Phỏng vấn Nhà văn Nhật Tiến. Mặc Lâm, Biên Tập Viên RFA


Nhà văn Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ 20.

Mặc Lâm, Biên Tập Viên RFA

imagez vc

(Chân dung Nhà văn Nhật Tiến)

Năm 1951, truyện ngắn đầu tay của Nhật Tiến là “Chiến nhẫn mặt ngọc” được đăng trên tờ Giang Sơn. Đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo. Sau 1951, Nhật Tiến cộng tác với tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh. Ngoài ra, ông còn viết cho các báo Tân Phong, Văn, Bách khoa, Văn Học, Đông Phương. Ông làm chủ bút tuần báo Thiếu Nhi từ năm 1971 cho tới 1975 do nhà sách Khai Trí xuất bản. Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt. Hoạt động của ông trong thời gian này là viết kịch cho Đài phát thanh sau đó về Sài Gòn dạy học tại các trường tư thục. Ông viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch. Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là Những Người Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc Ngủ Chập Chờn.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh đã viết về ông: “Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến: nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo..”

ChimHotTrongLong0d4f485a483e4b5fbb13f4bdfe59fe24chimhotronglong-1

(Truyện “Chim hót trong lồng” của Nhật Tiến.)

Chúng tôi có cuộc mạn đàm ngắn với nhà văn trong những ngày cuối tháng 4 sau đây, mời quý vị theo dõi:

Kỷ niệm thời thơ ấu

Mặc Lâm: Trước tiên xin cảm ơn nhà văn Nhật Tiến đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện thân mật ngày hôm nay. Thưa ông, có thể nói tác phẩm đầu tay “Những người áo trắng” đã được xuất bản rất lâu, và từ tác phẩm này nói về những dòng tu kín ở Việt Nam dẫn tới tác phẩm “Chim hót trong lồng” cũng là một câu chuyện bên trong phạm vi bốn bức tường của nhà dòng, xin ông cho biết nguyên cớ nào mà ông thích viết về bốn bức tường trắng của nhà tu kín như vậy?

Nhà văn Nhật Tiến: Dạ vâng. Cảm ơn anh đã nhắc đến hai tác phẩm gần như là loại đầu tay của tôi. Cuốn “Những người áo trắng” thì tôi sáng tác vào khoảng năm 1955 hay 1956 gì đó. Đấy chỉ là một kỷ niệm của tôi vào thời còn sinh sống ở Hà Nội, khi đó tôi là một hướng đạo sinh. Quý vị đã biết rằng hướng đạo sinh thì thường hay đi làm các công tác từ thiện, làm những việc gọi chung là giúp ích. Đoàn của tôi cũng làm những công việc như mùa đông thì chúng tôi thường hay đẩy những xe bò đi các đường phố ở Hà Nội để quyên góp quần áo của bà con trong thành phố rồi đem giúp cho những người nghèo. Hoặc giả chúng tôi tình nguyện đứng ở đầu phố Hàng Trống hoặc là Hồ Gươm để bán những cuốn sách của những tác giả thời đó, thí dụ như vở kịch của kịch sĩ Văn Thuật mà tôi còn nhớ, thì tiền tác quyền của kịch sĩ Văn Thuật mà bán được thì lại cho vào một quỹ để đem giúp đồng bào bão lụt hay người nghèo thời đó. Một công tác khác về vấn đề từ thiện là chúng tôi hay lui tới ở cái trại mồ côi, và trại mồ côi đó bây giờ gọi là đường Nguyễn Thái Học, nhưng hồi đó gọi là đường Hàng Đẫy rồi đi sâu xuống Phố Hàng Bột. Có một trại mồ côi mà chúng tôi hay lui tới sinh hoạt ở đó. Và chính thời gian tôi sinh hoạt ở trại mồ côi này thì hình ảnh những người áo trắng như trẻ mồ côi mặc quần áo trắng, những bức tường trắng và những cô thiếu nữ ở viện mồ côi lớn tuổi hơn trông nom đàn em nhỏ đã gây cho tôi nhiều xúc động. Và sau này khi sáng tác tác phẩm dài đầu tay thì tôi đã dùng hình ảnh ở trại mồ côi đó để viết cuốn “Những người áo trắng”.

Mặc Lâm: Mọi người đều công nhận ông là một nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, đặc biệt là tác phẩm “Chim hót trong lồng” viết về một cô bé rất cảm động. Từ những nỗi niềm của cô bé đó, ông mang theo trong những chuyến vượt biên sau này… có một sự dính líu nào đó trong những hoàn cảnh của những người vượt biên, chắc chắn ông đã gặp những cô bé bất hạnh trên đường đi, ông có liên tưởng đến nỗi bất hạnh mới từ cô bé trong “Chim hót trong lồng”…?

Nhà văn Nhật Tiến: Theo tôi thì sự liên tưởng từ cô bé trong “Chim hót trong lồng” đến những cô bé vượt biên thì đó là sự liên tưởng hơi quá xa, bởi vì “Chim hót trong lồng” tôi viết từ thập niên 1960 mà chuyện vượt biên thì mãi sau ngày 30-4-1975, thành ra tôi nghĩ rằng nếu tôi viết cuốn ‘Chim hót trong lồng” thì cũng là dư âm của những hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng của tôi khi tôi viết “Những người áo trắng”.

“Chim hót trong lồng” tập truyện bị từ chối

Khi tôi sáng tác truyện “Chim hót trong lồng” thì nó cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, thành ra tôi viết rất là lẹ, có lẽ cũng là nguồn cảm xúc của tôi trong suy nghĩ những em bé mồ côi, nhất là những buổi chiều mùa thu ở Hà Nội mà nhìn ra trời đầy mây xám với những cành cây trơ trọi, mà các em lại không có ba mẹ nào đến đón ra ngoài cả, nên có nhiều cảm xúc lắm. Tôi viết trong vòng hơn một tuần là xong cuốn sách đó. Lúc bấy giờ tôi gửi cho nhà văn Nguyễn Thị Vinh làm chủ nhiệm tạp chí Tân Phong để đăng thì chị Vinh ngần ngại, chị thấy nó hơi dài, có thể là vì một phần nó hơi dài cho Tân Phong vốn là một tạp chí nên nó chiếm nhiều chỗ quá và thứ hai có thể là cái đề tài đó chị Vinh không thích, thành ra khi đưa bản thảo đó cho chị Vinh thì chị từ chối. Tôi thấy chắc là hồi đó mình cũng mới viết mà nên chắc là nó không có giá trị gì nên tôi cất đi. Đến một thời gian sau thì anh Trần Phong Giao, tôi nhớ hồi đó ảnh xin ra tạp chí Văn, chắc là vì vấn đề tài chính hay sao đó mà đến lúc giấy phép sắp hết hạn ra báo vẫn chưa đủ tài chính để ra một tờ báo đàng hoàng. Ảnh đến nhà tôi ảnh bảo: “Cậu có truyện nào không? Nó vừa vừa thôi để in trong một xấp giấy để tôi giữ cái giấy phép của tờ Văn.” Tôi bảo: “Tôi có cái truyện vừa vừa mà chị Vinh đã từ chối đấy. Cậu có lấy thì lấy.” Tôi đưa truyện “Chim hót trong lồng’ và quả nhiên là anh Trần Phong Giao cho in trong cuốn Văn số 1. Cuốn Văn đó thật sự ra nó gần như là một cuốn chưa hoàn chỉnh lắm, nhưng vì giấy phép sắp hết hạn cho nên ảnh đưa vào. Đó là một kỷ niệm. Vâng. Nhưng không ngờ truyện đó được rất nhiều thế hệ độc giả tiếp đón. Có thể nói là trước sau tôi in tất cả mười bốn – mười lăm lần tái bản cuốn “Chim hót trong lồng”.

Mặc Lâm: Bên cạnh “Chim hót trong lồng” một tác phẩm khác cũng làm cho người ta chú ý nhiều lắm, mà đặc biệt là chính quyền Hà Nội trước đó đã chú ý rất là nhiều và họ lên án cuốn này dữ dội, đó là cuốn “Giấc ngủ chập chờn” . Ông có thể nói sơ một chút về tác phẩm này được không?

Nhà văn Nhật Tiến: Ồ! Cuốn “Giấc ngủ chập chờn” tôi sáng tác vào giữa thập niên 1960, may lúc bấy giờ cuộc chiến ở Việt Nam cũng dữ dội lắm, tràn lan khắp mọi miền. Tôi viết về hoàn cảnh của một vùng xôi đậu. “Xôi đậu” có nghĩa là một nửa xôi một nửa đậu, tức là một vùng tranh tối tranh sáng. Ban ngày thì do quốc gia kiểm soát, nhưng ban đêm thì do bên kia, thành ra dân chúng sống trong vùng đó thì gia đình rất là phân tán, có anh em thì theo bên này, có anh em thì theo bên kia, và họ chết đi vì cuộc chiến. Cả đám thanh niên và con nít ở cái làng đó họ thân thiết với nhau và sống trong thanh bình lắm. Nhưng đến lúc cuộc chiến tràn về thì anh em giết nhau, hàng xóm đồng bào giết nhau, gây ra thảm cảnh đau khổ trong cuộc chiến. Tôi viết tất cả những hoàn cảnh đó và với cái nội dung như vậy thì chế độ mới đánh giá cuốn đó là cực kỳ phản động vì nó tố cáo một sự thực là không phải Mặt Trận Giải Phóng Mền Nam là do quần chúng bất mãn chế độ mà nổi dậy. Tôi thấy sự thực không phải như vậy thành ra chế độ cộng sản họ lên án.

Mặc Lâm: Chế độ cộng sản lên án tác phẩm này nhưng sau đó theo chúng tôi biết cũng có một tác phẩm in chung với Nhật Tuấn được một nhà xuất bản trong nước in. Ông có thể cho biết sự thực như thế nào không?

Sự thực về cuốn “Quê nhà, quê người”

imageâx

(Cuốn Quê Nhà, Quê Người và cuốn Tay Ngọc của Nhật Tiến)

Nhà văn Nhật Tiến: Vâng. Đó là cuốn “Quê nhà, quê người”. Cuốn sách này gây sóng gió và bị dư luận hải ngoại chống đối rất nặng nề, nhưng thực sự là như thế này. Quan điểm của tôi trong thời điểm vào khoảng đầu thập niên 1990, tức là sau khi phong trào văn nghệ phản kháng ở trong nước đã phát động thì tôi hy vọng rằng anh em cầm bút ở hải ngoại có thể tiếp sức với những anh em cầm bút phản kháng ở trong nước để có thể làm nên một cuộc kết nối với nhau, tìm ra một con đường hỗ trợ cho nhau trong công việc đòi hỏi tự do – dân chủ cho đất nước. Đó là quan điểm của tôi khi tôi nghĩ rằng làm những công việc hỗ trợ những người cầm bút ở trong nước, vì những người đó là những người chống đối chế độ, chứ không phải tôi chủ trương giao lưu với chế độ, bởi vì chế độ này là một thứ cường quyền, và tôi không bao giờ chủ trương hợp tác với cường quyền hết, bởi vì cái chế độ đó đẻ ra bao nhiêu là tham nhũng, bất công, mất tự do, mất dân chủ. Tôi đã bỏ nước ra đi, đời nào tôi làm cái chuyện giao lưu với họ. Nhưng mà những người cầm bút ở trong nước đứng trong hàng ngũ văn nghệ phản kháng, đứng trong hàng ngũ những người đòi hỏi tự do cầm bút của mình, thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Và tôi hợp tác với Nhật Tuấn trên quan điểm đó. Lúc bấy giờ Nhật Tuấn đang làm nhà xuất bản Văn Học ở trong nước và cậu ấy cũng đã là một cây bút nổi tiếng từ trước năm 1975. Cậu ấy đề nghị là “Bây giờ anh em mình hợp tác in chung một cuốn. Anh viết những chuyện xảy ra ở hải ngoại và em viết những chuyện xảy ra ở trong nước”. Những chuyện xảy ra ở hải ngoại thì gọi là “Quê người”, và những chuyện ở trong nước thì gọi là “Quê nhà”. Đó là tên truyện “Quê nhà, quê người” ra đời trong hoàn cảnh đó. Tôi gom một số truyện đã viết ở hải ngoại và được đăng rất nhiều trên báo chí ở hải ngoại và đưa cho Tuấn, thì Tuấn in ra thôi, chứ hoàn toàn không có một chính sách, một chủ trương hay một kế hoạch nào tiến hành trong việc giao lưu mà có lợi cho cộng sản cả. Nhân dịp này tôi cảm ơn anh Mặc Lâm đã dành cho tôi cơ hội để tôi có thể nói rõ hơn một lần về cuốn sách “Quê nhà, quê người” này.

Mặc Lâm: Thưa, một câu hỏi cuối cùng. Thưa ông, cũng hơn 60 năm cầm bút ông là cây viết có thể nói rất là kỳ cựu kể từ khi nhóm Tự Lực Văn Đoàn sinh hoạt cho tới ngày nay và vẫn còn sáng suốt, vẫn còn mạnh khỏe và vẫn còn có thể sáng tác được….

Nhà văn Nhật Tiến: Cảm ơn anh.

Mặc Lâm: Thưa ông, điều còn đọng lại nơi ông duy nhất hiện nay mà ông muốn chia sẻ với thính giả nói chung là điều gì ạ?

Nhà văn Nhật Tiến: Vâng. Xin cảm ơn anh Mặc Lâm, trước tiên tôi xin được cải chính một chút ít. Đối với Tự Lực Văn Đoàn thì là những bậc trưởng thượng và đi trước tôi rất là xa, và tôi không dính líu gì đến sự nghiệp của Tự Lực Văn Đoàn cả. Tôi chỉ là một hậu duệ, một độc giả đọc Tự Lực Văn Đoàn mà thôi. Còn đặt vấn đề những năm cuối của sự nghiệp – nếu có thể gọi là sự nghiệp – 60 năm cầm bút của tôi như anh Mặc Lâm hỏi là còn đọng lại những điều gì nhất thì phải nói ngay thế này, là tôi rất đau buồn khi nhìn thấy cái khung cảnh sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại này nó có nhiều ngòi bút quấy hôi bôi nhọ nhiều quá. Nếu anh chịu khó vào những trang web trên Net hoặc đọc một số báo, thì anh thấy nhiều cây bút đã lạm dụng sự tự do ở xứ sở này để viết nên những bài không còn đúng nghĩa là chữ nghĩa nữa. Nó quấy hôi bôi nhọ, nó làm cho nhếch nhác bộ mặt văn học hải ngoại. Khi tôi nghĩ tới điều đó thì tôi rất đau buồn và có lẽ rằng tôi sẽ phải làm cái việc cuối đời tức là góp phần dọn dẹp cho sạch sẻ cái môi trường chữ nghĩa từ lâu bị quấy hôi bôi nhọ như thế này.

Mặc Lâm: Dạ vâng. Một lần nữa xin cảm ơn nhà văn Nhật Tiến đã dành cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do một buổi nói chuyện rất là thú vị với nhiều chi tiết như thế này. Xim cảm ơn ông.

Nhà văn Nhật Tiến: Cảm ơn anh Mặc Lâm. Kính chào quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Mặc Lâm

(Nguồn: Đài RFA- Á Châu Tự Do)

Tuần Báo Tuổi Ngọc phỏng vấn Nhà Văn Hoàng Ngọc Tuấn


Hoàng Ngọc Tuấnbia_tuoi_ngoc

Tuổi Ngọc thực hiện.

Tuổi Ngọc (TN): Một câu hỏi thật thừa nhưng cần thiết cho các bạn trẻ của Tuổi Ngọc: Anh Hoàng Ngọc Tuấn, tại sao anh chọn nghề văn?

Hoàng Ngọc Tuấn (HNT): Văn Chương không phải là một nghề nghiệp hiểu theo nghĩa thông thường. “Văn” chọn tôi chứ tôi không chọn “Nó” được, khi ta làm một nghề gì đó, nghề nghiệp ấy đòi hỏi một thời khóa biểu, một giờ giấc, một số lương bổng nhất định, một số giờ nghỉ ngơi cuối tuần như thứ bảy, chủ nhật chẳng hạn. Tôi viết văn thì không như thế. Ngày nào cũng rong chơi như một ngày chủ nhật, và ngày nào cũng bận rộn làm việc như một ngày thứ hai. Đêm là ngày, ngày cũng là đêm. Đời của một kẻ sáng tác không có mùa hè hoàn toàn rảnh rang, mà là suốt năm tràn đầy mùa Xuân thôi thúc hứng khởi.

Nhưng nếu nói một cách đơn giản hơn, thì tôi theo đuổi chuyện văn chương vì đó là một sinh hoạt có ý nghĩa nhất trong đời sống, theo ý kiến riêng của tôi. Sau nữa, tôi không biết làm việc khác được ngoài sự viết.

TN: Khi đặt bút viết dòng văn chương thứ nhất, anh có nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn không?

HNT: Tôi nghĩ là đang hình thành, và thời gian cùng độc giả sẽ xác định tôi có thành hình được hay không.

TN: Truyện đầu tay của anh viết vào năm nào?

HNT: Khoảng 67 hay 68 gì đó. Sau hai năm học ở Đại-học và bắt đầu thấy rằng những chữ mình viết ra coi có vẻ thích thú hơn là những chữ trong cours.

TN: Anh đã viết truyện ngắn đầu tay “Buổi Chiều Hạ Lan” như thế nào? Xin anh nói rõ tâm trạng của anh lúc ngồi trên bàn viết, băn khoăn về kỹ thuật, nghệ thuật.

HNT: Lúc đó tôi chẳng có công việc làm gì cả. Buổi sáng, đang đói và thèm cà phê mà không có tiền đi đâu được. Tôi ngồi lại một mình trong căn phòng của hội đoàn CPS (khu Khám Lớn cũ) … Hiện tại thì trống rỗng, nhạt nhẽo, kỷ niệm thì ngọt ngào, hào hứng … thế là tôi bắt đầu viết.

TN: Anh viết bao lâu thì xong “Buổi Chiều Hạ Lan”.

HNT: Trong một buổi sáng.

TN: Trước đó anh nghĩ bao lâu về “nó”?

HNT: Đêm hôm trước. Đêm tối, ánh sáng, cô đơn, và viết, thế là có “Buổi Chiều Hạ Lan”

TN: Như thế là anh viết từ ngót năm năm nay, có thể, đã hết bị gọi là “người viết mới” nhưng anh có khó chịu khi bị các ngự sử văn chương ở đây coi anh như một cây viết mới?

HNT: Chưa thấy ai gọi tôi như thế. Tôi không có mặt trong hai số báo đặc biệt của tạp chí Văn về những cây bút trẻ. Những danh xưng đặt trước tên của tác giả như “cây bút mới”, “cây bút trẻ”, nhà văn thời danh” …v..v .. không có ý nghĩa nào đối với một nhà văn đích thực và những độc giả trưởng thành. Điều đáng kể là những cái đi sau tên tác giả, nghĩa là tác phẩm.

Mới, đổi mới luôn luôn là ước vọng của tôi. Cho đến nay, tôi luôn luôn phải xài bút mới vì trung bình mỗi tuần tôi đánh mất tối thiểu hai cây bút nguyên tử.

TN: Một truyện ngắn, theo anh, nên xây dựng ra sao? Anh cũng cho biết những yếu tố cần thiết phải có cho một truyện ngắn.

HNT: Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Tuổi Ngọc, tôi thấy nhà văn Vũ Hạnh đã có những ý kiến khá đầy đủ về vấn đề này. Tuổi Ngọc cũng đã làm một loạt bài phỏng vấn nhiều tác giả về đề tài này rồi. Tôi không có ý kiến nào độc đáo thêm nữa.

Đối với riêng tôi, thì một truyện ngắn của tôi nên xây dựng theo một kiến trúc của tôi. Những yếu tố của tôi sẽ không cần thiết cho ai cả.

TN: Bây giờ anh viết còn khó khăn, còn dập đi xóa lại như “thuở ban đầu”?

HNT: Luôn luôn khó khăn, luôn luôn dập đi xóa lại. Giờ hấp hối của tôi rồi cũng đẹp như “thuở ban đầu”.

TN: Anh có “học hỏi” thêm được điều gì mới lạ ở những người phê bình tác phẩm mới của anh?

HNT: Họ thường kết luận là chờ đợi và tin tưởng ở những tác phẩm mới hơn của tôi. Tôi mong họ giữ mãi niềm tin đó, vì đó cũng là niềm tin mạnh mẽ của tôi. Bây giờ chỉ còn việc biến niềm tin thành hành động.

TN: Và những bức thư của độc giả – nhất là độc giả phái nữ – gửi về khích lệ và ngưỡng mộ anh?

HNT: Tôi “học hỏi” ở những lá thư này nhiều hơn bất cứ một cuốn sách khảo luận văn học nào. Điều khích lệ nhất là họ cho tôi thấy cái khối độc giả “vô danh và thầm lặng” trở thành những con người sống động. Lời nói bao giờ cũng thú vị hơn im lặng. Tôi không muốn được ngưỡng mộ, tôi muốn được chia xẻ và thương mến.

TN: Tại sao anh bỏ dở dang truyện dài “Tuổi Trẻ Hư Không” đăng trên tạp chí Bách Khoa?

HNT: Hồi đó tôi kẹt nhiều chuyện và mệt quá. Và đề tài cuốn tiểu thuyết đó có nhiều đòi hỏi quá khó khăn. Nhưng đến bây giờ thì tôi cũng đã hoàn tất truyện dài đó, với nhan đề mới là “Tuổi Trẻ Tuổi Trẻ”, sẽ xuất bản vào cuối năm 1972.

TN: Anh thấy viết truyện ngắn thú vị hay truyện dài thú vị?

HNT: Viết truyện ngắn thú hơn vì được sống liền với cảm hứng và tình cảm còn mới, còn nóng “sốt” của mình. Truyện dài đòi hỏi những kỹ thuật, sự làm việc của lý trí … và nhất là sự “trung thành” gắn bó lâu dài với tác phẩm . Như thế, không còn là nỗi thú vị ngắn ngủi mà là một cuộc chinh phục đầy say sưa và đầy cả gian lao.

TN: So sánh “Hình Như Là Tình Yêu” với “Chuyện Hai Người” là tác phẩm mới nhất của anh, anh có thấy mới ra không?

HNT: Có lẽ bớt ngây thơ và hồn nhiên hơn. Điều đó hơi buồn nhưng làm sao tránh được mọi người đều phải lớn. Nhưng tôi cũng mong rằng nếu càng ngày tâm hồn tôi càng “già” hơn đôi chút thì chữ nghĩa cũng phải già thêm mới được.

TN: Anh đã đọc và mê những tác phẩm nào trước khi viết văn?

HNT: Tôi đọc qua bản dịch, hầu hết những tác phẩm của các tác giả danh tiếng quốc tế. Ở Việt Nam, tôi mê đọc thơ hơn là văn xuôi. Tôi thích Saroyan, mến Salinger, phục Dostoievsky nhưng chẳng mê ai cả. Không những trước khi viết không thôi, mà bây giờ và về sau tôi vẫn đọc mãi mãi.

TN: Anh có bị ảnh hưởng ở họ ít nhiều không?

HNT: Tôi không biết. Người đọc sẽ dễ thấy hơn tôi. Nhưng tôi sẽ rất sung sướng nếu được ảnh hưởng ít nhiều tinh hoa nhân loại. Sáng tác thì dĩ nhiên trong cô độc, nhưng con người sáng tác nào cũng phải sống với cuộc đời, nhận lấy những dấu vết của cuộc đời và thụ hưởng gia tài nghệ thuật chung của con người.

TN: Anh có viết văn ở quán cà phê không?

HNT: Không, ở quán cà phê, tôi tán gẫu với bạn bè, nhìn ngắm đường phố. Và uống cà phê.

TN: Anh đã bằng lòng lắm về những tác phẩm đã xuất bản của anh chưa?

HNT: Chưa tác phẩm nào tôi “bằng lòng lắm” cả. Tôi chẳng bao giờ hài lòng về tôi, có lẽ ngay cho đến tác phẩm cuối cùng.

TN: Câu hỏi chót của tôi: Có phải chỉ theo học ban C hay học Văn Khoa mới viết văn được?

HNT: Ai nói thế? Cô Ngọc Minh viết trên Tuổi Ngọc học ban B đó.

Tuổi Ngọc thực hiện.

Báo Việt Luận phỏng vấn MC Thùy Dương. Do Hư Vô thực hiện.


Hư Vô
(Thực hiện)

Việt Luận:
Thân chào Thùy Dương (TD), xin hỏi TD có phải là một trong ba MC của trung tâm Asia sẽ đến Úc Châu vào các ngày 08 và 09 tháng 09 tại Melbourne, 14 và 15 tháng 09 tại Sydney và 16/ 09 tại Brisbane trong chương trình Lễ Hội Âm Nhạc Nhật Trường Trần Thiện Thanh (NT-TTT) với chủ đề “ Anh không chết đâu Anh”?

Thùy Dương:
Vâng, thưa anh Hư Vô, TD rất hân hạnh được tiếp chuyện với anh.

Việt Luận:
Như vậy, xin hỏi TD, đây là lần thứ hai TD trở về Úc trình diễn do VietStars Entertainment (VSE) tổ chức, TD có thể cho biết cảm tưởng như thế nào khi về Úc lần này?

Thùy Dương:
Thưa anh, TD nghĩ là mỗi lần có cơ hội trở lại Úc thì rất là vui và tất cả nhà tổ chức show nào cũng biết nếu cần TD có mặt tại Úc thì TD sẽ cố gắng bằng mọi cách để nhận lời vì TD là người lớn lên và ở tại Sydney cho nên được về trình diễn cho khán giả ở Úc Châu, nhất là Sydney là một hãnh diện riêng cho TD, thứ hai là được về thăm gia đình. Riêng đối với VSE thì lần trước vào năm ngoái TD có được về trong chương trình âm nhạc rất là đặc biệt với chủ đề Dòng Nhạc Anh Bằng và là lần đầu tiên có 4 MCs sang Úc với  tất cả các ca nhạc sĩ có tên tuổi lớn mà đã được khán giả khắp nơi trên thế giới nói chung và khán giả ở Úc nói riêng đều yêu mến. Và lần đó anh chị em nghệ sĩ cho rằng đó là một trong chuyến đi có rất nhiều kỷ niệm, vì vậy lần này được sang Úc ai ai cũng nôn nao chờ đợi, và hơn thế nữa với chương trình dòng nhạc NT-TTT kỳ này càng làm cho mọi người hăng hái hơn nữa, vì dòng nhạc NT-TTT đã gắn bó với trung tâm Asia rất sâu đậm qua những DVD mà trung tâm đã phát hành dòng nhạc này. Riêng đối với TD như có mối duyên rất lạ với người nhạc sĩ mà TD được lên sân khấu làm MC và lần đầu tiên được hát nhạc của ông và được khán giả đón nhận đã làm cho TD rất là vui. Khi nói đến nhạc của NT-TTT thì hầu như ai ai cũng biết đến và yêu thích, vì vậy trong chương trình lần này TD mong gặp tất cả khán giả đến xem đông đủ.

Việt Luận:
Chúng tôi được biết là lần này, một phái đoàn ca nhạc sĩ và MC gần 30 người hầu hết là của trung tâm Asia, qua Úc đế trình diễn dòng nhạc NT-TTT tại Melbourne Sydney và Brisbane, với một phái đoàn hùng hậu như vậy, cộng với một số lượng khán giả rất lớn, TD có lo lắng về sân khấu, âm thanh và ánh sáng không?

Thùy Dương:
Trong bất cứ một chương trình ca nhạc nào, dù lớn hay nhỏ, khi bước lên sân khấu TD cũng rất run và lo lắng, dù đã làm MC cho Asia 5 năm , dù số khán giả có 10 người hay 10,000 người thì cũng đều làm cho TD hồi hợp cả, hơn nữa trong lần này được làm MC ngay trên xứ sở của mình càng làm cho TD lo lắng hơn, tuy nhiên được đứng chung với anh Nam Lộc và chị Ngọc Đan Thanh thì cũng được bình tỉnh và tự tin. Còn về phần âm thanh, ánh sáng thì TD không lo lắng gì cả, bởi vì với một chương trình lớn lao như vậy, với sự chuẩn bị ráo riết trong cả mấy tháng trời, cộng với uy tín của VSE qua dòng nhạc Anh Bằng năm ngoái mà khán giả đã hết sức khen ngợi, thì lần này TD tuyệt đối tin tưởng về sân khấu, âm thanh , ánh sáng phải tuyệt vời hơn sự mong đợi của khán giả.

Việt Luận:
Thuỳ Dương có thể tiết lộ sơ về chương trình tập dượt, các tiết mục của các ca sĩ, MCs, người mẫu của Trung Tâm Asia trong lần trình diễn này không?

Thùy Dương:
Thường thường khi các ca sĩ đi show mỗi tuần, các bài hát đã được thường xuyên trình diễn nên phần tập dượt cũng không mất nhiều công phu lắm, nhưng riêng với lần này, một chương trình lớn lao mà chỉ gói ghém trong 1 chủ đề nhất định, do đó ai ai cũng lo lắng cho bài hát mình làm sao trình diễn thật hay, thật có hồn, do đó họ đã tập trung về Cali cả mấy tuần trước để được tập dượt kỹ càng. Chính nhạc sĩ Trúc Hồ đã lựa chọn và sắp xếp từng bài hát cho mỗi ca sĩ, nên TD nghĩ đây là một chương trình rất hoàn chỉnh. TD cũng bật mí thêm, ngay cả y phục của ca sĩ cũng đã chuẩn bị xong, với những thiết kế vô cùng sáng tạo cho mỗi bộ quần áo, hy vọng mang đến khán giả những ngạc nhiên đầy thích thú

Việt Luận:
Dòng nhạc của Nhạc sĩ  NT-TTT thường nghiêng về đời lính, như vậy lần này ngoài việc hát nhạc lính, liệu khán giả ở tuổi thanh thiếu niên có được nghe những bản tình ca hoặc các bản nhạc ở thể loại nhạc trẻ trung không?

Thùy Dương:
Như anh Hư Vô, và quý khán giả cũng đã biết nhạc của NT-TTT thì rất phong phú và đa dạng, ngoài những bài ông viết về đời lính, ông cũng có viết rất nhiều cho tình yêu đôi lứa hoặc những thể loại rất trẻ trung dành cho tuổi mới lớn, vì vậy khi trung tâm Asia thực hiện DVD cho ông thì được khán giả khắp nơi trên thế giới, không phân biệt lứa tuổi hay giai cấp nào đều đón nhận một cách rất nồng nhiệt.
Ngay cả những ca sĩ thuộc thế hệ sau này lớn lên tại hải ngoại cũng rất thích thú để hát nhạc của ông và họ cũng đã rất thành công trong tất cả mọi thể loại.

TD kể anh nghe một chuyện rất vui, khi DVD của ông vừa do trung tâm Asia phát hành, có một gia đình nọ rất ái mộ dòng nhạc của ông, đi mua về xem nhưng tiếc tiền nên mua …băng giả, khi coi xong thấy hay quá nên vội vàng tìm mua 1 cái băng gốc để giữ lại làm của, để hãnh diện là trong gia đình cũng có những băng nhạc giá trị để đời.

Mà trong chương trình lần này, ban tổ chức cũng biết trước là có rất nhiều khán giả ở mọi lứa tuổi khác nhau đến tham dự, vì vậy nhạc sĩ Trúc Hồ rất cẩn thận khi ông chọn những bản nhạc trong số hơn 200 bài mà nhạc sĩ NT- TTT đã viết, mục đích là để mang đến cho mọi người một chương trình trọn vẹn và hoàn hảo nhất.

Nói tóm lại, sự thành công của NT- TTT như chúng ta đã thấy qua dòng nhạc của ông đã thể hiện rất phong phú trong tất cả mọi đề tài từ chiến tranh, tình yêu, quê hương, thân phận cho đến các loại dành cho tuổi mới lớn. Đó là chính là dòng nhạc nhân bản, không biên giới về thế hệ hay tuổi tác nào cả.

Việt Luận:
Lễ hội kỳ này được biết tổ chức hai ngày ở mỗi nơi là Melbourne và Sydney. Với một chương trình ca nhạc chuyên nghiệp tập dượt kỹ lưởng công phu cùng nhiều tiết mục đặc sắc như vậy, TD nghĩ các tiết mục trình diễn có trùng hợp nhau trong hai ngày không?

Thùy Dương:
Theo TD đã có hỏi  ban tổ chức thì được biết chương trình trong 2 ngày thì được dàn dựng và trình diễn hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên có những bản nhạc chủ đề  hay những bản nhạc “ ruột” của ông, có thể do sự yêu cầu của khán giả, ca sĩ có thể trình diễn lại lần thứ 2. Nhưng dù có hát lại lần thứ 2, ngay cả trang phục của ca sĩ cũng như ánh sáng cho 2 ngày cũng khác nhau, vì vậy TD rất an tâm để nói với khán giả  2 ngày lễ hội là 2 chương trình khác nhau hầu mang đến khán giả nhiều tiết mục đặc sắc, trọn vẹn và phong phú nhất.

Việt Luận:
TD đã từng tham gia các chương trình tổ chức theo tính cách Lễ Hội Âm Nhạc tại Hoa Kỳ hay những nơi khác, nhưng đây là lần đầu tiên tại Úc Châu. Theo kinh nghiệm của TD, thì Lễ Hội có những đặc biệt hay khác gì với một chương trình Đại Nhạc Hội bình thường?

Thùy Dương:
Theo TD, có rất nhiều hình thức trong việc trình diễn một chương trình văn nghệ, dù là một show nhỏ hay show lớn, như ca sĩ trình diễn trong Club hoặc Casino, hát để cho khán giả dancing hay vừa xem vừa uống rượu cũng là một chương trình, lớn hơn nữa, hát ngoài trời đễ gây quỹ, hoặc tổ chức trong một rạp hát thật lớn có một vài ngàn khán giả tham dự thì sự tổ chức cũng đơn giản hơn một lễ hội, vì những bài hát của ca sĩ đã quen, ca sĩ chỉ trình diễn nhưng bản nhạc “ ruột” của mình hoặc những bản nhạc cho phù hợp với chủ đề, nhưng dù sao sự chọn lựa bài hát vẫn rộng rãi hơn với một chủ đề như dòng nhạc NT-TTT chẳng hạn, họ không được chọn những bản nhạc ngoài chủ đề, do đó sự tập dượt sẽ tốn nhiều công phu, hơn thế nữa, đã là một lễ hội thì ngoài việc trình diễn ca nhạc, còn rất nhiều tiếc mục mà ban tổ chức phải bỏ công cũng như tốn kém để mang đến khán giả những sự giải trí và vui chơi khác trong một thời gian rất dài hơn một đại nhạc hội bình thường. Dĩ nhiên đó chỉ là suy nghĩ của cá nhân TD mà thôi, ngay cả TD đã có dịp hỏi anh Nam Lộc về sự khác biệt này, anh cũng chỉ trả lời là câu hỏi này nên dành cho sự trả lời chính xác nhất là từ VSE.

Việt Luận:
Cộng Đồng Người Việt tại Victoria phối hợp với VSE để tổ chức Lễ Hội Âm Nhạc Nhật Trường Trần Thiện Thanh là để gây quỹ cho Cộng Đồng người Việt tự do tại đây để tu bổ và bảo trì Đền Thờ Quốc Tổ, TD suy nghĩ gì về mục đích này không?

Thùy Dương:
TD rất ủng hộ Cộng Đồng phối hợp với VSE về việc làm như thế này, nhất là việc lấy âm nhạc, nhất là dòng nhạc chính nghĩa của nhạc sĩ NT- TTT để làm được những điều có ý nghĩa cho hiện tại cũng như cho thế hệ mai sau, trong việc góp một chút gì đó, dù nhỏ nhoi nhưng mang một ý nghĩa rất to lớn trong việc tu bổ và bảo trì đền thờ Quốc Tổ.

Việt Luận:
Có một câu hỏi hơi cá nhân một chút, TD có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong việc làm MC không?

Thùy Dương:
TD đã đến với trung tâm Asia đã 5 năm, đó là khoảng thời không lâu lắm, nhưng cũng là khá dài với nhiều kỷ niệm lắm anh ơi! Nhớ nhất là lần đầu tiên TD đến Washington DC để làm việc, nhưng khi ghé qua Cali thì có cái duyên đến với TD là đúng vào thời gian đó, Trung tâm Asia đang có chương trình tìm kiếm tài năng trẻ và TD có cơ may vào được chung kết và thắng giải vào năm 2007, lúc đó TD không có cái áo đầm để mặc trong ngày dự lễ,  bởi vì không có chuẩn bị trước. Thật là một điều đến với TD vô cùng bất ngờ ngoài mọi dự tính!

Và lần làm MC đầu tiên là cuốn DVD số 54, chủ đề Trầm Tử Thiêng, Trúc Hồ, là hai nhạc sĩ mà TD rất yêu mến. Cũng xin bật mí với anh, đó là lần mà anh Nam Lộc gọi báo cho TD được làm MC cho chương trình này. Nhưng vai trò một MC thì quá nặng cho 1 chương trình lớn lao như vậy, vì thế ban tổ chức có thể nghĩ là TD gánh không nổi nên đổi lại chỉ cho TD giới thiệu 1 tiết mục mà thôi, giống như vai trò Special Guest MC vậy. Khi bước lên sân khấu, TD không biết nói gì vì không có tập luyện kỹ lưỡng và dĩ nhiên còn rất lúng túng. Cũng may mắn ngày hôm đó TD chỉ nói được về công việc làm của mình bên Phi và chia sẻ với khán giả về chuyện trái táo cũng là một chuyện tình cờ. Thực ra đầu tiên TD không muốn nói về việc làm từ thiện của mình, nhưng tự nhiên nó trở thành đề tài để khán giả chú ý và thích nghe. TD nghĩ đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Việt Luận:
Xin cám ơn TD đã cho một buổi nói chuyện rất thú vị, trước khi chấm dứt, TD có muốn chia sẻ với khán giả Úc Châu điều gì không?

Thùy Dương:
Theo TD nghĩ, trung tâm Asia sản xuất ra những DVD âm nhạc để cống hiến khán giả, một việc làm còn lớn hơn âm nhạc, đó là cái tâm, họ luôn khai thác những đề tài rất nhân bản, nhằm duy trì tiếng Việt để lưu truyền cho những thế hệ mai sau, vì vậy có những đề tài có thể chúng ta cho là không “hot”, nhưng tất cả như một thông điệp nhằm nhắn đến mọi người trong công việc bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam.

Vì vậy, có 2 điều mà TD muốn chia sẻ với khán giả Úc Châu, thứ nhất như nhạc sĩ Trúc Hồ rất lo lắng một ngày nào sẽ không còn âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại nữa, bằng nhiều hình thức đã gây ảnh hưởng không ít đến nhà sản xuất, như Facebook, mạng internet và tệ hơn nữa là vấn đề băng giả. Như anh thấy từ từ những công ty nhỏ không còn sản xuất DVD nữa vì họ hết vốn. Và Asia nếu không được sự ủng hộ của khán giả để mua băng gốc thì số phận cũng vậy thôi.

Và điều thứ hai TD muốn nhắn đến khán giả Úc Châu, Dòng Nhạc NT-TTT là một dòng nhạc chính nghĩa, chân thật mà đã gắn bó với những người lính chiến đấu để giữ gìn quê hương khỏi ách thống trị của cộng sản, của những người ở hâu phương yểm trợ tiền tuyến. Lần đầu tiên VSE mang dòng nhạc này với hình thức lễ hội đến Úc Châu như một vinh danh cho người nghệ sĩ tài hoa này. Với uy tín của VSE qua dòng nhạc Anh Bằng đã để lại trong lòng khán giả rất nhiều cảm tình đặc biệt, vì vậy TD xin kêu gọi đồng bào đến tham dự thật đông đảo cho một chương trình vô cùng lớn lao và đầy ý nghĩa này…

TD xin chào anh Hư Vô, thân chào quý khán giả tại Úc Châu, hẹn gặp lại trong mùa Lễ Hội tháng 09 này…

Hư Vô
(Việt Luận)

Chủ Biên: Người Tình Hư Vô. huvoanxuyen@yahoo.com.au

%d bloggers like this: