Phố của Thủ Đô Miền Nam VNCH, Bình Nguyên Lộc


Bình Nguyên Lộc

(Báo Nhân Loại – 1957)

duong hai ba trung

Đại lộ Hai Bà Trưng

Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đờn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.

Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.

Vậy nên tôi đã đi khắp Sàigòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không ? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.

Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.

Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.

Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.

Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định.

Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.

Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.

Cho Binh Tay

Chợ Bình Tây

Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.

Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.

Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”.

Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sàigòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà!

duong nguyen hue

Đại lộ Nguyễn Huệ

Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.

Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng một khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẳn chòi.

Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sàigòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Ngyệt Ánh v.v… cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.

Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa – Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa.

Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.

duong le thanh ton

Đường Lê Thánh Tôn

duong pham ngu lao

Đường Phạm Ngũ Lão

Sàigòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy.

Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.

Sàigòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành.

Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.

Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được xử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng.

Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.

Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.

Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chơn suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu : gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.

Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.

Bình Nguyên Lộc

(Báo Nhân Loại – 1957)

Việt Nam qua tác phẩm của Nhật Tuấn và Nhật Tiến, Tản Văn Thế Uyên


Thế Uyên
(tạp chí Văn Học Nam Cali- Số 75-tháng 7-1992)

ácc Hanh trinh chu nghiaa NhatTuan

(Chân dung ba nhà văn từ trái qua phải: Thế Uyên, Nhật Tiến, Nhật Tuấn)

Đi về nơi hoang dã, truyện dài của Nhật Tuấn, ấn bản Hoa Kỳ do nhà xuất bản Việt Nam in năm 1990, sách dày 268 trang, tranh bìa Hồ Thành Đức, lời giới thiệu của Vũ Huy Quang, giá đề 11 Mỹ kim, không ghi địa chỉ phát hành cũng như nơi xuất bản.

Mồ hôi của đá, truyện dài của Nhật Tiến, Tủ Sách Cành Nam xuất bản tại Arlington, Virginia, năm 1988, bìa và phụ bản của Trương Anh Thụy, sách dày 276 trang, giá đề 8 Mỹ kim. Địa chỉ phát hành: Tủ Sách Cành Nam 2607 N. Military Road, Arlington, VA 22207 USA.
*****

Tại Việt Nam từ lâu đã có hiện tượng nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh có liên lạc huyết thống với nhau. Trong những thế kỷ gần đây chúng ta có dòng họ Ngô Thì, dòng họ Nguyễn Tiên Điền (trong đó có Nguyễn Du), dòng họ Nguyễn Huy (trong có Nguyễn Huy Tự), dòng họ Phan Huy (trong có Phan Huy Vịnh), v.v…

Trong thế kỷ 20, thời kỳ tiền chiến, chúng ta đã có hai cha con Nguyễn văn Vĩnh – Nguyễn Nhược Pháp; Phạm Duy Tốn và các con Phạm Duy Khiêm, Phạm Duy. Nổi danh từ thời tiền chiến tới hiện nay là ba anh em dòng họ Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Kế tiếp bằng thế hệ sau là Tường Hùng, Duy Lam và Thế Uyên. Gần đây nhất chúng ta có hai chị em Nguyễn Thị Thụy Vũ – Hồ Trường An; Trần Thị NgH – Trần Thị Kim Lan; Phan Thị Trọng Tuyến – Nguyễn Thị Ngọc Nhung – Nguyễn Thị Ngọc Diễm, và hai anh em Nhật Tiến – Nhật Tuấn.

Dĩ nhiên là dù có liên hệ huyết thống gần gũi, một nhà văn hoặc nhà thơ dù là anh em ruột chăng nữa, mỗi người vẫn có một bút pháp, một tư duy và nhận thức khác nhau. Lấy thí dụ gần gũi nhất là hai anh em Duy Lam và Thế Uyên. Duy Lam chỉ viết truyện ngắn, truyện dài và lập trường chính trị thì hữu khuynh, trong khi Thế Uyên viết đủ loại, từ sáng tác tới biên khảo, dịch thuật, và lập trường chính trị thì tả khuynh.

Nhưng độc đáo nhất vẫn là trường hợp hai anh em Nhật Tiến và Nhật Tuấn.

Năm 1954, Nhật Tiến di cư vô Nam, viết văn rất sớm và thành danh đã lâu, trong khi người em Nhật Tuấn ở lại Hà Nội đã viết văn rất trễ. Sau 1970 mới có những truyện ngắn đầu tiên và chỉ thành danh sau 1985. Ở miền Nam, Nhật Tiến làm nghề nhà giáo, rồi do chế độ động viên, đã thành lính Việt Nam Cộng Hòa, rồi làm giảng viên chính trị trong quân đội. Ở miền Bắc, Nhật Tuấn đi vào ngành kiều lộ, chuyên về nghiên cứu và thiết kế những tuyến đường mới – do nghiệp vụ này, Nhật Tuấn đã đội nón cối, đi dép râu, đeo sà cột vào Sài Gòn ngay từ những ngày đầu của tháng 5-1975.

Hai anh em ruột nhưng lớn lên trong hai chế độ Bắc – Nam, cộng sản – quốc gia thù nghịch nhau, nội chiến máu lửa suốt mấy chục năm. Anh ở bên này chiến tuyến, em ở bên kia, đương nhiên khi viết văn, những tác phẩm của họ, dù chọn đề tài trong đất nước Việt Nam, vẫn có những sắc thái khác nhau . Nếu họ có giống nhau chăng, là cách thế họ nhìn chế độ cộng sản và quốc gia trong quá khứ. Nếu họ có tương đồng nào chăng, đó là cách thế họ nhìn về tương lai.

Đi về nơi hoang dã với Nhật Tuấn

Bia DI VE NOI HOANG DA

Nội cái nhan đề sách đã mang nặng tính cách “phản động” rồi. Ai đi về nơi hoang dã? Dân miền Bắc. Ai bắt dân phải đi về nơi khốn cùng như thế ? Đảng cộng sản Việt Nam với thứ chủ nghĩa Mác-Lê Nin, Mác-Mao nhập cảng. Nhật Tuấn đã bắt đầu truyện dài của mình bằng đoạn văn sau:

“ Chúng tôi có năm người, một ông già và bốn gã đàn ông lực lưỡng sẵn sàng làm chồng những cô gái khỏe mạnh, làm cha những đứa bé chập chững, làm chủ những gia đình vào chiều đông xám lạnh như chiều nay hẳn đang quây quần quanh bữa cơm nóng sốt. Vậy mà đằng đãng bao năm nay, chúng tôi bị quăng lên những đỉnh núi quanh năm mây phủ, không có cả đến một tiếng chó, một bãi phân trâu, cái thứ ở dưới miền đồng ruộng kia, ta bắt gặp nhan nhản ngay khi chưa bước chân vào cổng làng. (trang 11)

Năm người đàn ông đó là ai ? Nhật Tuấn không hề đặt cho họ một cái tên rõ rệt, chỉ gọi họ bằng chức vụ trong toán người đi mở tuyến đường tới đỉnh Hua Ca. Ông già là “ông trưởng toán”, tượng trưng cho thành phần đảng viên cộng sản trung kiên. “Thằng học giả” tượng trưng cho thành phần trí thức “đã đầu hàng giai cấp vô sản” (nghĩa là đảng). “Thằng hộ pháp” thân hình lực lưỡng, tính tình chất phác, tượng trưng cho giai cấp nông dân lao động chân chính. “Thằng cấp dưỡng” (làm bếp và tiếp vận), cháu của ông trưởng toán, tượng trưng cho mẫu người trung bình yếu đuối trong xã hội, ai sao ta vậy. Còn nhân vật thứ năm, xưng “tôi” trong truyện, tượng trưng cho người trí thức có lương lri.

“Đỉnh Hua Ca” là cái chi vậy? Với Nhật Tuấn, đó là cái thiên đường xã hội chủ nghĩa, ước mơ của biết bao thế hệ đảng viên cộng sản từ đầu thế kỷ này, từ Moscow, Bắc Kinh tới Hà Nội và Havanna. Đó là thứ thiên đường mà Dương Thu Hương gọi là thiên đường mù, Xuân Vũ gọi là thiên đường treo. Nhưng đó là chuyện về sau này. Còn vào thời điểm trong truyện, chưa ai tới được đỉnh Hua Ca cả, nên nàng Sao, cô gái miền núi, người yêu của nhân vật “tôi” …. mới nghĩ rằng:

“Phà ơi – nàng kêu lên – anh lên đỉnh núi Hua Ca. Cao lắm, sát tầng mây kia đấy. Hua Ca có nghĩa là “đầu quạ”, nghe nói ở cái mỏ của nó phun ra một dòng nước, nếu hai người cùng uống nước đó trong một cái chén thì không bao giờ quên được nhau . . . “
” Thật không? Em nói thật không?”
“Thật chứ, ông nội em kể lại cho bố, bố kể lại cho em. Nhưng phải thực bụng với nhau mới uống được, người nào không thực bụng uống vào chết ngay.”
Tôi nói với nàng nếu vậy nhất quyết tôi sẽ tìm bằng được lên đỉnh Hua Ca lấy một chai nước về tặng nàng để mai kia uống chung với ai đó .” (trang 227)

Toán người mở tuyến đường này chỉ có những phương tiện thô sơ như dao chặt cây nên cuộc sống vô cùng khốn khó. Ăn thì đói vì cơm ăn không đủ no, đừng nói gì đến thức ăn. Bởi thế họ đã từng phải ăn thịt chó ghẻ hấp hối, đào con bò chết bệnh lên mà ăn thịt, và đôi khi may mắn được ăn thịt tươi thì cái thú vị, niềm hạnh phúc lúc đó của họ chỉ có những sĩ quan cải tạo miền Nam sau này mới chia sẻ được. Nhật Tuấn tả họ ăn thịt con cheo như sau:

“Quả thực suốt từ ngày bắn được con lợn rừng, ba tháng nay chúng tôi không động tới miếng thịt tươi, thiếu đạm động vật, người mệt mỏi, da khô, mắt mờ, đêm nằm mơ thường chỉ thấy mình sắp được ăn món này món kia, món nào cũng kề miệng rồi tỉnh giấc. Bởi vậy mới chỉ đặt miếng thịt cheo vào đầu lưỡi đã thấy cái vị bùi bùi của nó chạy lan khắp người, rung chuyển cả hệ thần kinh và rồi dạ dày như được đánh động co bóp thật chặt để đón chờ những dưỡng chất thần kỳ, từ lâu rồi vắng mặt. (trang 133)

Năm con người này là những con người thực sự, không hề là “bọn quỉ đỏ”, bọn “ác ôn cộng phỉ”. Ngay ông trưởng toán, đảng viên trung kiên mấy chục năm, cũng có lần sa ngã mê một “bà trưởng phòng”, làm tình với bà để có một đứa con hoang. “Thằng học giả” chiều nào ăn xong cũng ngồi giữa rừng núi viết thư cho người yêu là “nàng búp bê” ở Hà Nội . “Thằng cấp dưỡng” không dám chi một đồng lương nào, dành dụm tiền để mang về cho mẹ già sửa mái nhà mưa dột. “Thằng hộ pháp”, mặc dù to khỏe đẹp trai, đi tới đâu là phụ nữ mê tới đó, làm tình bừa bãi, nhưng lúc nào cũng chỉ yêu “con vợ thằng xã đội” ở quê nhà. Còn “tôi” thì cô đơn hoài, mãi cho tới khi đến bản Mù Cang được gặp nàng Sao. Tai họa dồn dập tới với họ. Bệnh kiết lỵ, bệnh rắn lục cắn, rớt xuống thác, tuột tay trên vách núi. Nhưng tất cả những tai nạn kiểu đó không làm cho họ đau khổ bằng những thay đổi khác. Thí dụ như nàng búp bê không đợi chờ được, đi lấy chồng khác, làm “chàng học giả” suýt nữa dùng súng tự tử. Chàng cấp dưỡng bị rớt mất gói tiền dành dụm trong lúc tấn công đỉnh núi cao. Chàng hộ pháp trốn về quê, dự tính rủ nàng vợ ông xã đội trốn theo lên rừng núi yêu nhau tự do, nhưng không thành. Có thể nói Nhật Tuấn đã thật can đảm khi dám bước ra khỏi thứ văn chương phải đạo (tất cả nhân vật đều là anh hùng, dũng sĩ, cách mạng chân chính, lao động tiên tiến . . . ). Các nhân vật của anh đều rất “người” với tất cả những giấc mơ bình thường, những tâm tình yêu đương và nhu cầu sinh lý.

Con người, dưới ngòi bút Nhật Tuấn, được mô tả trọn vẹn hơn là những nhân vật của ông anh Nhật Tiến. Nghĩa là con người vừa biết yêu thương vừa có nhu cầu về tính dục. Chính vì lối miêu tả này mà Nhật Tuấn ở trong nước đã bị mấy ông đảng viên già kết tội là viết văn khiêu dâm. Sự thực những đoạn nói về sex ấy không thấm vào đâu với những nhà văn của miền Nam trước đây như Túy Hồng, Thế Uyên, Dương Nghiễm Mậu. Và còn xa mới bằng những Kiệt Tấn, Khánh Trường, Đỗ Kh. của hải ngoại. Chúng ta hãy đọc một vài đoạn:

* Tôi thò đầu ra khỏi võng kêu lên: Lạ nhỉ, đói rét mất ngủ đã đành, no ứ bụng mà cũng không ngủ được thì là sao ? Thằng học giả cất giọng giảng giải. Chúng mình không ngủ được là đúng thôi. Tình dục là nền tảng cho các hoạt động của con người. Bởi thế “‘cái đó ” mới nằm bên dưới cái đầu. Nó thuộc hạ tầng cơ sở nhưng lại chi phối chặt chẽ thượng tầng kiên trúc. Cho nên chúng mày thử ra lệnh cho nó rụt lại xem có được không? Không được . . . (trang 35)
* Kỳ phép vừa rồi tao (thằng hộ pháp kể) vừa đặt chân xuống bến ô-tô phố huyện thì đổ mưa như trút, xung quanh trốn sạch cả, tao còn đang khoác áo nylông đứng giữa trời, giữa bến xe ngơ ngơ ngác ngác như quạ vào chuồng lợn thì bỗng từ quán ăn đằng xa có một em ướt như chuột lột, chạy tới, chui tọt vô nylông của tao. Trời ơi, tưởng ai hóa ra con vợ thằng xã đội, nó cứ run lên cầm cập, ôm lấy tao khóc rưng rức: “Ôi anh ôi, anh bỏ em đi đâu cho em khổ thế này”. Tao càng dỗ, nó càng khóc to, hai quả dừa của nó cứ đè chặt lấy ngực, nóng ran khắp người. Mưa lại ào ào mỗi lúc mỗi to. Biết làm sao giờ, tao đành buông cái ba lô trên vai xuống rồi cứ đứng thế mà quấn chặt lấy nhau như bện thừng, may có miêng nylông trùm kín hết chẳng sợ ai nhìn thấy. Chưa giập bã trầu, nó đã giẫy lên đành đạch, miệng gù gù: “ôi anh ôi, anh nàm gì em thế này . . .(trang 92)

Mùa mưa ào ào chụp lên toán mở tuyến đường khi họ không còn xa đỉnh Hua Ca. Ông Trưởng toán ngã bệnh, tình nguyện ở lại một cái lán làm tạm, để những người còn lại tiếp tục leo lên đỉnh. Lúc này chỉ còn có hai người, “thằng học giả” thay ông già làm trưởng toán, và anh trí thức lè phè nhưng sáng suốt “tôi”. Và đây là đỉnh Hua Ca:

“ Tôi ngơ ngác nhìn quanh, nửa tin nửa ngờ, không lẽ tôi đã đi một vòng ngay trên đầu con quạ ấy ư ? Vậy còn cái mỏ của nó phun ra dòng nước thần đâu ? Chẳng lẽ cái vùng đất huyền diệu nàng Sao kể cho tôi nghe lại tầm thường toàn sương mù gai góc và đầy những vũng nước vàng ố và bẩn thỉu thế kia ư ? Không thể như thế được, cái đỉnh Hua Ca thần thánh ấy chắc không phải nơi tôi đang đứng đây, nó phải ở đâu đó cao tít từng mây kia chứ . . .
Thôi nhé, vĩnh biệt chuyện đi tìm nước thần thoát ra từ miệng con quạ. Tôi không thể bắt chước thằng học giả, không thể mang thứ nước vàng đục kia và gọi nó là nước thần về cho nàng Sao. Tôi bước nhanh ra khỏi vũng lầy đầy những bọ gậy và lá mục . . .
**
Đoạn kết luận thật buồn và có “tính phản động” cao độ. Nhật Tuấn đã cho thấy ông trưởng toán trong những ngày đau ốm chót, đã kín đáo trao cho nhân vật “tôi” tất cả tiền bạc dành dụm, nhờ nhân vật này khi trở về đến đồng bằng, hãy đi kiếm mẹ con “bà trưởng phòng” đang sống lam lũ trong một nông trường tặng ngân khoản ấy với lời xin lỗi và hối tiếc. Xét về tình người muôn thuở, thì sự kiện ấy rất được. Nhưng sự kiện khai tử ông đảng viên trung kiên một đời cho sự nghiệp cách mạng, là một thị kiến làm nhức nhối rất nhiều ông trung ương ủy viên già của đảng cộng sản Việt Nam vào thời điểm Boris Yeltsin chưa giải thể liên bang Sô Viết. Quí ông không thể tới đỉnh Hua Ca được và có tới cũng chẳng có gì ngoài sương mù, gai góc và những vũng nước vàng dơ bẩn. Thời và giấc mơ của quí ông và ngay bản thân của quí ông nữa đã qua rồi.

Đó là thứ thông điệp nhà văn Nhật Tuấn muốn gửi tới đảng.

Nhưng chỉ có đảng cộng sản là phải chết, qua đi thôi. “Thằng cấp dưỡng” dù phát quang cả sườn núi cũng không kiếm ra gói tìên đánh mất, đã trở lại. “Thằng hộ pháp” không rủ được nàng xã đội ra đi, cũng một mình trở lại miền Hua Ca. “Bốn thằng” này, tượng trưng cho nhân dân trường tồn ngàn đời của Việt Nam, đã trịnh trọng mang xác ông trưởng toán lên chôn trên đỉnh Hua Ca. Sống, ông đã không lên được nhưng ông đã thiện chí và cố gắng tối đa, thì chết, cho ông lên nằm ở đó – phản ứng đúng tình nghĩa của dân Việt.

Nhưng kết luận của Nhật Tuấn cũng không đến nỗỉ bi quan. Dưới dây là những dòng chót của Đi về nơi hoang dã :

Trong đêm cuối cùng trên đỉnh núi Hua Ca, chúng tôi lại đốt một đống lửa, ngồi quây quần như những ngày trước. Không ai hé răng một lời. Tất cả đều ngồi thẫn thờ trước ngọn lửa đang bốc cao kéo những tàn đỏ đuổi nhau và mất hút trong bóng đêm. Mọi việc giữa bọn tôi rồi cũng qua đi như thế. Sáng mai sẽ xuống núi, sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên KHÔNG VÌ THẾ CON NGƯỜI KHÔNG THỰC BỤNG YÊU NHAU. . .

*****

Mồ hôi của đá của Nhật Tiến

Bia MO HOI CUA DA-

Nếu bảo rằng đa số những người cầm bút ra hải ngoại đều hay bóp méo sự thực khi cầm bút viết về Việt Nam thì là điều quá đáng, nhưng nếu bảo rằng ai cũng trung thực với sự thực của lịch sử, lại là điều hoàn toàn không đúng. Trong những người cầm bút có can đảm tả tả đúng những gì đã xảy ra trước và sau 1975 tại Việt Nam, chúng ta có không nhiều, và đương nhiên trong thành phần nhà văn trung thực này có mặt Nhật Tiến.

Đọc Mồ hôi của đá, độc giả không thấy những huyền thoại kiểu: cả trăm ngàn quân nhân tự sát vì không chịu buông súng, giáo chức thì bỏ dạy để phản đối chính quyền cộng sản, các mật khu kháng chiến mọc ra như nấm, đánh cộng sản tơi bời hoa lá,.. v.v… Nhật Tiến đã có can trường tả đúng những gì xảy ra tại miền Nam sau tháng 4-1975, và nhất là tại Sài Gòn. Ông đã, qua những nhân vật Nguyệt, Vũ, Toàn, ông Hồng Phát . . miêu tả rõ tâm trạng thực sự của dân miền Nam những năm đầu.

Đó là thứ tâm trạng thoả hiệp với chính quyền mới.

Chính quyền cũ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã tan rã, nay có muốn chống đối tiếp cũng không thể nổi. Dân thời này hay nói với nhau: Lúc còn cả triệu quân có súng còn chẳng đánh nổi cộng sản nữa là bây giờ. Thứ tâm trạng cầu an này không có gì để ngạc nhiên vì đó là thứ tâm trạng phổ biến trong nhiều thời đại tại các không gian khác nhau. Điểm đặc biệt Nhật Tiến đã nêu lên được là sự quyến rũ đầu tiên của “chính nghĩa cách mạng” do đảng cộng sản đưa ra. Từ bộ đội miền Bắc đến bộ đội của Nguyễn Hữu Thọ, từ quân sự đến dân sự, đều lớn tiếng nhấn mạnh đến công cuộc cách mạng của họ, không phải chỉ có một, mà tới “ba dòng thác cách mạng”. Không phải nhắc ngày nhắc đêm, mà bắt toàn dân miền Nam đều phải học tập cho hiểu và cho nhớ. Và đương nhiên đa số dân đều bị tác động, chỉ có điều tin nhiều hay ít hay bán tín bán nghi, thì tùy từng người mà thôi. Nhật Tiến đã tả đúng thứ tâm trạng này trong đoạn văn sau:

Mỗi người vì mọi người. Mọi người vì mỗi người. Một xã hội như thế ai mà không mơ ước! Phải chăng, mấy trăm ngàn sĩ quan các cấp thuộc quân lực cũ sẵn sàng đi trình diện học tập trong khi guồng máy công an, cảnh sát của chế độ mới hãy còn ở giai đoạn phôi thai chưa đủ khả năng ruồng bắt, tóm gọn, ấy cũng là vì xuất phát từ một tấm lòng tha thiết muốn được góp phần vào công cuộc xây dựng lại quê hương sau bao nhiêu năm hoang tàn vì chiến tranh (trang 55)

Đối với những người lớn tuổi, kể cả thành phần quân cán chính của chế độ cũ, đa số đều bán tín bán nghi: Họ (cộng sản Việt Nam) nói họ làm cách mạng xã hội để xây dựng một xã hội lý tưởng, hay hơn, công bằng dân chủ hơn chế độ Việt Nam Cộng Hòa, vậy thì ta “hãy cứ chống mắt” lên xem họ làm. Còn đối với lớp trẻ, thì chính nghĩa cách mạng cộng sản quyến rũ hơn nhiều. Thí dụ như nhân vật chính Nguyệt. Là nữ sinh Nguyễn Bá Tòng mới trở thành sinh viên Đại học Văn Khoa chưa được bao lâu, Nguyệt đã nhiệt thành tin tưởng ở chính nghĩa vô sản, do đó đã trở thành Bí thư Chi đoàn trong nhà in Hồng Phát nơi cô đang làm việc. Với chế độ xã hội chủ nghĩa, kể như Nguyệt trở thành general manager, cô giám đốc có toàn quyền sinh sát đối với toàn thể công nhân, kể cả ông chủ nhà in thực sự là ông Hồng Phát.

Nguyệt có hai người yêu. Người đầu là Vũ, sinh viên y khoa năm thứ ba bỏ ra bưng theo mặt trận Nguyễn Hữu Thọ. Người yêu thứ hai là Toàn, cựu sinh viên Luật, động viên thành thiếu úy, bị thương giải ngũ nên không phải đi cải tạo năm 1975. Ba người này tượng trưng cho giới trí thức trẻ của miền Nam.

Về phía cộng sản đang nắm quyền, có hai nhân vật xuất hiện. Một là ông Sáu Thu theo đảng từ mấy chục năm nhưng trong thâm tâm đã mất lòng tin ở chủ nghĩa Mác-Lê. Bây giờ ông chỉ lo giữ ghế và hưởng thụ tối đa những gì miền Nam có thể mang lại.

“ Như ông Sáu Thu là một trường hợp điển hình. Ông đã miệt mài đấu tranh để loại bỏ một giai cấp, nhưng ông lại đang ở trên đà trở thành kẻ thay thế lớp người cũng ở giai cấp đó. Nói khác đi, cách mạng đâu có xóa bỏ nổi giai cấp áp bức, bóc lột. Nó chỉ thay thế lớp người làm công cuộc áp bức, bóc lột đó mà thôi.” (trang 65)

Ông Năm Tỏa thì trái lại. ông thuộc thành phần cán bộ miền Nam, theo đảng vì tưởng đảng mang lại cho dân một chế độ tốt hơn hẳn chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà ông biết trước đây. Bây giờ cách mạng thành công rồi, đất nước đã thống nhất, ông mới chua xót nhận ra là chế độ xã hội chủ nghĩa nhập cảng từ lục địa phương Bắc, là một chế độ tồi tệ đến độ ông thường cay đắng than:

“Cả cuộc đời tôi đi làm cách mạng đâu phải để thể hiện một cái xã hội như thế này.”

Nhận định này biểu lộ tâm trạng chung của những người đảng viên cộng sản đổi mới bất cứ ở đâu, từ Hungary, Ba Lan tới Liên bang Sô Viết. Chính cái ông cộng sản có tâm thức glasnost, đổi mới này đã khuyên Nguyệt như sau:

“ Thôi Nguyệt ạ, đừng loay hoay làm gì cho mất công. Cái đời chó đẻ này, ở đâu cũng thế. Lý thuyết một đằng, thực hành lại đi một đằng khác. Như tôi, đấu tranh gần cả một đời, gian nan nào cũng vượt, khó khăn nào cũng qua, ấy thế mà, lúc cầm đưọc vinh quang trong tay lại là lúc chao đảo niềm tin một cách não nề nhất. Chẳng phải chỉ có một mình Sáu Thu đâu, chúng nó mất phẩm chất la liệt. Trước thì còn nghĩ được rằng đó chỉ là hiện tượng nhưng rồi không thể chối cãi được rằng hiện tượng đó đã trở thành bản chất mất rồi !” (trang 69)

Trong những năm đầu sau tháng 4-75, dân miền Nam có thói quen coi bất cứ ai đội nón cối đi dép râu đều là “cán bộ và bộ đội cộng sản”. Nhưng rồi với thời gian, dân miền Nam dần dần hiểu ra rằng ngoài Bắc cũng có hai thành phần dứt khoát: thành phần thống trị là đảng, và thành phần bị trị là dân – và dân thì đói khổ vô cùng tận. Kể từ đó dân bị trị hai miền thông cảm với nhau hơn, cùng ngấm ngầm ghét cay ghét đắng “tụi nó” (từ thông dụng mà dân Bắc hay dân Nam cùng dùng mỗi khi nói tới đảng và công an). Làm sao dân miền Nam không chấm dứt hiện tượng vơ đũa cả nắm dân miền Bắc khi chính một người miền Bắc đã nói với bà con miền Nam như sau:

“ Đừng tin những gì chúng nó nói, cháu ơi. Xã hội miền Bắc sau gần 30 năm tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa, đời sống vật chất càng ngày càng nghèo đi, mà đời sống tinh thần cũng theo đó mà suy sụp theo nữa. Con người không còn tâm trí nào khác hơn là chỉ lo toan đến những nhu cầu vật chất tối thiểu. Như một đàn cừu dưới làn roi vọt, con thì được chia nhiều cỏ hơn, con thì được ít hơn. Nhưng chung quy vẫn chỉ là những con cừu thụ động đi theo sự hướng dẫn của đảng và nhà nước. (trang 82)

Đó là nói về quảng đại quần chúng miền Bắc. Vậy còn giới trí thức mà mọi người nội địa hay gọi đùa là “giới sĩ phu Bắc hà” thì sao? Giới này vẫn còn tồn tại nhưng nín khe sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm. Đa số những người này suy nghĩ như nhân vật nhà văn miền Bắc tên Hoàng:

“ Từ khước phương tiện văn chương chỉ là một thái độ tiêu cực. Điều đó có nghĩa là phó mặc mọi việc nước cho một thiểu số mặc sức tung hoành. Kết quả, kẻ đứng ngoài cũng vẫn chịu ảnh hưởng đến đời sống của mình chứ không phải vì thế mà tránh thoát. Cho nên hãy cứ xông vào, chấp nhận qui luật của chế độ mới để tạo một đất đứng cho mình. Dần dà, số người tham gia sẽ trở thành những nhân số tích cực, ảnh hưởng vào cơ chế mới, khiến cho nó thay đổi. Nhân số tích cực càng nhiều, thời gian thay đổi càng rút ngắn. Đó là quan điểm phổ biến của nhiều người cầm bút miền Bắc . . . (trang 89)

Chính nhà văn miền Bắc này đã nhận định:

“ Miền Bắc, sau gần 30 năm kìm kẹp, không trông mong gì được về một phong trào chống đối nào. Mọi người đã kiệt quệ, mòn mỏi. Tuổi trẻ thì khi sinh ra đã ở trong lòng chế độ. Họ hoàn toàn xa lạ với những tin tức bên ngoài và những tư tưởng tự do. Họ không đủ yếu tố để trở thành những hạt nhân của sự suy nghĩ mới. Xã hội bế tắc nhưng vẫn cứ tồn tại. Tồn tại trong những điều kiện thấp kém nhất của nhu cầu tối thiểu làm người.
Hoàng hướng về quần chúng miền Nam với một ước vọng thầm kín. Lịch sử không thể tái diễn đối với phần đất đã từng có hơn 30 năm tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Đảng và nhà nước có trấn áp, có tiêu diệt, có áp dụng triệt để bạo lực cách mạng thì những gì đã xảy ra ở miền Bắc vẫn không thể xảy ra trọn vẹn ở miền Nam.” (trang 93)

Chính với một ý hướng như thế, Hoàng đã gặp những Nguyệt, những Toàn của miền Nam để phổ biến bản tuyên ngôn của “Nhóm Văn Nghệ Chân Đất”, hoạt động bí mật trong giới cầm bút gốc miền Bắc, trong có đoạn như sau:

“ Chúng tôi, những con người vốn sinh ra như con người dưới mặt trời muôn thuở, kêu gọi tất cả mọi sáng tác phẩm được viết phải dành cho mọi trái tim yêu thương chứ không dạy mọi người phải căm thù và chuyên chính !
Với bộ ngực trần, chúng tôi tuyên chiến với mọi thứ văn hóa bịp bợm, lố bịch đang ngày đêm làm bẩn bầu không khí xung quanh chúng ta.
Hãy chống mọi thứ ô nhiễm đang đầu độc nền văn hiến 4.000 năm. . . . (trang 159)

Mồ hôi của đá được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1988, nghĩa là Nhật Tiến đã hoàn tất cuốn truyện trước đó. Vào thời điểm ấy, sự hiện diện và nỗ lực của Nhóm Chân Đất kể như không mấy ai chịu tin. Nhưng những năm về sau, thực tế đã trả lời là họ có thật và làm được thật. Những Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Nhật Tuấn, Nguyễn Duy . . . đã xuất hiện thật mạnh mẽ với nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng cũng như nghệ thuật.

Nhưng đó chỉ là trong địa hạt văn nghệ và vận động tư tưởng quần chúng cho một sự đổi thay lớn lao cho một tương lai chưa tới. Về thực tế, cụ thể, trong cuộc sống chính trị xã hội kinh tế hằng ngày thì sao? Câu trả lời khá giản dị: Đổi Mới đã có, đã xảy ra và đang diễn tiến, dù con đường dẫn tới một “C.I C Việt Nam” thay cho Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa vẫn còn dài. (nhà văn Thế Uyên không ghi chú 3 chữ tắt này nên không rõ ông ngụ ý gì, ghi chú của người đăng bài)

Dù là đi “chân đất, ngực trần” như nhân vật Hoàng trong truyện, hay “ngồi bệt xuống cỏ” mà nói lên tiếng nói của lương tri như Dương Thu Hương, người trí thức, người nhà văn dấn thân của Việt Nam cũng đã hoàn tất đáng khen thiên chức của mình.

Nhật Tiến đã kết thúc tác phẩm của mình bằng cách cho Nguyệt bị ông Sáu Thu (vẫn mê nàng một cách rất xác thịt từ lần dầu gặp gỡ) lừa cho uống thuốc mê để phá trinh nàng. Sự kiện này là giọt nước làm tràn cái ly: Nguyệt đi tới chỗ không còn tin tưởng ở “cách mạng nói chung” nữa. Nhưng Nguyệt biết làm gì bây giờ, một khi nàng từ khước giải pháp bỏ cuộc, quay lưng lại với nỗi khốn khổ của dân tộc, vượt biên ra đi đến Canada hay Mỹ để làm lại cuộc đời nhỏ bé của mình trong bình yên ?

Nguyệt không còn tin ở phe chiến thắng cũng như phe chiến bại bởi vì những người :

” . . . như Sáu Thu, như Vũ, và những cán bộ được chuyển từ miền Bắc vào. Họ luôn luôn tự mãn với thành quả chiến thắng vừa đạt được. Họ làm như đã đạt tới tột đỉnh của vinh quang và không bao giờ muốn đổi thay nó. Nghĩ tới đổi thay bây giờ là đụng chạm tới húy kị” . . . “Còn cái vỏ thứ hai thì dành cho những kẻ như Toàn. Chàng tiếc nuốí quá khứ và do sự tiếc nuối này, chàng không chấp nhận bất cứ cái gì không thuộc về quá khứ. Thật ra có ích gì đâu khi đứng bên lề cuộc sống và gậm nhấm tất cả những nỗi buồn tủi, ê chề, thiếu thốn do chính cuộc sống đem lại mỗi ngày . . . “ (trang 162)

Phe chiến thắng không còn tin được, phe chiến bại cũng không xài vào việc gì, vậy giải pháp nào đây cho toàn dân Việt Nam?
Nhật Tiến đưa ra giải pháp “Năm Tỏa”, kẻ ngay từ lúc xuất hiện trong truyện đã nổi danh vì câu: Tôi đi làm cách mạng, hy sinh cả một đời, đâu có phải để thực hiện một xã hội như thế này!

“ Hẳn lòng ông mang đầy mặc cảm tội lỗi. Nhiều đảng viên, đoàn viên, cán bộ chắc cũng đã mang mặc cảm tội lỗi như thế, nhất là những thành phần trong đám đã từng tham gia Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, không vì xã hội chủ nghĩa mà vì lòng yêu nước. Nhưng ông Năm Tỏa đã hơn hẳn nhiều người có cùng một tâm sự như ông. Ở chỗ ông không dừng lại. Dừng lại là phủ nhận lý tưởng của mình, là tiếp tay cho bạo lực, là có tội chứ không có công với tổ quốc, với đồng bào. Ông đã lẳng lặng tiếp tục bước đi nữa trên con đường chông gai của mình. (trang 165-166)

Khi thấy Nguyệt (và khối người như Nguyệt thật là đông đảo) lâm vào bế tắc, ông Năm Tỏa đề nghị mời Nguyệt tham gia vào mật khu mới của phe ông:

“ Cô sẽ không thấy một chiến khu rầm rộ súng ống và những chiến sĩ thao dượt ngày đêm như cái danh từ vốn mang đầy đủ hình ảnh đẹp đẽ ấy . . . anh em chúng tôi ở đây quan niệm rằng súng ống của chúng tôi là súng ống mà chính quyền hiện đang có, quân đội của chúng tôi là quân đội đang phục vụ chế độ ở dưới cờ. Tất cả những phương tiện đó sẽ là của chúng ta nếu chúng ta thành công trong công cuộc thay đổi não trạng của tất cả mọi người. Chúng ta sẽ nhóm lên những ngọn lửa và trông chờ nó lan thành những cơn bão lớn, chứ không phải trông chờ ở những ai bật đèn xanh, đèn đỏ gì hết. (trang 170)

Những điều ông Năm Tỏa nói trên, vào thời điểm những năm 1987-88, còn mang tính cách dự tri, hơi nặng phần văn chương khoa học giả tưởng. Nhưng thực tế của những năm sau đó đã chứng tỏ sự thay đổi não trạng của những lãnh tụ và đảng viên cộng sản đã xảy ra thật.

Bắt đầu từ Ba Lan, lan dần khắp Đông Âu. Để rồi tận cùng, tại Liên bang Sô Viết, nơi phát sinh ra các chế độ xã hội chủ nghĩa trên thế gian, chính những người đảng viên cộng sản cao cấp như Gorbachev, Yeltsin . . . đã đứng lên giải tán các đảng cộng sản, để mặc dân đập tan các thần tượng và tượng thật của những thánh tổ đỏ xưa kia như Mác, Lê-nin.

Tại Việt Nam, những ông Năm Tỏa đã xuất hiện và đã đổi mới được một phần nào chế độ. Nhưng với Nhật Tiến thì không phải chỉ có những ông Năm Tỏa mà thôi. Trong đoạn chót của Mồ hôi của đá, Nhật Tiến đã cho nhân vật chính Nguyệt gặp gỡ trong mật khu kiểu mới của Năm Tỏa một đại úy của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Đó là một hình ảnh tượng trưng cho giải pháp mơ ước của Nhật Tiến:

“ Những người cộng sản trong sạch và biết nhận ra sai lầm trong quá khứ sẽ hợp tác với những người tốt của Việt Nam Cộng Hòa xưa kia, kể cả các sĩ quan cải tạo để cùng làm một cuộc cách mạng mới hay một công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.”

Nếu có một vấn nạn nào có thể nêu ra để kết thúc bài này, thì đó sẽ là:

Vào thời điểm Nhật Tiến viết Mồ hôi của đá, chưa hề có chương trình H.O. cho phép các sĩ quan cải tạo mang vợ con đến Mỹ làm lại cuộc đời trong khiêm tốn nhưng an bình. Bây giờ các sĩ quan ấy đã, đang và sẽ còn ra đi đều đặn . . . đến độ những người đọc đến trang chót Mồ hôi của đá có thể tự hỏi : Đến cái ngày mà những người trong nước, chủ yếu là các đảng viên cộng sản đổi mới, viết lại một lần nữa hiến pháp, xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lê và chuyên chính vô sản, thì liệu có còn một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa nào nữa không, để đứng cạnh những cô Nguyệt, những ông Năm Tỏa của Việt Nam?

Thế Uyên
(Văn Học- tháng 7-1992)

Những Chi Tiết Mới Về Văn Học Qua Phỏng Vấn Của Nguiễn Ngu Í, Tản văn Trần Văn Nam


158053-T.400nni-qh

nni15052313_SONG va VIET do Bach Khoa xb. Xuan-Thu tai-ban

Trần Văn Nam

Với cuộc phỏng vấn vừa theo quy cách phỏng vấn vừa pha lẫn với hàn huyên tâm sự có tính chất thân mật do quen biết, nhà báo Nguiễn Ngu Í dẫn dắt ta vào sự tìm hiểu nghiệp văn của 12 nhà văn nhà thơ có tiếng tăm trong Văn Học Miền Nam trước 1975. Có biết bao nhiêu chi tiết về cuộc đời sáng tác biên khảo của họ được phơi bày, nhưng trong khuôn khổ vừa phải, người viết bài này chỉ kể ra một hai chi tiết gọi là mới chưa thường nhắc tới trong sách báo trước đây, chỉ có trong cuốn sách này của Nguiễn Ngu Í. Cuốn sách mang tên: “Sống Và Viết Với Nhất Linh, Lê Văn Trương, Lê Văn Siêu, Á Nam, Doãn Quốc Sỹ, Đông Hồ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường”, xuất bản trước 1975, Xuân Thu tái bản tại California sau 1975. Để qua những chi tiết về một đời văn có nhiều ghi chép trong sách báo thì ta không tiếc vì chúng đã được lưu lại; nhưng nếu bỏ qua một số chi tiết mới chỉ có trong sách này của Nguiễn Ngu Í thì rất uổng (do biết mà không phổ biến). Một đôi lần ta có đọc trên sách báo trước đây về tấm lòng quý trọng văn học của ông Nguiễn Ngu Í; riêng trong sách được minh thị với vài dòng thủ bút của Lê Ngọc Trụ ghi nhớ “tấm lòng” và “tâm hồn” đặc biệt ấy của Nguiễn Ngu Í.

Và độc giả cũng nhận ra điều này khi đọc trong Bách Khoa thời gian ông còn cộng tác với Tạp chí: Ông đồng ý đăng miễn phí vài lời nhắn tin như cải chính tên hay bút hiệu cho vài bạn trẻ mới đóng góp được một số bài thơ trên các báo; mới là giới trẻ nên họ nhờ cải chính khiêm tốn, nhưng ông sửa đổi lời lẽ cho có vẻ “mạnh miệng”, chững chạc. Bàng bạc trong cuốn sách này là tấm lòng và tâm hồn ấy qua những câu hỏi phỏng vấn, qua chợt nhớ đến một điều nào đó khi lắng nghe lời giải đáp của nhà văn. Nhưng bài viết này không cốt nêu ra hết những bộc lộ tâm hồn Nguiễn Ngu Í, chỉ cốt nêu ra một hai chi tiết mới về văn học của từng tác giả được phỏng vấn. Nhờ phỏng vấn rồi chợt nhớ, rồi được hồi đáp đầy đủ, mà ta biết thêm những điều mới. Những tiết lộ qua trò chuyện giúp cho ta biết chi tiết về nguyên nhân làm “thai nghén” tác phẩm (với đoạn viết về nhà văn Nhất Linh). Cũng kiểu ấy, ta biết thêm về thời cuộc có liên hệ đến văn học của một thời kỳ (với đoạn viết về nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải). Hoặc biết tỏ tường thời điểm lên và xuống của loạt tiểu thuyết với nhân vật người hùng (trong đoạn viết về nhà văn Lê Văn Trương). Hoặc biết thêm sách nào bán chạy hoặc bán chậm; cũng như tác phẩm “Khu Rừng Lau” sáng tác từ lâu nhưng được sắp xếp lại ở HàTiên khi Doãn Quốc Sỹ làm Hiệu trưởng Trung học nơi đó, năm 1960-1961(với đoạn viết về nhà văn Doãn Quốc Sỹ). Hoặc cho ta biết rõ vì sao Nhóm Hàn Thuyên khi thì bị ngộ nhận là công cụ của Sở Mật Thám Pháp, khi thì bị ngộ nhận thuộc hệ-phái Đệ Tứ Quốc Tế (với đoạn viết về nhà biên khảo Lê Văn Siêu). Hoặc giúp ta trước đây nhớ mơ hồ nay biết đúng thời điểm nhà xuất bản “Yểm Yểm Thư Trang” không còn hoạt động, cũng như cho ta biết nhà thơ Đông Hồ có lần được phân công đi dự Hội Thơ Quốc Tế tại Bỉ-Quốc năm 1961, nhưng chuyến đi bất thành. Hoặc để biết vì sao nhà văn Sơn Nam bị ngờ vực từ trước 1975, dù phần lớn truyện của ông chỉ chuyên viết về khai phá đất đai phương Nam thuở xa xưa, hoặc những chuyện ma chốn đồng quê Cà Mau. Nhờ phỏng vấn thân tình của Nguiễn Ngu Í, nhà văn Bình Nguyên Lộc tiết lộ một cách vui vẻ về vụ báo mình bị ém ra sao. Cũng nhờ qua phong cách quý trọng văn chương chữ nghĩa của Nguiễn Ngu Í, nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ tâm sự cơ duyên không ngờ đến giúp ông gắn bó với ngữ học. Với người đồng điệu trong cải cách viết chữ quốc ngữ (như viết “I ngắn” thay vì “Y dài”; dùng “b thay cho dấu sắc” như “tib thay vì tiếp” trong ý muốn loại trừ 5 dấu trong chữ Việt), nhà phỏng vấn Nguiễn Ngu Í tâm đầu ý hợp với dịch giả Vi huyền Đắc. Qua tâm sự, Vi Huyền Đắc có ý truyền kinh nghiệm khi làm những tác phẩm đổ sộ như Bách Khoa Tự Điển Việt Nam; công trình lớn và khó tiêu thụ như vậy thì nên thực hiện bằng công sức của chính phủ hợp cùng ủy ban soạn thảo; còn tư nhân dù là nhóm hay đoàn cũng khó thành công. Với đoạn viết về học giả Nguyễn Hiến Lê, ngoài những kể lại đức tính cần mẫn, làm việc có giờ giấc rất trật tự và khoa học của học giả mà nhiều sách báo đề cập; Nguiễn Ngu Í còn có dịp làm ta biết thêm vài điều mới như thời cuộc nào khiến Nguyễn Hiến Lê bị kẹt ở thành phố Long Xuyên đến 7 năm, và nhờ chỉ làm việc ban đêm nên ban ngày rảnh rang khiến ông viết được cuốn sách đầu tay “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”. Đoạn viết sau cùng dành cho nhà văn Hồ Hữu Tường. Có một thời gian ngồi tù Côn Đảo cùng Hồ Hữu Tường, nhà phỏng vấn Nguiễn Ngu Í (tên thật là Nguyễn Hữu Ngư, quê quán Quảng Ngãi) càng nghiêng về chuyện vãn tâm tình hơn là phỏng vấn đúng quy cách, nhờ vậy có những chi tiết mới giúp ta thêm hiểu biết nhà văn hóa này.

Cảm hứng nào là nguyên nhân để nung nấu thai nghén thành hình cuốn “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh? Ta biết nhờ một chi tiết mới phát lộ trong cuốn sách “Sống và Viết với…” của Nguiễn Ngu Í. Khi được phỏng vấn đề cập đến cuốn sách “Bèo Giạt” mới quảng cáo ở bìa sau cuốn tiểu-thuyết Bướm Trắng, Nhất Linh cho biết Bèo Giạt là tên khởi đầu thay vì “Xóm Cầu Mới” (Sách đã được các người con của Nhất Linh cho tái bản tại Nam California năm 2002, do nhà xb. Văn Mới ấn hành). Và nhà văn Nhất Linh nói rõ ông đã phác họa nội dung cuốn sách Xóm Cầu Mới do cảm hứng từ bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận. Các câu thơ làm ông như bị lảng vảng về ý tưởng những thân phận nổi trôi trong thời cuộc: “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng…”. Như vậy Xóm Cầu Mới của Nhất Linh viết từ cảm hứng bất chợt rồi được đào sâu thành cuốn tiểu thuyết lịch sử. Điều đặc biệt, đây không phải lịch sử làm nên do những nhân vật tên tuổi mà lịch sử do những đời thường, những thân phận bèo giat mây trôi vì thời cuộc, bôn ba vì sinh kế. Vậy đây lại là một bước ngoặt khác của Nhất Linh. Sau thời kỳ Tiểu thuyết Luận đề Đoạn Tuyệt; sau thời kỳ Tiểu thuyết Phiêu lưu Tâm lý Bướm Trắng; sau thời kỳ Tiểu thuyết lịch sử của trí thức tiểu tư sản (?) Giòng Sông Thanh Thủy, bây giờ là Tiểu thuyết Lịch sử của những nhân vật đời thường Xóm Cầu Mới. Từ lâu, ta vẫn nghĩ “Xóm Cầu Mới” khởi điểm từ lý thuyết viết tiểu thuyết lịch sử những đời thường, mà lý thuyết thì động cơ do lý trí. Còn cảm hứng thì động cơ do từ tâm hồn, rồi sau đó lý trí mới dàn trải xây dựng thành một truyện dài.

Và đây là chi tiết mới cho văn học trong đoạn viết về Lê Văn Trương. Nhờ cuốn sách này của Nguiễn Ngu Í mà ta biết rõ thời điểm lên và xuống của tiểu thuyết người hùng. Người hùng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương không phải loại anh hùng lịch sử, loại võ nghệ cao cường, hay loại hoang đường dã sử. Đây là loại anh hùng thấy chuyện bất bằng chẳng tha, loại người hùng gần giống như trong ý nghĩ của Sơn Nam qua câu thơ “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” (Thấy chuyện bất nhân mà không can thiệp thì không phải là người tốt). Nguiễn Ngu Í rất tán đồng loại người hùng này của Lê Văn Trương, nên đoạn viết về Lê Văn Trương hào hứng với 39 trang, đứng đầu trong cuốn sách phỏng vấn này của Nguiễn Ngu Í. (Hồ Hữu Tường, người đồng tù Côn Đảo, với 33 trang, đứng hàng thứ nhì). Theo Lê Văn Trương, những người ít từng trải đời, chưa đi khắp thiên hạ, thiếu kinh nghiệm chứng kiến, nên mới nói loại người hùng trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương toàn là “anh hùng rơm”, không tưởng, không thể có trong đời thường. Tiểu thuyết của Lê Văn Trương bán rất chạy vào những năm từ 1935 đến 1945. Đến năm 1964, nghĩa là sau 10 năm di-cư vào Miền Nam, tiểu thuyết Lê Văn Trương chỉ còn ít người đọc, đời sống của ông vất vả bệnh tật. Nhưng năm 1954 và vài năm kế tiếp, sách của ông vẫn còn bán chạy. Lúc ấy, với đời sung túc, ông thuê cả phòng riêng để viết tiểu thuyết ở một khách sạn trên Đại lộ Nguyễn Huệ Sài Gòn; có xe hơi; và mua nhà ở số 100/67 Trần Hưng Đạo gần đường Bùi Viện (thuộc khu vực Tây ba-lô bây giờ). Nguyên nhân sa sút, có phải vì tiểu thuyết của ông không còn hấp dẫn trước viễn ảnh chiến tranh với những dằn co về ý thức hệ, về triết lý Hiện Sinh, về các quan niệm sáng tác mới du nhập từ Tây phương, về thực tế đời sống kinh tế khó khăn lúc chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, lúc có các cuộc tranh đấu Phật Giáo chống lại chế độ Ngô Đình Diệm, tất cả những dồn dập ấy khiến tiểu thuyết của ông như thuộc về quá khứ không còn nữa.

Đoạn viết về Á Nam Trần Tuấn Khải có những nhắc nhở thời quần chúng Việt hết sức tán thưởng nhân vật “anh Khóa” trong thi phẩm “Bút Quan Hoài” của ông: anh Khóa được tiễn chân lên đường sang Pháp du học, du học gồm thâu kiến thức văn minh để khi trở về giúp nước thoát ách đô hộ (chắc đây là hoài vọng có được những nhà thông thái, nhà trí thức cấp cao, có thể tranh đấu chốn nghị trường với chính quyền Pháp?). Khi ông đi xe lửa từ Bắc vào Nam năm 1928, nơi nào phải ghé để đi từng chặng như lúc xuống xe ở Vinh – Đông Hà – Huế – Đà Nẳng – Qui Nhơn – Nha Trang – Sài Gòn (đi từng chặng vì đường xe lửa chưa hoàn toàn thông suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn vào thời ấy), thì ông đều có dịp nghe người ta ngâm thơ hay đọc thơ anh Khóa. Nhắc nhở ấy cho thấy nguyện vọng nung nấu của toàn dân từ Nam chí Bắc muốn thoát ách đô hộ thực dân Pháp. Thi phẩm Bút Quan Hoài xuất bản năm 1924, được tái bản nhiều lần, lần cuối vào năm 1957 tại Sài Gòn. Riêng người viết bài này đã có thấy nó vào năm 1950 tại Tháp Chàm, nơi nhà người bạn học lớp Nhất Tiểu Học (lớp cao nhất bậc Tiểu Học, năm ấy còn phải thi bằng tốt nghiệp bậc Tiểu Học, thi tại Phan Rang): nhớ mang máng hình bìa vẽ người đàn bà gánh nước với màu đen trên nền màu vàng nâu; và cũng nhớ mơ hồ có câu thơ Tản Đà ghi trên hình bìa Bút Quan Hoài: “Non sông nặng một gánh tình/ Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi”.

Đoạn viết về Lê Văn Siêu nhắc ta nhớ Nguyệt san in màu rất hiện đại vào thời 1955 hay 1956, Nguyệt san hình ảnh “Sáng Dội Miền Nam” do Lê Văn Siêu làm chủ bút. Nhớ mang máng trên báo ấy có bài tùy bút của nhà văn Mai Thảo viết về giờ khắc lúc gần sáng của Sài Gòn; với hình ảnh đen trắng những người uống cà phê nóng trút vào dĩa; với hình ảnh xe thổ mộ lắc lư ngọn đèn dầu từ ngoại ô đi vào thành phố; với hình ảnh ánh sáng bình minh bắt đầu đượm hồng trên cột thu lôi Nhà Hát Lớn (tức trụ sở Tòa Nhà Quốc Hội sau này dưới thời Việt Nam Cộng Hòa). Cũng nhớ mang máng đọc trên nguyệt san Sáng Dội Miền Nam 2 bài thơ của Vũ Hoàng Chương xuất hiện lần đầu tiên: Đăng Trình và Mây Sóng Tình Thơ. Nhờ một chi tiết mới, qua đoạn viết về Lê Văn Siêu, nó xóa tan những ngộ nhận Nhóm Hàn Thuyên (hiện diện từ năm 1939 ở Hà Nội). Lê Văn Siêu có chân trong nhóm nên biết rõ những ngộ nhận. Ngộ nhận thứ nhất: Nhóm Hàn Thuyên là công cụ của Sở Mật Thám Pháp, sở dĩ bị ngộ nhận như vậy vì nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh có chân trong nhóm quen thân với người bạn học Pháp lúc ấy với chức vụ Giám Đốc Sở Thông Tin – Báo chí và Tuyên truyền. Sở ấy có công việc riêng khác với sở Mật Thám. Ngộ nhận thứ hai là Nhóm Hàn Thuyên thuộc hệ-phái Đệ Tứ Quốc Tế, sở dĩ bị ngô nhận như vậy vì nhóm có đăng bài và xuất bản sách của Hồ Hữu Tường. Thật ra, theo sự hiểu biết thân cận của Lê Văn Siêu thì cơ sở Hàn Thuyên do gia đình ông anh vợ của Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, đầu tiên chỉ là cơ sở nhà in làm việc thương mại. Sau nửa năm thành lập, cơ sở không đủ sống, nên Trương Tửu bày việc xuất bản sách, và khéo léo lèo lái thành công thương mại nhờ xuất bản những cuốn sách có giá trị về Chính Trị và Văn Hóa. Tóm lại Nhóm Hàn Thuyên không phải của Mật Thám Pháp, hay của Đệ Tam hoặc Đệ Tứ dù có sự cộng tác của Đặng Thái Mai hoặc Hồ Hữu Tường.

Nhất Linh và Doãn Quốc Sỹ là những nhà văn lớn có những tác phẩm lớn để lại cho đời, nhưng Nguiễn Ngu Í dường như không chuẩn bị được nhiều câu hỏi để làm dồi dào cho cuộc phỏng vấn, cho nên đoạn viết về Nhất Linh chỉ có 9 trang, và Doãn Quốc Sỹ với 25 trang. Ta chỉ tìm được một ít chi tiết mới về văn học như nhà văn cho biết tác phẩm nào bán chạy nhất (cuốn Dòng Sông Định Mệnh), tác phẩm nào từ lâu ta vẫn tưởng phổ biến mạnh lại hóa ra bán chậm (cuốn Gìn Vàng Giữ Ngọc). Qua cuộc phỏng vấn này, Doãn Quốc Sỹ giúp ta nhớ lại thời điểm có vụ xung đột Bình Xuyên và chính phủ Ngô Đình Diệm, xảy ra năm 1955. Lúc ấy, Doãn Quốc Sỹ cư trú tại Đại Học Xá Minh Mạng ở Chợ Lớn, và vừa viết xong một tác phẩm văn học, cuốn “Trái Cây Đau Khổ”. Đạn súng lớn có khi rơi lạc vào Đại Học Xá, may mắn tác phẩm mới viết xong của ông không sao cả. Doãn Quốc Sỹ nói đến tác phẩm không bị tiêu hủy trong khói lửa, hàm chứa ý tưởng còn có biết bao tác phẩm văn chương của nhân thế mất mát trong các cuộc chiến tranh quá dài ở Việt Nam.

Nguiễn Ngu Í nhắc cho ta nhớ về nhà thơ Đông-Hồ khi được mời dạy ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn kể từ niên khóa 1964-1965. Lúc ấy, ông có ý muốn soạn bộ Văn Học Sử Miền Nam từ thời đi mở đất sình lầy hoang phế của Thủy Chân Lạp. Dân đi khai phá vùng đất hoang thì phần đông là người nghèo tha phương lập nghiệp để sinh tồn, thì dĩ nhiên đâu có nhiều sáng tác văn chương, đâu có nhiều tư liệu văn học. Ước vọng soạn thảo ấy không dễ có tài liệu dồi dào, vì vậy hình như ông chỉ soạn thảo được có phần Văn Học Hà Tiên của các danh nhân Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích. Cũng qua phỏng vấn, ta ghi được để mà bùi ngùi thời điểm Nhà sách Yểm Yểm Thư Trang ở Sài Gòn không còn nữa tại đường Nguyễn Thái Học (trước là đường Kitchener). Nhà sách kế bên trường trung học tư thục năm 1953 vẫn còn dạy học sinh Việt với chương trình giáo khoa Pháp, đó là trường Lê Tấn Thành. Liên hệ tới điều này để ta biết Nhà sách Yểm Yểm Thư Trang đã cố công phát huy văn chương Việt, đã xuất bản nhiều sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cho Miền Nam lúc ấy còn chịu nhiều ảnh hưởng học văn hóa Pháp. Một số trường tư thục vẫn dạy theo chương trình Pháp trước 1954, mặc dù lúc ấy đã có chính phủ Việt Nam Quốc Gia dưới thời Thủ tướng Trần Văn Hữu hay dưới thời Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm. Nhà sách Yểm Yểm Thư Trang tại đường Kitchener ngưng hoạt động vào năm 1961.

Về Sơn Nam, qua phỏng vấn phối hợp với chuyện vãn, Nguiễn Ngu Í tiết lộ cho ta biết Sơn Nam đã bị nghi ngờ rất sớm có liên hệ đến “Mặt Trận Giải Phóng”, từ năm 1965. Bởi vì Sơn Nam từng đi kháng chiến ở vùng rừng Cà Mau, đã từng được giải văn chương vùng kháng chiến với các tác phẩm “Bên Rừng Cù Lao Dung” và “Tây Đầu Đỏ”. Có thể đó chỉ là tác phẩm viết về kháng chiến chống Pháp không có gì đáng nghi ngờ, nhưng sự kiện sau hiệp định Geneve năm 1954 tại sao Sơn Nam không đi tập kết ra Bắc; làm gì mãi đến năm 1965 mới từ Cà Mau về Sài Gòn sống nghề viết truyện cho các báo. Có người nghi ngờ Sơn Nam đến Sài Gòn với nhiệm vụ gì đó. Biết bị nghi ngờ như vậy, qua tâm sự với Nguiễn Ngu Í, Sơn Nam cho biết dù có dồi dào đề tài về kháng chiến chống Pháp, nhưng ông chỉ chuyên viết chuyện ma hoặc chuyện quái đản vùng quê Miền Nam, một phần cũng vì các chủ báo yêu cầu để báo bán chạy. Nhưng Nguiễn Ngu Í biết Sơn Nam rất tâm huyết khi viết các truyện đi khai mở đất phương Nam thời còn “Dưới Sông Sấu Lội, Trên Rừng Cọp Đua”.

Bài viết này chủ yếu nêu ra những chi tiết mới về văn học liên hệ đến từng tác giả, qua phỏng vấn phối hợp với chuyện vãn. Vậy nên những điều cốt yếu của văn nghiệp mỗi tác giả nếu đã được đề cập nhiều trong sách báo, không cần nêu ra nữa. Do đó, ở đoạn viết về Bình Nguyên Lộc, ta chỉ lưu ý đôi điều mới lạ mà thôi, mới lạ nhưng cũng liên hệ đến đời văn. Như từ lâu ta đinh ninh truyện ngắn “Rừng Mắm” của Bình Nguyên Lộc sáng tác từ hứng cảm vùng đất khai phá nào đó ở Miền Đông (các đề tài của Bình Nguyên Lộc lai vãng ở vùng này), mà thực ra ông lấy được hứng cảm từ hình ảnh Hòn Khoai cùng với Mũi Cà Mau, nơi có các bãi bùn mọc lên những cây mắm tiên phong giữ đất phù sa bồi tụ. Ông so sánh chúng như các tiền nhân cách nay hơn 300 năm, những đợt người đầu tiên đi khai phá mở đất vùng sình lầy Thủy Chân Lạp. Qua tâm tình thổ lộ cùng Nguiễn Ngu Í, nhà văn Bình Nguyên Lộc tiết lộ chuyện cay đắng về vụ báo của ông bị ém: Cơ sở Phát hành không giao báo đầy đủ cho các đại lý, rồi ngày sau nói báo ế bị các nơi trả lại. Nhà văn biết báo mình bị ém, vì vết cắt của máy xém báo còn giữ nguyên dấu như khi mới ra lò từ nhà in (nếu báo phát hành khắp nơi trả lại thì không thể còn giữ nguyên dấu xém báo). Nhờ tâm tình thân mật mới có những điều kể nghe vui như trên, một nỗi buồn trong nghiệp văn chương chữ nghĩa của Bình Nguyên Lộc.

Nguiễn Ngu Í có vẻ rất hào hứng ở đoạn viết về Lê Ngọc Trụ, một phần vì nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ chuyên về cấu trúc ngôn ngữ Việt, tâm đầu với Nguiễn Ngu Í cũng là người đang muốn cải cách lối viết Việt ngữ (như làm sao để có thể viết mà không cần đến 5 dấu “sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng”, như chữ nào thay thế cho y hoặc d…). Hứng thú hơn hết trong đoạn viết này của Nguiễn Ngu Í về Lê Ngọc Trụ, ở chỗ biết được duyên cơ nào Lê Ngọc Trụ trở thành nhà ngôn ngữ xuất sắc với tác phẩm “Chính Tả Việt Ngữ” (xuất bản năm 1951) và “Việt Ngữ Chính tả Tự Vị” (xuất bản năm 1960). Duyên cơ: do Lê Ngọc Trụ có thời gian 13 năm làm quản-đốc tiệm vàng cho cha vợ, thường tiếp xúc với khách hàng người Hoa Quảng Đông. Qua tiếng Việt nói giọng lơ-lớ của họ, ông lưu ý nguyên tắc biến âm từ tiếng Hán phát âm qua tiếng Hán Việt; rồi nghiên cứu cách biến âm từ tiếng Đức qua tiếng Pháp (hai bên có những tiếng mượn nhau nhưng phát âm biến đổi). Nhờ hiểu cách biến âm như vậy mà Lê Ngọc Trụ khám phá luật hỏi ngã trong tiếng Việt, và luật viết đúng chữ cuối trong vần. Công lớn của Lê Ngọc Trụ được áp dụng dạy từ bậc Tiểu Học với những nguyên tắc tất yếu khiến có thể viết đúng dấu hỏi dấu ngã, chữ cuối cùng là T hay C, có G hoặc không G (người Miền Bắc phát âm đúng, nhờ đó viết đúng, nên các nguyên tắc khoa học này hình như để dạy cho học sinh Trung Nam, và phải khởi đầu từ bậc Tiểu Học). Những phát kiến như vậy rất hay, cho nên Bộ Trưởng Giáo Dục khi ấy là ông Trương Công Cừu cố mời cho được Lê Ngọc Trụ giảng dạy lớp Chứng chỉ Ngữ Học Việt Nam tại Đại học Văn Khoa Sài gòn. Lớp chứng chỉ ngữ học này không khô khan như ta tưởng, mà rất thú vị nhờ truy ra nguyên ngữ của tiếng Nôm, và vạch rõ những biến âm do từ đâu. Tuy nhiên, nhà phỏng vấn cũng có lần thắc mắc tiếng thuần Nôm như trái “Mít” do từ nguyên ngữ nào, vì xứ Trung Hoa không có cây mít? (nhà ngôn ngữ nói là do nguyên ngữ Mật).

Vi Huyền Đắc cũng là người có những suy tư để cải cách viết Việt ngữ, có những ý tưởng hợp với Nguiễn Ngu Í, trong đó có sáng kiến muốn loại trừ 5 dấu trong cách viết tiếng Việt. Nên đoạn viết về Vi Huyền Đắc phong phú gồm 27 trang phỏng vấn cùng hàn huyên trong bữa cơm ở nhà Vi Huyền Đắc tại Ngã Năm Bình Hòa (Gia Định). Vi Huyền Đắc là dịch giả từ Hoa Văn và Pháp Văn. Trong khi hàn huyên, Vi Huyền Đắc nói ra những ví dụ về dịch thuật, dịch làm sao cho hợp với cách nói cách viết của người Việt, không thể dịch sát với nghĩa của tiếng nước ngoài. Những ví dụ ấy thật thích thú, thật đáng nhớ để áp dụng khi dịch. Và Vi Huyền Đắc cũng từng là một người trong ban soạn thảo cuốn “Bách Khoa Tự Điển Việt Nam” do Đào Văn Tập chủ trì. Việc soạn cuốn sách này được phân công chu đáo, giờ giấc làm việc và bàn luận thật nghiêm túc. Rồi Đào Văn Tập mất, Đào Đăng Vĩ đem công sức tiếp tục việc soạn thảo, nhưng công sức tư nhân dù là một nhóm khá đông cũng chỉ có giới hạn, việc soạn sách phải bỏ dở dang. Vi Huyền Đắc qua suy nghiệm, có ý kiến thật chí lý: Công trình vĩ đại về học thuật như vậy phải giao cho chính phủ. Chính phủ mới có đủ nhân vật lực để thực hiện, chính phủ mới có đủ quyền uy phát hành sách đến các cơ quan. Như vậy, nhà nước vừa thu hồi tài chánh phải trả ấn phí cuốn sách đồ sộ và tiền công hậu đãi cho toàn ban soạn Bách Khoa Từ Điển; vừa phổ biến được khắp các ngành nghề công trình vĩ đại về chữ nghĩa, rất ích lợi lâu dài cho toàn thể dân chúng; để mọi nơi có thể tham khảo kho tàng văn hóa quốc gia.

Đến phần viết về Nguyễn Hiến Lê, dù rằng cũng do hàn huyên tiếp xúc thân mật tại nhà của học giả, nhưng ta cảm thức được sự nể nang của Nguiễn Ngu Í. Nể nang dành cho các nhà văn khác cũng đều do thành quả văn nghiệp của họ, nhưng với Nguyễn Hiến Lê thêm cái nể nang giờ giấc làm việc rất nghiêm nhặt của ông: từ mấy giờ bắt đầu viết, từ giờ nào dùng bữa, lúc nào phải tức khắc không viết nữa vì đến lúc đi ngủ. Nghỉ là nghỉ, sau viết tiếp, vì Nguyễn Hiến Lê quen với công việc của ngòi bút, không cần đợi hứng tới thì mới viết được. Có người cũng từng thắc mắc, trước Đệ Nhị Thế Chiến, tức là chưa phải thời kỳ kháng chiến chống Pháp, học giả Nguyễn Hiến Lê làm gì ở Đồng Tháp Mười mà viết được cuốn “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”. Ta cũng nên lưu ý thời điểm năm 1935 thì Đồng Tháp Mười còn vô cùng hoang vu, ít ai dám tới. Nguyễn Hiến Lê nói với Nguiễn Ngu Í duyên cơ viết được cuốn sách ấy: năm 1935, ông là công chức Sở Công Chánh chuyên đi đo mực nước kinh rạch vùng Hậu Giang. Công việc đo mực nước chỉ làm vào ban đêm, ban ngày rảnh rang, ông giết thời giờ bằng cách viết du ký. Rồi thì xung-đột Việt Minh-Hòa Hảo xảy ra, ông bị kẹt ở thành phố Long xuyên đến 7 năm, làm nghề dạy học tại đó, từ năm 1947 dến 1953. Từ tâm sự của Nguyễn Hiến Lê qua Nguiễn Ngu Í, ta phải ngưỡng mộ ông là người tính toán làm ăn rất có kế hoạch. Tiến trình như sau: mỗi năm “Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi” ấn hành 3 cuốn trong 5 bản thảo có sẵn của ông, và trong năm đó ông viết thêm 3 cuốn; cứ tiếp tục như vậy trong 4 năm thì ông đã có 12 cuốn sách xuất bản. Đến năm thứ năm thì hết giao kèo với nhà xuất bản Phạm Văn Tươi; ông thành lập “Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê” để vừa tái bản vừa có sách mới viết, như vậy cũng mỗi năm 3 hay 4 cuốn ấn hành. Nhưng sau 1954, đất nước chia đôi làm ông mất một nửa độc giả mua sách. Tuy nhiên, nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê vẫn đứng vững nhờ những cuốn sách của ông rất có ích lợi văn hóa. Nói những con số như trên cho dễ thấy kế hoạch của Nguyển Hiến Lê, chứ thật ra thì trồi sụt một hai cuốn, thường chỉ trồi sụt một cuốn mà thôi.

Phần cuối cuốn sách, Nguiễn Ngu Í cũng một cách thức vừa hàn huyên vừa phỏng vấn tìm hiểu đời văn nhà văn hóa Hồ Hữu Tường. Có một thời gian đi tù Côn Đảo cùng Hồ Hữu Tường dưới chế độ Ngô Đình Diệm, nên đoạn viết về Hồ Hữu Tường được Nguiễn Ngu Í thân tình hỏi cặn kẽ từ thuở Hồ Hữu Tường làm báo thời Pháp-thuộc, cho đến lúc bị bắt ở Rừng Sát vì mưu định lợi dụng lực lượng Bình Xuyên (cũng là mưu định của vài nhân sĩ khác) để làm chuyện lớn nơi chính trường một khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Nhờ thân tình như vậy, Nguiễn Ngu Í được học giả tiết lộ vài điều dấu kín thuở viết báo bằng tiếng Pháp. Như năm 1935, giới viết lách chống thực dân đã đánh lừa được Sở Mật Thám, khiến người Pháp đinh ninh báo lén lút của họ chỉ có thể in tại Pháp mà thôi, vì các chữ in rất rõ và rất đẹp (thật ra làm báo tại một cái chòi vùng ngoại ô Sài Gòn). Đinh ninh như vậy, mật thám Pháp chuyển hướng truy tầm mãi tận Paris. Đó là do kế hoạch vận động bọn trẻ xin làm công nhân trong nhà in tối tân Ardin đường Catinat, học cách xếp chữ, rồi ăn cắp từ từ ngày một ít các chữ đúc sắc sảo của nhà in này. Và một tiết lộ cần nên hiểu rõ về báo Pháp ngữ “La Lutte” (Tranh Đấu), bắt đầu từ số 5 tháng 10 năm 1934 với Nguyễn An Ninh “đứng mũi chịu sào” cho cả các phe phái gồm Đệ Tam Đệ Tứ và Nhân Sĩ, họ cùng đồng tâm viết báo và hô hào chống thực dân Pháp. Nguyễn An Ninh thuần túy quốc gia và rất uy tín với quần chúng Miền Nam, nên đã được mời làm vai trò làm trung gian điều hợp cho tờ báo. Những tác phẩm đáng lưu ý của Hồ Hữu Tường như “Tương Lai Văn Hóa Việt Nam”, “Phi Lạc Sang Tàu”, “Thằng Thuộc, Con Nhà Nông”, dĩ nhiên có nhiều đề cập trong phỏng vấn của Nguiễn Hữu Í; với những nét chính mà mọi người chắc cũng đã biết, nên xin không nhắc lại. Có phải không, đây là một chi tiết khá mới: Hồ Hữu Tường quan niệm đừng ngần ngại viết về mình, viết như vậy dễ trung thực hơn viết những điều chung chung mơ hồ trừu tượng; trái với quan niệm nên tránh tự-truyện vì “Cái Tôi Là Cái Đáng Ghét”. Tuy là tác phẩm chủ yếu phỏng vấn thân mật đời văn sống và viết, nhưng Nguiễn Ngu Í cũng không quên cung cấp cho ta tài liệu ghi chép theo lối biên-khảo tiểu sử của từng người. Sau đây là tư liệu để ta biết qua vài nét chính của “Thuyết Trung Lập Chế” do Hồ Hữu Tường cùng Võ Thành Minh hô hào trước lâu đài Hội Nghị Geneve chia cắt Việt Nam năm 1954: Miền Nam nên trở thành lãnh thổ của Liên Hiệp Quốc (có nghĩa là Miền Nam trở thành nước “Siêu Lập”). Và “Triết Lý Hòa Đồng” của ông như sau: Tổng hợp Văn Minh Kỹ Sư, Văn minh Chính Ủy, Văn minh Tu sĩ. Chắc ông có ý-kiến chủ trương nhà cầm quyền không nên chỉ toàn là chuyên viên các ngành khoa học; không nên toàn là nhà chính trị; không nên toàn là người của tôn giáo nào./.

Trần Văn Nam
City of Walnut, California, tháng 7 năm 2012

*************

Thơ Ðiên Nguiễn Ngu Í

Viên Linh

 Còn nhớ, trong sinh hoạt thi ca Miền Nam, có một dạo trên báo chí xuất hiện nhiều bài thơ được/bị mệnh danh là Thơ Ðiên. Một vài người dần dần được nhìn nhận là thi sĩ thơ điên, thực hay giả lại là chuyện khác, do đó mà có những chữ phẩm bình như “điên giả,” hay “điên có sổ sách.”

Thơ điên xuất hiện đều đều, song các thi sĩ điên được nhiều người công nhận, hay ít nhất cũng có đôi bài được tán thưởng, là Bùi Giáng Giàng Búi, hay Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư. [Ðương thời, và cả sau này, nhiều bài báo tự tiện viết tên nhà thơ này là “Nguyễn” Ngu Í là sai: họ Nguyễn (chữ I ngắn) là tên ông đã xin được án tòa cho phép viết như vậy.]

Nhà văn nhà thơ Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư (1921-1979) trong thực tế, vào nhà thương điên Biên Hòa nhiều lần:

Cũng tưởng một đi không trở lại

Nào dè Duiên nợ lại dằng dai.

Bỗng nhiên, sực tỉnh, nằm trong “khám”

Khám của lòng ai, ai của ai.

(Bài thơ tái ngộ Dưỡng trí viện, 7.1964, đề tặng các bác sĩ Ng Tuấn Anh, Tô Dương Hiệp, Trịnh V Lang)

Không phải lúc nào thi sĩ cũng điên. Nhiều bài thơ ông viết trong khi tỉnh, đoạn trên ông ghi rõ nơi làm: ngay trong Dưỡng trí viện Biên Hòa. Ðoạn dưới đây còn rõ hơn: “Tôi là Nguiễn Hữu Ngư, 58 tuổi, bút hiệu Nguiễn Ngu Í, là nhà văn, nhà giáo, nhà báo nông [không?] chuyên nghiệp, hiện là bệnh nhân ở khu 3, Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (tức nhà thương điên Biên Hòa)… Tôi mắc bệnh cuồng não tuần hoàn từ năm 18 tuổi. Lúc trẻ, năm bảy năm bệnh tái phát một lần, càng có tuổi chu kỳ càng hẹp. Biến cố lịch sử Tết Mậu Thân xúc động tôi quá mạnh, tôi lên cơn dữ đội.” (Tài liệu tìm thấy tại phòng lưu trữ nhà thương điên Biên Hòa, viết năm 1976 – do ông VKD [viết tắt] phổ biến trên Oregon Thời Báo). Bài này có đoạn rất quan trọng như sau: “Bệnh khởi phát từ năm 1940 với triệu chứng nói nhiều, […],đã điều trị ở bệnh viện Chợ Quán một đợt sáu tháng, choáng điện nhiều lần. Ðến năm 1974 điều trị ở trại an trí Quảng Ngãi sáu tháng, bệnh giảm vài tháng, bệnh trở lại, đến Biên Hòa, ra vào 12 lần, mỗi lần hai ba tháng.”

Như thế, nhà văn Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư là người điên có hồ sơ. Tâm sự của ông ra sao? Thân thế của ông ra sao? Khác với Bùi Giáng, ông sinh ra trong một gia đình cách mạng, con của nhà chí sĩ lão thành từng tham gia phong trao Ðông Du, Ðông Kinh Nghĩa Thục, sinh ở Hàm Tân, Phan Thiết, song lưu lạc nhiều nơi theo hoàn cảnh gia đình. Là bạn hoạt động với cụ Huỳnh Thúc Kháng, thân phụ ông từng bị tù ở Lao Bảo. Khi cha mất, ông làm đôi câu đối lộ rõ chí khí của mình, cũng như hoàn cảnh của hai cha con. Hai câu này được trình bày như một bài thơ, như sau đây:

Thầy (1887-1953)

Mắt mờ đã thấy xiềng nô lệ

Hồn đi còn mơ gió tự do

(1953)

Trước đó ba năm, khi khóc mẹ, ông tình cảm hơn, đau khổ hơn:

Má ơi con má điên rồi

Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi? […]

Má có đau vì nhà nát quê lìa

Má còn sầu vì con ở đâu kia…

(Má, Quê Hương, tập A, 1950)*

Trong cuộc sống, với thể chất và tinh thần bất thường, ông gặp nhiều điều không ưng ý, và hay phẫn nộ. Lúc nhỏ học Petrus Ký, ông sống với đám bạn sau này trở thành những người thiên tả quá khích, hay bị kẹt trong làn ranh Quốc Cộng. Từng là trưởng một cơ sở của Việt Minh ở Phan Thiết, ông đã phản đối một cái lệnh từ Hà Nội, liên hệ tới lúa gạo, nên bị họ đưa ra tòa án, bị tù, và bị họ khai trừ khỏi đoàn thể. Năm 1946 ông đã làm một số thơ khác thường, và đáng lưu tâm hơn cả, là bài thơ Hồ Hoàn Kiếm của ông: [Xin để ý tới chú thích của chính Nguiễn Ngu Í viết dưới bài thơ]

Trên hồ trả kiếm lại (1)

Mưa, nắng bao lần chơi mặt nước

Kiếm than một trận biết vùi đâu?

Ngàn sau ngược lại đường Nam tiến

Có kẻ im lìm ngắm nước cau

(Tháp Rùa, Trung Thu Bính Tuất 1946)

(1) Ngoài nghĩa Hồ Hoàn Kiếm, xin hiểu thêm: họ Hồ, hãy trả lại kiếm thần cho dân tộc.

Bài này in trong tập “Có Những Bài Thơ” (1937-1970).

 Ðọc cuốn tiểu sử về Nguiễn Ngu Í (**) thì biết thêm rằng năm 1946 ông từ Hàm Tân ra Hà Nội, xin gặp ông Hồ, nhưng không gặp được. Thuở đó, làm bài thơ như trên, tác giả “Sống và Viết Với” đã công khai chống lại Việt Minh. (VL, viết ngày 21.11.2012)

* Trong sách ông viết “đâu cia,” và “Qê Hương,” vì ông chủ trương một lối giản lược cách viết, tự mình viết theo âm ngữ, mà không theo văn phạm thông dụng.

Hành Trình Vào Thế Giới Thơ Cung Trầm Tưởng, Tản văn của Phan Ni Tấn


hqpd_1341387348

Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng

Phan Ni Tấn

Cung Trầm Tưởng là một trong những tên tuổi lớn trên văn đàn thi ca Việt Nam. Hành trình vào thế giới thơ Cung Trầm Tưởng, người đọc không thể không đi sâu vào thế giới những hình tượng và tâm hồn nội dung thơ để tìm hiểu về cung cách và sự quan hệ của thi sĩ với con người và cuộc đời.

Thơ Cung Trầm Tưởng có một phong thái rất riêng. Ngay những sáng tác đầu tay, ông đã đến với người yêu thơ bằng vóc dáng của một nhà thơ mà trong con người ông hiển lộ những tài hoa, sâu sắc, buồn vui, ơn nghĩa và quan trọng hơn cả là sự chân thật với chính mình, với con người.

Thi sĩ luôn phóng khoáng, nghĩa là họ vẫn duy trì cái bản ngã uyên nguyên của mình, luôn luôn rưng rưng một cảm hứng trước những vẻ đẹp trần thế. Trong tình yêu, hầu như con người ai cũng hăm hở, đam mê và cường tráng. Đọc thơ, đặc biệt về thơ tình của Cung Trầm Tưởng chẳng hạn, ta thấy xuyên suốt một niềm vui, niềm hạnh phúc dạt dào và niềm đam mê vô lượng. Tất cả những cảm tính này đều được thi sĩ biểu hiện trên trang giấy một thứ tình yêu da diết trước những vẻ đẹp thăng hoa của dòng đời sinh hóa.

Người ta nói đời ngắn ngủi, xốc vác, hỗn độn mà thành sinh động. Khí thơ của Cung Trầm Tưởng nhờ thế đã phát tiết nhiều tinh túy về màu sắc, hình tượng, nhạc điệu, rung cảm, tình, ý… ánh lên những vẻ đẹp ngọc bích, kể cả những vẻ đẹp của dòng sống phức tạp xuyên qua những khía cạnh ngọt ngào và khổ đau.

Làm thơ là một nghề. Cung Trầm Tưởng làm thơ từ cuối thập niên 1940 dai dẳng cho đến ngày nay, ông quả là một “thi sĩ nhà nghề”. Nhưng cũng chính vì nghề như thế mà tôi cho rằng khi làm thơ, những cái gọi là kinh nghiệm sống ở đời, những loại cá tính, những thứ tạp niệm, những trực giác tâm linh giữa sinh, ký, tử, quy v.v… đều được thi sĩ xóa bỏ khỏi tâm não thể lý để hình thành một cõi thơ vô lượng những tri thức, những kiến trúc mới, những âm tiết lạ, qua đó, thơ thực sự hữu ích cho đời sống cộng đồng.

Sinh ra dưới một ngôi sao sáng, từ nhỏ Cung Trầm Tưởng đã được nuôi dưỡng bằng những nụ cười may mắn. Nhà thơ đã từng sống trong vùng hào quang diễm lệ và thở bằng một thế giới hạnh phúc của tuổi trẻ mộng mơ. Để tạo những cảm quan mới lạ qua tư tưởng nghệ thuật, Cung Trầm Tưởng từng hứng khởi quơ tay nắm bắt những cái đẹp từ thướt tha yểu điệu, dịu dàng e ấp tới những cái đẹp phương phi, dạn dĩ, phong trần, qua đó thi sĩ làm thơ để tung hê ý tình. Đặc biệt tình yêu mà Cung Trầm Tưởng thăng hoa không phải là thứ tình yêu như gió thổi, như bọt nước, như mây bay. Chính vì thế, qua cảm hứng nghệ thuật thẩm mỹ của thi ca, Cung Trầm Tưởng đã vẽ rộng ra cái đẹp thuần túy của tình yêu và cõi nhớ, rất riêng, rất gợi cảm, rất Tây, rất Cung Trầm Tưởng.

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn…
(Tiễn Em)

Thập niên 50, thơ Cung Trầm Tưởng đã có sắc thái rất mới và lạ, từ hình ảnh, ngôn từ và nhạc điệu luôn luôn được tác giả diễn tả bằng một tâm trạng kỳ thú với tất cả sự rung cảm chân thành. Bài thơ nói trên là bài ngũ ngôn Chưa Bao Giờ Buồn Thế, Phạm Duy phổ nhạc đổi thành Tiễn Em. Thông thường lúc tiễn nhau người ta thường nói những lời tiễn biệt, thì thầm những câu hứa hẹn, người ta bịn rịn nắm tay nhau mà dặn dò, an ủi, khích lệ, khuyên răn… Riêng Cung Trầm Tưởng, ngôn ngữ từ biệt người tình của ông rất “tịch lặng, vô ngôn”, nghĩa là ông không thèm nói một lời nào hết, ngoài cử chỉ và hành động rất Tây, rất Cung Trầm Tưởng:

hôn.

Năm 1954, Cung Trầm Tưởng mới ngoài 20 đi Tây du học. Đối với giới trẻ Việt Nam, nước Pháp lúc đó là thiên đàng mộng mơ, là ước vọng của một thời. Khi đặt chân tới Kinh Đô Ánh Sáng Paris, thi sĩ đã phơi phới một mối tình với cô gái mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ. Từ đó bài thơ Mùa Thu Paris ra đời trong bối cảnh lãng mạn, trữ tình, giàu chất thơ, thấm đẫm một vẻ đẹp của tình người dị chủng:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu.
(Mùa Thu Paris)

Thời học trung học ở bên nhà có dạn dĩ lắm chúng tôi cũng chỉ dám liếc ngang mái tóc huyền tha thướt xõa bờ vai chớ làm gì may mắn như thi sĩ mà biết “tóc vàng sợi nhỏ” ở tận trời Âu. Thành ra nếu đem so sánh giữa hai loại tóc Đông phương và Tây phương chắc chắn có nhiều điều thú vị. Thí dụ nếu áp dụng theo phương pháp khoa học chặt sợi tóc ra làm đôi (tùy theo góc độ) rồi đem soi dưới lớp kính hiển vi thì các nhà khoa học đo được đường kính của mỗi sợi tóc có khoảng 58-100 micrometre, mà 1 micrometre bằng 0.001milimetre , tức bằng 1/1000mm, vị chi 100 micrometre thì bằng 1/100,000 milimetre.

Hai bài thơ ngũ ngôn trên nằm trong thi tập Tình Ca của Cung Trầm Tưởng xuất bản từ năm 1959, trong đó chỉ có 13 bài thơ, Phạm Duy phổ nhạc 6 bài, ngoài ra còn có tranh phụ bản của Ngy Cao Uyên. Đây là một công trình bắc cầu giữa ba bộ môn nghệ thuật thi ca, âm nhạc và hội họa đẩy thơ Cung Trầm Tưởng bay cao hơn, đi xa hơn.

Tôi còn nhớ hồi ở bên nhà lần đầu tiên nghe ca sĩ Thái Thanh hát những ca khúc Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng, từ những bài lục bát, ngũ ngôn với phong cách độc đáo về tình yêu trong thơ ca đã gợi lên trong tôi hình ảnh một con tàu: “Người về trong lúc tàu đi. Rớt nhanh một nét tường vi hoang đường”. Người đã về, con tàu vẫn lạnh lùng băng nguồn xuyên sơn, không có dấu hiệu hứa hẹn dừng

chân ở một bến đỗ nào.
Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu chiều buồn
Ngày đi tàu cũng đi luôn
Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon
Đường xa nhịp sắt bon bon
Tàu như dưới tỉnh núi non vọng ầm
Nhà ga dột mái lâm râm
Máu đi có nhớ hồi tâm chiều nào…
(Chiều Đông)

Sau này ra hải ngoại, trong những buổi sinh hoạt văn nghệ, gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi có nói với ông về cảm tưởng của tôi khi nghe nhạc ông phổ thơ Cung Trầm Tưởng, cũng như đọc những bài thơ mới của thi sĩ, dù có đổi khác theo dòng đời dâu bể nhưng hình ảnh con tàu với tiếng còi thét lên ngất ngư trong đêm sương lạnh vẫn cứ băng băng trên đường thiên lý không có trạm dừng chân. Bây giờ Phạm Duy đã ra đi, Thái Thanh đã rơi vào trạng thái lãng quên, nhưng sự kết hợp toàn bích giữa thi ca và âm nhạc một thời vẫn còn đó, vẫn âm vang qua giọng hát từng được mệnh danh là vượt thời gian của Thái Thanh. Và con tàu đó, con tàu thi ca và âm nhạc của hai cây đại thụ cho đến tận bây giờ vẫn miệt mài kéo theo những toa tàu vạch ra một cuộc hành trình xuyên qua không gian và thời gian. Có những con tàu từ sân ga quạnh quẽ và có những con tàu không sân ga luôn luôn đuổi nhau lao vào màn sương đêm, xoáy vào những góc cạnh cuộc đời trên những nẻo đường âm u, khuất nẻo rồi biến mất giữa lưng chừng mệt mỏi. Sân ga tượng hình biệt ly. Nhưng sân ga cũng tượng hình cho tình yêu, là nơi hẹn hò của đôi lứa. Cả hai vẫn chở theo một nỗi niềm.

Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…
(Chưa Bao Giờ Buồn Thế)

Thời gian không chờ ai, vẫn lặng lẽ trôi về phía trước. Ngày nay mỗi khi nghe lại những bài nhạc Phạm Duy/Cung Trầm Tưởng, tôi vẫn nghĩ rằng thi sĩ Cung Trầm Tưởng luôn luôn lắng nghe hồn mình trải rộng trên những toa tàu và thầm ước tìm lại chút hơi thở của một thời vọng lại. Ở đó, trên nền tảng của không gian và thời gian đã dựng nên một thời Paris, có phố cổ Mouffetard với quán xá vỉa hè và những cửa hàng truyền thống, có dòng sông Sein mặc áo sương mù, có tranh trường phái Ấn tượng Monet, Renoir và tranh chủ nghĩa Lập thể Braque, Picasso chưng trong những viện bảo tàng, có huyền thoại và văn hoá Honoré de Balzac, Victor Hugo, Alexandra Dumas, Marcel Proust, André Gide, Albert Camus, J.P.Sartre, Saint Exupéry…, có một chút âm nhạc mang hơi hướm thu về từ vườn Luxembourg v.v… Cho tới bây giờ, Cung Trầm Tưởng vẫn coi Paris như là người tình muôn thuở trong tâm hồn nghệ sĩ của ông.

Nói đến thi ca, tôi nghĩ rằng Cung Trầm Tưởng không làm thơ mà làm thi sĩ,vì ông là nhà thơ của trí tuệ, của cái đẹp giữa nhân tình gần gũi, bình dị, thuần lương. Ông chỉ sử dụng văn chương để gởi gắm tự sự tâm tình của mình, nhờ thế sáng tác của ông chia sẻ cùng người đọc vui với niềm vui của ông, cười chung với ông một nụ cười hạnh phúc, nhưng ông cũng không quên gợi lên những tình cảm xót xa, khơi dậy ở người đọc thấm thía một nỗi buồn xoáy vào giải đất tan tác đau thương và thân phận bi thảm của con người. Sau cơn bão thời thế, đất nước bị thống trị bởi tập đoàn, phe cánh, mọi vẻ đẹp trên đời đều bị chà đạp, bắt bớ, đày ải và giam tù. Trong thời kỳ này, Cung Trầm Tưởng, bằng phương thức đột khởi trong ý thức đấu tranh đã khẳng khái chống lại chế độ cường quyền ác bá, một thứ kẻ thù đã dồn, đã đẩy cả dân tộc đứng lên đòi quyền làm người. Trước cuộc sống phẫn nộ, Cung Trầm Tưởng đã dùng tứ thơ cũ để nói lên nỗi nhức nhối rã rời chứa đựng trọn vẹn nỗi bất bình chế độ trong đó chính ông đã bị bắt bớ, đày ải, giam tù. Và sau mười năm lao lý, Cung Trầm Tưởng đã hoàn toàn thay đổi chiều hướng sáng tác từ trữ tình sang dấn thân, thơ tù của ông kết hợp từ thực chất cuộc sống trở nên đanh hơn, hiện thực hơn. Chính sự đối nghịch làm cho thơ phản kháng của ông có một phong cách đứng thẳng. Đứng thẳng như vầu, cây cùng họ với tre, là biểu tượng bất khuất của người quân tử.

Lòng ta đứng vững như vầu
Thân cao lòng thẳng giữa bầu trời xanh

Vầu đanh như thép sáng ngời
Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay
(Biểu Tượng)

Trong thời chiến, thơ văn viết về chiến tranh là văn học của những bậc anh hùng, ngàn đời được con người kính phục. Bài Vạn Vạn Lý trầm buồn mà hào sảng sau đây nói lên lòng tưởng nhớ những tù hùng đã tuẫn tứ:

Xa xưa… trống lên đường
Tiếng quân hô hào sảng
Nẻo cồn vàng bãi trắng
Sa trường hề sa trường!
Tiếc tháo quắc đau thương
Chinh nhân ngàn dặm ruổi
Gió lên như địch thổi
Đưa ai qua trường giang
Nay cô liêu bạt ngàn
Tiễn ta vào bất tử
Đau thương là vinh dự
Chân đi hất hồng trần
Anh hùng phải quên thân
Hy sinh là tất yếu…
(Vạn Vạn Lý)

Thi sĩ cũng lên án chế độ sa đích tạo nên một thời kỳ đen tối của lich sử, trong đó cái tang chung mà cả một dân tộc bất hạnh phải gánh chịu:

Tội chúng kéo dài hận cách ly
Chia sông rẽ núi với phân kỳ
Chồng xa cách vợ, con lìa mẹ
Chẳng một người về trăm chuyến đi
(Lũng Kín)

Mười năm lao lý với biết bao khổ nạn chung với những đời tù, dù ngút ngát thù hận, xanh xao huyền sử vẫn không đánh mất cái bản ngã thuần lương của một người tù thi sĩ; tấm lòng ông vẫn còn đó cái bồng bềnh, lãng mạng và thủy chung với thi giới

Chữ yêu thương thắm vô vàn
Non đau nước quặn nồng nàn lời ru
Lời thầm tách đá âm u
Ùa reo ánh sáng vi vu gió nguồn…
(Bài Ca Níu Quan Tài, khúc 14)
Về cái đẹp lóng lánh, cô động của ngũ ngôn:
Cả trời rót nắng ngọt
Sương nhỏ giọt tròn xinh
Hân hoan đến tài tình
Những giọt hồn vô tội…
(Tiếng Chim)

Và cái tình muôn thuở của lục bát, cái khí thơ bàng bạc một màu ca dao:

Tôi đi mua nắng huy hoàng
Về nung thành ngọc, thành vàng cho tim
Lửa đời luyện thép rèn kim
Thép già biết chảy khi chìm mến thương…
(Chuyến Chót)

Đọc thơ Cung Trầm Tưởng ta thấy nghệ thuật dùng chữ của ông thường toát ra những hình ảnh sinh động, giàu chất thơ và nhạc điệu tạo nên mặt tươi sáng nhất, đáng yêu nhất trong đời sống con người. Từ đó cho đến nay, Cung Trầm Tưởng vẫn có một vị trí sáng chói trên nền trời thi ca Việt Nam, luôn luôn tạo ấn tượng tốt đẹp về phẩm cách, chiếm được cảm tình và sự tin yêu của người đọc.

Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần. Ông sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Tốt nghiệp kỹ sư Trường Võ Bị Không Quân Pháp, Cao Học Khí Tượng tại Saint Louis, Hoa Kỳ và Quản Trị An Ninh Quốc Gia Và Tài Nguyên Quốc Phòng Hoa Kỳ (hậu đại học). Về nước phục vụ ngành Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, đi tù Cộng sản đến năm 1985 đươc thả về và bị quản chế ba năm tại địa phương. Từ năm 1993 cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ đến nay.

Về hoạt động văn hóa, trước và sau 1975, ông từng cộng tác với nhiều tạp chí Việt – Mỹ trong và ngoài nước. Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Từng phát biểu về văn hoá, văn học và đọc thơ tại nhiều nơi trên thế giới.

Tác phẩm đã xuất bản gồm:

– Tình Ca (thơ 1959)
– Lục Bát Cung Trầm Tưởng (Con Đuông 1973)
– Thám Hiểm Không Gian (dịch, Dziên Hồng)
– Lời Viết Hai Tay (thơ 1993, tái bản 1999)
– Bài Ca Níu Quan Tài (thơ 2001)
– Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định (thơ 2002)

Năm 2012 vừa qua, ngoài tác phẩm dịch thuật kể trên, năm tập thơ còn lại cộng với ba tập thơ mới :Thi Bá – Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ, Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Bài Thơ và Sáng Ký Về Người Tình Đầu đã được tác giả Cung Trầm Tưởng gom lại thành một tuyển tập mang tên Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tại Virginia, Hoa Kỳ ấn hành. Nhìn chung trong tuyển tập này tác giả chia ra nhiều đề tài chính mà mỗi đề tài đều dựa vào sự cảm hứng trước cái đẹp, sư hạnh phúc và nỗi đau khổ về tình yêu, thân phận, cuộc đời, phong cách sáng tạo và nghệ thuật văn chương của tác giả. Thi ca nói chung và kích thước của tập thơ nói riêng như gói trọn trong tâm hồn nhà thơ để nó trở thành dòng huyết quản, trở thành xương máu, da thịt. Tập thơ như đứa con tinh thần khôi ngô, tuấn tú, sẽ còn đó và mãi mãi còn đó.

Sau sáu mươi năm, thi sĩ Cung Trầm Tưởng góp mặt vào làng thơ đến nay ông vẫn không ngừng canh tác trên cánh đồng thi ca trù phú những hình tượng nghệ thuật sống động về tình yêu, về thân phận và những mảnh đời hiện thực, chứa đựng những nét đặc sắc của nền văn học Việt Nam.

Phan Ni Tấn

 

Chủ Biên: Người Tình Hư Vô. huvoanxuyen@yahoo.com.au

%d bloggers like this: