Nhật Tiến
(Chân dung nhà văn Nhật Tiến)
Một thời như thế…..
Cả hai người đều ăn mặc quần áo bộ đội. Một anh trẻ tuổi và một gã trung niên. Anh trẻ tuổi, mới chạc khoảng ngoài hai mươi, đầu hớt ngắn, chải gọn ghẽ, quần áo phẳng phiu, mầu nhuộm của vải kaki còn nguyên vẹn nước hồ mới. Trên người anh chỉ có ngôi sao quân hàm là cũ kỹ đã bong sơn, ngôi sao màu đỏ chói gắn ở hai bên trên ve cổ áo. Gã trung niên thì có vẻ xuề xòa hơn. Quần màu xanh đậm, áo mầu lá úa, cả hai đều đã bạc mầu. Gã không đeo một loại quân hàm nào cả nhưng cử chỉ lại đủng đỉnh, chững chạc hơn là cái anh trẻ trẻ kia nhiều. Ông chủ quán cà phê đang ngồi ngáp vặt bên chiếc tủ kính cũ kỹ đựng những bao thuốc lá bán lẻ, thấy hai người
bước vào vội vã đon đả:
– Chào Thiếu Tướng. Mời Thiếu Tướng vô uống cà phê.
Gã trung niên đột nhiên phá lên cười. Gã quay ngay sang người bạn đồng hành, giơ tay vỗ lên lưng anh ta nghe bồm bộp rồi nói:
– Sướng nhé! Thế là từ sáng, cậu được phong lên Tướng cả thẩy ba lần rồi.
Mặt ông chủ quán nghệt ra. Ông ta ngó một lúc cả hai người với một vẻ vừa bỡ ngỡ vừa sượng sùng. Gã trung niên lên tiếng giải thich:
– Quân hàm của chúng tôi không giống bọn ngụy quân, ngụy quyền đâu. Các đồng chí trong Quân Đội Nhân Dân ở cấp binh nhì mang một sao, binh nhất hai sao. Hạ sĩ quan thì vừa có sao vừa có vạch. Cấp sĩ quan thì chỉ có vạch mà thôi. Một vạch là Thiếu Úy, hai vạch là Trung Úy, ba vạch là Thượng Úy….
Ông Hưng, chủ quán làm bộ ngạc nhiên:
-Ủa! Lại có cả chức Thượng Úy nữa cơ à.
Bây giờ thì tiếng anh binh nhì đeo ngôi sao đỏ lên tiếng giải thích:
- Có chứ. Thượng rồi mới lên Đại. Thượng Úy rồi mới lên Đại Úy. Thượng Tá rồi mới lên Đại Tá.
Ông Hưng giả bộ lè lưỡi:
-Thế thì leo lên được tới chức Đại Tá Quân đội Nhân dân cũng mệt lắm nhỉ!
Anh binh nhì quay sang nhìn gã trung niên rồi cất giọng nịnh khéo:
- Sao lại không mệt! Chả nói xa xôi, nội cứ leo lên được tới quân hàm Đại úy của Thủ trưởng tôi đây thì chiến công phải đã nhớ không hết rồi.
Ông Hưng lại “à” lên một tiếng nữa rồi quay sang phía gã trung niên đổi giọng trịnh trọng:
-Thưa chào Đại Úy!
Mặt gã trung niên hơi thoáng một vẻ hài lòng. Gã chọn một cái ghế thấp sát vách, ngồi quay mặt ra phía ngoài để có thể dòm chừng luôn được cả hai cái xe đạp dựng ở ngay bên ngưỡng cửa ra vào. Có đủ loại đồ đạc lỉnh kỉnh cột chung quanh hai cái xe đó, nào khung xe, nào vành bánh, nào túi gói, nào tay nải. Đó là chưa kể hai cái ba lô to kềnh mà cả hai người đã ngả xuống dựa nó vô vách gỗ. Trong lúc lúi húi pha cà phê, ông Hưng có ý lắng nghe câu chuyện trao đổi giữa hai người:
– Kỳ này về mà đời sống không cải thiện, Thủ trưởng dời vào trong này đi.
– Để coi sao đã!
– Bên địa phương của Thủ Trưởng thế nào thì không biết, chứ ở nhiều nơi, bộ đội phục viên rồi chẳng được phân biệt đối xử gì hết.
Rồi vẫn cái giọng của anh trẻ trẻ:
-Thủ trưởng có nhớ Trung úy Lộc bên quân khu Bảy không? Giải ngũ hơn ba năm nay rồi bây giờ đứng bán quần áo cũ ở chợ trời. Dân buôn chui chính tông đấy.
Gã Đại úy thốt lên:
– Thằng ấy nhảm!
– Thì làm sao hơn được. Chiến công, thành tích đâu có liên hệ gì tới sản xuất. Muốn sản xuất thì phải có tay nghề. Đi lính mười năm, toàn bắn súng, tay nghề ở đâu ra?
– Thì cũng phải có công việc văn phòng dành cho các đồng chí ấy chứ. Trong lãnh vực điều hành, có thiếu gì cương vị chỉ cần có mỗi một bộ óc suy nghĩ, xếp đặt mọi công việc hợp lý theo khoa học kỹ thuật.
Tiếng anh lính trẻ cười rích lên:
– Những chỗ như thế mà còn chen được chân vào, em xin đi bằng đầu. - Chú đừng lo! Đất nước mình đã hòa bình, thống nhất rồi. Có bao nhiêu là lãnh vực mới sẽ mở ra thu hút các loại lực lượng lao động. Chỉ sợ mình không đủ nhận thức để cung ứng hết mà thôi.
Anh lính trẻ đổi giọng an ủi:
– Thì em cũng tin tưởng như vậy. Mấy năm trước khác, còn bây giờ khác. Với lại những người có khả năng như Thủ trưởng, thiếu gì nơi cần dùng. Bỏ rẻ ra Thủ Trưởng cũng được giao trách vụ Chủ nhiệm một cái Hợp Tác Xã.
- Chủ nhiệm Hợp Tác xã thì chẳng tới phiên mình đâu. Nhưng làm gì trong Hợp Tác Xã cũng được. Tôi thích cái không khí thoải mái ở Hợp Tác Xã hơn là ngồi ở các cơ quan.
- Thế thì mèng ra Thủ trưởng cũng phải là Bí Thư Chi Bộ. Có được chỗ tốt rồi, Thủ trưởng cũng nên tính chuyện lập lại gia đình đi thôi….
Buột miệng xong câu nói, anh lính trẻ biết mình lỡ lời nên vội vàng im thít lại. Vẻ mặt của anh thoáng một nét sợ hãi. Anh biết rõ Thủ trưởng của mình thù ghét những kẻ nào khơi lại hoàn cảnh gia đình bi đát mà ông ta đã trải qua. Khi bước chân ra đi, cả làng xóm tiễn chân linh đình. Người vợ trẻ sụt sùi trong chiếc khăn tay đẫm lệ. Ngoảnh đi ngoảnh lại, mới có vài năm, cô ả tót đi lấy một anh chồng khác, địa vị cao, nhiệm sở công tác tốt, đời sống thấy cải thiện hẳn ra. Chuyện này địa phương bưng bít mất mấy năm sau gã đàn ông mới hay biết. Nhưng ai làm gì được trong thời buổi chiến tranh này. May mà gã chưa có con. Gã chỉ còn có một bà mẹ già, bà mẹ mà gã đi lính hơn mười năm chưa có dịp gửi về tặng được lấy một mảnh vải để may áo, trừ những lá thư gửi về kể lể đủ loại chiến công. Hồi bị thương nằm ở quân y viện và bị cưa xoẹt mất một ngón tay, gã vẫn mơ đến một ngày phục viên để về chăm lo cho mẹ. Bây giờ thì ước mơ ấy sắp hoàn thành.
Chuyến về này là chặng chót của cuộc đời quân ngũ của gã. Gã cũng ký luôn cho anh lính trẻ một cái giấy nghỉ phép để chuyến ra có bạn đồng hành. Thằng nhỏ nhanh nhẩu dễ thương, học lực cũng quá tốt, lớp 10 rồi chớ đâu phải ít. Lúc bưng hai ly cà phê ra cho hai người, ông Hưng mới nhận ra bàn tay thiếu ngón của gã đàn ông trung niên. Gã không che đậy, không giấu diếm chỗ làn da bị rúm ró, sần sùi. Ở thời buổi này, thương tích là mốt cái mà ai cũng muốn phô ra để chứng tỏ công lao đóng góp của mình. Nó cũng giống như những bà cán bộ mới ở rừng về, cố làm ra vẻ mệt mỏi hơn, lừ đừ hơn, trời chưa trở gió đã khoác một chiếc áo len mỏng, cộng thêm với chiếc khăn rằn ri quàng kín quanh cổ. Chỉ cần thoáng trông là ngườì ta như đã thấy hết được cả cái quá trình gian khổ chui rúc nhiều năm dưới hầm hố, ăn uống kham khổ, thiếu thốn, chịu đựng, cái hình ảnh này hoàn toàn tương phản với hình ảnh phây phây, nõn nà, tràn đầy sức sống của những thiếu nữ, phụ nữ Sài Gòn, những bà, những cô mà cho tới lúc này vẫn chưa biết mùi ăn độn là gì do hoàn cảnh kinh tế riêng tư vẫn còn phong phú, dồi dào.
Thí dụ như Hồng là một. Hồng ào vào quán cà phê của ông Hưng mang theo một mùi nước hoa thơm ngào ngạt. Nước da của nàng trắng như trứng gà bóc. Nàng bận một chiếc quần lụa thâm óng ả và mềm đến độ mỗi lần cất bước, lớp lụa in rõ cả hình dáng đôi chân thon và dài. Chiếc áo cánh mầu mỡ gà cổ thêu ren tỉ mỉ bó sát lấy thân hình tròn lẳn mang lại cho nàng một vẻ sinh lực hết sức tràn đầy, nhất là ở bộ ngực cao che giấu sau lớp áo phin mỏng được thêu thùa bằng những cánh hoa xếp đặt rất ỡm ờ, khéo léo. Nhận ra khách quen của mình, ông Hưng cất giọng đon đả:
– Chào cô Hồng. Sao bữa nay khá không?
Hồng trả lời lại câu hỏi bằng cách bưng mấy ngón tay thon dài có tô những móng lấp lánh ánh bạc kêu thành tiếng đánh “tách” một cái rồi nhoẻn một nụ cười. Hai hàm răng của nàng đều và trắng bong. Mới chỉ biểu diễn có thế thôi nhưng Hồng đã thực sự làm ngây ngất tất cả mọi người hiện diện. Cổ họng gã trung niên tự nhiên se khô lại. Anh lính trẻ trẻ thì vừa giương tròn đôi mắt lén nhìn vừa đưa lưỡi ra liếm mép. Ông Hưng luống tuổi đến như thế mà ánh mắt lúc này cũng thấy đĩ hẳn ra. Ông cất tiếng hỏi:
– Thuốc lá bữa rầy lên giá chút đỉnh. Cô lấy không?
Hồng lẳng lặng móc ở cái ví xinh xinh ra một cuồn giấy bạc và đặt lên bàn tờ giấy năm chục đồng còn mới tinh. Ông Hưng mở tủ kính lấy ra một gói Salem và thối lại năm đồng bạc lẻ. Chỉ thiếu một chút nữa là anh lính trẻ xuýt xoa bật lên thành lời. Hút một gói thuốc mà chi ra tới bốn mươii lăm đồng. Bốn mươi lăm đồng là chín tháng lương lính của anh. Không biết cái thứ thuốc lá này có nạm vàng, nạm bạc gì ở trong mà sao nó đắt thế. Lúc Hồng mở gói thuốc ra châm một điếu, mũi của anh lính trẻ hơi hỉnh lên . Anh cũng có ý hít thử xem cái khói thuốc đắt đỏ ấy thì mùi vị nó ra làm sao. Và anh tự nghĩ thơm thì có thơm thật nhưng đốt một cái nhấp nháy mà văng nguyên một lúc cả chín tháng lương thì vô lý quá. Còn Hồng thì như đo lường được cái mức độ ảnh hưởng về sự hiện diện của mình nên nàng cử động rất khoan thai, dềnh dàng. Vẻ mặt của nàng đầy chất tự mãn của một người đàn bà đẹp vẫn thường được tất cả mọi người chung quanh chiêm ngưỡng. Chợt ông Hưng lên tiếng giới thiệu một cách bâng quơ:
– Đại Úy đây sắp về Bắc. Cô Hồng có món hàng gì mới giới được thì giới thiệu đi.
Hồng được lời xoay mình hẳn lại phía đối diện hai người và nhìn về phía gã trung niên với cặp mắt tìm hiểu đánh giá. Lúc gã ngẩng đầu lên, Hồng liền nhoẻn một nụ cười. Rồi không chờ cho gã lên tiếng, Hồng tiến lại phía bàn gỗ thấp, kéo ngay một chiếc ngồi và vô đề một cách ngon ơ như mọi sự ở trên đời này đều ngon ơ dễ dàng như vậy cả:
– A! Anh Đại úy hả? Để tôi đề nghị với anh chuyến này kiếm ít tiền đem về Bắc xài chơi.
Câu chuyện của nàng là một áp phe còn đang nóng hổi. Nàng nói là nàng có một người bạn buôn bán chung. Buôn bán cái gì nàng chẳng tiết lộ, nhưng chỉ biết cô bạn hàng mới buổi chiều hôm nay bị bọn Phường Đội Phường 10 hốt luôn cả hàng họ lẫn người đem về tạm giam ở trụ sở. Nàng cong cớn:
─ Tụi nó bắt oan con người ta. Lại đòi tịch thu cả hàng hóa. Cách mạng cách mung gì mà ăn hiếp bà con lao động theo kiểu đó. Lộng còn hơn mấy ông trời con nữa.
Rồi nàng đề nghị:
─ Vụ này dễ ợt. Chỉ cần Đại úy ghé qua, nhận cô ta là em để xin thả về. “Chúng em” xin biếu Đại úy hai nghìn đem về Bắc mua quà cho các cháu.
Anh lính trẻ nghe nói liền món tiền khổng lồ hai nghìn bạc thì chịu quá, cứ nhấp nhổm như muốn thúc giục Thủ trưởng của mình chơi càn một vố. Dính dấp vô vụ này bỏ rẻ ra anh ta cũng ké được vài ba trăm. Mà đâu có gì là khó. Mấy thằng Phường đội, thứ lính bán chính quy nom thấy quân hàm Đại úy là chết khiếp. Nói ngọt trước. Hù sau. Nhấp nhấy trong mười lăm phút sơi ngon hai nghìn, thật là tiền ở trên trời rơi xuống.
Ấy thế mà gã Thủ trưởng khờ khạo của hắn lại lắc đầu mới chết cha con nhà người ta chớ. Gã đàn ông trung niên nghe Hồng nói xong mới cất tiếng:
─ Tôi muốn giúp cô lắm nhưng không thể được đâu. Các đồng chí bên ấy nếu có phải bắt là họ có lý do chính đáng.
Hồng nổi đóa lên, đổi giọng chanh chua ngay:
─ Chính đáng cái con mẹ gì. Người ta buôn bán thì cũng đổ mồ hôi sôi máu họng mới kiếm ra lời chớ đi ăn cướp của ai. Làm sao không dưng đi bắt cả người lẫn hàng họ của người ta.
Nghĩ một giây rồi nàng tiếp:
─ Thôi dứt khoát ba nghìn đấy. Ba nghìn đem được nguyên vẹn cả người lẫn hàng trở về. Mà Đại úy có mất công khó gì đâu.
Gã Đại úy vẫn lắc đầu:
─ Không được! Tôi không thể dính dấp vô chuyện này được.
Đến lúc này thì Hồng thực sự nổi giận. Nàng rít một hơi thuốc lá, thổi phà ngay về phía trước mặt làm cho làn khói bay tỏa ra mù mịt rồi đứng phắt dậy. Cử chỉ này làm cho anh lính trẻ tiếc ngơ ngẩn như rõ ràng nhìn thấy ba nghìn bạc vừa vuột ra khỏi bàn tay mình. Anh ta đâm tức mình với gã Đại úy. Lúc Hồng bước ra khỏi tiệm rồi, anh ta cất giọng bực tức, vẻ trọng nể lúc trước mất hẳn đi:
─ Chuyện nhỏ như thế sao mình không làm. Ba nghìn bạc chứ đâu có phải chuyện chơi.
Gã Thủ trưởng nghiêm nét mặt lại:
─ Chú đừng có ham tiền mà mất cảnh giác. Chuyện chót lọt thì không sao, nhưng đổ bể ra là tiêu tùng sự nghiệp cách mạng. Tôi chả dại.
Bầu không khí giữa hai người tự nhiên đâm ra nặng nề hẳn ra. Gã đàn ông thì xoay xoay ly cà phê đã nguội ngắt của mình và nghĩ đến chức vụ Bí Thư Chi Bộ trong một Hợp Tác Xã mà gã hy vọng khi trở về, cả làng xã sẽ mời gã đến để trịnh trọng đưa ra một lời đề bạt. Chiến công của gã, thương tích của gã với hàng xấp giấy ban khen chẳng là một vinh dự cho cả xã hay sao. Còn anh lính trẻ thì vẫn không quên được hình ảnh của một xấp tiền mới dẫn đến quá nhanh mà tan biến đi cũng hết sức dể dàng. Hắn rủa thầm trong lòng về sự ngờ nghệch của gã Thủ trưởng. Hắn nghĩ rằng cứ đi về làng xóm đi rồi biết bộ đội phục viên được đối xử ra sao. Có khả năng, có sức khỏe còn đỡ. Bị thương tích, bị tàn tật là thấy cuộc đời như cái mền rách ngay. Chế độ này là chế độ “vắt chanh bỏ vỏ” mà. Câu nói này không phải là của hắn nghĩ ra nhưng chính hắn đã nghe thấy hồi còn ở làng, chưa đi nhập ngũ. Một anh phế binh đã đứng ở cửa trụ sở cơ quan hành chính xã lớn tiếng thóa mạ như thế. Chẳng ai muốn phản ứng gì cả vì anh ta là một phế binh. Nhưng cũng chẳng ai có thể làm gì cho anh được khi mà tất cả cũng đang đều gặp khó khăn. Hình ảnh của anh vẫn còn như mới trong đầu óc của người lính trẻ. Và hắn nghĩ rằng rồi đây Thủ trưởng của hắn cũng đến cùng một hoàn cảnh như thế mà thôi. Vậy mà có tới ba nghìn làm vốn liếng thủ cẳng, gã lại chê thì có tức không.
Một lát sau, cả hai người đều đứng dậy. Gã đàn ông trung niên móc túi trả tiền cho nhà hàng. Đồng hồ mới chỉ gần chín giờ nhưng cả hai đều đồng ý nên ra ga sớm cho kịp chuyến tàu Thống Nhất khởi hành lúc mười giờ. Ông Hưng nói với theo một câu:
─ Chúc Đại úy về Bắc bình yên nhé. Khi nào có dịp vô Nam nhớ ghé lại đây uống cà phê.
Bóng dáng cồng kềnh của hai chiếc xe đạp chất đầy đồ đạc trong khoảnh khắc hòa lẫn vào khung cảnh ồn ào, đông đúc của thành phố, ông Hưng quên ngay mọi chuyện vừa xẩy ra vì những nhân vật, những tâm tình, những hoàn cảnh tương tự như thế vẫn xẩy ra hàng ngày ở đây. Bóng dáng của cán bộ, bộ đội, hình ảnh của những chiếc xe đạp cũ kỹ, những chiếc ba lô, túi sà-cột, những khuôn mặt xanh xao với nước da bì bì, tái tái, những chiếc áo cánh mầu trắng hay xanh lơ, chiếc quần thâm ngắn cũn cỡn, cái nón cối hay mũ tai bèo cùng những đôi dép râu hay dép xăng-đan thô kệch, tất cả đã hòa vào vẻ nguy nga tráng lệ của thành phố này một cách gượng gạo khiến cho cảnh vật đều nhuộm một mầu sắc quen thuộc, cũ kỹ đến độ nhàm chán.
Tuy nhiên, lâu lâu thì cũng có một vài biến cố bất ngờ, giống như một hòn sỏi nhỏ ném xuống mặt nước của một cái ao tù. Như trường hợp của gã đàn ông trung niên mang cấp bậc Đại úy là một thí dụ. Gã đang ở trên đường phục viên. Gã đang ướm một giấc mơ giản dị là khi trở thành dân thường gã sẽ được đề bạt một chân gì đó trong một Hợp Tác Xã để khởi đầu cho cuộc đời phục viên của gã. Và gần gũi nhất là niềm vui lần đầu được trao về tận tay bà mẹ già những món quà mà trước đó cả hàng chục năm, gã chưa có dịp mua được cho bà đến một vuông vải may áo.
Vậy mà chỉ trong khoảnh khắc niềm vui và ước mơ của gã bỗng tan tành ra mây khói. Tài sản của gã bị cuỗm mất trước khi tàu chạy. Rồi con tầu Thống Nhất khởi hành đã hơn hai mươi phút mà gã vẫn còn hiện diện trong thành phố này, chỉ có thằng lính là vẫn an nhiên đi về phép.
Gã chạy đôn đáo đây đó như một thằng điên. Gã lớn tiếng mạt sát mấy cậu Công an bên cục đường sắt hết lời. Gã chửi Mỹ chửi Ngụy như điên. Nhưng rồi rốt cục gã cũng lại phải phóng về tiệm cà phê của ông Hưng vừa nói vừa thở hổn hển:
─ Cô Hồng đâu? Cô Hồng đâu ?
Ông Hưng ngạc nhiên nhìn thân hình tơi tả của gã. Quần áo thì xốc xếch. Đầu tóc thì rối bù. Vẻ mặt tái xanh tái xám một cách vô cùng thê thảm. Đến lúc gã la lối tiếp thêm thì ông Hưng mới vở lẽ ra:
─ Tiên sư nó! Tiên sư cả lò nhà chúng nó. Mới ngoảnh đi ngoảnh lại mà nó đã lấy mất cái xe đạp đầy hàng của tôi rồi. Thế có chết tôi không. Thế thì làm sao tôi dám vác mặt về thăm nhà, thăm mẹ tôi đây…
Chỉ thiếu điều gã ta bật lên tiếng khóc. Gã cố giữ cho cơn nghẹn ngào khỏi trào ra khóe mắt. Tuy nhiên giọng của gã cũng đã thấy lạc đi, mất vẻ bình thường. Gã nói tiếp:
─ Ông làm ơn dẫn tôi đi gặp cô Hồng lúc này. Tôi bằng lòng đi bảo lãnh cho người bạn của Cô ấy ra. Phải kiếm ít tiền bù vào cả cho bị mất cấp chứ…
Ông Hưng luôn mồm chép miệng về cơn sui sẻo của gã. Cấp này dân chúng đói khát nên lắm kẻ sinh làm càn. Nhất là ở nhà ga. Trộm cắp ở đó như rươi, có thiếu gì cảnh mấy anh bộ đội ngủ lại qua đêm để chờ giờ tầu chạy, sáng sớm ra bỗng thấy mình bị lột sạch!
Ông Hưng hỏi:
─ Thế còn chuyến tàu Thống Nhất hôm nay ra sao?
─ Tôi bán vé lại cho người khác rồi!
─ Vậy là Đại úy còn thời giờ để sắp xếp công việc. Vào giờ này thì chịu không thể kiếm đâu ra được cô Hồng đâu. Mời Đại úy sáng mai trở lại. Tôi sẽ dẫn Đại úy ra chợ trời. Tôi biết chỗ của cô ấy hay lui tới với bạn hàng.
Không có cách nào hơn, gã trung niên đành phải trở lại nhà ga. Đêm hôm đó, gã nằm ngủ ngoài trời để có dịp trằn trọc suy gẫm về con đường mà gã đã trải qua trong suốt bao nhiêu năm. Mọi sự đều hầu như trọn vẹn trừ sự mất mát một cô vợ trẻ và một ngón của bàn tay trái. Bây giờ gã đang ở trên chặng đường cuối. Chặng ngắn ngủi nhất, chỉ dài không quá ba ngày tàu chạy, tưởng sẽ trôi qua dễ dàng nhất, ấy thế mà lại đẩy gã vào tình thế kẹt cứng. Suốt đêm gã đã ngủ một giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị. Có lúc gã thấy mình vẫn còn đang ở nhà, chưa biết mùi vị đời lính, bên cạnh gã vẫn còn nhí nhảnh tiếng nói của người vợ trẻ. Có lúc gã lại thấy hình ảnh của Hồng hiện ra choáng lộn che kín tất cả tâm tư, tình cảm của gã. Rồi gã lại thấy mình bị lột lon nhục nhã giữa bao nhiêu là con mắt châm chọc của bạn bè đồng ngũ. Khi tỉnh dậy, trời mới mờ mờ sáng. Gã ghé vô một quán cà phê bán ở đầu đường, ngồi nhâm nhi suy nghĩ về những việc sắp tới của mình. Cuối cùng gã tặc lưỡi đứng dậy. Chẳng có đồng chí nào có thể giúp được gã qua cơn khó khăn này. Gã đành liều nhắm mắt mà đưa chân.
Mãi tới gần xế trưa gã mới được ông Hưng dẫn tới gặp được Hồng. Nàng đang ngồi trên một chiếc ghế salon bằng mây kê ở phía sau một căn hàng quán ở giữa khu chợ trời. Trước mặt nàng la liệt những bát và đĩa. Chắc nàng mới vừa ăn điểm tâm xong. Nàng vẫn giữ cái cốt cách đủng đỉnh ngày hôm qua. Khi hai người ghé vào, nàng không đứng dậy. Cũng chẳng thèm lấy một chiếc ghế nữa để mời khách ngồi. Nàng không quan tâm đến chuyện đó mà chỉ mở bóp lấy ra thỏi son môi. Nàng vừa thoa son vừa nghe ông Hưng trình bày tự sự. Một lát, nàng nhìn gã đàn ông trung niên rồi buông lời chỏng lỏn:
─ Anh khờ bỏ mẹ! Cờ đến tay cho phất mà không chịu phất. Sáng hôm nay tụi Phường Đội nó giải con bé lên công an Thành rồi. Có họa ông Lê Duẩn nhà anh nhúng tay vào thì mới gỡ được!
Gã đàn ông nghệt mặt hẳn ra. Thêm một lần thứ hai, niềm hy vọng của gã bị tan tành ra mây khói. Trông gã thất sắc một cách thiểu não. Cứ cung cách này thì đến một cái vé tàu ra Bắc gã cũng sẽ chẳng còn đủ tiền mà mua. Ông Hưng thấy thế thương hại vội nói vun vào:
─ Thì chẳng vụ này có vụ khác, cô thì thiếu gì cơ hội có thể giúp cho đồng chí ấy.
Gã đàn ông cũng tiếp lời:
─ Tôi không cần gì nhiều. Chỉ mong kiếm cho đủ số bị lấy mất rồi trở về.
Hồng lại nhìn gã từ đầu đến chân như đánh giá. Rồi nàng hỏi:
─ Giấy tờ anh còn đủ cả chứ ?
Gã nhanh nhẩu gật đầu.
─ Đưa tôi coi!
Thế là có một màn chớ trêu, một cô gái Ngụy mở ra kiểm soát đủ loại giấy tờ của một ông sĩ quan Cách mạng đứng xớ rớ trước mặt. Vừa coi Hồng vừa tra hỏi như người thẩm vấn: “Cái này là giấy gì? Con dấu này ở đâu? Của ai? Cấp bậc gì? v…v…” Cuối cùng nàng buông một câu làm cho cả gã đàn ông lẫn ông Hưng thở phào nhẹ nhõm:
─ Được đấy! Sẽ có việc cho anh làm. Vài ba vố dư tiền về Bắc tậu nhà.
Sau lần gặp gỡ đó, hai người toan tính gì với nhau, ông Hưng không quan tâm tới. Ông trở về với quán cà phê bình dân của mình. Bẵng đi tới hơn hai tháng sau, bỗng nhiên ông gặp lại người khách có tuổi trung niên của mình. Gã ta trông trẻ người lại và linh động hoạt bát hẳn ra. Bộ quân phục bây giờ đã được thay thế bằng một cái quần Jean và chiếc áo sơ mi trắng toát. Chỉ có bàn tay trái với bốn ngón tay là dấu tích cũ còn sót lại. Bây giờ gã đã lái được xe Honda đàng hoàng. Hồng ngồi vắt vẻo ở đàng sau. Trông nàng vẫn đầy vẻ kiêu sa một cách bệnh hoạn với điếu thuốc không ngừng cháy giữa những ngón tay thon dài chải chuốt bằng lớp sơn mầu ánh bạc. Ông Hưng mỉn cười hỏi kháy:
─ Đủ tiền ra Bắc chưa, ông Đại úy?
Gã đàn ông nhoẻn miệng cười không đáp. Làm sao gã có thể dám thổ lộ ra rằng đối tượng của gã theo đuổi bây giờ không chỉ còn là hai nghìn bạc ít ỏi mà chính là cô gái nõn nà đang đứng trước mặt. Một mục tiêu lúc nào cũng đẹp phây phây như thế hẳn sẽ còn cần nhiều khổ công để chinh phục. Đường về miền Bắc vì thế vẫn còn xa xôi, thăm thẳm mịt mù…..
California, tháng 12,1983.
NHẬT TIẾN