Nền Âm Nhạc của VNCH và Âm Nhạc dưới thời XHCN. Nhạc sĩ Lê Dinh


Nhạc sĩ Lê Dinh


Việt Nam hiện nay không có nền tân nhạc mà chỉ có “nhạc nói và nhạc chạy đua” nghĩa là “nhạc Việt Nam bây giờ toàn là những lời nói khi thì chậm, khi thì thật nhanh như chạy đua” chẳng có cung điệu trầm bổng du dương gì cả, và nhạc sĩ chỉ việc theo lời nói lên xuống hay mau chậm này mà viết nốt nhạc vào đấy là thành một bản nhạc, cho nên chẳng có một bản nhạc nào ra hồn cả, do dó không có ai thèm nhớ dù chỉ một câu.

Từ bao nhiêu năm nay Việt Nam không có một tình khúc nào làm cho người Việt hải ngoại cảm thông, nói huỵch toẹt ra là ngửi được cả. Sau khi Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh 9 phê bình “gào sĩ” Đàm Vĩnh Hưng không biết diễn tả bài hát mà chỉ biết gào hét nhố nhăng để câu khách, nay thì Nhạc Sĩ Lê Dinh lên tiếng về hiện tình tân nhạc Việt Nam mời các bạn xem dưới đây.

Đừng có nói rằng vì người Việt hải ngoại ghét cộng sản mà cho rằng cái gì cũng xấu, mà thực tế là chế độ nào sinh ra con người đó, nhạc Việt dưới chế độ độc tài, gian xảo, bất nhân, bán nước thì làm gì có tính nhân bản và tình cảm như Việt Nam Cộng Hòa trước đây.

Về âm nhạc, từ mấy chục năm nay, thành thật và công bình mà nói, chúng ta có thấy sự tiến triển nào trong bộ môn này không, hay là một sự tụt lùi tệ hại từ năm 1975 đến nay, hay nói một cách khác, bọn phỉ quyền Hà Nội đã giết chết âm nhạc Việt Nam.

Nhìn lại ngày khởi đầu của nền âm nhạc Việt Nam, từ những ca khúc đầu tiên mà những bậc tiên liệt của nền âm nhạc để lại – được gọi là nhạc cải cách – như Một kiếp hoa (Nguyễn văn Tuyên & Nguyễn văn Cổn), Khúc yêu đương (Thẩm Oánh) Bình minh (Nguyễn Xuân Khoát), Bản đàn xuân (Lê Thương), Tâm hồn anh tìm em (Dương Thiệu Tước), Bóng ai qua thềm (Văn Chung), Cùng nhau đi Hồng Binh (Đinh Nhu), Thu trên đảo Kinh Châu (Lê Thương)…, chúng ta thấy, dù đã ra đời hơn 80 năm nay, còn phôi thai, nhưng âm nhạc VN thuở đó nghe rất có hồn nhạc, lời lẽ tuy không trau chuốt văn chương, nhưng không khó nghe và lai căng như bây giờ.

Chẳng hạn như bài “Thu trên đảo Kinh Châu” của Lê Thương, một bài âm hưởng nhạc Nhật thời đó, tuy được sọan sau, nhưng cũng được coi như là một trong những ca khúc đầu tiên của gia tài âm nhạc Việt Nam.

Nhắc lại để chúng ta thấy rằng tuy là những ca khúc đầu tiên, khởi thủy của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng dù đã bao nhiêu năm qua, vẫn còn nghe được, hơn nhạc bây giờ ở trong một nước có tên là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chứng minh điều đó là gần một thế kỷ qua mà người ta còn nhớ ca khúc “Thu trên đảo Kinh Châu” của Lê Thương.

Tiếp theo thời kỳ âm nhạc phôi thai, hay âm nhạc cải cách, đó là giai đọan nhạc được gọi là nhạc tiền chiến mà tôi nghĩ rằng vài trăm năm sau đi nữa, vẫn còn được nhắc nhở tới. Những tác giả như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Giác, Dzoãn Mẫn, Hoàng Quý, Nguyễn văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn văn Tý, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương… đã để lại cho chúng ta một gia sản âm nhạc đồ sộ, chỉ trong vòng có 20 năm ngắn ngủi. Nhắc lại những bài như:

“Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng

Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc lối đào nguyên…”

Suối mơ, bên rừng thu vắng

Giòng sông trôi lững lờ ngoài nắng…”

Hay:

“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thoát rơi

Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi…”

Hoặc như:

“Biệt ly, nhớ nhung từ đây

Chiếc lá rơi theo heo may…”

Chúng ta nghe âm điệu sao mà du dương, uyển chuyển, tha thiết, thấm vào lòng người. Còn lời ca sao mà lãng mạn, yêu đương, tình tứ ngọt ngào đến như thế.

Rồi bước qua giai đoạn nhạc kháng chiến (nhạc cách mạng), một loại nhạc hừng hực lửa của thời toàn dân đứng lên đánh đuổi thực dân. Những tác giả tiêu biểu cho loại nhạc hùng tráng như đánh thẳng vào lòng người này có Phạm Duy, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Lê Yên, Phạm Duy Nhượng, Phạm Đình Chương, Văn Giảng… Nhưng phải công nhận rằng Phạm Duy là người có tác phẩm âm nhạc cổ súy tinh thần tranh đấu bài thực nhiều nhất, hay nhất. Làm sao mà chúng ta quên được, dù ngàn năm sau, những âm điệu và lời ca như:

Ngày bao hùng binh tiến lên

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến…”

Hoặc man mác căm hờn, như:

“Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng

Không bóng trâu cày bên đồng

Vắng tiếng heo gà trên sân

Chiều qua, gánh nước cho Vệ Quốc Quân

Nghe tiếng o nghèo kể rằng:

Quân thù về đây đốt làng…”

Rồi 1954 ập đến, chia hai nền âm nhạc, một nửa phát triển mạnh mẽ ở xứ tự do, phóng khoáng và một nửa chôn vùi trong chốn ngục tù, sau bức màn tre. Một số đông nhạc sĩ sáng tác ở miền Bắc ngày trước đã tìm tự do nơi miền Nam – đất lành chim đậu – cùng chung với những nhạc sĩ sáng tác đã sống trước đây dưới chính thể Đệ Nhất Cộng Hòa, kết hợp thành một lực lượng sáng tác mạnh nhất, vững chãi nhất, nhân bản nhất và lãng mạn nhất. Thôi thì trăm hoa đua nở.

Ngay từ ngày đầu di cư, chúng ta có những Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Y Vân, Hoàng Trọng, Đoàn Chuẩn, Huyền Linh, Phạm Đình Chương, Ngọc Bích, Đan Thọ, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Trọng Khương, Tuấn Khanh, Hoài Linh, Phó Quốc Thăng, Phó Quốc Lân, Canh Thân, Vũ Thành, Vũ Huyến, Hoài An, Thanh Bình, Lê Hoàng Long, Nhật Bằng…, cùng với những nhạc sĩ miền Nam nổi bật lúc đó, như Phạm Duy (đã có mặt ở Saigon từ 1951), Lam Phương, Trúc Phương, Châu Kỳ, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Anh Việt Thu, Mạnh Phát, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn văn Đông, Hoàng Nguyên, Anh Việt, Phạm Mạnh Cương, Lê Mộng Bảo, Huỳnh Anh, Trần Thiện Thanh, Duy Khánh, Khánh Băng, Minh Kỳ, Anh Bằng, Lê Dinh… và một số nhạc sĩ trẻ của thời đó như Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Trường Sa, Trường Hải, Đỗ Lễ, Nguyễn Ánh 9, Thanh Sơn, Bảo Tố, Song Ngọc, Dzũng Chinh, Hàn Châu, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang, Đinh Trầm Ca, Giao Tiên, Thăng Long, Đài Phương Trang… hợp thành một đội ngũ sáng tác dưới chính thể tự do của hai nền Cộng Hòa ở miền Nam từ năm 1954 cho đến năm 1975.

Dù dưới hình thức nào, với bất cứ đề tài nào, nhạc sĩ của Miền Nam Tự Do cũng viết nên những tác phẩm giá trị, nhất là những tình khúc và những bài ca ngợi người Chiến Sĩ VNCH, còn tồn tại, vang dội cho đến ngày nay.

Trong khi đó, miền Bắc với chính sách bịt miệng và láo khoét, cho nên nhạc sĩ miền Bắc viết toàn những bài ca tụng ông Hồ (của họ) gàn dở, lố bịch, vô duyên, không thể nào lọt vào tai thính giả được. Chỉ một mình nhạc sĩ Thuận Yến thôi mà cũng có đến 26 bài nhảm nhí rẻ tiền ca ngợi ông Hồ. Ngoài ra còn có những Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Vân An, Trần Hoàn, Lưu Cầu, Trọng Loan, Phong Nhã, Huy Thục, Lê Lôi, Chu Minh v.v…viết những bài nhạc tuyên truyền, đề cao CS một cách lố bịch.

Cả Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Đỗ Nhuận… cũng bị lôi cuốn trong việc sáng tác loại nhạc bưng bô này, như Văn Cao với “Ca ngợi hồ chủ tịch”, Lưu Hữu Phước với “Tình bác sáng đời ta”, Phan Huỳnh Điểu với “Nhớ ơn bác”, Đỗ Nhuận với “Bé yêu bác hồ”… vì không viết để ca tụng, tung hô bác thì không có gạo mà ăn. Nội cái áo của bác và đôi dép của bác thôi mà cũng có đến 5 bài hát nói về áo và dép này. Chỉ còn thiếu cái áo lót của bác thì chưa có nhạc mà thôi.

(Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa – và luôn cả thời Đệ Nhị Cộng Hòa – Miền Nam VN chỉ vỏn vẹn có một bài hát duy nhất ca tụng cá nhân vị nguyên thủ quốc gia mà thôi. Đó là bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống của Ngọc Bích và Thanh Nam.

Đây không phải là chủ trương của chính phủ đề ra để bắt buộc văn nghệ sĩ sáng tác ca tụng lãnh tụ, mà đó là ý nghĩ riêng của hai tác giả, vì muốn mang ơn người đã khó khăn lắm mới đem đến sự an cư lạc nghiệp cho gần một triệu đồng bào di cư miền Bắc, trong đó có hai tác giả. Đây chỉ là một hành động để nói lên lòng biết ơn thôi.

Từ 1975 là một sự tuột dốc thê thảm, nhìn thấy và nghe thấy, không cần phải đắn đo suy nghĩ khi nói về nền âm nhạc ở nước CHXHCN Việt Nam bây giờ. Không phải nhìn từ bên ngoài rồi chúng ta nói thánh nói tướng, muốn nói gì thì nói, hay nói để… chống Cộng, nhưng phải nói rằng sự thật là như vậy. Thử hỏi có ai nghe được hết một câu lời ca trong một bài nhạc nào đó không? Có ai hiểu ca sĩ hát gì, nói gì trong bài hát đó không?

Còn nhạc thì nghe qua rồi – dù cho nghe 5 lần 7 lượt đi nữa – hỏi có ai nhớ âm điệu ra sao không, do-ré-mi-fa-sol-la-si thế nào không? Chúng tôi không nói quá lời đâu. Mở YouTube ra, bấm đại một bài nào đó ở VN ngày nay, quý vị sẽ thấy ngay lời nói của chúng tôi không mảy may quá đáng.

Bấm đại bài của Cẩm Ly hát đi, thí dụ bài “Chồng xa”, chúng ta sẽ nghe lời lẻ, văn chương quá buồn cười, trong một bài hát, nghe sao giống như lời đối thoại trong một vở tuồng cải lương hạng bét: “Dậy đi mua đồ nấu canh chua – Về cho ba mầy bữa cơm trưa…”

Về âm điệu, chúng tôi đố người Việt tự do ở hải ngoại nhớ một câu nhạc nào đó, trong một bài hát A, B, C nào đó ở VN bây giờ. Tại sao không nhớ được? Xin thưa vì đó không phải là âm điệu mà là những nốt nhạc khác nhau, bỏ chung vào một cái túi và rút ra 5, 6, 7 hoặc 8 nốt, rồi ráp lại cho thành một câu nhạc thôi. Trong khi đó, thử tình cờ lấy một bài nào đó của miền Nam, trước 1975, như:

”Xuyên lá cành trăng lên lều vải

Lòng đất ấm thương tình đôi mươi…”

Hay như:

“Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn…”

Hoặc:

“Thượng đế hỡi có thấu cho VN này,

Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài…”

Chúng ta nghe sao mà tha thiết quá, du dương quá và dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thương quá, dù cho cả đời mình hay một trăm năm sau cũng khó quên được.

Và xin quý vị thử bấm vào tựa một bài hát nhảm nhí nào đó của CHXHCN Việt Nam ngày nay xem. Thí dụ như bài: “Xin anh đừng” (đừng cái gì mới được chứ?) Và vô số bài nữa, như Giấc mơ không phải của anh – Anh sẽ không níu kéo – Anh ba Khía – Ông xã bà xã – Khi cô đơn em nhớ ai – Anh sai rồi – Quen một ngày cho vui – Em có thể làm bạn gái anh không – Đừng buông tay anh…, nếu kể thêm, chắc chắn quý độc giả sẽ bị nhức đầu.

Tựa đề của một tác phẩm âm nhạc là như vậy đó sao? Chúng tôi nghĩ tác giả là những trẻ con, chưa biết nói tiếng Việt hoặc là người đã trưởng thành nhưng chưa biết viết tiếng Việt. Tựa đề của một bài hát cũng phải nghe cho được chứ? “Xin anh đừng” rồi thôi, hết.

Về lời ca, mời quý vị nghe ca khúc “Giá như chưa từng quen”. Mới nghe qua tên ca khúc, chúng ta liên tưởng ngay đến một bài hát khác của miền Nam trước 1975, bài “Nếu ta đừng quen nhau”. Cùng một ý, một nội dung, nhưng người nhạc sĩ miền Nam viết tựa là: “Nếu ta đừng quen nhau”. Bây giờ, chúng ta hãy xem qua lời ca:

Bài “Giá như chưa từng quen”:

“Giá như chưa từng quen, chưa quan tâm nhiều về nhau

Người yêu ơi, anh không thể nhớ mỗi lần cách xa…”

Còn bài “Nếu ta đừng quen nhau” có lời ca:

“Nếu ta đừng quen nhau, thì đời chưa vướng u sầu

Ngày xanh chưa nhuốm thương đau, màu hoa chưa úa phai màu…”

Chúng tôi để quý vị kết luận. Chúng tôi chỉ thấy “tội nghiệp” cho tác giả bài “Giá như chưa từng quen” mà thôi.

Nếu quý vị muốn nghe thêm nữa, thì đây:

“Vì ngày hôm qua anh đã thấy em ôm hôn một người…

Như muốn cào xé nát tan trái tim anh…”

Đây là lời ca của bài “Đừng làm anh đau” và xin nói thêm , chỉ có việc “anh đau” này thôi mà có tới ba bài nhạc khác nhau, của 3 tác giả khác nhau: “Đừng làm anh đau”, “Em khóc làm anh đau” và “Mưa làm anh đau”. Đó, âm nhạc XHCNVN là như thế đó.

Về phần ca sĩ trình bày, mà người bên đó gọi là “thể hiện”, phải nói một cách công bằng, vì là nơi đông dân số, gần 90 triệu người, thì làm sao không có ca sĩ hát hay. Nhưng tiếc thay, có một số đông chỉ biết la, biết hét, hét toáng lên, khiến người nghe không biết họ hát cái gì. Và còn nữa, họ hay uốn éo ở chữ cuối câu (fioritures), có người còn ẹo ở giữa câu, nghe rất khó chịu. Việc điểm fioritures này – tức là láy – người viết nhạc chỉ dùng khi nào thật cần thiết thôi.

Nếu tác giả không có để thêm nốt fioritures thì ca sĩ đừng có tự động láy, tự động uốn éo, tự động ỏng ẹo cho nó lả lướt, như vậy là lả lướt không đúng chỗ, nghe không thể nào chịu được. Người mình có tài hay bắt chước và bắt chước giỏi. Cái uốn éo này xuất xứ từ nhạc Âu Mỹ, nhưng mà với lời ca tiếng ngọai quốc, và cũng tùy thuộc chữ nào, ý nghĩa ra sao, thì nghe được, chứ cứ uốn éo tự do, uốn éo lung tung, bất kể quân thần thì không hợp với lời Việt chút nào.

Một phần việc ca sĩ VN trong nước bây giờ hát khó nghe, lý do cũng tại cách viết lời ca của đa số những nhạc sĩ “lớp ba trường làng”, “trẻ tuổi tài cao” của thời XHCN này: chỗ nốt cao thì để chữ dấu huyền hay dấu hỏi, còn chỗ nốt thấp thì để chữ dấu sắc, hay dấu ngã. Viết lời ca như thế thì chỉ có giết ca sĩ mà thôi, bởi ca sĩ không thể nào truyền đạt cho thính giả hiểu được mình hát cái gì. Hát mà người nghe không hiểu gì thì hát làm chi?

Từ năm 1975, một thời gian đủ dài để những “đỉnh cao trí tuệ” giết chết tất cả, từ chữ nghĩa văn chương cho đến âm nhạc. Riêng về âm nhạc, họ đã vùi dập bao nhiêu công lao của những người đi trước, trải qua bao thế hệ, từ thời kỳ âm nhạc cải cách, đến nhạc mới hay tân nhạc, rồi nhạc vàng (chữ của họ gọi để ám chỉ nhạc Miền Nam từ 1954 đến 1975 mà họ đã cố tiêu diệt nhưng không được) và nay là nhạc của thời XHCN, của thời nhảm nhí: “Dậy đi mua đồ nấu canh chua – Về cho ba mầy bữa cơm trưa”./

Lê Dinh

Đại Học Miền Nam Trước 1975. Hồi Tưởng và Nhận Định của Giáo Sư Lê Xuân Khoa


Giáo sư Lê Xuân Khoa


LTS: Giáo sư Lê Xuân Khoa là một “chứng nhân” của nền giáo dục đại học trước 1975, vì ông từng giữ những chức vụ quan trọng như giáo sư triết học phương Đông tại ĐH Văn khoa Sài Gòn, thứ trưởng Bộ Giáo dục (1965) và phó viện trưởng (như phó hiệu trưởng đại học ngày nay) của Viện Đại học Sài Gòn (1974-1975). Ông định cư ở Mỹ năm 1975, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins. Nay thì ông đã nghỉ hưu.


Khi được một thành viên trong Ban chủ biên Kỷ yếu Humboldt 200, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, mời viết một bài về Đại học Miền Nam cho tập Kỷ yếu đánh dấu 200 năm Đại học Humboldt, tôi rất vui vì có cơ hội tham gia vào một công trình có ý nghĩa của một tập hợp trí thức trong và ngoài nước quan tâm đến sứ mệnh giáo dục Đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đã rất ngần ngại nhận lời, không chỉ vì tôi đã rời xa ngành giáo dục Việt Nam trên 35 năm mà còn lo ngại ký ức của tôi không còn nhớ nhiều về tổ chức và hoạch định chính sách cho nền giáo dục Đại học Miền Nam trước 1975. Quả thật, ngoài 15 năm giảng dạy một môn học rất xa thực tế là “Triết học Upanishad” và “Thiền học Việt Nam” ở Đại học Sài-gòn (sau này có dạy thêm “Văn minh Việt Nam” ở Đại học Đà-lạt,) tôi chỉ tham gia vào bộ phận điều hành ở Bộ Giáo dục, Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Sài-gòn trong những thời gian rất ngắn, từ năm tháng tới một năm. Tôi cũng ít có dịp hợp tác trực tiếp với những nhà lãnh đạo Đại học, trừ bốn người là cố Giáo sư Nguyễn Quang Trình (ĐH Sài-gòn), cố Linh mục Nguyễn Văn Lập (ĐH Đà-lạt), Thượng Tọa Thích Minh Châu (ĐH Vạn Hạnh) và cố Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy (ĐH Sài-gòn). Nhưng tôi đã được TS Nguyễn Xuân Xanh thuyết phục khi anh nhắc nhở rằng một bài viết về Đại học miền Nam của một “người trong cuộc”, dù ít dù nhiều cũng là điều không thể thiếu trong tập kỷ yếu Humboldt 200, trong đó có phần lịch sử Đại học Việt Nam từ thời cổ, triết lý và quá trình phát triển của nó trong 30 năm chiến tranh (1945-1975) và 35 năm sau thống nhất, đặc biệt là những vấn đề của hiện tại và nhu cầu “đổi mới để nhanh chóng vươn lên với thế giới”.

Vì đã có nhiều tác giả viết về lịch sử, triết lý và hệ thống tổ chức của nền giáo dục miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) từ Tiểu học tới Đại học, tôi thấy không cần thiết phải mô tả lại hệ thống giáo dục này. Tôi sẽ chỉ trình bày một số nhận xét và kinh nghiệm riêng của tôi về chính sách và điều kiện sinh hoạt Đại học trong khung cảnh chung của nền giáo dục ở miền Nam trước 1975, sau khi đã kiểm lại một số dữ kiện với hai bạn đồng nghiệp cũ là Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, cả hai đều từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Huế. Tuyệt nhiên đây không phải là một bài nghiên cứu hay luận thuyết mà chỉ là một bài ghi nhận một số sự kiện đáng được lưu ý trong lịch sử ngắn ngủi 20 năm của nền giáo dục đại học ở miền Nam, từ ngày đất nước chia đôi đến ngày thống nhất. Do sự suy giảm của trí nhớ, tôi có thể đã bỏ sót hay không nhớ đích xác một số sự kiện diễn ra trên dưới 50 năm về trước.

Từ trung ương tập quyền đến tự trị đại học

Nói đến giáo dục Đại học hiện đại không thể không nói đến quyền tự trị của Đại học. Đó là xu thế chung của đại học ở các nước dân chủ như một điều kiện sine qua non cho sự phát triển của con người và xã hội. Điều 10 trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 ghi rõ: “Nền giáo dục Đại học được tự trị”. Điều này phản ánh tinh thần khai phóng trong triết lý giáo dục miền Nam được xác định trong Đại hội giáo dục lần thứ nhất năm 1958, với ba nguyên tắc căn bản là “nhân bản, dân tộc, khai phóng”. Đại hội này được tổ chức với sự tham gia của đại diện giáo chức các cấp trên toàn quốc cùng một số trí thức độc lập bên cạnh các đại diện của Bộ Giáo dục. Mọi quyết định của hội nghị đều là kết quả của những cuộc thảo luận và biểu quyết hoàn toàn tự do không có bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền. Tinh thần khai phóng ở Đại học được thể hiện rõ rệt nhất trong việc tiếp thu những kiến thức khoa học tiến bộ và những giá trị văn hóa nhân bản của thế giới nhằm hiện đại hóa đất nước và phát triển toàn diện con người. Điểm này sẽ được đề cập chi tiết hơn ở một đề mục dưới đây.

Thật ra cho đến năm 1975 Đại học miền Nam vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt tình trạng chuyển tiếp từ truyền thống trí thức hàn lâm của Đại học Pháp sang truyền thống thực dụng của Đại học Mỹ. Năm 1955, trước khi Pháp hoàn tất việc chuyển giao tất cả các cơ sở công quyền cho Việt Nam, hai nước đã ký kết một bản thỏa hiệp có hiệu lực mười năm về hợp tác và trao đổi văn hóa. Lý do là chính phủ Pháp muốn duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng của văn hóa Pháp ở Việt Nam trong lâu dài, trong khi chính phủ mới ở miền Nam cũng cần phát triển giáo dục từ một nền tảng đã có sẵn, nhất là vì các nhà lãnh đạo chính quyền và trí thức đại học đều được đào tạo bởi nền giáo dục Pháp. Trong mười năm đó, chính phủ Pháp cấp học bổng cho nhiều giáo sư trung học sang Pháp tu nghiệp ngắn hạn hay tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ. Nhưng dần dần ảnh hưởng Pháp mờ nhạt đi kể từ khi Việt Nam bắt đầu gửi công chức và sinh viên sang Hoa Kỳ, Úc, Tân-Tây-Lan và các nước khác vào những năm cuối thập kỷ 1950.

Truyền thống giáo dục cổ điển của Đại học Pháp bắt nguồn từ bản Hiến Pháp năm 1791 (hai năm sau Cách Mạng 1789) xác định vai trò của quốc gia trong giáo dục, bảo đảm mọi công dân có cơ hội đồng đều về giáo dục ở mọi cấp và mọi ngành. Những nghị định năm 1806 và 1808 dưới thời Napoléon I đặt toàn thể hệ thống giáo dục từ tiểu học tới đại học dưới sự điều hành và kiểm soát của Bộ Quốc gia Giáo dục. Chính sách trung ương hóa nền giáo dục toàn quốc có mục đích kiện toàn nền thống nhất của quốc gia và tinh thần đoàn kết trong nhân dân Pháp. Định chế toàn quốc ấy đã tồn tại cho đến tận ngày nay, nhưng qua nhiều lần cải cách, chức phận điều hành và kiểm soát của Bộ Giáo dục đã được nới lỏng để con người được phát triển đầy đủ và tự do hơn. Đặc biệt ở cấp Đại học, sự kiểm soát không nhắm vào các hoạt động hàn lâm mà chú trọng đến sự hợp lệ trong các thủ tục điều hành ngân sách và nhân viên.

Chịu ảnh hưởng truyền thống cổ điển của Pháp, giáo dục đại học ở miền Nam không được tự trị về cả ba phương diện ngân sách, nhân viên và học vụ. Quả thật các Viện Đại học Sài-gòn, Huế, Cần Thơ, Đại học Bách Khoa Thủ Đức, các trường Cao đẳng và Đại học Cộng đồng của chính phủ đều được đặt dưới quyền điều hành của Bộ Giáo Dục. Các quyết định quan trọng như tuyển dụng hay thăng ngạch trật của giáo sư, mua sắm vật liệu hay chi phí xây dựng đều phải trình cho Bộ trưởng duyệt ký. Riêng chức vụ Viện trưởng là do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng dưới thời Đệ nhị Cộng hoà thì việc bổ nhiệm Viện trưởng phải được Quốc hội thông qua sau một buổi điều trần về đường lối và tổ chức Đại học. Tiếp theo đó, Thủ tướng bổ nhiệm các Phó Viện trưởng theo đề nghị của Viện trưởng nhưng không cần phải thông qua Quốc hội. Chữ ký của Viện trưởng trên các văn bằng Đại học luôn luôn theo sau dòng chữ “Thừa ủy nhiệm Bộ trưởng Giáo dục”. Các khoản viện trợ từ bên ngoài cho phảt triển Đại học cũng phải qua ngân sách của Bộ Giáo dục ngoại trừ dưới hình thức hiện vật như sách vở, dụng cụ, máy móc, hay giáo sư thỉnh giảng (visiting professors) không do chính phủ Việt Nam trả lương. Nguồn viện trợ thường là các chương trình ngoại viện của các chính phủ Pháp, Mỹ, Úc, Tân-Tây-Lan . . . Về học vụ, mặc dù nội dung chương trình giảng dạy thuộc thẩm quyền của Đại học, việc tổ chức các phân khoa, thi cử và văn bằng cùng với mọi sáng kiến thay đổi hay dự án mới đều phải được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. Tóm lại, Bộ Giáo Dục giữ vai trò điều hợp tổng quát các đại học để thống nhất về mặt triết lý giáo dục, quản trị nhân viên và tài chánh (trừ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh huấn luyện công chức là trực thuộc phủ Tổng Thống).[1]

Công bằng mà nói thì truyền thống đại học của Pháp không hẳn là một di sản xấu khiến cho đại học Việt Nam bị yếu kém về phẩm chất, như nhận xét của hai tác giả Thomas Vallely và Ben Wilkinson trong bản phúc trình của Đại học Harvard năm 2009. Nhận xét này đã bị Giáo sư Tạ Văn Tài phản bác rất đúng khi ông trả lời cuộc phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, nhấn mạnh rằng những giáo sư đại học Việt Nam do Pháp đào tạo đều là những trí thức ưu tú không thua kém gì những đồng nghiệp người Pháp hay ngoại quốc khác. Họ đã xây dựng vững chắc nền đại học miền Nam từ 1954 và hầu hết sinh viên của họ khi ra nước ngoài đi làm hay học lấy bằng cấp cao hơn cũng đều là những nhân tài xuất sắc.[2] Có bậc thày không chỉ có công đào tạo ít nhất là hai thế hệ sinh viên mà còn là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, người có công gây dựng Đại học Văn Khoa từ những ngày đầu ở Hà Nội vào năm 1949-1950; bên Y khoa không mấy ai không biết đến Giáo sư Phạm Biểu Tâm là một vị thày thuốc điển hình của truyền thống Hippocrate.

Giáo sư Phạm Biểu Tâm đang tiếp chuyện với sinh viên Y khoa về việc ông bị bắt trong biến cố 1963

Ở miền Nam, khi ghi trong Hiến pháp năm 1967 là “Nền giáo dục Đại học được tự trị,” các nhà làm chính sách giáo dục đã xác nhận sự cần thiết phải hội nhập với thế giới dân chủ, nhất là theo mô hình của Mỹ. Nhưng việc trao cho đại học quyền tự trị, nhất là về quản trị nhân viên và sử dụng ngân sách, từ những định chế lâu đời như Bộ Giáo dục, Tổng Nha Công vụ và Tổng Nha Ngân sách đòi hỏi những sự thay đổi hay điều chỉnh thích hợp về luật lệ và thủ tục, do đó cần phải có thời gian thực hiện theo một tiến trình chuyển tiếp.

Trụ sở Viện Đại Học Sài Gòn cạnh bên Hồ con rùa (góc đường Duy Tân – Trần Quý Cáp). Trước 1975, các trường ĐH công lập như Luật khoa, Văn khoa, Kiến trúc, Dược khoa và Y khoa v.v… đều là các Phân khoa thuộc Viện ĐH Sài Gòn. (Hình ảnh và ghi chú trích từ “flickrer” manhhai)

Dù sao trong tiến trình tự trị hóa, Đại học miền Nam đã được hưởng nhiều ưu đãi. Các đề nghị của Hội đồng đại học về nhân viên hay ngân sách thường được chính phủ chấp thuận mau chóng ngoại trừ những quyết định thật quan trọng. Do sự tín nhiệm sẵn có đối với lãnh đạo đại học, sự chấp thuận của chính phủ được căn cứ vào sự hợp lệ về hành chánh và khả năng ngân sách hơn là xét về nhu cầu và giá trị của đề nghị. Về mặt học vụ, sự chấp thuận của Bộ Giáo dục lại càng có tính hình thức hơn nữa vì không khi nào Bộ ra chỉ thị hay can thiệp vào việc ấn định nội dung các môn học, thể lệ thi cử và chấm thi, các công tác nghiên cứu và giảng dạy, miễn là không trái ngược với ba nguyên tắc căn bản là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Chính sách uyển chuyển này đối với lãnh đạo đại học đưa đến thái độ mặc nhiên chấp thuận cho đại học thử nghiệm sáng kiến mới để rốt cuộc chính thức công nhận kết quả của thử nghiệm. Một thí dụ: khoảng giữa năm 1965, tôi được biệt phái từ Đại học Văn khoa Sài-gòn sang Viện Đại học Vạn Hạnh trong một năm để giúp tổ chức và soạn thảo chương trình cử nhân cho Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn. Sau khi hội ý với Thượng Tọa Viện trưởng Thích Minh Châu và được sự đồng ý của Thượng Tọa, tôi bắt đầu soạn thảo các môn học theo hệ thống tín chỉ (credits) thay thế cho các chứng chỉ cử nhân nhưng vẫn duy trì chế độ niên khóa. Tôi trở về Đại học Sài-gòn khi xong công việc và được biết dự án cải cách dung hòa cũ-mới này sau đó được Hội đồng Viện hoàn chỉnh và lần lượt áp dụng vào các Phân khoa khác. Điều đáng chú ý là khi Viện ĐH Vạn Hạnh trình dự án này lên Bộ Giáo dục xin ý kiến, Bộ không chính thức chấp thuận hay bác bỏ, nhưng các văn bằng cử nhân của Đại học Vạn Hạnh đều được Bộ công nhận. Những buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên luôn luôn có sự hiện diện của Bộ trưởng Giáo dục. Từ đầu thập kỷ 1970, hệ thống tín chỉ chính thức được áp dụng ở các Đại học Cộng đồng và Đại học Bách khoa Thủ đức của chính phủ.

Một buổi lễ tốt nghiệp của Viện Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975. Trong ảnh Viện trưởng, HT Thích Minh Châu đang đọc thuyết văn

Sự nảy nở các đại học cộng đồng (hay đại học sơ cấp hai năm) từ 1971 đáp ứng nhu cầu thực tế về nhân lực của địa phương và thể hiện tinh thần dân chủ vì có sự tham gia trực tiếp về tài chính và quản lý của địa phương đó. Sự thành lập Đại học Bách Khoa Thủ Đức năm 1973 được phỏng theo mô hình California Polytechnic State University đích thực là một đại học đa khoa, không chỉ gồm những phân khoa thiên về nghiên cứu mà bao gồm cả các ngành thực tiễn như nông nghiệp, kỹ thuật cơ khí, điện tử . . . là những ngành cần thiết cho nền kinh tế tại Đô thành và các tỉnh lân cận. Một đặc điểm trong chương trình đại học cộng đồng hồi đó là chương trình giáo dục bổ túc dành cho những sinh viên do hoàn cảnh chiến tranh nên thiếu căn bản vững chắc để theo các lớp đại học. Chương trình này cũng nhắm vào những quân nhân giải ngũ, nhất là khi đất nước hòa bình, cần được cập nhật và bổ túc kiến thức sau một thời gian bị gián đoạn việc học. Như vậy, việc cải cách giáo dục đại học theo xu hướng thực dụng và dân chủ hóa đã thật sự bắt đầu từ năm 1971.

Tự do học thuật và phát triển con người

Mặc dù một phái đoàn của Đại học Michigan đã đến Sài-gòn từ năm 1954 để giúp cải tổ chương trình đào tạo cán bộ ở Học viện Quốc gia Hành chánh, ảnh hưởng giáo dục đại học Mỹ chỉ bắt đầu ba bốn năm sau và đến những năm đầu thập kỷ 1970 mới có sự tăng tốc trong tiến trình đổi mới, với sự nâng cấp một số trường Cao đẳng Chuyên nghiệp, sự ra đời của một loạt Đại học Cộng đồng và của trường Đại học Bách Khoa Thủ Đức. Thế hệ trí thức theo truyền thống cũ của Pháp cũng ý thức được nhu cầu đổi mới và lợi ích của tự trị đại học trong công cuộc phát triển xứ sở nên cũng sẵn sàng chuyển hướng theo triết lý giáo dục của Mỹ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dân chủ hóa và thực tiễn hóa giáo dục đại học không có đủ thời gian thành tựu khi chế độ Cộng Hòa ở miền Nam sụp đổ năm 1975.

Tự trị học vụ trong qui chế tự trị đại học thường bị lẫn lộn với một chức năng liên hệ là tự do nghiên cứu và giảng dạy nay đã trở thành một truyền thống đại học ở các nước dân chủ. Đến đây, cần phải nhắc đến triết lý giáo dục của Đại học Humboldt nhấn mạnh vào sứ mệnh của trí thức đại học là phát triển toàn diện con người bằng khoa học và văn hóa, và điều kiện của phát triển là tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy. Phát triển con người bằng khoa học là tinh thần khai phóng, phát triển con người bằng văn hóa là tinh thần nhân bản. Đó là hai nguyên tắc chính yếu đã được đưa vào triết lý giáo dục các cấp ở miền Nam cùng với nguyên tắc thứ ba là tinh thần dân tộc, theo thứ tự “nhân bản, dân tộc, khai phóng,” phù hợp với nhu cầu và sứ mệnh của một quốc gia đang mở mang muốn vươn lên và hội nhập thành công trong cộng đồng thế giới.

Giáo dục nhân bản lấy con người làm cứu cánh nên chú trọng vào việc xây dựng đạo làm người, phát triển mầm mống tốt ở con người, phục vụ nhân sinh để tiến đến một xã hội hoàn thiện, đúng như đã được định nghĩa trong sách Đại học của Nho giáo (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện). Đạo Nho có những giáo điều phong kiến lỗi thời nhưng những nguyên tố để đào tạo mẫu người lý tưởng như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đều có giá trị phổ quát và vĩnh viễn. Người “quân tử” hay “kẻ sĩ” thời phong kiến khác với người “trí thức” thời dân chủ về trách nhiệm cụ thể, nhưng hoàn toàn giống nhau về tư cách đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Giáo dục dân tộc nhằm bồi dưỡng tinh thần hiếu hòa nhưng nhiệt tình yêu nước của giống nòi Hồng Lạc qua hơn hai nghìn năm lịch sử, bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Tinh thần dân tộc được thể hiện ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng Ba 1945 và trao trả độc lập cho chính quyền Bảo Đại/Trần Trọng Kim: nền giáo dục Việt Nam lập tức được Việt hóa với chương trình Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Giáo dục khai phóng tiếp thu những tri thức khoa học, kỹ thuật và tinh hoa văn hóa của các nước Tây phương một cách không định kiến. Rút kinh nghiệm mất nước vì chính sách tự cô lập với thế giới của vua chúa nhà Nguyễn, giáo dục khai phóng cũng du nhập những tư tưởng mới về triết học và chính trị, chuẩn bị cho học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học hay trung học có điều kiện trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.

Tinh thần khai phóng được thể hiện đầy đủ nhất ở Đại học qua sự thành lập các trường đại học mới, bổ sung tính chất nghiên cứu hàn lâm bằng khuynh hướng thực dụng để gia tăng khả năng phát triển kinh tế và công nghệ hóa miền Nam. Trong hai năm đầu, miền Nam mở thêm hai đại học, một công là Đại học Huế và một tư là Đại học Đà-lạt, cùng thành lập trong năm 1957; từ 1964 đến 1972 có thêm một đại học công là Đại học Cần Thơ (1966) và năm đại học tư là ĐH Vạn Hạnh (1964), ĐH Phương Nam (1967), ĐH Hòa Hảo (1970), ĐH Cao Đài (1971) và ĐH Minh Đức (1972). Sự gia tăng con số đại học tư—tổng cộng sáu đại học tư đều do bốn tôn giáo chính ở Việt Nam thành lập—cho thấy một đặc tính dân chủ ở miền Nam, mặc dù sự phát triển tự do này có vẻ biểu hiện nhu cầu xác lập vai trò và ảnh hưởng của mỗi tôn giáo trong xã hội hơn là nhu cầu thật sự về giáo dục đại học. Một đặc điểm khác của tinh thần khai phóng là quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy của các giáo sư. Các chứng chỉ, văn bằng và các môn học vẫn phải được Bộ Giáo dục duyệt y, nhưng nội dung các môn học và phương pháp giảng dạy đều do mỗi giáo sư tự ý quyết định.

Đáng tiếc là do tình hình chiến tranh, các hoạt động tự do học thuật này không phát triển được đến mức độ cao như mong đợi. Quả thật các giáo sư Đại học miền Nam được tự do nghiên cứu và giảng dạy, nhưng họ lại thiếu điều kiện để phát huy khả năng của họ. Trước hết là sự thừa kế truyền thống đại học cũ của Pháp từ thời Đại học Đông Dương. Trong những năm đầu chuyển tiếp từ 1954, Đại học Sài-gòn còn giảng dạy bằng tiếng Pháp ở các Phân khoa, trừ trường Văn Khoa, Cao đẳng Sư Phạm. (Ở trường Luật, nhờ những nỗ lực đặc biệt của GS Khoa trưởng Vũ Quốc Thúc và các đồng nghiệp của ông như Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Cao Hách, việc giảng dạy bằng tiếng Việt đã thực hiện được từ niên khóa 1955-56.)[3] Ngay cả khi đã hoàn toàn Việt hóa, Đại học miền Nam vẫn theo mô hình cũ của Pháp về tổ chức học theo năm và thói quen giảng bài hay phát bài cho sinh viên học thuộc lòng, trừ một số bộ môn khoa học như Toán và Vật lý. Giáo sư ít có những công trình nghiên cứu riêng, giữ nguyên bài giảng hàng năm hoặc chỉ thêm bớt đôi chút, không hoặc ít hướng dẫn cho sinh viên đọc sách tham khảo và thảo luận trong lớp học. Điểm bài thi cuối năm cao hay thấp phần lớn là tùy theo mức độ thuộc bài của sinh viên. Cho đến những năm cuối thập kỷ 1960, truyền thống cũ mới bắt đầu được thay đổi do sự trở về nước của một số giáo sư sau thời gian du học hay tu nghiệp ở những quốc gia ngoài hệ thống của Pháp như Anh, Đức, Úc, Tân-Tây-Lan, Nhật và Hoa Kỳ. Thật vậy, số người đậu tiến sĩ ở những nước này về Việt Nam dạy học gia tăng từ những năm giữa thập kỷ 1960, nhưng trách nhiệm lãnh đạo về học vụ vẫn ở trong tay thế hệ chịu ảnh hưởng của Pháp, vừa có thâm niên vừa chiếm đa số. Hệ thống giáo dục Đại học vì thế vẫn còn khá bảo thủ. Sự kéo dài tình trạng chuyển tiếp được thấy rõ ở Đại học Y khoa vào những năm cuối cùng: thành phần giảng huấn gồm các giáo sư Việt, Pháp và Mỹ, nhưng một số giáo sư người Việt khi giảng dạy vẫn pha lẫn tiếng Pháp và các bài giảng được viết bằng Pháp văn, đem đánh máy và in ronéo cho sinh viên học thuộc lòng để làm bài thi cuối năm.

Trường Sư phạm, thuộc Viện ĐH Sài gòn

Trong thời gian chuyển đổi từ ảnh hưởng của Pháp sang ảnh hưởng của Mỹ, một số giáo sư do Pháp đào tạo được đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ và khi về nước đã cập nhật kiến thức và phương pháp mới vào việc giảng dạy. Mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng mới và cũ tan biến mau chóng ngay cả ở Y, Dược khoa và sinh viên rất thích thú được hướng dẫn tra cứu thêm những sách báo y học và khoa học của Mỹ. Bên Luật khoa, các giáo sư trẻ mới du học về đưa ngay vào học trình một số môn mới trong hệ thống đại học Mỹ như kinh toán học, thống kê, phương pháp các khoa học xã hội, chính trị, bang giao quốc tế. Từ nay, thay vì chỉ ghi chép bài giảng của thày và học thuộc lòng để cuối năm sẽ viết ra y hệt (cours magistral), sinh viên đã có dịp áp dụng các phương pháp tự tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, do đó tập được thói quen tự học suốt đời, và có dịp tranh luận trong lớp để huấn luyện óc phê bình, sáng tạo. Bên Văn Khoa thì bất kể là giáo sư xuất thân từ đại học Pháp hay Mỹ, đều “trăm hoa đua nở”, tự do giới thiệu và phê bình các hệ tư tưởng triết học, các khuynh hướng văn học, nghệ thuật, tức là rất sát với trào lưu quốc tế. Thí dụ, hồi đó triết học hiện sinh (existentialisme) của Kierkegaard, Heidegger, Sartre và Merleau-Ponty được thảo luận sôi nổi nhất, và những tiểu thuyết hiện sinh của Albert Camus hay Simone de Beauvoir là những tác phẩm thời thượng. Lại có giáo sư không ngần ngại lập ra trường phái mới như Giáo sư Linh mục Kim Định viết cả ngàn trang sách về tư tưởng “Việt Nho”. Các giáo sư trong Tạp chí Đại học thì nghiên cứu và phê phán không thiếu vấn đề gì, từ triết học, văn học đến chính trị. `Đại học Văn Khoa còn có một sồ giáo sư là Thượng Tọa và Linh Mục, như TT Thích Mãn Giác, TT Thích Quảng Liên, LM Trần Thái Đỉnh, LM Hoàng Sĩ Quý. Nói chung, dù xuất thân từ bất cứ đại học nào và thuộc khuynh hướng nào, các giáo sư văn khoa và các ngành khoa học nhân văn đều áp dụng phương châm giáo dục của Kant là “không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà dạy cho họ biết tư tưởng.”

Một câu chuyện đáng ghi nhớ về tự do tư tưởng của trí thức Đại học miền Nam là vào năm 1965, ngay sau khi chính phủ quân nhân cầm đầu bởi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ được thành lập. Khi đó, Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, giao trách nhiệm đọc bài khai giảng niên khóa toàn trường cho Giáo sư Tạ Văn Tài, một trí thức trẻ mới ở Mỹ về, xác nhận rằng ông có quyền tự do phát biểu. Giáo sư Tài đã trình bày tóm lược bản luận án tiến sĩ của ông ở Mỹ về vai trò của quân đội tại các nước Đông Nam Á, phân tích ưu khuyết điểm của chế độ quân nhân ở những nước láng giềng như Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, nhấn mạnh đến quyết định sáng suốt của một số chính quyền quân đội đã mau mắn trao trả quyền lực cho nhân dân qua bầu cử, tránh được những cuộc đấu tranh chính trị gây đau thương chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cử Đại tá Dương Hồng Tuân đến tham dự và lấy bài giảng về làm tờ trình cho Hội Đồng Quân Lực. Sau đó, Tổng Thư ký Hội đồng Quân lực là Trung tướng Phạm Xuân Chiểu nhận trách nhiệm nghiên cứu bản luận án của Giáo sư Tài nhưng không thấy công bố kết quả hay phản ứng của Hội Đồng Quân Lực như thế nào.

Ngoài truyền thống bảo thủ của Pháp, một lý do quan trọng khác làm chậm sự phát triển đại học là tình hình kinh tế thời chiến và nạn thiếu giáo sư so với tỉ lệ gia tăng của sinh viên và số đại học được mở thêm khiến nhiều giáo sư phải nhận dạy ở nhiều trường, có khi còn kiêm nhiệm chức vụ khác nữa. Mỗi lần đi dạy xa như từ Sài-gòn ra Huế hay Đà-lạt hay Cần Thơ, giáo sư cần phải ở lại địa phương trung bình hai, ba ngày. Công việc nghiên cứu chuyên môn lại càng bị hạn chế, sáng kiến và phương pháp giảng dạy mới cũng không được phổ biến khi những người có hiểu biết và đầu óc đổi mới lại chính là những người được giao phó thêm chức vụ mà công việc hàng ngày thường chiếm nhiều thì giờ hơn là dạy học. Riêng cá nhân tôi, trước khi được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Đại học Sài-gòn đặc trách nghiên cứu và phát triển năm 1974, tôi đã kiêm nhiệm hai chức vụ trong khu vực tư là Giám đốc Nhà Xuất bản Hiện Đại do Hội Việt-Mỹ bảo trợ và Phó Tổng Giám đốc của Mandarin Garment Co., một công ty hợp tác đầu tư Việt Nam-Hong Kong-Tây Đức, trong khi vẫn giảng dạy ở Đại học Văn Khoa. Dự án cải cách và phát triển Đại học Sài-gòn của tôi bị đình trệ vì phải huy động giáo sư và sinh viên tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp đồng bào di tản vì chiến tranh từ các tỉnh miền Trung.

Nhà Xuất bản Hiện Đại là một dự án văn hóa có những đóng góp không nhỏ cho những hoạt động tự do, khai phóng của Đại học. Vì sự gia tăng cường độ của chiến tranh, công cuộc phát triển Đại học gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc gửi sinh viên đi du học nước ngoài. Bộ Giáo dục và Viện Đại học đã phải mời một số giáo sư ngoại quốc tới giảng dạy nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Khi làm Đổng lý Văn phòng tại Bộ Văn hóa Giáo dục năm 1965, tôi đã có dự án du nhập trí tuệ bằng việc mời giáo sư nước ngoài và dịch sách nghiên cứu để giải quyết nạn thiếu giáo sư và mở rộng kiến thức của sinh viên. Khi nói chuyện với các cơ quan viện trợ văn hóa nước ngoài, khẩu hiệu “We want to bring the brain in” của tôi có sức thuyết phục nhưng chưa kịp làm được gì thì chính quyền dân sự Phan Huy Quát đã phải ra đi. Năm 1971, cùng với sự nở rộ của các đại học tư và đại học cộng đồng kiểu Mỹ, tôi có cơ hội quan hệ với Hội đồng Quản trị Hội Việt-Mỹ và đề nghị chương trình dịch tài liệu giáo khoa của Mỹ cho giáo sư và sinh viên đại học Việt Nam bên cạnh chương trình phổ biến kiến thức phổ thông về văn học, khoa học và nghệ thuật mà Hội Việt-Mỹ đang thực hiện. Dự án được chấp thuận, Hội Việt-Mỹ phụ trách điều đình với các nhà xuất bản ở Mỹ về quyền được dịch sách và NXB Hiện Đại ra đời với sự hợp tác của nhiều giáo sư và học giả có uy tín cho đến những ngày cuối tháng Tư 1975.

Trong bốn năm hoạt động, NXB Hiện Đại đã hoàn thành được 45 tác phẩm trong đó 30 cuốn là sách nghiên cứu về kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật. Điển hình là : Căn bản Chính trị của Phát triển Kinh tế của Robert T. Holt và John E. Turner, Vũ Quốc Thúc dịch; Sự Biến đổi của Quốc tế Công pháp của W. Friedman, Tạ Văn Tài dịch; Chính trị và Bang giao Quốc tế của Hans J. Morgenthau, một nhóm chuyên viên dịch, Nguyễn Mạnh Hùng chủ biên; Thế Quân bình Thế giới và Tương lai của Á châu của Robert Scalapino và William Griffith, Phạm Thiên Hùng dịch; Á châu và các Đại cường của Robert A. Scalapino, Nhóm Toàn Hưng dịch; Văn minh Dân chủ của Leslie Lipson, Vũ Trọng Cảnh dịch; Nguyên tắc Quản trị: Phân tích các Chức vụ Quản trị của Harold Koontz và Cyril O’Donnell, Trần Lương Ngọc và Cung Thúc Tiến dịch; Xã hội học của Joseph Fichter, Trần Văn Đĩnh dịch; Khía cạnh Kinh tế của Phát triển Nông nghiệp của John W. Mellor, Nguyễn Đăng Hải dịch; Năng lượng và Thế giới Ngày mai của Hal Hellman, Ngô Đình Long dịch; Ký giả Chuyên nghiệp của John Hohenberg, Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu dịch. Đáng chú ý là bộ Kinh tế học của Paul Samuelson, người được giải Nobel Kinh tế năm 1970, Cung Thúc Tiến, Nguyễn Minh Hải và Trần Lương Ngọc dịch, Nguyễn Cao Hách hiệu đính, mới in xong tập I (700 trang) khoảng giữa tháng Tư 1975, chưa kịp bán. Năm 1990, khi tôi và phái đoàn SEARAC gặp cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ở New York để vận động việc định cư cựu tù nhân cải tạo ở Mỹ, nhân dịp đề cập đến kế họach đổi mới của Nhà nước, ông Thạch báo tin vui là bộ sách của Samuelson đang được dịch sang tiếng Việt. Tôi kể lại chuyện năm 1975 NXB Hiện Đại để lại hai nghìn bản dịch cuốn sách này còn thơm mùi giấy mới và nói thêm: “Chắc lúc đó các anh đã cho đốt hết rồi.” Ông Thạch trả lời bằng một nụ cuời xòa.

Ngoài chương trình dịch sách của các tác giả người Mỹ, NXB Hiện Đại cũng xuất bản sách dịch từ Pháp văn và sách viết bằng tiếng Việt của tác giả người Việt. Cuốn sách tiếng Pháp làm sôi nổi dư luận thế giới hồi đó là cuốn Ni Marx, Ni Jesus của triết gia Pháp nổi tiếng Jean-François Revel được Nguyễn Khắc Nhân dịch sang tiếng Việt là Không theo Marx, không theo Jesus. Ba cuốn sách viết bằng tiếng Việt do Hiện Đại xuất bản là Từ điển Quản trị và Hành chánh của Bùi Quang Khánh và Vũ Quốc Thông, William Faulkner: Cuộc đời và Tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ và Nguyễn Văn Nha, và Đặc khảo về Dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy.

Tại mỗi phân khoa đại học, các giáo sư cũng đưa những công trình nghiên cứu chuyên môn của mình vào những ấn phẩm của phân khoa, như Y Dược có tạp chí Acta Medica Vietnamica, trường Luật có Luật học Kinh tế Tạp chí, Học Viện Quốc gia Hành chánh có Tập san Nghiên cứu Hành chánh, Văn Khoa Sài-gòn có tập san Nghiên cứu Sử Địa, Đại học Huế có tạp chí Đại Học do một nhóm giáo sư phụ trách với sự hợp tác của nhiều giáo sư ở Sài-gòn. Về bên Khoa học, tôi chỉ nhớ có cuốn sách nổi tiếng được ngoại quốc biết đến nhiều là cuốn Cây Cỏ Miền Nam của GS Phạm Hoàng Hộ. Tôi không thể kể ra hết danh tính của những giáo sư đã có công đóng góp vào sự nghiệp phát triển đại học miền Nam, nhưng có thể khẳng định một cách tổng quát là những người trong ban giảng huấn đại học ở mọi cấp bậc đều được đào tạo theo hệ chính quy, trong nước hay ngoại quốc, có khả năng và tư cách nghề nghiệp xứng đáng được tôn trọng. Họ là một lực lượng trí thức Tây học đông đảo chưa từng có trong lịch sử đất nước, có đầy đủ tinh thần và phẩm chất của người trí thức ở các nước phát triển, không thua kém về trình độ so với các nước trong khu vực, có tư duy độc lập, có thái độ rất dấn thân và tâm huyết cho sự nghiệp phát triển nước nhà. Nếu có điều kiện tiếp tục phát triển hoà bình, chắc chắn họ sẽ tạo nên sự thăng hoa cho đất nước, như giới trí thức, khoa học gia đã từng làm cho nước Đức thế kỷ 19.

Ngoài sự nghiệp giáo dục đào tạo, giới trí thức đại học hồi đó cũng thấy rõ nhu cầu phát triển xã hội trong thời chiến đồng thời với công cuộc chuẩn bị tái thiết đất nước trong thời bình. Bởi vậy mặc dù ít thì giờ cho những công trình nghiên cứu lâu dài, một số trí thức vẫn đóng góp ý kiến với những nhà làm chính sách bằng những bài luận thuyết về những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trí thức đại học chưa nghĩ đến việc thành lập “think tank” như ở Mỹ nhưng đã tụ họp với nhau trên các diễn đàn độc lập có những tiếng nói đáng kể như tạp chí Quê Hương do GS Nguyễn Cao Hách và đồng sự chủ trương, Văn Hóa Á châu (thêm ấn bản tiếng Anh Asian Culture) của Hội Nghiên cứu Liên lạc Văn hóa Á châu, Thế kỷ Hai mươi do GS Nguyễn Khắc Hoạch chủ nhiệm, và Phát triển Xã hội (thêm ấn bản tiếng Anh Social Development) do tôi và một số đồng nghiệp phụ trách. Ngay cả những tạp chí của chính quyền như Pháp lý Tập san của Bộ Tư pháp, Tập san Quốc phòng của Bộ Quốc Phòng cũng có sự tham gia của nhiều giáo sư đại học và trí thức độc lập. Cũng cần nhắc đến bản Phúc trình Thúc-Lilienthal của “Nhóm Nghiên cứu Kế hoạch Hậu chiến” là kết quả hợp tác giữa trí thức đại học Việt Nam và các chuyên gia về chính sách của Hoa Kỳ.

Kết luận

Đại học miền Nam chỉ tồn tại có hai mươi năm trong đó mười năm đầu còn chịu ảnh hưởng Pháp khá sâu đậm do thỏa hiệp hợp tác văn hóa Việt-Pháp năm 1955. Chỉ từ 1965 Đại học miền Nam mới có cơ hội tiếp cận với tinh thần thực dụng và chế độ tự trị đại học của Mỹ và tìm cách áp dụng vào hệ thống đại học Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ những năm còn theo truyền thống cũ của Pháp, Đại học miền Nam đã được hưởng nhiều sự dễ dãi của Bộ Giáo dục về các thủ tục hành chánh, tài chánh, nhất là về học vụ. Các giáo sư được tự do nghiên cứu và giảng dạy mặc dù còn thiếu nhiều điều kiện giúp cho việc phát triển tiềm năng. Mười năm sau (1965-1975) vẫn được coi như thời kỳ chuyển tiếp vì khuynh hướng thực dụng và những thay đổi theo mô hình đại học Mỹ chỉ có cơ hội nảy nở từ những năm đầu thập kỷ 1970.

Sự gia tăng cường độ của chiến tranh kéo theo tình trạng bất ổn về xã hội và khó khăn về kinh tế đã hạn chế rất nhiều khả năng nghiên cứu, cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy của các giáo sư. Nhiều người đậu tiến sĩ ở ngoại quốc chưa muốn trở về nước giảng dạy vì bất mãn với chính quyền miền Nam. Nạn thiếu giáo sư càng trầm trọng trước sự gia tăng số sinh viên và số truờng đại học mới mở khiến cho những giáo sư giỏi phải đi dạy ở nhiều trường hoặc đảm nhận thêm công việc khác. Trong những điều kiện hạn chế và khó khăn như thế, Đại học Việt Nam vẫn cố gắng phát triển, nâng cấp những trường cao đẳng chuyên nghiệp, mở thêm các đại học cộng đồng và đại học bách khoa, áp dụng hệ thống tín chỉ . . . Môi trường đại học đích thực là một môi trường tự do của hoạt động trí thức. Nhiều giáo sư, dù bận dạy nhiều trường hay có việc làm thêm, vẫn cố gắng đóng góp ý kiến qua những diễn đàn trí thức về những vấn đề quan tâm chung. Tiếc rằng vào thời điểm những năm đầu thập kỷ 1970, chưa có ai nghĩ đến việc thành lập “think tank” để tư vấn cho những nhà làm chính sách, có lẽ khái niệm về những cơ quan nghiên cứu tư vấn kiểu Mỹ này còn khá xa lạ đối với Việt Nam.

Tôi không muốn so sánh Đại học miền Nam trong 20 năm chiến tranh trước 1975 với nền Đại học Việt Nam hiện nay, sau 35 năm đất nước hòa bình và thống nhất. Nhưng tôi thành thật nghĩ rằng nếu hiệp định Paris 1973 giữa bốn phe tham chiến được thi hành nghiêm chỉnh, thực hiện những đìều khoản đã thỏa thuận về “hòa giải và hòa hợp dân tộc” (chương IV, điều 10, 11 và 12)[4] thì miền Nam Việt Nam dưới một chính quyền mới sau cuộc tổng tuyển cử đã có triển vọng giàu mạnh không thua kém Nam Hàn, và Đại học miền Nam cũng đã đạt được “đẳng cấp quốc tế.” Kết quả này cũng chắc chắn đã diễn ra, dù chậm trễ hơn nhiều năm sau khi đất nước thống nhất, nếu đường lối đổỉ mới thật sự của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn như Nguyễn Cơ Thạch hay Võ Văn Kiệt không bị trở ngại trên bước đường thực hiện.

Cũng may là ở Việt Nam ngày nay vẫn còn có những trí thức không quên theo đuổi lý tưởng của người làm thày cao hơn người làm quan (tiến vi quan, đạt vi sư), nhất là không quên sứ mạng “lương sư hưng quốc”. Họ đã không ngừng tuyên dương và cố gắng phát huy truyền thống đại học Humboldt, trong đó tự do nghiên cứu và giảng dạy là điều kiện thiết yếu để đào tạo con người và phát triển xã hội. Các nhà lãnh đạo Nhà nước cũng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng đại học “đẳng cấp quốc tế”, đang tiếp cận với các nền giáo dục phát triển phương Tây, đặc biệt nền giáo dục đại học Hoa Kỳ, nhưng đến bao giờ thì mới thật sự tạo điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu này? Thời gian không chờ đợi trên vũ đài thế giới.

Lê Xuân Khoa
Irvine, California
Tháng Mười, 2010

Tham khảo

Wikipedia, tiếng Việt, “Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa”.
Nguyễn Hữu Phước, Contemporary Educational Philosophies in Vietnam,1954-1974, luận án tiến sĩ tại University of Southern California, 1974.
Đỗ Bá Khê, “Phát triển Đại học miền Nam trước 1975”, trang 152-157, trong Giáo dục ở miền Nam tự do trước 1975 , Nguyễn Thanh Liêm chủ biên, Lê Văn Duyệt Foundation xuất bản, Santa Ana, California, 2006.

[1] Điều này khác với mô hình các đại học ở Liên Xô mà Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã áp dụng cho đến những năm gần đây: Đại học ngành nào thuộc Bộ ngành đó, thí dụ Y khoa thuộc Bộ Y tế, Luật khoa thuộc Bộ Tư pháp. Từ 1994 các khoa mới được tập trung thành Đại học Quốc gia. Sau 30.4.1975, trường Luật và trường Quốc gia Hành chánh bị bãi bỏ, nhưng dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì được tái lập, có lẽ vì chính quyền mới đã nhận ra vai trò đóng góp vào nền pháp trị của trường Luật ở miền Nam. Trong khi đó, kiến thức và kinh nghiệm của ban giảng huấn Học viện Quốc gia Hành chánh cũng cần thiết cho việc cải tổ hành chánh. Một số giáo sư chế độ cũ được mời giảng dạy và làm tư vấn về hành chánh cho Thủ tướng.

[2] Đài Á châu Tự do phỏng vấn GS Tạ Văn Tài ngày 19.10.2009, đăng lại trong Đặc San Luật Khoa 2010 của Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam, Houston, Texas.

[3] Về điểm này, phải kể đến sự đóng góp quan trọng của GS Vũ Văn Mẫu, soạn giả tập Từ Điển Pháp-Việt: Pháp, Chính, Kinh, Tài, Xã Hội.

[4] Thí dụ: Chương IV, Điều 11 ghi rằng: “Ngay sau khi ngưng chiến, hai bên miền Nam sẽ: (1) thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, chấm dứt hận thù, cấm đoán mọi hành động trả thù và kỳ thị đối với các cá nhân và đoàn thể đã hợp tác với bên này hay bên kia; (2) bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm việc, quyền tư hữu, và quyền tự do kinh doanh.

Nguồn : Trang nhà Tư Tưởng .

Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng. Kiều Phong


Kiều Phong

content_diem-sach_le-tat-dieu-nhung-giot-muc

(Tác giả Kiều Phong Lê Tất Điều và Những Giọt Mực)

Đọc xong cuốn “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút VN (1957-1975)” của nhà văn Nhật Tiến, rồi bài nhận định về giá trị tác phẩm này của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh… ngẩn ngơ cả ngày. Nhớ các bậc tiền bối có công tạo dựng và duy trì một nơi quy tụ đẹp đẽ của văn giới miền Nam. Nhớ những công trình lớn lao của hội đã góp phần làm phong phú cho nền văn chương của quê hương đất nước thân yêu thủa nào.

Và bồi hồi nhớ nhà văn Minh Đức Hoài Trinh cùng nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp.

Sau 75, Hội Văn Bút, như tất cả các hội đoàn khác, tự ý giải tán hoặc bị bức tử. Hội viên thì phần lớn như cá nằm trên thớt, chờ ngày chế độ mới ra tay bắt bớ, giam cầm. Tác phẩm của họ bị đốt, hoặc trưng bày trong những phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy. Hội Văn Bút Quốc Tế cũng mặc nhiên coi hội Văn Bút Việt Nam đã chết theo miền đất tự do cuối cùng của nước Việt.

Người nhất định không chịu chấp nhận cái chết ấy là bà Minh Đức Hoài Trinh.

Trong một phiên họp của đại hội Văn Bút Quốc Tế, sau ngày mất nước, bà lên diễn đàn thỉnh cầu Hội chấp nhận là Hội Việt Nam còn sống nhăn, bằng cớ là có nhiều hội viên, cũng như bà, được tị nạn ở các nước tự do. Tất cả những hội viên may mắn này sẽ tiếp tục duy trì hội Văn Bút tạm đặt trụ sở ở Hải Ngoại, sinh hoạt bình thường.

Thế là hội viên những nước thiên tả, hoặc vốn thù ghét Việt Nam Cộng Hòa nhâu nhâu lên tấn công bà. Có tên khẳng định VNCH chết ngày 30 tháng tư bảy lăm, hội Văn Bút Việt Nam cũng tạ thế cùng ngày. Chỗ trống phải dành để chờ Hội Văn Bút Việt Cộng. Có đứa xỏ xiên: Đám nhà văn nhà thơ lưu vong ấy mai mốt sẽ thành công dân nước họ định cư, tha hồ gia nhập hội Văn Bút Tây, Mỹ, Canada, Úc… quên VN đi!

Chủ tịch và ban chấp hành của hội cũng xác định là xưa nay, hội chưa từng chấp nhận một hội Văn Bút nào có kèm hai chữ “hải ngoại”.

Tuy cũng có một số hội viên ủng hộ bà, nhưng không nhiều. Lúc bầu phiếu, phe chống có đa số áp đảo, bà thua, Văn Bút Việt Nam tiếp tục tắt thở.

Không sờn lòng, nản chí, cùng luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà thơ Nguyên Sa, nhà báo Trần Tam Tiệp, bà Minh Đức Hoài Trinh bền bỉ tranh đấu.

Đại hội nào bà cũng dự, bài diễn văn nào của bà cũng nhấn mạnh vào truyền thống và chủ trương tốt đẹp của hội: bênh vực và bảo vệ quyền tự do tư tưởng của hội viên và những người cầm bút khắp thế giới. Hội Văn Bút Việt Nam, từ chủ tịch đến đa số hội viên hiện đang là nạn nhân của một chế độ độc tài, sắt máu. Tác phẩm của họ bị đốt, bản thân họ bị cầm tù. Họ không thể kêu cứu với hội quốc tế và tường trình về hoàn cảnh khốn cùng của họ vì liên lạc với nước ngoài là một trọng tội, bị ghép tội danh “làm gián điệp cho ngoại bang” có thể lãnh án tử hình. Chấp nhận “hội Văn Bút VN hải ngoại” là tạo một nhịp cầu. Hội hải ngoại sẽ có những cách riêng để liên lạc với hội viên trong nước và có bản tường trình về hoàn cảnh hiện tại của họ cho hội quốc tế lên tiếng, can thiệp, bênh vực.

Lời bà càng ngày càng thấm khi chính các hội viên thiên tả cũng nhìn thấy sự thật. Và năm1979, Đại Hội Văn Bút Quốc Tế lần 44 họp ở Rio de Janeiro, Brazil đã chấp nhận Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese Abroad PEN Centre) với số phiếu 25/12.

Minh Đức Hoài Trinh


Người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay mềm ấy, năm này qua năm khác, đã giang tay chống đỡ căn nhà Văn Bút, không để cho trận Hồng Thủy cuốn phăng nó đi, như tất cả các kiến trúc chính trị, văn hóa thuộc về miền Nam xưa. Bà thành công. Và Văn Bút VN là hội đoàn duy nhất của miền Nam tự do còn giữ được tư cách pháp nhân quốc tế.

Từ ngày đó, Văn Bút VN tường trình đầy đủ cho Hội Quốc Tế về tình trạng bị tù đầy, đàn áp của các hội viên và giới cầm bút ở VN, đồng thời cũng đưa ra nhiều sáng kiến. Đại Hội nào cũng có ghế trống, chỗ ngồi tượng trưng dành cho những hội viên vắng mặt vì bị cầm tù.

Sau, không còn tượng trưng nữa, hội VN đề nghị Hội Quốc Tế nhận tất cả các hội viên đang bị đầy đọa ở quê nhà là Hội Viên Danh Dự.

Sáng kiến này được hưởng ứng, Hội Viên một số nước Âu Châu nhận luôn nhiều nhà văn, nhà thơ VN là Hội Viên danh dự của chính quốc gia họ. Và vì các quốc gia ấy rất tôn trọng văn giới cho nên họ gửi khi thì nhà báo, khi thì nhân viên ngoại giao tới Việt Nam, tìm đến thăm hỏi, phỏng vấn, và giúp đỡ các “Hội viên Văn Bút Danh Dự” của nước họ. Có nhà văn, nhà thơ đã được đón từ Việt Nam đến định cư tại quốc gia nhận các vị này là hội viên.

Tất cả những chuyện ấy đã không xảy ra nếu không có nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, vị Chủ Tịch đầu tiên của Văn Bút VN Hải Ngoại. Và cũng có nhiều chuyện tốt đẹp đã không xảy ra nếu không có ông nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp, Tổng thư ký của hội.

Ông Tiệp là Trung Tá Không Quân, gia nhập làng viết phiếm luận với bút hiệu Đạo Cù. Ông không là hội viên trước 75. Nhận chức Tổng thư ký của Văn Bút VN Hải Ngoại, ông phải cáng đáng đủ chuyện thượng vàng hạ cám, vì ban chấp hành của hội trần xì có hai người sinh hoạt thường xuyên: Bà Chủ Tịch và ông Tổng Thư Ký.

Nhưng chu toàn nhiệm vụ Tổng Thư ký chỉ là chuyện nhỏ.

Đại bàng gẫy cánh rơi xuống Paris đành chọn nghề nghiệp mới. Ông Đạo Cù làm trưởng toán sĩ quan an ninh chuyên trách việc bảo vệ các hãng xưởng, các cơ sở thương mại. Sắc phục tề chỉnh, uy nghi, chức tước nghe kêu boong boong, nhưng ông Nguyên Sa lại diễn nôm, dịch huỵch toẹt sang tiếng Việt là “nghề gác dan”. Chủ nhân các cơ sở, hãng xưởng Tây chắc trả công dựa trên bản dịch của Nguyên Sa, nên lương ông Đạo không cao mấy.

Ông cư ngụ trong căn gác xép trên nóc một ngôi nhà cũ. Bề rộng của căn nhà – theo lời mô tả của ông Bồ Đại Kỳ – “Cũng to hơn cái chuồng chim bồ câu một tí. Chỉ tội mái thấp quá. Đến thăm nó, đi đứng mà quên lom khom là bươu đầu sứt trán như chơi!” Gác xép cũng có cửa sổ, là một khung gỗ với miếng gỗ che có gắn bản lề như cánh cửa. Khi cần thưởng thức trời xanh, mây trắng, nắng vàng… ông Đạo chỉ cần dùng một cây gậy đẩy miếng gỗ che lên, chống cho nó mở toang ra là có ngay khung trời thơ mộng. Thỉnh thoảng quên đóng “cửa sổ”, đi làm về thấy gió thu, lá thu và cả… mưa thu tràn vào đầy nhà, chiếu giường ướt nhẹp.

Ông chịu sống cần kiệm, khắc khổ như thế để có tiền gửi về giúp các bạn văn.

Bất cứ nhà văn, nhà thơ nào dù không là hội viên của Trung Tâm Văn Bút, mà ông liên lạc được, ông đều gửi quà. Hồi ấy, dịch vụ gửi quà chưa có. Ông Đạo phải tự mua từng món, tự đóng thùng rồi khuân vác, đáp mấy chuyến metro đưa tới nhà bưu điện.

Chính nhờ ông Tổng thư ký của hội chịu vất vả ngược xuôi trên đường phố Paris, vai vác những thùng quà to tướng mà nhiều nhà văn nhà thơ có thêm chút sinh lực, đồng thời níu được đường giây liên lạc để chuyển những tin tức, những tác phẩm viết chui ra hải ngoại. Và bà Chủ tịch luôn luôn có những bản tường trình phong phú, chính xác về tình trạng của văn giới ở quê nhà để trình cho Hội Văn Bút Quốc Tế.

Nhà báo Trần Tam Tiệp 1928 – 2009

Ông Đạo Cù xuôi ngược trên đất lạ, quê người, khi tay xách nách mang, khi khiêng trên vai những thùng quà nặng tình văn hữu, giữ liên lạc chặt chẽ, thăm hỏi, giúp đỡ bạn văn còn kẹt ở quê nhà với tất cả khả năng, sức lực của mình.

Bà Minh Đức Hoài Trinh phong thái tha thướt dịu dàng nhưng lời lẽ chém đinh chặt sắt, đăng đàn, phó hội hiên ngang đương đầu với đa số những hội viên đầy trí tuệ nặng lòng thù nghịch Việt Nam Cộng Hòa, ghét luôn văn giới miền Nam. Họ xô bà ngã trong nhiều năm, bà vẫn đứng dậy, cương quyết tiến tới và cuối cùng đã giành được một chỗ đứng trên văn đàn quốc tế cho tập thể người Việt lưu vong.

Mấy thập niên qua rồi, nhớ lại thủa ấy, vẫn thấy cần gửi đến bà nhà văn, ông nhà báo thêm một lời tri ơn.

Văn Bút VN Hải Ngoại vừa được chấp nhận là hoạt động tích cực, đưa ra nhiều sáng kiến vừa đẹp vừa thực tế như chọn những nhà văn nhà thơ đang bị đàn áp, cầm tù là “Hội Viên Danh Dự” để có danh chính ngôn thuận can thiệp, giúp đỡ… Hội ta được từ chủ tịch đến các hội viên quốc tế cảm phục và quý trọng ngay.

Khi nhà thơ Viên Linh được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ 1993– 1995, sự quý trọng ấy vẫn còn.

Ông Viên Linh có tài tổ chức, nhiều sáng kiến lạ nên thời ông làm chủ tịch, VBVNHN coi bộ hoành tráng nhất, trông xôm tụ như một triều đình.

Nhiều quan chức lắm! Cô Tà Cúc cũng được cho làm Quan Lớn Văn Bút. Nhớ mang máng hình như cô được thụ phong chức Trưởng Ủy Ban Phụ nữ. Chả hiểu sao mà hội văn bút lại có một ban đặc trách chuyện quý bà, quý cô, mà tên ủy ban cũng mù mờ, lửng lơ, khó hiểu. Quan Trưởng ban Tà Cúc lãnh đạo phụ nữ của hội? ở quận Cam? hay cai trị toàn thể phụ nữ khắp ta bà thế giới?

Nhiều văn hữu chê “nhăng nhố, lố bịch quá” rồi cười lăn. Riêng tôi, bé đã mê phường chèo, hát bội, lớn lại nghiền thêm món cải lương, thích những chuyện diêm dúa, hoa hòe hoa sói, mũ áo xênh xang, cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất… nên khoái cái triều đình văn bút này quá xá, quà xa. Ai nói gì thì nói, Kiều mỗ nhất định coi triều đại văn bút Viên Linh là thời kỳ cực thịnh, xôm tụ, mầu mè sặc sỡ bậc nhất trong lịch sử Hội Văn Bút nước nhà.

Chuyện rắc rối, bi thương chỉ xảy ra vào thời gian cuối nhiệm kỳ, khi Chủ Tịch Viên Linh quyết định không rời ngôi báu, muốn trị vì toàn dân Văn Bút thêm một vài nhiệm kỳ nữa.

Tôi tưởng chuyện ấy đối với ông dễ ợt. Ông là người có tài, lãnh đạo hội khéo léo, tái ứng cử là trúng liền một khi. Chẳng ngờ có nhiều đứa muốn hạ bệ ông. Số hội viên thân cận được hưởng ơn mưa móc cũng nhiều, nhưng vẫn là thiểu số. Đám hội viên phó thường dân đông hơn, bất mãn với tác phong lãnh đạo của Chủ Tịch, nhất định bắt Viên Linh đi chỗ khác chơi, nhường ghế cho người khác.

Cuộc chiến tranh giành ngôi báu khốc liệt của hội lập tức nổ ra, lan rộng, khói lửa ngập tràn đến cả những nhà văn, nhà thơ không là hội viên, chẳng dính dáng gì tới hội. Chúng tôi bị vạ lây!

Một hôm tôi nhận được thư Viên Linh, trong có một bản tuyên bố, tuyên cáo, hay nhận định gì đó, quên rồi. Nội dung tuyên cáo đại khái là:

Chúng tôi ký tên dưới đây là những người làm văn học, đồng lòng nhất trí quyết định rằng: Hội Văn Bút phải thuộc về văn giới, phải được một vị trong văn giới làm Chủ Tịch. Vai trò lãnh đạo một hội văn chương không thể để lọt vào tay một nhà buôn (hay nhà khỉ gì đó, cũng quên rồi.)

Hóa ra người tranh ngôi với Viên Linh đang thắng thế, gom được nhiều phiếu, có thể cướp ngôi của chàng tới nơi. Chàng đành hô hào văn thi hữu bốn phương, ra tuyên cáo phản công, uýnh lại địch bằng chiến thuật biển người, tấn công thẳng vào cái lý lịch “không phải là nhà văn” của đối thủ.

Tuyên cáo được soạn thảo rất văn chương và hùng hồn, đọc xong, đồng ý liền. Nhưng đến mục ký tên thì bà con khựng lại, thấy kỳ kỳ. Những người lờ đi không ký, bị Viên Linh thù lâu lắm.

Riêng tôi, may phước lại được ông gọi điện thoại đến tận nhà truy kích. Tôi thành thật thưa với ông rằng: Trước sau tôi vẫn thích thơ Viên Linh và quý trọng văn tài ông. Tôi cũng thật lòng tin rằng ông xứng đáng làm Chủ Tịch Hội Văn Bút thêm năm bảy nhiệm kỳ, hay làm suốt đời, muôn năm trường trị cũng chẳng sao. Nhưng ký kiến nghị, tuyên cáo để xúm xít ủng hộ ông, tấn công một địch thủ tầm thường nào đó thì tôi thấy hơi quá đáng.

Tưởng bị Viên Linh giận, nghỉ chơi. Không ngờ ông lại rộng lượng “ghi nhận thiện chí của bạn”, cho tôi vào danh sách những nhà văn nhà thơ (cỡ chín, mười người) tuy không ký tuyên cáo nhưng “ĐỒNG Ý QUA ĐIỆN THOẠI”.

Thế là thoát nạn. Tình văn hữu giữa chúng tôi vẫn bền vững, không sứt mẻ tí teo nào. Mừng ơi là mừng!

Nỗ lực bảo vệ ngôi báu đến mức đó là nhất. Thiên hạ khó ai bì. Nhưng than ôi! Mưu sự tại Viên Linh mà thành sự tại đám hội viên bầu bán linh tinh. Ông đành dẹp cuộc bầu cử, tự ý lưu nhiệm dài hạn, cho nó chắc ăn.

Các hội viên bị Chủ Tịch Viên Linh đàn áp, truất quyền ứng cử, bầu cử, thì ức quá. Tháng 2/1996, họ họp đại hội ở Houston, bầu nhà văn Sơn Tùng làm chủ tịch. Ông này đúng là nhà văn. Cái tuyên cáo hết thiêng. Nhưng ông Viên Linh cứ ngồi ỳ ra, nhất định không rời bỏ ngai vàng. Thế là Hội ta năm ấy được mùa, của ăn của để, có tới hai Chủ Tịch lận.

Tự lưu nhiệm thêm hai năm chưa thấy đã đời. Năm 1997, Viên Linh dàn xếp cho bù nhìn Đặng Văn Nhâm lên làm chủ tịch, để lui vào hậu trường tiếp tục cai trị thêm một nhiệm kỳ nữa. Như thế, trước sau, triều đại Viên Linh kéo dài 6 năm, gấp rưỡi một nhiệm kỳ của Tổng Thống Mỹ Quốc. Trong thời gian này những hội viên ghê tởm hành vi của Viên Linh xúm lại đả kích sự tham quyền cố vị, lỳ lợm, trâng tráo của ngài Chủ Tịch tự ý lưu nhiệm. Quân triều đình kháng cự rất dũng mãnh. Cuộc giao tranh kéo dài hàng năm. Đóng cửa choảng nhau trong nhà cứ bất phân thắng bại hoài, đôi bên sốt ruột làm đơn gửi hội Văn Bút Quốc Tế, kiện tụng, tố cáo tội ác của địch thủ lia chia.

Thế là hội Văn Bút Quốc tế phải thi hành một biện pháp chưa từng có trong lịch sử Văn Bút Thế Giới. Văn Bút Quốc Tế bắt Văn Bút Việt Nam há miệng, tống cho mấy viên thuốc ngủ, bắt ngủ say sưa – gọi là dormant – khỏi léo nhéo cãi nhau, kiện tụng lằng nhằng, làm phiền người lớn.

Tính đến hôm nay, Hội ta đã bị Hội Quốc Tế bồng lên, rót vào tai những lời ru êm ái “ngủ đi em mộng bình thường” hai lần!

Quyết tâm: đã lên chức Chủ Tịch rồi thì nhất định ngồi lì, tử thủ, của ông Viên Linh làm Văn Bút VN Hải Ngoại tan hoang, hội viên bẽ bàng, mắc cỡ. Hội Quốc tế nhìn hội ta nếu không nỡ khinh bỉ, thì cũng khó nín cười!

Tiếc công sức của bà Minh Đức Hoài Trinh, ông Trần Tam Tiệp đã phục sinh cho chúng ta một Hội Văn Bút được Hội Quốc Tế yêu quý, kính trọng.

Thương cho quý vị hội viên sau này phải hứng chịu một di sản quái dị của ông Chủ Tịch có nhân cách lạ lùng.

Kiều Phong

 Xem tiếp Phần 2
(Nguồn:https://nhavannhattien.wordpress.com/vien-linh-mot-nhan-cach-la-lung-phan-1/)

Chủ Biên: Người Tình Hư Vô. huvoanxuyen@yahoo.com.au

%d bloggers like this: