Tổ Chức Giáo Dục Và Thi Cử Dưới Thời Việt Nam Cộng Hoà


Giáo sư Hoàng Xuân Hãn

Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương và trao trả quyền độc lập cho Việt Nam vào năm 1945, Học Giả Trần Trọng Kim được Hoàng Đế Bảo Đại triệu vào Huế yết kiến và trao trọng trách thành lập chính phủ.. Ngày 17 tháng 4 năm 1945, Học Giả Trần Trọng Kim đã đệ trình một danh sách cán nhân vật trong nội các của ông trong đó có Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn đảm trách chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Nghệ. Mặc dầu thời gian làm Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Nghệ thật ngắn ngủi, từ 17/4/1945 đến 19/8/1945 là ngày Việt Minh cướp chính quyền của chính phủ Trần trong Kim, nhưng ông cũng đã có công soạn thảo và ban hành một chương trình giáo dục từ bậc tiểu học đến trung học hoàn toàn Việt Nam và đã được áp dụng suốt 30 năm, từ 1945-1975 (1).

I/ Bậc Tiểu Học và Trung Học.

1/ Bậc Mẫu Giáo và Tiểu Học.

a/ Bậc Mẫu Giáo

Bậc Mẫu Giáo dành cho trẻ em đến tuổi đi học tức từ 5 tuổi. Chương trình chỉ có 1 năm. Mục đích của bậc mẫu giáo chỉ cốt là để cho các em làm quen với lớp học và biết đọc, biết viết để sửa soạn vào bậc Tiểu Học.

b/ Bậc Tiểu Học 

Bậc Tiểu Học dành cho các trẻ em đã qua bậc Mẫu Giáo và từ 6 tuổi trở lên. Bậc Tiểu học có tất cả 5 lớp: Lớp Năm, Lớp Tư, Lớp Ba, Lớp Nhì và Lớp Nhất, sau này được đổi lại và gọi là Lớp 1, Lớp 2, Lớp 3, Lớp 4 và Lớp 5.

Chương trình Tiểu Học gồm có các môm chính như: Đức dục, Tập làm văn, Học thuộc long, Ngữ vựng, Chánh tả, Văn phạm, Toán, Hình học, Khoa Học thường thức, Sử ký, Địa lý, Vẽ, Viết tập, Thủ công, Thể dục, Hạnh kiểm v.v… Sau khi học xong Lớp Nhất phải thi lấy bằng tốt nghiệp, gọi là bằng Tiểu Học.

Mặc dầu chỉ là bằng Tiểu Học, nhưng thi cũng rất khó và không những thi viết mà còn thi cả vấn đáp. Thi viết gồm một bài Chính Tả, một bài Luận và một bài Toán. Nếu đậu sẽ được vào thi vấn đáp. Thi vấn đáp rất dễ, thường thì chỉ phải đọc thuộc lòng một bài thơ hoặc hát một bài hát. 

Có bằng Tiểu Học mới được ghi tên dự thi tuyển vào lớp Đệ Thất bậc Trung Học. Bằng Tiểu Học được bãi bỏ vào năm 1955 (?). Người lớn tuổi có bằng Tiểu Học có thể xin làm công chức ngạch Tùy Phái hay Thư Ký đánh máy nếu có thêm bằng đánh máy.

2/ Bậc Trung Học.

Bậc Trung Học được chia ra làm 2: Trung Học Phổ Thông và Tú Tài.

a/ Trung Học Phổ Thông hay Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Bậc Trung Học Phổ Thông gồm 4 lớp học trong 4 năm: Từ Đệ Thất đến Đệ Tứ. Ngoại ngữ Anh, Pháp và Hán Văn cũng bắt đầu được dậy ngay từ lớp Đệ Thất bậc Trung Học Phổ Thông. Sau này Hán Văn được bãi bỏ, chỉ còn Anh văn và Pháp văn. Lúc đầu học sinh phải học cả 2 ngoại ngữ Anh văn và Pháp văn, sau chỉ còn học một ngoại ngữ.

Chương trình học suốt từ năm Đệ Thất đến năm Đệ Tứ gồm có các môn chính như Quốc văn (Việt Văn), Công Dân Giáo Dục, Sử Điạ, Tóan, Lý Hoá, Vạn Vật, Anh Văn, Pháp Văn, Vẽ, Nhạc, Thể dục và Hạnh Kiểm v.v….

               Thông Tín Bạ Lớp Đệ Tứ niên khoá 55-56 Nguyễn Trãi

Ở bậc phổ thông chưa có chia Ban A (Vạn Vật), B (Toán) hay C (Sinh Ngữ).

Sau khi học xong lớp Đệ Tứ, học sinh sẽ thi tốt nghiệp để lấy bằng Trung Học Phổ Thông còn được gọi là Trung Học Đệ Nhất Cấp. Môn thi gồm có Việt Văn, Toán, Lý Hoá, Pháp Văn, Anh Văn. Thí sinh thi đậu viết còn phải thi vấn đáp đủ các môn. Thí sinh thi trượt vấn đáp kỳ 1 được giữ điểm đậu thi viết để thi lại phần vấn đáp trong kỳ 2. Thí sinh có đậu vấn đáp mới được coi là tốt nghiệp. Sau này thi vấn đáp được bãi bỏ, chỉ còn thi viết.

Người có bằng Trung Học Phổ Thông có thể xin làm công chức hạng C, ngạch Thư Ký Hành Chánh hoặc thi vào Quốc Gia Sư Phạm, Quốc Gia Thương Mại hoặc ghi tên học các trường Cán Sự như Cán Sự Kiến Trúc, Cán Sự Y Tế, Cán Sự Công Chánh, Điạ Chánh v.v…. hoặc muốn theo đời binh nghiệp thì vào trường Bộ Binh Thủ Đức.

b/  Bậc Tú Tài hay Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Bậc Tú Tài phải học 3 lớp trong 3 năm: Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất và được chia Ban A, B hay C ngay từ Đệ Tam và học cả 2 ngoại ngữ Anh và Pháp.

Các môn học cũng giống như ở cấp Phổ Thông gồm có Toán, Lý Hoá, Anh Pháp Văn, Công Dân, Sử Điạ, Vạn Vật, Thể dục và Hạnh kiểm. Việt Văn chỉ dậy ở 2 lớp Đệ Tam, Đệ Nhị,

                    Thông Tín Bạ lớp Đệ Nhị B, niên khóa 57-58 Chu Văn An

 Lên Đệ Nhất bỏ môn Thể dục và môn Việt văn được thay thế bằng môn Triết học.

                         Thông Tín Bạ lớp  Đệ Nhất B niên khoá 58-59 Chu Văn An

Muốn được nhận vào lớp Đệ Tam học sinh phải đủ điểm trung bình qua hai kỳ thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt ở lớp Đệ Tứ để lên lớp Đệ Tam, nếu là học sinh trường công. Nếu là học sinh trường tư, phải đậu Trung Học Phổ Thông và phải qua một kỳ thi tuyển vì số chỗ có hạn. 

Muốn được vào học lớp Đệ Nhất, học sinh lớp Đệ Nhị phải đậu bằng Tú Tài I. Sau này, bằng Tú Tài I được bãi bỏ thì phải đủ điểm lên lớp qua 2 kỳ thi đệ I và đệ II lục cá nguyệt. Sau khi học xong lớp Đệ Nhất, học sinh phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng Tú Tài 2 còn gọi là Tú Tài Toàn Phần. Tùy theo Ban mình lưạ chọn khi ghi danh thi bằng tốt nghiệp sẽ được gọi là ban Khoa Học Thực Nghiêm (ban A), ban Khoa Học Toán (ban B) hay ban Văn Chương (ban C). 

Thể lệ thi cũng giống như kỳ thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Riêng sinh ngữ thì phải làm một bài nghị luận luân lý (discertation morale) cho môn sinh ngữ chính thay vì bài dịch như ở kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Ở cấp Tú Tài I, thí sinh nếu có thêm bằng Thể Thao khi thi bằng Tú Tài I sẽ được thêm 1 điểm trong kỳ thi Viết. Kỳ thi Tú Tài I rất khó, nhiều thí sinh thiếu nửa điểm cũng trượt. Nên nếu có Bằng Thể dục để được thêm 1 điểm rất là qúy.

Có bằng Tú Tài Tòan Phần có thể ghi danh các trường Đại Học như Khoa Học, Luật Khoa hay Văn Khoa hoặc các trường Đại Học Y, Nha, Dược, trước năm 1963 (?) hoặc thi vào các trường chuyên nghiệp như Cao Đẳng Sư Phạm, sau này là Đại Học Sư Phạm, Cao Đẳng Công Chánh tức kỹ sư Công Chánh, Cao Đẳng Điện Học tức kỹ sư Điện, Cao Đẳng Hoá Học tức kỹ sư Hoá Học, Cao Đẳng Nông Lâm Súc, Quốc Gia Hành Chánh hoặc xin làm công chức hạng B, ngạch Tham sự. Hoặc nếu muốn theo đường binh nghiệp thì có thể thi vào các trường Võ Bị Đà Lạt, Haỉ Quân, Không Quân.

Chương trình giáo dục Trung và Tiểu Học Việt Nam do Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn soạn thảo dựa theo trương trình giáo dục của Pháp, tuy nặng về từ chương, thiếu tính cách thực dụng, nhưng có trình độ khá cao. Bất cứ một học sinh nào, sau khi qua được bậc Tú Tài (Trung Học Đệ Nhị Cấp) đều có đủ trình độ và khả năng để theo bậc đại học không những ở trong nước mà cả ở các nước tiền tiến như Anh, Pháp hoặc Hoa Kỳ, Gia Nã Đại v.v…

II/ Bậc Đại Học 

Nếu chương trình Tiểu Học và Trung Học Việt Nam còn gọi là Chương Trình Hoàng Xuân Hãn được áp dụng ngay từ năm 1945 thì mãi tới năm 1955, năm Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được dân miền Nam bầu làm Tổng Thống và nền Đệ Nhất Cộng Hoà được ra đời thì chương trình Đại Học Việt Nam mới bắt đầu được dần dần thay đổi. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cử Giáo Sư Nguyễn Quang Trình, Tiến Sĩ Hóa Học tại Paris, thay thế ông De Lassus làm Viện Trưởng đầu tiên của Viện Đại Học Saigon dưới quyền quản trị của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ngoài Viện Đại Học Saigon, sau còn có Viện Đại Học Huế, Viên Đại Học Đà Lạt và Viện Đại Học Cần Thơ v.v… 

Mặt tiền của Viện Đại Học Sài Gòn (Số 3 Công Trường Chiến Sĩ)

A/ Tiền thân của Viện Đại Học Saigon.

Tiền thân của Viện Đại Học Saigon là Viện Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise) do chính quyền thuộc địa Pháp thành lập vào năm 1906 (?) và trụ sở đặt tại Hà Nội. Sau đệ nhị thế chiến, Viện Đại Học Đông Dương được đổi thành Viện Đại Học Hà Nôi .. Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, Viện Đại Học Hà Nội di chuyển vào Nam và trở thành Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam. Vào năm 1957, Viện Đại Học Huế được thành lập,  Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam trở thành Viện Đại Học Saigon, trụ sở đặt tại số 3 Công Trường Chiến Sĩ.

Viện Đại Học Saigon có 2 ký túc xá: một là Đại Học Xá Minh Mạng ở Ngã Sáu Chợ Lớn dành chon am sinh viên và một Đaị Học Xá Trần Qúy Cáp ở đường Trần Qúy Cáp, thuộc quận Nhất, dành cho nữ sinh viên.

B/ Các phân khoa thuộc Viện Đại Học Saigon.

Các phân khoa thuộc Viện Đại Học Saigon gồm có:

            1/ Đại Học Văn Khoa, trụ sở lúc đầu ỏ đường Nguyễn Trung Trực, quận Nhất, sau di chuyển về đương Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Nhất.

            2/ Đại Học Luật Khoa, trụ sở ở đương Duy Tân, quận Nhất.

            3/ Đại Học Khoa Học, trụ sở ở đường Cộng Hoà, quận Năm.

            4/ Đại Học Sư Phạm, trụ sở đăt tại đường Cộng Hoà, quận Năm.

            5/ Đại Học Kiến Trúc, trụ sở tại đường Pasteur, quân Ba.

            6/ Đại Học Y Khoa, trụ sở lúc đầu ở đương Trần Qúy Cáp, quân Ba, sau di chuyển về Đại Lộ Hồng Bàng, quân Năm.

            7/ Đại Học Dược Khoa, trụ sở lúc đầu ở đường Trần Qúy Cáp , quân Ba, sau di chuyển về đường Công Lý (góc Hiền Vương), quận Ba.

            8/Đại Học Nha Khoa, trụ sở ở đường Nguyễn Trãi, quận Năm.

Lúc đầu trường Đại Học cũng còn tiếp tục giảng dạy bằng tiếng Pháp vì chưa đủ giáo sư người Việt. Cho đến khi số Giáo sư người Việt đầy đủ, tất cả các Giáo sư người Pháp rút lui vào khoảng năm 1964 và cũng kể từ năm này, toàn thể các Giáo sư người Việt lãnh trách nhiệm giảng dạy cho toàn thể các trường Đại Học ở miền Nam Việt Nam.

Ngoài Viện Đại Học Saigon , sau này còn có Viện Đại Học Huế, Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Đại Học Cần Thơ v.v… chương trình giảng dậy cũng tương tự, nhưng không đầy đủ các phân khoa như Viện Đại Học Saigon và thành phần giáo sư cũng không được chọn lọc kỹ như Viện Đại Học Saigon. 

Viện Đại Học Saigon tuy là là Viện Đại Học của miền Nam Việt Nam, nhưng phải nói là một Viện Đại Học uy tín nhất Việt Nam gồm toàn các giáo sư Thạc Sĩ, Tiến Sĩ phần lớn đều tốt nghiệp ở các trường Đại Học danh tiếng ở ngoại quốc về nước giảng dậy và cũng là nơi đào tạo ra không biết bao nhân tài cho đất nước.

1/ Trường Đại Học Luật Khoa.

Trường Đại Học Luật Khoa được chính quyền bảo hộ Pháp thành lập vào đầu thập niên 1920. Lúc đầu có tên là Trường Cao Đẳng Pháp Chánh Đông Dương (École Supérieure d’ Administration Indochinoise), trụ sở đặt tại Hà Nội. Năm 1933 trường được đổi thành trường Cao Đẳng Luật Học (École Supérieure de Droit). Tới năm 1938, trường được nâng lên hàng phân khoa (Faculté) (2)và được gọi là Luật Khoa Đại Học Đường (Faculté de Droit) (3)

Từ năm 1955 trở đi, trường Đại Học Luật Khoa bắt đầu giảng dạy bằng tiếng Việt vì trong giai đoạn này, trường Luật Khoa có rất nhiều Giáo sư Việt Nam với đầy đủ các cấp bằng Thạc Sĩ, Tiến Sĩ tốt nghiệp tại Pháp như: Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Giáo sư Vũ Quốc Thông, Giáo sư Nguyễn Cao Hách v.v …

Ngoài trường Đại Học Luật Khoa Saigon, sau này chính quyền Việt Nam Cộng Hoà còn cho mở thêm trường Đại Học Luật Khoa Huế vào năm 1957 và trường Đại Học Luật Khoa Cần Thơ vào năm 1966.

a/ Cấp Cử Nhân. 

Trường Đại Học Luật Khoa lúc đầu chỉ có 3 năm giống như chương trình Cử Nhân Luật của Pháp. Vì nước nhà đã độc lập nên chương trình học loại bỏ môn Dân Luật của Pháp và được thay bằng Dân Luật Việt Nam. Thời gian học vẫn là 3 năm. Mỗi năm đều có thi tốt nghiệp và có cấp phát bằng tốt nghiệp gọi là Bằng Cử Nhân I, II hoặc III và văn bằng này được thay thế cho Văn Bằng Cử Nhân Luật Khoa thực sự trong khi chờ đợi Văn Vằng Cử Nhân Luật Khoa thực sự được cấp phát. Việc ghi danh cũng như theo học trường Luật tương đối dễ hơn những trường khác, sinh viên có thể chỉ cần mua sách hoặc những bài in Ronéo của Giáo sư đem về nhà học, nên số sinh viên ghi danh rất đông. Tuy nhiên tỉ số đậu lại rất thấp. Nếu tính tỷ lệ theo số sinh viên ghi danh năm thứ nhất với số sinh viên tốt nghiệp năm cuối cùng thì chỉ khoảng 5%.

Tới đến năm 1963 trường Luật theo học trình của trường Đại Học Khoa Học và Văn Khoa, đổi thời gian học lên đến 4 năm thay vì 3 năm. Sinh viên học năm nào phải thi tốt nghiệp năm ấy. Mỗi năm có 2 kỳ thi vào tháng 6 và tháng 9. Sinh viên năm thứ nhất cuối năm có đậu mới được lên năm thứ hai. Chương trình thi bao gồm hai phần: thi Viết và thi Vấn đáp.

Trước ngày thi, giáo sư bốc thăm 2 môn trong số 7 môn đã học . Hai môn này sẽ được chọn làm đề thi Viết với thời gian 2 giờ. Năm môn còn lại, dành cho thi Vấn đáp. Muốn vào thi  Vấn đáp, thí sinh phải đậu phần thi Viết. Nếu rớt Vấn đáp, thí sinh sẽ đuợc giữ điểm thi Viết cho kỳ 2 cùng năm và chỉ thi lại Vấn đáp mà thôi.

Lên năm thứ ba, sinh viên sẽ chọn ngành: Tư Pháp (tốt nghiệp làm Thanh Tra hoặc Luật sư Tập sự), Công Pháp (tốt nghiệp thường làm ở Quốc Hội), Kinh Tế (tốt nghiệp làm ở Ngân Hàng)…và thi tốt nghiệp Cử Nhân Luật của ngành đã chọn vào cuối năm thứ tư.

Chương trình học gồm có hai phần: Phần kiến thức tổng quát và phần chuyên môn.

Phần kiến thức tổng quát gồm có các môn: Kinh tế, Bang Giao quốc tế, Các Tổ Chức Quốc Tế, Các Học Thuyết Chính Trị, Tài Chánh, Pháp Chế Sử, Luật Báo Chí, Phạm Tội Học, Luật Đối Chiếu v.v…

Phần chuyên môn gồm có các môn luật thuần túy như Luật Dân Sự, Dân Sự Tố Tụng, luật Tài Sản, Luật Hình Sự, Hình Sự Tố Tụng, Luật Hiến Pháp, Luật Thương Mại, Luật Hành Chánh, Tố Tụng Hành Chánh, Luật Bảo Hiểm, Luật Lao Động, Luật Ngân Hàng, Luật Hàng Hải, Quốc Tế Công Pháp, Quốc Tế Tư Pháp v.v…

Người có bằng Cử Nhân có thể xin vào làm công chức hạng A tại các bộ  hoặc thi vào các ngạch chuyên môn như gạch Thẩm Phán, ngạch Tham Vụ Ngoại Giao, ngạch Thanh Tra Lao Đông, Thanh Tra Ngân Hàng, Thanh Tra Quan Thuế v.v…hoặc xin vào Luật Sư Đoàn tập sự để hành nghề Luật Sư.

b/ Cấp Tiến Sĩ. 

Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, nếu muốn tiếp tục học để lấy bằng Tiến Sĩ Luật, sinh viên phải học thêm 2 năm nữa để lấy thêm hai bằng Cao Học của ngành mình lựa chọn hoặc Công Pháp hoặc Tư Pháp. 

Chương trình ban Cao Học được chia làm 2 cấp: Cấp I và cấp II. Sau khi đậu cấp I gọi là Cao Học I, sinh viên mới được ghi danh học cấp II. Chương trình mỗi cấp gồm có 2 phần: Phần tổng quát ôn lại và phần thâm cứu những môn chính đã học ở cấp Cử Nhân.

Sau khi có được 2 bằng cao học, sinh viên phải tìm một ông thày đỡ đầu để làm luận án Tiến Sĩ. Thời gian có thể là 1 năm hay nhiều năm, tùy theo ông thày đỡ đầu xét xem luận án có đạt được đầy đủ những tiêu chuẩn mà ông ta mong muốn hay chưa. Vì thế nhiều sinh viên mặc dầu đã có 2 bằng cao học, nhiều khi cả năm bẩy năm sau vẫn chưa được trình luận án để lấy bằng Tiến Sĩ.

2/ Trường Đại Học Văn Khoa.

Tiền thân của Trường Đại học Văn khoa Saigon là Trường Đại học Văn khoa Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Phan Huy Quát cho thành lập vào năm 1949 thời Quốc gia Việt Nam. Hoạt động của Trường trong những năm kế tiếp bị gián đoạn vì tình hình chính trị. Mãi đến năm1955, thời Đệ nhất Cộng hòa, Trường Đại học Văn khoa Saigon mới được ưu tiên phát triển. Lúc đầu Trường Đại học Văn khoa cấp bằng cử nhân văn chương Pháp và Anh nhưng và phải đến năm học 1957-1958 thì chương trình cử nhân giáo khoa văn chương Việt Nam mới được hoàn thiện. Cũng năm đó chương trình cử nhân giáo khoa triết học cũng được xây dựng hoàn tất.

Tương tự như trước năm 1954, cách tổ chức và chương trình của trường không có gì thay đổi. Giáo sư phụ trách giảng dạy của trường gồm các giáo sư sau: Giáo sư Nghiêm Toản dạy môn Văn Chương Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Kỹ sư Hóa Học tại Pháp, chuyên về Triết Học Đông Phương, Giáo sư Bùi Xuân Bào, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp, dạy Pháp Văn, Giáo sư Lê Trung Nhiên, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp tại Đại Học Sorbonne, dạy môn Pháp Văn, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp tại Đại Học Sorbonne, giảng dạy môn Pháp Văn và môn Văn Minh Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, Ph D, dạy môn Anh Văn…

Các Giáo sư phụ trách môn Việt Hán thường là các thầy dạy Việt Văn từ Trung học hoặc là một vài Giáo sư dạy chữ Hán có bằng Cử Nhân hoặc Tiến Sĩ Hán Học. Các vị Giáo sư Việt Văn và Triết Học, Sử Địa thường không có bằng Tiến Sĩ cho nên họ chỉ là Giảng Sư của trường nhưng sau năm 1972 vì công lao to lớn của các vị này đào tạo nhiều Giáo sư Trung Học dạy các môn Việt Văn, Sử Địa v..v…cho nên chính phủ đặc cách một số vị không có bằng Tiến Sĩ, làm Giáo Sư Đại Học. Ta cũng nên kể một vài vị có bằng Tiến Sĩ từ Pháp hay Mỹ giảng dạy nhưng không quá 5 vị trong số này. Trường Văn Khoa cấp phát được một số bằng Cao Học môn Địa Lý và Sử Học, Anh và Pháp nhưng chưa  cấp phát được một bằng Tiến Sĩ nào cả.

Ngoại trừ các môn Hán Văn, Anh Văn và Pháp Văn, các môn khác như Việt Văn, Ngôn Ngữ và Văn Chương, Văn Phạm Việt Nam, Sử Ký, Địa Lý Việt Nam và Quốc Tế đều dậy bằng Việt Ngữ.

Cũng như các đại học khác, muốn theo học Đại Học Văn Khoa, sinh viên phải có bằng Tú Tài Toàn Phần. 

Trường Đại Học Văn Khoa học theo Chứng Chỉ. Năm đầu, sinh viên chỉ dược học 1 chứng chỉ duy nhất đo là chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa. Chứng chỉ này có nhiều loại khác nhau, tùy sinh viên lựa chọn cho hợp với văn bằng Cử Nhân mà mình lưạ chọn. Sau khi đậu được chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa, mỗi năm sinh viên có thể ghi học 2 chứng chỉ. Nhưng thực tế rất ít sinh viên đậu được 2 chứng chỉ trong một năm.

Ngoài Chứng Chỉ Dự Bị, Sinh viên nào có thêm được 4 chứng chỉ đòi hỏi cho văn bằng Cử Nhân của mình thì được cấp văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa. Còn nếu một trong 4 chứng chỉ đó không đúng thì bằng Cử Nhân đó không được gọi là bằng Cử Nhân Giáo Khoa mà gọi là Cử Nhân Văn Khoa thường thôi. Thí dụ:

– Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán, ngoài chứng chỉ Dự Bị còn phài có  4 chứng chỉ sau: Văn Chương Việt Nam, Ngôn Ngữ và Văn Minh Việt Nam, Hán văn và  Chứng chỉ Sử Việt Nam hoặc Địa Lý Điạ Phương. 

– Cử Nhân Sử Địa, ngoài chứng chỉ Dự Bị còn phải có 4 chứng chỉ Sử Việt Nam, Sử Thế Giới, Địa lý Điạ Phương và Chứng chỉ Địa Chất Học (Geology).

– Cử Nhân Anh Văn ngoài chứng chỉ Dự Bị (Anh Văn) còn phải có 4 chứng chỉ sau: Văn Chương Việt Nam, Văn Chương Anh, Ngôn Ngữ và Văn Minh Anh và một chứng chỉ nhiệm ý như Pháp văn hoặc, Chứng chỉ Sử (hoặc Địa).

– Cử Nhân Pháp Văn, ngoài chứng chỉ Dự Bị (Pháp Văn) còn phải có 4 chứng chỉ sau: Văn Chương Pháp, Ngôn Ngữ và Văn Minh Pháp, Việt Văn và Chứng Chỉ Anh Văn hoặc, Chứng chỉ Sử (hoặc Địa).

– Cử Nhân Triết Học có 2 loại: Cử Nhân Triết Học Tây Phương và Cử Nhân Triết Học Đông Phương.  

Muốn lấy Cử Nhân Triết Học Tây Phương, ngoài chứng chỉ Dự Bị, sinh viên phải có chứng chỉ Tâm Lý, Đạo Đức, Xã Hội, Chứng Chỉ Luận Lý, Chứng Chỉ Siêu Hình và Chứng Chỉ Lịch Sử Triết Tây.

Muốn lấy Cử Nhân Triết Học Đông Phương ngoài chứng chỉ Dự Bị, sinh viên còn phải có chứng chỉ Triết Học Trung Hoa, chứng chỉ Triết Học Á Đông, chứng chỉ Đạo Đức Đông Phương, chứng chỉ Lịch Sử Triết Đông Phương.

Người có bằng Cử Nhân có thể xin tuyển làm giáo sư dậy trung học hoặc thi vào ngạch Tham Vụ Ngoại Giao.

3/ Trường Đại Học Khoa Học.

Tiền thân của trường Đại Học Khoa Học Saigon là trường Đại Học Hà Nội. Năm 1954, Hiệp Định Genève ký kết chia đôi Việt Nam thành hai miền Nam Bắc, trường Đại Học Khoa Học Hà Nội được di chuyển vào Nam và đổi tên là trường Đại Học Khoa Học Saigon.

Lúc đầu chương trình được giảng dậy hoàn toàn bằng tiếng Pháp và có rất nhiều giáo sư người Pháp giảng dậy. Chương trình được Việt hoá dần dần. Tới năm 1970 thì chương trình được giảng dậy hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Cho tới năm 1975, trường Đại Học Khoa Học Saigon cũng chỉ mới có cấp Cử Nhân, chưa có cấp Tiến Sĩ. Những sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân, muốn học thêm để lấy bằng Tiến Sĩ phải xin đi du học ở ngoại quốc.

Chương trình học Cử Nhân là 4 năm. Một sinh viên xuất sắc có thể hoàn tất Cử Nhân trong 3 năm. Nhưng nhiều sinh viên phải học tới 5, 6 năm mới hoàn tất.

Năm đầu, sinh viên chỉ có thể học một trong ba chứng chỉ sau: 

MG (Mathematics Générale), 

MPC (Mathematics. Physics, Chemistry).

SPCN (Science, Physics, Chemistry, Natural). 

Sang năm thứ hai, sinh viên có thể học 2 chứng chỉ. Nhưng thường rất ít sinh viên có thể đậu được 2 chứng chỉ trong một năm.

a/ Cử Nhân Khoa Học Toán.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị MG, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:

– Calculus Diffirenciale.   

– Mechanics Rationale.

– Physic Generale.

b/ Cử Nhân Khoa Học Vật Lý.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị MPC, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:

– Physic Generale.

– Chemistry General.

– Mechanics Rationale.

c/ Cử Nhân Khoa Học Tự Nhiên.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị SPCN, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:

– Biology Animale.

– Physiology Vegetable 

– Geophysics.

Những sinh viên mặc dù đã có đũ 4 chứng chỉ, nhưng không đúng theo theo luật đòi hỏi thì không được gọi là Cử Nhân Giáo Khoa Khoa Học mà chỉ được gọi là Cử Nhân Khoa Học thôi.

Vì các chứng chỉ trên rất khó, nên số sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân hàng năm rất hiếm, không đử để cung cấp cho nhu cầu nên sau này, nhiều chứng chỉ đã được chia ra làm hai hoặc ba chứng chỉ để sinh viên theo học cho dễ dàng. Thí dụ chứng chỉ Vật Lý Đại Cương (Physic Generale) được chia làm 2 chứng chỉ Quang Học , Điện Học và Nhiệt Học. Vì thế các sinh viên sau này thường phải có tới tám, chín cái chứng chỉ mới hoàn tất xong bằng Cử Nhân Khoa Học.

4/ Đại Học Sư Phạm.

Trường Đại học Sư Phạm Saigon là hậu thân của trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon. Niên khoá 1958-1959 trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon được đổi thành trường Đại Học Sư Phạm Saigon. Thời gian học vẫn giữ nguyên là 3 năm, sau thời gian tăng lên 4 năm và trong thời gian học có học bổng $1500 / một tháng, sau tăng lên $2000 / một tháng. 

Trường có 2 chương trình. Chương trình 2 năm để đào tạo giáo sư trung học Đệ Nhất Cấp và chương trình 4 năm để đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Muốn được nhận vào học, sinh viên phải có bằng Tú Tài Toàn Phần và phải qua một kỳ thi tuyển. Những sinh viên có chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa được miễn thi và vào học ngay năm thứ 2, nếu muôn học các ban Việt Hán, Sử Địa, Pháp Văn hay Anh Văn. Những sinh viên có chứng chỉ Dự Bị Khoa Học như MG, MPC hay SPCN đựơc miễn thi và vào học ngay năm thứ 2 nếu muốn học các ban Toán, Lý Hoà và Vạn Vật.

Chương trình gồm có hai phần: Phần tổng quát chung cho các Ban và phần chuyên môn riêng cho từng Ban. Phần chuyên môn của các Ban Việt Hán, Sử Địa, Anh Văn và Pháp Văn gần giống như chương trinh Cử Nhân Việt Hán, Cử Nhân Sử Địa, Cử nhân Anh Văn và Cử Nhân Pháp Văn của trường Đại Học Văn Khoa Saigon và phần chuyên môn của các Ban Toán, Lý Hoá, Vạn Vật gần giống như chương trình Cử Nhân Toán, Cử Nhân Lý Hoá và Cử Nhân Vạn Vật của trường Đại Học Khoa Học. Vì thế những sinh viên xuất sắc, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm cũng tốt nghiệp luôn Cử Nhân Văn Khoa hoặc Cử Nhân Khoa Học. 

Suốt 17 năm, từ 1958 đến 1975, trường Đại học Sư Phạm Saigon đã đào tạo hàng ngàn giáo sư trung học đệ nhất và đệ nhị cấp về kiến thức chuyên môn cũng như về tư cách, đạo đức và luân lý chức nghiệp.  

Năm 1975 miền Nam Việt nam sụp đổ, với thể chế mới, hầu như mọi thứ đều bị thay đổi từ tên gọi cho đến các cơ cấu tổ chức cũng như chương trình giảng dậy.

5/ Đại Học Kiến Trúc.

Kể từ năm 1954, trưởng Cao Đẳng Kiến Trúc Saigon thuộc Viện Đại Học Saigon được đổi tên thành trường Đại Học Kiến Trúc Saigon. Trường có 2 chương trình: Chương trình 2 năm cho Ban Cán Sự Kiến Trúc và chương trình 6 năm cho ban Kiến Trức Sư.. Tuy nhiên muốn được ra trường, sinh viên phải có một luận án thi tốt nghiệp và luận án này phải được Hội Đồng Thi chấm đậu.

Sinh viên muốn vào học Ban Cán Sự phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp và muốn vào học bán Kiến Trúc Sư phải có bằng Trung Học Đệ Nhị Cấp tức bằng Tú Tài Toàn Phần. 

a/ Ban giảng huấn.

Ban giảng huấn của trường phần lớn là các Kiến Trúc Sư tốt nghiệp Pháp như Trần Văn Tải, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Bùi Quang Hanh, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Phạm Văn Thắng, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Louis Pineau, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Văn bằng Thiết kế Đô thị, Nguyễn Quang Nhạc, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Huỳnh Kim Mãng, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Tô Công Văn, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Võ Doãn Giáp, Họa sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Bá Lãng,Kiến trúc sư DPLG, Paris, Ngô Khắc Trâm, Kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Hữu Thiện, Kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Một số các Kỹ Sư tốt nghiệp tại Pháp hay ngoại quốc cũng được mời làm giảng viên như Trần Văn Bạch, Kỹ sư Dân sự Kiều lộ Trường Quốc gia Kiều lộ Paris, Phan Đính Tăng, Kỹ sư Dân sự Kiều lộ Trường Quốc gia Kiều lộ Paris, Lê Kim Đính, Cử nhân Toán, Chứng chỉ Cao học Thiên văn Thẩm cứu (Certificat d’étude supérieures d’Astronomie approfondie), Nguyễn Đình Hải, Tốt nghiệp Viện Anh ngữ của Đại học Michigan, Hoa Kỳ (English Language Institute, University of Michigan), Lê Văn Hợi, Kỹ sư trường Cao đẳng Công chánh Eyrolles Paris, Nguyện Văn Kiết, Cử nhân Văn khoa và Văn chương Cao học, Trịnh Hữu Định, Trang trí gia tốt nghiệp Truờng Quốc gia Cao đẳng Trang trí Paris, V õ Đức Diễn, Kỹ sư Trường Bách khoa Montréal, Phạm Minh Cảnh, Kỹ sư tốt nghiệp Viện Kỹ thuật Normandie, Mai Hiệp Thành, Kỹ sư Công chánh.

b/ Chương trình ban Kiến Trúc Sư:

Năm thứ 1.

Kiến trúc nhập môn, Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.

Toán học, Hình học họa hình.

Lịch sử tổng quát kiến trúc;

Phép Thiết thể và Vật liệu Kiến tạo.

Pháp văn, Anh văn.

Năm thứ 2

Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.

Toán học đại cương, Hình học họa hình.

Lý thuyết Kiến trúc.

Phép Thiết thể và Vật liệu Kiến tạo.

Năm thứ 3

Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.

Kiến tạo đại cương: Lý thuyết.

Vật lý, Địa chất học áp dụng vào khoa Kiến trúc.

Phép phối cảnh, Lý thuyết Kiến trúc.

Sức chịu đựng của vật liệu.

Năm thứ 4

Kiến trúc sáng tạo học, Kiến tạo đại cương: Lý thuyết và đồ án

Bê tông cốt sắt.

Ước lượng vật liệu và kiểm điểm.

Lịch sử tổng quát Kiến trúc, Lý thuyết Kiến trúc.

Luật nhà phố.

Năm thứ 5.

Kiến trúc sáng tạo học, Kiến tạo áp dụng

Luật nhà phố.

Tổ chức nghề nghiệp, Lý thuyết Kiến trúc.

Địa thể học áp dụng kiến trúc;

Kiến tạo đại cương: Đồ án và kỹ thuật.

Năm thứ 6

Kiến trúc sáng tạo học.

Bê tông cốt sắt thực hành.

Đồ án trang trí nhà cửa.

Luận án thi tốt nghiệp (3 tháng cuối niên học), thường là một dự án vẽ kiểu nhà hoặc cao ốc (Building) rồi phải trình Hội Đồng Giáo Sư để được tốt nghiệp. Khi tốt nghiệp được cấp bằng Kiến Trúc Sư.

6/  Trường Đại Học Y Khoa:

Trường Đại Học Y Khoa Saigon là hậu then của trường Y Dược Khoa Đông Dương thuộc Viện Đại Học Đông Dương (Université de l’Indochine) trụ sở đặt tại Hà Nội. Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết chia đôi Việt Nam, trường di chuyển vào Nam, trụ sở nằm trên đường Testard sau đổi là đường Trần Qúy Cáp và có tên mới là Đaị Học Y Khoa và Dược Khoa Saigon.

 Cách tổ chức của trường Y Khoa vẫn tương tự trước năm 1954. 

Tới năm 1961, trường tách đôi ra thành 2 trường riêng biệt là Đại Học Y Khoa và Đại Học Dược Khoa và cũng trong năm này, các giáo sư người Pháp lần lượt được giải nhiệm và ban giảng huấn Việt Nam được hoàn toàn thay thế. Năm 1966, trường được dọn tới địa điểm mới là Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa vưà hoàn tất năm trên Đại Lộ Hồng Bàng, Chợ Lớn.. 

Ban giảng huấn gồm có một số giáo sư Thạc Sĩ rất tài giỏi như Giáo sư Nguyễn Hữu, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, chuyên về giải phẫu, Giáo sư Trần Ngọc Ninh, chuyên về xương, Giáo sư Ngô Gia Hy, chuyên về nội thương, đặc biệt về thận, Giáo sư Trần Anh, chuyên về giải phẫu, trưởng khu Cơ Thể Học và từng giữ chức vụ Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, v.v…

Thời gian học là 7 năm. 5 năm tổng quát và 2 năm nội trú, ngoài ra còn phải trình một luận án mới được cấp bằng Bác Sĩ Y Khoa. 

Năm đầu là năm Dự Bị được học bên Đại Học Khoa Học để lấy chứng chỉ PCB (Phisique, Chimie, Biologie). Về sau muốn vào học Y khoa phải qua một kỳ thi tuyển, nhưng vẫn phải sang Đại Học Khoa Học học đê lấy chứng chỉ PCB. Năm thứ nhất có một kỳ thi về Cốt Học (Osteologie) ngay sau 2 tháng nhập học. Sinh viên có qua được kỳ thi này mới được tiếp tục học .

Năm thứ 2 là năm khó nhất. Sinh viên nào có bằng PCB thì được vào học ngay năm thứ hai. Ở năm thứ 2, nếu sinh viên thi 4 lần liên tiếp (mỗi năm 2 kỳ), tức 2 năm liền mà vẫn chưa lên được năm thứ 3 thì bị đuổi ra (sortie laterale). Vì thế có người sau 3 kỳ liên tiếp mà không đậu, không dám thi kỳ thứ tư nữa mà phải để tới năm sau mới dám thi. 

Năm thứ ba, ngoài những giờ học lý thuyết ở giảng đường, sinh viên bắt đầu đi thực tập ở các bệnh viện hoặc chia nhau đi canh gác tại các nhà thương chẳng hạn nhà thương chuyên bênh lao Hồng Bàng…

Đến năm thứ 4, sinh viên có thể dự kỳ thi tuyển nội trú. Sinh viên nào không dự kỳ thi này hoặc không đậu thì đến năm thứ 6 cũng được làm công việc của một nội trú viên tức là cũng được trực bệnh viện như các sinh viên nội trú nhưng mang một bảng tên riêng gọi là “stagiaire interne”. Loại sinh viên này ít quyền hạn và phải phụ thuộc vào sinh viện nội trú thực sư.  

Mãi đến sau năm 1970, trường bắt đầu giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng bắt buộc sinh viên dùng tài liệu Y Khoa bằng tiếng Anh để tham khảo. Nhờ vậy, sau năm 1975, các vị Bác Sĩ này khi di tản sang Hoa Kỳ có đủ khả năng thi lại bằng Bác Sĩ tương đương.


7/ Trường Đại Học Dược Khoa

Trước năm 1961, trường Đại Học Dược Khoa được nhập chung với trường Đại Học Y khoa. Tới ngày 31/8/1961, trường Đại Học Dược Khoa tách ra và được gọi là Dược Khoa Đại Học Đường với vị Khoa Trưởng đầu tiên là GS Thạc Sĩ Dược Khoa Trương Văn Chôm. Trụ sở trường được đặt tại góc đường Cường Để và đại lộ Thống Nhất.

Ban giảng huấn gồm một số giáo sư danh tiếng như: Giáo sư Trương Văn Chôm, Thạc Sĩ Dược Khoa, Giáo sư Đặng Vũ Biền, Tiến Sĩ Dược Khoa tại Đại Học Sorbonne, Giáo sư Tô Đồng, Dược Khoa Tiến Sĩ tại Đại Học Sorbonne, Giáo sư Nguyễn Vĩnh Niên, Tiến Sĩ Dược Khoa tại Pháp, Giáo sư Đặng Vũ Biền v.v…Một số giáo sư tốt nghiệp tại Mỹ về như GS Trần Ngọc Tiếng, Ph.D., GS Thanh Thủy, Ph.D., GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Ph.D, GS Lê Phục Thủy, Ph.D.

Chương trình học của trường Đại Học Dược Khoa cũng giống như trước năm 1954, phỏng theo chương trình của Pháp và phần lớn các môn đều dậy tuyền bằng tiếng Pháp, cho tới năm 1970 trường mới hoàn toàn dậy bằng tiếng Việt. Thời gian học cũng vẫn là 5 năm. Năm đầu tiên gọi là năm tập sự (stagiaire). Ngoài việc học ở trương còn phải được một Dược Phòng nhận cho tập sự. 

Cuối mỗi năm đều có kỳ thi lên lớp.

Chương trình theo Pháp nên nặng về Hoá Học, Thực Vật và Dược Liệu Học, nhẹ về Động Dược Học và kỹ nghệ sản xuất thuốc cũng như khiá cạnh thương mại của Dược Khoa.

Thể lệ thi cử cũng khó khăn, nếu có một môn dưới điểm trung bình tức 9/20 là bị loại.

Mỗi kỳ gồm có 3 đợt: thực tập, thi viết và vấn đáp. Đợt 1 không đủ điểm trung bình không được thi đợt 2. Đợt 2 không đủ điểm trung bình không được thi đợt 3. Mỗi năm có 2 kỳ thi. Rớt 4 kỳ liên tiếp là bị đuổi.

Lúc đầu trường chỉ có cấp bằng Dược Sĩ Quốc Gia (Pharmacien d’État), mãi tới năm 1969, trường mới có thêm chương trình đào tạo Tiến Sĩ Dược Khoa Đệ Tam Cấp (Docteur du troisième cycle de Pharmacie), tương đương với bằng Pharmacy Doctor của Mỹ. Dược Sĩ Lý Công Tuấn là Tiến Sĩ Dược Khoa Đệ Tam Cấp đầu tiên được đào tạo tại VN. 


8/ Trường Nha Khoa.

Cũng giống như trường Dược Khoa, trường Nha Khoa trước kia cũng chỉ là một ngành của trường Đại Học Y-Dược Hà Nội, sau là Đại Học Y-Dược Saigon. Đến ngày 12/8/1962, ngành Nha Khoa tách khỏi trường Y khoa trở thành Nha Khoa Đại Học Đường Saigon.

Chương trình trường Đại Học Nha Khoa  là 5 năm và tốt nghiệp được cấp bằng Nha Sĩ.  Ai muốn có bằng Tiến Sĩ Nha Khoa thì phải qua Pháp học.  

Ban giảng huấn gồm một số các giáo sư tốt nghiệp tại Pháp như: Giáo sư Lê Trọng Phong, Tiến Sĩ Nha Khoa Đại Học Paris, Giáo sư Nguyễn Văn Thơ, Tiến Sĩ Nha Khoa Đại Học Paris….

Cũng như các đại học khác, muốn được nhập học phải có bằng Tú Tài 2 (Toàn Phần), không phân biệt là Tú Tài ban Khoa Học Toán hay ban Khoa Học Thực Nghiệm. Về sau, cũng như trường Y Khoa, phải có chứng chỉ Dự Bị khoa học như PCB hoặc SPCN và còn phải qua một kỳ thi tuyển.

Chương trình gồm có nhiều môn và mỗi môn đều có 2 phần: lý thuyết và thực hành. Mỗi phần đều có kỳ thi riêng.

Mỗi năm có 2 kỳ thi: đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Số điểm của 2 kỳ cộng lại chia 2 thì có kết quả chung cho từng môn vào cuối năm. Dù chỉ một môn không đủ điểm trung bình là phải học đúp lại.   

***

Ngoài các Viện Đại Học Saigon, Huế, Đà Lạt, và Cần Thơ còn có những Trung Tâm Giáo Dục và các Học Viện khác như: 

– Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ đào tạo các kỹ sư cho 4 ngành Công Chánh, Điện Học, Hoá Học và Công Nghệ, 

– Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc để đào tạo Kỹ Sư Nông Nghiệp, Kỹ Sư Thủy Lâm và Kỹ Sư Thú Y, 

– Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để đào tạo Đốc Sự Hành Chánh và Cao Học Hành Chánh và Cao Học Ngoại Giao. 

   v.v…

Chương trình giáo dục và thể lệ thi cử dưới thời Việt Nam Cộng Hoà còn được gọi là chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn phỏng theo chương trình giáo dục của Pháp, tuy không được hoàn hảo nhưng có trình độ và thực chất. Đây là chương trình giáo dục có  tính cách dân tộc, nhân bản và khai phóng tôn trọng tự do dân chủ và nhân quyền nhằm phát triển toàn diện con người trong chiều hướng tốt cả về trí dục, đức dục và thể dục. Nền giáo dục thời VNCH  không hề áp đặt một học thuyết hay một chủ nghĩa nào nhất là không đưa chính trị vào học đường bắt học sinh phải tuân theo như trong các thể chế độc tài đảng tri như Cộng Sản.

Chỉ trong vòng 2 thập niên, nền giáo dục thời VNCH đã đào tạo cả trăm ngàn chuyên viên và cán bộ các cấp có đầy đủ khả năng chuyên môn cũng như khả năng lãnh đạo cho miền Nam Việt Nam. Tiếc rằng chế độ VNCH đã xụp đổ, không phải vì không có chính nghĩa mà vì sự phản bội của đồng minh khiến nền giáo dục của VNCH cũng bị thay thế bằng một nền giáo dục theo chủ nghĩa Marxist, một chủ nghĩa vô luân, vô đạo, nhằm đào tạo con người trở thành con vật chỉ biết lập lại những gì đã được Đảng dạy bảo và tuân theo một cách tuyệt đối những gì Đảng đã ra lệnh. Kết qủa của chính sách giáo dục này là đã đào tạo nên cả một thế hệ ngu muội, dốt nát, vô đạo đức và hủ hóa.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn

Chú thích

(1). Ngày 19/12/1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, giáo sư Dương Quảng Hàm tản cư ra hậu phương. Trên đường tản cư, khi qua sông, giáo sư không may bị trúng đạn từ máy bay Pháp bắn chết vào ngày 26/12/46. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng giáo sư đã bị Việt Minh bắn chết trên đường tản cư.

(2). Sau khi Việt Minh cướp chính quyền từ chính phù Trần Trọng Kim, chính phủ Liên Hiệp do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch được thành lập, giáo sư Hoàng Xuân Hãn được thay thế bởi ông Vũ Đình Hòe và chương trình được thay đổi đôi chút cho phù hợp với lý tưởng phục vụ quốc gia và dân tộc. Nhưng chương trình này đã bị Việt Minh bãi bỏ hoàn toàn sau khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào ngày 19/12/46 và chỉ được chính phủ quốc gia sử dụng sau khi được Pháp trao trả độc lập và sau này là chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.

(3). Muốn theo học trường này chỉ cần có bằng Diplôme hoặc Brevet Élémentaire tức bằng Cao Đẳng Tiểu Học sau này gọi là bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Tin Tức - Bình Luận
Vinh Danh QLVNCH
Audio Files
Tham Khảo

Những Cuộc Chuyển Dời. Nguyễn Ngọc Sơn


Nguyễn Ngọc Sơn

(Chân dung Kiến Trúc Sư Bùi Quang Hanh)

Kiến trúc sư Bùi Quang Hanh sinh năm 1913 tại làng Tân An Đông, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Từ thuở thiếu thời, ông đã cùng một số thân nhân trong gia tộc lên tàu viễn dương để bắt đầu cuộc sống mới của một gia đình Việt trên đất Pháp, một nước Pháp đang bắt đầu hồi phục sau Đệ Nhất Thế Chiến. Năm 1934, ông trở thành sinh viên Ban Kiến Trúc trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris [1]. Năm 1942, ông tốt nghiệp kiến trúc sư trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris, trở thành thế hệ kiến trúc sư người Việt thứ hai tốt nghiệp kiến trúc sư tại Pháp sau những người Việt đầu tiên tốt nghiệp vào giữa thập niên 1930: Nguyễn Duy Đức [2], Nguyễn Khắc Schéou [3] và Lữ Văn Nhiều [4].

Tốt nghiệp trong bối cảnh nước Pháp nói riêng và toàn châu Âu nói chung đang chìm trong sự hỗn loạn của Đệ Nhị Thế Chiến cùng với sự hiện hiện của quân đội Nhật tại Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, ông tiếp tục ở lại Pháp dù sự quan tâm của châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng giai đoạn này dành nhiều cho những chương trình chiến tranh hơn những chương trình kiến thiết hay tái thiết.

Khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, ông trình luận án tốt nghiệp đô thị gia tại Học Viện Đô Thị, Viện Đại Học Paris [5] năm 1946, trở thành đô thị gia người Việt thứ hai tốt nghiệp đô thị gia tại Pháp sau người tiền phong Lữ Văn Nhiều vào giữa thập niên 1930.

Sau khi tốt nghiệp kiến trúc sư và đô thị gia tại Pháp, ông rời châu Âu sang Mỹ hành nghiệp một thời gian, trở thành kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên hành nghiệp kiến trúc tại Mỹ, đồng thời ghi danh học thêm về kiến trúc tiền chế trước khi trở lại Paris hành nghiệp và nghĩ suy về một cuộc trở về.

Đầu thập niên 1950, ông trở về Việt Nam, vẫn giữ nguyên quốc tịch Pháp và mở văn phòng kiến trúc sư tư vụ tại đường Général Marchand trong bối cảnh Sài Gòn là nơi quy tụ rất lớn của thế hệ những kiến trúc sư người Pháp đã thành danh và những kiến trúc sư người Việt tốt nghiệp từ trường Mỹ Thuật Đông Dương [6] tại Hà Nội, trường Kiến Trúc Đà Lạt [7] tại Đà Lạt cùng một số kiến trúc sư khác cũng từ Paris trở về.

SÀI GÒN, TRƯỜNG CAO ĐẲNG KIẾN TRÚC

Trên đường chân trời của nền Giáo Dục Việt Nam thế kỷ XX, sự hiện hiện của trường Cao Đẳng Kiến Trúc Sài Gòn vẫn luôn mang trong mình một số phận vô cùng đặc biệt. Sau những biến cố tại Hà Nội cuối năm 1943 với những cuộc oanh tạc của không quân Đồng Minh vào các vị trí nghi ngờ chiếm đóng của quân đội Nhật dẫn đến quyết định dời Ban Kiến Trúc vào Đà Lạt rồi nhanh chóng phải đóng cửa khi Thầy và trò vẫn còn chân ướt chân ráo vì Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương vào mùa Xuân năm 1945, lặng lẽ mở cửa trở lại vào năm 1947 và chính thức dời vào Sài Gòn cuối năm 1950 với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc duy trì ngôi trường đào tạo kiến trúc sư duy nhất trên bán đảo Đông Dương của Giáo sư Giám Đốc – kiến trúc sư bậc Thầy Arthur Émile Louis Kruze, linh hồn của trục dọc Hà Nội – Đà Lạt – Sài Gòn trong biên niên sử nhiều thăng trầm của trường Kiến Trúc.

Sau khi trở về Việt Nam, kiến trúc sư Bùi Quang Hanh trở thành Giáo sư kiến trúc người Việt thứ hai tại trường Cao Đẳng Kiến Trúc sau một người trẻ tuổi từ Paris sớm trở về: Giáo sư Trần Văn Tải, người sẽ trở thành Giáo sư Giám Đốc người Việt đầu tiên của trường Cao Đẳng Kiến Trúc ở tuổi 32 sau khi Giáo sư Giám Đốc Arthur Émile Louis Kruze trở về Pháp sau Hiệp Định Genève lịch sử. Sau đó là sự liên tiếp gia nhập Ban Giảng Huấn trường Cao Đẳng Kiến Trúc của thế hệ kiến trúc sư người Việt tốt nghiệp từ trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris: các Giáo sư Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc, Huỳnh Kim Mãng, Lê Văn Lắm, Tô Công Văn và chính trường Kiến Trúc Sài Gòn: Giáo sư Trần Phi Hùng sau một thời gian tốt nghiệp, du học tại Mỹ cũng trở về.

Tại trường Cao Đẳng Kiến Trúc, ngoài Giáo sư người Pháp Louis Anatole Georges Pineau, Thầy của hầu hết các bậc Thầy còn ở lại như một Giáo sư viện trợ, Giáo sư niên trưởng Bùi Quang Hanh nhận được sự nể trọng rất mực của tất cả các Giáo sư thuộc ban Giảng Huấn và là người duy nhất hướng dẫn đồ án kiến trúc sáng tác học cấp 1 sau Hiệp Định Genève trước khi những họa thất được chia vào giữa thập niên 1960 tại trường Cao Đẳng Kiến Trúc, một vị Giáo sư tài giỏi, khiêm nhường, ít nói, “rất mẫu mực, đúng đắn trên mọi phương diện” [8], “với cung cách một bậc Thầy cao niên khả kính” [9], “để lại những khuôn thước để noi theo” [10].

SÀI GÒN SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE

Sài Gòn vừa sau Hiệp Định Genève là một đại công trường dở dang khi thế hệ kiến trúc sư tài danh người Pháp đã hồi hương, để lại một khối lượng kiến trúc khổng lồ cần tiếp nối và nền kiến trúc hiện đại Việt Nam nhiều cơ hội đầy rộng mở đã dần được gánh vác bởi thế hệ kiến trúc sư niên trưởng người Việt tốt nghiệp từ trường Mỹ Thuật Đông Dương, trường Kiến Trúc Đà Lạt và ba thế hệ kiến trúc sư người Việt từ Pháp trở về cùng những kiến trúc sư đầu tiên tốt nghiệp trường Kiến Trúc Sài Gòn.

Một thời gian sau Hiệp Định Genève, đường Général Marchand trở thành đường Nguyễn Cư Trinh và văn phòng kiến trúc sư tư vụ Bùi Quang Hanh tại số 51 Nguyễn Cư Trinh trở thành một địa chỉ đầy uy tín của những thân chủ là Giám Đốc các nhà băng, hãng xưởng, công ty kỹ nghệ, Đại Học Đường, công ốc và nhiều địa ốc khác bên cạnh sự từng bước khẳng định mình của thế hệ kiến trúc sư người Việt tại Bộ Kiến Thiết, sau là Nha Tổng Giám Đốc Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị, Kiến Ốc cục, sau là Tổng Cuộc Phát Triển Gia Cư, Phủ Tổng thống, Nha Công Binh, các cơ quan Bộ thuộc Chánh Phủ cùng hàng loạt những văn phòng kiến trúc sư tư vụ hoạt động sôi nổi, tự do.
Cùng với đó, sự ra đời của Kiến Trúc Sư Đoàn giữa thập niên 1960 [11] càng làm cho vai trò của thế hệ kiến trúc sư người Việt được vững chãi cùng những điều khoản đặc biệt và quyết liệt về bảo vệ danh dự và nghề nghiệp của người kiến trúc sư dù diễn biến của cuộc chiến tranh dần lên cao và việc nhiều thế hệ sinh viên kiến trúc cùng kiến trúc sư mới tốt nghiệp từ trường Kiến Trúc Sài Gòn phải gia nhập công binh, phần lớn thời gian ở quân trường và sa trường, lấy binh nghiệp là nghề nghiệp đã trở thành một trong những điều đáng tiếc nhất của nền kiến trúc Việt Nam hiện đại.

LIÊN DANH KIẾN TRÚC SƯ

Hình thức liên danh kiến trúc sư tại Đông Dương được hình thành đầu tiên bởi thế hệ kiến trúc sư người Pháp nhằm nghiên cứu những đồ án có khối lượng lớn mà một văn phòng kiến trúc sư tư vụ không thể giải quyết hết, tiếp nối với dự liên danh giữa kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư người Việt và dần trở thành quen thuộc sau Hiệp Định Genève là liên danh giữa các kiến trúc sư người Việt hoặc giữa các văn phòng kiến trúc quốc tế và kiến trúc sư người Việt.

Riêng trong số liên danh các kiến trúc sư người Việt, ngoài những liên danh giữa các kiến trúc sư cùng trường Mỹ Thuật Đông Dương, trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Paris, trường Kiến Trúc Đà Lạt hoặc trường Kiến Trúc Sài Gòn với nhau, có thể thấy những liên danh mới dần trở nên quen thuộc giữa thế hệ các kiến trúc sư cách biệt tuổi đời hay có phần khác nhau về hệ thống Giáo Dục và giai đoạn: D.P.L.G. [12], D.A.P.L.G. [13], D.P.L.G.I. [14], E.S.A.D. [15] và E.S.A.S. [16]. Những liên danh này ngoài việc đảm bảo đối với những đồ án có khối lượng nghiên cứu lớn còn phát huy được thế mạnh riêng của từng kiến trúc sư tư vụ hay sự truyền thụ kinh nghiệm và trực tiếp học nghề giữa những kiến trúc sư giàu kinh nghiệm và những kiến trúc sư trẻ tuổi sau trường học và trong chính trường đời.

Ngoài việc là kiến trúc sư trong liên danh sáng giá gồm ba kiến trúc sư D.P.L.G. Trần Văn Tải – Bùi Quang Hanh – Lê Văn Lắm nổi tiếng với những đồ án trường học: Sư Phạm, Kiểu Mẫu, Khoa Học, Kỹ Thuật với lối kiến trúc tân kỳ, chuẩn mực và là kiến trúc sư cố vấn bản địa đối với các văn phòng kiến trúc quốc tế trong các đồ án: Đại Học Đường, Khu Kỹ Nghệ, kiến trúc sư Bùi Quang Hanh còn có những liên danh khác với những kiến trúc sư là Giáo sư đồng nghiệp hoặc học trò cũ đã ra trường: Lê Văn Lắm, Tô Công Văn, Nguyễn Văn Quyện, Cổ Văn Hậu. Kiến trúc sư Bùi Quang Hanh cũng là kiến trúc sư người Việt duy nhất cộng tác chính với OICC RVN [17], một cơ quan được thành lập từ năm 1965 phụ trách chương trình kiến thiết các cơ sở quân sự của Mỹ tại miền Nam Việt Nam của RMK-BRJ [18], một trong bốn tập đoàn xây dựng lớn nhất nước Mỹ. Chương trình kiến thiết đặc biệt 10 năm này từ giữa thập niên 1960 trở thành chương trình cùng bản hợp đồng kiến thiết lớn nhất lịch sử tính tới thời điểm đó. [19] [20] [21]

Dù ở một vai trò vô cùng quan trọng, vị kiến trúc sư có phong thái quý tộc, lịch duyệt trong bộ complet sáng màu đứng đằng sau hàng loạt đồ án tân kỳ của OICC tại Việt Nam vẫn luôn rất kiệm lời, khiêm nhường, trầm lặng đi về giữa hai trụ sở OICC trên đường Hai Bà Trưng và Tự Đức cùng những chồng họa đồ nặng trĩu, khi cần thì nói tiếng Anh với những kỹ thuật gia người Mỹ, nói tiếng Pháp trong những cuộc ngoại giao và nói tiếng Việt lơ lớ tại văn phòng kiến trúc sư hoặc trên giảng đường của trường Cao Đẳng Kiến Trúc.

THƯ VIỆN QUỐC GIA

Năm 1955 tại Sài Gòn, Bộ Giáo Dục đã mở một cuộc thi thiết lập đồ án Trung Tâm Văn Hóa tại khu đất Khám Lớn cũ gồm có Thư Viện Quốc Gia và các trường: Đại Học Văn Khoa, Đại Học Luật Khoa và Quốc Gia Hành Chánh. Cuộc thi không có giải Nhất. Đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, một kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội đoạt giải Nhì và đồ án của kiến trúc sư Bùi Quang Hanh đoạt giải Ba.

Năm 1957, chương trình kiến thiết được thực hiện theo đồ án của liên danh ba kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện – Bùi Quang Hanh – Lê Anh Kim, một kiến trúc sư trẻ tuổi thuộc thế hệ Đà Lạt – Paris trở về nhưng chỉ thực hiện được một phần vì sau khi xây cất xong Đại Học Văn Khoa thì Chánh Phủ có kế hoạch di dời các trường Đại Học lên khu Làng Đại Học ở Thủ Đức theo đồ án quy hoạch của hai kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và Lê Văn Lắm còn Học Viện Quốc Gia Hành Chánh cũng có riêng chương trình xây cất mới theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Ấn, một kiến trúc sư kỳ cựu tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương tại Đại lộ Trần Quốc Toản. Từ đó, khu đất thuộc Khám Lớn cũ được dành tất cả cho Thư Viện Quốc Gia. [22]

Năm 1960, Bộ Giáo Dục tiếp tục giao cho nhiều kiến trúc sư cả công lẫn tư vụ thực hiện đồ án Thư Viện Quốc Gia mới nhưng không đồ án nào thành hiện thực, một phần vì không được Nha Văn Khố và Thư Viện chấp thuận về mặt kỹ thuật thư viện, một phần vì địa điểm xây cất phải thay đổi luôn luôn từ Khám Lớn cũ, Thảo Cầm Viên, Thành Cộng Hòa, trường Lamartine, Dinh Độc Lập. [23]

Năm 1963, kiến trúc sư Lê Văn Lắm được Bộ Giáo Dục giao thiết kế đồ án đại cương Thư Viện Quốc Gia với kế hoạch hậu đồ án đại cương là đồ án chi tiết sẽ do các kiến trúc sư của Nha Tổng Giám Đốc Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị thực hiện. [24]

Năm 1965, Tổng Bộ Văn Hóa Xã Hội được thành lập, tách Văn Khố, lập Tổng Nha Thư Viện và định thể chế Thư Viện Quốc Gia. Đồ án Thư Viện Quốc Gia được chính thức khơi lại một cách toàn diện và việc khẩn thiết phải thực hiện là tìm kiếm một “kiến trúc sư hữu danh” [25], hội tụ đủ tất cả những điều cần có đối với một đồ án kiến trúc có tầm quan trọng bậc nhất nhằm “mở rộng chân trời văn hóa trong bối cảnh “liên lập quốc tế” của kỷ nguyên nguyên tử hiện nay”. [26]

Vị kiến trúc sư hữu danh được đề cập đó là Bùi Quang Hanh và có sự trợ lực rất lớn của Trương Văn Long, kiến trúc sư tương lai của đồ án trường Kiến Trúc Sài Gòn mới cùng Trần Quang Nhựt Huân, những sinh viên kiến trúc đang thực tập tại văn phòng, một số cán sự và họa viên kiến trúc khác.

Cùng với yêu cầu “xây đắp và phát huy một nền văn hóa vừa bắt nguồn trong truyền thống cổ truyền của dân tộc vừa có tính cách cấp tiến, phù hợp với trào lưu tư tưởng và văn minh thế giới” [27], kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, một kiến trúc sư giàu nhiệt tâm về việc nghiên những kiến trúc mới chuyển tải tinh thần từ nguồn cội Việt Nam, chủ soái phong trào quay về kiến trúc dân tộc thập niên 1960 trở thành kiến trúc sư cộng tác với kiến trúc sư Bùi Quang Hanh trong đồ án Thư Viện Quốc Gia về những thành phần mang đường nét dân tộc và kiểm tra công trường. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện cũng là một Giáo sư nhiệm giáo đã nhiều năm tại trường Kiến Trúc Sài Gòn.

Nhân vật thứ ba của liên danh không phải người xa lạ. Đó là kiến trúc sư Lê Văn Lắm, kiến trúc sư của đồ án đại cương năm 1963 và tại thời điểm thiết lập liên danh, ông đang là đương kim Tổng Giám Đốc Nha Tổng Giám Đốc Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị trực thuộc Bộ Công Chánh, cơ quan gánh vác rất nhiều nhiệm vụ thực thi các chương trình quốc gia về đô thị và kiến trúc. Kiến trúc sư Lê Văn Lắm cũng là Giáo sư đã nhiều năm tại trường Kiến Trúc Sài Gòn, giảng dạy chương trình ban Thiết Kế Đô Thị. Vai trò của kiến trúc sư Lê Văn Lắm trong đồ án Thư Viện Quốc Gia là cố vấn kỹ thuật nhưng kỳ thực, ông là người thay mặt kiến trúc sư Bùi Quang Hanh xuất hiện trong mọi cuộc trước giới ký giả và tham gia dàn xếp hòa giải những vụ nổi sóng suốt thời gian xây cất đồ án từ các Hội Đoàn từng chiếm ngụ khu đất thuộc Khám Lớn cũ bằng khả năng ngoại giao hoàn hảo của mình.

Gần cuối năm Mậu Thân 1968, công trường xây cất “bộ não khổng lồ của quốc gia” [28] mới được bắt đầu song song với hàng ngàn công trường tái thiết các công trình kiến trúc tại Sài Gòn, Chợ Lớn cùng nhiều thành phố khác.

Những điều sau đó đã trở thành lịch sử trên đường chân trời của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam.

MỘT CUỘC CHUYỂN DỜI

Giáo sư Bùi Quang Hanh lặng lẽ rời Sài Gòn qua định cư tại Mỹ đầu năm 1975, khép lại những năm tháng đầy kỷ niệm ở quê hương trong nghề nghệp cùng những tình thân thiết, mở đầu một chương mới nhiều trầm lặng như con người vẫn luôn trầm lặng của ông. Gần hai thập kỷ đầu sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cũng đã chứng kiến những sự xáo trộn khôn cùng trong lịch sử của trường Đại Học Kiến Trúc, từ diện mạo, chương trình cho đến muôn vàn số phận cùng biết bao di sản của ngôi trường vang bóng nay đã xô dạt muôn phương. Tại Mỹ, Giáo sư Bùi Quang Hanh cũng dần gặp lại những thân hữu, đồng nghiệp, học trò cũ của mình ngoài những người không bao giờ có thể gặp lại, cùng san sẻ những nỗi đời riêng và không lần nào trở lại Việt Nam.

Kiến trúc sư của Thư Viện Quốc Gia qua đời trong một ngày lặng lẽ tháng 12 năm 1992 khi Lễ Giáng Sinh đang gần kề tại San Jose, California, để lại bao niềm mến tiếc cùng những di sản và lòng kính trọng vô cùng đặc biệt vẫn còn lan tỏa âm thầm sau thế kỷ XX, dù là hữu hình hay vô hình, trong lòng người đang sống hay những người đã mất.

Sài Gòn, kỷ niệm tròn 31 năm ngày mất của Giáo sư Bùi Quang Hanh!

Kính Thầy!
NNS

Hình: Giáo sư Bùi Quang Hanh một buổi chiều mùa Hè năm 1966 trong phút chờ thuyết trình đồ án Thư Viện Quốc Gia tại Sài Gòn. [HSSA historic program © nguyen ngoc son library & archive/ records: professor Bui Quang Hanh] sưu tầm và phục chế.
Trích lục bản thảo từ dữ liệu sách biên khảo lịch sử “Di sản trường Kiến Trúc Sài Gòn” [HSSA historic program © nguyen ngoc son library & archive]. Xin vui lòng ghi rõ nguồn nếu trích dẫn! Chân thành cảm ơn!

Lê Mạnh Thát và Thích Tuệ Sỹ – Hai Vị Thiền Sư. Phạm Công Thiện


Phạm Công Thiện

img_4952

Tuệ Sỹ (Ảnh: Hạnh Viên)

Tôi được may mắn quen biết Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát khi hai vị này còn rất trẻ và còn dưới hai mươi tuổi. Bây giờ hai vị đã được 45 tuổi (cả hai đều sinh năm 1943).

Lúc tôi quen biết hai vị thì hai vị hãy còn là những chú tiểu ở chùa; bây giờ thì hai vị đã trở thành hai vị Thiền sư lỗi lạc và lại cũng là Anh Hùng Dân Tộc của Lịch Sử Việt nam hiện đại. Tại sao “gọi là Anh Hùng Dân Tộc” thì rất dễ nhận thấy (mà cụ thể nhất là cái án tử hình về tội “phản cách mạng và bạo động vũ khí lật đổ chế độ”, vân vân).

Nhưng tại sao gọi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ là “hai vị Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt nam hiện nay”? “Thiền sư” à? Chỉ nội cái danh hiệu “thiền sư” đã là mệt rồi, lại còn thêm mấy chữ mơ hồ như “lỗi lạc nhất, thông minh nhất..”? Tôi muốn nói về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát với tất cả thận trọng và suy nghĩ chín chắn cặn kẽ, và tôi xin chịu mọi trách nhiệm về cái nhìn khác thường của tôi đối với nhị vị.

Tại sao là “thiền sư”? Và “thiền sư”: Là thế nào? Không cần trả lời trực tiếp về những câu hỏi bất thường này. Nơi đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh đôi điều gián tiếp và ai muốn hiểu gì thì cứ hiểu. Không ai có thể tự nhận đủ thẩm quyền tôn giáo và tâm linh để trả lời dứt khoát những câu hỏi bất thường trên. Chỉ có những kẻ bỏ cả trọn đời mình lặng lẽ sống chết với cái gọi là “Bồ Ðề tâm” hay “Phát Bồ Ðề Tâm” thì may ra mới trực nhận đâu đó khí phách và thần dụng bảng lảng của “nghịch hành thiền”.

Mấy chữ “thiền sư” đã bị người ta lạm dụng để tự truy tặng một cách lố bịch hay truy tặng kẻ khác với nông nổi dễ dãi tự mãn phè phỡn nông cạn, nhất là từ lúc Thiền hay Zen trở thành cái mốt trí thức đốn mạt. Bất cứ người nào tỏ vẻ “kiêu ngạo khác thường” một chút là có những hành động cử chỉ “ngược đời trái đạo” một chút thì tự gán hay bị gán là “thiền sư’.

Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ không bao giờ tự nhận lời “thiền sư” và cũng không bao giờ nghĩ mình là cái gì cả trên mặt đất này. Hai người này chỉ là những kẻ lễ độ khiêm tốn một cách tự nhiên và không bao giờ biết giả vờ “hạ mình” với ý đồ kín đáo chà đạp lên trên kẻ khác.

Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau, thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên và một cách “vô công dụng hạnh” từ đời sống thường nhật và tinh thần “diệu nhập” của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là “thiền sư” với tất cả đắn đo thận trọng và với tất cả ý nghĩa cao đẹp và “như thực” của một danh xưng “xung thiên chí”…

Giữa dòng thác lũ ào ạt và địa chấn thường trực của sinh mệnh, thế mệnh, và tính mệnh của quê hương, một sớm hôm nào đó, tôi đã được xô đẩy lặn hụp với Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát; tất cả ba anh em chúng tôi đều xuất thân từ Viện Phật Học miền Trung mà vị cha già của chúng tôi Hòa Thượng Trí Thủ (người đã bị Cộng sản Hà Nội thủ tiêu ngay lập tức sau khi Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị bắt giam vào ngày 1 tháng 4 năm 1984, vì “tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng sản”).

Ðối với tôi, từ lúc nào cho đến lúc nào thì Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát cũng như và hơn cả “những đứa em ruột thịt” (mang vị thế “đàn anh” thì chỉ thực sự là “anh” khi mình có đủ sức mạnh và sở kiến xô đẩy cho những đứa em vượt xa hơn mình, và sự thực hiện nay là Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đã vượt xa hẳn tôi đến nghìn trùng biên tế trong việc cưu mang trọn vẹn Tính Mệnh Việt Nam mà hậu quả bi đát là cái án tử hình do Hà Nội tàn nhẫn thực hiện bao nhiêu lần đối với bao nhiêu bộ óc siêu việt và bao nhiêu Anh hùng Liệt sĩ bất khuất của Dân Tộc.)

Cả ba anh em đều lớn lên, trưởng thành và làm việc với Viện Ðại Học Vạn Hạnh mà chúng tôi coi như mái nhà gia đình trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa trắng; chúng tôi đều là thành phần chính yếu nhất của Ban Biên Tập Tạp chí Tư Tưởng do tôi chủ trương thành lập, cùng với Ngô Trọng Anh, Tuệ Sỹ, Trí Hải (Phùng Khánh), Chân Hạnh, Lê Mạnh Thát.

img_4954

Trí Siêu Lê Mạnh Thát 

Tất cả ý thức dẫn đạo cho cả Viện Ðại Học Vạn Hạnh là do chính tất cả anh em chúng tôi quyết định (vị Viện Trưởng đương thời chỉ có thế lực về mặt hành chánh quản trị đại học, còn tất cả đường hướng tư tưởng triết lý dẫn đạo đều do chúng tôi khai thông và thể hiện trong những năm từ 1966 đến 1970, sau đó, tôi xa lìa Việt Nam cho đến nay và tôi không còn biết rõ tinh thần Vạn Hạnh như thế nào từ 1970 cho đến khi bị Cộng sản đóng cửa vào khoảng sau năm 1975.

Thực sự từ những năm 1966 cho đến 1970, Lê Mạnh Thát đang còn du học tại Hoa Kỳ, học ban tiến sĩ tại Viện Ðại Học Wisconsin, Madison, hình như mãi đến năm 1973 mới về Ðại Học Vạn Hạnh nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên, nhất là qua bài vở của tạp chí Tư Tưởng.

Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sinh năm 1943 (Thát sinh quán tại Quảng Trị và Tuệ Sỹ thì nguyên quán tại Quảng Bình và ra đời ở Paksé tại Lào). Tên thực của Tuệ Sỹ là Phạm Văn Thương và pháp hiệu Tuệ Sỹ do chính mình tự đặt ra, có lẽ vì muốn theo gương của vị Ðại Thiền sư đời Trần Tuệ Trung Thượng Sỹ? Cũng như Lê Mạnh Thát đã tự đặt pháp hiệu là Trí Siêu để gợi lại tên tuổi của hai vị Trưởng lão Thiền sư có tài và có đức nhất thời hiện đại?

Tuệ Sỹ và Trí Siêu đều tu ở chùa từ lúc rất bé nhỏ; cả hai đều rất giỏi chữ Hán, và rành chữ Pháp, chữ Anh, đọc hiểu chữ Ðức, đọc được chữ Pali và chữ Phạn (Lê Mạnh Thát cũng biết đôi chút chữ Tây Tạng); cả hai đều có kiến thức uyên bác về những kinh luận chính yếu của Phật giáo Nguyên Thủy và Ðại Thừa.

Ít có nhà Phật học nào ở Việt nam có thể am hiểu tường tận về tư tưởng Vasubandhu và cả tư tưởng Asanga cho bằng Lê Mạnh Thát; cũng như có ít người hiểu được tư tưởng Abhidharma (hệ thống phức tạp nhất của Phật giáo Nguyên Thủy) và tư tưởng Nagarjuna một cách sâu sắc cho bằng Tuệ Sỹ.

Chẳng những thế, Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đều có kiến thức sâu rộng về Triết học Tây Phương (Tuệ Sỹ đọc rất kỹ Heiderrer và Michel Foucault; bài diễn thuyết đầu tiên về Michel Foucault tại Việt Nam dạo đó là do Tuệ Sỹ thuyết trình tại giảng đường Ðại Học Vạn Hạnh; còn Lê Mạnh Thát rất thông thạo về Marxism, đọc cặn kẽ bộ Recherches logiques của Husserl, hiểu biết rành rọt Wittgenstein và Bertrand Russell và Merleau-Ponty.

Tuệ Sỹ thì có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ, say mê thi sĩ Ðức Hoelderlin, đọc hết toàn tập đường thi ngay nguyên tác, viết một tác phẩm sâu sắc thơ mộng nhan đề “Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng”; còn Lê Mạnh Thát thì không biết làm thơ và chẳng hề để ý đến nghiên cứu văn chương nghệ thuật, mà chỉ say mê luận lý học, khoa học và toán học, nghiên cứu sâu rộng về kinh tế, chính trị, và quân sự nhất là lịch sử thế giới, đặc biệt nhất là lịch sử những cuộc cách mạng ở thế giới (trong thư viện của tôi ngày xưa tặng cho Phật Học Viện Nha Trang có bộ sách Révolution Russe của Trotski).

Hồi đó vào khoảng năm 1962 hay 1963, tôi thấy Lê Mạnh Thát thường mượn đi mượn lại bộ sách ấy. Lê Mạmh Thát rất nặng tính thực nghiệm duy lý khoa học. Tôi còn nhớ vào năm 1968, nhân dịp được US State Department mời qua thăm viếng một số trường đại học Hoa Kỳ, tôi có dịp gặp Lê Mạnh Thát tại Wisconsin và không ngờ đó là lần cuối cùng và mãi đến bây giờ là 20 năm rồi mà chúng tôi vẫn chưa gặp nhau lại; đêm cuối cùng ấy, chúng tôi đã thức suốt đêm nói chuyện, và Thát đã làm tôi tức cười một cách khó quên khi Thát đề nghị xử dụng computer để hệ thống hóa tư tưởng bao la của Bát Nhã Ba La Mật. Còn nói riêng về mặt lịch sử Phật giáo bộ Chân Nguyên toàn tập (2 cuốn) và bộ Sơ thảo Lịch Sử Phật giáo Việt Nam (mới in được 2 cuốn) của Lê Mạnh Thát là những sử liệu quý báu nhất chưa từng thấy xuất hiện tại Việt Nam từ cả thế kỷ nay.

Chính Thát là người đầu tiên đã phát hiện ra “Sáu Bức Thư” quan trọng ở thế kỷ thứ V ở Việt Nam giữa Ðạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu. Trong Nghiên Cứu Lịch Sử năm 1981 ở Việt Nam. Trần Văn Giầu đã trích dẫn tài liệu của Lê Mạnh Thát về “bằng chứng sáng tỏ của một số sinh hoạt văn hóa của nhân dân Giao Châu hồi thế kỷ thứ V… rằng sinh hoạt văn hóa đó đã phát triển đến một trình độ đáng tự hào, mang nhiều đặc sắc dân tộc, yêu nước. “cả một kho tàng chờ đợi chúng ta khai thác.”

Lý thuyết gia cộng sản Trần Văn Giầu đã tận lực khai thác sự phát hiện của Lê Mạnh Thát để xuyên tạc một cách ngu xuẩn tất cả nội dung tư tưởng cao siêu của Việt Nam ở vào thế kỷ thứ V. Cộng sản Việt Nam cũng sử dụng và khai thác triệt để những công trình nghiên cứu độc đáo của Lê Mạnh Thát về Nguyễn Trãi, nhân dịp UNESCO tổ chức kỷ niệm lần thứ 600 ngày sinh nhật của Nguyên Trãi. Ðiều này ít ai biết.

Nếu không bị giam từ ngày 1 tháng 4 năm 1984 thì chắc chắn Lê Mạnh Thát còn tiếp tục phát hiện biết bao điều bí ẩn dấu kín “đã chôn vùi trong bóng tối ngàn năm” như lời của Trần Văn Giầu nói về sự phát hiện tư liệu lịch sử về thế kỷ thứ V ở Việt Nam do Lê Mạnh Thát khai quật ra từ “Hoàng Minh Tập” và sau cùng mới đây khi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ bị Hà Nội kết án tử hình thì đó chính là sự phát hiện lỗi lạc nhất của nhị vị để cho cả thế giới thấy rằng Cộng sản Việt Nam đã lạnh lùng tàn phá tiêu diệt tất cả những gì là tinh ba, là trí tuệ thượng đẳng tâm linh siêu việt của dân tộc.

Từ lúc hãy còn rất nhỏ cho tới lớn khôn trưởng thành, Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sống một đời tu hành khắc khổ và trong sạch hoàn toàn, không bao giờ ham mê danh vọng thế tục, không bao giờ để ý đến địa vị xã hội và chẳng bao giờ biết đến tiền bạc lợi lộc cho chính bản thân.

Trong lòng nhị vị vẫn thường trực hừng hực thệ nguyện vô biên đến Giác ngộ vì lợi cho tất cả và giải thoát cho tất cả, mà bước đi hùng dũng đã dược thể hiện oanh liệt nhất hiện nay là dâng hiến cả sinh mệnh mình để giải phóng quê hương thoát khỏi cái chủ nghĩa ngu xuẩn nhất, tàn bạo nhất và vô minh nhất của thế kỷ XX.

Chúng ta chỉ đủ sức nhìn thấy được những Thiền sư đúng nghĩa mỗi khi nào chúng ta có đủ sức mạnh tâm linh để tự quên mình, cũng như Ðại sư Ðạo Cao đã dạy thống thiết trong sách “Sáu Bức Thư ở thế kỷ thứ V” mà Lê Mạnh Thát đã phát hiện cho toàn dân tộc:

“Nếu quên mình mà hết lòng thành thì tất có cảm và có cảm thì tất có thấy: không cảm thì không thấy. Thánh nhân đâu phải không thường ở với quần sinh, đâu phải là ta không thường thấy”.

Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đã quên mình mà hết lòng thành thì tất nhiên nhị vị cảm được tất cả những đổ vỡ bi đát của quê hương và kiếp người: Hai người đã được hết tất cả tính mệnh của Việt Nam thì tất nhiên nhìn thấy được những gì vẫn giữ lại Việt tính, và họ đã lên đường trở thành những Ðạo sư dẫn đường cho cả dân tộc. Lúc Hà Nội kết án tử hình Tuệ Sỹ và Lê mạnh Thát hay bất cứ kẻ nào khác vô danh đã tranh đấu cho quyền làm người Việt Nam thì chính Hà Nội đã kết án tử hình toàn thể dân tộc.

Khi mà toàn thể dân tộc Việt nam bị một chế độ tàn bạo kết án tử hình thì đó cũng là lúc chế độ ấy đang tự hủy diệt trong lòng địa chấn linh diệu của Ðại mệnh Việt Nam

Phạm Công Thiện
California ngày 18.10.1988

f6f908ab-e4cc-4557-9fe1-ccec841615e7

Françoise Sagan và Bonjour Tristesse (Buồn Ơi Chào Mi). Huyền Viêm


Huyền Viêm

Buồn ơi! Vĩnh biệt!
Buồn ơi! Xin chào!
Tên mi viết ở trần cao,
Viết trong đôi mắt dạt dào ta yêu.
Mi đâu hẳn nỗi khốn nghèo,
Khi môi cằn ấy cố trêu nụ cười…

Françoise Sagan

(Françoise Sagan
Thần tượng của giới trẻ Pháp thế kỷ XX)

Adieu trítesse!
Bonjour trítesse!
Tu es inscrite dans les lignes du plafond,
Tu es inscrite dans les yeux que j’aime.
Tu n’es pas tout à fait la misère
Car les lèvres les plus pauvres te dénoncent
Par un sourire…

Paul Eluard (La vie immédiate).

Một buổi sáng tháng giêng năm 1954, một cô gái e lệ bước vào căn nhà mang số 30 đường Đại học – trụ sở của Nhà xuất bản Julliard – leo lên lầu một, men sát bờ tường, tới trao tập bản thảo vào tay cô Musy, người thư ký có nhiệm vụ nhận các bản thảo.

Cô thiếu nữ rất ít nói, gần như bỏ đi ngay sau khi hỏi xem trong bao lâu nữa thì nhận được hồi âm.

– Chừng một tháng. Cô Musy trả lời.

Tập bản thảo đánh máy, có nhan đề “Bonjour Tristesse” (Buồn ơi, chào nhé!).

Ngay chiều hôm đó, cùng với mấy tập bản thảo khác, bản thảo của cô gái được đặt trên bàn của viên giám đốc văn học. Ông này nhìn phớt qua các tập bản thảo, tới tập bản thảo của Françoise Sagan, với ghi chú số tuổi 19 khiến ông tò mò. Ông đọc qua mấy dòng, cảm thấy bàng hoàng vì giọng văn mới lạ nên giao tập bản thảo cho nhân viên cao niên nhất và được tôn trọng nhất trong ban Tuyển đọc là ông François Le Grix năm ấy đã 80 tuổi.

Bảy ngày sau – ngày 12-1-1954 – cụ Le Grix chuyển tới ban Tuyển đọc một bản tường trình rất nhiệt thành. Chiều hôm đó, ông chủ Nhà xuất bản, Renée Julliard, đang dự tiệc tại nhà ông Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, được tin, vội cáo lỗi với chủ nhân là phải về sớm và giải thích :

– Dường như người ta đã khám phá ra loài chim hiếm. Tôi phải về đọc bản thảo ngay đêm nay.

Bảy giờ sáng hôm sau, ông đã đọc xong, chú dẫn, chấp thuận và cho gửi một bức điện khẩn mời Sagan tới. Ba ngày sau, hợp đồng xuất bản được ký kết, không phải với tác giả vì cô còn là gái vị thành niên, mà ký với người cha, đại diện cho cô.

Nhà xuất bản Plon – nơi mà F. Sagan cũng có gửi một bản thảo cuốn sách ấy – tiếc hùi hụi vì chậm hơn Nhà xuất bản Julliard một bước, dù ban Tuyển chọn đã làm một bản tường trình nhiệt liệt tán thành việc in tác phẩm ấy.

Françoise Sagan sinh ngày 21 tháng 6 năm 1935 ở Cajarc (Pháp) với tên Françoise Quoirez, nhưng lấy bút hiệu Sagan, một nhân vật của Marcel Proust trong tác phẩm “À la recherche du temps perdu” (Đi tìm thời gian đã mất), một tác phẩm nổi tiếng và được xếp vào lọai những tác phẩm hay nhất thế giới. Sagan rất ái mộ tác giả này.

Françoise Sagan bất ngờ bước vào lĩnh vực văn học làm sững sờ thế giới. Đã từ lâu, ở Pháp không có cuốn tiểu thuyết nào được mọi tầng lớp – nhất là giới trẻ – hâm mộ và yêu chuộng đến thế.

Sagan viết xong cuốn “Bonjour tristesse” trong vòng bảy tuần lễ, đánh máy bản thảo bằng hai ngón trong quán cà phê. Tháng 3 năm 1954, cuốn “Bonjour Tristesse” chào đời, buộc dải băng mang dòng chữ “Quỷ trong tim” (Diable au Cœur) (2), tức khắc trở thành một trong những best-seller sau chiến tranh: tháng 5-1954 bán được 8000 cuốn, 45.000 cuốn tháng 9, 100.000 cuốn tháng 10, 200.000 cuốn tháng 12 (1954). Năm năm sau, “Bonjour tristesse” đã bán được 4 triệu cuốn trên khắp thế giới (tại Mỹ 1 triệu cuốn).

Sagan chưa kịp ước mơ, vinh quang đã ào đến. Tháng 5 được giải Critique, và quyển tiểu thuyết chưa tới 200 trang này được dịch ra 22 thứ tiếng. Ở Việt Nam, Nguyễn Vỹ là người đầu tiên dịch cuốn này năm 1959.

Sagan kể trong Bonjour Tristesse:

“ Năm đó tôi, Cécile, mười bảy tuổi, hoàn toàn sung sướng vì sống trong một gia đình khá giả. Bố tôi, Raymond, 40 tuổi, góa vợ từ 15 năm trước, có người tình là Elsa, bên cạnh là Anne – bạn người mẹ quá cố của tôi – rất đoan trang, đứng đắn. Tôi tình cờ gặp Cyril, một thanh niên đẹp trai khỏe mạnh trong một lần đi tắm biển, tôi rất yêu chàng và chàng cũng yêu tôi. Tôi sống rất phóng khoáng, tự do, không chịu được Anne muốn hướng dẫn mình vào con đường nghiêm chỉnh. Tôi biết bố muốn tính chuyện trăm năm với Anne nên tìm cách phá đám. Tôi xếp đặt để cho Anne thấy bố đang âu yếm Elsa. Anne thất vọng, phóng xe như điên và rơi xuống vực sâu 50 mét. Từ đó, tôi bắt đầu biết buồn….” và Sagan bắt đầu nổi lọan (3).

Năm 12 tuổi (1947), Sagan vào học trường dòng Couvent des Oiseaux, nhưng sau đó bị đuổi học vì nàng sống rất phóng túng, không chịu ép mình theo kỷ luật nhà trường, còn nhà trường thì cho rằng nàng thiếu tâm linh, không thể theo học lâu dài được.

Năm 1950, nàng bỏ ra cả năm trời để thưởng thức nhạc Jazz ờ Saint Germain des Prés, có lẽ vì thế mà năm 1951 nàng thi hỏng tú tài. Sau đó nàng ghi tên học văn chương ở Sorbonne nhưng rồi cũng bỏ dở dang.

Sagan yêu văn chương từ nhỏ, khi còn ở lứa tuổi vị thành niên nàng đã say mê đọc André Gide, Marcel Proust, Rimbaud rồi Camus, Sartre, Stendhal, Faulkner… và biết rằng con đường mình phải theo là con đường văn nghiệp.

Năm 1954, cuốn Bonjour Tristesse ra đời là một quả bom nổ giữa bầu trời văn học Pháp, gây chấn động cả làng văn nước Pháp, mà tác giả của nó lại là một cô gái nổi loạn ở tuổi 19 nên rất được độc giả hâm mộ và yêu chuộng. Năm 1954 cũng là năm nước Pháp mỏi mệt vì hai cuộc chiến tranh ở Đông Dương và Algérie, nhất là sau cuộc thảm bại ở Điện Biên Phủ nên thanh niên Pháp có tâm trạng chán chường, sống buông thả, luôn cảm thấy cô đơn và thất bại cay đắng trong tình trường. Trong khi đó, các nhân vật của Sagan lại bất chấp luân lý, lao vào những cuộc tình ngẫu nhiên để tìm một chỗ dựa – dù là tạm thời – cho tâm hồn đã quá ê chề mỏi mệt. Cuốn sách ra đời đúng lúc nên nhanh chóng trở thành best-seller cũng không phải là chuyện lạ.

Văn Sagan giản dị, dễ hiểu, thẳng thắn, bóng bẩy, không trau chuốt, chuyển tải mạnh mẽ rung cảm của tác giả sang độc giả. Cốt truyện chặt chẽ, các lớp lang nối tiếp nhau rất tự nhiên như sự thật vốn có. Tác giả không cố công tìm tòi cái mới mẻ, chỉ viết theo dòng cảm xúc tuôn trào nên hấp dẫn được người đọc.

Ông Serge Gavronsky, giáo sư dạy môn văn học Pháp tại đại học Barnard cho rằng “Buồn ơi, xin chào!” đã chuyển tải được sự nổi loạn và tính hoài nghi, yếm thế của rất nhiều người trong tầng lớp tư sản Pháp thời ấy.

Image11

Nhà văn François Mauriac (1885-1970), Viện Sĩ Viện Hàn lâm Pháp (1933), giải Nobel văn chương 1952 gọi Sagan là “tiểu quỉ duyên dáng” và Emile Henriot (1889-1961), Viện Sĩ Viện Hàn lâm Pháp (1945) gọi quyển “Buồn ơi, xin chào!” là “kiệt tác nhỏ vô sỉ, tàn ác”.

Ngoài giải Critique năm 1954, năm 1985 Sagan được giải Prince-Pierre-de-Monaco cho toàn bộ tác phẩm của mình.

Cuộc sống của Sagan rất phóng túng. Để trốn tránh nỗi buồn, bà lao vào các cuộc ăn chơi trác táng, yêu cuồng sống vội, thức đêm cờ bạc, rượu và ma túy. Vì thế mà số nhuận bút khổng lồ chẳng bao lâu không còn một xu dính túi.

Sagan rất liều lĩnh, yêu xe thể thao, thường cùng một số bạn bè phóng xe như điên nên suýt chết nhiều lần, nhất là năm 1957. Mặc dù vậy, bà vẫn không chừa.

Vì lối sống phóng đãng, tiêu tiền như rác nên nhiều lúc Sagan đảo điên vì túng bấn. Bà có một ngôi nhà ở gần Biển Bắc, mua bằng tiền được bạc 80.000 quan nhưng rồi cuối cùng cũng phải bán vì túng thiếu. Bà thiếu thuế của nhà nước, bị phạt một năm tù treo. Bạn bè và kẻ ái mộ phản đối, cho rằng Sagan thiếu tiền nhà nước, nhưng nhà nước thiếu Sagan nhiều hơn thế nữa. Ngay cả diễn viên nổi tiếng Isabelle Adjani cũng đã kêu gọi chính phủ Pháp phải xem bà như một báu vật quốc gia và phải để tên tuổi ấy nằm ngoài sự dính líu với thuế vụ.

Về đời tư, Sagan có hai đời chồng. Lần thứ nhất, năm 23 tuổi (1958) bà kết duyên với Guy Schoeller lớn hơn bà 20 tuổi, hai năm sau ly dị. Lần thứ hai, năm 27 tuổi (1962) bà lấy Robert Westhoff, điêu khắc gia người Mỹ và có với ông này một đứa con trai tên Denis. Một năm sau ly dị, từ đó bà sống độc thân cho đến chết, tuy hãy còn rất trẻ và có hàng tá nhân tình.

Bạn bè của Sagan phần lớn là những người tên tuổi như nhà văn Jean Paul Sartre (tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: La nausée, Les chemins de la Liberté, minh tinh màn bạc Brigitte Bardot và nhất là người mê sách François Mitterrand sau này trở thành Tổng Thống Pháp. Theo Sagan thì F. Mitterrand là người bạn thông minh, lý tưởng và duyên dáng. Tình cảm giữa hai người rất thắm thiết vì có sự đồng cảm sâu sắc về cách cảm nhận cuộc sống.

Ngày 24 tháng 9 năm 2004, Françoise Sagan qua đời vì suy tim và nghẹt đường hô hấp, thọ 69 tuổi. Bà được an táng tại một nghĩa trang nhỏ gần nơi sinh trưởng. Rất đông bạn bè, người hâm mộ và nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền đưa tiễn, tỏ lời ca ngợi và tiếc thương. Nữ tài tử điện ảnh Brigitte Bardot mỉa mai:

“Vậy mà khi Sagan sống trong khó khăn thì chẳng ai cục cựa ngón tay giúp đỡ”.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã nói về bà:

“Nước Pháp vừa mất đi một trong những văn sĩ tài năng có sức ảnh hưởng nhất, một nhân vật xuất chúng của đời sống văn học”.

Françoise Sagan mất đi nhưng hình ảnh bà vẫn còn in sâu trong lòng những người ái mộ. Tác phẩm của bà đã đi sâu vào lòng người vì bao giờ cũng thể hiện sự khao khát tình yêu mãnh liệt cùng nhữn g hoài nghi về cuộc sống quanh mình.

Sách của Sagan vào Việt Nam được giới trẻ thời ấy đón chào nồng nhiệt vì họ yêu bầu không khí cực kỳ mới mẻ trong sách và tinh thần tự do của Cécile (nhân vật trong Bonjour Tristesse). Họ ước ao được sống tự do thoải mái như Cécile vì lúc ấy chiến tranh còn đang tiếp diễn.

Với gần 50 tác phẩm để lại cho đời, trong đó nhiều tác phẩm rất có giá trị, Françoise Sagan đáng có một chỗ đứng xứng đáng trong nền văn học Pháp cũng như thế giới./.

Huyền Viêm
Posted on 8 Tháng Tám 2017
by banmaihong

http://khaiphong.net/showthread.php?20629-Fran%E7oise-Sagan-v%E0-Bonjour-Tristesse-(Bu%26%237891%3Bn-%26%23416%3Bi-Ch%E0o-Mi)

Đọc Tùy Bút Mai Thảo… Nguyễn Trường Trung Huy


Nguyễn Trường Trung Huy

Chân Dung và Tác Phẩm của Nà Văn Mai Thảo

(Chân Dung và Tác Phẩm của Nhà Văn Mai Thảo)

“ Đọc Mai Thảo, không phải là đọc những gì ông viết mà là đọc cái cách ông viết ra những gì ông đã viết. Một căn nhà vùng nước mặn. Một chuyến tàu trên sông Hồng. Một bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời. Ðó không phải là những cái truyện, những tên truyện. Ðó là mảnh vỡ của những cuộc đời, long lanh hạnh phúc, ràn rụa nước mắt. Không kể lại được. Phải đọc từng dòng, từng chữ của Mai Thảo, để thấy ông nghĩ, ông viết thế nào về những truyện đó, chứ không phải những gì chất chứa trong những truyện đó” (Nguyễn Đình Toàn)

Đọc Mai Thảo , đặc biệt là những tùy bút dạt dào “nội dung siêu hình cùng những tâm thức lãng mạn, đớn đau..”… là có thể đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc là mỗi lần va chạm vào một xao xuyến mới, tiệm cận với một rung động liền kề, hứng chịu một mê đắm từ những giọt mưa cường toan rát buốt sát thương hết những … phiền nhung gấm, mân mê một buốt tấy mê man từ vùng yêu thương còn tưởng như gần sát…

Mai Thảo đã thả cánh bướm Trang Tử trên những nhịp nhàng chữ nghĩa, trên những cuộn xoáy ảnh hình…tạo ra một cú sốc ngôn ngữ “mới” đối với người đọc (không những là trong 20 năm huy hoàng của văn học nghệ thuật miền Nam) mà còn là những độc giả “bây giờ”…để ta/ chúng ta…sửng sốt trước sự khai phóng đủ sức làm độc giả lạc lối trong một thế giới vừa thực vừa phi thực mà tác giả đã xây dựng…đọc Mai Thảo là đi tìm lại thời gian đã mất (hay cũng có thể..là chưa?!?), là ấp ủ một cái đẹp mong manh, là “để tưởng nhớ mùi hương”…

Là người của kỷ niệm, của dĩ vãng, của “căn nhà vùng nước mặn” chợ Cồn, Hải-hậu, Mai Thảo còn là người Hà-nội, người sông Hồng, người Sài-gòn… mà lại rất Paris, rất Camus, rất Sartre.

“Văn phong Mai Thảo dào dạt, mãnh liệt, đau đớn, thiết tha, đó là những chân dung: chân dung kỷ niệm, chân dung sao trời, chân dung Hà-nội, chân dung bạn văn, chân dung nụ hôn, chân dung ngọn cỏ, chân dung Cửu-long, chân dung sông Hồng, chân dung cuộc tình… Đó là những bức họa, ấn tượng, trừu tượng, siêu thực ẩn hiện trong những điệu nhạc jazz trầm uất..”

Ngay từ những ngày đầu “đọc Mai Thảo”, tôi đã bị cuốn hút vào “những rừng từ chương và những biển suy tưởng”, những khai phóng “mở đường” (có thể) gây sốc thuở ban đầu nhưng sau vụt thoát thành một lấp lánh văn phong thấy thấp thoáng đâu đấy trong cách viết một vài tác giả, một phong cách maithảo – với rốt ráo tận cùng ngữ nghĩa của từ này trên danh xưng của một – mỹ tính từ…

Đó, trước hết, đến từ cách dùng chữ MỘT – khi thì là trạng từ, khi thì động từ. Nhưng nhiều nhất là tính từ và động từ. Với cách viết này, Mai Thảo loại bỏ hẳn một số từ khác thường đứng trước chúng. Thay vì “một cuộc lưu đày” thì là “một lưu đày”; thay vì “một nỗi nhớ nhà” thì “một nhớ nhà”; thay vì “một sự khuấy động” thì “một khuấy động”, vân vân. Ta gặp dài dài cách dùng đó trong văn Mai Thảo: một tình cờ, một trao phó, một bùng cháy, một bất ngờ, một vượt thoát, một mê đắm, một yếu đuối….Nhiều. Đã quen với cách viết đó, mà thú thật, đôi khi tôi cũng ngỡ ngàng khi gặp chữ một của Mai Thảo, nhất là khi ông thêm vào sau đó một tính từ nào đó (có khi là một cụm từ) có tính cách diễn tả: một lưu đày dịu dàng vào cô đơn, một lạnh buồn vô tận, một gần gụi diễm lệ…khiến cho câu văn đột nhiên mang một vóc dáng khác lạ, thú vị…

Những “MỘT” chơ vơ và tưởng-chừng-đơn-giản…đã là một đằm thắm rõ nét, một tịch liêu vây phủ…trong lòng độc giả (hay ít ra là trong lòng tôi)…

“- Rồi thì một lạnh buồn vô tận đấy nhỉ? Rồi thì là một nhớ nhà vô chùng đấy nhỉ? Khi, giữa một đêm quê người, một đêm ở Mỹ như đêm qua…”
– Tiếng chuông vang lên, âm thanh mang hình ảnh một đường chỉ thẳng vút truyền đi, thật sâu và thật xa vào một phía bên trong thăm thẳm, ở đó là một im lặng lớn nằm giữa một lắng đọng đầy…”(Những tấm hình của chị Thời)
– …Chính ôm lấy người đàn bà. Người đàn bà của một gặp gỡ ngắn. Một tình cờ ngắn. “Một hạnh phúc ngắn” (Hồng Kông ở dưới chân)
– Không có tiếng vang, không có một bùng cháy, một bất ngờ, một khuấy động nào nữa (Mười đêm ngà ngọc) …”

Cái MỘT trơ trọi đó, phần nào, trong một thoáng nghĩ, tôi tin chắc đó là MỘT của một dáng hình, một trầm tư rất MAI THẢO mà trong những phác họa chân dung từ những văn hữu cùng thời, MAI THẢO là một hiển lộ của một cô đơn đến tận cùng … cũng như Mai Thảo đã từng viết “chết tận cùng đến điểm cuối cái chết”, “Tắt tới cái điểm le lói cuối cùng của lửa.”…

Đó là cô đơn của..

“Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy”

hay

“Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái gì đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy”

Nguyễn Trường Trung Huy
(Nguồn: https://tuongtri.com/2015/06/24/doc-tuy-but-mai-thao/)

FullSizeRender

Mưa Đêm. Tùy Bút Mai Thảo
(Thư Quán Bản Thảo số 62, Tháng 12-2014
Chủ đề KHỞI HÀNH VÀ TÔI)

Trận mưa đầu mùa nào cũng dấy lên bất chợt, về đêm. Trong tĩnh mịch hoàn toàn. Lúc khuya nghiêng về sáng. Mưa đổ. Giữa chiêm bao chập chờn chưa dứt mộng. Mưa bay. Trên bằn bặt giấc thiếp lãng quên đời. Qua những ga sao và những trạm trời, chuyến xe mưa lăn bánh sầu của một nghìn hạt lệ, chở theo nó những tầng cao và những không gian, thường, bằng đêm, đến với cái bến đất này như vậy. Êm ái mà bàng hoàng. Dịu dàng mà kinh động. Từ một đáy vực, bỗng ào ạt kín trùm lên giấc ngủ ta.

Khởi dấy này, như mọi hiện tượng khởi dấy khác là một giọt sương hoa nửa năm tròn trong quy luật thường hằng của tạo vật. Bởi ngày là của những thể hiện. Trên một bề mặt. Đêm mới là của những báo tin, những đánh thức, thành hình. Từ một chiều sâu. Cấu thành của một giao hợp, bắt đầu nào của đời người cũng thế. Không giữa một trưa vàng. Mà từ một đêm kia. Đóa hải đường thức ngủ và nhành thược dược mơ màng thụy vũ trong cái cõi thơ lạnh và khuya cực điểm ấy của Nguyễn Gia Thiều cũng là cái rùng mình lướt thướt kỳ ảo của một trận mưa đêm. Một trận mưa đêm đánh thức. Làm mới. Cho héo hon kia bỗng sáng lóa mặt trời.

Tĩnh thức trong đêm, bằng đánh thức của mưa, giác quan còn hoài nghi thoạt kỳ thủy là cái gợn gợn mơ hồ của một đụng chạm phảng phất. Như có. Như không. Như mới đó mà. Như vừa biến mất. Giọt thứ nhất, nhấn chỉ nửa vời. Và bỏ lửng. Giọt thứ hai thêm một chút thăm dò. Một giọt phân vân, một giọt lưỡng lự, đã những giọt vàng nghìn triệu mưa theo. Nằm nghiêng tai, nghe những chân mưa hững hững hờ hờ rồi trùng điệp tới, cảm giác kỳ thú nhất là thay vì một im lặng nào trước đó một giây, mưa đã làm thành một im lặng mới. Mênh mông. Thứ im lặng vẫn nghe thấy nơi phía sau của một nhịp động đều. Như tiếng động nào cũng rơi trên một cái nên im lặng. Rồi mưa. Tật lớn. Lấn chen. Cuống quýt. Thành tràn ngập tường. Thành lênh láng mái. Thành rũ rượi lá. Thành lướt thướt đường. Suối chảy trong nhà. Biển đầy quanh gối. Người xem như đã chịu trận là lúc trời xem chừng càng làm dữ hơn lên. Cái nền im lặng mất biến, trôi băng đi. Và lúc đó, mưa rất tươi, mưa rất hồng, đã nhịp trống rừng trong ta dậy dậy.

Mưa sinh động, mưa nhiều bộ mặt. Chỉ những trận mưa nhỏ nhỏ mới buồn. Thứ mưa chưa đỉ làm mờ một ánh mắt. Thứ mưa thiếu tháng, gầy và xanh, không đánh ngã nổi những hạt bùi trên một khung kính. Đó là thứ mưa đàn bà, thứ mưa thở dài, khiến hồn người vì thế phải mưa theo, bằng thả ra giữa lất phất trời, những hạt lệ tâm sự. Bằng đọc lại những tờ thư cũ. Mưa thật lớn, cái trận dạt dào không cúi đầu thương. Mà trán cao, mặt ngửa, ngực bồng, mưa hát. Mưa tới tận cùng sức mưa mưa được, bao giờ cũng là cái trạng thái sảng khoái vạm vỡ không cùng của một tràn ngập hân hoan.

Kỷ niệm tôi có đổ xuống, bay qua, đọng lại, không biết bao nhiêu lần mưa Hà Nội. Những trận mưa vừa, lẫn giữa mùa nước. Những trận mưa phùn, thì thầm không dứt. Những trận mưa chiều, lẩn vào bóng tối. Ra trước điện đường. Đọng trên vành mũ. Những mưa đêm, mọi cửa ngõ hồn đón hết mưa vào một nghìn chân tóc, tới sáng rồi còn cái lưới mưa đan. Mưa Hà Nội của một tuổi còn lãng mạn, rỏ luôn từng giọt trong tách cà phê. Không đậu xuống máu nhà mà đậu trong lòng. Đã có được cái chiều ngang tưởng tượng của một bức mành, còn có được cái đường cong mơ mộng của một đời dương liễu. Mưa nghiêng trên Hàng Đào. Mưa trôi vào Hàng Quạt. Chụp mũ ngọc trên ngọn cỏ đầu ô Quan Chưởng. Đem Hồng Hà lên trắng xóa dốc Long Biên. Nhạt nhòa Hồ Tây, mịt mùng Yên Phụ, mưa Hà Nội bay. Sang từ Gia Lâm, rất ướt át những toa tầu chở hàng, tới từ ga, Hàng Cỏ, rượt theo những đường sắt, mưa Hà Nội đẹp. Đi thành bảy chữ trong thơ Trần Huyền Trân. Rượu rồi nâng cổ áo lên cao. Chở núi rừng về, bằng Huy Cận nhớ bạn. Mưa Hà Nội chuyển lưu theo một nhịp mùa, nhưng thực phẩm anh ăn, mùa nào mưa nấy. Nhưng lớn, nhỏ kiểu nào, thì người Hà Nội cũng không bao giờ quên được những trận mưa xuân. Một giọt kia trên một nhánh thủy tiên mới gọt, một hạt này trên một lộc đào vừa hé cánh. Thành phố là một sàn nhẩy cho mưa tháng giêng khiêu vũ một mình. Múa, uốn và lượn. Một hạt ngọc ném đi, rất tròn, lại thu về thành những đường tơ thẳng vút. Đùa nghịch trong không khí, bay ngược lên cao trời, những cánh bướm và những tà áo uyển chuyển ấy là cái hình dáng rất âm nhạc của mưa xuân Hà Nội. Thứ mưa làm cho một cô gái Hàng Bạc muốn mặc ái nhung. Ra đường. Tho áo nuột nà còn óng ánh thêm một lần kim tuyến.

Trận mưa lớn đêm qua có phải là trận mưa vào mùa đấy không? Có lẽ. Vì tôi đã thức dậy đêm qua với một cảm giác rất mùa. Và bởi vì tiếng mưa tôi nghe, còn nghe thấy rất xa, trên một bến bờ im lặng.

Mai Thảo
Thư Quán Bản Thảo số 62, Tháng 12-2014
Chủ đề KHỞI HÀNH VÀ TÔI

Phố của Thủ Đô Miền Nam VNCH, Bình Nguyên Lộc


Bình Nguyên Lộc

(Báo Nhân Loại – 1957)

duong hai ba trung

Đại lộ Hai Bà Trưng

Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đờn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.

Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.

Vậy nên tôi đã đi khắp Sàigòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không ? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.

Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.

Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.

Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.

Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định.

Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.

Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.

Cho Binh Tay

Chợ Bình Tây

Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.

Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.

Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”.

Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sàigòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà!

duong nguyen hue

Đại lộ Nguyễn Huệ

Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.

Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng một khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẳn chòi.

Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sàigòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Ngyệt Ánh v.v… cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.

Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa – Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa.

Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.

duong le thanh ton

Đường Lê Thánh Tôn

duong pham ngu lao

Đường Phạm Ngũ Lão

Sàigòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy.

Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.

Sàigòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành.

Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.

Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được xử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng.

Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.

Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.

Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chơn suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu : gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.

Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.

Bình Nguyên Lộc

(Báo Nhân Loại – 1957)

Một Thế Kỷ Văn Học Quốc Ngữ, Nguyễn Văn Sâm


NVS_TdNgVanSam3

(Chân dung và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Sâm)

Nguyễn Văn Sâm

Trước khi người Pháp chiếm Việt Nam ba từ thông dụng “quốc ngữ, quốc âm, quốc văn” được dùng để chỉ chữ Nôm, là thứ chữ dùng rộng rãi trong dân chúng nước Việt. Các bài thơ của Nguyễn Thuyên vì vậy được gọi là thơ quốc ngữ. Cũng dùng trong nghĩa đó các nhà văn xưa thường đề tên tác phẩm của mình với cụm từ quốc ngữ như Quốc Ngữ Ca của Tả Ao, Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi…Lý Văn Phức, trong Nhị Thập Tứ Hiếu nói rằng mình muốn lưu gia phạm nên truyền quốc âm. Ta không lạ khi thấy các quyển Y Dược Quốc Ngữ Ca, Quốc Ngữ Gia Truyền, Quốc Ngữ Mạch, Quốc Ngữ Mạch Ca … cũng như các quyển Quốc Âm Ca Dao Tập, Quốc Âm Ca Thi, Quốc Âm Diễn Thi, Quốc Âm Diễn Tự, Quốc Âm Dụng Dược Gia Truyền, Quốc Âm Phú… được viết bằng chữ Nôm Khi người Pháp chiếm xong Việt Nam thì ý nghĩa của từ quốc âm, quốc ngữ, quốc văn bị đổi nghĩa. Ai cũng biết bộ sách thông dụng Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Ai cũng nghe câu nói danh tiếng của Nguyễn Văn Vĩnh: Nước Nam ta sau nầy hay hay dở là cũng ở chữ quốc ngữ. Vậy thì chữ quốc ngữ là thứ chữ do các cố đạo Bồ Đào Nha dùng các yếu tố trong chữ La tinh để ghi âm tiếng Việt, chớ không còn là thứ chữ thuộc khối vuông mượn từ các yếu tố chữ Hán như trước nữa. Nhiều sách vỡ còn ghi cụm từ chữ quốc ngữ mới, nhưng càng về sau thì tính từ mới rớt mất lần đi. Những chủ nhân ông mới của nước ta muốn chánh thức loại bỏ chữ Nôm, thứ chữ biểu ý, có nhiều khuyết điểm để thay bằng thứ chữ mới biểu âm, đơn giản, dễ học, là sản phẩm xa gần dính dáng đến họ… (1)

Cũng giống như trường hợp ở các nước Nhật Bản và Trung Quốc trong việc phiên âm văn tự của hai nước nầy bằng mẫu tự La tinh, các cố đạo Tây phương ban đầu đặt ra chữ quốc ngữ Việt Nam chỉ nhằm mục đích giản tiện cho họ trong việc học tiếng địa phương để giao tiếp và truyền giảng mà thôi. Họ theo nguyên tắc ghi chép, theo ký hiệu, tiếng nói của quốc gia mà mình đương truyền đạo. Họ không có ý định làm ra một thứ chữ mới cho dân Việt, cũng không nhằm ý hướng thay thế hệ thống chữ cũ vốn từ lâu ăn sâu vào đời sống văn hóa của dân tộc nầy. Tuy nhiên thứ chữ mới được đặt ra nhờ ưu điểm dễ học, dễ nhớ, dễ in, dễ viết.. nên đã đi ra khỏi phạm vi họ đạo, về sau lại được chánh quyền hổ trợ để quảng bá, dần dần trở thành thứ chữ chánh thức của cả nước, đánh bạt thứ chữ quốc ngữ cũ, rồi theo thời gian đã trở thành loại văn tự chánh thống của nước Việt ta.

Không phải chữ quốc ngữ không có những khuyết điểm (2) . Nhiều người còn coi các dấu giọng là khuyết điểm và muốn thay thế bằng các con chữ chưa dùng trong mẫu tự La Linh. Chữ quốc ngữ cũng không thể ghi hết các âm địa phương của người Việt cho nên chúng ta có tình trạng giọng Miền Trung khác với chữ viết ở các dấu và các âm cuối. Nhưng các khuyết điểm nầy nếu sửa chữa thì chữ quốc ngữ sẽ trở thành quá rắc rối, mất ưu điểm đơn giản vốn là yếu tính cơ bản của nó. Cuối cùng thì trong gần ba thế kỷ sanh thành và hơn một thế kỷ tăng trưởng, với thật nhiều đề nghị sửa đổi nhưng không bao giờ được áp dụng (3) chữ quốc ngữ đã giữ vai trò thật sự là văn tự của nước ta tuy rằng về hình thức nó không khác mấy với lúc được sáng chế. So sánh chữ quốc ngữ ngày nay với bản in Phép Giảng Tám Ngày của A. DeRhodes ta sẽ thấy ngay điều đó.

Trong bao nhiêu năm được sử dụng, thứ chữ nầy tất nhiên ghi lại được đời sống tinh thần của dân tộc cũng như ghi lại một nền văn chương mới của người Việt mà chúng ta gọi là nền văn chương quốc ngữ của văn học Việt Nam. Và cho đến bao giờ mà chữ quốc ngữ còn tồn tại thì văn học quốc ngữ vẫn còn tiến triển không như các loại hình văn học Hán Nôm đã thực sự đứng hẳn trong đời sống văn chương Việt.

Tuy không ai hoang tưởng mà cho rằng chỉ vì những tiện lợi của chữ quốc ngữ cho nên văn học Việt Nam thế kỷ 20 nở rộ, chỉ riêng bước đi của thế kỷ nầy không thôi cũng bằng mấy lần của cả từ thời lập quốc đến hết thế kỷ 19, nhưng ai cũng nhận rằng chính hình thức đơn giản của chữ quốc ngữ góp một phần quan trọng, phần còn lại là các yếu tố khác như dân tộc bớt bị câu thúc chặt chẽ trong tư tưởng, giao tiếp dễ dàng với các trào lưu văn minh, sự phát triển vượt bậc của nền in ấn phát hành, tình trạng dân trí được nâng cao… Khi làn sóng văn minh Tây Phương đến đâu thì tất cả mọi thứ nơi đó đều nở rộ, đó là chuyện đương nhiên, cho nên văn học quốc ngữ –nói cách khác là nền văn học Việt Nam khi thật sự giao tiếp với các trào lưu tư tưởng Tây Phương cho tới ngày nay– có vai trò thu nhận những sức tiến bộ trong tư tưởng Âu Tây để từ đó lấy đà kiến tạo một hình thái văn học mới cho người Việt ngang hàng với các nền văn học khác trên thế giới. Sự thành công hay thất bại của vai trò nầy tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm của những người làm văn nghệ và các cách sử dụng văn nghệ của từng chánh quyền của mỗi giai đoạn, đám đông quần chúng chỉ đóng vai trò vô cùng thứ yếu mặc dầu lúc nào cũng được đề cao là quan trọng.

Vậy thì đặc tính Văn học quốc ngữ (VHQN) trong hơn một thế kỷ vừa qua như thế nào?

Tổng quan ta có thể thấy các đặc điểm sau:

1. VHQN, ngay từ những năm đầu tiên, cố gắng tạo nên hình dạng của mình, cho có mặt cái đão. Chuyển qua một dạng chữ viết mới với những cánh rừng mịt mùng chưa khai phá trước mặt, người viết không thể một sớm một chiều vứt bỏ các cách thế suy nghĩ của viết lách cũ xưa vốn mang nặng từ lâu. Họ cũng chưa có kinh nghiệm để đi thẳng vào những thể loại viết mới như văn xuôi, truyện ngắn truyện dài dầu đã thấy các thể loại nầy thành công và đang thịnh hành trong văn học Tây phương. Với những trở ngại đó, VHQN một thời gian dài ban đầu chỉ là một hình thái khác của Văn học chữ Nôm (VHCN). Nó chỉ khác mới ở loại hình văn tự mà không khác mới về mặt tư tưởng cũng như các thể loại sáng tác. Nói cách dễ hiểu giai đoặn đầu VHQN là VHCN hóa dạng.

2. Có hình dạng rồi, mặc dầu còn thật mơ hồ, VHQN cũng đã mạnh dạn tiếp tục bước trên con đường định hình. Công việc quan trọng nhưng không tốn nhiều suy nghĩ là dịch các sáng tác phẩm ngoại quốc sang quốc ngữ bằng văn xuôi, thể loại mà văn chương chữ nôm trước đây rất ít dùng, giờ đây thức giả ai cũng thấy hai nước Trung Hoa và Pháp dùng nhiều. Việc dịch thuật kiểu nầy có thể được coi như công phu tập tành làm cho trơn tru cách viết quốc ngữ sau nầy. Giai đoạn nầy cũng là giai đoạn đi vào quảng đại quần chúng bằng những chuyện ngoài đời được viết bằng các sáng tác ngắn hơi xuất bản dưới hình thức các tập sách mỏng hay in trên báo chí. Tư tưởng văn học thuần túy của giai đoạn nầy không có bao nhiêu, người viết truyền bá lại những tư tưởng có sẵn do thu thái được trong khi học khi đọc hơn là sáng tác ra từ chính nội tại suy tư của mình.

3. Khi đã định hình rồi thì VHQN như tin tưỏng hơn ở mình. Với những kinh nghiệm về câu văn trong việc dịch, với những hình thức mượn của văn học nước ngoài VHQN lớn mạnh thật sự với sự rần rộ của các truyện ngắn, truyện dài, thi ca, các tác phẩm khảo cứu v.v. Đây là giai đoạn thật sự có mặt của một nền văn học với tất cả những cá biệt và vai trò của từng tư tưởng, từng thời kỳ, từng người viết…

4. Sau khi cực thịnh, VHQN do tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó trong quần chúng nên bị lợi dụng hay bị cuốn hút vào vòng chánh trị phe nhóm nhứt thời. VHQN từ đây bị phân hóa theo bước đi truân chuyên của dân tộc. Những năm cãi cọ giữa duy tâm và duy vật trước khi đất nước chia hai, những năm thù nghịch tô hồng, bôi bẩn, một chiều do sự lưỡng phân thành hai nền văn học Quốc-Cộng và hai khuôn mặt văn học trong-ngoài nước Việt… đều có nguyên ủy từ ảnh hưởng quá mạnh của văn học quốc ngữ trong dân chúng. Văn học thời nầy không giống như thời xưa, cách xa với chánh trị, gần gũi với dân chúng và xuất phát từ cái tâm không nhiễm trần lụy của người viết. Thời nầy, đa phần văn học không phản ảnh được nội tâm thật sự của tác giả mà biểu lộ phần lớn con đường chánh trị họ bước theo, dầu ý thức hay không ý thức, trực tiếp hay gián tiếp.

Mỗi giai đoạn, nếu đi sâu vào chi tiết ta có thể chia làm nhiều giai đoạn ngắn hay những sự kiện nổi bật (khuynh hướng, nội dung, thể loại…) những nhân vật tên tuổi gắn liền với văn học (nhà văn, nhà thơ, nguời viết sách báo… ) cũng như những trường hợp đi ngoài con đường tổng quát của trào lưu.

Vậy thì dựa theo nhận xét trên ta có thể chia VHQN thành bốn giai đoạn chính:

Giai đoạn đầu (1862-1897):

Giai đoạn nầy bắt đầu từ năm 1862, năm người Pháp đánh lấy và đặt nền cai trị ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đến năm 1897, là năm ra đời của tờ báo Nam Kỳ Địa Phận ở Sàigòn (hay những năm gần đó như 1898, năm Trương Vĩnh Ký từ trần, 1901, năm xuất bản tờ Nông Cổ Mín Đàm.)

NKDP_Nam1NKDP2

(Báo Nam Kỳ Địa Phận)

Thời gian nầy chữ quốc ngữ mới thật sự bước vào vùng ánh sáng ra mắt quảng đại quần chúng trong khi chữ Nôm và chữ Hán đã có mặt và đương chống trả lại để khỏi bị đào thải. (4) Là thứ chữ đi sau, được hợp thức hóa bởi tân trào và dùng bởi những người gọi là theo tân trào, được yểm trợ bởi những người ‘theo Hoa Lan đạo’ mặc dầu hiện tại đang có thế giá và vai trò chánh trị (5) nhưng chữ quốc ngữ lúc khởi thủy không được số đông đảo người theo. Thời nầy còn để lại biết bao giai thoại về những gia đình giàu có khi bị làng xã chỉ định con cái phải theo học chữ quốc ngữ đã mướn người đi học thế để con mình ở nhà theo mấy chữ chi hồ giã dã gọi là nối gót con đường thánh hiền của ông bà. Câu thơ của Trần Tế Xương vất bút lông đi lấy bút chì là một lời mỉa mai thứ chữ của tân trào hơn là một sự biểu đồng tình của người theo mới. Thời nầy nếu ai dùng chữ quốc ngữ để sáng tác thì chắc chắn rằng họ cũng là người đã được đào luyện trong nền học vấn cũ, thoải mái trong việc viết bằng chữ Hán chữ Nôm hơn là thứ chữ mới cho nên khi viết bằng quốc ngữ thì họ suy nghĩ và đi theo những khuôn phép của chữ Nôm, chỉ chuyển dịch điều mình viết ra loại hình quốc ngữ mà thôi.(6)

Đọc bài thơ Tuyệt Mạng (7) , bài Nhứt Nhựt Thanh Nhàn hay bài thơ Thường Bả Nhứt Tâm Hành Chánh Đạo (8) của Trương Vĩnh Ký không ai nghĩ rằng những bài nầy được viết bằng quốc ngữ. Ai cũng thấy rõ ràng rằng cảm hứng, nghệ thuật, cung cách diễn tả, cách dùng chữ đều không khác gì sáng tác của các nhà văn Nôm Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường (9), Nguyễn Khuyến của thời kỳ nầy. Đọc bài thơ quốc ngữ Lên Chơi Núi Điện Bà (10) của Sương Nguyệt Anh, ai cũng thấy rằng những yếu tố văn chương và tư tưởng không khác gì hết với Bà Huyện Thanh Quan.

Một tác giả khuyết danh, với bài Ngũ Canh Vãn đăng trong tờ học báo Thông Loại Khoá Trình của Trương Vĩnh Ký vào năm 1889 (11):

Chạnh lòng khoăn khoái tưởng lo xa,
Mới đó sao canh đã đến ba.
Sương bủa hòa trời sao rải rác,
Tuyết giăng khắp núi nguyệt dần dà.
Bâng khuâng sầu thúc khôn cầm lụy,
Thốn thức buồn tuôn biếng nói ra.
Những mảng so đo tìm lẽ hỏi,
Hỏi ai hơn hỏi tấm lòng ta….

Con đường sáo ngữ của thơ nôm vẫn còn để lại dấu vết sau đậm trên bài thơ nầy: tuyết giăng khắp núi, không cầm lụy, buồn tuôn biếng nói… Đó là chưa kể chính hình thức Đường luật đã làm cho người đọc khó phân biệt được đâu là thơ quốc ngữ, đâu là thơ nôm.

Đọc một đoạn thơ sau, bạn nghĩ rằng đây là sản phẩm bằng quốc ngữ hay bằng chữ Nôm, nó có gốc tích bên Tàu hay bên Tây?

Có người phú quí trên đời,
Huỳnh Trâm tổng trấn ở nơi tây thành.
Lòng nhơn đạo, nết hiền lành,
Xa xôi mến đức, gần quanh đẹp lòng.
Một ngày rảo bươc thơ phòng,
Xem hai bức tượng, xét đồng tài nhau.
Phút đâu nghe động cửa lầu,
Giựt mình ngước mặt day đầu ngó ra.
Thấy công tử bước vào nhà,
Tuổi xuân tươi tắn, mặt hoa vui mầng.
Hỏi rằng ‘gặp hội long vân’
Bảng rồng tên đứng đặng lần nầy chăng?
Con là An-Pháp thưa rằng…..

Thưa đấy là phần đầu của truyện Phú Bần Truyện Diễn Ca (12) của Thế Tải Trương Minh Ký. Đây là bản dịch ra quốc ngữ một quyển tiểu thuyết Pháp thời đó. Dịch giả đã sử dụng thể lục bát mà nguyên tác chúng ta có thể quyết đoán rằng được viết bằng văn xuôi. Lý do cũng dễ hiểu thôi, Trương Minh Ký vẫn còn chịu ảnh hưởng của nền văn học Hán Nôm với sự lấn lướt của các thể loại văn vần, ông viết văn vần dễ dàng hơn viết văn xuôi…..

Giai đoạn nầy có tác giả lại in tác phẩm mình bằng hai thứ tiếng, khi thì bằng quốc ngữ, khi thì bằng chữ Nôm (13). Ông Trương Minh Ký viết nhiều sách, in quyển Như Tây Nhựt Trình của mình bằng chữ Nôm . Bản quốc ngữ cũng phát hành khoảng thời gian nầy (14). Có tác giả, vì lý do nầy khác, được dịch tác phẩm mình từ quốc ngữ ra chữ Nôm (15). Điều nầy càng cho thấy rằng đối với người chú trọng đến văn chương Việt Nam thời nầy chỉ có sự thay đổi về hình thức văn tự, chứ chưa có sự thay đổi dứt khoát trong bất kỳ yếu tố gì của sự tạo thành một tác phẩm văn chương.

Thời nầy, để củng cố chữ quốc ngữ, để cho dân chúng làm quen với thứ chữ mới các tác giả quan trọng lo viết sách dạy chữ quốc ngữ, (Trương Minh Ký, Petrus Ký), soạn tự điển (Petrus Ký, Huỳnh Tịnh Của ) sưu tập các câu ca dao, tục ngữ (Huỳnh Tịnh Của, Petrus Ký), ghi chép các truyện kể trong dân gian (Huỳnh Tịnh Của, Petrus Ký). Vì chưa muốn đoạn tuyệt hẳn với nền văn hóa Hán học nên các tác giả nầy cũng lo dịch thuật các tác phẩm nho gia có giá trị lâu dài (Petrus Ký), phiên âm và chú giải các tác phẩm được viết bằng chữ Nôm (16) (Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Petrus Ký) hay cố gắng diễn tả những vấn đề đương thời bằng quốc ngữ (Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Petrus Ký). Nhìn chung các công trình nầy thật là có giá trị, cho tới nay cả trăm năm sau, không mấy ai có công nghiệp vượt qua những vị nầy. Bộ tự điển Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1896) của Huỳnh Tịnh Của là công trình khoa học, nghiêm túc, kế thừa được những gì các cố đạo đi trước đã làm còn ghi lại được thực trạng của ngôn ngữ Việt Nam cuối thế kỷ 19, đến bao giờ còn có người nghiên cứu văn học thế kỷ 18, 19 , còn có người muốn biết trước đây ông bà chúng ta nói chuyện bằng những ngôn từ như thế nào, sinh hoạt ra sao thì quyển tự điển nầy còn có ích lợi thực dụng (17). Quyển Như Tây Nhựt Trình cho thấy được tinh thần hiếu học, muốn biết thật tường tận, thật nhiều chuyện khi tác giả đến một vùng đất lạ; các bản phiên âm tuồng Phong Thần Bá Ấp Khảo, Tuồng Thúy Kiều là sự giữ gìn thật hữu hiệu phần nào tài sản quý giá của dân tộc (18). Các công trình văn hóa của Petrus Ký là những viên gạch vững chãi nhứt để lót con đường xa lộ thênh thang quốc ngữ về sau nầy, việc đi sâu vào từng tác phẩm của ông cũng không phải là chuyện dễ dàng vì ông rẽ sang nhiều ngành quá chuyên môn. Riêng quyển Nữ Tắc ông phiên âm cẩn thận và chú thích tường tận đến nay ta khó lòng làm hơn được đối với một quyển nôm nào đó tương tợ. Cũng nhờ có ông mà tác phẩm nầy tồn tại vì cho tới ngày nay chúng ta không còn thấy ở đâu chứa bản chữ Nôm Nữ Tắc nữa! Quyển Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca ông phiên âm và xuất bản cách đây hằng trăm năm cho đến bây giờ các bản in lại đều dựa một phần lớn trên công trình đó với những thêm thắt thật nhỏ, không đáng kể, đó là chưa kể có những sửa chữa làm cho sai lìa nguyên tác! Quyển Phong Hóa Điều Hành của ông, tuy là sự thu góp túi khôn của các hiền sĩ mượn từ các sử sách và chuyện đạo Tây phương nhưng cũng đưa ra được những chuẩn thằng của con người phải sống xứng đáng con người trong thời đại giao tiếp với Tây Phương. Các bài Kiếp Phong Trần, Bất Cượng… nói lên quan niệm sống Trung dung, thanh bần, bất cầu của ông. Nói một cách khác, về tư tưởng Trương Vĩnh Ký xa gần muốn đặt ra những cương chỉ cho con người quân tử mới trong hoàn cảnh mới có bóng dáng người cai trị mắt xanh mũi lõ trên quê hương chúng ta.

Về văn từ, nhìn chung, ta có thể thấy trong bất cứ sách nào của những người thời nầy là một thứ văn chương không có mục đích làm văn chương, thứ văn-chương-đời-sống-hằng-ngày để sự thấm nhuần của người đọc được tối đa về mặt ý tưởng.

Thời nầy một ngôi sao loé lên trong một công việc mà chưa ai làm trước đó là viết truyện ngắn theo lối Tây Phương: ông Nguyễn Trọng Quản. Văn Nguyễn Trọng Quản, gọn gàng, sáng sủa, kể truyện không rườm rà, hợp lý tuy rằng nghệ thuật dựng truyện của ông chỉ là nghệ thuật bước đầu của truyện ngắn. Nhìn chung, giá trị lịch sử của truyện ngắn Truyện Thầy Lazarro Phiền mở đầu cho sự bứt xiềng ra khỏi những vướng víu ràng buộc với văn chương Hán Nôm của thể loại sáng tác bằng văn xuôi vốn chỉ mới là những bước chân mò mẫm dè dặt từ Huỳnh Tịnh Của và Petrus Ký trong các Truyện Khôi Hài và Truyện Đời Xưa. Tiếc rằng Nguyễn Trọng Quản viết chỉ độc có truyện đó rồi thôi– dầu rằng ông có quảng cáo một cuốn nữa đã viết xong. Không có ai theo chân ông liền sau đó nên thể loại truyện ngắn vắng mặt một khoản thời gian tương đối dài, phải đợi mấy chục năm sau mới trở lại trên địa bàn văn chương miền Bắc bằng các sáng tác của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học… (19)

Thời nầy cũng có lác đác vài tác phẩm liên quan đến chánh trị, hoặc là ủng hộ tân triều, hoặc là kể tội tân triều cùng những người theo chân bọn họ. Vè Khâm Sai, chống Pháp, chúng ta chỉ thấy được dạng quốc ngữ do Trương Vĩnh Ký in trong Thông Loại Khóa Trình nhưng không cho biết trước đây nguyên văn được viết ở dạng nào. Khảo cứu các tác phẩm nầy thuộc một đề tài tổng quát về văn chương hay tư tưởng Việt Nam, phù hợp hơn đề tài VHQN vốn dĩ giới hạn trong hình thức.

Vè Khâm Sai, có đoạn sau đáng được trích dẫn:

Sau lên Phong thữ, Nghĩa dõng tứ vi.
May chẳng hề chi, nhờ ba chú Pháp.
Thân qua Yển giáp, Trở lại La Thanh.
Từ ấy thất kinh, vừa làm vừa sợ.
Tướng chi, tướng dỡ! Vị luyện quân tinh.
Chẳng có Tây binh, e không khỏi chết… (20)

Bài Tân Trào Nhơn Chánh Ca, thân Tây, sau khi ca tụng Tân trào làm nhiều điều hay như là: sửa cầu (tu-kiều), bồi lộ, đào kinh, trồng trái (chưởng đậu), sưu thuế có hạng thứ lề luật, lập nhà thương, lập dây thu lôi, làm nhà dây thép…. tác giả khuyên người dân:

Nắng bề nào phải cho xuôi đỡ bề,
Làm ăn theo phận thú quê.
Thính thiên thuận mạng chớ hề thày lay,
Phận mình bụi bụi tro bay,
Dễ đâu châu chấu chống nay xe rồng… (21)

Tóm lại, bước đầu trong việc vun trồng cho lớn mạnh cây tùng bách Văn Học Quốc Ngữ là công trình của những cây bút cự phách trong vùng đất lưu dân, tân địa Nam Kỳ. Về sau Miền Bắc ngàn năm văn hiến mới nối tiếp với những tác giả làm việc không biết mệt mỏi của các nhóm Đông Dương Tạp Chí Và Nam Phong Tạp Chí.

Thời kỳ nầy, dầu quốc ngữ mới manh nha người ta đã thấy ảnh hưởng của nó cho nên các xu hướng chánh trị cũng phản ảnh trên các sáng tác thời đó.

Giai đoạn hình thành: 1897-1930.

Những sáng tác ngắn hơi :

Các sự kiện nổi bật của giai đoạn nầy là những sáng tác ngắn hơi có tánh cách thời sự ở trong Nam và hai tờ báo quan trọng đến con đường học thuật Việt Nam ở ngoài Bắc.

Sau khi các tờ báo Nam Kỳ (Địa Phận, 21 10 1897), và Nông Cổ Mín Đàm (1 8 1901) xuất hiện và sống mạnh, các người viết lách thời đó đã thấy rằng chuyện thời sự vốn được quần chúng ưa thích hơn chuyện văn chương chữ nghĩa thuần túy cho nên trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20 chúng ta có thật nhiều những tác phẩm ngắn hơi, viết bằng thể lục bát bình dân, nói về chuyện thiên hạ sự: Chuyện con gái kén chồng, rồi lỡ thời, chửa hoang (Vè con gái kén chồng của Đặng Văn Chiểu (22) ). Chuyện vợ lớn vợ bé (Vè con cua của Phạn Thành Kỉnh, Vè vợ Tây của Trần Thiện Thành, Vè Vương sinh mê mèo bỏ mạng của Lê Trung Thu, Vè vợ lớn vợ bé, Vè vợ nhỏ đánh vợ lớn của Nguyễn Đăng Hưỡng, Vè vợ lớn vợ bé đánh ghen của Đinh Thái Sơn. Các chuyện về du côn, tù rạc, cờ bạc, hút sách… (Thơ Sáu Nhỏ, Thơ Sáu Trọng, Thơ Cậu Hai Miêng, Thơ Năm Tỵ, Thơ Vân Tiên ghiền, Thơ Vân Tiên Cờ Bạc)… .

Xem bảng quảng cáo sách mới in ra tháng 9 1915 của nhà xuất bản J. Viết ta thấy tính chất thời sự được nhà xuất bản chú ý: Vè cô Nam nhỏ, Vè thiện ác đáo đầu, Vè cứu vật vật trả ơn, Vè các thím đánh bài giờ, Vè Châu Thành Sàigòn, Vè gái du giang hồ, Vè anh hà tiện, Vè giải oan cho vợ chệt vợ chà… (23) Thư Viện Quốc Gia Pháp còn chứa nhiều các quyển loại nầy như: Vè Chết Chém Lê Hườn Nhi Long, Vè Ông Già Mười Bảy Cưới Gái Bảy Mươi, Vè Cô Năm T. Chôn Con, Thơ Mẹ Ghẻ Giết Con Ghẻ, Thơ Mừng Đại Pháp Quốc Với Đồng Minh Thắng Trận, Thơ Tuồng Lính Tập Đi Tây, Thơ Phan Xích Long Hoàng Đế Bị Bắt, Vè Máy Bay….

Tôi cho rằng người viết văn thời nầy đã coi chữ quốc ngữ như phương tiện hữu hiệu nhứt để nói với đám đông quần chúng về chuyện hằng ngày, chuyện trời ơi đất hỡi thấp tè tè trên mặt đất: chuyện lưu truyền trên cửa miệng của giới bình dân. Nó đã thật sự là công cụ ghi nhận của thể loại văn chương truyền miệng, nó nhắm về những chuyện đầu môi chót lưỡi của con người sống thật sự sống ở trên đời. Hết rồi thời của văn chương chữ nôm với công chúa công nương, đi đâu cũng có vài ba tỳ nữ. Hết rồi thời của Hoàng tử, công tử tướng văn, tướng võ, hoàng hậu, vua cha… Bởi vậy văn viết lúc nầy không có bộ áo trau chuốt, tươm tất, đã dài dòng còn lập đi lập lại như người nói chuyện đương tìm ý, kiếm từ. Cũng vì đặc tính bình dân về mặt văn chương đó ta thấy được rõ ràng như cụ thể trước mắt ta đời sống xã hội của thời đại, một đời sống không phải được đánh bóng bằng những mài gọt, cắt xén của từng lớp nhà văn khoa bảng, chức quyền ở trên cao thời trước hay tầng lớp học thức Tây phương xa rời quần chúng sau nầy.

Đọc một đoạn thơ Sáu Nhỏ:

Bây giờ khó nỗi vẫy vùng
Quản Long đánh chửi vốn không có chừa.
Ma tà cai đội không vừa
Không có đút nhét sớm trưa hành hà.
Luận suy thôi lại thở ra
Vận thời xét lại thiệt là chẳng yên.
Khôn cùng thảm thảm phiền phiền
Ngồi buồn nhớ đến Tôn quyền Châu Do.
Ở đời cuộc thế đắn đo
Nhiều năm đày đọa cam go thân mình.
Lâm râm khấn với thiên đình
Nửa đêm thình lình phá khám Long Xuyên.
Mở mấy chú tôi bị xiềng
Khám đường thả tội nó liền tuôn ra.
Trước sau lính gác ma tà
Trống quân hồi một tựu mà phủ vây.
Quản Long quở mắng vang dầy
Làm sao đến nỗi hội nây rộn ràng (24)

Các việc phiên âm quốc ngữ thời bây giờ thật là rần rộ. Mỗi tác phẩm nôm thường được hai ba, có khi bốn phiên giả chuyển hệ sang quốc ngữ với những thêm thắt, sửa đổi mà các vị nầy gọi là ‘bổn cũ soạn lại’. Việc phiên âm với toàn quyền sửa lại bổn cũ như vậy dĩ nhiên làm mất đi tính cách chân xác của nguyên bản Nôm, nhưng ngược lại cũng thúc đẩy được việc đọc, đưa tới tay số đông đảo quần chúng một tác phẩm kiện toàn hơn, trong khi trước đó việc đọc những tác phẩm Nôm vốn là công việc của một số ít ỏi người có học hành và tiền bạc. Tất cả hàng mấy chục truyện thơ bình dân như Lý Công, Chiêu Quân Cống Hồ, Thạch Sanh Lý Thông, Lâm Sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn, Nam Kinh Bắc Kinh, Nàng Út, Ông Trượng Tiên Bửu… được phổ biến là nhờ giai đoạn sửa lại bổn cũ nầy, một giai đoạn không ai phủ nhận được công trình chuyển biến từ hình thức Nôm sang hình thức Quốc Ngữ.

Một số người sau một thời gian làm công việc dịch thuật và sửa lại bổn cũ, cảm thấy tin tưởng ngòi bút của mình hơn bèn bỏ công ra viết tuồng, viết truyện thơ, sáng tác truyện ngắn. Đó là các ông Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Đặng Lễ Nghi. Những người nầy mở đường cho các nhà văn sáng tác sau đó hằng chục năm như Lê Hoằng Mưu, Trương Như Toản…

Giai đoạn nầy có sự chuyển hình từ thi phổ sang ca khúc với sự phổ biến rộng rãi của chữ quốc ngữ. Mặt đờn ca hồi những thập niên mười phát sinh ca cải lương đã đành, mặt in ấn các bài ca thời nầy thúc đẩy sự hoàn thành mau chóng hơn thể loại văn hóa đặc biệt của thế kỷ nầy. Không thể kể hết các bản in và người đặt, chép bài ca, chỉ xin ghi lại một vài: Bài Ca Cải Lương, Bài Ca Lục Vân Tiên, Bài Ca Sáu Trọng (25), Bài Ca Thập Nhị Tứ Hiếu, Bài Ca Tình Nhân, Bài Ca Tứ Tài Tử, Bài Ca Lục Tài Tử, Bài Ca Bát Tài Tử, Bài Ca Thập Tài Tử, Bài Ca Thập Nhị Tài Tử… và xin ghi nhận rằng về nội dung các bài ca vẫn bám vào các đề tài trong những tác phẩm giờ đây đã được chuyển sang quốc ngữ, chứ không tự mình đứng riêng như một tác phẩm độc lập phát xuất từ trí tưởng tượng của người viết. Các bài ca nầy là những viên gạch căn bản, giá trị, chúng sẽ hợp nhau lại thành lâu đài cải lương chừng độ chục năm sau đó.

Vai trò của báo chí:

So sánh với báo chí, sách vở thua xa việc phổ cập trong quần chúng. Báo chí cũng dễ dàng trong việc viết lách vì mỗi một số có thể chứa thật nhiều đề tài khác nhau, phục vụ cho nhiều người trình bộ bất đồng và sở thích khác nhau. Sách vở nói nhiều đến các tờ báo đầu tiên là Gia Định Báo, Đại Nam Đồng Văn Nhựt Báo v.v.. cũng vì lẽ đóng vai trò lịch sử của nó, xuất hiện sớm. Từ rất lâu ông Trương Vĩnh Ký với nhận định của mình đã cho xuất bản một tờ học báo để giới thiệu các vấn đề liên quan tới văn học Việt Nam bằng quốc ngữ, đó là nguyệt san Thông Loại Khóa Trình Miscellanées (5 1888). Ông nói trong số ra mắt tờ học báo nầy cái tôn chỉ và mục tiêu của mình:

20110620kpbao1

Trung-BactanvanNamTrungnhutbao98 4 NamKynhuttrinh

(Một số tờ báo quốc ngữ xuất hiện sớm)

“Coi sách lắm nó cũng nhàm; nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi, nó mới thú. Vậy ta tính làm ra một tháng đôi ba kỳ, một tập mỏng mỏng nói chuyện sang đàng quốc chí, pha phách lộn lạo, xào bần để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải là chơi không vô ích đâu: cũng là những chuyện con người ta ở đời nên biết cả. Có ý, có chí thì lâu nó sẽ thấm…” (26)

Đó không phải là tờ báo đúng nghĩa mà là tờ học báo cho nên ảnh hưởng trong học giới và học sinh thì nhiều mà tác dụng trong quần chúng thì không có mấy. Thông Loại Khóa Trình sống không đầy hai năm thì đình bản vì người chủ trương không lấy lại được vốn bỏ ra hằng kỳ. Tiếc thay! Nhìn chung TLKT mạnh về phương diện sưu tập, bảo tồn mà vắng bóng những nhận định cũng như sáng tác đương thời. Riêng giá trị bảo tồn tư liệu thôi, TLKT cũng đáng cho ta trân trọng bởi vì ta không gặp đâu khác rất nhiều bài đặc biệt trong đó, nhứt là Lời Truyền Thị của Tôn Thọ Tường, Vè Khâm Sai của nghĩa quân kháng Pháp.

Phải đợi đến hai tờ Nam Kỳ Địa Phận và Nông Cổ Mín Đàm vai trò của báo chí quốc ngữ mới nổi bật. Nông Cổ Mín Đàm (ÓA Ĩẽ Ừú Ỏễ , Causeries sur l’Agriculture et de Commerce) số đầu tiên ra ngày 1 tháng Tám, 1901, sống rất lâu, hơn hai mươi năm, thay đổi nhiều chủ bút chủ nhiệm nên đường lối cũng đổi thay… một sự khảo sát tường tận về tờ báo nầy là việc khó khăn, ở đây chúng tôi chỉ nói đại lược về giai đoạn hai năm đầu tiên nó xuất hiện.

6-bao-chi-3

(Báo Nông Cổ Mín Đàm)

Đây là một tuần báo, 8 trương, khổ 1/4 tờ báo lớn ngày nay. Chủ nhơn (=nhiệm ) là người Pháp rành tiếng Việt và sống rất lâu và làm ăn lớn ở Việt Nam tên Canavaggio, chủ bút là nhà văn Lương Khắc Ninh, tục gọi là Hội Đồng Ninh vì ông có mấy nhiệm kỳ làm Hội Đồng Quản Hạt .

Trong số ra mắt có viết lời trần tình của chủ nhơn và lý do làm báo đáng cho ta chú ý:

Hai mươi năm chẵn ở miền Nam thổ, nay đã tiệm thành cơ chỉ qui mô. Đường thiên lý tục tình dầu khác, đạo cang thường lễ nghĩa như nhau. Nơi nơi cũng tạo doan hồ phu phụ. Việc hiếu sự nay đà rang rảnh, tình thê nhi thêm lại rịch ràng (27). Vậy nên công việc từ hưu, vui theo thú thê trì nông cổ. Thương nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bằng Tây nhơn, muốn sao cho nông cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cộng hưởng. Vậy nên sức lập nên nhựt báo, thông tình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự.

Trong Đông cảnh nước Cao Ly, Nhựt Bổn, nước Xiêm La cùng nước Đại Thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há Lục Tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi dậy mà xem, không thi thố cùng người trục lợi…

Tờ báo bằng giọng văn nhiều tính biền ngẫu, sai nhiều lỗi chánh tả nên hơi xưa so với tờ Nam Kỳ Địa Phận xuất bản cùng thời. Báo viết những bài có tính cách cổ động cho công việc phát triển canh nông, chấn hưng thương nghiệp, giải thích khế ước và thương hội.. . Để đỡ khô khan thỉnh thoảng báo có đăng các truyện sáng tác hay truyện dịch từ sách Tàu, dưới dạng văn xuôi hay văn vần, của Lương Khắc Ninh, Nguyễn Viên Kiều, Nguyên Liên Phong, Nguyễn Khắc Huề, Nguyễn Thiện Kế, Đặng Quí Thuần, Lương Hòa Quí, Trần Giải Nguơn, Nguơn Dư Hoài, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Viết Khuông, Thổ Châu thơ sanh, Nam Song thị, Trần Khắc Kỷ, Lê Hoằng Mưu, Tô Ngọc Đường…. Chính các người nầy, với các bài của họ, tạo nên sự lớn mạnh của VHQN trong những bước đầu, ít nhứt là trong Nam Kỳ Lục Tỉnh. Từ năm thứ hai tờ báo mở ra mục Thi Phổ đăng thơ của các bạn đọc và văn hữu cộng tác. Các thơ nầy phần lớn theo thể Đường luật và xướng họa thù tạc nên giá trị văn chương không nhiều.

Các bài sưu tầm văn chương trong NCMD nhìn chung giá trị bảo tồn cũng giống như TLKT trước đó. Bản dịch Tam Quốc Chí ký tên Canavaggio là bản dịch Tam Quốc Chí ra quốc ngữ đầu tiên ở nước ta, trước bản dịch của Phan Kế Bính hơn một thập niên, đăng hơn năm năm từ số 1 đến số 210 là các số báo mà chúng tôi tham khảo được trước đây. Một số người ngờ rằng bản dịch nầy là của Lương Khắc Ninh, điều đó không có gì làm bằng. Xét về văn phong của Lương khắc Ninh thì ta thấy không phải, ông nầy dùng nhiều biền ngẫu, chữ sử dụng cao kỳ mà dư thừa trong khi bản dịch Tam Quốc Chí đúng là hình thái văn xuôi, không có những tiểu đối, chữ dùng lại dễ hiểu bình dân, tỏ ra là tài lực của một người ít chịu ảnh hưởng của Hán học.

Đó là chuyện đầu thế kỷ ở trong Nam, sau đấy một thập niên ở ngoài Bắc chúng ta có hai tờ báo nổi bật, tạo thế đứng vững mạnh cho VHQN là Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí.

Đông Dương Tạp Chí: (1913-1919) số đầu tiên ra mắt là ngày 15-5-1913. Do tình hình chánh trị, ĐDTC được người Pháp cho ra đời với mục đích tuyên truyền cho công cuộc đô hộ và dè-bỉu những chống đối. Dần dần về sau các người chủ trương đã khéo léo lèo lái thành một tờ báo văn nghệ và học thuật rất phong phú. Trần Trọng Kim viết về Sư Phạm, Nguyễn Văn Tố trích tuyển Pháp văn, Phạm Duy Tốn viết truyện ngắn, Phan Kế Bính và Nguyễn Đỗ Mục dịch thuật các tác phẩm Hán văn, Nguyễn Khắc Hiếu nghị luận về thi ca, Nguyễn Hữu Tiến , Nguyễn Bá Trạc, Thân Trọng Huề viết những điều thuộc về tư tưởng và học thuật Việt Nam…

image004Dong Duong tap chi - bia

(Đông Dương Tạp Chí)

Nam Phong Tạp Chí: (1917-1934) là tờ báo có ảnh hưởng trong giới trí thức thời nầy, do Phạm Quỳnh chủ trương và viết gần như tất cả các mục. Lúc nầy quốc ngữ đã lớn mạnh lại càng lớn mạnh hơn khi Phạm Quỳnh hô hào phổ biến quốc ngữ bằng cách dung hợp với tư tưởng Tây phương. Do sự làm việc cần cù và nhiệt tâm ông đã đem rất nhiều điều mới lạ trong sách vở Tây Âu thời đó diễn dịch ra quốc ngữ khiến cho thứ chữ viết nầy có dịp cọ xát với các vấn đề khó khăn để chứng tỏ khả năng diễn đạt của mình. Cho đến ngày nay những điều viết trong Nam Phong Tạp Chí phần lớn vẫn còn giá trị, tờ báo đáng được trân trọng như nó đã được trân trọng là di sản văn hóa của dân tộc trong bao lâu nay.

200px-NamPhong-Bia12011724_31247_namphong

(Nam Phong Tạp Chí)

Về hai tờ ĐDTC và NPTC, Giáo Sư Dương Quảng Hàm kết luận rất cô đọng và chân xác:

Ông Vĩnh có công diễn dịch những tiểu thuyết và kịch bản của Âu Tây và phát biểu những cái hay trong tiếng Nam ra; ông Quỳnh thì có công dịch thuật các học thuyết tư tưởng của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được các ý tưởng mới. Đối với nền văn hóa cũ của nước ta thì ông Vĩnh hay khảo cứu những phong tục tín ngưỡng của dân chúng, mà ông Quỳnh thường nghiên cứu đến chế độ văn chương của tiền nhân.

Văn ông Vĩnh có tính cách giản dị của một nhà văn bình dân, văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả. Tuy văn nghiệp của mỗi người có tính cách riêng, nhưng hai ông đều có công với việc thành lập quốc văn vậy (28).

Thập niên 30 trong Nam có một tờ tạp chí rất quan trọng là Phụ Nữ Tân Văn, với tờ nầy các vấn đề cải cách xã hội được đặt ra, cũng như vấn đề Thơ Mới được nói đến lần đầu tiên.

Giai đoạn cận đại và hiện đại (1932-2000)

Giai đoạn nầy không thể nói bằng một hai trang giấy vì đây là giai đoạn sung mãn nhứt của VHQN. chỉ xin tóm lược vài điểm chánh:

Những năm tiền chiến: 1932-1945: Thi ca nổi bật với những cách mạng về lề luật thi ca cũng như tiết điệu. Đặc điểm của thời nầy tổng quan là lãng mạn, với những chuyện yêu thương và đau khổ. Các thi sĩ phần nhiều nỗi danh vì biết nhìn thật sâu vào tâm hồn mình dể diễn tả những tình trạng tế vi ai cũng cảm nhận nhưng không thể tự mình diễn tả.

Những năm kháng chiến (1945-1954) Sàigòn trở lại là cái nôi của văn học với tràn ngập truyện ngắn và thi ca cổ động cho việc lên đường chống thực dân và đề cao công cuộc kháng chiến. Những nhà văn ở thành phần nhiều không trực tiếp nhận chỉ thị từ phía lãnh đạo công cuộc kháng chiến thời đó. Họ viết bằng trí tưởng tượng, bằng cái tâm bất bình của con người. Cùng thời gian nầy, ở vùng kháng chiến những nhà văn chịu ảnh hưởng của CS viết theo chỉ thị dù rằng họ có lợi thế được nhiều người đọc hơn và thực tế quan sát.

Những năm đất nước lưỡng phân (1954-1975) Đất nước bị chia hai kéo theo sự phân cách về suy nghĩ của hai Miền. Miền Nam tự do trong suy nghĩ nên người viết muốn viết gì thì cứ viết miễn là có một chút kỹ thuật và văn chương. Kết quả là có nhiều tác phẩm nhảm nhí xuất hiện. Những tác phẩm có giá trị văn chương lại mang ảnh hưởng tiêu cực trong việc đối đầu với Miền Bắc khi phân tích tai hại của chiến tranh, sự phi lý của cuộc đời, cổ võ cho cuộc sống buông trôi. Hà Nội dùng tất cả mọi nổ lực của nhà văn để sáng tác nên những quyển sách tưởng tượng ra sự chiến đấu thần thánh của nhân dân trong việc chống Ngụy, chống Mỹ, và bôi lọ đến tuyệt cùng chánh quyền và nhân dân Miền Nam.

Những năm trong và ngoài nước (1975-?) Đây là sự kéo dài của giai đoạn lưỡng phân với những thay đổi nho nhỏ ở cả hai phía. Bên ngoài tình yêu quê hương được tô đậm, bên trong những đề tài xây dựng được trát hồng. Sự thay đổi nầy tuy vậy vẫn không xóa được tính chất thù hằn trong văn chương ở hai vùng trong và ngoài nước…

oOo

Cũng nên nhắc lại rằng trong hai giai đoạn đầu của VHQN thì các hệ thống khác của văn học Việt Nam như truyền khẩu, Hán, Nôm vẫn hiện diện, mặc dầu mờ nhạt khói sương hơn thời kỳ chưa có chữ quốc ngữ. Ở những giai đoạn sau, các loại hình văn học Hán, Nôm chết khô dần như những dòng suối cạn nguồn mùa nắng, chẳng còn âm hưởng gì ngoài sự mua vui nho nhỏ của vài ba người trong các văn đàn khép kín, hoài vọng về một dĩ vãng không thể nào có lại được. Văn chương truyền khẩu cũng vậy ở các giai đoạn sau của VHQN không còn được coi trọng nữa vì hình thức văn tự đã được coi là ổn định, chuyện in ấn đã dễ dàng, chỉ còn lại như những hình thức biếm nhẽ, chống đối, khinh mạn.. người ta kể nhau nghe để làm trò cười trong vài ba người bạn, không ảnh hưởng đến ai… Hát hò cũng mất dần theo hình thái sinh hoạt mới của thời đại và những ảnh hưởng bất lợi của cuộc chiến vô lý triền miên, chỉ còn lại trong ký ức và tâm tưởng của những người lớn tuổi may mắn nghe được vài câu trong thời kỳ tàn tạ của loại hình văn học đặc biệt nầy.

VHQN đã trưởng thành quá mau, trong vòng một thế kỷ mà từ không thành có. Từ có thành một bản sắc riêng của cả dân tộc. Tiếc rằng ở nửa thế kỷ sau, về mặt viết lách, quá nhiều chất xám của dân tộc tiêu phí vô ích cho những mục tiêu chánh trị vốn không có bao nhiêu giá trị đối với đường dài của lịch sử, đó là chưa kể những bài viết đáng lẽ có đã không có được vì người viết không thể cầm bút hay bị bức tử. Đáng lẽ sinh ra và lớn lên trong lúc chiến tranh bao trùm đất nước nhà văn phải cho ra đời được những tác phẩm dính dáng đến chiến tranh mà đi vào lòng người như của Đỗ Phủ, Cao Bá Quát, Victor Hugo, Gogol, A. Tolstoy …. đằng nầy ta chỉ có quá nhiều những tiếng cãi cọ chửi bới chắc chắn không vui lòng gì đó những thế hệ con cháu mai sau…

Nguyễn Văn Sâm

(1) Một nghị định năm 1896 công nhận chữ quốc ngữ mới và dùng trong một số trường hợp trong thơ từ công chứng, năm 1903 bắt buộc có bài thi Pháp văn trong tất cả các kỳ thi của Triều đình Huế.

(2) Xem Hồ Ngọc Cẩn- Văn chương An Nam, HồngKong, Imp. de la Missions-Étrangères, 1933, trang 167-172

(3) Chẳng hạn một trăm năm trước ông Trương Minh Ký có một đề nghị nhỏ, có vẽ hợp lý và tiết kiệm được thì giờ trong việc viết in là không đánh dấu sắc trên các chữ đã đọc đúng âm mà không cần dấu, nghĩa là chữ của các vần at, ăt, ât, et, êt, ot, ôt, ơt, uc, ưc, ut, ưt…. chẳng hạn như hát, thác, cốt.. thì chỉ cần viết hat, thac, côt …là đủ. Trương Minh Ký đã thực hành trong các bài viết của mình, nhưng cho đến nay vấn đề cũng đâu vào đó, không nhúc nhích gì.

(4) Giai đoạn nầy các tuồng hát bội Nôm xuất hiện thật nhiều, nhiều đến nỗi ta có thể gọi văn Nôm giai đoạn nầy là giai đoạn của tuồng.

(5) Lời nói với bổn đạo, trong Thông Loại Khóa Trình,

(6) Đọc tác phẩm của Phan Chu Trinh ta thấy nhiều bài thơ của ông ở cả hai dạng quốc ngữ và nôm . Tuy nhiên phần quốc ngữ thì ít hơn phần nôm nhiều.

(7) Phạm Thế Ngũ, VNVHS, GUTB, quyển 3, trang 78.

(8) Nhứt nhựt…. Ước ao ngày một khỏi ưu phiền, Trọn bữa thanh nhàn giã thể tiên. Trần lụy vẫn rằng miền thế tục. Phong quang đưọc gọi cảnh thiên nhiên; Non cao chí cả ai là thú. Cõi tỉnh lòng trung bậc tợ hiền; Cái khúc nghê thường nghe khéo rộn, Lời ông Phương Sóc đáng nên khen.

Thường Bả…Thường gìn mối đạo dốc tay dương, Bả-chả đâu hề trễ tánh gương. Nhứt chí từng thơm danh bắc quyết, Tâm tình trải rạng tiếng Đông Dương. Chuyên vòng nghĩa lý noi long mực, Hành sự văn từ dãi dấu hương. Chánh ý bày hay, mong đổi tục, Đạo hằng giữ trọn ít ai thương.

(9) Về trường hợp Tôn Thọ Tường, ta có nhiều lý do để tin rằng ông viết bằng quốc ngữ. Tài liệu còn lại ca tụng rằng ông học chữ quốc ngữ rất mau sau khi đã nổi danh hay chữ trong hệ thống Hán, Nôm. Bài truyền thị của ông khi làm Đốc Phủ Sứ ở quận Vũng Liêm, còn in lại trong tập san Thông Loại Khóa Trình, tháng 6 1889, trang 12-13 chắc chắn nguyên bản phải là quốc ngữ vì những lý do chínhtrị. Trích:

Ra lời truyền tỏ với nhân dân,Làm người phải biết giả chơn.Chớ khá nghe lời huyển hoặc. Xưa sáu tỉnh súng đồng giáo sắt. Binh lương tiền túc chứa chan. Ô le tàu hải rỡ ràng. Thành tỉnh pháo đài nghiêm nhặt….

(10) Bút tích bài thơ nầy do bà Sương Nguyẹt Anh viết tặng thi sĩ Tô Ngọc Đường khi bà lên chơi núi Bà Đen ở Tây Ninh vào đầu thế kỷ 20. Tài liệu nầy lần đầu tiên đăng trong Văn Hoá Nguyệt San trước 1975, sau được trích lại trong Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa và Nay.

(11) Nên nhớ rằng đó là năm đăng trên TLKT, năm sáng tác chắc còn trước đó nhiều.


Tiểu sử Nguyễn Văn Sâm
Nguyễn Văn Sâm sanh tại Sài gòn, 1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài gòn) và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hoà Hảo, Cần Thơ.Sang Mỹ từ năm 1979, vẫn sống bằng nghề dạy học. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Đã in:

  • Văn Học Nam Hà (1971, 1973)
  • Văn Chương Tranh Ðấu Miền Nam (1969)
  • Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp (1972)

Qua Mỹ viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương. Ðã in ở Mỹ:

  • Câu Hò Vân Tiên (1985)
  • Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987)
  • Khói Sóng Trên Sông (2000)

Gần đây, trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu:

  • Tam Quốc Diễn Nghĩa
  • Lôi Phong Tháp
  • Sơn Hậu Diễn Truyện
  • Trương Ngáo
  • v.v…

Thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Giáo sư Viện Việt Học, California, Hoa Kỳ.
Cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ.

Bình Nguyên Lộc, Một Nhân Sĩ Trong Làng Văn, Võ Phiến


nguongocmalai-binhnguyenloc_76443117857128566-binhNguyenLoc-400index

Võ Phiến

Năm 1969, tạp chí Khởi hành (ở Sài Gòn, số24, ra ngày 9-10-1969) hỏi Bình-nguyên Lộc: “Ông đang viết cuốn truyện thứ bao nhiêu của ông?” Bình-nguyên Lộc đáp: “Tôi đang viết truyện thứ nhứt”.

Cuốn truyện thứ nhứt của Bình-nguyên Lộc, ông khởi thảo từ năm 1935, năm ông hăm mốt tuổi. Tức cuốn Hương gió Đồng Nai. Bản thảo thất lạc trong thời chiến tranh, trong những cuộc tản cư hối hả. Mấy chục năm sau, ông vừa thử viết lại vừa cố gắng tìm bản thảo xưa; ông rao tìm trên mặt báo, kêu gọi sự giúp đỡ của người hảo tâm tứ xứ. Cho tới khi qua đời ở Mỹ năm 1987, tức 52 năm sau, tác phẩm nọ vẫn chưa tìm lại được, vẫn chưa viết lại xong. Đồng Nai là một mối bận tâm suốt đời của Bình-nguyên Lộc. Dòng họ ông vẫn giữ được bản gia phả mười đời. Sinh sống ở đất Tân Uyên, một làng bên con sông Đồng Nai. Mười đời kể đến 1965 (lúc ông trả lời cuộc phỏng vấn của Ngu Í) thì đến đời cháu ông hiện nay đã thành ra mười hai đời, tức độ ba trăm năm; vậy tổ tiên ông thuộc lớp những di dân đầu tiên vào Nam lập nghiệp.

fe9b1363699fe7fa11cf69778e397c54

Đồng Nai là bận tâm của một dòng họ. Phù sa là bận tâm của cả miền Nam. Phù sa, tác phẩm thứ hai trong đời Bình-nguyên Lộc, khởi thảo năm 1942, nhằm vào công trình mở mang bờ cõi về phương nam, cho đến mãi tận mũi Cà Mau. Tác phẩm ấy, đến ngày cuối cùng của ông, 45 năm sau, viết đi viết lại mãi vẫn chưa xong.

Chúng ta vừa nói đến hai mối bận tâm, mối bận tâm thứ ba của Bình-nguyên Lộc bao trùm cả dân tộc. Cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam được xuất bản năm 1971, năm sau đã xuất hiện ngay cuốn Lột trần Việt ngữ. Cả hai đều là sách đồ sộ, đòi hỏi lắm công phu, không biết khởi thảo từ lúc nào, và công cuộc tìm tòi sưu khảo bắt đầu từ bao giờ. Dù sao phải là một thời gian đáng kể; ông từng than với Viên Linh trong cuộc phỏng vấn ở số báo Khởi hành nói trên : “Về ngôn ngữ học thì thật là bể đầu, vì tôi tự học, chớ không có vào trường ngôn ngữ nào hết, mà phải học ngót một trăm ngôn ngữ thì rất khổ”. Biến cố tháng 5-1975 làm cho công trình bị ngưng lại, dở dang. Năm 1985, sang đến Mỹ ông nghĩ ngay đến việc tiếp tục. Trong lá thư gửi chúng tôi viết ngày 16-1-1986, ông cho biết : “Số là quyển Nguồn gốc Mã Lai của tôi tuy đã dày 950 trang, nhưng thật ra thì chỉ là tome I mà thôi. Tome II quan trọng hơn, tôi đã viết xong tại Sài Gòn, nhưng mang bản thảo theo không đọc, thành thử giờ phải viết lại, mà viết thuộc lòng vì tài liệu cũng không mang theo được (…). Số là trong tome I tôi chỉ mới chứng minh bằng việc đo sọ và bằng trích các cổ thư. Tome II là sách đối chiếu ngôn ngữ, trong đó có nhiều khám phá mới lạ về ngôn ngữ học, mà Âu Mỹ đã làm nhưng không xong.” Đầu năm sau, ông qua đời: lại một bận tâm dày lâu nữa chưa toại nguyện.

Một chủ đề khác cũng được Bình-nguyên Lộc trân trọng. Xem qua các tác phẩm đã xuất bản của ông, người để ý có loại được ông dành cho một sự đãi ngộ đặc biệt. Như cuốn Những bước lang thang trê nhè phố của gã Bình-Nguyên Lộc, cuốn Thầm lặng. “Lang thang trên hè phố” là hè phố Sài Gòn đấy thôi: nơi ông đã sống hẳn từ 1949 về sau, tức 36 năm, những năm trưởng thành, sung sức, nơi ông đã trải qua gần như suốt cuộc đời hoạt động văn nghệ của mình.

Sách thuộc loại này – như ông nghĩ – không dính dáng đến chuyện thương mãi: trên đời hẳn không mấy ai đọc nó, mua nó. Sách loại này kẻ viết viết vì mình, in cho mình : thật ít, bìa không hề có màu sắc lòe loẹt. Cuốn Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc in đúng 658 bản trên giấy đặc biệt chế tạo tại làng Vĩnh Cửu, không có bản nào in trên giấy thường, và cam đoan sẽ không bao giờ tái bản ! Sau cuốn “Lang thang”, cuốn Thầm lặng cũng được tác giả liệt cùng loại: sách bìa đen trắng, “bán không ồ ạt”. Năm sau nữa, có lời rao mời độc giả đón đọc cuốn Thu hẹp thiên nhiên, “sẽ chỉ in có 569 quyển và không bao giờ tái bản”; nhưng cuốn này rồi không thấy xuất hiện trên thị trường, chẳng hay có phải vì lý do bán chác thiếu ồ ạt quá đáng mà dự định đành gác bỏ chăng?

“Những bước lang thang” thực ra thuộc một thiên phóng sự dài, tên là thám hiểm đô thành. Trong “những bước lang thang” ấy, Bình-nguyên Lộc ca ngợi “những hàng me Sài Gòn”, những ghe thuyền, những “quà đêm trên sông ông Lãnh” v.v…, với những bài viết từ năm 1952. Trong Thầm lặng bài nói về “Người chuột cống” kiếm ăn trong những ống cống dưới lòng thành phố đã đăng báo từ 1950. Vậy Sài Gòn cũng là một ấp ủ trong lòng tác giả qua nhiều thập kỷ.

Nhớ quê là một ấp ủ khác nữa. Nhà Văn Nghệ ở California tái bản cuốn Cuống rún chưa lìa năm 1987 với lời nói đầu (tôi nghĩ là do chính tác giả soạn thảo), cho biết về đề tài này Bình-nguyên Lộc từng viết tới 17 thiên truyện ngắn. Nhớ quê, chữ “quê” nên hiểu rộng : đối với kẻ đi làm ăn xứ xa, thì làng cũ tỉnh cũ là quê; đối với dân ruộng đi Cần Thơ, đi Sài Gòn, sinh sống, thì nông thôn là quê, đối với Việt Kiều theo chồng sang Pháp, sang Mỹ ở, thì nước Việt Nam là quê, đối với dân thương hồ lênh đênh trên sông nước rập rờn, thì mặt đất liền là quê v.v…Quê thì vui, thì quí, thì thương không biết để đâu cho hết, thì nhớ da diết không nguôi được. Lửa reo trong bếp thì vui, nước mưa tràn đồng thì vui; xa đất thấy thèm mùi đất; xa xứ bắt được mùi nước mắm, mùi hương hành kho cá thì … xao xuyến cả tâm tình v.v…Tôi có cảm tưởng những câu chuyện như thế, trong một đời, từ năm nọ sang năm kia, ông Bình-nguyên Lộc không chỉ đem ra viết có mười bảy cái truyện nhỏ đâu. E hơn thế. Có dịp kiểm điểm kỹ, e còn gặp thêm nhiều.

Trong đời Bình-nguyên Lộc còn có một bận tâm khác nữa. Ông không hề cố ý ấp ủ nó, tự nó đến với ông, dày vò ông. Đó là chứng bịnh thần kinh, được phát hiện vào nam 1944. Năm sau, ông khỏi bịnh. Nhưng vào khoảng thời gian từ 1950 đến 1964, ông bỗng trở nên khó tính, bực tức khác thường, khiến cuộc sống gia đình lắm lúc rất khó khăn. Sự kiện này ám ảnh ông. Trong nhiều năm ông suy nghĩ, tìm hiểu về bịnh thần kinh. Người trưởng nam của ông – bác sĩ Tô Dương Hiệp – chuyên về chứng bịnh này và đã từng là giám đốc một dưỡng trí viện. Hai cha con cùng nhau thực hiện một công trình biên khảo mang tên Khinh tâm bệnh và sáng tác văn nghệ. Sách chưa xuất bản thì bác sĩ Tô Dương Hiệp qua đời. Riêng ông, Bình-nguyên Lộc từng có nhiều truyện về bệnh tâm trí.

Vào khoảng đầu thập niên 70, Nguyễn Nam Anh của tạp chí Văn ở Sài Gòn có hỏi Bình-nguyên Lộc trong một cuộc phỏng vấn về tác phẩm ưng ý nhất của ông, Bình-nguyên Lộc cho biết, trong tất cả những gì đã viết, ông thích nhất ba cuốn : Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc, Cuống rún chưa lìa và Tỳ vết tâm linh. Tại chủ quan tôi thấy nó hay. Nhưng người khác chưa chắc đã thấy như tôi. Tỳ vết tâm linh là cuốn truyện dày về một thiếu nữ bị bệnh tâm trí. Cùng một chủ đề tâm trí, ông còn nhiều truyện ngắn. Cái cảm tình “chủ quan” của ông đối với cuốn truyện dày kia có chỗ thương tâm.

Chúng ta chắc chắn là chưa kiểm điểm dược mọi nỗi niềm tâm sự của Bình-nguyên Lộc : đời có ai thấu hết được lòng ai. Tưởng không nên tham lam quá.

*

Bình-nguyên Lộc trước viết báo, rồi sau làm báo luôn. Vừa viết văn vừa làm báo là một đời quá bận rộn, mà sự thiệt thòi thường khi thuộc về phía nhà văn. Người ta vẫn có cảm tưởng rằng cái văn cái truyện viết đăng báo, viết trong hối hả, e chẳng qua là món tiêu khiển, hời hợt. Báo chí liên hệ với thời sự, không phải thứ để đời.

Ở Bình-nguyên Lộc – như đã thấy – không phải thế. Cái ông viết ra hàng ngày trên báo mà là cái tiêu khiển ư?- Là tấm lòng ông đấy. Là những thiết tha một đời của ông đấy. Là những gì vẫn theo đuổi ông từ năm nọ đến năm kia không buông tha đấy.

Bình-nguyên Lộc là một tác giả nghiêm chỉnh. Ông được kính trọng.

Năm 1974, trên tại chí Thời tập (ở Sài Gòn, số ra ngày 10-10-74) Sơn Nam có nói về việc ông mua một cuốn sách cũ của Bình-nguyên Lộc: cuốn Nhốt gió. “Quyển này in 3.000, gần một phần tư thế kỷ rồi, chắc là đã hao mòn, mất mát, người chơi sách họa chăng còn giữ ở Sài Gòn này chừng mười quyển là nhiều. Chúng tôi may mắn có một quyển, mua cách đây bốn năm ở hiệu bán sách cũ với giá đặc biệt của loại sách cổ sách quí. Năm 1950, sách ghi bán 18đ00. Chúng tôi mua lại 600đ.00 với cái bìa đã nát. Mua để làm gì? Mến mộ Bình-nguyên Lộc là một lẽ…”

Mến mộ Bình-nguyên Lộc không phải chỉ những người cùng xứ, tuổi đáng đàn em, như Sơn Nam. Trong số quen biết bạn bè, giao du về văn nghệ với Bình-nguyên Lộc từ lâu có Xuân Diệu, Huy Cận, Đỗ Đức Thu, Mặc Đỗ, Nguyễn Văn Bỗng…, kẻ Bắc người Trung, trong thời tao loạn có kẻ đứng về bên kia chiến tuyến. Sau tháng 5-1975, Xuân Diệu đến thăm Bình-nguyên Lộc hai lần lại nhà; Nguyễn Văn Bỗng cũng còn đi lại.

Anh chị em cần bút trong Nam thì chắc là số người thân với ông tất phải nhiều hơn, nhưng tôi không thấy cần dông dài. Chỉ xin chú ý đến những nhà văn các miền ngoài, nhất là ngoài Bắc. Ở đó, cái biết về các hoạt động văn học trên phần đất Nam Kỳ cũ rất là sơ sài. Theo sự phác giác của Nguyễn Văn Trung gần đây, bộ môn tiểu thuyết xuất hiện ở trong nam sớm hơn ngoài Bắc chừng ba, bốn chục năm. Vũ Ngọc Phan không hề biết; ông nói về Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn…như những người đi tiên phong, mà không kể đến những Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắc, Trương Duy Toản, Trần Chánh Chiếu v.v.. Sau lớp tiên phong, đến lớp nhà văn tiền chiến các cây bút trong Nam cũng không được chú ý bao nhiêu. Trong bộ Nhà văn hiện đại có 79 tác giả, gốc Nam Kỳ cũ được 4 người. (Ở hai quyển 4 và 5, nói về các bộ môn sáng tác, thì không có người Nam nào). Trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân có 46 tác giả, người Nam chỉ được một cặp ông bà Song Hồ. Sau1945, miền Bắc chỉ quan tâm đến những cây bút đã gia nhập vào hàng ngũ chính trị của họ. Thành thử sự kết giao của các tên tuổi Bắc Trung vừa kể với Bình-nguyên Lộc là trường hợp hiếm.

Ngoài ra, Bình-nguyên Lộc còn được Nhất Linh chọn mời cộng tác vào tờ tạp chí ông chủ trươg ở Sài Gòn sau Genève. Năm 1952, mới từ Hương Cảng về Sài Gòn, Nhất Linh đã nhắn Bình-nguyên Lộc đến gặp mình tại nhà trọ bấy giờ ở đường Lê Văn Duyệt (Phỏng vấn của lê Phương Chi, Tin sách số 32, tháng 2-1965).

Một thắc mắc có thể được nêu ra : Liệu có thể bảo rằng những mối giao hữu, những sự chọn lựa nọ đối với Bình-nguyên Lộc là căn cứ trên các ưu tư làm cơ sở cho văn nghiệp một tác giả nghiêm chỉnh không ? Có phải ai tiếp xúc với Bình-nguyên Lộc cũng để ý đến các hoài bảo âm thầm của ông, và quí trọng nó?

– Không phải chúng ta vừa khám phá ra điều bí ẩn nào bất ngờ nơi Bình-nguyên Lộc đâu! Trước chúng ta mấy chục năm, các phỏng vấn viên Ngu Í, Nguyễn Nam Anh, Viên Linh, vị nào đến với Bình-nguyên Lộc đều biết, đều có đề cập xa gần đến tác phẩm đầu tiên luôn ám ảnh ông. Tất nhiên họ không biết hết mọi hoài bảo của Bình-nguyên Lộc. Thì cũng như chúng ta!

– Nhưng những hoài bão cao quí có làm nên giá trị một tác giả hay một tác phẩm văn chương chăng?

– Đó là một nghi vấn lợi hại. Trăm năm trước Oscar Wilde đã nói chăc nịch : “There is no such thing as a moral or an immoral book. Books are well written, or badly written.” Sách chỉ có sách hay với sách dở thôi, cần gì biết tới chuyện cao quí với không cao quí ? Nhưng chúng ta sống trong một truyền thống văn hóa khác. Ở ta, đến như cụ Nguyễn Du mà vẫn từng điêu đứng một thời vì cái giá trị đạo lý của cuốn Kiều, huống chi những phận hèn như chúng ta. Mặc dù chúng ta đã xa thời Nguyễn Du, dù các quan niệm văn học Tây phương đã phổ biến rộng rãi, nhưng phải nhận rằng ảnh hưởng của truyền thống vẫn còn : Đối với sách, ngoài chuyện sách hay sách dở ở ta vẫn lắm kẻ lưu tâm đến sách tốt sách xấu; và đối với người (tác giả) ta vẫn quí chuộng những kẻ kiêm đủ tài và … đức, những kẻ có lòng. Dĩ nhiên chỉ quí chuộng khi sách tất không đến nỗi dở, kẻ có đức không đến nỗi bất tài.

Nhưng chuyện hay dở rồi sẽ bàn sau.

*

Người ta để ý thấy Nhất Linh mời Bình-nguyên Lộc cộng tác làm báo, nhưng Nhất Linh không đề cử Bình-nguyên Lộc vào Tự Lực văn đoàn, không đưa sách ông vào các nhà xuất bản Phượng Giang, Đời Nay, như đối với một số nhà văn khác lúc bấy giờ (Nhật Tiến, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam…). Tại sao vậy? Một cách đánh giá chăng? Chúng ta không có căn cứ đầy đủ để ức đoán. Hãy bằng lòng với một ghi nhận, một “để ý” vậy thôi.

Từ đó liên tưởng đến vài sự kiện khác.

Trở lại với Sơn Nam, xem cách Sơn Nam đọc sách Bình-nguyên Lộc. Ông mua cuốn Nhốt gió với cái giá đã gấp 33 lần nguyên giá, lý do thứ nhất là vì lòng mến mộ đối với tác giả (như ông đã nói). Lý do thứ hai là đối với tác phẩm: “là muốn có sẵn trong tủ một quyển sách có công dụng thiết thực. Công dụng gì? (…) Chúng tôi đọc Nhốt gió để tìm một vài phút lâng lâng (…) Thế nào là lâng lâng? (…) .Muốn thưởng thức Nhốt gió thì nên lật ra, đọc một vài hàng, hoặc vài chục hàng để rồi xếp lại. Hoặc bỏ vài chục trang, đọc một đoạn cho vui. Người đọc không phải cố gắng, chịu cực để theo dõi nhơn vật hoặc suy nghĩ gì cả. Xin giới thiệu vài đoạn (…). Cứ đọc Nhốt gió khi nào mình thấy thiếu thốn một chút hương vị quen thân. Sách chỉ dày có 200 trương, đọc lai rai chừng một tháng là hết, nhưng thỉnh thoảng đọc lại năm ba hàng, tình cờ, lại thấy vui và mới.

Nó giống như ca dao, những câu ca dao bằng văn xuôi.” (Thời tập, Sài Gòn, số đã dẫn.)

Vài đoạn Sơn Nam đem ra giới thiệu là một đoạn nói về cánh rừng dầu lông cao lỏng khỏng, lá khô rôm rốp dưới chân người, ong kêu vù vù như muôn ngàn người trò chuyện trên ngọn cây. Và đoạn nữa là về một anh chàng xa quê nhớ về làng quê, nhớ những buổi đầu đông gió bấc ở rừng về bay theo bầy tu hú, những chiều đầu mùa mưa gió nồm từ biển vào rũ dọc đường bầy bông lồng mứt trắng mịn như tơ trời…

Cả tháng trời, Sơn Nam đọc từng đoạn như thế, và ông lâng lâng. Thì ra ông có đọc truyện đâu! Tay cầm cuốn truyện, ông đọc ca dao!

Như thế, Sơn Nam quả là tay sành sõi. Ông Cao Huy Khanh, ông Nguyễn Văn Sâm đọc truyện của Bình-nguyên Lộc, và không mấy vừa lòng. Ông Cao kêu về cái “cá tính ưa thích sự phân tích lý luận bác tạp rộng về bề mặt nhưng thiếu chiều sâu”. Ông Nguyễn cũng bảo “Ông (Bình-nguyên Lộc) giải thích quá nhiều lần, nên người đọc dễ chán, người ta đọc tưởng mình đọc sách học hơn là đang thưởng thức một sáng tác phẩm.” (Tạp chí Văn học, Hoa Kỳ, số 18, tháng 7-1987). Hay vị gặp nhau ở cái chủ tâm giảng giải, thuyết phục, nơi Bình-nguyên Lộc.

Hai vị đã bắt đúng một trong vài chỗ nhược của Bình-nguyên Lộc. Một chỗ nữa là cốt truyện. Lấy kinh nghiệm sáng tác của mình, ông khuyên các bạn trẻ đừng nghe lời một số các nhà phê bình mà nghĩ rằng cốt truyện hay thì làm mất giá trị của truyện. (Thời tập, Sài Gòn, số đã dẫn). Có nhà phê bình nào bảo vậy không? Dù sao Bình-nguyên Lộc là một tác giả tốt bụng, ông chuộng loại truyện hay vì truyện (dĩ nhiên cũng hay luôn về các phương diện khác). Truyện nhiều tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn, đọc vẫn thích; ông tử tế với độc giả, ông muốn độc giả hưởng nhiều khoái trá.

Rốt cuộc ông lâm lụy vào hai cái ấy: truyện rộn ràng tình tiết và nặng giảng giải

Về cái giảng giải khỏi cần dông dài: một sự kêu trời rập ràng của hai vị Cao – Nguyễn vừa rồi đã đủ. Giảng làm chi chữ hả? Tiểu thuyết gia nào có phải là thầy cô của ai đâu, độc giả tìm đến cuốn truyện nào có ý học hỏi gì đâu mà tự dưng hạ người ta xuống phận học trò cho người ta í ới thảm thương!

Còn về tình tiết rộn ràng, có thể chọn một thí dụ nơi cuốn Đò dọc mà ông cao Huy Khanh cho là “sự thành công duy nhất và quá hiếm hoi” của Bình-nguyên Lộc. Bốn chị em Hương, Hồng, Hoa, Quá đều chưa chồng, các cô đã quá muộn, cha mẹ đã lấy làm lo. Lại gặp cảnh rời Sài Gòn về tỉnh nhỏ, cha mẹ càng lo thêm. Chợt có tai nạn xe xảy đến ngay trước nhà. Trong một đêm, cả bốn chị em nối đuôi trò chuyện với nạn nhân, là anh Long. Rồi bốn chị em cùng yêu. Rồi hai chị em nối nhau tự tử vì tình. Rồi ba chị em lại xúm nhau lấy chồng. Sự việc sao mà dồn dập, mà rụp rụp, ngoạn mục quá chừng. Cũng ngoạn mục như chuyện yêu đương có dây gai thắt gút, có đèn pin bỏ túi của một chàng trai Sài Gòn, trong Tỳ vết tâm linh. Lại cũng ngoạn mục như chuyện anh chàng Bùi An Khương trong truyện “Thèm người” bị thất tình, đi trả thù tình, vào rừng, bị con khỉ cái bắt, cặp nách nhảy vùn vụt nên các ngọn cây, đêm đêm trói chàng lên cành cây, ban ngày hái trái ngậm đầy mồm đem về nuôi chàng, nuôi để mà … hiếp. Chàng trai sống riết với khỉ đến gần mất hình người.

Chúng ta có cảm tưởng ông Bình-nguyên Lộc có hảo ý muốn làm vui người đọc. Hảo ý không thuộc về nghệ thuật.

*

Giảng giải là một quan tâm về ý nghĩa, cốt truyện ly kỳ là mối quan tâm gây thích thú. Ý nghĩa nếu cao xa, diễn biến nếu ngoạn mục, xem qua biết rồi cũng sẽ mất lý do thu hút. Trong khi đó vài câu bâng quơ, chẳng hạn:

“Ai về Giồng Dứa qua truông

Gió run bông sậy để buồn cho em”’

lại có thể hát đi hát lại hoài vẫn còn sức kích động. Ông Sơn-Nam bỏ qua các khoản kia, nhảy vọt qua từng đoạn sách, chọn dọc những câu “ca dao” trong truyện Bình-nguyên Lộc, cho nên sách cũ một phần tư thế kỷ vẫn thấy hay.

Cái nhược kia với cái ưu này cùng của ông Bình-nguyên Lộc cả. Và đều do những bận tâm ấp ủ một đời của ông cả. Điều ấp ủ mà nóng lòng đem ra phân giải quá lộ liễu thành hỏng. Nỗi lòng ấp ủ mà tiềm ẩn tận cõi sâu trong tâm hồn hoặc kín đáo bộc lộ, hoặc bất thần xuất hiện không chủ tâm lại gây xúc động, lại làm nên giá trị nghệ thuật.

Cảnh rừng dầu lông ong kêu vù vù (“Thèm người”) cảnh những chiếc ghe thương hồ đậu kinh Tàu Hủ, những chiếc ghe từ các miền Ba Thắc, Đồng Nai… lên, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ (…), những chiếc ghe khẳm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lõng vào thành phố (“Sông ông Lãnh”); cảnh mùa mưa nước dâng ngoài đồng, đom đóm đậu nghẹt lá cây, chớp nháy buồn thê thiết, cảnh hai ba giờ khuya thức giấc, cất tiếng hú chị em bạn vầy đoàn chín chị mười chị cùng đi chợ vui không quên nổi (“Con Tám cù lần”); chuyện những ngôi cổ mộ, hoặc của một ông sư hoặc của một ông tướng, phu phen ty Lộ chính đô thành quật lên nay ở góc đường này mai góc đường kia, những mả cũ bên đường một đô thị nhộn nhịp gợi bao nhiêu ngậm ngùi (“Hui nhị tì II”) v.v…, bấy nhiêu chuyện nọ cảnh kia rải rác khắp tác phẩm Bình-nguyên Lộc. Lại còn như câu chuyện người các tỉnh lên Sài Gòn làm ăn, buổi sáng ngồi ở bến ông Lãnh uống tách cà-phê, trông ra những chiếc ghe thương hồ trên sông mà:

“Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê

Rưng rưng nước mắt tư bề người dưng”

lại nghĩ quẩn :

“Ghe ơi, vài bữa ghe về

Nhắn người dưới ruộng cô Quì còn không?”

Ghe đi ghe lại về, người xa xứ thì mòn mỏi tháng năm trên các nẻo đường đô thành, tư bề người dưng ! Những cái ấy cũng làm ông Sơn Nam lâng lâng sầu được chứ! Những cái ấy, chúng là những “ca dao” lốm đốm trong truyện, trong thơ, trong bút ký, trong mọi môn loại sáng tác của Bình-nguyên Lộc. Chúng là cái dấu ấn phân biệt thứ văn chương đăng báo, văn chương nhật trình của Bình-nguyên Lộc với văn nhật trình của bao kẻ khác.

Những đóm “ca dao” ấy đã kết tinh từ cái thiết tha đối với quê hương, nguồn gốc, đất đai, cái thiết tha từng ôm ấp các công trình Phù sa, Đồng Nai, Mã Lai v.v…trong mấy thập kỷ. Cái ưu này kết hợp với cái khuyết kia kết quả thế nào? Nên cân nhắc bên nặng bên nhẹ ra sao cho phải ? Chắc chắn Bình-nguyên Lộc không có ý cãi cọ với ai, nhưng có lần cùng Nguyễn Nam Anh nói chuyện, trước 1975 (bài phỏng vấn được đăng lại trên tạp chí Văn học, Hoa Kỳ, số 18 năm 1987) ông đã xác quyết, cũng chắc nịch như Oscar Wilde: “Giữa tài với đức, đức phải hơn. Tôi không phải là một nhà đạo đức chút xíu nào hết, nhưng tôi vẫn trọng đức của người khác, đánh giá họ bằng đức chứ không bằng tài, mặc dầu tôi vẫn quý trọng tài của họ lắm.”

Bình-nguyên Lộc không chịu nhận lấy cho mình chút xíu đạo đức nào, nhưng tấm lòng của ông chắc chắn là yếu tố đáng kể trong sự quý trọng của người đời. Người ta quý trọng ông như quý trọng một nhân sĩ trong làng văn, cái lòng rộng lớn cả cõi Nam Kỳ cũ.

Võ Phiến

Thế-giới nhân-bản của Nhật Tiến, Bài của Nguyễn Vy Khanh


rr

(Chân dung Nhà Văn Nhật Tiến)
 

Nguyễn Vy Khanh

Thế giới tiểu thuyết của Nhật Tiến (sanh năm 1936) có hai đặc điểm chung: một thế giới của những con người bất hạnh và một không gian của nhân phẩm, con người! Tác giả của chúng là một con người đầy lòng nhân ái và ông muốn mọi người chia xẻ cái nhìn của ông! Trước 1975, ông đã xuất bản 19 tác phẩm gồm 11 tiểu thuyết hoặc truyện dài:

Những Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Thềm Hoang(1961), Mây Hoàng Hôn (1962), Chuyện Bé Phượng (1964), Vách Đá Cheo Leo (1965), Tay Ngọc (1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (1969), Đóa Hồng Gai, Lá Chúc Thư (1969), Quê Nhà Yêu Dấu (1970);

ba tập truyện ngắn: Ánh Sáng Công Viên (1963), Giọt Lệ Đen (1968) và Tặng Phẩm Của Dòng Sông;

một tiểu thuyết kịch: Người Kéo Màn (1962);

một tiểu thuyết dưới hình thức nhật ký: Chim Hót Trong Lồng (1966),

một hồi ký viết cho thiếu nhi: Thuở Mơ Làm Văn Sĩ

và ba truyện cho thiếu nhi mỗi truyện từ 30 đến 40 trang: Đường Lên Núi Thiên Mã, Quà Giáng Sinh(1970), Theo Gió Ngàn Bay (1970).

Giai đoạn đầu tác phẩm ông do các nhà Phượng Giang, Đời Nay và Ngày Nay của Tự-Lực văn-đoàn xuất bản, về sau do nhà xuất bản Huyền Trân của ông. Ông từng làm chủ bút tạp chí Thiếu Nhi. Rời Việt-Nam như là thuyền-nhân (boat-people) và sau khi định cư ở Hoa-Kỳ, ông là tác giả tập tường trình Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan (1981, viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy), truyện dài Mồ Hôi Của Đá (1988) và ba tập truyện Tiếng Kèn (1980), Một Thời Đang Qua (1985) và Cánh Cửa (1990).

Nhà văn của tuổi thơ bất hạnh

Nhật Tiến khởi đầu sự nghiệp viết văn với những đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện, một thế giới trầm lặng, có thể nhàm chán đơn điệu đối với những người ở ngoài, bên cạnh những bà Phước, nhưng qua ngòi bút của Nhật Tiến, người đọc khám phá con người, tâm lý, hoàn cảnh, nếp sống của những đứa trẻ mồ côi, những học sinh nội trú và cả những vị tu hành. Đó là Những Người Áo Trắng, Những Vì Sao Lạc, Tay Ngọc, Chuyện Bé Phượng, Chim Hót Trong Lồng,…

Những Người Áo Trắng là chuyện của Quỳnh, một nữ tu trẻ. Từ thân phận mồ côi, được thương giúp, Quỳnh đã trở nên nữ tu để thương lại những đứa trẻ cùng phần số hẩm hiu. Quỳnh đã đưa lên trang giấy thế giới đó. Thể loại bút ký đưa người đọc đến với những đứa trẻ, đến với một thế giới đằng sau bức tường kín cổng, ngoài kia là cuộc đời, là sự sống; trong nầy là một sức sống khác, sức sống tinh thần. Con đường đưa Quỳnh đến với đời sống tu hành đã phải qua nhiều chặng đường. Nàng đã nhìn thấy những đứa bạn chỉ vì muốn thoát ly đã phải chết như Hoà, chịu nghiệt ngã như Liễu. Đã theo đường tu hành, nhưng tim nàng đã có lúc xúc cảm mạnh vì tình yêu dù đơn phương với một sinh viên đeo kính gặp ở vườn hoa – tình yêu ở Nhật Tiến nói chung có thể mãnh liệt trong lòng nhân vật chứ tác giả không chi tiết dài dòng! Và khi đã tận hiến cuộc đời cho Chúa và những đứa trẻ cùng số phận, nàng cũng đã phải chịu sự đố kỵ đôi khi nghiệt ngả của một số đồng tu. Chỉ vì nàng thương trẻ, qua Phượng, qua Lucie, với một tình đồng cảm.

Những Vì Sao Lạc rọi ánh sáng từ nhân vào cuộc đời những đứa trẻ và thanh thiếu niên vì hoàn cảnh trở nên mồ côi, và cũng vì đó đã có những hành động xấu đối với xã hội bình thường. Chuyện của Khánh, mẹ chết vì bom đạn, bố tự tử vì thất vọng người vợ tục huyền, anh em đã phải sống nhờ cơm chùa, và khi muốn tự lập thì em bệnh nặng không tiền đi khám bác sĩ; đường cùng dẫn đến trộm tiền người quen để phải bị cái án “du thủ, du thực, ba tháng tù” (tr. 166). Khánh vào tù nhưng lòng nhẹ nhàng khi thấy em Mai tìm được tình thương nơi hai người bạn của Khánh. “Lòng tôi trở nên nhẹ nhàng và can đảm. Ba tháng tù sẽ rửa sạch cho tôi tội lỗi mà tôi phải trốn tránh. Tôi sẽ có cơ hội để làm lại cuộc đời. Mộng tưởng của tôi vẫn là mong muốn được dự phần vào guồng máy khổng lồ của xã hội. Mồ hôi của tôi sẽ đổi lấy những buổi chiều có gió mát dẫn em Mai đi chơi ở trên đường có hoa xoan tây rụng đỏ. Mai sẽ lớn lên như một con chim có linh hồn trong sáng…” (tr. 166). Trong tiểu thuyết này, tình người được đề cao, cao hơn những thói thường tình, như Khánh đối với dì Tự, biết dì ghẻ ngoại tình với người làm của bố, biết em Mai là hậu quả của ngoại tình – tức không phải con của bố Khánh, anh vẫn thương: “Trong cái tang đau đớn này, dì mất chồng cũng khốn khổ như tôi mất cha. Tôi thấy thương dì hơn là giận. (…). Sự cô đơn của người đàn bà góa và đứa con thơ ngây cho tôi nỗi xúc động . Tôi không thể ghét dì mà còn tràn ngập lòng thương. Tôi tin rằng nếu linh hồn ba tôi còn lẩn quẩn ở đây, chắc ông có cùng ý nghĩ như tôi” (tr. 90, 97).

Chuyện Bé Phượng (1964) là chuyện một xã hội thu nhỏ trong một viện mồ côi, những đứa trẻ mang tên Phượng, Alice, Dung, Cúc,… “Con bé Dung khôn ngoan gian giảo, biết nịnh các soeur khi cần nịnh, biết nhường nhịn lũ trẻ khi cần thiết phải nhường, những điều gì làm lợi và vui cho nó thì dù có phải tàn nhẫn để đánh đổi lấy, nó cũng không từ” (tr. 14). Cũng đạo đức giả, cũng ăn cướp cơm chim, cũng ích kỷ độc ác, v.v. như xã hội người lớn. Bé Cúc đóng vai ăn cắp vặt có “lý do”, có “quyền” vì nó chỉ lấy của người dư thừa: “Ừ tao ăn cắp thì đã làm sao, tao không lấy của của mày (Phương), tao lấy của chúng nó, chúng nó thiếu gì” (tr. 128). Phượng được các soeur thương, nhưng cô có tâm hồn, có suy nghĩ, lúc nào cũng nghĩ đến Chúa và sự cứu rỗi. Lớn hơn là các chị Quỳnh, Giang, Thu, Thanh… và những tranh chấp. Mẹ Félicité phải ra đi để rồi được Quỳnh viết thư xin mẹ trở về viện để dìu dắt lũ trẻ. “Bởi vậy con xin mẹ hãy nhân danh những sự cứu rỗi, vẫn thường là con đường của Chúa đã vạch ra, mà trở lại viện cô nhi hướng dẫn dìu dắt và bảo ban chúng con… Vì mẹ là kẻ sáng suốt, vì mẹ là kẻ đã thực sự nhìn vào cuộc sống khốn khổ của chúng con, thực sự thông cảm nỗi chua xót của những đứa mồ côi…” (tr. 199). Chuyện trẻ con, trẻ mồ côi, đời sống trong một viện mồ côi nhưng nhiều ý nghĩa có thể áp dụng cho cuộc đời!

Chim Hót Trong Lồng thêm một câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi và nội trú trường Nhà Trắng với các bà sơ, một đề tài quen thuộc với Nhật Tiến. Nhưng ở đây tác giả cho thấy con người là nạn nhân của nhau và sự vươn lên của những kẻ thấp hèn không dễ. 14 lá thư và những trang nhật ký của một cô bé tên Hạnh mẹ gửi nội trú trường các Soeur. Những lời lẽ ngây thơ chân chất của người con viết cho người mẹ, thật cảm động sự ngây thơ của cô bé khi nghe người khác kể lại mẹ làm nghề điếm: “Má làm nghề điếm phải không má. Chú con Hằng nói chuyện với nó thế. Con hỏi điếm là gì thì nó cũng không biết. Vì chú nó chỉ nói thế thôi. Có thật không má? Sở điếm của má có to không? Má làm chức gì trong ấy? Mà sở điếm thì buôn gì hở má?…” (1). Mẹ bệnh nặng phải nằm nhà thương, Hạnh về nhà bà Tuyết bạn mẹ cùng nghề, ngây thơ trách mẹ “Tại sao má bắt con ở chung với đồ đĩ như thế” (tr. 71). Mẹ chết, hết người để gửi thư, Hạnh viết nhật ký để “nói” với mẹ và cầu xin “Lạy Chúa. Xin Chúa hãy vì má, hãy vì nỗi lòng đớn đau và tinh khiết của má, mà đưa má về nơi thanh cao như lúc này con đang thành tâm tha thiết nguyện cầu cho má…” sau khi nghe lời sơ Félicité cắt nghĩa “Má có linh hồn. Linh hồn của má sẽ được tới gần chân Chúa” (tr. 98-99). Câu chuyện với nhiều cơn mưa dài, lạnh, lá rụng nhiều mà tiếng chuông như gọi hồn cũng nhiều; mưa và lạnh những lúc đi dạo Tết cũng như những buổi hiếm hoi được gặp mẹ và cuối cùng lúc đám tang mẹ!

Đến Tay Ngọc, ảnh hưởng Thiên Chúa giáo đậm đà hơn nữa. Qua những bức thư của Hạnh, một nữ sinh lưu trú gửi cho Mẹ Bề trên, trong đó nàng kể lại những sinh hoạt của viện mồ côi đồng thời ghi lại những suy nghĩ về tương lai và chứng tỏ một niềm tin mãnh liệt nơi đấng thiêng liêng: “Chúa chẳng để sự đe dọa nào có thể làm lung lạc đức tin ấy nơi Chúa. Rồi từ đó, nếu ai ai cũng giữ được lòng thánh thiện, mọi vết nhơ được xóa bỏ, mọi tội lỗi được dung tha, mọi điều khổ sở sẽ được hàn gắn, và nhân loại sẽ tạo được địa vị trong sáng ban đầu”. Lòng tin làm nền cho quan niệm sống và cư xử ở đời!

Mây Hoàng Hôn (xuất bản năm 1962 nhưng viết xong từ 1958) kể chuyện cuộc đời buồn nản của Đỗ, một nhà văn trẻ bị bệnh lao phổi, vào nằm điều trị ở một bệnh viện Thiên Chúa giáo, đem lòng yêu bà Tâm, một bà phước trẻ đẹp. Mối tình đơn sơ, tột đỉnh cũng chỉ là cảnh “Đỗ kéo hai bàn tay mềm mại của bà về phía ngực mình. – Tâm ơi… Tâm tha lỗi cho tôi” (tr. 78). Vì tình yêu như thế là tội lỗi, bà phước Tâm xin đổi đi nơi khác và chết trẻ, để lại tập nhật ký, bà Madeleine gửi cho Đỗ, chàng khóc đến hết nước mắt rồi tìm đến bên mộ bà “cúi xuống vuốt mãi tấm bia trắng để cảm thấy mình gần quá với những dòng chữ cuối cùng còn ghi lại di tích của con người bạc mệnh”. Một chuyện tình đẹp nhưng bất khả thi, Nhật Tiến kết thúc đơn giản thay vì lèo lái câu chuyện éo le theo thị hiếu.

Không khí tiểu thuyết của Nhật Tiến vừa kể luôn có bóng dáng các nữ tu và một số tín lý đạo Thiên Chúa nhưng thiển nghĩ mục đích của Nhật Tiến là phổ biến và đề cao lòng nhân ái, tình thương người, kêu gọi xóa bỏ ích kỷ trong mọi trường hợp, ngay cả khi yêu.

Nhật Tiến theo đạo Phật nhưng đã viết một phần ba tác phẩm về thế giới đạo Thiên Chúa một cách thuần đạo như Thụy An Hoàng Dân thời tiền chiến, trong khi nhà thơ Hàn Mặc Tử tuy có đạo nhưng thi ca ông chịu nhiều ảnh hưởng Phật và Lão.

Nhật Tiến đã đưa người đọc vào thế giới đạo đó từ trước khi di cư vào Nam. Mặt khác, thời văn học miền Nam này, nhiều nhà văn đã viết cho tuổi thiếu niên, ngoài Nhật Tiến còn có Nhã Ca, Duyên Anh,… nhưng ông khác hai nhà văn sau, tiểu thuyết của ông còn nhắm độc giả trưởng thành hơn, vì ông luôn nêu lên một vấn đề nào đó không thể không suy nghĩ và tìm giải pháp!

Nhà văn xã hội

Chiến tranh khiến cho người nghèo càng nghèo khó hơn, càng thêm trẻ bụi đời, mồ côi, Nhật Tiến ghi lại trong Giấc Ngủ Chập Chờn, Giọt Lệ Đen, Quê Nhà Yêu Dấu,… Nhân vật của Nhật Tiến rời mái ấm cô nhi, trường các dì phước, trở thành những người nghèo khó vật chất cũng như tinh thần. Thềm Hoang, giải văn chương toàn quốc 1962, viết về một thế giới người nghèo ở Xóm Cỏ, một xóm cận biên ở thủ đô Sài-Gòn mà cũng có thể ở một nơi khác. “Dạo ấy dân xóm Cỏ làm đủ mọi nghề của một tầng lớp thấp kém”(2). Nơi đó có đủ mọi hạng người, đĩ điếm, đạp xích lô, thông cầu tiêu, bán hàng rong, ăn xin, v.v… Một sống chung với những thói hư tật xấu, với lòng ngay và tình đùm bọc khi hoạn nạn. Một mối tình vô vọng nhưng chân thật của bác Tốn mù hát rong xin ăn với cô Huệ gái giang hồ: “Cô Huệ ơi… Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng / Tôi mua ô tô cho cô ngự, mua váy đầm cho cô thay”. Nhưng cô Huệ sẽ chết thảm, bác Tốn chung tình tự đứng ra lo cho đứa con lai có với lính Tây lê dương. U Tám cũng chết buồn thảm, mụ Nết thì trở thành điên cuồng vì con cháu. Những thằng Ích, cái Ngoan, cái Hòn,… lêu lỗng. Chuyện tình đơn sơ dễ tính của Hai Hào đạp xích lô với Đào con Phó Ngữ. Năm Trà qua Lào làm ăn trở về mất vợ mất con, mẹ điên, hắn lên cơn đốt nhà không ngờ cháy tan rụi cả xóm! Cơn mưa to ở cuối truyện phải chăng đã đến như hy vọng quét sạch những tàn tích của tội lỗi lẫn khó nghèo? Xóm Cỏ sống động dưới ngòi bút Nhật Tiến, tình người, nếp sống linh hoạt không ngừng biến cố, diễn tiến. Khi nói đến những vấn đề xã hội là đã ngầm chứa đòi hỏi công bằng, Nhật Tiến làm kẻ quan sát và ông tỏ ra có tài trong công việc này, cả rành tâm lý. Tả sự cô độc của bác Tốn mù, một lần bác ôm đàn ngồi ở bực cửa hát chờ cô Huệ đi ngang qua: “Bóng tối vây quanh như nỗi cô độc của bác trong sự mù lòa” (tr. 28). Lúc khác bác nghêu ngao hát cho mọi người nghe cười cho vui. “Tiếng cười của họ khiến bác nghĩ rằng mình không cô độc” (tr. 29). Tiếng cười của một nhân vật khác, dượng Tám, thời tán u Tám thì “tiếng cười lỗ mãng và ngay thẳng. Vì thế u tìm thấy ở dượng cái vẻ gì gọi là chất phác, đáng yêu” (tr. 33). Nhưng khi đã về với nhau thì chỉ có tiếng hét, la mắng, vòi tiền, lừa gạt! Cảnh lão Phó Ngữ gây với Đào, con gái lão, đã dám thất thân với Hai Hào đạp xích lô, rồi đến bàn chuyện đám cưới, cũng như những cảnh đú đởn tình từ của đôi nhân tình này, là những bức tranh thật linh động!

Tập Ánh Sáng Công Viên gồm 8 truyện ngắn viết về những mảnh đời, những chuyện tâm tình, những cảnh đời ngang trái (bị giam vì tình nghi chính trị, cảnh đòi nợ, cảnh gia đình êm ấm trong xóm nhỏ,…). Nói chung tác giả tỏ nhiều thiện chí, muốn con người lưu tâm đến những tệ nạn xã hội hoặc hậu quả của chiến tranh,… trong khi nhiều nhà văn đồng thời với ông chạy theo siêu hình hay những giải pháp không tưởng!

Giọt Lệ Đen tả một trong nhiều thảm cảnh của thời chiến. Hai anh em mồ côi, Tư Híp và thằng Út sống với nhau nên khi Tư Híp đi trình diện nhập ngũ thì đã phải đem thằng Út theo, may có Hiên làm nhà bếp thương anh em đã giúp giữ thằng Út trong khi Tư Híp phải đi hành quân xa. Một tình yêu nhẹ nhàng đến với anh em Tư Híp và kết không bi đát trong khi người đọc chờ đợi cái phải đến bi đát của chiến tranh. Tác giả kết thúc với hy vọng, đứa em leo lên ụ đất nhìn theo đoàn quân lên đường bụi mờ mịt! Một truyện ngắn khác, Kẻ Nổi Dậy là chuyện tâm lý, chuyện anh Ba Sinh, một anh chồng yếu đuối chỉ biết ăn bám vợ, nghi vợ làm điếm nuôi cả nhà mà không dám hỏi. Ra vẻ có ý chí, nhưng không đủ mạnh để thay đổi tình thế, ngay cả việc dạy dỗ đứa con duy nhất.

Nhật Tiến cũng viết về xã hội của giới văn nghệ sĩ, với Người Kéo Màn(1962) và ghi là “tiểu thuyết-kịch”. Nếu Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan đem triết lý vào kịch thì Nhật Tiến đem thế-giới tiểu thuyết vào kịch. Phải chăng Nhật Tiến có mục đích giáo dục, xã hội, do đó đã thử nghiệm thể loại này?

Không hẳn là một vở kịch để diễn viên trình bày, cũng không hẳn là một tiểu thuyết về thế-giới sân-khấu-về-khuya – cũng là thế-giới con người với đủ tài và tật, thích hào nhoáng, ít tác động, nhiều lý luận tư duy. Hạnh phúc ở đây thật mỏng manh. Người đọc và nhân vật được tác giả mời tham gia vào trò chơi, mà cũng không thể không tham gia. Nói đến sân khấu là nói đến đạo diễn, diễn viên, những thần tượng của một thế-giới.

Nhật Tiến đưa người đọc và cả người xem vào trong hậu trường, nơi đó mặt trái buồn nôn được phơi bày. “Tà áo của nàng hất tung lại phía đằng sau. Hắn thấy một vệt sáng chiếu vào khoảng mù mịt đang ngự trị trong lòng mình” (tr. 95). Tác giả vở kịch (không phải tác giả Nhật Tiến) thú nhận: “Cái đau đớn nhất của anh là anh không biết phải hành động thế nào cho hợp lý cả” (tr. 13). Không dám sống thực, do đó tự thấy là bịp bợm mà vẫn phải viết kịch,…” (tr. 13) để rồi đi đến chỗ cô độc đớn đau, người vợ đã không chung thủy. Những nhân vật lão kéo màn, người thiếu nữ trinh trắng, người nghệ sĩ thổi clarinette, đứa bé,… chỉ là những cái cớ cho người kéo màn – không hẳn là tác giả, Nhật Tiến, nói đến định mệnh. Các nhân vật đầy mâu thuẫn, cả tác giả Nhật Tiến, khiến có kịch tính! Màn đã kéo, những thần tượng gãy đổ, những sự thực đắng cay,… Nhật Tiến đi con đường ngược với Bertolt Brecht là người muốn diệt hấp lực của truyện kể ở kịch, chối bỏ sự thật, diễn viên diễn xuất và mời gọi người xem suy nghĩ về tấn kịch được trình bày thay vì để lịch sử thâu tóm hết!

Hướng về dân tộc và tương lai

Sau 1975, Nhật Tiến ngưng viết cho đến khi vượt biển thành công và đến Hoa-Kỳ năm 1980. Khi ở trại tị nạn Songkhla, ông đã bắt đầu viết lại (nhiều truyện sau in trong tập Tiếng Kèn) và đã đem những ưu tư, suy nghĩ vào văn chương. Ngòi bút của ông trở nên phẫn-nộ dù lòng thương và tình người vẫn mạnh ở ông.

Trước hết ông viết về số phận những thuyền nhân (boat people) mà ông vừa từng trãi qua, Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan, với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. Sau đó là các tập truyện ngắn Tiếng Kèn (1982), Một Thời Đang Qua (1985), truyện dài Mồ Hôi Của Đá (1988) và tập truyện Cánh Cửa (1990). Nhật Tiến phát biểu về vai trò người cầm bút ở thời điểm mới:

“Tôi vẫn hằng quan niệm rằng thiên chức của người cầm bút là phản ảnh được môi trường xã hội mà họ đang sống, và đấu tranh cho những nguyện vọng tha thiết nhất của con người trong xã hội ấy được thể hiện. Môi trường xã hội hiện nay của người cầm bút là tình cảnh lưu vong mà họ đang sống, là anh em, bạn bè, đồng bào còn đang rên xiết ở quê nhà và những đồng bào tị nạn đang lây lất ở các trại tạm trú…” (3)

Sau những cố gắng tố cáo tội ác hải tặc và chế độ mà nạn nhân hải tặc phải bỏ đi, ông đã đi đến nhận thức tình trạng mới không thể ôm hoài suy nghĩ đã mòn. Ông đưa những ý tưởng đó vào các tác phẩm mới. TậpTiếng Kèn (1982) là bức tranh sống động về cuộc đổi đời của miền Nam. Những đối xử dã man, không nhân tính với đồng loại. Tiếng Kèn của lão mù kiếm cơm, công an chìm của cộng sản cũng phải theo bắt và kết án là CIA. Khi được thả ra, lão sợ nên thổi bài “Như có bác Hồ…” liền bị dân trong xóm phản đói. Lão thổi bài “Việt Nam! Việt Nam nghe từ vào đời…” thì tiếng vỗ tay vang dậy, nhưng lão không nghe được gì nữa, “hồn gã bay bổng theo tiếng kèn (…). Gã đã đắm mình vào làn âm thanh bao phủ quanh gã, và thực sự đang nâng bổng tâm hồn của gã lên cao” (tr. 25).

Những nạn nhân khác là bà lão già còn phải lội rừng đến trại cải tạo thăm con nhưng kiệt lực ngay cổng trại chưa kịp thấy con. Là vợ một đại úy quân y nay chồng đi cải tạo, đói phải đi trộm khoai, may gặp được lão Qưới người bị mất trộm khoai nhưng may người này từng chịu ơn ông chồng bác sĩ cứu tử trước 1975 đã cho 50 chục; nhưng với số tiền này, bà nấu một nồi cháo thịt để cùng với năm con chết để “bầy con tội nghiệp của cháu khỏi phải trầm luân trong cái xã hội đầy cơ cực này” (Nồi Cháo Thịt). Trận Đánh Cuối Cùng Của Một Kẻ Sĩ là trận đánh về mặt văn hóa của Ba Sinh, người bị công an đến nhà tịch thu hơn ba ngàn cuốn sách trân quý lưu trữ. Tình cờ anh gặp lại sách của anh được bày bán “chui” do đường giây kiếm ăn – tịch thu rồi đem đi bán thay vì nộp theo chính sách.

Truyện trong tập nói đến bộ mặt thực xã hội: Chiếc Áo Tây Vàng về một xã hội bạo lực, sự sống sót là quan trọng bất kể phương tiện, cả việc đào mả, như người thiếu nữ đào mả lấy đồ bán chợ trời kiếm tiền nuôi hai đứa em, đã khai trước tòa:

“Xã hội của chúng ta là xã hội chủ nghĩa, chủ trương duy vật mà đả phá duy tâm. Chỉ những kẻ còn đầu óc duy tâm mới quan niệm rằng đào mả lên tức là xâm phạm đến linh hồn người chết. Tôi sống bằng lao động của chính tôi. Tôi không ăn bám một ai. Tôi chỉ lấy đi những đồ dùng chôn dưới mả là những thứ mà xã hội bỏ đi, đã phế thải. Hơn thế nữa, tôi lại dùng lợi tức ấy để nuôi các em tôi ăn học, tức là bằng lao động đó, tôi đã nuôi dưỡng những mầm non của đất nước. Vì thế, tôi là người hoàn toàn vô tội” (tr. 143).

Truyện Chuyến Tàu Ngày Cuối Năm diễn tả tâm trạng những người trẻ bắt đầu ý thức, phản ứng trước những đòi hỏi hy sinh cho nghĩa vụ hoặc lý tưởng láo khoét che đăy những mưu đồ bẩn xấu như đưa thanh niên sang làm “nghĩa vụ” bên lân bang Kampuchia. Hùng và một số bạn đã phải đào ngũ và chấp nhận cuộc sống lẩn tránh và hiểm nguy chết chóc, tù tội, nhân danh ước vọng tối thiểu làm người!

Trong tập truyện đầu tay xuất bản ở ngoài nước này, một mặt Nhật Tiến cho thấy đời sống cơ cực của người miền Nam sau 1975, ông vạch mặt thủ phạm là chiến tranh, bạo lực, là lòng thú giữa người đối với người, trong sự ghen tương giàu nghèo Nam Bắc càng lộ rõ khi tiếp xúc, người trong Nam không tin tưởng nơi đồng bào từ miền Bắc, họ biết những người kia sống trong một chế độ bưng bít, không hề biết sự thật, lừa dối nhau để sống còn, lãnh đạo thì tuyên truyền, đe dọa, người cùng đinh thì lừa nhau miếng ăn, cái bát và cuối cùng những cảnh tượng “chiến thắng” thực ra chỉ là trò hề tội nghiệp!

Đến Một Thời Đang Qua (1985) gồm hai phần quê người sống hối hả máy móc với những va chạm văn hóa, những người mẹ già lạc lõng ngay trong gia đình mình, trong khi quê nhà giữa bao thảm kịch, sĩ quan bộ đội hủ hóa, tình cờ vẫn có người thủ trưởng công an biết nói cám ơn. Người Làm Ca Đêm, Một Ngày Của Nhiều Người tả nếp sống đến lạ kỳ ở quê người, đời sống thường không còn của riêng mình mà là của guồng máy, đi làm để trả bills, vội vàng vì kẹt xe. Làm việc an ninh mà máy móc đến điên người như Vũ trong Những Mẩu Dây Leo, rồi tranh chấp, rồi bị người làm chung tố với xếp anh bị tâm thần, trong khi thư nhà đến đều với những vấn đề phải giải quyết. Mùa Xuân Của Nàng và Bông Hồng Nào Cho Mẹ đề cập đến những va chạm hội nhập văn hóa, trong khi đó Những Mảnh Trăng Thu đưa người đọc trở lại với những trẻ nghèo khổ nhưng biết thương yếu nhau, một đề tài quen thuộc của Nhật Tiến.

Ngoài ra, trong tập truyện này, Nhật Tiến đi bước đầu trong việc tìm hiểu và viết về con người ở miền Bắc và những người ở miền Nam sau 1975 như những con người “ruột thịt”. Văn ông hiền lành nhưng ông đã nói đến những khúc mắc của con người cùng là nạn nhân của chiến tranh, ông luôn khẳng định sự thất bại của cộng sản muốn tiêu diệt nhân tính nơi con người. Ông tìm hiểu xã hội miền Bắc – của những kẻ tự cho là kẻ thắng kẻ tài giỏi, và đi đến tố cáo bộ mặt thật. Nhận chân để tìm ra những thái độ của con người miền Bắc dù là đang thuộc thành phần ưu đãi hoặc phía sức mạnh (cán bộ, bộ đội,..) đứng trước những thảm cảnh, thất bại của một chủ nghĩa vô nhân, của một guồng máy bạo tàn. Những Vết Chân Trâu trình bày bộ mặt thảm hại của xã hội miền Bắc, con người tàn hại nhau nhưng nhân danh những chính sách, chế độ bất nhân như tem phiếu, “còn tem phiếu thì còn được phân phối nhu yếu phẩm theo giá chính thức. Không còn tem phiếu thì kể như đã bị gạt ra khỏi mâm cơm chung của xã hội, dù chỉ là mâm cơm được bày biện những khoai cùng sắn” (tr. 115). Lão Thược cuối cùng mong ước được thay thế con trâu để kéo cày cho xã. Một Chuyến Đi cho thấy sự đày đọa con người bằng những biện pháp cai trị phi lý mà George Orwell từng nói đến trong 1984. Một Big Brother mất nhân tính, Quý xin giấy tờ để ra Bắc thăm mẹ bị đủ trở ngại để phải thốt lên: “Có lẽ ở trên đời này chỉ có Quý là kẻ duy nhất đã có thể cười được khi nhận được tin mẹ mình đang thật sự hấp hối!” (tr. 91), vì lúc đó mới có thể có giấy di chuyển. Chặng Đường Cuối phá vỡ huyền thoại con người và đạo đức cách mạng. Huyền thoại Tay Ngà mà nhân vật Lữ từng ôm ấp 30 năm về chị Thu trở nên vô hiệu khi nhìn thấy hai bàn tay chị thô nhám nhăn nhúm và khi nghe giải thích “Chế độ mới cần đề cao tinh thần lao động trong mọi tầng lớp quần chúng, kể cả những nghệ sĩ chơi đàn. Tôi không bị cấm đánh đàn nhưng tôi cũng bị bắt buộc phải cầm thêm cái cuốc. Cơn tàn phá đối với một bàn tay chỉ trong vòng một tháng là thấy rõ những ngón tay chai cứng lạị Nốt nhạc trở nên lạc lõng, xớn xác như lâm hồn lạc lõng, xớn xác của toàn thể con ngườị..” (tr. 66). Thân phận người phụ nữ dĩ nhiên không ra gì trong một xã hội như vậy. Chân Dung Người Nữ Diễn Viên tên Hồng đã phải sống và trình diễn giả dối cho hợp chế độ, nên khi hết thời, về sống cày ruộng bên anh chồng thương phế binh mà lại cảm thấy thoải mái hơn!

Cái Túi Bùa gây suy nghĩ nơi người đọc, khi tác giả viết về Bà Cụ Tám ba đời tiễn chồng rồi con rồi cháu ra đi chiến đấu không ngày về. Đến đứa cháu, bà đeo bùa vào cổ cho cháu dù đó là chuyện cấm kỵ ở một chế độ làm nhụt lòng chiến sĩ ra đi lên đường vì tổ quốc. Nhưng đứa cháu đã chứng tỏ không như hai thế hệ cha ông, bắt đầu ý thức đâu là chân lý, không chấp nhận hãi sợ vô cớ, không chịu câm lặng hy sinh vì bất cứ lý do nghĩa vụ nào: “Kampuchia là cái xứ chó chết nào? Tại sao mình lại phải đi đánh nhau ở đó? (…). Tuổi trẻ của tao phải khác với tuổi trẻ của ông nội tao, của bố tao. Tao không muốn tiếp tục trở thành những quân cờ, những quân chốt thí muôn năm hết đời này qua đời khác…” (tr. 110). Qua Kampuchia xong, Hải tìm đường vượt biên sang Thái Lan! Vở kịch Công Lý Xã Hội – kịch bản hóa truyện Chiếc Áo Tây Vàng, đóng lại tập truyện: kịch tính ở đây không do kịch bản mà do cái hiện thực của đời sống: hầu như mọi người trong xã hội đều phải đóng kịch để sống còn, ai đóng giỏi trở nên mạnh hơn, có lý hơn!

Nhật Tiến là nhà văn gây phản ứng chính trị (thật ra là của vài nhóm người tị nạn) ở hải ngoại khi ông xuất bản truyện dài Mồ Hôi Của Đá (1988) và đăng báo truyện Gặp Gỡ Cuối Năm.

Trong Mồ Hôi Của Đá, qua chuyện của những người ở trong nước như Nguyệt, Toàn, Hoàng, ông Năm Tỏa,…, tác-giả đề nghị đối thoại và tìm hiểu trong tinh thần nhân bản và dân tộc, để xây dựng lại quê hương. Ông nói đến con người, dân tộc, muốn không phân biệt nữa, vì tương lai, cho tương lai. Cuộc chiến mới ông muốn đề ra là cuộc chiến giữa nhân bản và phi nhân, giữa lẽ phải và sai quấy và giữa dân tộc và phi dân tộc.

Sau những nhận thức những tồi tệ của xã hội, chế độ, Nhật Tiến đã đi đến những nhận thức cho một Việt-Nam tương lai. Mồ Hôi Của Đá dưới hình thức một truyện dài, do đó tác giả có đất để trình bày rõ những suy nghĩ và giải pháp mà hai tập truyện ngắn xuất bản trước đó đã chỉ mới thử những bước đầu. Lấy nhân bản làm nền tảng, dùng khai phóng làm tâm niệm, giải pháp ở đây có một kích thước lớn hơn thường tỉnh phân biệt Bắc Nam, trong-ngoài nước. Nhật Tiến trình bày ở lời mở đầu: “trong một vận hội mới nhằm phục hồi và xây dựng lại quê hương đang điêu tàn, đen tối và đày rẫy nhục nhằn như hiện nay. (…). Tôi nghĩ rằng, văn hóa nói chung và Văn Học Nghệ Thuật nói riêng, có khả năng góp phần vào công cuộc tạo dựng những điều kiện qui tụ tốt đẽp trong công cuộc hình thành một sức mạnh tổng hợp, cả trong lẫn ngoài nước để hoàn thành sứ mạng giải phóng quê hương. Văn Học Nghệ Thuật, do đó sẽ có thêm một hướng đi mới, bên cạnh những hướng đi đã có, đã từng góp phần tích cực vào công cuộc tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc ở hải ngoại. Chấp nhận một chiều hướng sáng tạo như thế, trong khung cảnh còn đầy rẫy những ngộ nhận như hiện nay, là chấp nhận một sự thử thách…” (4).

Chuyện xảy ra ở miền Nam sau 1975, người hai miền sống chung, những va chạm, một bên ức hiếp, lợi dụng, một bên chịu đựng hoặc tìm cách qua cầu. Nhưng có những người trẻ lý tưởng, như Nguyệt,… không muốn cực đoan, một chiều, muốn ra tay làm một cái gì trong hoàn cảnh mới, trở thành bí thư chi đoàn thanh niên.

Trong tập Cánh Cửa (1990), ông đi xa hơn, để cho nhân-vật Trường, một người tù cải tạo, thuyết phục, “cải tạo” .

Nhật Tiến đồng thời có cái nhìn phê phán miền Nam trong hơn 20 năm (1954-1975) cũng có những tiêu cực cần phải nói lên, nhận chân. Ông đã nhìn thấy”những kẻ đầu cơ, tích trữ, những đứa sống nhởn nhơ, phè phỡn trên cơn thiếu thuốc men, bệnh tật của dân nghèo khó, những đứa buôn súng đạn, bán đứng sinh mạng của chính anh em đồng ngũ của mình…”. Xã hội miền Nam đã bị “những kẻ bất tài nhưng có quyền thế thao túng chính trị, thao túng thị trường, thao túng trên cả sinh mạng của binh sĩ” – nhận chân đó không riêng gì của ông mà còn là của nhiều người khác!

Cũng theo Nhật Tiến, thế hệ trẻ có những suy nghĩ và ước mơ chính đáng. Hoan trong Những Sự Thực Cần Được Nói Ra là những sự thực của Hoan, một bí thư đoàn thanh niên của một trường ở miền Nam sau 1975 và là con của một lãnh đạo .

Những Chuyện Bên Lề là những chuyện phi lý và bất nhân của người Việt tị nạn ở Hoa-Kỳ không nhận người đi từ miền Bắc là đồng bào, cùng là nạn nhân cộng sản. Tư, một giáo viên Sử ở Hà-Nội vượt biên tới Hương Cảng rồi được định cư ở Hoa-Kỳ, bị lạc loài, không cách gì đến gần đồng bào đi từ miền Nam, ông nghĩ “một đàng thì quả đồng hương có nhiều, nhưng họ thuộc về một cộng đồng khác, cộng đồng của những người bên kia, những người vì đã thua cuộc nên có quyền ngẩng cao đầu tự hào về dĩ vãng chính trị của mình, còn tôi thì đâu có một chỗ đứng để chen chân vào. Nói khác đi, dù tôi đã chối bỏ chủ nghĩa cộng sản để qua vùng đất mới thì cái dĩ vãng của tôi, cộng với nền nếp tôi suy nghĩ, thói quen của những từ tôi dùng, cũng đủ để cho tôi cảm thấy lạc lõng giữa đám đông và nhẹ nhàng lắm thì cũng bị coi như một kẻ đứng bên lề…”. Cũng những tưởng kinh nghiệm giác ngộ của ông trước đó khi thống nhất vào Nam thăm gia đình họ hàng, “cái niềm hãnh diện của một kẻ tham gia hàng ngũ đi giải phóng nó tan xèo như một que diêm”, sẽ giúp ông đến gần những nạn nhân như ông, nhưng hoài công!

Đến năm truyện ngắn xuất bản chung với Nhật Tuấn, người em ở trong nước, tập truyện Quê Người Quê Nhà (7), Nhật Tiến tỏ ra mềm mại hơn và giọng văn u hoài, tiếc nuối hơn là tranh đấu. Ở đây là những cảnh đời của nhiều thành phần người Việt vì hoàn cảnh phải thiên cư ra ngoài nước. Những Viên Sỏi Trên đường là vợ chồng Thu-Phú đi từ 1975, Phú vẫn đấu tranh để phục hồi cái đã mất nhưng Thu muốn được sử-dụng tự do ở xứ người để đòi hỏi được tự do giúp người khuyết tật ở trong nước; một bên muốn làm cái gì bớt mặc cảm, một bên không muốn sống hết kiếp lưu vong tủi nhục!

Cái Thuở Ban Đầu tức thuở gia đình ông Bửu qua California theo chương trình H.O. đã phải va chạm những giá trị của hai thế giới. Cô giáo và hai học sinh người Việt trong ngôi trường lớn rộng nhưng lạnh lẽo tình người, trong một môi trường mà con người chỉ biết chạy theo tiền bạc bỏ rơi giáo dục con cái. Ngày Nàng Trở Lại sau khi hai nếp suy nghĩ đã phải va chạm, gây nên những khoảng cách chua xót giữa người ở ngoài nước cày cực khổ và người trong nước ỷ lại chỉ mơ đến phung phí tiền:

“Quê hương không bao giờ hất hủi ai nhưng đời sống là như thế đó. Mỗi con người dù ở trong hay ở ngoài cũng đều góp phần theo một cung cách nào đó để trở nên nhìn nhau xa lạ nhưng âm thầm không ai muốn nói ra (…) Người ta đã sống với quê hương trong trí nhớ với tất cả những cảm giác được tô vẽ lên chứ không phải là quê hương bằng xương bằng thịt với những vật thể sờ sờ có thể va chạm tới được. Đó là nguyên do đổ vỡ, khi người ta lên đường trở lại chốn cũ để tìm lại những xúc cảm chất chứa đày ắp trong tâm hồn của mỗi người trong những ngày sống xa xứ…” (tr. 111, 114-115).

Hương Vị Ngày Xưa cho thấy đời sống “tự lập” bi đát của bậc cha mẹ già bên lề cuộc sống của các con đã thành gia thất.

Một thời Nhật Tiến đã bị giới truyền thông hải ngoại lên án là chủ trương ‘giao lưu văn hóa’ và ‘‘thiên Cộng’’. Con người chiến sĩ ở ông đã trung thực đối phó và nay với thời gian và sau những lắng đọng, quan điểm vị nhân sinh của ông hình như cũng là ước muốn của hơn một người có lòng với tiền dồ đất nước và văn học. Ông tin chủ nghĩa cộng sản không thể thành công tận diệt được tình người đã là căn bản còn sót lại nơi mỗi con người dù bị tuyên truyền, nhồi sọ đến mấy, như tên cộng sản cán bộ cải tạo trong Cánh Cửa, như Năm Tỏa, Hoàng trong Mồ Hôi Của Đá, v.v. Chính những căn Thiện còn sót lại đó chứng tỏ con người lúc nào cũng là con người, và khi có dịp sẽ trồi lên bề mặt, sẽ từ đó khởi lên những đòi hỏi chính đáng cho con người dù nhỏ nhoi, căn bản. Nói chung, tác phẩm của Nhật Tiến xuất bản ở hải ngoại vẫn một nhân đạo, nhưng quyết liệt hơn, chứng tỏ ông can đảm và tin ở sứ mệnh nhà văn của mình.

*
Cả sự nghiệp viết văn, Nhật Tiến luôn tin tưởng nơi con người, dù đó là đứa trẻ mồ côi, trẻ đánh giày, người đạp xích lô, hay một nữ tu, một trí thức, nhà văn hoặc một cán bộ, sĩ quan. Nhân vật của ông dù tuổi đời, hoàn cảnh, địa vị xã hội khác nhau nhưng tất cả đều có một niềm tin hoặc lạc quan nơi tình người và những giá trị nhân bản. Tâm hồn nhân ái của Nhật Tiến hướng thượng, tin ở đấng toàn năng sáng tạo vũ trụ hoặc có liên hệ nhân quả với con người ở trần thế. Niềm tin này mãnh liệt, bền vững. Với một cái nhìn tinh đời, hiểu biết nhưng không tàn độc.

Nhật Tiến có một ngôn ngữ trong sáng, rõ rệt, như tiếp thừa văn phong của Tự-Lực văn-đoàn – các tác phẩm đầu của Nhật Tiến được các nhà Phượng Giang, Đời Nay và Ngày Nay của Tự-Lực văn-đoàn xuất bản và ông có nhiều truyện đăng trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay. Một lòng chân thành, với cái nhìn tinh tế, thâu suốt. Với ngôn ngữ đó, một lối hành văn đó, dù để thả hồn nhung nhớ một thời ấu thơ hay biện hộ quan điểm xã hội cấp tiến của nhà văn. Văn Nhật Tiến hiền, kết thúc vui, lạc quan hoặc tránh nói đến cái bi đát thường dễ xảy ra, và ở những cảnh tả phụ nữ, tác giả tránh đi sâu vào chi tiết sắc đẹp thể chất, hình như người nữ “hấp dẫn” nhất dưới ngòi bút của ông là chị Sinh trong truyện Kẻ Nổi Dậy (“cả một nửa người trắng như sữa”, “sức nóng như muốn làm nổ tung bộ ngực đầy đặn căng lên như hai cái bình sứ”, “bộ ngực của chị dính sát vào những khoảng áo ướt sũng, căng tròn như hai cái cóng sứ”).

Trong các tác phẩm đã xuất bản của Nhật Tiến, người đọc tìm thấy những vấn đề lớn nhỏ của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, nhưng sẽ không tìm thấy dấu vết của những trào lưu thời thượng như hiện sinh, Tiểu thuyết mới, cả những phân-tâm mà Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Duy Lam đã thử nghiệm. Nhật Tiến khởi nghiệp với những trẻ mồ côi, và truyện ngắn mới nhất đến với người đọc hải ngoại là một truyện về những đứa trẻ nghèo vá bánh xe đạp, – truyện Một Vạt Nắng Xuân Trên Hè Phố, đăng trên giai phẩm Việt Tide (Xuân Nhâm Ngọ 2002) phát-hành ở Quận Cam CA, ông ghi viết tháng 12-2001.

Gần đây nhất ông phiên-dịch tiểu thuyết Thân Phận Dư Thừa của Nguyễn Kiên (8), một lần nữa xác nhận tấm lòng của Nhật Tiến đối với những đưa trẻ bất hạnh, trong cái bất hạnh chung! Dĩ nhiên ông còn tiếp tục viết như vẫn thường xác nhận trong một số phỏng vấn (9)! Kinh nghiệm sống và viết của ông theo thời gian đa dạng, tế nhị hơn, nhưng cũng cương quyết hơn khi cần! Những bước tư tưởng của Nhật Tiến chứng tỏ thêm một điều rằng nghệ thuật phải đi một nhịp với thời đại, và nếu được vậy nghệ thuật mới có thể sống lâu!

Tạp chí Hành Trình năm 1964 đã làm một cuộc “Trưng cầu ý kiến bạn đọc về những tác phẩm văn học được nhiều người ưa thích nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây (1954-1964)” dự tính sẽ đăng trong số đặc biệt “Nhìn lại 10 năm văn học miền Nam”, nhưng chưa kịp ra thì báo ngưng xuất bản. Giáo sư Nguyễn Văn Trung mới đây thu thập những bài chưa in, cả những thư viết tay lập thành một Hồ Sơ Về Tạp Chí “Hành Trình”(10), trong đó ông công bố danh sách các tác phẩm được ưa thích nhất, về tiểu thuyết có 21 tác phẩm thì Nhật Tiến đã có 4 tác phẩm được chọn, 2 được xếp hàng đầu là Mây Hoàng Hôn và Thềm Hoang, tiểu thuyết kịch Người Kéo Màn hạng 7, và Những Người Áo Trắng thứ 11. Tưởng cũng cần nói ở đây là độc-giả của tạp chí Hành Trình phần lớn là sinh viên và trí thức miền Nam lúc bấy giờ!

Nhật Tiến lúc trẻ năng nổ, hăng hái, hội viên rồi phó chủ tịch Văn Bút, phê bình sách, viết tổng kết văn nghệ, tình cảnh nhà văn, v.v. Ông tin nhà văn có sứ mạng đối với tập thể, tin ở vai trò nhân chứng. Lúc nào ông cũng tin tưởng liên hệ vững chắc giữa người viết với người đọc. Sáng tác là để được đọc, viết là đến với tha nhân.

Trong một phỏng vấn của Mai Thảo trên tạp chí Văn hải ngoại (11), Nhật Tiến tự nhận mình là một nhà giáo hơn là một nhà văn. Thời ông, Võ Hồng cũng là một nhà giáo viết văn, sáng tác từ vị thế và kinh nghiệm của một nhà giáo, trong khi Nhật Tiến cũng hành nghề nhà giáo nhưng trong văn chương ông tự khoác thêm cho mình sứ mạng nhà giáo, như kẻ sĩ ngày xưa. Nghĩa là không làm chính trị theo nghĩa đảng phái, chế độ hay chủ nghĩa.

Chính ông có lần thú nhận thời viết Thềm Hoang (1958-1961), ông đã có cái nhìn hạn hẹp khi nghĩ rằng “công việc cải tạo xã hội không thuộc vào trách nhiệm của người cầm bút, nó thuộc về lãnh vực của những chính trị gia hay những nhà lãnh đạo đương quyền…” (12). Các tác phẩm của ông trong suốt hơn 40 năm đã chứng minh điều đó, rằng Nhật Tiến có một sứ điệp, có một ước vọng chân thành! Những thị phi, chụp mũ đã và sẽ rơi vào quên lãng của dư luận, nhưng tác phẩm và ý tưởng, chân tình của ông sẽ còn sống lâu hơn!

Nhật Tiến thuộc lớp nhà văn làm văn hóa với quan niệm văn hóa như là một phương tiện chứng minh sự hiện hữu cao quý của con người trong lịch sử. Trong một phát biểu ra mắt tập truyện Một Thời Đang Qua tại Washington DC, ngày 11-10-1985, Nhật Tiến cho biết “văn hóa không thể vùi dập con người mình dưới những lằn roi của sự cực đoan, một chiều, mà trái lại nâng cao giá trị của con người, vạch rõ thực trạng đớn đau, tủi nhục, để trang bị cho con người một nhận thức mới, ở đó con người nhìn ra thân phận bị trị của mình, biết phẩn nộ trước sự phi lý về nông nỗi con người đã bị khai thác triền miên trong bao nhiêu năm ròng bởi một thiểu số đày tham vọng và quyền lực mà không biết đứng dậy làm một cuộc cách mạng mới giải phóng chính mình” (13). Chính tập truyện Một Thời Đang Qua và bài phát biểu này khai mở khuynh hướng gọi là “hòa hợp hòa giải dân tộc”, sau đó hơn sáu năm, tạp chí Hợp Lưu ra mắt (1-10-1991) và Nhật Tiến tham gia ban chủ biên!

Thế giới tiểu thuyết của Nhật Tiến là cánh cửa mở rộng chân trời để con người sống với hy vọng, sống xứng đáng với đồng loại và lịch sử!

Chú-thích

1. Nhật Tiến. Chim Hót Trong Lồng (San Jose CA: Ngàn Lau tb, 1984), tr. 47.
2. Nhật Tiến. Thềm Hoang. (Westminster CA: Văn Nghệ tb, 1989), tr. 23.
3. Trích theo Nguyễn Hưng Quốc. “20 năm văn học Việt Nam ở hải ngoại” In. 20 Năm Văn Học Hải Ngoại 1975-1995 (Glendale CA: Đại Nam, 1995), tr. 18.
4. Lời Tác Giả. Mồ Hôi Của Đá (Arlington VA: Cành Nam, 1988), tr. 11-12.
5. Hợp Lưu CA, 17, 6-7/1994, tr. 208.
6. Nhật Tiến. Cánh Cửa (Tustin CA: Thời Văn, 1990), tr. 45.
7. Quê Người Quê Nhà. Tp HCM: NXB Văn Học, 1994. 200 tr.
8. Thân-Phận Dư Thừa do Việt Tide (Westminster CA) xuất bản 2001. Nguyên tác The Unwanted của Kiên Nguyễn. Trong bài phát biểu của Nhật Tiến nhân buổi ra mắt sách tại Quận Cam ngày 9 tháng 2-2002, ông cho rằng tác giả Nguyễn Kiên – được dịch ra 19 thứ tiếng khác nhau, “đã nói với hàng triệu độc giả trên khắp thế giới lý do tại sao hàng triệu người Việt-Nam đã bỏ nước ra đi sau khi quân đội cộng-sản tiến chiếm miền Nam. (…) (Nguyễn Kiên) đã làm một công việc đầy ý nghĩa với tất cả tấm lòng nhân ái, đầy ắp cảm thông đối với nỗi niềm thống khổ của biết bao nhiêu con người đã sinh ra trong hoàn cảnh trớ trêu, trở thành những thân phận dư thừa, bị ruồng bỏ” (Việt Tide, 31, 15-2-2002, tr. 44).
9. “Phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến”. Văn Học CA, 100, 8-1994, tr. 66; Nguyễn Vạn Hùng. Việt Nam Qua Lăng Kính 24 Nhân Vật Thời Đại (Los Angeles CA: Thời Luận, 1996), tr. 35-42.
10. Hồ Sơ Về Tạp Chí “Hành Trình” 1964-65. Montréal: Nam Sơn, 2000, tr. 31-33.
11. Văn CA, 6, 12-1982.
12. Nhật Tiến. “Chuyện trò, tản mạn với bạn đọc về công việc sáng tác cuốn Thềm Hoang”. Văn Học CA, 170, 6-2000, tr. 7.
13. Nhật Tiến. “Một suy nghĩ của người cầm bút lưu vong”. Quê Mẹ (Paris), 68, 11-1985.

3-1998; 12-2001
Nguyễn Vy Khanh

Vũ Trọng Phụng và kiệt tác Số Đỏ, Thụy Khuê


6ea2789883efaa6bc0f7748e915b3362507e4f7542c52200px-Giong_To_1937

Thụy Khuê

Ảnh hưởng Vũ Trọng Phụng trong đời sống

Nếu ở ngoài Bắc, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bị phong toả trong khoảng trên dưới bốn mươi năm, từ 1945 đến thời kỳ đổi mới, ảnh hưởng ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng không đến được với đông đảo quần chúng, thì ở trong Nam, từ 1954 đến 1975, ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng đã đi sâu vào đại chúng, đã làm nền cho những cách viết phóng sự, mà Vũ Bằng lớp trước, rồi Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Chu Tử… lớp sau, đều là những môn đệ của Vũ Trọng Phụng.

Để đo lường ảnh hưởng ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng trong đời sống hàng ngày, chỉ cần xét hai chữ Giông tố, viết đúng ngữ vựng phải là Dông tố. Nhưng Vũ Trọng Phụng (cũng như nhiều nhà văn Bắc) thường lầm gi với d, như trường hợp Thạch Lam với Theo giòng (chính ra là Theo dòng), hoặc Nhất Linh với Giòng sông Thanh Thủy (thực ra là Dòng sông Thanh Thủy).

Trong trường hợp Thạch Lam và Nhất Linh, vì tôn trọng uy tín của nhà văn, hoặc vì nhà xuất bản Đời nay, do Tự Lực văn đoàn điều hành, cho nên khi in lại, đã không thay đổi cách viết. Nhưng sự viết sai của Thạch Lam và Nhất Linh không có ảnh hưởng đến đại chúng như từ Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Giông tố trong cách viết sai của Vũ Trọng Phụng, đã trở thành “viết đúng” và hầu như mọi người (trừ một vài học giả), đều viết Giông tố như Vũ Trọng Phụng đã viết. Và đó chính là cái cân đo lường trọng lượng ngôn ngữ của một nhà văn trong lòng dân tộc.

Tình trạng lai căng ngoài Giông tố, còn hai cụm từ khác của Vũ Trọng Phụng, đã trở thành thành ngữ, như Em chã! Em chã! và Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

Đó là những chữ khởi đi từ tác phẩm Số đỏ, để trở thành những thành ngữ bình dân nhất, mà người Việt dù có đọc Vũ Trọng Phụng hay không, không ai là không biết, không ai không nghe nói, hoặc không dùng đến một lần trong đời sống hàng ngày.

Đây là hiện tượng hiếm có trong lịch sử ngôn ngữ: Nhà văn tạo ra một chữ hay một câu, rồi câu hay chữ đó được toàn thể dân tộc sử dụng như một danh từ chung hay một thành ngữ. Đó cũng là trường hợp của Tú Bà, Sở Khanh, những tên riêng trong truyện Kiều, nhờ ngòi bút Nguyễn Du, biến thành danh từ chung tú bà, sở khanh trong tiếng Việt.

Nguyễn Du đã bất tử hoá và phổ quát hoá hình ảnh Tú Bà thành hình ảnh các mụ tú bà trên đời, qua hai câu thơ:

Thoắt trông nhờn nhợt màu da.

Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao

Và Nguyễn Du cũng đã khắc họa hình ảnh các gã sở khanh muôn thủa qua câu:

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Vũ Trọng Phụng không dùng phương pháp của Nguyễn Du, nghiã là ông không bất tử hoá một chân dung nhân vật, mà ông bất tử hoá và phổ quát hoá một thái độ con người, qua sự sáng tạo ngôn ngữ: đó là trường hợp những cụm từ Em chã! Em chã! và Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi! trở thành những cụm từ hóm hỉnh, sâu sắc, đầy ẩn nghĩa, có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh, và chúng đã trở nên những thành ngữ trong tiếng Việt.

Em chã! em chã! thoát thai từ em chả! em chả! và “em chả em chả”, là sự rút ngắn của “em chả (…) đâu!” với ngụ ý: “Em chả thèm đâu! Em chả chơi đâu! Em chả ăn đâu!”… một câu nói diễn tả thái độ ngúng nguẩy, nửa nạc nửa mỡ, của một cô con gái dậy thì, nũng nịu, được chiều, hư, vòi, ỡm ờ, nói vậy mà không phải vậy.

Nhưng dấu hỏi ở em chả được Vũ Trọng Phụng biến thành dấu ngã trong em chã, không phải vì họ Vũ viết sai (ông là người Bắc không thể nhầm hỏi với ngã như người Trung và Nam) mà do ông cố ý viết em chả thành em chã.

Sự viết sái cố ý này có nghiã gì?

– Nó đồng nghiã và củng cố tình trạng lai căng trong toàn bộ tác phẩm Số đỏ: con người lai căng, ăn nói lai căng, cư xử lai căng, cái gì cũng sái đi một chút. Lai căng là tình trạng học đòi bắt chước không đúng kiểu, làm sái đi. Hành động lai căng trong một xã hội lai căng, nửa mùa, không cái gì ra cái gì cả. Vũ Trọng Phụng đã vẽ nên một xã hội lai căng em chã em chã! trong tiểu thuyết Số đỏ, trên nguồn cội chữ nghiã.

Những chữ em chã em chã này được Vũ Trọng Phụng đưa vào miệng cậu Phước, con trai của bà Phó Đoan, một bà me Tây nạ dòng có hình dáng tú bà. Như thế, họ Vũ không chỉ dừng lại ở địa hạt ngôn ngữ, mà còn đi sâu vào thực thể con người.

Cậu Phước là một hiện tượng lai căng thánh thể, tức là con của người (bà Phó Đoan) và thánh (tuy chuyện cầu tự chỉ là chuyện tầm phào, bà Phó có đi cầu nhưng không thấy thánh giáng lâm), đẻ ra Cậu với những lời thánh “em chã em chã”. Vậy Cậu là một thực thể nửa người nửa thánh, Cậu là hiện tượng đồng cô bóng cậu, hiện tượng lai căng bình dân nhất và có hồn dân tộc nhất mà Vũ Trọng Phụng đã tạo ra, qua những chữ em chã em chã!

Người Việt, qua hình tượng bình dân này, đã nhận ngay ra mình, đã nhìn thấy phần cá tính thích sự lai căng của dân tộc mình, vì thế mà ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng đã có khả năng chiếm độc quyền thị trường chữ nghiã, bởi họ Vũ đã nói lên được một phần dân tộc tính của người mình qua ngôn ngữ. Chân dung người mẹ của Cậu: bà Phó Đoan cựu me Tây giàu có, xác định thêm một lần nữa tích chất lai căng này: “với con chó Tây trong cánh tay, với hai con mắt mơ màng nhìn lên chiếc quạt, bà Phó Đoan có vẻ là linh hồn nước Việt Nam trên đường tiến hoá và giải phóng” (trang 320).

Số đỏ, châm biếm các hình thức cầu tự nửa thánh nửa người, không những đã nhái lại tất cả những sự thánh hoá con người mà còn trình bầy con người bị thánh hoá như một sản phẩm lai căng từ tinh thần đến thể xác.

Tính chất lai căng đi từ “nội dung” con người, phát ra đến ngôn ngữ, văn hoá, văn minh. “Nội dung” ấy thể hiện trên nhân vật chính, qua sự lai căng gốc rễ từ chân tơ kẽ tóc: Xuân tóc đỏ.

Xuân tóc đỏ, một hình thức lai căng điển hình: Bởi người Việt nói riêng hoặc người da vàng nói chung, xưa nay tóc không đỏ. Xuân giải thích về mái tóc đỏ của mình: “Mẹ kiếp! Chứ xưa nay có mua mũ bao giờ mà tóc chả đỏ!” (Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, trang 266).

Một thứ giải thích tầm phào, lấy lệ. Thật ra Xuân chính là hiện tượng lai căng lộ liễu nhất và sớm nhất, ngay từ năm 1936, Vũ Trọng Phụng đã nhìn thấy, đã mô tả, khi hiện tượng này chưa xuất hiện ở Việt nam. Đến ngày nay, hiện tượng tóc đỏ trở thành phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Tóm lại những hiện tượng lai căng mà Vũ Trọng Phụng mô tả trong Số đỏ, hơn 70 năm trước, đã đạt tới trình độ phổ quát, toàn diện, qua các mái đầu tóc đỏ, các đôi mắt xanh, của tuổi trẻ Đại Hàn, Nhật Bổn, của các siêu sao như Michael Jackson không những đã kéo tóc cho thẳng, mà còn đổi cả màu da, sắc mặt, như thay quần đổi áo.

Năm 1936, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng nên Xuân Tóc Đỏ như một hiện tượng Âu hoá đầu tiên, mà người Á Châu tìm đến, như một sự lột xác, như một sự xoá bỏ căn cước, xoá bỏ bản thể của chính mình. Hiện nay, hiện tượng Âu hoá này, đã được toàn cầu hoá. Sự lai căng trở thành một tiến trình văn minh toàn cầu, ở chừng mức vĩ mô, tạo ra những nghịch cảnh không sao tẩy xóa được.

Số đỏ nhại ai?

Số đỏ được xây dựng theo thể chương hồi, mỗi chương vừa như một sketch (kịch ngắn) độc lập, lại vừa như một giai đoạn phiêu lưu. Chẳng biết Vũ Trọng Phụng có đọc Rabelais hay không, nhưng cách hài hước phóng đại của ông đi từ ngôn ngữ để xây dựng nhân vật, có gì rất gần với Rabelais.

Số đỏ ban đầu đã được viết ra để nhại những chương trình Âu hoá xã hội của Tự Lực văn đoàn, thành phần văn học độc chiếm văn đàn trên nhiều lãnh vực văn hóa xã hội, và cũng là đối thủ quyết liệt nhất của Vũ Trọng Phụng trên “mặt trận tư tưởng”.

Những mẫu hình họ Vũ đưa ra để chế giễu, hầu hết nằm trong chương trình Âu hoá, cải cách xã hội của Tự Lực văn đoàn với các khẩu hiệu: Âu hoá, theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự, làm việc xã hội, theo chủ nghiã bình dân, vận động thể thao, luyện tập thân thể cường tráng, làm nhà ánh sáng, giải phóng phụ nữ, thiết kế y phục tân thời: kiểu áo Le mur Cát Tường v.v..

Tất cả những khẩu hiệu canh tân, cải cách của nhóm Tự Lực đều được Vũ Trọng Phụng nhái lại, đưa vào Số đỏ, thổi phồng và hài hước hoá, thành những hình thức lai căng nực cười, như vậy làm sao Nhất Linh không nổi giận viết bài (ký tên Nhất Chi Mai) kết án Vũ Trọng Phụng thậm tệ trên báo Ngày Nay, số 15, ra ngày 21/3/1937.

Những kiệt tác thường khởi đi từ những lý do rất tầm thường như thế. Số đỏ không phải là tác phẩm chống thực dân Pháp như nhiều người lầm tưởng. Bởi Vũ Trọng Phụng khi viết các tác phẩm Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, năm 1936, ông đang đặt rất nhiều tin tưởng vào chính phủ Mặt trận bình dân ở Pháp.

Mặt trận bình dân

Mặt trận bình dân (Front Populaire) ra đời ngày 14/7/1935, là liên minh kết hợp những đảng phái cánh tả [Đảng Cộng sản với Thorez, đảng xã hội SFIO với Léon Blum, đảng Liên minh cộng hoà xã hội (Union socialiste républicaine) với Ramadier và đảng Cấp tiến (Radical) với Daladier]. Liên minh này khởi sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1929, và ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Pháp (cuối 1930 sang năm 1931) đã làm thay đổi cục diện chính trị Âu châu, phát sinh ra khuynh hướng phát- xít ở Ý, Na-zi ở Đức và cực hữu ở Pháp.

Mặt trận bình dân đắc cử và lên cầm quyền tại Pháp từ tháng 6/1936 với Léon Blum, thuộc đảng Xã hội (đảng Cộng sản tuy ở trong mặt trận nhưng không có mặt trong chính phủ). Chính phủ Léon Blum (6/36-6/37) thực hiện nhiều định chế cải cách xã hội: tăng lương cho nhân công, quy định một tuần làm việc 40 giờ và hàng năm người làm công được nghỉ hè có lương, tổ chức lại ngân hàng, quốc hữu hoá đường xe lửa, thúc đẩy sinh hoạt thể thao văn hoá… Gặp sự chống đối từ nhiều phía, Léon Blum từ chức, Chautemps lên thay (6/37 – 3/38), tiếp tục cải cách nhưng đi chậm hơn, Léon Blum trở lại cầm quyền trong một tháng (3-4/38) Khi Daladier lên thay, Mặt trận bình dân coi như chấm dứt nhiệm vụ cầm quyền.

Dù chỉ nắm chính quyền trong thời gian hai năm, nhưng Mặt trận bình dân đã để lại những định chế cải cách xã hội lâu dài. Chính quyền Léon Blum, với bộ trưởng thuộc địa Marius Moutet, đưa ra những bộ luật mới về thuộc điạ, luật lao động, luật báo chí được mở rộng tự do, quyền đình công bãi thị, ân xá chính trị phạm… tạo những hy vọng tự do và công bằng pháp lý cho người dân thuộc điạ.

Những nhà văn, nhà báo thời đó, từ Hoàng Đạo đến Vũ Trọng Phụng, đều nhìn thấy ở Chính phủ bình dân một hy vọng lớn trong chính sách cải cách thuộc địa của người Pháp.

Phần lớn các tác phẩm quan trọng của Vũ Trọng Phụng đều viết và in trong thời gian Mặt trận bình dân lên cầm quyền và đo đó, thái dộ của ông đối với chính phủ bình dân nói riêng là một thái độ ôn hoà cộng tác hơn là chống đối. Vì vậy khi nhấn mạnh về sự chống đối thực dân trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng là một xác định đi ra ngoài thực tế văn bản của Vũ Trọng Phụng.

Tính chất lưu manh

Hầu hết những người viết về Số đỏ, đều coi Xuân Tóc Đỏ, như một tay lưu manh, chó nhẩy bàn độc, bất lương, là con đẻ của chế độ thuộc địa, v.v…

Rất lầm. Không phải thế. Xuân Tóc Đỏ, xuất thân là một đứa bé lang thang, ma cà bông, cò bơ cò bất, bán thuốc ho bà lang trọc, nhặt ban trên sân quần vợt, thật đấy, nhưng nó không hề làm nên một tội ác nào có thể so sánh với tội ác của đại gia đình quyền quý của cụ Cố Hồng, tổ chức giết bố (cụ Tổ) để chiếm lĩnh gia tài. Xuân Tóc Đỏ bước lên nấc thang danh vọng, không phải vì nó biết lừa lọc, man trá, mà chính vì cả cái gia đình quý phái ấy đã lợi dụng nó để làm những chuyện bất chính. “Ấy thế là Xuân Tóc Đỏ bắt đầu dự vào cuộc cải cách xã hội” (trang 303).

Trước tiên ông Văn Minh, con trai cụ cố Hồng, muốn làm giàu, vì biết nó mồm mép giỏi giao cho nó trách nhiệm làm văng-đơ, bán quần áo, trong collection mode của họ.

“Đây…Đây… Tiệm may chúng tôi có rất nhiều kiểu, toàn do những sinh viên mỹ thuật có danh tiếng chế tạo ra cả. Đây, bà cứ xem những biển đề ở tượng, là rõ nghiã lý của từng bộ y phục một. Đây là bộ Lời hứa, nghiã là để cho thiếu nữ nào mặc bộ ấy có thể như hứa với bạn lòng một cuộc hẹn hò vậy. Đây là bộ Chiếm lòng. Mặc bộ ấy thì ta đã nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta. Đây là bộ Ngây thơ, đây là bộ Dậy thì, toàn cho con gái mới nhớn. Từ đây vào là của các bà thiếu phụ, các bậc nội tướng rồi… Thưa bà, đây là bộ Nữ quyền, của người đàn bà lúc nào cũng được chồng khiếp sợ. Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những bà quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, và đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà góa chồng, mà không biết là nên thủ tiết hay là thôi.” (trang 298-299)

Và Xuân bắt đầu lẩm nhẩm học thuộc lòng cả bài, để nói với khách. Nhưng trong lòng nó không mấy phục:

“Mẹ kiếp! Quần với chả áo! – Cái này là cái gì? À Lời hứa!… Thắt đáy, nở ngực, nở đít… phải phải! Thắt đáy nở ngực, nở đít là Lời hứa! Hở ngực, hở tay, hở đùi là Chinh phục! Hở ngực, hở đùi là Chinh phục! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! (trang 307).

Quang cảnh này có thể xẩy ra trong bất cứ hậu trường nhà thiết kế mốt nào, ngày hôm nay.

Thấy nó được việc, gia đình Văn Minh muốn nhờ tay Xuân giết cụ Cố, vì biết nó mù tịt về y học, nên đã tâng nó lên hàng bác sĩ, đúng ý cụ cố Hồng đang muốn tìm một tay bác sĩ lang băm để giết ông bố già cứ sống dai mãi, mà không chịu chết:

” Cụ Hồng gạt phắt đi mà rằng:

– Ta chỉ cần một ông thầy thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi” (trang 325).

Tuy Xuân chưa giết xong cụ Tổ, nhưng cả nhà đã khấp khởi lo chuyện ma chay trước:

” Cụ Hồng lại nhăn mặt lần thứ mười mà khẽ gắt cũng lần thứ mười rằng:

Biết rồi! Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Đã hiểu cái tính ấy, cụ bà cứ thản nhiên nói tiếp:

-Ấy thế rồi, ta cứ lo toan trước việc ma chay đi mà thôi.

– Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

-Tôi thì tôi nên theo cả lối cổ và lối mới, nghiã là cứ minh tinh, nhà táng, kèn tàu, kiệu bát cống, và rõ nhiều câu đối. Nếu chúng nó muốn thì chúng nó cứ đi thuê kén bú rích Tây đi, càng hay. Nhưng mà không thể vì cái thích của chúng mà bỏ đi cái thích của tôi được.

-Biết rồi! Khổ lắm…nói mãi!

Đến đây thì cụ bà không nói gì nữa, ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, làm cho cụ ông phải hỏi ngay:

– Thế sao nữa, hở bà? (trang 328-329).

Nhưng Xuân Tóc Đỏ lại không giết, mà cứu cụ Tổ bằng thứ thuốc nước cống lang băm của nó. Xuân trở thành “ân nhân” bất đắc dĩ của gia đình cụ cố Hồng. Cô Tuyết mê nó.

Muốn em gái mình lấy người danh giá, nên ông Văn Minh đã “tạo điều kiện” cho Xuân thành quán quân quần vợt, rồi Xuân ra tay “cứu quốc”, chẳng bao lâu nó trở thành “vĩ nhân”…

Lịch sử leo thang danh vọng của Xuân Tóc Đỏ chính là tiến trình leo thang của những nhân vật chóp bu, trong bất cứ xã hội kim tiền, tham nhũng nào. Những hình thái lai căng trong Số đỏ phản ảnh những hình thái đua đòi, chạy theo cái mới, tân tiến nửa mùa, xoá bỏ căn cước văn hoá của chính mình. Lai căng là hình thức sao chép, gán ép hai thực thể không cân xứng, không phù hợp, không nghệ thuật, vô văn hoá.

Toàn bộ tác phẩm toả ra một thứ ngôn ngữ lai căng nửa Pháp nửa Việt “Dè… đơ…dà … múa”. Một “sân quần” trong ngày khánh thành với những cái quần phất phới mà con ở của bà Phó Đoan đem phơi, vì nó tưởng đâu sân quần là sân… phơi quần. Một xã hội loạn xà ngầu như kèn Ta, kèn Tây bú-rích, kèn Tàu điệu Bát cống, đua nhau lên tiếng trong đám ma cụ Tổ. Những tập tục lai căng, những mốt lai căng, những cách sống lai căng, những cải tiến lai căng.

Cuộc phiêu lưu không tiền khoáng hậu của Xuân Tóc Đỏ, một tay ma cà bông, vô học, lên tới đỉnh cao của danh vọng, vô địch yêu nước, trở thành vĩ nhân, chẳng qua chỉ là cuộc phiêu lưu của sự bất tài, vô học, được bọn con buôn chính trị thượng lên chóp đỉnh, trong một xã hội kim tiền, tham nhũng, mà dân tộc ta đã trải nhiều kinh nghiệm nhãn tiền.

Thụy Khuê

 

Hàn Mặc Tử, Thi Sĩ của đau thương và bất hạnh,Thụy Khuê


Thụy Khuê

gaique-mc

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có tiểu sử đầy đủ nhất trong thi ca hiện đại Việt Nam. Người đầu tiên viết về Hà Mặc Tử là Trần Thanh Mại với cuốn truyện ký Hàn Mạc Tử (nxb Võ Doãn Mại, Huế, 1942), tiếp đó Quách Tấn với cuốn hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử (nxb Quê Mẹ, Paris, 1988), và sau cùng Nguyễn Bá Tín với hai cuốn Hàn Mặc Tử, anh tôi (nxb Tin, Paris 1990) và Hàn Mặc Tử trong riêng tư (nxb Hội Nhà Văn, 1994). Đó là những tư liệu quý với những thông tin khá đầu đủ về cuộc đời tác giả và tác phẩm.

Tiểu sử

Chúng tôi xin nhắc lại sơ lược tiểu sử tác giả, phần lớn dựa theo thông tin của Nguyễn Bá Tín:

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, con ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy, sinh ngày 22/9/1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, trong một gia đình công giáo lâu đời, có 6 người con, bốn trai, hai gái (Nhân, Lễ, Nghiã, Trí, Tín và Hiếu). Tên thánh rửa tội là Phê rô (Pierre), tên thánh thêm sức là Phanxicô Xaviê (Francois-Xavier). Cha làm thông phán phải thuyên chuyển nhiều nơi dọc theo bờ biển Trung Việt từ Đồng Hới tới Quy Nhơn, nên khi ông đổi đến Sa Kỳ (1920), Trí và Tín mới vào tiểu học ở Quãng Ngãi. Tháng 6 năm 1926, sau khi cha mất, gia đình dọn về Quy Nhơn sống với người anh cả, Trí và Tín vào trung học ở Quy Nhơn. Sau đó Trí ra Huế học trường Pellerin (1928-1930). Vẫn theo Nguyễn Bá Tín, sau lần bơi xa ra biển, suýt chết đuối, Hàn Mặc Tử thay đổi hẳn tâm tính, trầm lặng hơn, có vẻ đau yếu, gia đình nghi ông mắc bệnh tâm thần, Hàn Mặc Tử ít ăn, lười tắm gội và thay quần áo. Hàn Mặc Tử bắt đầu nổi tiếng năm 1931 với bút hiệu P.T (Phong Trần). Năm 1932, làm việc ở sở đạc điền Quy Nhơn, quen với Quách Tấn. 1935 vào Sài Gòn làm báo. Tháng 5/1936 người anh cả Nguyễn Bá Nhân, cột trụ của gia đình mất. Hàn Mặc Tử rời Sài Gòn về Quy Nhơn. Cuối năm 1936, in Gái quê.

Theo Nguyễn Bá Tín, ngay từ đầu năm 1935, đã thấy xuất hiện triệu chứng bệnh phong. Năm 1936, bệnh phát rõ hơn. Gia đình muốn giấu, chữa chạy riêng, tìm đến các thày thuốc bắc. Đến giữa năm 1939, thuốc bắc vô hiệu, bệnh trở nên trầm trọng, sau phải đưa vào bệnh viện Quy Nhơn và ngày 20 tháng 9 năm 1940, phải vào bệnh viện phong Quy Hoà. Quá trễ. Thuốc của một vài ông lang băm đã huỷ hoại cơ thể của Hàn. Hàn Mặc Tử mất tại Tuy Hoà ngày 11/ 11/ 1940. 28 tuổi.

Hàn Mặc Tử có nhiều bút hiệu, làm thơ từ năm 16 tuổi (1928), bút hiệu là Minh Duệ Thị. Khoảng 1930-31, đổi là Phong Trần. Từ 1935, đổi ra Lệ Thanh, sau thành Hàn Mạc Tử (Hàn Mạc là bức rèm lạnh), và sau cùng là Hàn Mặc Tử (Hàn Mặc Tử là anh chàng bút mực), đó là theo sự giải thích của Quách Tấn. Nguyễn Bá Tín cũng cho rằng bút hiệu của anh ông là Hàn Mặc Tử, nhưng Hàn nghiã là nghèo chứ không phải là lạnh. Chế Lan Viên chọn tên Hàn Mặc Tử, vì ông bảo rằng trong lúc nói chuyện, chúng tôi gọi nhau như thế. Nhưng có những nguồn khác, như Võ Long Tê và Phạm Đán Bình, khi tìm lại báo cũ, thì thấy hai bút hiệu Hàn Mạc Tử và Hàn Mặc Tử được dùng song song trên mặt báo.

Văn bản của Hàn Mặc Tử và sách viết về Hàn Mặc Tử

Trần Thanh Mại viết cuốn sách đầu tiên, xuất bản hai năm sau khi Hàn Mặc Tử qua đời. Là nhà phê bình văn học, Trần Thanh Mại đã tập hợp được khá nhiều văn bản về Hàn Mặc Tử, qua tư liệu của Trần Thanh Địch, người em, và Trần Tái Phùng, người cháu, cả hai đều là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Nguyễn Bá Tín viết :«Tôi biết anh gửi cho Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng nhiều hơn hết, coi như gần đủ bộ thơ anh» (trích Hàn Mặc Tử, anh tôi, trang 64).

Hoàng Diệp, một trong những bạn thân khác của Hàn Mặc Tử, trong bài Vụ kiện trích thơ Hàn Mặc Tử (do Vương Trí Nhàn sưu tập trong cuốn Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay, trang 485) cho biết : khi sách của Trần Thanh Mại ra đời vào tháng 2 năm 1942, thì Quách Tấn kiện, vì đã trích dẫn khá nhiều thơ Hàn Mặc Tử chưa in, «có hại» cho việc xuất bản thơ Hàn Mặc Tử sau này. Vụ kiện xẩy ra ở Huế, do Nguyễn Tiến Lãng, lúc ấy là Thừa phủ tỉnh Thừa Thiên, xử. Nhờ sự dàn xếp khéo léo của Nguyễn Tiến Lãng mà mọi việc được êm đẹp.

Quách Tấn là người đã giúp đỡ tiền bạc để Hàn Mặc Tử chữa bệnh. Sau khi Hàn mất, gia đình chính thức giao phó việc in thơ Hàn cho ông, Nguyễn Bá Tín viết: « Khi tôi ở Lào về thì chú Hiếu (tức Nguyễn Bá Hiếu, em út) đã chuyển giao bút tích văn thơ tất cả cho anh Tấn. Chú sợ bị lây nên không sao chép, không kiểm nhận» (sđd, trang 64). Nhưng Quách Tấn đã không làm được việc ấy, và khi chiến tranh xẩy ra, ông đã đánh mất hết toàn bộ bút tích bản thảo của Hàn Mặc Tử.

Nhờ tác phẩm của Trần Thanh Mại, mà những phần hay nhất trong thơ Hàn Mặc Tử được phổ biến từ 1942.

Ngoài tập Gái quê, do chính gia đình bỏ tiền ra in năm 1936, trong suốt những năm bệnh tật và nghèo khổ, Hàn còn phải lo tìm cách in thơ, nhưng những cố gắng của Hà Mặc Tử khi còn sống đều thất bại. Hoàng Diệp viết : « Suốt ba năm kế tiếp 1937, 1938 và 1939, ngoài sự sáng tác Hàn Mặc Tử phải mất nhiều thì giờ trong việc tìm kiếm lại tất cả những bài thơ chàng đã làm, để chuẩn bị cho việc ấn hành» (bài đã dẫn). Nhưng hai người bạn tâm giao là Quách Tấn và Trần Thanh Địch lại không có đủ tiền in. «Cuối cùng Thế Lữ xuất hiện và hứa giúp chàng hoàn thành việc ấy. Thế Lữ là một thi sĩ có danh vọng bậc nhất, thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội» (bài đã dẫn). Nhưng «Sau nhiều ngày theo dõi, thúc giục, Hàn Mặc Tử nhận được tin đầy tang tóc kết thúc công việc in thơ chàng. Thế Lữ vừa cho chàng biết rằng trên một chuyến tàu xuôi về Hải Phòng, tập thơ của chàng đã bị bỏ quên và không tìm lại được nữa» (Hoàng Diệp, bài đã dẫn).

Các sự « đánh mất » thơ Hàn Mặc Tử này, là do định mệnh hay là cái gì khác?

Năm 1942, có Tập Thơ Hàn Mạc Tử do Quách Tấn và Chế Lan Viên sưu tập, Đông Phương xuất bản tại Sài Gòn. 1959 Tân Việt tái bản, tập hợp một số thơ Hàn Mặc Tử, nhưng còn thiếu nhiều.

1944, Tập thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng, được Ngày Mới in ở Hà Nội (An Tiêm tái bản tại Sài Gòn 1969).

Đó là tất cả nhũng gì được in trước 1945.

Ở Sài Gòn, Báo Văn làm hai số tưởng niệm Hàn Mặc Tử (1967 và 1971), Báo Văn Học, cũng có hai số đặc biệt năm 1974.

Đến 1987, Chế Lan Viên sưu tập và viết bài tựa cho Tuyển tập Hàn Mạc Tử, (nxb Văn học Hà Nội). Tuyển tập này đầy đủ hơn những tập thơ trước. Gồm một số thơ Đường luật, và trích các tập thơ Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Chơi giữ mùa trăng.

1993 Phan Cự Đệ soạn «Hàn Mặc Tử tác phẩm phê bình và tưởng niệm» (nxb Giáo Dục) tập hợp các bài viết về Hàn Mặc Tử, và tìm thêm được một số thơ nữa in trên báo cũ.

1994, Lại Nguyên Ân soạn thơ Hàn Mặc Tử, (nxb Hội Nhà văn), gồm các tập Gái quê, Chơi giữa mùa trăng, Đau thương và Xuân như ý.

1996, Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay (nxb Hội nhà văn), tập hợp ba cuốn sách của Trần Thanh Mại, Quách Tấn và Ngyễn Bá Tín và một số bài viết khác.

Tóm lại, nhờ những tác phẩm của Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Nguyễn Bá Tín, nhờ những bài viết của các bạn thân như Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Trần Tái Phùng… hoặc của những nhà nghiên cứu như Võ Long Tê, Phạm Đán Bình, v.v… mà chúng ta biết rõ tiểu sử và tác phẩm của Hàn Mặc Tử, biết những mối tình, những người yêu, biết về bệnh tật, về sự nghèo khó, và những ngày sau cùng của Hàn Mặc Tử.

Nhưng viết về thơ Hàn Mặc Tử thì có lẽ chỉ có Trần Tái Phùng, Võ Long Tê và Trọng Miên là hiểu thơ Hàn hơn cả. Về mặt văn bản thơ, thì phải 50 năm sau khi tập Gái quê ra đời, thơ của Hàn Mặc Tử mới được tìm và in lại.

Một thiên tài xuất hiện

Ngày 11/10/ 1931, trên Thực Nghiệp Dân Báo có in ba bài thơ, tựa đề : Chùa hoang, Gái ở chùa và Thức khuya, ký tên P.T (Quy Nhơn), với lời yêu cầu của tác giả : « Mấy bài thơ sau này xin cảm phiền ngài ấn hành vào báo Thực Nghiệp để chuyển giao cho Mộng Du thi xã ở Huế, rất đội ơn». Mộng Du thi xã do Phan Bội Châu chủ trì, và ba bài thơ này được cụ Phan chú ý, sau viết ba bài hoạ. Thơ Phong Trần nổi tiếng từ đó. (Xin mở ngoặc : Nhờ công lao của Nguyễn Hữu Tấn Đức và Phạm Đán Bình, nhà xuất bản Tin, đã chụp lại báo Thực Nghiệp (tài liệu in trong cuốn Hàn Mặc Tử anh tôi, trang 148), mà chúng ta có được văn bản đầu tiên của ba bài thơ Hàn Mạc Tử, những văn bản in sau, người ta đã sửa lại)

Trong ba bài thơ trên, trừ bài Gái ở chùa, không có gì đặc biệt, hai bài Chùa hoang và Thức khuya, tuy làm dưới dạng Đường luật, nhưng nội dung đã khác hẳn với thơ ngâm vịnh gió trăng, hoặc thơ nói lên hào khí, của các cụ ; đã báo hiệu phong cách thơ Hàn Mặc Tử, với hai yếu tố chính: nhục cảm và thân xác, gần như cấm kỵ thời ấy.

Chùa không sư tụng cảnh buồn teo
Xác Phật còn đây, chuỗi phật đâu?
Réo rắt cành thông thay tiếng kệ,
Lập lòe bóng đốm thế đèn treo,
Hương rầu khói lạnh nằm ngơ ngác,
Vách chán đêm suông đứng dãi dầu
Rứa cũng trơ gan cùng tuế nguyệt,
Trước thềm khắc khoải giọng quyên kêu

(Chùa hoang)

Sự độc đáo và táo bạo đầu tiên đến ở chữ hoang trong bài chùa hoang. Nếu nói là chùa bỏ hoang thì ý nghiã khác hẳn, chùa hoang gợi sự phóng túng gần như trụy lạc. Tiếp đến những câu thơ sau, không câu nào là không thoát khỏi ý “tội lỗi”, “phạm thượng”: Chùa không sư tụng cảnh buồn teo/ Xác Phật còn đây, chuỗi phật đâu ? Dám vẽ cảnh chùa không sư với những chữ buồn teo, xác Phật thật là oái oăm, tai quái và phạm thượng. Trong tập Thơ Hàn Mặc Tử, do Quách Tấn và Chế Lan Viên chọn, in năm 1942, và sau này tất cả các bản in lại đều theo, hai chữ xác Phật được chữa lại là cốt Phật, tuy lịch sư hơn nhưng làm sai ý của Hàn Mặc Tử [không biết Quách Tấn hay Chế Lan Viên sửa, có lẽ là Quách Tấn, vì theo Nguyễn Bá Tín, thì: “Anh Tấn còn nói là thơ anh Trí không phải bài nào cũng hay đâu, mà cần phải sửa lại mới in được” (trích Hàn Mặc Tử anh tôi, trang 65)]. Quách Tấn sửa thơ Hàn Mặc Tử thì hỏng vì Quách Tấn không hiểu Hàn Mặc Tử và thơ Quách Tấn lại cổ và cầu kỳ.

Tiếp đến bốn câu: Réo rắt cành thông thay tiếng kệ / Lập lòe bóng đốm thế đèn treo / Hương rầu khói lạnh nằm ngơ ngác / Vách chán đêm suông đứng dãi dầu. Cả bốn câu là một giọng chán chường, hương lạnh, tình tàn; những chữ: Réo rắt, lập lòe, bóng đốm, hương rầu, khói lạnh, nằm ngơ ngác, vách chán, đêm suông… gợi cái im vắng khuya khoắt của xóm cô đầu, nhà chứa, hơn là không khí thanh tịnh nhà chùa.

Hàn Mặc Tử bắt đầu đời thơ của mình bằng một cuộc cách mệnh chữ nghiã và tư tưởng như thế.

Bài Thức khuya còn đi xa hơn nữa :
Non sông bốn mặt ngủ mơ màng,
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an,
Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn,
Khóc dùm thân thế, hoa rơi lệ,
Buồn giúp công danh, dế dạo đàn,
Trở dậy nôm na vài điệu cũ,
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn

(Thức khuya)

Bài này trên tập Thơ Hàn Mặc Tử được đổi tên là Đêm không ngủ.

Thực ra hai câu đầu “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng / Thức chỉ mình ta dạ chẳng an” chỉ đứng đó làm nền cho cảnh chính: “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối / Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”. “Chí khí” chỉ là “bèo bọt” so với chuyện “chăn chiếu”, “gió mưa”. Tính chất “xác thịt” đã ẩn trong trăng và gió. Hàn Mặc Tử tạo ra hai câu thơ tuyệt vời gợi cảm và hoàn toàn mới này từ năm 1931.

Tới lúc ấy, trong thi ca Việt Nam chưa ai dám đi “tới” thế. Hết “leo song”, lại còn “rờ rẫm”, tất cả đều “nhạy cảm” cao độ. Trong bản Thơ Hàn Mặc Tử hai chữ rờ rẫm lại được sửa thành sờ sẫm, (chắc vẫn lại do bàn tay cụ Quách Tấn), vẫn lịch sự hơn, nhưng đã xoá mất cái rậm rực gồ ghề của âm r trong rờ rẫm để thay bằng cái xoàng xĩnh, nhẵn bóng của âm s trong sờ sẫm.

Trở về với vần đề “nguồn cội” của Thơ Mới.

Chúng ta đang ở ngày 11/10/ 1931, ngày hai bài thơ này xuất hiện, Hàn Mặc Tử 19 tuổi. Đến ngày 10/3/1932, Phan Khôi mới trình làng bài Tình già, được coi là bài Thơ Mới đầu tiên của thi ca Việt Nam trên Phụ Nữ Tân Văn. Và đến ngày 24/ 1/ 1933, báo Phong Hoá đăng lại, bài Tình già mới được phổ biến rộng rãi và mở đầu cho phong trào Thơ mới mà Thế Lữ là ngôi sao sáng. Phan Khôi chỉ bỏ niêm luật trong thơ cổ điển, ông viết:

Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi, tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau

(Tình già, Phan Khôi, 1932).

Bài Tình già của Phan Khôi là một cái mốc lịch sử hơn là một giá trị thi ca. Về mặt nghệ thuật và tư tưởng, hai câu thơ Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối / Gió thu lọt cửa cọ mài chăn, của Hàn Mặc Tử mới thật sự đưa thi ca Việt Nam vào giai đoạn mới, thoát khỏi vòng lễ giáo gia đình và xã hội cổ, để nói đến thân xác như một thực thể để yêu, một thực thể thơ. Và cấu trúc hai câu thơ trên, mở vào không gian, cũng lại là môt hành trình mới nữa, chúng tôi sẽ giải thích thêm vấn đề cấu trúc không gian này ở những bài sắp tới.

Nhưng, Hàn Mặc Tử ngày ấy, là một vì sao khuất. Hàn không được người đương thời đánh giá cao. Không được giải thơ Tự Lực Văn Đoàn. Tập Gái quê, tập hơp những bài thơ làm trong giai đoạn đầu, từ 1931 đến 1935, in năm 1936 là một khai phá, nhưng không ai chú ý. Tập thơ sau, Đau Thương, gửi bản thảo cho Thế Lữ thì bị đánh mất!

Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan có giới thiệu thơ Hàn Mặc Tử, nhưng với giọng chê bai, Vũ Ngọc Phan viết: “Cũng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của của Hàn Mạc Tử không được thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mặc Tử tuy diễn ra trong tập Gái quê còn ngập ngừng… nhưng đã bắt đầu nghiêng về xác thịt:

…Ống quần vo xắn lên đầu gối,
Da thịt trời ơi! trắng rợn mình…. (…)

Đến bài Hát giã gạo (Gái Quê, trang 31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu ở đây đặc vật chất, làm cho người ta phải lợm giọng” (Nhà Văn hiện đại, trang 762-763).

Chẳng biết trong bài Hát giã gạo, Hàn Mặc Tử viết gì mà bị nhà phê bình họ Vũ chê là “lợm giọng”, đến nỗi trong các bản in sau, thấy cấm tiệt, không có bài này!

Còn ông Hoài Thanh thì xếp Hàn Mặc Tử đứng hàng gần chót trong tuyển tập – Thế Lữ đứng đầu, dĩ nhiên. Hoài Thanh phê Gái quê như sau: “Gái quê- Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi” (Thi nhân Việt Nam, trang 205-206). Tóm lại cả hai nhà phê bình lớn thời tiền chiến đều không được phóng khoáng bằng cụ Phan, người đã tiếp nhận ba bài thơ đầu tiên, có tính “xác thịt” của Hàn Mặc Tử một cách thú vị, còn làm thơ vịnh lại và cụ Phan gọi Hàn Mặc Tử, lúc đó mới 19 tuổi, là “tiên sinh” (theo Nguyễn Bá Tín).

Ngày nay nhìn lại thơ văn Hàn Mặc Tử, chúng ta có thể khẳng định: Hàn Mặc Tử là nhà thơ tiên phong đã đổi mới tư tưởng, đặt nền móng tưởng tượng trong thơ Việt Nam, với một quan niệm rõ ràng về thi ca, ngay từ thập niên ba mươi của thế kỷ trước. Hai bài Chùa hoang và Thức đêm, đã mở về thân xác con người, và tạo ra bút pháp không gian, mà trăng, nước và khí trời là ba yếu tố nền tảng xây dựng nên vũ trụ thơ Hàn Mạc Tử. Bài Đà Lạt trăng mờ (theo Quách Tấn, làm năm 1933) đã xác định cấu trúc thơ Hàn Mặc Tử. Và với bài Đi giữa mùa trăng, quan niệm thi ca ấy được thể hiện thành lời.

Thụy Khuê

Bùi Giáng – Người Lữ Khách Cuồng Điên và Khôn Cùng Kỷ Niệm, Huyền Nguyên


pro_129231224213125000chan-dung-bui-giang-55x65-0238.psd_-828x1024imagesvfb

Tiểu sử Bùi Giáng

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.

Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.

Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.

Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.

Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.

Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo Thụy Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.

Năm 1969, ông “bắt đầu điên rực rỡ” (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông “lang thang du hành Lục tỉnh” (chữ của Bui Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc…

Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn sau những năm tháng sống “điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang” (chữ của Bùi Giáng).

Bùi Giáng – Người Lữ Khách Cuồng Điên và Khôn Cùng Kỷ Niệm

Huyền Nguyên

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Tự buổi xa xưa nào, Nguyễn Du xuất hiện trên văn đàn như một tinh cầu rực rỡ, và để lại câu nói buồn ấy thì mấy trăm năm sau, Việt Nam bỗng xuất hiện bóng dáng lồng lộng của một “người điên” Bùi Giáng. Nếu Nguyễn Du đã diệu kỳ chuyển “ Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân sang “Truyện Kiều” bất hủ, thì Bùi Giáng đã rất mực tài hoa khi dịch Nhà sư vướng luỵ của Tô Mạn Thù cùng Hoàng tử bé, Cõi người ta của Saint Exupéry, Hoà âm điền dã (Andre Gide), Ngộ Nhận (Albert Camus), Hoa Ngõ Hạnh (W. Shakespeare)… với dấu ấn riêng và tài hoa làm buốt lòng người.

Văn nghiệp của ông đồ sộ, có thể tạm chia làm bốn loại:

1) Giảng luận về Văn Học
2) Bản dịch và Giảng luận Triết Học
3) Bản dịch Văn Học
4) Thơ, Văn sáng tác.

Trong đó, thơ là một mảng vô cùng quan trọng, với nhiều tập: Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Màu Hoa Trên Ngàn, Bài Ca Quần Đảo, Sa Mạc Trường Ca, Rong Rêu, Đêm Ngắm Trăng… ( về thơ ông cho đến bây giờ vẫn chưa thể thống kê nổi, bởi mỗi bước chân trên nẻo đời lang bạt, ông đều để lại dấu ấn của mình trên thơ với thi tứ lai láng và tuyệt cùng phóng dạt…)

Thơ Bùi Giáng không dễ đọc, chẳng dễ thể hội. Tôi nhớ, một nhà thơ khi tri kiến chân diện mục Bùi Giáng, đã viết: “Đất không nói hết lấy gì chẳng điên?”. Phải thế?! Bùi Giáng điên trong hỗn loạn hồng trần? Điên trong mù sa chiêm bao thiêm thiếp? Trong cõi nhân gian nhoà nhạt bóng người? Hay điên cho khỏi phũ phàng với những đôi mắt “đười ươi” đang chiếu vào ông soi mói? Người ta có thể trút chữ “ngông” lên một Tản Đà hào hoa, thì sá gì một tiếng “điên” cho trí tuệ Bùi Giáng? Người ta gán cho ông cái “điên” là có lý do khi ông viết:

“Và mai sau tôi có xuống suối vàng vẫn mong rằng các vị…sẽ ban ân huệ mưa móc sum suê (?) trên nấm mồ mọc cỏ, những giọt sương trần gian sẽ dỏ hằng ngày xuống đáy huyệt cô đơn”. Hay: “ Kim Cương nương tử ơi, nếu tại hạ một mai chết đi, nàng hãy … lên nấm mồ tại hạ” (!)…
Hình như Bùi Giáng có một số mệnh luôn bị ngộ nhận, nhưng cũng luôn hấp dẫn những tranh cãi về mình. Là điên hay tỉnh, nơi tấm thân phiêu hốt và bụi bặm cùng độ kia? Bùi Giáng cũng tự nhận mình điên, nhưng theo ông, đó là “cái điên thượng thừa”. Người nghệ sĩ, đến tầm lô hoả thuần thanh, thì sá gì chuyện có hay không có, điên hay tỉnh, sạch hay dơ, trong hay đục, tối hay sáng…? Bởi mạng phận cuối cùng của một người nghệ sỹ là đem thân xác phù du, để nói về chuyện phù du cuộc thế nhân trần. Và tài hoa của nghệ sỹ, phải chăng là đã nói giùm cho người đời, cái tâm linh sâu thẳm uyên nguyên phức tạp khôn cùng, lại giản đơn minh tường không xiết?

Dù bị vận vào một định mệnh trói buộc nào, Bùi Giáng là Bùi Giáng, một “người điên” hoang dại, siêu việt giữa lòng nhân gian mê loạn u trầm:

Ông điên mà zdui zdẻ thập thành
Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu
(Đi về làng xóm)

Chính trong cõi đớn đau riêng mình, Bùi Giáng cũng bộc bạch: “Cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác cũng đã điên. Để ngày nay… Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây, xôn xao nêu câu hỏi: “Cớ sao mà điên”? Nêu một cách rất ngây thơ tròn trĩnh” (Martin Heidegger – Tư tưởng hiện đại). Họ Bùi từng trả

lời câu hỏi về tên tuổi mình:
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng đã một màu xanh xanh

Ta làm gì có tên, có quê? Tên ta đó, quê ta đó, biển dâu xanh kia hoá thân từ những tang thương kiếp người, trong dòng sông nguồn mạch nào chảy từ muôn ngàn cổ độ. Mà nói cho cùng thì quê hương rốt ráo của mỗi người là ở đâu các ngươi có biết chăng? Mượn cuộc tồn sinh để đón lấy vang động biến cố của Tạo Tác, là ý muốn của “gã cà rỡn” kia trong cõi tạm chết – sống đấy thôi! (Nói như Bùi Giáng là mượn Tại Thể để đón lấyTồn Thể (Hoạt Tinh Thể) uyên nguyên trong ngần bất sinh bất diệt). Hoài Khanh có hai câu thơ thế này:

Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung

Nhịp cầu là một cái gì để qua sông, thì kiếp sầu vô chung này, kẻ nghệ sĩ xin gánh để thấm đẫm nhân sinh luân hoán phai phôi, là niềm se sắt chờ mong trong kì vọng lơ lửng, lửng lơ…

Phải hiểu thật sự cái ngông kiêu cuồng kia, là tinh thần phóng dật như Lão Trang, lại mang Thiện Tâm của đức Cù Đàm; và đằng sau vẻ ngang tàng kiêu bạc là một trái tim mong manh như thuỷ tinh, vô cùng yếu đuối và dễ vỡ trước những quẩn quanh kiếp người phù thăng. Trái tim kia, quá tinh tế, linh mẫn, nên luôn quắt quay khôn nguôi trước những niềm bi cảm trên ngã đời luân lạc, bất ngờ một hôm đứng sựng lại giữa Tinh Sương Hoằng Viễn…

Có tế vi mới viết những vần thơ tài hoa, thăng tột với con chữ như:

Mưa nguồn đổ xuống trang thơ
Cỏ hoa cồn lũng bất ngờ chịu chơi

hay:

Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua…

Và có quắt quay không, đớn đau không khi viết:

Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.

Hiếm có tác giả nào mà khi chúng ta đọc một câu, một câu thôi, đủ thấy được tinh thể của cả văn nghiệp, khí độ và phong cách xuyên suốt bình sinh. Cái ấy gọi là “khai môn kiến sơn, nhất khí quán hạ” (mở cửa thấy núi, một khí xuyên thấu). Bùi Giáng thuộc vào loaị thiên tài không định nghĩa được (génie indéfinissable), kết bằng băng tuyết ở Thiên Sơn hùng vĩ, sạch trong và lung linh mơ hoặc. Tinh chất Bùi Giáng là thứ nguyên liệu quý hiếm, khó nắm bắt, mà lại vượt quá chiều kích bình thường, phải yêu lắm, gắng sức lắm, mới có thể trùng ngộ với Trung Niên thi sĩ qua mấy vần thơ như rỡn:

Tiêu dao phương cảo chuyên cần
Cỏ thơm còn mọc, hồng quần cứ che
Sông lên mùa cũ hội hè
Liễu hoa cổ độ lập loè vết son
Ngẩng lên chót vót trời tròn
Ân tình đất méo máu còn bổ sung…
(Tặng Phố Chợ Lớn)

Gặp Bồ Tát miệng cười như nắc nẻ
Một hôm nào nương tử bước hai chân
Vén xiêm áo nghe tượng thần mở hé
Toà thiên nhiên ngồi xuống cỏ vô ngần…

Hiểu được Nhất Nguyên Thể Luận, vạn vật khởi nguyên nhất thể, thì có thể hiểu thơ Bùi Giáng. Nguy cơ của phát triển là sự phân ly, xa dần suối nguồn nguyên thuỷ diệu huyền. Sa Mạc sẽ lớn dần (ông đã viết Sa Mạc Phát Tiết), và tràn lan hư vô chủ nghĩa. Bùi Giáng từng than:

Trần gian bất tuyệt một lần
Nghe triều biển lục xa dần non xanh

…Màu hoang đảo từ đây em sẽ ngó
Cát xa bờ tơ chỉ rối chiêm bao.

Tái lập lại màu xanh nguyên thuỷ ban sơ, là ước vọng vô chừng của người thi sĩ Đười Ươi. Mà ngôn ngữ, là Huyền Tẫn(*): vô hạn, vô lường và ẩn mật tinh tế trong vô ngôn, vô ngữ vĩ thanh. Ngôn ngữ thơ ông có ngụ ngôn, ngoa ngôn, dụ ngôn, chi ngôn.. để gói ghém tất cả những gì tinh tuý nhất của “bản lai diện mục” xưa nay, điều mà ngôn ngữ bình thường không hàm chứa nổi:

Mẹ ơi chiếu cố Sa Mù cho con

hay:

Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du.

Ngôn ngữ thơ ấy sâu xa, hùng hậu, bí nhiệm, lại hồn nhiên ngộ nghĩnh như bài kệ của những vị thiền sư, mà “sư cụ” Bùi Giáng đã cưỡng bức một cách không khoan nhượng để tự thân ngôn ngữ hoá thành chiếc cầu nối phương tiện và cứu cánh trong thơ ông. Bằng năng lực tự sinh hoá khôn cùng, trùng trùng lớp lớp những tầng, nghĩa, chức năng của ngôn ngữ đã được ông dùng đều chung một đích: nói cho được cái Sơ Nguyên Biểu Tượng, phơi mở cái thung dung dị thường phong nhiêu ẩn mật của một Thuần Khiết đã xa xăm…. Oâng từng nói đến việc làm này, hay ít nhất cũng tương tự như vậy:

Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.

Phong cách ấy, theo ngôn ngữ bây giờ, là hồn thơ mang phong cách hậu hiện đại. Hồn thơ ấy có bắt nguồn trần thế thời ấu nhi:

Tuổi thơ nhiếp dẫn sai miền
Đổ xiêu phấn bướm, phi tuyền vọng âm…
Rồi lớn lên chứng kiến cảnh hãi hùng:
Hãi hùng bi kịch đồi tranh
Trùng quan vó ngựa tế nhanh sương mù
Thây người nát ở phía sau
Nghìn thu khép hột khổ đau khôn hàn!

Để một hôm, xuất hiện một cá tính thơ vui vẻ, nghịch ngợm nhất:

Bùi Đưòi Ươi

Đích thị đương nhiên
Là cốt cách thần tiên tót vời
Hơn Lý Trích Tiên
Nhiều lắmmm!

Với nguyên căn đó, ông làm hết mình, sống hết mình trong thơ, bằng niềm phấn khích luôn nồng đượm, say sưa, mặc cho người đời nói gì… Bởi:

Thơ ơi, em bỏ Sa Mù
Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau …

Bùi Giáng đã điềm nhiên bước giữa nhân trần mải mê mộng mị (“bán rẻ Sinh Tử cho ngày Phù Du”- BG), khơi mở hồn Đông -Tây, xuyên qua thế kỷ và linh hồn Nam Việt bằng miên man vô bờ kỷ niệm. Bởi, khi tất cả đã trôi xuôi, chúng ta còn lại gì cho mình, ngoài những hoài niệm? Hoài niệm, dẫu có hạnh phúc vô biên hay đắng xót luỵ phiền và đau đáu niềm riêng khôn hàn; cũng mang dáng dấp của những thiên thần, xinh tươi lộng ngát như nắng xuân, thu vũ, long lanh vĩnh cửu miên trường … Có khi vầng tà dương trong buổi chiều mộ địa mãi mãi là tà dương mộ địa vời vợi nhạt nhoà, bất khả tư nghị…
Kỷ niệm trong thơ Bùi Giáng, có thể là cuộc hạnh ngộ mơ hồ kỳ bí giữa thi sĩ và những giai nhân, cười cợt hoang đàng với một Bardot trên chênh vênh đồi núi, một Monroe ẩn khuất khe mương. Có thể là nỗi ray rứt khôn cùng về cái chết của người vợ trẻ, rồi bao năm tháng qua, nỗi quắt quay trong cơn đau cũ đã ung thành mối nhành tư tiêu da diết trong buổi xế chiều:

Mỗi giây phút mỗi bất ngờ
Mỗi đêm tưởng tượng thẹn thò tình em
Tình em bao xiết êm đềm
Tình tôi như thể chênh vênh lạ thường
(Thôn nữ)

Kỷ niệm cũng là cuộc phiêu du trên những vùng miền, linh đinh trời đất lạ với bao ân tình như gió thoảng mây xa lại sâu sắc mặn mà.

Đó là Bình Dương:

Em về đất rộng Bình Dương
Phố mai là gió môi hường se đâu
Tóc xanh bủa lệch mái đầu
Mày xanh như lệ pha sầu ruộng xuân
(Ruộng Bình Dương)

Đó là Lục Tỉnh:

Đây Mỹ Tho, Cần Thơ, Châu Đốc
Long Xuyên ơi và Sa Đéc em ơi
Trời kỷ niệm đi về trong đáy mắt
Thổi dư vang dĩ vãng xa vời
(Chào thu Lục tỉnh)

Là cao nguyên vi vút gió núi mây ngàn lồng lộng:

Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà
Và giữ lại chuyện đời ta đi mất
Bước khúc khuỷu trong ngàn khe khóc lóc
Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi
(Giã từ Đà Lạt)

Nói với đất? Nói với người? Hay tiếng vọng từ muôn cõi xa xăm hồn vọng với những dư ba tươi trong lẩn khuất, rồi bất chợt bùng phát ba đào như những viễn tượng mù khơi? Không rõ! Bùi Giáng hồn nhiên bước qua bao núi đồi xứ sở, chẳng để làm gì, chỉ mong thoả nguyện ý phiêu bồng và vuông tròn mối tình êm với người, với đất, với Phong Tình Cổ Lục Như Nhiên…
Nhưng những kiêu bạc phù phiếm kia cũng chẳng là gì, Bùi Giáng đáo cuộc trở về đạm nhiên với ruộng đồng chân chất. Về thôi, Phồn Hoa Phố Phường có là gì, Hồng Trần Sơ Nguyên mới là Bến Thiên Thai:

Tiếng nói xa vang trên đầu ngọn lúa
Vì ngôn ngữ ngày kia em để úa
Bỗng lên lời bên mép cỏ như sương
Cũng xanh như dòng lệ khóc phai hường
……
Người phố thị mỉm cười đầu ngang ngửa
Tô son đỏ vào hai môi lượt nữa
Chợt thấy mình còn đầy đủ dung nhan
Thuở xưa kia suối ngọc ngó mây vàng…
(Biểu tượng Sơ Nguyên)

Trong Bùi Giáng, trong con người đã bao phen làm thiên hạ lay lắt ngất ngây vì những lời thơ anh hoa phát tiết, sang trọng kiêu cuồng, có một người nhà quê. Khi bóng dáng những giai nhân thế trần mờ loãng, là sẽ sàng gót sen thôn nữ đượm hương thắm sắùc đi về, chập chờn ẩn hiện, như khói như sương, vời vợi với trở trăn lung linh mơ ảo:

Gặp em từ ấy tới giờ
Năm mươi năm chẵn như tờ lặng im
Biết bao dâu bể nổi chìm
Đôi lần con mắt lim dim nhớ gì

…Ngày mai vĩnh biệt cõi đời
Trùng lai có lẽ cuối trời biệt ly
(Tặng Gái quê)

Bùi Giáng lặn ngụp hoài trong cuộc sinh ly, mong tìm lại hương vị mênh mông của những người em gái ruộng đồng? Tìm bao hanh hao dịu dàng vương vấn nguyên hoang của tâm hồn ngây thơ trinh nữ? Tìm lại lá hoa của những tháng năm nào xa mút tầm tay:

Bàn chân bước người đi vào một thuở
Lá phân vân bờ cát bến sương rung
Trời khuya khoắt phiêu du trăng bỡ ngỡ
Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng?
(Người đi đâu)

Người đi đâu? Chẳng biết. Để nhà thơ ôm mộng trầm luân trong suối biếc rừng già, quy hồi mà tìm kiếm những hương vàng cố quận, để thấy những mái nhà tranh, những bờ ruộng cũ, đậm đà trong lời ca dao hồn hậu thân tình:

Viết thơ lạc dấu sai dòng
Viết trong tức tưởi sợ đồng lúa mong
Nước xanh lên đọt đòng đòng
Ngày mai sẽ mất hạt lòng thơ ngây
(Ca dao)

Để tìm thời thơ ấu xa xưa:
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
Những bận nào Quế Sơn rù rì con suối ngược
Nước trôi nguồn suối lũ cuốn phăng phăng
(Nỗi lòng Tô Vũ)

Bùi Giáng đã mở ra một không gian thơ ơ thờ chân chất khi đang rong chơi giữa lòng phồn hoa. Đó là một Quảng Nam đá sỏi khô cằn, là con sông Thu Bồn dịu êm trôi trong khoăn nhặt chơi vơi điệu hò khoan vãi tung sóng nước đêm trăng, là những ngày lũ ngập buồn hiu xơ xác đến thắt lòng. Từ sợi dây ấy, tâm hồn nhà thơ như cánh diều bay đón lấy mọi viễn tượng của thiên nhiên để nó “biến thành lẽ sống và chết của chính mình”:

Mây đứng lại nơi chân trời phủ khói
Dòng sông đi đò bến đợi ngu ngơ
Chiều trời đẹp tâm tình em không nói
Đất với trời chung một nghĩa bơ vơ.
(Không đủ gọi một lần)

Bùi Giáng ôm mộng bơ vơ đi muôn nẻo, ấp yêu từng hơi thở của hoài niệm mù sương lãng đãng, để dành và trân trọng từng cuộc gặp gỡ tình cờ:
Đi về làng xóm năm xưa

Viếng thăm người cũ người chưa quên người
(Đi về làng xóm)

Làng xóm ấy, những con người Quảng mộc mạc nghĩa tình ấy, như vẫn chờ dấu chân phiêu sau cuộc rong chơi buồn phiền mỏi mệt, nơi nhà thơ đã một lần rời xa để ra đi nuôi giấc mộng đời. Rồi vạn lần hẹn ngày về:

Non nửa thế kỷ xa quê
Mà chưa có dịp về quê một lần
Bảy mươi mốt tuổi tần ngần
Nước non Nam Việt chiếm gần trọn tim
Về Trung biết chốn nào tìm
Lại ngôi nhà cũ láng giềng đã qua?
Giật mình lúc chợt nghĩ ra
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi…
(Tâm sự)

Lời hẹn trở về sao mông lung xa vời cách biệt? Non nửa thế kỷ với biết bao điền hải thương tang, bão bùng dịu vợi và tử biệt sinh ly? Thôn nữ em ơi! Vùng yêu thương – em – má phấn hương đào nay đã mất, thì sá gì chút đèn màu phố thị trong lễ hội phù hoa?? Cõi trầm tư như đảo như điên gọi ai về đầu rú khe truông, la đà dừng đậu , rồi la đà vụt mất? Trong dòng lũ của hoài niệm mình, nhà thơ “nắm tay cô thôn nữ năm xưa, thung thăng rong chơi cùng những Heidegger, Hoelderlin, Saint-Exupéry… la đà bay qua những tháp chuông cổ kính rêu phong hai bên dòng sông Danube hay những vì sao rực rỡ trên dải Ngân Hà” (Nguyễn Hoàng Văn – Bùi Giáng, một vùng đất hẹp và một thế giới lớn).
Hoa, giá như cuộc đời không còn những cành lan, những đoá cúc, những mai vàng lấp loá trước sân mỗi độ mùa sang, như báo hiệu, như nũng nịu, như cười cợt, như đong đưa…thì còn gì nữa cho một câu thơ giản đơn mà thê thiết lắng hồn:

Mùa xuân em có về không?
Nhành mai cố quận trổ bông dịu dàng…

Câu hỏi ấy nghe có rưng rưng? Sao năm nay em không về cố quận, để có một người ra hiên ngóng vết thiên di? Vết thiên di của những chân trời lưu lạc tha phương, vẽ chằng chịt trên bầu không gió lộng, nay bỗng như tựu hội đủ đầy bên cành mai gầy đơm hoa lóng lánh tiết xuân khai… Cố quận? Cố quận! Là quê xưa. Là chốn cũ. Là nơi bước chân lưu lạc luôn mong ngóng bữa trở về, từ dạo ngút ngàn xa mãi những chân mây? Hay là cõi uyên nguyên thẳm sâu của mỗi sinh linh trên cuộc thế phiêu hoang? Một câu hỏi từ tốn dịu dàng, mà khơi biết bao nhiêu mùa gió lũ trong trái tim con người, về thời gian, không gian, huyết thống chôn nhau và khôn cùng kỉ niệm sơ đầu… Cố quận, là chỗ từ ấy ta ra đi, và cũng là nơi hẹn bữa trở về…?
Cố quận, chỉ giản đơn là cố hương, cố quốc, cố đô? Hay cố quận là tất thảy những gì đã lìa xa, xa mãi, để một hôm, nhìn ngó lại bằng một con mắt:

Vì con mắt một lần kia đã ngó
Giữa nhân gian bủa dựng một bầu trời
Đài vũ trụ hồn nhiên bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi…
(Ly Tao 2)

Hay:

Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

(nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mượn lời thơ ấy phổ thành một ca khúc của ông.)

Rốt ráo sau cùng của thơ người thi sĩ họ Bùi, là muôn vàn huyền nhiệm khôn cùng ẩn mật đằng sau cái nếp gấp của kỉ niệm. Kỷ niệm là nhớ về thời đã qua? Thời đã qua là thời nào? Hãy nghe ông nói: “…hai vũ trụ nhìn nhau trong một thế giới, một thế giới ngăn cách với nhau bằng một vực thẳm. Cái cốt lõi của vực thẳm là có thể vượt qua bằng một bước nhảy. Cốt lõi của bước nhảy là sự nguy hiểm… Ở đâu có sự nguy hiểm, ở đó có giải thoát… Ngôi nhà của tự thể không còn nữa. Kẻ chăn tự ngã, anh lính gác cửa hư vô đã bỏ rơi chúng ta. Ngôn ngữ của chúng ta bỗng trở nên lúng túng. Cái nếp gấp trong suốt không bộc lộ ra, vậy còn lại gì là cốt lõi …?”

Đất hoa khóc vĩnh biệt người
Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu (Lời Cố Quận)

Trung Niên Thi Sĩ đã mơ về giấc mơ kết nối Đông – Tây, giấc mơ nguyên hoang. Nơi cố quận ấy, phải chăng là Niết Bàn, nơi Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Jesu Chirist, Thích Ca, Heideigger, Hoelderlin, Nieztsche, Andre Gide, Anbert Camus, Kahlil Gibran… đang nắm tay nhau nhảy múa, ca khúc thênh thênh? Là Uyên Mặc? Hố Thẳm? Là Bình Minh Châu Thổ? Là Trăng Tỳ Hải? Là Sa Mù Khôi Nguyên? … Cũng không ai giải thích nổi, xin hãy bước vào bằng tâm linh xưa cũ, để nghe tiếng rì rầm của nhân gian ngàn kiếp, của loài vượn trong rừng sâu như thơ Tuệ Trung thượng sỹ:

Người đời chỉ thấy núi non xanh tốt
Mấy ai nghe tiếng vượn kêu trong rừng thẳm?

Hay như lời tự giới thiệu của René Char, thi sĩ Pháp:

Tôi nói từ cõi rất xa
Ngài nghe tôi nói nó ra thế nào?
(Je parle de si loin
Comment m’entendez-vous?)……

Thơ Bùi Giáng dẫn dắt ta qua đầu trời cuối biển, những vườn rộng song thưa, qua miên man đất trời cỏ cây hoa lá, qua bao miền sương đổ mưa giăng chơi vơi, qua bao nhịp luân chuyển chênh vênh của tháng ngày, đến những cõi vô cùng mà ta không sao chạm tới. Đọc Bùi Giáng, người ta cứ phải e sợ ngại ngần, bởi khó thể hội hết khối ngôn-ngữ-thơ-Bùi-Giáng. Và cũng bởi khi đã hiểu lại chẳng thể chia sẻ cùng ai, như trong truyện xưa một người chẳng thể trả lời câu hỏi của người khác khi đang ngậm cây ngang miệng giếng. Có cách giải thích nào khác thì ấy là vì ngại nói đến cái tuyệt bích. Tuyệt bích mãi mãi là khát khao, mà phải chăng khi chạm đến tuyệt bích cũng là sắp sửa của những mùa vỡ tan? Vỡ tan những chân trời viễn mộng. Viễn tượng. Khốn cùng thay! Những diệu vợi ẩn tàng vẫn nghiễm nhiên ẩn tàng diệu vợi. Trung Niên Thi Sĩ bỗng trở thành kẻ đứng trên tịch hạp chon von của tận cùng nhiệm màu vô ngôn. Để cô liêu lên chơi vơi giữa hai bờ Thực Aỏ phiêu linh Huyễn Mộng, và lòng riêng đăm đăm hướng vọng Đạm Nhiên thâm u trầm tịch:

Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Mộng xanh ngần giậy nối giấc em xưa
Ngó non nước giữa sớm chiều tư lự
Đón mơ màng về thổi gió lưa thưa
(Bờ Nước Cũ – Mưa Nguồn)

Mặc tất cả, với Bùi Giáng, chỉ cần:

Mai sau có dự hội nào
Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông…

Con người, dưòng như có một bi kịch, một triển hạn nào đó với sứ mạng trên trần gian. Sứ mạng chấm dứt, nghĩa là đến ngày về. Góp nhặt tháng ngày, như sẻ nâu nhặt thóc trên mái ngói những ngày đông giá, để chờ một mùa xuân – mùa xuân miên viễn tinh khôi, mùa xuân trường cửu vĩnh hằng của bà mẹ Phusis hiền hoà ngàn năm thắm mãi dư vang mưa nguồn…
Đốt phá hết cuộc đời, đốt phá hết khái niệm, ràng buộc, đốt phá sạch sành sanh ham muốn, cả những ước muốn đốt phá… mới thực sự là sống. Vạn điều khổ đau, đều khởi lên từ một ánh nhìn, một nghĩ suy. Hôm nay đốt tàn tro kỉ niệm, là để về tử tận ươm mầm tái sinh. Cánh thiên nga đã tắm trên dòng sông thế dương, để rồi vù bay giữa những chân trời xa mờ, tinh khôi thân xác mà dấu vết hiện diện có chăng là sóng nước lao xao, một bận, và yên lặng ngàn ngày… Bùi Giáng đã mất, hạc vàng đã về Bồng Lai, cuộc tắm táp giữa dòng, là để về non khơi xa khuất viễn phương, giấu lệ ngàn năm tuôn dài trên những vùng xa ngái…

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi gửi lại đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?

Chiếc lá ấy trả lời:

– Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân.
(Chào Nguyên Xuân)

Huyền Nguyên

(*) “Huyền Tẫn”: Huyền – nghĩa lý sâu thẳm. Tẫn – con thú giống cái. Từ này được hiểu là “Nguyên lý Mẹ” – cốt lõi tinh hoa Đạo Đức Kinh của Lão Tử.

Chân Không Diệu Hữu, Nguyễn Tường Bách


index

Nguyễn Tường Bách

Trong năm 2010 có hai biến cố đặc biệt thu hút sự chú ý của giới khoa học. Tháng 9.2010, nhà vật lý học lừng danh Stephen Hawking luận giải một cách chung cuộc rằng vũ trụ xuất phát từ chân không, vũ trụ phát sinh không cần đến một đấng sáng tạo. Tháng 12.2010, Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian NASA thông báo phát hiện của bà Felisa Wolfe-Simon, trong đó người ta tìm thấy một hình thái mới của sự sống, không giống với cấu trúc mà con người biết đến.

Hai biến cố khoa học này làm những ai quan tâm không thể không liên tưởng đến những luận đề cơ bản của Phật giáo trong vũ trụ và thế giới hiện tượng.

Trong tác phẩm mới xuất bản The Grand Design, nhà vật lý 68 tuổi Stephen Hawking viết rằng, các lý thuyết vật lý mới nhất cho thấy vũ trụ của chúng ta đã tự hình thành. Trước khi vũ trụ thành hình thì chỉ là một sự trống rỗng, nhưng tính sáng tạo nội tại trong cái “Không” đó đã hình thành vũ trụ. Hawking thấy “không cần thiết” phải có một Thượng đế, một đấng sáng tạo để tạo dựng nên vũ trụ.

Từ một tình trạng không có gì, phi thời gian không gian, không cần một nguyên nhân ngoại lai, có một sự bùng nổ, phát ra năng lượng và vật chất. Đó là hiệu ứng được mệnh danh là “hiệu ứng lượng tử”, xuất phát từ sự tăng giảm không đều của năng lượng. Nói tóm gọn, vũ trụ là kết quả của một sự sáng tạo mà không có người sáng tạo.

Với nhận thức này, Hawking đã từ chối có một đấng sáng tạo vũ trụ. Nhận thức này không dễ chấp nhận tại phương Tây, kể cả trong giới khoa học vật lý. Lý do không phải là các nhà vật lý kia tin mù quáng nơi một Thượng đế toàn năng mà họ có những lý lẽ hết sức vững chắc khác. Đó là thế giới của chúng ta quá kỳ diệu, rõ rệt là vũ trụ được cấu tạo dường như có chủ đích là sẽ có ý thức tồn tại trong đó. Người ta đã xác định một loạt các thông số trong Thái dương hệ và thấy rằng chỉ cần một thông số lệch đi một chút là đã không thể có đời sống loài người trên trái đất. Mặt trời chỉ cần lớn hơn một chút, thành phần của các hành tinh chỉ khác đi một chút, không có sự hiện diện của mặt trăng… là không thể có loài người. Xác suất để ý thức xuất hiện là quá nhỏ, gần như bằng không. Thế mà vẫn có ý thức cao cấp xuất hiện để chiêm nghiệm ngược lại về vũ trụ.

Một khi đã có một vũ trụ vân hành hoàn hảo như thế, khi có một sự sáng tạo tuyệt diệu thì cần phải có người sáng tạo có ý thức, hay phải có “Thượng đế”. Thế nhưng cũng chính các nhà khoa học theo quan niệm sáng tạo cũng phân vân, nếu có Thượng đế toàn năng thì làm sao lý giải được những cảnh tàn bạo, bất công trong thế giới của con người. Đó là một nan đề của môn bản thể học trong vật lý hiện đại.

Nhận thức của Hawking cho rằng vũ trụ xuất phát từ chân không bằng một sự vận động tự thể. Có sự sáng tạo nhưng không có người sáng tạo. Nhận thức này phần nào lý giải tính chất kỳ diệu của vũ trụ nhưng không dễ hiểu. Nó khó hiểu ở chỗ là nhận thức này từ chối một tự ngã làm chủ cho một hành động. Có hành động nhưng không có người hành động. Nhận thức này tuy xa lạ với phương Tây nhưng nó là một cách phát biểu của thuyết vô ngã trong đạo Phật.

Biến cố thứ hai trong năm 2010 là bài báo cáo của bà Felisa Wolfe-Simon1 (NASA Astrobiology Institude, USA) và cộng sự về một cái nhìn khác về hình thái của sự sống, nhân dịp khám phá một loại vi sinh vật được cấu tạo hoàn toàn khác với quan niệm hiện nay. Theo các lý thuyết sinh học hiện nay, mọi hình thái hữu cơ trên trái đất và cả ngoài trái đất chỉ được xây dựng với 6 nguyên tố: carbon, hydro, nitrogen, oxy, sulfur (lưu huỳnh) và phosphorus (phốt pho). Từ những tế bào giản đơn nhất, đơn bào, sống trong môi trường hiếm khí hay không có ánh sáng cho đến chủng loại cao cấp loài người đều chỉ gồm 6 nguyên tố đó mà thôi. Nay Wolfe-Simon chứng minh rằng đã có sinh vật không chứa phosphorus mà chứa arsenic (thạch tín).Với arsenic, vi sinh vật này cũng tăng trưởng tương tự như các vi sinh vật khác.

Phát hiện này xem ra không quan trọng trong đời sống bình thường, nhưng trong ngành sinh vật học địa cầu và ngoài địa cầu, nó gây “chấn động mãnh liệt”. Người ta bừng tỉnh thấy rằng lâu nay ngành sinh học quan niệm về sự sống một cách hạn hẹp, tự đưa ra hạn chế trong định nghĩa về hình thái của sự sống. Người ta thấy rằng phải từ bỏ hạn chế đó và cần tìm hiểu lại sự sống ngay trên trái đất này. Khi đó, với nghiên cứu về sự sống ngoài hành tinh, người ta hy vọng sẽ mở rộng hơn tầm nhìn và khám phá những hình thái sống không thể ngờ tới. Thực tế là arsenic hiện hữu nhiều trong những môi trường cực lạnh, “linh động” hơn phosphorus và vì vậy dễ sinh ra sự sống hơn. Do đó khi xem arsenic là một nguyên tố của sự sống hữu cơ, người ta có nhiều hy vọng hơn sẽ tìm thấy sự sống khác trong vũ trụ.

Bài báo cáo về vi sinh vật này tuy có tính chất rất chuyên môn nhưng thật ra đã tạo nên một niềm triển vọng và phấn khích mới. Đó là con người chỉ thấy rằng mình chỉ là một hình thái trong vô số hình thái của sự sống. Điều này làm ta nhớ tới khái niệm “Diệu hữu” trong đạo Phật. Sự tồn tại (hữu) là vô tận, số lượng của thế giới và của các loài sinh vật, từ đơn giản đến cao cấp, là vô tận. Có thể con người một ngày kia sẽ đến chỗ thừa nhận là sự sống có những hình thái hoàn toàn khác hẳn, không phải chỉ gồm 6 nguyên tố mà nhiều hơn hẳn. Cũng có thể người ta sẽ đến với nhận thức là tư tưởng và tình cảm cũng là một dạng của sự sống mà “thân” của chúng không phải là các yếu tố “vật chất” mà là những sóng tương tự như những sóng điện từ. Cuối cùng khi con người nhận thấy đời sống là nhất thể, và mọi hình thái của nó, từ vật chất đến phi vật chất, đều là những “pháp” vô ngã, vô thường, khi đó khoa học tạm gọi là sẽ đồng quy với Phật giáo.

Đồng chủ biên cuộc khảo cứu, giáo sư Paul Davies thuộc Arizona State University và Viện Sinh học Không gian của NASA, nói với BBC News2: “Vào lúc này chúng ta không biết sự sống chỉ là một tai nạn ngẫu nhiên xảy ra trên trái đất, hay đó là một phần của một tiến trình sinh hóa tự nhiên qua đó sự sống xuất hiện ở bất kỳ đâu có điều kiện trên trái đất”. Davies ủng hộ quan niệm “… sự sống xuất hiện ở bất kỳ đâu có điều kiện như trái đất” và điều này rất phù hợp với quan niệm Duyên khởi của đạo Phật, tức là cho rằng hễ có điều kiện như nhau thì sự sống phát sinh như nhau chứ một hiện tượng không thể xuất hiện “ngẫu nhiên” một lần rồi thôi.

Hai biến cố kể trên, một bên thuộc phạm vi vật lý lý thuyết, bên kia của vi sinh vật, có một ý nghĩa thú vị ở đây. Nhận thức của Hawking trùng hợp với thuyết “Chân không” và Vô ngã, còn phát hiện của Wolfe-Simon làm ta liên tưởng đến tính “Diệu hữu” và duyên khởi của đạo Phật.

Chân không-Diệu hữu vốn là vấn đề của vũ trụ quan của Phật giáo. Theo đó, mọi hiện tượng đều xuất phát một cách nội tại từ “Không”, không do tác nhân bên ngoài. Chúng xuất hiện trong thế gian và tuân thủ nguyên lý Duyên khởi, đủ điều kiện thì sinh, đủ điều kiện thì diệt. Các hiện tượng đó không ai làm chủ nhân, chúng làm tiền đề cho nhau để sinh và diệt. Khi sinh thì sinh từ chân không, khi diệt thì không còn chút bóng hình lưu lại. Các hiện tượng, mà trong đạo Phật gọi là “pháp”, không chịu sự hạn chế nào cả, không có ai lèo lái chúng cả. Khi đủ điều kiện thì mọi hình thái của sự sống đều khả dĩ, khả năng xuất hiện của chúng là vô tận, “bất khả tư nghì”. Diệu hữu bao trùm mọi hiện tượng, vật lý cũng như tâm lý, nằm ngoài khả năng suy luận của con người chúng ta. Cụ thể, khi nói về con người thì đó là một tổng thể gồm hai mặt tâm lý và vật lý với năm yếu tố mà ta gọi là Ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức). Năm yếu tố đó vận hành vô chủ.

Những phát hiện của khoa học làm chúng ta kinh ngạc về tri kiến của Phật và các vị Tổ. Các vị đã phát hiện những quy luật của vũ trụ không bằng phép nghiên cứu thực nghiệm mà bằng trực giác trong một dạng tâm thức phi thường của thiền định. Qua thời gian, thực tế cho thấy các phát hiện của khoa học không hề bác bỏ vũ trụ quan Phật giáo mà ngược lại, chúng trùng hợp một cách kỳ lạ. Tuy nhiên chúng ta cần tránh một thái độ, đó là xem khoa học như thước đo đúng sai đối với nhận thức luận Phật giáo. Lý do là Phật giáo chủ yếu nhận thức về hoạt động của tâm, trong lúc khoa học vật lý hay sinh học thiên về vật chất. Tất nhiên Phật giáo xem tâm-vật nằm chung trong một thể thống nhất và mặt khác, khoa học vật lý hiện đại cũng phải thừa nhận vai trò của người quan sát (tức là vai trò của tâm) trong mọi thí nghiệm. Nhưng phải nói phạm vi nhận thức giữa khoa học và Phật giáo rất khác nhau. Một điều mà ta không quên nữa là Phật giáo nhận thức thế giới với mục đích thoát khổ, thoát khỏi sự ràng buộc của nó bằng các phương pháp tu dưỡng tâm. Còn nhà vật lý hay sinh học chỉ nhận lại ở sự nhận thức. Vì vậy, khi so sánh Phật giáo và khoa học, tuy có nhiều thú vị và hứng khởi, ta cần biết giới hạn của nó.

Chân không-Diệu hữu là một chìa khóa để hiểu nhận thức luận về bản thể và hiện tượng của Phật giáo. Vì mọi hiện tượng xuất phát từ “Không” nên nó không có một bản chất trường tồn và riêng biệt, đó là thuyết Vô ngã. Chỉ có Ngũ uẩn đang vận hành, không có người vận hành chúng. Tương tự, Hawking cho rằng có sự sáng tạo nhưng không có ai sáng tạo cả. Thuyết Vô ngã khó hiểu cho những ai mới làm quen với đạo Phật. Cũng thế, vũ trụ tự sáng tạo và sáng tạo một cách tuyệt diệu, nhưng không có đấng sáng tạo. Đó là điều cũng khó hiểu cho nhiều người phương Tây.

Hawking chứng minh vũ trụ xuất phát từ cái “Không”, ông bác bỏ sự cần thiết của một Thượng đế nhưng có lẽ ông không biết “Không” là gì. Là một nhà vật lý, ông khó có thể biết hơn. Thế nhưng lại đến phiên ta kinh ngạc về khoa học vật lý. Dù tự hạn chế mình trong lĩnh vực vật chất, vật lý đã đi đến tận cùng biên giới của vật chất, gõ cửa ngành bản thể học và gần như chạm đến “chân lý tuyệt đối” của đạo Phật. Vị trí của Hawking làm ta nghĩ đến luận sư Long Thọ, cả hai vị đều cho rằng “Không” là nguồn gốc của muôn vật, nhưng cả hai đến từ hai chân trời khác nhau.

Phật và các vị Tổ Phật giáo biết “Không” là gì bằng trực quan nhưng không miêu tả nhận biết của mình.Tính Không thuộc về một lĩnh vực mà ngôn ngữ không diễn bày được. Cũng như thế trong vật lý lượng tử, người ta thấy ngôn ngữ và cách suy luận thông thường không còn thích hợp. Giữa Phật giáo và khoa học, sự trùng hợp rất lớn mà sự khác biệt cũng rất lớn.

Nhà vật lý tin rằng có một vụ “nổ ban đầu” (Big Bang) cách đây khoảng 14 tỉ năm để sinh ra vũ trụ vật lý. Thiền giả thấy có một sự “bùng nổ” trong tâm xảy ra trong từng sát-na. Đó là cách nói gọn nhất về sự khác biệt giữa Phật giáo và khoa học.

Nguyễn Tường Bách

17-chot-thay

Năm 1948: Sinh ra tại TP Huế.
Năm 1967 – 1971: Du học Đức ngành xây dựng.
Năm 1975 – 1979: Nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành vật lý ĐH Stuttgart.
Năm 1979 – 1992: Giám đốc kinh doanh tập đoàn ABB chuyên sản xuất từ thiết bị phát điện.
Năm 1992 – đầu 2008: Giám đốc điều hành một công ty thương mại chuyên xuất khẩu các thiết bị công nghiệp.
– Tác phẩm dịch: Con đường mây trắng, Đạo của vật lý, Đối diện cuộc đời, Sư tử tuyết bờm xanh.
– Tác phẩm: Đêm qua sân trước một cành mai, Lưới trời ai dệt, Mùi hương trầm, Về một bức tranh của Phật Thích Ca,Sự sống là thiêng liêng, Chân Không Diệu Hữu … v..v..

Nguyễn Du và Kinh Kim Cang, Phan Đông Bích


Phan Đông Bích

(Phan Quang Việt)

25157509565_451f171be0_z

 Nói ra là bị kẹt
Không nói cũng không xong
Vì anh đưa một nét
Đầu núi ánh dương hồng.
(Thiền Sư Chân Nguyên, Việt Nam, thế kỷ 17)


1. Sơ lược tiểu sử

Nguyễn Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quán tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, con thứ bảy Cụ Hoàng Giáp Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm. Thân phụ Ông thi đỗ tiến sĩ và làm quan đến chức Tể Tướng thời Lê-Trịnh. Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765) ở phường Bích Câu, thành Thăng Long (sau này là Hà Nội), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 đời nhà Lê, khi thân phụ đang làm Tể Tướng. Nguyễn Du đỗ tam trường thi Hương khi 19 tuổi, là người học rộng, tinh thông cả Phật học và sành các môn thi họa.

Thân phụ Nguyễn Nghiễm qua đời lúc Nguyễn Du mới 10 tuổi (1775) và thân mẫu của Nguyễn Du là Bà Trần Thị Tần (1740-1778, sinh quán ở tỉnh Bắc Ninh) mất sớm lúc Nguyễn Du 13 tuổi nên Nguyễn Du về sống với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản (hơn Nguyễn Du 31 tuổi, Hồng Lĩnh Hầu Nguyễn Khản, trấn thủ Sơn Tây-Hưng Hóa, làm quan Tả Tư Giảng cho thế tử Trịnh Tông) nuôi dưỡng và cho ăn học. (2) (‘Trích giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du,’ Giáo Sư Hồ Đình Chữ, Việt Luận xuất bản, Sydney, 1996). Năm 1784, vì đỗ thấp, Nguyễn Du chỉ được thế chân người cha nuôi họ Hà vừa mới mất, làm một chức quan võ ở Thái Nguyên. (2) (sách đã dẫn, trang 5)

Trong suốt mười năm từ 1786-1795, Nguyễn Du lưu lạc ở quê vợ ở Thái Bình. Trong những năm 1796-1802, Nguyễn Du lui về ẩn cư ở quê nhà ở Tiên Điền, Hà Tĩnh, mặc dù sống rất nghèo nhưng an nhiên, tự tại vì Nguyễn Du đọc kinh Phật, tu học thiền để tìm đạo giải thoát. Năm Gia Long nguyên niên (1802), Nguyễn Du được triệu ra làm quan, bắt đầu là Tri Huyện Phụ Dực, Thái Bình; ít lâu sau làm Tri Phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Đông). Năm 1805, Nguyễn Du đã được phong tước là Du Đức Hầu. Sau đó Nguyễn Du cáo bệnh xin lui về quê.

Năm Gia Long thứ 5 (1806), Nguyễn Du được triệu vào kinh đô Huế giữ chức Đông Các Học Sĩ; năm 1809, làm Bố Chính tỉnh Quảng Bình. Tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ, rồi có chỉ sai làm Chính Sứ tuế cống đi Trung Hoa và tháng 4 năm Giáp Tuất (1814) ông trở về Kinh được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Nguyễn Du sắp sửa đi sứ Trung Hoa lần nữa, nhưng bị bệnh mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, thọ 56 tuổi. Thi văn chữ Hán của Nguyễn Du để lại gồm Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Bắc Hành Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, Lê Quí Kỷ Sự.

Về thơ Nôm, Nguyễn Du lưu lại trong kho tàng văn học Việt Nam thiên trường thi bất hủ Đoạn Trường Tân Thanh (ĐTTT), được truyền tụng trong dân gian và được liệt vào tài liệu giáo khoa dạy ở bậc trung học. ĐTTT là áng văn chương tuyệt tác, viết theo thể thơ lục bát gồm 3254 câu, dài nhất trong các tác phẩm xưa nay. Ngoài ra, bài thơ chữ Nôm ‘Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh’ là một ngâm khúc gồm có 184 câu theo thể song thất lục bát, trong đó chứa đựng tấm lòng từ bi của người Phật tử Nguyễn Du đối với cảnh khổ của muôn vạn sinh linh, cũng là một tác phẩm giá trị được nhiều học giả nghiên cứu, trích giảng.

indexttt55

2. Hai thời kỳ lưu lạc (1786 – 1795) và ẩn cư (1795 – 1802) của Nguyễn Du

Từ trước tới nay, các nhà biên khảo văn học thường bàn luận nhiều về Nguyễn Du và tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, mà ít khi nói tới hai giai đoạn quan trọng trong đời Nguyễn Du là thời kỳ sống lưu lạc ở quê vợ và việc lui về ẩn cư ở quê nhà và trong thời gian này Nguyễn Du nghiên cứu kinh điển Phật giáo, tu học thiền tông để rồi hơn mười năm sau Nguyễn Du đã chứng ngộ khi đi sứ sang Trung Hoa (1813 – 1814) (sẽ trình bày rõ thêm trong những phần sau của bài viết).

2.1 Thời kỳ lưu lạc từ 1786 – 1795

Trong suốt mười năm, Nguyễn Du lưu lạc ở quê vợ ở Thái Bình, và Ông đã viết: ‘Thập tải phong trần khứ quốc xa’ (xin tạm chuyển sang tiếng Việt: ‘Mười năm gió bụi cách xa quê’) vì hai lý do sau: (i) năm 1784,kiêu binh nổi dậy kéo đến nhà Nguyễn Khản,Ông trốn được lên Sơn Tây ‘rồi về Hà Tĩnh,nhưng dinh cơ ở Thăng Long đều bị phá sạch, (ii) người anh khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh, con của bà trắc thất Nguyễn ‘Thị Xuyên, chống lại Tây Sơn nên bị giết, và cũng vì vậy mà Tây Sơn phá hết dinh cơ ‘của họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Trong bài thơ Quỳnh Hải Nguyên Tiêu có câu: ‘Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán’ (Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác) cho ta thấy được lý do Nguyễn Du phải ‘về sống ở quê vợ.’ Suốt mười năm, Nguyễn Du sống ăn nhờ ở đậu, đau ốm liên miên, nghèo khổ không có ‘tiền mua thuốc, trôi nổi nay đây mai đó, túng quẫn bi thương… Trong những bài thơ Xuân Nhật Ngẫu Hứng, Tự Thán, Bất Mị, Sơn Cư Mạn Hứng, U Cư,… ta ‘bắt gặp được rất nhiều ý tình về cảnh sống xa quê hương, sầu thời thế, nghèo khổ, lưu lạc, ‘tan tác …’ (2) (sách đã dẫn, trang 2-9).

2.2 Thời kỳ ẩn cư từ 1795 – 1802

Năm 1796, Nguyễn Du định rời Hà Tĩnh để vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh nên bị tướng Nguyễn Thận của nhà Tây Sơn bắt giam. Nhưng Nguyễn Thận đã tha cho Nguyễn Du vì nể tình bạn với Nguyễn Nễ, anh của Nguyễn Du. Sau đó Nguyễn Du lui về ẩn cư ở quê nhà. Sách có ghi là Nguyễn Du theo gót La Sơn Phu Tử (9) đi ngao du sơn thủy, đi khắp cả vùng 99 ngọn núi Hồng Lĩnh, dãy núi vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, cách quê của Nguyễn Du khoảng 10 cây số. Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền chép ®g trở về, lấy cảnh núi sông làm vui, tự gọi mình là Hồng Sơn Liệp Hộ (người săn bắn núi Hồng) và Nam Hải Điếu Đồ’ (người chài lưới biển Nam).

Về nhân vật lịch sử La Sơn Phu Tử, theo Trần Trọng Kim, là: ®g Nguyễn Thiệp, tự là Khải Chuyên, hiệu là Nguyệt Úc, biệt hiệu là Hạnh Am. Ông làm nhà ở Lục Niên Thành, thuộc huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, cho nên người ta gọi là Lục Niên tiên sinh hay là La Sơn Phu Tử. Vua Quang Trung từ khi đem quân ra đánh Bắc Hà, biết tiếng Nguyễn Thiệp, đã mấy lần cho người đem lễ vật mời ông ra giúp, ông không nhận lễ và cũng từ chối không ra. Đến khi Ngài đã đăng cực, lại mấy lần cho người đón mời ông, ông có đến bái yết và khuyên vua nên lấy nhân nghĩa mà trị dân trị nước, rồi lại xin về. Vua Quang Trung tuy không dùng được ông, nhưng bao giờ cũng tôn kính ông như bậc thầy, và việc chính trị trong nước thường theo ý nghĩa của ông đã trình bày.’ (9) (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển 2, Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn 1971, trang 140-141).

2.2.1 Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy là tiên sinh đã chán ngán việc học hành,kiến thức thế gian tầm thường ‘Suốt đời thơ phú ròng vô bổ, Đầy giá sách đàn chất mãi ngu.’ trong bài thơ sau:

Mạn Hứng

Long Vĩ châu biên đa bạch âu,
Lam Giang đường thượng hữu hàn nho.
Nhất sinh từ phú tri vô ích,
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu.
Bách tuế vi nhân bì thuấn tức,
Mộ niên hành lạc tích tu du.
Ninh tri dị nhật tây lăng hạ,
Năng ẩm trùng dương nhất trích vô.
(Long Vĩ bờ bên một đám cò,
Sông Lam trên bến bác hàn nho.
Suốt đời thơ phú ròng vô bổ,
Đầy giá sách đàn chất mãi ngu.
Cuộc sống trăm năm coi mấy chốc,
Chuyện vui tuổi cả tiếc từng giờ.
Phiá tây bãi cỏ khi nằm xuống,
Chén rượu trùng dương ai tưới cho.)

(Nguyễn Vũ My và Trần Thanh Mại dịch) (2) (sách đã dẫn, trang 10-11)

2.2.2 Từ những chán ngán cái học tầm thường của thế gian, Nguyễn Du đã tìm đọc kinh điển Phật (nhất là kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật) và học tu thiền nên dù sống nghèo mà lòng vẫn an nhiên tự tại để ‘Lá rơi hoa nở việc trước mắt, Tâm trạng quanh năm vẫn nhẹ nhàng,’ hay là ‘Đạt sĩ, cõi lòng trăng sáng tỏ, Cao nhân, trước cửa núi bao la’ như trong hai bài thơ sau:

Tạp Thi II

Hồng Sơn nhất sắc lâm bình cừ
Thanh tịch khả vi hàn sĩ cư.
Thiên lý bạch vân sinh kỷ tịch,
Nhất song minh nguyệt thướng cầm thư.
Tiếu đề tuẩn tục can qua tế,
Giam mặc tàng sinh lão bệnh dư.
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự,
Tứ thời tâm kính tự như như.
(Trên giải non Hồng dưới làn nước
Nho nghèo ở đó cũng thanh nhàn
Nghìn tầm mây bạc quanh giường chiếu,
Một mảnh trăng trong giọi sách đàn.
Cười khóc theo đời qua buổi loạn,
Trầm tiềm giữ miệng dưỡng thân tàn.
Lá rơi hoa nở việc trước mắt,
Tâm trạng quanh năm vẫn nhẹ nhàng.)

Tạp Ngâm II

Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian,
U cư sầu cực hốt tri hoan.
Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt,
Xử sĩ môn tiền thanh giả san.
Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt,
Đăng tiền đẩu tửu khởi suy nhan.
Táo đầu chung nhật vô yên hỏa
Song ngoại hoàng hoa tú khả xan.
(Đầu sông Long Vĩ một gian nhà,
Ở ẩn buồn teo bỗng thú a !
Đạt sĩ, cõi lòng trăng sáng tỏ,
Cao nhân, trước cửa núi bao la.
Sách chồng cạnh gối đỡ thân mệt,
Rượu nhắp bên đèn đổi sắc da.
Trong bếp suốt ngày không khói lửa,
Ngoài song no với khóm hoàng hoa.)

(Nguyễn Vũ My và Trần Thanh Mại dịch) (2) (sách đã dẫn, trang 10-11)

2.2.3 Nhờ thực hành sâu xa Trí Tuệ Bát-nhã của kinh Kim Cương, Nguyễn Du quán xét tất cả các pháp hữu vi đều không có tự tánh, vô thường sinh diệt. Vì buông xả các pháp và vọng tưởng nên Nguyễn Du cho chúng ta thấy tiên sinh đã ‘hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm’ của mình qua bài thơ ‘Đạo Ý’sau đây: (2) (bài thơ trong sách đã dẫn, trang 27-28)

Đạo Ý

Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thủy vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả
Thử tâm chung bất dao
Túng bị nhân khiên xả
Nhất dao hoàn phục chỉ.
Trạm trạm nhất phiến tâm,
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.
(Trăng sáng giọi giếng xưa,
Nước giếng không gợn sóng.
Không ai người khuấy lên
Lòng này không xao động.
Dù ai người khuấy lên
Động qua lặng rất chóng.
Trong vắt một tấm lòng,
Giếng xưa trăng giọi bóng.)

2.2.4 Khi tâm an trụ không dính mắc 6 trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nên tâm như như chẳng động. Chúng ta hãy đọc bài thơ ‘Đề Tam Thanh Động’ của Nguyễn Du để hiểu rõ ‘tâm’ của thi hào Tố Như ‘thường định không rời cảnh thiền’ vì Nguyễn Du đã đọc và hiểu kinh Kim Cương nên không còn chấp vào ‘ngã tướng,’ ‘nhân tướng,’ ‘chúng sinh tướng’ và ‘thọ giả tướng’ nên quán sát tất cả các cảnh giới đều không có tướng (vô tướng) (‘Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,’ Khắp cảnh giới đều trống rỗng thì làm gì còn sắc tướng):

Đề Tam Thanh Động

Vạn ban thủy thạch thiện đại xảo,
Nhất lạp kiền khôn khai tiểu thiên,
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,
Thử tâm thường định bất ly thiền.

Ngàn muôn thứ nào đá,nào nước, xếp đặt tự nhiên,nghệ thuật rất khéo,
Một hạt nhỏ trời đất mở ra một thế giới nhỏ nữa,
Khắp cảnh giới đều trống rỗng thì làm gì còn sắc tướng,
Lòng này thường định không rời cảnh thiền.

(Bài dịch của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Xuân Thu, trang 173).

2.3 Sau này khi đi sứ sang Trung Hoa (1813 – 1814), Nguyễn Du đã viết trong bài thơ ‘Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài’ và cho ta thấy Nguyễn Du đã đọc kinh Kim Cương hàng ngàn lần trong những năm Nguyễn Du ở ẩn nơi quê nhà:

‘… Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh;
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ,
Chung tri: vô tự thị chân kinh.’

Bài dịch của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục:

‘… Tấm gương trong không phải thật có đài gương,
Cây Bồ Đề cũng không phải cây thật.
Ta đọc kinh Kim Cương có hơn ngàn lần,
Ý nghĩa uyên thâm trong ấy phần nhiều không hiểu;
Tới nay đến dưới đài Phân Kinh này,
Mới biết rằng kinh không chữ mới thật là chân kinh.’

(4) (Nguyễn Đăng Thục, Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Xuân Thu, trang 173)

rt4tr4tr4r3

Chúng ta ai cũng biết là kinh Kim Cương là kinh thường tụng đọc hằng ngày trong Thiền tông và những ai học và thực hành thiền đều đọc kinh này vì Đức Phật đã dạy ông Tu Bồ Đề trong kinh này:

Nếu lại có người nào đối với kinh này, lãnh thọ và hành trì được, cho chí đến bốn câu kệ, và lại đem nói cho người nghe mà làm, thì lại phúc hơn người kia. Vì cớ gì vậy? – Này ông Tu Bồ Đề, hết thảy chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Anuttara Samyak Sambodhi, tiếng Hán chuyển âm là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề) của chư Phật, cũng đều bởi kinh này mà ra. Ông Tu Bồ Đề, cái pháp ta gọi là Phật pháp đó, tức không phải là Phật pháp.’ (3) (Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, phận thứ 8, ‘Y pháp xuất sinh’Nương theo pháp mà sinh ra, Thiều Chửu dịch và giảng giải, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, xuất bản năm 1984, trang 47-49).

Chúng ta có thể hiểu là Nguyễn Du học Phật và tu theo Thiền tông trong thời gian ở ẩn nơi quê nhà và Nguyễn Du cũng đọc cả ‘Pháp Bảo Đàn Kinh’ của Lục Tổ Huệ Năng khi tiên sinh đã trích dẫn hai câu trong bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng:

Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.

(Gương sáng cũng không đài
Bồ đề chẳng có thân.)

3. Vào những năm cuối của đời mình, Cụ Vũ Khắc Khoan (sinh ngày 27 tháng 2 năm 1917 tại Hà Nội và qua đời ngày 12 tháng 9 năm 1986 tại Minnesota, Hoa Kỳ) đã đọc và nghiên cứu kinh Phật do đó trong tác phẩm ‘Đọc Kinh’ Cụ Vũ Khắc Khoan đã có viết về Nguyễn Du, tác giả của tuyệt tác Đoạn Trường Tân Thanh, như sau:

Khoảng đầu thế kỷ thứ 19, nhân một chuyến đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du có dịp đến tham Phân Kinh Thạch Đài. Bấy giờ – trên 1,000 năm đã qua – đá đài Phân Kinh đã mòn. Rêu leo xanh mái, mưa cũ đọng chân tường, cỏ dại lấp lối đi, hoang vu hun hút hành lang vắng lặng. Trời ngả vào chiều. Nắng quái lung linh vách đá. Đâu rồi những vết kinh xưa. Lăng Già, Viên Giác, Bát Nhã, Kim Cương. Kim Cương… Ngã độc Kim Cương thiên biến linh.’

Tôi nghe như vầy: Một hôm tại nước Xá Vệ, Phật và 1250 vị Đại Tỳ Kheo đều ở tịnh xá Kỳ Hoàn, trong vườn của thái tử Kỳ Đà và ông trưởng giả Cấp Cô Độc. Sắp đến giờ ngọ trai, Phật và chúng tăng đều đắp y, mang bình bát vào thành Xá Vệ, theo thứ lớp khất thực. Khất thực xong, Phật và chúng tăng đồng về tịnh xá để thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Phật xếp y, cất bình bát và rửa chân, rồi trải tọa cụ, ngồi yên tịnh. Khi đó, ở trong đại chúng, ông trưởng lão Tu Bồ Đề đứng dậy, vén tay áo bên hữu, gối bên hữu quỳ xuống, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: – Hy hữu thay, đức Thế Tôn! Ngài thường nhớ nghĩ và bảo hộ các vị Bồ Tát, Ngài rất hay khéo dạy bảo các vị Bồ Tát. Bạch Thế Tôn, nếu có người phát tâm Bồ Đề muốn cầu quả Phật, thì:

Làm sao hàng phục vọng tâm?
Làm sao an trụ chân tâm? …’

(Kinh Kim Cương, phận Pháp Hội Nhân Do,và phận Ngài Tu Bồ Đề (Subhuti) thỉnh cầu Phật thuyết pháp).

‘Hàng phục vọng tâm, an trụ chân tâm, hai niềm thắc mắc không riêng của ông Tu Bồ Đề, mà của toàn thể đại chúng thuở đó, của chúng ta hôm nay, của Nguyễn Du, riêng Nguyễn Du một mình.

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh 1,000 lần, hai niềm thắc mắc đó đặt ra. Và biết bao nhiêu lần nữa, khi cuốn kinh gấp lại? Đôi khi, từ những ngôn từ tường-đồng-vách-sắt dựng lên trong kinh nghe cũng có vọng ra bên ngoài, lọt vào tâm thức Nguyễn Du một chút gì – như vậy, như vậy – tạm gọi là nghĩa của kinh. Nhưng nghĩa đó chắc đâu đã là ý của người nói kinh? Ý của đức Thế Tôn năm xưa đâu phải chỉ là như vậy, như vậy?

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Lần thứ 1,000 lẻ một, không có kinh.
Chỉ có nắng chiều và đá tảng.
Nắng dợn trên đá phân kinh.
Và đá và nắng bỗng nhiên hội duyên nói pháp.

…. Thuở đó, xa rồi.
Chấm dứt.
Giờ đây nắng tắt, đá mòn.
Giờ đây chỉ còn một chút chập chờn.

Trong đêm nghe như đã bắt đầu, lời kinh âm u như vọng như chân, nghĩa kinh ẩn ẩn hiện hiện, ánh lửa chài le lói bên sông lạ, ý kinh tuyệt mù trong mộng và huyễn, là bọt nước mặt hồ trong cơn mưa ngâu, giọt sương chiều đọng lại, giọt sương mai tan đi. Vừa kịp thấy đó, chớp mắt không còn, mới nghe vang lên đã chìm vào sâu lặng, hay, rồi lại lãng đãng, nhạt nhòe, biết mà nói lên thì bất … khả thuyết. Thấy-nghe-hay-biết chỉ là chập chờn cánh con bướm trắng trên luống cải xanh. Hay chỉ là một niệm khởi lên chập chờn sương khói, Nguyễn Du đã lọt vào một khoảng mù khơi tịch mịch?

Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Bài Phân Kinh Thạch Đài giữa lòng đá vắng lặng không là một thú nhận nỗi bất lực của riêng Nguyễn Du trước những trang Kim Cương. Bài ký Phân Kinh là một thú nhận nỗi bất lực của ngôn từ và văn tự con người khi muốn nắm bắt cái chập chờn 鯠chỉ’ của cõi vô ngôn đó, bất khả tư nghì. Tôi gắng nhớ lại bài thơ, lõm bõm. Dừng lại ở hai câu:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Khá lâu. Bâng khuâng nghĩ đến niềm khắc khoải của người xưa tầm đạo. Làm sao hàng phục vọng tâm? Làm sao an trụ chân tâm?

Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mà trong mờ ảo như gần như xa

Như gần như xa nhưng vẫn ở đó, câu trả lời vẫn ở đó, nơi vườn Kỳ Thọ. Và bây giờ, vượt khỏi ngôn từ và văn tự, giữa Kim Lăng, vọng ra từ kẽ đá phân kinh, mờ mờ ảo ảo, như gần như xa, có mà không, không nhưng có, như mộng như ảo, như bọt nổi trên mặt nước, như chớp biển ngoài khơi, như bóng hình lãng đãng trong gương, như giọt sương đêm đọng lại, như giọt sương mai tan đi trên đầu ngọn cỏ, câu trả lời vẫn ở đó, câu trả lời đến thẳng với Nguyễn Du, trong hoang vu Phân Kinh Thạch Đài.

Này Tu Bồ Dề. Hãy nghe lời đá, lời đá nói rằng:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán

Tất cả, cái gì gọi lên cũng chỉ là tạm gọi. Ngay cả hai chữ Kim Cương. Như lai nói Kim Cương tức không phải Kim Cương, thế mới gọi là Kim Cương.’ (1) (Đọc Kinh, Vũ Khắc Khoan, viết năm 1984, Bà Vũ Khắc Khoan tại Hoa Kỳ và An Tiêm xuất bản, 1988, trang 22 – 26). Khi Vũ Khắc Khoan viết quyển ‘Đọc Kinh’ thì Ông chỉ trích dẫn có hai câu gần cuối bài thơ ‘Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài’ của Nguyễn Du.

4. Bốn câu kệ dẫn ở trên là bốn câu kệ lấy từ phận thứ 32 của Kinh Kim Cương ‘ng Hóa Phi Chân’ (ng cơ hiện thân hóa độ không phải là thật) mà Cụ Thiều Chửu đã chuyển sang tiếng Việt như sau: (3) (sách đã dẫn, trang 103-104)

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán
(Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn, bọt, bóng
Như móc, cũng như chớp
Nên coi như thế này)

Cụ Uyên Như Thiền trong bài ‘Vài lời giới thiệu Kinh Kim Cương’ đã giới thiệu bốn câu cuối của bài thơ Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài của Nguyễn Du và đã viết: ‘Ai cũng biết tác giả truyện Kim Vân Kiều là Cụ Nguyễn Du, nhưng nào có ai ngờ chính Cụ là nhà Phật học thâm thuý về Đại Thừa cho nên Cụ đã có làm bài thơ như sau:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài thị
Chung tri: vô tự thị chân kinh.

Đại ý nói rằng: Cụ đã tụng Kinh Kim Cương hơn cả nghìn lần mà chưa giác ngộ, sau đến Phẩm Thạch Đài, Cụ mới giác ngộ mà hiểu rằng Kinh thiệt là cuốn Kinh không có một chữ nào. Thảo nào thế nên Cụ đã lồng tư tưởng Phật Giáo vào truyện Kiều mà ít ai lưu ý.’ (3) (Vài lời giới thiệu Kinh Kim Cương, sách đã dẫn, trang 13). Cụ Uyên Như Thiền đã hiểu Nguyễn Du sâu sắc nhưng Cụ chỉ lầm một điểm duy nhất khi viết về ‘Phẩm Thạch Đài’ như trên vì trong Kinh Kim Cương (tất cả có 32 phận) không có phận nào tên là Phẩm Thạch Đài.

tthnn

Theo Cụ Thiều Chửu, dịch giả của quyển Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật (VAJRACCHEDIK PRAJNA PARAMITA) thì:’Kinh này nguyên không có chia ra chương mục gì cả, sau ngài Chiêu Minh Thái Tử nhà Lương chia làm 32 phận. Song, tuy chia làm 32 phận, mà nghĩa văn thì vẫn một mạch liên quán nhau, không thể cắt đứt từng đoạn được. Chia ra từng phận cho người mới học dễ nhớ mà thôi, còn người học tinh thì phải nghiên cứu cho tinh mà dung hóa cả làm một mới có thể hiểu được.’ (3) (sách đã dẫn, trang 27).

5. Cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm trong bài khảo luận công phu ‘Lời Bạt: Đầu năm Quý Dậu 1813 Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc’ đã viết (bài này in trong ‘Trích giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du,’ Giáo Sư Hồ Đình Chữ, Việt Luận xuất bản, Sydney, 1996, trang 305-329) (2):

Từ trước tới nay, các nhà biên khảo văn học thường bàn luận nhiều về Nguyễn Du và Truyện Kiều, mà ít khi nói tới một trạng thái khác trong đời Cụ là việc đi Sứ sang Trung Quốc.’ (2)

Về việc Nguyễn Du đi sứ, Gia phả chép: ‘Tháng Hai năm Quý Dậu (1813), ông được thăng hàm Cần Chính Điện Học Sĩ, rồi có chỉ sai làm Chính Sứ tuế cống, cùng với các ông Phó Sứ là Đàm Ân Hầu, Thiêm Sự bộ Lại, và Phong Đăng Hầu, Thiêm Sự bộ Lễ, đi sứ Trung Quốc. Tháng tư năm Giáp Tuất (1814) ông trở về Kinh.’ (2) (sách đã dẫn, trang 315).

Nguyễn Du về Kinh để phúc trình sứ mạng lên nhà vua, đồng thời mang về nhiều quý thư dị vật. Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, ngoài bản phúc trình thường lệ, Nguyễn Du còn sáng tác Bắc Hành Thi TậpThuý Kiều Truyện. (Vưu trường ư thi, thiên quốc âm, Thanh sứ hoàn dĩ Bắc Hành Thi Tập cập Thuý Kiều Truyện hành thế). (2)

‘Nguyễn Du đã tìm cách viếng thăm hầu hết những danh lam thắng cảnh, di tích văn chương và lịch sử, đền đài, lăng tẩm, miếu điện liên hệ những danh nhân, anh hùng, liệt nữ, nữ lưu mà Cụ đặc biệt có nhiều cảm tình nhất, như hai Bà Nữ Anh và Nga Hoàng mà vua Nghiêu đã gả cho vua Thuấn.’ (2)

‘Trên đường châu du Trung Quốc, Nguyễn Du đã viếng thăm miếu điện, đền đài, lăng mộ của hầu hết những danh nhân kỳ nữ nước bạn, mỗi nơi đều có cảm tác một vài bài thơ diễn tả tâm tình, cảm giác, và phê phán công minh, khen chê đúng mức. Nguyễn Du đã nhắc tới Mã Viện, Hoàng Sào, hai bà vợ vua Thuấn, Dương Quý Phi, Triệu Vũ Đế, Thái Văn Cơ, Trương Thị, Vi Ưng Vật, Tam Tạng Trần Huyền Trang, Liễu Tôn Nguyên, Khuất Nguyên, Giả Nghị, Đỗ Phủ mà Tiên Điền đặc biệt hâm mộ và tôn trọng như bậc thầy.’ (2)

Cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm trong bài khảo luận cũng đã trích dẫn nhiều bài thơ trong tác phẩm Bắc Hành Thi Tập mà Nguyễn Du đã sáng tác suốt trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc, nhưng tiếc thay Cụ Thái Văn Kiểm đã không trích dẫn bài thơ quan trọng của Nguyễn Du khi Người đến viếng cảnh hoang tàn đổ nát của một di tích lịch sử Trung Quốc: Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài.

Nhưng Lương Chiêu Minh Thái Tử là ai? Lương Chiêu Minh Thái Tử chính là Thái Tử của vua Lương Võ Đế (Liang Wu Ti) ở Trung Hoa. Vua Lương Võ Đế đã có công xây dựng nhiều ngôi chùa Phật giáo, in nhiều kinh Phật và độ các Tăng, và cũng là vị vua Trung Hoa thỉnh mời Tổ Bồ Đề Đạt Ma (sau này là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa) về Kim Lăng để thưa hỏi Tổ về Phật pháp.

Ngoài việc Lương Chiêu Minh Thái Tử chia Kinh Kim Cương ra làm 32 phận (hay là đoạn vì kinh này trước kia không có chia ra làm chương mục), Lương Chiêu Minh Thái Tử còn cho xây dựng Phân Kinh Thạch Đài (đầu thế kỷ thứ 6 tây lịch) để làm một thư viện quốc gia về Phật học, nơi tàng trữ, thu tập tất cả kinh,luật, luận Phật giáo đương thời và là trung tâm nghiên cứu Phật học.

Cứ theo sách ghi chép thì Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) rời nước Quốc Hương, nam Thiên Trúc (Dekhan) để đi đến Việt Nam đầu tiên và có lẽ ngài ở đây một thời gian khá lâu, vì Việt Nam khi đó được coi là trung tâm giao tiếp Ấn Hoa, nơi người ta có thể tìm được những người biết cả tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Thiên Trúc. Sự kiện chỉ ghi rằng: Bồ Đề Đạt Ma trước đến Việt Nam sau vượt sông qua Ngụy (nguyên văn: ‘Sơ liên tống cảnh Nam Việt, mạt hựu tỷ độ chí Ngụy,’ sách Tục Cao Tăng Truyện, chương 19, Đại Tạng Kinh, quyển 50). (6) (trích dẫn từ quyển ‘Bồ Đề Đạt Ma, Tuyệt Quán Luận,’ Vũ Thế Ngọc dịch, EastWest Institute xuất bản, Hoa Kỳ, 1983).

ggggg

Theo sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thì khi Bồ Đề Đạt Ma đến Quảng Châu, Trung Hoa, vào khoảng thập niên 470, thì thứ sử tỉnh này lấy lễ nghinh tiếp và dâng biểu về triều báo tin lên vua Lương Võ Đế. Vua sai sứ thỉnh mời Tổ Bồ Đề Đạt Ma về Kim Lăng để thưa hỏi Tổ về Phật pháp. Truyền Đăng Lục ghi lại cuộc đối đáp này như sau:

‘-Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, in kinh, độ tăng rất nhiều. Vậy có công đức gì ‘chăng?

‘Tổ Đạt Ma đáp: – Đều không có công đức.

— Tại sao không có công đức?

— Bởi vì đó chỉ là những tiểu quả của cõi người cõi trời mà thôi, là cái nhân hữu lậu như bóng theo hình, tuy có mà chẳng thật.

— Vậy thế nào mới là thiệt công đức?

— Trí hoàn toàn trong sạch. Thể phải tự nhiên trống vắng, như thế mới là Công Đức. Công Đức là nơi bổn tánh chứ chẳng phải do nơi công nghiệp thế gian (xây chùa, chép kinh…) mà cầu đổi cho được.

— Vua lại hỏi: – Chân lý tối cao của bậc thánh là gì?

— Khi tỉnh rõ thông suốt rồi thì không có gì gọi là thánh cả.

— Đối diện với trẫm là ai?

— Không biết.

Vua Lương Võ Đế không lãnh hội được, lui về nghỉ. Tổ Đạt Ma biết căn cơ không hợp, ngài lưu lại vài hôm rồi qua Giang Bắc, ngài lên núi Tung Sơn, ở chùa Thiếu Lâm trọn ngày ngồi thiền đối vách im lặng trong chín năm.’ (6) (sách đã dẫn, trang 68-70).

Tổ Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa, đã ấn chứng và truyền y bát cho Huệ Khả là vị Tổ Thiền Tông thứ hai, rồi truyền xuống ngài Tăng Xáng, vị Tổ thứ ba, ngài Đạo Tín, Tổ thứ tư, ngài Hoằng Nhẫn, Tổ thứ năm và sau cùng truyền đến Huệ Năng là Tổ thứ sáu.

6. Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, trong quyển ‘Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du’ (4) đã cho người đọc khám phá ra Nguyễn Du là một nhà học Phật, tinh thông Phật pháp qua bài thơ chữ Hán mà Nguyễn Du đã viết khi đến thăm ‘Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài’ trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc:

LƯƠNG CHIÊU MINH THÁI TỬ PHÂN KINH THẠCH ĐÀI

Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,
Thuyết pháp độ nhân hằng hà sa số.
Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh;
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ,
Chung tri: vô tự thị chân kinh.

Bài dịch của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục:

Ta nghe nói Thế Tôn ở Linh Sơn,
Thuyết pháp độ người như cát sông Hằng.
Người ta giải được tâm này ấy là mình tự độ,
Linh Sơn chỉ ở tại lòng mình.
Tấm gương trong không phải thật có đài gương,
Cây Bồ Đề cũng không phải cây thật.
Ta đọc kinh Kim Cương có hơn ngàn lần,
Ý nghĩa uyên thâm trong ấy phần nhiều không hiểu;
Tới nay đến dưới đài Phân Kinh này,
Mới biết rằng kinh không chữ mới thật là chân kinh.

(4) (Nguyễn Đăng Thục, Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Xuân Thu, trang 174)

Nguyễn Du là một thiên tài về thi ca với khả năng uyên bác về văn học thế mà khi đọc Kinh Kim Cương cả ngàn lần Nguyễn Du vẫn chưa hiểu trọn vẹn nghĩa của kinh như Nguyễn Du đã viết. Xin được chuyển hai câu cuối của bài thơ sang tiếng Việt như sau:

Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.

(Thạch Đài tìm đến hiểu ra
Chân kinh thật nghĩa chẳng qua không lời.)

Vì Nguyễn Du học Phật và nghiên cứu kinh điển Phật Giáo đã nhiều năm một cách hết sức tinh tấn nhất là kinh điển Đại Thừa trong đó có Kinh Kim Cương mà Nguyễn Du đã đọc hàng ngàn lần, do đó vào năm 1813, khi Nguyễn Du đến thăm Phân Kinh Thạch Đài (xây vào khoảng thế kỷ thứ 6) và sau hơn 12 thế kỷ đã trôi qua, kinh điển nào thấy đâu? bao người tụng trì, nghiên cứu đã đi về đâu? Bây giờ ở nơi đó chỉ còn di tích hoang tàn đổ nát của Đài khiến cho Tâm Chân Như của Nguyễn Du bừng sáng để Nguyễn Du chứng ngộ Tánh Không (Sunnyatta) của Kinh Kim Cương và đã thốt lên rằng Kinh Kim Cương chẳng qua không có chữ (vô tự): ‘Chung tri: vô tự thị chân kinh’ (Chân kinh thật nghĩa chẳng qua không lời).

Nguyễn Du đã đọc kinh điển Phật để rồi quán sát thông suốt và nhận ra rằng lời kinh Phật nói ra đều là những pháp môn phương tiện dắt dẫn chúng sinh vào Đạo; như nước dùng để rửa bụi, như thuốc dùng để chữa bệnh. Nay chứng được ‘thân không,’ ‘tâm không,’ ‘tánh không’ thì tất cả các pháp đều không, kể cả Phật pháp trong đó có Kinh Kim Cương. Bệnh khỏi thì thuốc cũng trừ, gọi là chứng ngộ ‘Pháp không.’ Đức Phật đã dạy: ‘Như Lai thường nói: Này Tỳ Kheo các ông nên biết ta nói pháp ví dụ như chiếc bè; pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp’ (‘Như Lai thường thuyết: Nhữ đẳng Tỳ Kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.’) (10) (‘Kinh Kim Cang Giảng Giải,’ Thích Thanh Từ, đoạn thứ 6, trang 26-27, Phước Huệ Đạo Tràng, tái bản và ấn tống, Úc Đại Lợi, Phật Lịch 2531, 1987).

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.
(Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mà trong mờ ảo như gần như xa
Thạch Đài tìm đến hiểu ra
Chân kinh thật nghĩa chẳng qua không lời)

7. Hai câu 5 và 6 trong bài thơ trên: ” Bồ đề bản vô thụ (thọ), minh kính diệc phi đài” là hai câu kệ mà Nguyễn Du trích từ bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng (Hui neng, 638 – 713, tây lịch) khi Lục Tổ còn học ở nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (xin tạm chuyển sang tiếng Việt):

Bồ đề bản vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai?
(Bồ đề chẳng có thân
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Nào chỗ vướng trần ai?)

Bài kệ nói trên do Lục Tổ Huệ Năng viết sau khi đọc bài kệ của Thượng Tọa Thần Tú là thầy Giáo Thọ và cũng là đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Thượng Tọa Thần Tú viết bài kệ như sau (xin tạm chuyển sang tiếng Việt):

Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhá trần ai
(Thân như cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Giờ giờ cần phủi sạch
Chớ để vướng trần ai)

(5) (Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng, Thích Minh Trực dịch (Sài Gòn 1944), Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Phật Lịch 2531, Hoa Kỳ, 1987, trang 25, 29)

Chúng ta cũng không quên là Lục Tổ Huệ Năng đã chứng ngộ chân tánh khi Lục Tổ được nghe kinh Kim Cương:

‘Huệ Năng nầy liền hiểu ý Tổ Sư, đến canh ba vào thất. Ngũ Tổ (Hoằng Nhẫn Đại Sư) lấy áo Ca Sa đắp cho ta; chẳng cho ai thấy, rồi nói kinh Kim Cang cho ta nghe, đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Nên không trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình.’ (Để cái tâm trống không, chẳng trụ vào đâu cả) (nguyên văn chữ Hán ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,’ câu này ở phận thứ 10 ‘Trang Nghiêm Tịnh Độ,’ trang nghiêm cõi thanh tịnh, trong Kinh Kim Cương).

‘Huệ Năng nầy nghe nói rồi liền rất tỏ sáng, biết rằng cả thảy muôn pháp chẳng lìa tánh mình, mới bạch với Tổ Sư rằng:

Nào dè tánh mình vốn tự nhiên trong sạch
Nào dè tánh mình chứa đầy đủ (muôn pháp)
Nào dè tánh mình vốn không lay động
Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp.

Nếu chẳng biết Bổn Tâm, thì học pháp vô ích. Bằng biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh mình, tức gọi là Trượng phu, là Phật, Thầy cõi trời và cõi người vậy.’ (5) (sách đã dẫn, trang 32-33)

8. Thi hào Nguyễn Du Đã Đưa Triết Lý Phật Giáo Vào Đoạn Trường Tân Thanh

8.1 Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đưa triết học và tư tưởng Phật giáo vào trong thi ca như nghiệp, thiện căn, tâm,… thí dụ như trong đoạn thơ sau:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần hay xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. (câu thứ 3252, ĐTTT )

Chữ tâm ở câu thứ 3252 trong ĐTTT: ‘Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’ cũng là chữ ‘tâm’ mà Nguyễn Du viết ở trong bài thơ Đề Tam Thanh Động đã dẫn ở trên: “Thử tâm thường định bất ly thiền” (Lòng này thường định không rời cảnh thiền),

Hay chữ tâm trong bài Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài:

Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.

Người ta giải được tâm này ấy là mình tự độ,
Linh Sơn chỉ ở tại lòng mình.

Hay chữ tâm như như trong bài thơ Tạp Thi II đã dẫn ở trên: “Tứ thời tâm kính tự như như” (Tâm trạng quanh năm vẫn nhẹ nhàng).

Tâm mà Nguyễn Du nói đến là Tâm chân như vì ‘tâm chơn như là thể, tâm sinh diệt là tướng dụng, tâm này không hư vọng nên gọi là ‘chơn,’ không biến đổi nên gọi là ‘như.’ Thế nên trong Luận ( Đại Thừa Khởi Tín Luận * ) mỗi mỗi nói: ‘Tâm chơn như, tâm sanh diệt.’ (7) (Nguồn Thiền, nguyên tác ‘Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự ‘, Thiền Sư Tông Mật, Hoà thượng Thích Thanh Từ dịch, Phật Lịch 2512, 1969 tây lịch, Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc). Đại Thừa Khởi Tín Luận (Sraddhotpàda) của Bồ Tát Mã Minh viết vào thế kỷ thứ 1, tây lịch.

8.2 Tác giả Mai Hiền Lương trong tác phẩm ‘Tiếng Lòng của Nguyễn Du’ dầy gần 300 trang gồm 21 bài luận, đã dẫn nhiều đoạn thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh để giải thích và chứng minh là về mặt tư tưởng Nguyễn Du đã đưa triết lý của đạo Phật vào ĐTTT. (8) (Tiếng Lòng của Nguyễn Du, Mai Hiền Lương, Nhân Duyên ấn hành 1997, Gia Nã Đại).

Một thí dụ dẫn chứng của tác giả Mai Hiền Lương: mở đầu Đoạn Trường Tân Thanh (ĐTTT), Nguyễn Du đã đề cập đến cái KHỔ của kiếp người vì làm người là mặc nhiên chấp nhận KHỔ, và đây cũng là chân lý đầu tiên của Tứ Diệu Đế trong giáo lý nhà Phật: khổ, tập, diệt, đạo. Triết học Phật giáo được trình bày rõ ràng trong hai chữ cõi người vì Đức Phật dạy rằng chúng sinh nếu không tu hành theo đạo giải thoát sẽ tái sinh trong chu kỳ luân hồi của sáu cõi (lục đạo): trời, người, atula, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục, và trong sáu cõi này chỉ có cõi người mới có những thuận duyên để tu hành con đường giải thoát theo Phật.

Trăm năm trong cõi người ta (câu thứ 1, ĐTTT)
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (2)
Trải qua một cuộc bể dâu (3)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (4)

Hai chữ tài và mệnh đã được Nguyễn Du gán cho sự tương khắc ‘ghét nhau’ đã khiến nhiều người kết luận đơn giản và đã từng giảng dạy là Nguyễn Du chủ trương thuyết ‘tài mệnh tương đố.’ (8) (sách đã dẫn, trang 37-38).

9. Lược khảo về kinh Kim Cương BÁT NHÃ BA LA MẬT (Vajracchedikà-Prajnà-Pàramità Sùtra)

9.1 Thiền Sư Thích Thanh Từ trong ‘Kinh Kim Cang Giảng Giải’ đã giảng như sau:

‘Kinh này do Đức Phật nói, nguyên văn bằng chữ Phạn (Sanskrit), sau truyền sang Trung Hoa được dịch ra chữ Hán. Những nhà phiên dịch Phạn-Hán gồm có:

Ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajiva): ở chùa tại Trường An (chùa Thảo Đường). Vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ tư, tức là năm 401 tây lịch, thuộc đời Dao Tần. Ngài dịch tên kinh là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Đây là bản có giá trị nhất, được gọi là định bản, vì sau khi dịch đến giờ đều được mọi người dùng để trì tụng. Bản này nằm trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày.

Ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruchi): đời Ngụy dịch tên kinh cũng đồng với bản trên tức là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, vào khoảng 508 dương lịch.

Ngài Ba la Mật Đa (Paramârtha) (Trung Hoa dịch Chân Đế): dịch vào đời Trần, khoảng giữa thế kỷ thứ sáu đề tên là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta): đời Tùy, khoảng đầu thế kỷ thứ bảy, dịch tên cũng đồng là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Huyền Trang (Hiouen-Thsang): đời Đường, khoảng giữa thế kỷ thứ bảy, dịch chung trong bộ Đại Bát Nhã, 600 quyển, gồm 16 hội, ‘Kim Cang’ là hội thứ 9, quyển 577 trong bộ Đại Bát Nhã.

Ngài Nghĩa Tịnh: đời Đường, đầu thế kỷ thứ tám, dịch tên là ‘Phật thuyết năng đoạn Bát Nhã Ba La Mật kinh.’ Ngài có đi Ấn Độ mang chữ Phạn về.

Sáu nhà dịch đồng một bàn kinh, nhưng về sau được chú ý nhất là các bản của ngài Cưu Ma La Thập, ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh.

Kinh Kim Cang rất được các Thiền Sư và Giảng Sư Trung Hoa chú ý sớ giải. Có cả thảy độ 10 nhà:

1. Ngài Trí Khải đời Tùy đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã kinh sớ’ gồm một quyển.

2. Ngài Kiết Tạng đời Tùy đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã sớ’ gồm 4 quyển.

3. Ngài Khuy Cơ đời Đường đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã Tân Thuật’ gồm 2 quyển.

4. Ngài Tông Mật tức ngài Khuê Phong cũng ở đời Đường, đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã cương sớ luận toát yếu’ gồm 2 quyển.

5. Ngài Trí Nghiêm cũng thuộc đời Đường, đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh lược sớ ’ gồm 2 quyển.

6. Ngài Tư Cừ đời Tống đề tên là ‘Kim Cang toát yếu đại san định ký’ gồm 7 quyển.

7. Ngài Tông Lặc và Như Khôi đời Minh, đề tên là ‘Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật chú giải’ gồm 1 quyển.

8. ‘Kim Cang Chư Gia’ trích lời giảng của các Thiền Sư.

9. Gần đây có ngài Thái Hư, đề tên là ‘Kim Cang Giảng Lục.’

10. Gần đây nhất là cư sĩ Giang Vị Nông.

Về phần dịch Hán-Việt gồm có:

Hòa Thượng Trí Tịnh dịch trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày.

Hòa Thượng Thiện Hoa, dịch trong bộ Phật Học Phổ Thông (tức 12 nấc thang giáo lý).

Thượng Tọa Huệ Hưng dịch quyển ‘Kim Cang Giảng Lục’ của ngài Thái Hư.

Cư sĩ Đồ Nam dịch bản của ông Giang Vị Nông.

Quyển ‘Kim Cang Chư Gia’ cũng được dịch.

rgrg

9.2 Sự Liên Hệ Giữa Kinh Kim Cang và Thiền Tông

Dĩ nhiên ai cũng biết đức Lục Tổ khi gánh củi vào khách điếm bán, thấy có người đang tụng kinh Kim Cang, đức Lục Tổ nghe, tâm liền khai ngộ mới hỏi thăm và được biết là Ngũ Tổ Huỳnh Mai dạy đồ đệ trì tụng Kim Cang, do đó Ngài tìm đến học đạo. Trong Thiền tông, lúc ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả, Ngài trao 4 quyển kinh Lăng Già (Lankàvatàra) để lấy đó làm tâm ấn. Đến đời Ngũ Tổ, thấy Kim Cang là quyển kinh tối yếu trong nhà Thiền, Ngài dạy: chẳng những Tăng Ni mà cả cư sĩ đều nên trì tụng kinh Kim Cang để an tâm. Thế nên khi Lục Tổ đến học, vào trước giờ truyền y bát, Ngài đem kinh Kim Cang ra giảng. Khi giảng đến câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,’ Lục Tổ hoàn toàn liễu ngộ. Như vậy Lục Tổ ngộ đạo và được truyền y bát làm Tổ cũng nhơn nơi Kim Cang. Do đó chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của kinh Kim Cang đối với Thiền Tông.

Sau này trong các chùa và các thiền viện, bộ kinh này được xem như bộ kinh nhật tụng, và kinh Kim Cang được xem như tâm ấn trong nhà Thiền. Ngái Khuê Phong cũng bảo Kim Cang là bộ kinh quí đáng để an tâm. Học kinh Kim Cang là học thẳng vào phương pháp tu Thiền.’ (10) (sách đã dẫn,trang 1-3). Trong Kinh Kim Cang Giảng Giải, Thiền sư Thích Thanh Từ đã giảng một cách hết sức đơn giản và đưa ra nhiều thí dụ để người đọc hiểu và nắm vững được ý chỉ của kinh. Đến cuối sách Ngài cũng tóm tắt như sau:

TOÁT YẾU KINH KIM CANG

1. Lấy Trí Tuệ Bát Nhã quán xét tất cả pháp hữu vi đều không có tự tánh,vô thường sinh diệt.

2. Nhờ quán xét vững chắc nên hàng phục tâm dễ dàng, đưa các vọng tưởng vào Vô Dư Niết Bàn.

3. Vì buông xả các pháp và vọng tưởng nên tâm được an trụ.

4, Tâm an trụ không dính mắc sáu trần nên Như Như bất động.

5. Muốn trụ tâm phải buông xả đừng dính sáu trần (bố thí không chấp tướng).

6. Muốn hàng phục tâm phải đưa vọng niệm vào chỗ Vô Sanh.

(2) (sách đã dẫn, trang 162).

9.3 Giáo Sư F. Max Muller đã dịch kinh Kim Cương (với phần giới thiệu viết tại đại học Oxford ngày 26 tháng Giêng 1894) trực tiếp từ chữ Phạn (Sanskrit) sang Anh ngữ với tên ‘The Vajracchedika or Diamond Cutter’ trong quyển ‘Buddhist Mahàyàna Texts,’trang 109-144, (quyển thứ 49 trong bộ sách ‘Sacred Books of the East Series’ gồm 50 quyển), do Oxford University Press in năm 1894, và nhà xuất bản Motilal Banarsidass ở Ấn Độ tái bản vào những năm 1965, 1968, 1972, 1978. Bản dịch của Giáo Sư F. Max Muller không có phần giảng giải nên đọc khó hiểu.

Ông Lu K’uan Yu (Charles Luk) đã dịch sang Anh ngữ bản Kinh Kim Cương và phần giảng giải viết bằng chữ Hán của Thiền Sư Te Ch’ing (hiệu là Han Shan, Hám Sơn) viết vào năm 1616 tại Chùa Lục Tổ Huệ Năng ở Tào Khê, đời nhà Minh, Trung Hoa.

Thiền Sư Hám Sơn đã viết phần giảng giải kinh Kim Cương sau khi Ngài đã chứng ngộ và theo Ngài kinh chỉ nên chia ra làm hai phần: phần một để phá bỏ những kiến chấp còn thô sơ của những ai học Phật, phần hai để xóa bỏ những kiến chấp vi tế hơn mà những người học Phật vẫn còn giữ lấy nhưng không nhận biết.

Bản dịch Anh ngữ của Ông Lu K’uan Yu (1959) là ‘The Diamond Cutter of Doubts,’ a Commentary on the Diamond Sùtra, Vajracchedikà-Prajnà-Pàramità Sùtra, by Ch’an Master Han Shan (from the Chin Kang Chueh I) được đăng trong bộ sách ‘Ch’an and Zen Teaching’ First Series (và Second Series, Third Series) do nhà xuất bản Century Hutchinson Australia Pty Ltd., 1987, trang 147-206.

Nhận thấy những lời giảng giải của Thiền Sư Te Ch’ing (hiệu là Han Shan, ‘Silly Mountain,’ Hám Sơn, 1546-1623) hết sức lợi ích cho những ai muốn hiểu rõ thêm về kinh Kim Cương nên trong tương lai chúng tôi nguyện sẽ cố gắng chuyển bản Anh ngữ này sang Việt ngữ để trình bày cùng đồng hương Việt Nam có thêm tài liệu để tham khảo.

Duyên lành bài viết vừa xong,
Quà Xuân Kỷ Mão, tỏ lòng tri âm.

Phan Đông Bích

(Phan Quang Việt)


[Khởi đầu viết đêm 30 tháng 12, 1998, viết xong bản thảo ngày 2 tháng 2, 1999,
những ngày cuối năm trước Tết Nguyên Đán Kỷ Mão 1999,
Sydney, Úc Đại Lợi, Nam Bán Cầu].


 

TÀI LIỆU HỌC HỎI VÀ THAM KHẢO

Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh, Thích Minh Trực dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Phật Lịch 2531, Hoa Kỳ, 1987.

1. Vũ Khắc Khoan, Đọc Kinh, Bà Vũ Khắc Khoan tại Hoa Kỳ và An Tiêm xuất bản, 1988.

2. Giáo Sư Hồ Đình Chữ, Trích giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du, Việt Luận xuất bản, Sydney, 1996. Sách có in bài khảo cứu, trang 305, ‘Lời Bạt: Đầu năm Quý Dậu 1813 Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc’ của Hương Giang Thái Văn Kiểm, Paris Chiêu Anh Các, Xuân Ất Hợi 1995.

3. Thiều Chửu dịch, Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, xuất bản năm 1984.

4. Nguyễn Đăng Thục, Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Xuân Thu xuất bản, Hoa Kỳ.

5. Vũ Thế Ngọc dịch, Bồ Đề Đạt Ma Tuyệt Quán Luận, EastWest Institute, Hoa Kỳ, 1983.

6. Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, Nguồn Thiền, nguyên tác ‘Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự ‘, Thiền Sư Tông Mật, Phật Lịch 2512 (1969), Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc.

7. Mai Hiền Lương, Tiếng Lòng của Nguyễn Du, Nhân Duyên ấn hành 1997, Gia Nã Đại.

8. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (quyển 2), Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn 1971, trang 140-141.

9. Thiền Sư Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang Giảng Giải, Phước Huệ Đạo Tràng, tái bản và ấn tống, Úc Đại Lợi, Phật Lịch 2531, 1987.

Phụ chú

Nhà cách mạng Sào Nam Phan Bội Châu cũng đã từng đọc kinh Kim Cương: Nhà cách mạng Sào Nam Phan Bội Châu cũng đã từng đọc và nghiên cứu kinh Kim Cương vì Cụ Phan Bội Châu khi viết bộ sách Chu Dịch, Cụ đã viết về quẻ Phong Địa Quán như sau:

‘Quán, quán nhi bất tiến, hữu phu, ngung nhược, hạ quan nhi hóa dã.

‘Theo như Soán từ, thời chỉ dùng một cách chí thành, nghiêm kính, khiến cho kẻ dưới dòm ‘mình mà cảm hóa vậy. ‘Phụ Chú – Ý nghĩa Soán từ đây, tượng như câu: thần võ nhi bất sát. Nghĩa là: dùng uy võ ‘bằng một cách thần diệu, mà không cần phải giết người. ‘Tòng lai, việc võ tất có giết người, võ mà không giết người mới là thần võ. Tế tất có tiến, tế ‘không dùng đồ tiến, mới là ý nghĩa thờ thần rất hay.

‘Kinh Phật có câu: ‘Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất ‘đắc kiến Như Lai.’ Nghĩa là: Phật lý chỉ ở bản tâm, vô thanh vô sắc, nếu ai lấy thanh âm ‘mà ‘cầu ta ở thanh âm, lấy hình sắc mà cầu ta ở hình sắc, người ấy rặt là làm đạo tà, không được ‘thấy Đức Phật Như Lai. ‘Câu kinh ấy ý tứ cũng như lời Soán đây. Lấy mâm cỗ mà cầu thần, có khác gì lấy thanh sắc ‘mà cầu Phật.’ (Sào Nam Phan Bội Châu, Chu Dịch, quyển thượng kinh, quẻ Phong Địa Quán, trang 414, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969).

Bốn câu kệ mà Cụ Phan Bội Châu trích dẫn ở trên lấy từ kinh Kim Cương, đoạn 26,

‘Pháp Thân phi tướng,’ Pháp thân chẳng phải là tướng. (10) (sách đã dẫn, trang 134).

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
(Nếu do sắc thấy ta
Do âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.)

Chủ Biên: Người Tình Hư Vô. huvoanxuyen@yahoo.com.au