta mới thở than:
Đường đời không được đi chung.
Chẳng lẽ muốn được chết trùng, cũng không?!
(Dấu Son-Hư Vô).
Hay:
Gọi tên em, gọi vô biên.
Gọi em trời đất ngửa nghiêng cội nguồn.
(Gọi tên em, tình nhân- Hư Vô).
Chao ơi là, Hư Vô! Chao ơi, là Phạm Quang Ngọc!
Thơ đành ủ phấn, thơm hương.
Chờ em da thịt chấn thương đời mình.
(Ngọ. Phạm Quang Ngọc).
Da diết đến vậy là cùng. Lâm ly đến vậy là cùng. Và dễ thường, hò hẹn kiểu ấy, đớn đau kiểu ấy, “em” không xao động, không thổn thức, chắc “em” hẳn không phải thịt da bình thường. Thêm một đoạn Lâm Hảo Khôi.
Khi không làm khuyết trăng rằm.
Ai đi bỏ lại chỗ nằm mình ên.
Và Nguyễn Tư,
Mưa buổi sáng,
mà lòng tôi chiều…
Ở xa,
Nên nhớ thương nhiều đến em
(Cơn mưa buổi sáng- Nguyễn Tư).
Hay:
Một mai trở lại, nơi này.
Biết đâu người, đã phơi thây chiến trường.
(Chuyển quân đêm qua sông Đà Rằng)
Tôi hơi có phần lắng lo. Dọa! Cái này là dọa để “em” thương! Dọa, đòi “”đứt dây” (Tôi đâu muốn chuyện chán đời đứt dây. Lâm Hảo Khôi). Tôi lo lắng vì tôi nữ nhi, tôi định có lời khuyên nho nhỏ cho các cô, các cô ơi, đừng có tin, vì đấy ấy là mấy ông. Vì đấy là thơ. Thơ thôi. Lục bát thôi.
Tuy nhiên nói vậy, lật thêm trang sách, thấy Hương Chiều! Hương Chiều, tình ơi là tình.
Hương tình theo mãi ngàn sau.
Theo trong ngàn giấc chiêm bao lạ thường
(Mộng Về).
Câu thơ Hương Chiều làm tôi bỗng nhớ bài thơ phổ nhạc của Hà Thúc Sinh, “Mộng về giữa mùa hoa nở. Trên môi ngậm một nụ hồng. Dòng đời dừng chân soi bóng. Mái tóc như gọi buồn lên..”. Tôi tự hỏi không biết khi Hương Chiều dừng chân soi bóng đâu đó, nghe “tiếng ca chạm giữa đoạn trường”, có để lòng bâng khuâng hay chăng. Tôi chỉ mong cô gái trong thơ Hương Chiều đừng có nghe lời… dụ ngọt:
Em vòng qua đó, chả sao
Có nghe tiếng gọi ngọt ngào sau lưng
(Một chút xinh kiêu- Phạm Quang Ngọc)
Thơ, vốn đã tình, lục bát, tôi nghĩ, còn như những con sóng vỗ về, như những ngọn gió mơn man trên từng mảng thịt da. Tôi đã đọc Lâm Hảo Khôi, Nguyễn Tư, Lý Thừa Nghiệp thuở văn đàn hải ngoại còn rộn ràng những tờ tạp chí Văn Học, Làng Văn, Văn, Thế Kỷ 21… Thuở đông đảo người viết, để lại một cái tên, để lại một giọng thơ có lẽ không phải là chuyện dễ. Tôi có lần đùa với Cao Xuân Huy, chủ bút tờ Văn Học, hỏi “ông thơ Thiền dạo này sao vắng bóng” khi nhắc đến Lý Thừa Nghiệp.
Giọng thơ Lý Thừa Nghiệp lạ, đề tài cũng lạ. Tôi chưa có dịp đọc trọn “Bọt Nước Xao” và “Lung Linh Hoa Tạng”, nên không biết chủ đề chính thi sĩ đã chọn là gì (mặc dầu nghe “Lung Linh Hoa Tạng”, chắc có lẽ người đọc cũng có thể đoán ra phần nào), chỉ biết trong tuyển tập, có 28 bài thơ của nhà thơ, thì đã có 10 lục bát cho tôi đọc. Nhưng thơ tình, thứ thơ tôi đi tìm như hoa lạc giữa rừng gươm trong phần thơ Lý Thừa Nghiệp, gắng, tìm ra:
Thuyền trôi qua những dặm trường,
Dặm tôi mê hoặc, dặm cuồng si em.
(Chở một thuyền đầy- Lý Thừa Nghiệp)
Tôi nghĩ tới nghĩ lui, “hy vọng” là đó là bài thơ tình “thật”, để khỏi bị tác giả cười sau lưng “người ta viết về thiền mà cô lại tưởng là tình”! Thôi để cho chắc, tôi có lẽ sẽ nói cái tình trong thơ Lý Thừa Nghiệp, lớn hơn, rộng hơn cái nhi nữ thường tình, cái “thương hoài ngàn năm”.
Tạ ơn này những chân tình.
Nến hồng một ngọn lung linh thư phòng
Chén trà, tạ ơn chén trà, nhưng khác với Lâm Hảo Khôi Cám ơn em một nhúm trà, Đời ta chén đắng bỗng đà hương thơm” (chén trà tháng chạp).
Lục bát, theo tôi đến hơn nửa cuộc đời. Từ thuở đầu đời biết đọc vài vần lục bát của Nguyễn Bính, cậy em, em ở lại nhà, của Xuân Diệu, hôm nay trời nhẹ lên cao, đến Phạm Thiên Thư, rằng xưa có gã từ quan,…, tôi vẫn loay hoay, như chuếnh choáng trong một cơn say với lục bát. Sáu người thơ, như câu đầu của lục bát, tôi đọc câu thơ Lâm Hảo Khôi “buồn vô nằm ụ buổi trưa.Trăng lên đi hát ầu ơ, ví dầu”, tôi đùa một mình, nghĩ bụng, chắc chắn sau này “phe ta” sẽ còn thêm cho đủ tám để ầu ơ, ví dầu.
Tuyển tập của sáu nhà thơ Úc Châu, nhiều đề tài, nhiều thể loại, và dẫu tôi đã mở đầu bằng một câu thơ bảy chữ của Lý Thừa Nghiệp nhưng vì tôi thích thơ tình và lục bát, nên đã chọn ra mà đọc, độc giả hẳn sẽ có nhiều thì giờ, nhiều lý thú hơn khi cầm cuốn sách trên tay. Tôi “gửi hương cho gió” bằng bốn câu của Hư Vô để kết:
Mất em rồi, đời anh kể bỏ
Nói năng gì cũng chỉ thất ngôn
Cho em dăm bài thơ viết dở
Mang theo chồng làm của hồi môn…
(Phá sản- Hư Vô).
Hoàng Nga
(Sydney, hạ tuần tháng tư- hai ngàn mười)