Bài vụ án Kiều (1967) của Thanh Lãng. Trịnh Nhật Tuân


Trịnh Nhật Tuân

Bài Vụ án Kiều này trích từ cuốn Bảng lược đồ văn học Việt Nam, quyển hạ của giáo sư Thanh Lãng do nhà xuất bản Trình Bầy in năm 1967. 

Giáo sư Thanh Lãng chuyên khảo về Văn Học Mới, nghĩa là Văn Học có chịu ảnh hưởng do sự va chạm với Tây phương. Theo một phương pháp mới, giáo sư Thanh Lãng chia Văn học mới thành từng Thế Hệ. Tiêu chuẩn xác định một Thế Hệ là những biến cố quan trọng có sức xoay chiều cho văn học của một thời kỳ, khiến cho đa số văn gia của thời kỳ đó có một đường lối cảm xúc chung, đường lối suy tư chung, đường lối hành động chung.

Như vậy, chỉ thuộc về một thế hệ những nhà văn có tác phẩm xuất hiện trong thế hệ ấy. Vụ án truyện Kiều này là một sự nhận định về một thái độ phê bình của các nhà phê bình thuộc thế hệ 1913 (1913-1932), là một thời kỳ thể văn phê bình Việt Nam mới bắt đầu phôi thai.

Phạm Quỳnh

Chúng ta biết từ ngày có Đông Dương tạp chí mà nhất là từ ngày Nam Phong tạp chí ra đời, Phạm Quỳnh không bỏ một cơ hội nào mà không tranh đấu cho Quốc văn: nào là bênh vực nó, nào là ca ngợi nó, đặt nó ngang hàng với nhiều nền văn học tiền tiến trên thế giới. Chứng cớ hiển nhiên mà ông muốn đưa ra đó là truyện Kiều. Bởi vậy, hễ có dịp là ông không tiếc lời ca tụng Kiều. Theo Phạm Quỳnh, tình thế đương thời không có gì đáng bi quan tuyệt vọng, là vì «truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn».

Do sáng kiến của Phạm Quỳnh và Đông Dương tạp chí cũng như Nam Phong tạp chí, cả một phong trào suy tôn Kiều ra đời, người ta đọc Kiều, dịch Kiều, chú thích Kiều, diễn thuyết về Kiều, làm lễ truy điệu tác giả Kiều… Đáng chú ý hơn cả có lẽ là bài nghiên cứu của Phạm Quỳnh về Kiều năm 1919 dài hàng mấy chục trang. Bài này chúng ta đã có dịp nói đến khi nghiên cứu về Phạm Quỳnh, nhà phê bình. Đại ý bài này là minh chứng truyện Kiều, về mọi phương diện xứng đáng gọi là một kỳ công, kiệt tác không riêng gì của Việt nam mà của cả nhân loại. Truyện Kiều làm vinh quang cho cả dân tộc. Chúng ta sẽ ghi chú những đoạn Phạm Quỳnh ca tụng kiều hơn cả trong bài này. Đây là những điều quả quyết của Phạm Quỳnh về Kiều:

Kiều là cuốn sách được tôn sùng hơn hết

Phạm Quỳnh minh chứng trên thế giới này không có cuốn sách nào được người ta đọc nhiều, ham nhiều, tôn sùng nhiều bằng Kiều.

«Người nước ta, ai là người không biết truyện Kiều? Ai là người không thuộc ít nhiều câu trong truyện Kiều? Ai là người không rõ sự tích nàng Kiều mà thương thân thế cô Kiều, hồng nhan bạc phận, đủ bề tài sắc mà gặp cảnh đoạn trường, mười lăm năm gian khổ ở đời, tựa như Trời đầy đọa để làm cái gương soi chung cho thế nhân nông nỗi? Mà lạ thay, suốt các hạng người trong nước từ kẻ văn học trí thức cho đến những người làm lụng tầm thường, từ bậc khuê môn đài các cho đến kẻ làm ruộng hái dâu, không ai là không thích truyện Kiều, không ai đọc truyện Kiều mà không thấy cảm động, như thân lịch cái khốn cảnh ấy, chịu sự thống khổ ấy, từng những hoạn nạn ấy, trải những bước đường ấy. Có lẽ không văn chương nào có quyển truyện bộ thơ mà phổ tập bằng truyện Kiều của nước Nam ta».

Kiều là cuốn sách cao thượng hơn hết.

Kiều không những được người ta tôn sùng vì nó hay mà nhất là vì nó là cuốn sách cao thượng hơn cả. «Không đâu có quyển sách nào vừa cao thượng đủ cảm được người học thức, vừa giản dị đủ cảm được kẻ bình thường như truyện Kiều vậy. 

Tác giả Kiều đáng được toàn quốc tôn thờ

Nói về Nguyễn Du, Phạm Quỳnh viết:

«Một người đã có công với quốc văn như cụ thật đáng lưu danh thiên cổ, và đáng cho quốc dân sùng phụng muôn đời như một ông thánh trong nước vậy».

Truyện Kiều và tác giả truyện Kiều sẽ bất diệt

Mà lòng sùng mộ Kiều, yêu mến Nguyễn Du không phải là tình cảm nhất thời: Kiềuvà Nguyễn Du sẽ bất diệt.

«Bao giờ bán đảo Đông Dương này còn có người Việt Nam ở, người Việt Nam còn biết nói tiếng Việt Nam, thì truyện Kiềucòn có người đọc, truyện Kiều còn có người đọc thời cái hồn cụ Tiên Điền còn phảng phất mãi trong sông núi đất Việt Nam không bao giờ mất được! Ôi! Linh hồn bất diệt, linh hồn bất diệt là nghĩa thế nào? Lấy lẽ tôn giáo mà chứng thời huyền viễn quá, người thường không thể hiểu được. Nhưng thiết nghĩ đối với nhà thơ nhà văn thời linh hồn bất diệt tức là cái công trước tác của mình, nếu công ấy đáng giá thời linh hồn mình tất cùng với núi sông cùng với nòi giống lưu truyền mãi mãi, tưởng cũng có thể gọi là bất diệt được, vì người ta ai cũng là kết quả của một giống, giống mình còn mình cũng còn, mình với giống mình cũng là một, còn có kế trường sinh nào hơn nữa?… 

Văn chương truyện Kiều tài tình, kiệt tác nhất

Xét về phương diện văn chương, Kiềukhông những hơn hết thảy các sách ở Việt Nam mà ngay đến Trung Hoa cũng không có áng văn nào hoa mĩ bằng:

«Mà thật văn chương truyện Kiều quả là một nền văn chương tuyệt bút, có lẽ văn Tàu cũng không có gì bằng. Nay muốn phát biểu cho hết những chỗ hay trong truyện Kiều không thể sao cho khắp được, vì suốt chuyện không một câu nào là đặt non đặt ép, câu nào cũng lả lơi chải chuốt, ý sâu xa cả (…)

«Phàm văn chương hay là thứ nhất ở lời văn điêu luyện, thứ nhì ở ý tứ thâm trầm. Có ý tứ hay mà lời văn không đạt, thời ý tứ cũng không biểu lộ ra được, có lời văn đẹp mà không có ý tứ thời khác nào có vỏ mà không có ruột, có xác mà không có hồn. Xét trong chuyện Kiều thật là kiếm được cả hai, lời văn rất luyện mà ý trí rất sâu, lời văn luyện cho đến nỗi tưởng không ai có tài nào đặt hơn được nữa, và trong một câu không thể nào dịch đi một chữ, đổi lại một tiếng, giọng hồn nhiên như trong ống thiên lại mà ra, ý tứ sâu cho đến nỗi càng đọc, càng cảm, càng nghĩ, càng thấm, lời lời trân trọng như mang nặng một gánh tình thiết tha như kêu oan nỗi sầu khổ, cảm động vô cùng.

«Văn chương hay ở lời ở ý, mà ý với lời lại còn phải cho xứng hợp với cái cảnh, cái người định mô tả, thời mới gọi là hoàn toàn được cảnh vui mà giọng không hợp, cảnh buồn mà giọng vui cũng không hợp; chỗ cảm động phải ra lời cảm động, chỗ chua cay phải có giọng chua cay, người điên đảo phải nói câu điên đảo, người thuần hậu phải ra vẻ thuần hậu, và khách giang hồ phải ra thói giang hồ. Văn truyện Kiều thật được trúng như thế không sai. Chỗ nào lời văn cũng in với nghĩa truyện, ý tứ hợp với cảnh người, lời nào ý nào cũng thích với nhân tình thế cố, khiến cho nhiều câu trong truyện Kiều đã thành những lời cách ngôn thiên cổ, dẫu người bình thường cũng biết dùng trong khi nói chuyện như dùng tục ngữ phương ngôn vậy.

«Đó là mấy tính cách chung của văn chương truyện Kiều, suốt trong truyện từ đầu chí cuối đều đủ bấy nhiêu tính cách cả. Văn chương nào đã trúng cách như thế là văn chương có giá trị cả, dẫu ngoài không có cái tinh thần gì khác nữa cũng là đủ lưu truyền vậy. Nhưng truyện Kiều sở dĩ hơn các văn chương khác chính là ở cái tinh thần riêng ở ngoài lề lối ấy. Tinh thần ấy cao thâm mà uyên áo, sán lạn mà rực rỡ, điều hòa mà êm ái, mãnh liệt mà hùng hồn, tuy trạng thái có khác mà đều là một mảnh hồn thơm của kẻ giai nhân người danh sĩ cách đại cảm nhau, hương thừa còn phảng phất trong toàn truyện. Tinh thần ấy không thể gồm một câu mà tóm cho hết được, nhưng đại để là cái tinh thần xót xa đau đớn, cảm hận bi thương, dẫu trong lúc vui vầy cũng có mùi cay đắng, dẫu trong cuộc truy hoan cũng có vẻ u sầu» 

Nhân vật trong thế giới truyện Kiều sống động như thực

Phạm Quỳnh đã đem Kiều mà so sánh với truyện quốc tế, và quả quyết nghệ thuật sáng tạo của Nguyễn Du không thua kém nhà văn nào trên thế giới. (…)

Phạm Quỳnh cực tán Kiều đã hạ những lời nhiều khi có hơi to tát và đôi khi vượt ra ngoài phạm vi nghệ thuật mà bước sang phạm vi đạo đức, cho Kiều là một gương tiết nghĩa.

Nhưng xét chung, ông vẫn chỉ là một nghệ sĩ đứng trước một tác phẩm nghệ thuật. Những lời ông phê bình Kiều chẳng qua là những xúc cảm mãnh liệt của ông khi đọc Kiều. Tiêu chuẩn gợi những xúc cảm cũng là những nguyên tắc giáo điều, cổ điển, dựa theo khoa tu từ học cổ điển Tây phương.

Vũ Đình Long

Sau khi Phạm Quỳnh bàn về Kiều trên Nam Phong năm 1919, thì vắng hẳn đi một thời gian mấy năm từ 1919 đến 1923. Nhưng từ 1923 trở đi, tự nhiên một phong trào khai thác Kiều rầm rộ. Riêng Vũ Đình Long, một giáo học trường Pháp Việt Hà-đông có ba bài nghiên cứu về truyện Kiềuđăng liên tiếp trong gần mười số Nam Phong.

Nhân vật truyện Kiều

Bài thứ nhất đề là «Nhân vật truyện Kiều» đăng trong Nam Phong các số 63, 69, 70 bắt đầu từ Février 1932 trở đi. 

Qua thiên khảo cứu dài mấy chục trang đó, Vũ Đình Long cứ tuần tự theo các tình tiết trong câu truyện mà bàn bạc về hành vi, tính tình từng vai truyện với những lời khen chê. Cũng như Phạm Quỳnh, Vũ Đình Long cực lực tán Kiều, không những về đường văn chương mà cả về đường đạo đức luân lý nữa. Đây ta nghe mấy lời phát đoan của ông:

«Truyện Kim Vân Kiều là một thiên tiểu thuyết kiệt tác của Nguyễn Du tiên sinh, viết bằng văn vần, là một nền văn chương bất hủ, hay nhất của nước ta. Khắp người nước ta, từ bác xã cày sâu cuốc bẫm cho chí nhà văn học vạn quyển thiên kinh, từ chị hàng rau cục kịch cho chí người khuê các phong tao, ai cũng ưa đọc truyện Kiều, ai cũng thích ngâm truyện Kiều. Xét những bộ tiểu thuyết truyện bút của các nước, thường không có được cái tính cách phổ thông mà những bộ tiểu thuyết phổ thông được trong dân gian thời không phải nền văn chương có giá trị mĩ thuật. Vì sao vậy? Vì cái sở thích của những người ít học là ở như câu truyện rắc rối, rườm rà, lắm việc bi thương, huyền hoặc, náo động, chứ đến những tiểu thuyết cốt cách tầm thường, chủ não rõ rệt, thuật ít tả nhiều, tả tình tả cảnh, tả tâm lý chứa chan tư tưởng, dồi dào ngụ ý, thì họ chê là nhạt, là tẻ, là buồn. Mà nhạt, mà tẻ, mà buồn cho họ thật, vì họ có biết thưởng giám đâu đến chỗ cực lực tả bức chân, những tư tưởng uyên áo, những ngụ ý cao xa. Tài tình thật! Đến Tiên Điền tiên sinh thì tài tình thật! Truyện Kiều của tiên sinh thì khắp các hạng người trong xã hội ta đọc, mỗi người hiểu một cách, mỗi người ưa một đàng. Những ai đọc đến truyện Kiều cũng đều công nhận là một truyện hay đến cực điểm. Cái hay của truyện Kiều tuy là ở văn chương cũng nhiều thực nhưng lời văn đẹp, câu thơ giòn chẳng qua mới là bộ áo khoác bên ngoài, nếu truyện Kiều hay chỉ ở có đấy thôi thì cái giá trị có đâu được lớn lao như thế, cái ảnh hưởng xâu xa như thế? Truyện Kiềusở dĩ được cùng với non sông thọ trường là vì tác giả có cái tài sáng tạo ra nhân vật, nghĩa là nhân vật của truyện Kiều sinh hoạt hệt như thực, ngôn ngữ cử chỉ của người nào trong truyện Kiều cũng hợp với cái tâm lý của người ấy, Nguyễn Du tiên sinh là một nhà am hiểu nhân tình thế thái, trông suốt gan ruột người đời một cách xâu xa mật thiết không những tiên sinh biết:

«Đau lòng vì những điều trông thấy»

mà tiên sinh lại có tài thuật lại những cái tiên sinh trông thấy, khiến cho người nghe tiên sinh cũng phải đau lòng cũng phải cau mày rơi lụy» 

Phê bình về thân thế nàng Kiều, Vũ Đình Long viết:

«Ký giả càng chỉ trích cái lòng say mê của cô đối với cậu Kim bao nhiêu thì nay lại càng phục, lại càng khen cái lòng quên tình vì hiếu của cô bấy nhiêu. Cái nết của cô lẳng, cái tình của cô thâm, lòng say mê càng mạnh thì cái chí báo hiếu của cô càng khó, cái cuộc chiến đấu trong lòng cô trước khi quyết làm nghĩa vụ càng kịch liệt.

Duyên hội ngộ, đức cù lao
Chữ tình chữ hiếu bên nào nặng hơn?

Thế mà cô cả quyết bán mình chuộc tội cho cha thì cô khí khái cao thượng biết là bao nhiêu? Đáng thương thay đáng trọng thay người hiếu nữ.

Bài triết lý và luân lý truyện Kiều

Sau khi khen nhân vật truyện Kiều, Vũ Đình Long lại hùng hồn biện hộ cho triết lý và luân lý truyện Kiều. Phần đầu tác giả phân tích và xác định triết lý truyện Kiều mà ông cho là đồng nhất với tâm lý truyện Kiều. Phần thứ hai, ông bác bỏ các lý do người ta viện ra để kết án luân lý truyện Kiều:

«Ta xem thế thì biết tâm lý cụ Nguyễn Du, cái triết lý truyện Kiều là một cái gương sáng sủa vô cùng, lưu truyền đến thiên cổ cho người đời soi chung.

«Cái triết lý truyện Kiều cao bao nhiêu, thì luân lý truyện Kiều cao bấy nhiêu. Cụ Nguyễn Du đem tâm sự riêng của mình bộc bạch với non sông, mà thành ra cụ dạy đời cái cách thờ vua giúp nước, cái cách vợ thờ chồng, con thờ cha, cái cách làm người ở đời cho xứng đáng… Cái luân lý cao quí vô cùng lấy, thực là lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu, ta nên thắp hương cảm tạ cụ mà kính lĩnh đem ra thực hành».

Bài văn chương truyện Kiều

Đó là một bài Vũ Đình Long phân tích truyện Kiều rất tỉ mỉ. Bài này chia làm chín đoạn: trừ đoạn đầu để phân chia và toát lược câu truyện, tám đoạn sau đều dành cho việc nghiên cứu giá trị truyện Kiều mà ở đâu Vũ Đình Long cũng hạ những câu cực tán.

Đoạn II bàn tổng quát về giá trị truyện Kiều, Vũ Đình Long viết:

«Đọc một bộ tiểu thuyết của Tàu hay của ta, thường nhận được rằng không phải một truyện mà nhiều truyện hợp nên, hoặc là một truyện chính mà có rất nhiều truyện lặt vặt không quan thiết gì đến chủ não truyện chính, cái đó là vì tác giả trước khi kết cấu không định trước chủ não vậy… Cái đặc sắc của truyện Kiều là có chủ não, là bao nhiêu việc đều quay về cái chủ não ấy. Chủ não là chữ tình hy sinh cho chữ hiếu thời bao nhiêu việc trước sau chỗ hy sinh đó đều là việc khiến cho độc giả ai cũng phải hết lòng thương người vì hiếu quên tình, mà đến cả chỗ kết cục đoàn viên cũng là thuộc về chủ não truyện Kiều vì Kim-Kiều đoàn tụ há chả phải là cái phần thưởng đích đáng cho người hiếu nữ ư?

«Nói tóm lại, thời cái bí thuật của cụ Nguyễn Du là bao nhiêu nguyên tố của sự hành động bao nhiêu cảnh ngộ, bao nhiêu việc vặt, bao nhiêu tính tình… đều liên tiếp, ràng buộc nhau, ảnh hưởng lẫn nhau một cách tự nhiên, mà cái hứng vị câu truyện thời dự bị sẵn, giữ gìn khéo, có khi bỏ lửng lơ, có khi do đột ngột, chủ đích làm cho cái hứng vị ấy, từ đầu chí cuối truyện cứ tuần tự mà tăng tiến vậy».

Đoạn III bàn về bút pháp, tức là đoạn Vũ Đình Long phê bình về tài nghệ của Nguyễn Du trong việc dùng tiếng một cách tài tình kỳ diệu. Đoạn IV bàn về văn tự sự. Đoạn V bàn về văn vấn đáp. Đoạn VI bàn về văn tả người. Đoạn VII bàn về văn tả tình. Đoạn VIII bàn về văn tả cảnh. Đoạn IX bàn về triết lý và luân lý truyện Kiều.

Như vậy, ta có thể có mấy nhận xét sau đây về Vũ Đình Long:

Vũ Đình Long đã chịu ảnh hưởng sâu xa của nghệ thuật phê bình cổ điển Tây phương, áp dụng lối phân tích của Tây phương trong việc phê bình, cho nên lối phê bình của Vũ Đình Long nặng tính cách giáo điều.

Nhà phê bình cũng như nhà nghệ sĩ đồng thời phải là nhà đạo đức, nhà luân lý, Vũ Đình Long đã trích lời Schumann để nói về luân lý trong tương quan nghệ thuật: 

«Một công trình văn chương mà lấy cái vô đạo làm bản chất cốt yếu của chân tướng con người, mà người không tả, chỉ tả có ‘con vật người’ thì bội phần vô mĩ thuật; cái công trình ấy nó giảm giá trị ta; nó làm nhục ta, nó có thể gợi lòng hiếu dị của ta được, nhưng cái cảm tình nó sinh xuất ra không phải là cái cảm tình văn chương»

Đề cao nghệ thuật, triết lý cùng luân lý của truyện Kiều, coi nó là một sự nghiệp hoàn toàn tuyệt diệu đáng làm mẫu mực cho hậu thế về mọi phương diện. Thế nên, ta sẽ thấy sau này Ngô Đức Kế sẽ nêu tất cả những cái đó ra để mà công kích, mà đã phá.

Như vậy, ta thấy lối phê bình của Vũ Đình Long, tuy là đã tỉ mỉ, đã sâu sắc, nhất là đã có hệ thống khá, nhưng cũng chưa thoát khỏi cái bệnh chung của thời đại ông là cái bệnh trừu tượng cổ điển, giáo điều. Cái khuyết điểm nhất của Vũ Đình Long, cũng là của Phạm Quỳnh, và của chung các văn nghệ sĩ thuộc thế hệ này là lẫn lộn hai phạm vi luân lý và nghệ thuật. Sự nhầm lẫn đó đưa đến thái độ ngập ngừng miễn cưỡng.

Nguyễn Tường Tam

Nguyễn Tường Tam là tác giả bài Mấy lời bình luận về văn chương truyện Kiềuđăng trong Nam Phong số 79, nghĩa là hầu như đồng thời với loạt bài nghiên cứu về truyện Kiều của Vũ Đình Long và cũng là hàm chứa một tấm lòng sùng mộ Kiềuđến cực điểm, coi Kiều là cuốn sách tuyệt vời không ở đâu và đời nào có thể có cuốn sách hay hơn được:

«Quyển Kiều xuất hiện ra cũng là một sự ngẫu nhiên vậy; Ngẫu nhiên Kiều, kể đã được hơn một trăm năm rồi, cũng chưa có sách nào hay bằng. Cái đặc tài của cụ Nguyễn Du về đường văn chương như ở nước ta thật là không hai; khi nào đọc đến và hiểu thấu được truyện Kiều thì ai ai cũng phải công nhận rằng văn chương cụ từ xưa đến nay thật không chịu kém văn chương của ai.

«Cái làn sóng thơ Kiều hình như lai láng khắp cõi Nam. Trừ những câu ca dao ra, thật không có quyển truyện nào phổ thông trong đám dân gian bằng truyện Kiều. Vì văn Kiều hay quá nên những người nhà quê không có học thức cũng thích xem và thích ngâm nga.

«Nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết thế nào mà kể được. Ta chỉ nên nhận rằng văn chương Kiều có thể làm cái mẫu rất tốt cho văn chương quốc ngữ, và người nào làm văn cũng nên theo cách làm văn trong truyện Kiều, vì những câu thơ trong truyện đó đã tới cực điểm.»

Sau phần phát đoan để định giá trị truyện Kiều một cách tổng quát như vậy, Nguyễn Tường Tam trích chứng của các nhà văn tây phương như Goethe, như Chateaubriand, như Anatole France để mà phân tích tỉ mỉ giá trị văn chương của truyện Kiều qua từng chữ, từng câu đến đoạn một. Không những tryện Kiều có giá trị vì văn hay mà còn giá trị vì hàm chứa một nền luân lý cao siêu.

«Truyện Kiều thực là một tấm gương luân lý thiên cổ một cái thú giải buồn cho người thích ngâm thơ, một cái thú gợi buồn cho người buồn, một bức tranh vẽ cuộc đời cho người biết nhân tình thế thái, một quyển bói cho người hay tin, một tập văn mẫu rất bổ ích cho người làm văn.

«Nòi giống Việt Nam còn, văn chương Việt Nam thịnh, thì không bao giờ là không có người biết đến truyện Kiều và thâm phục cái đặc tài của cụ Nguyễn Du.

Như thế, ta thấy lối phê bình của Nguyễn Tường Tam về Kiều không có gì mới hơn Phạm Quỳnh hay Vũ Đình Long. Quanh đi quẩn lại chỉ là những lời cực tán tựa vào mấy tiêu chuẩn cổ điển, cái mà ta gọi là giáo điều. Đáng chú ý là ngoài việc ca ngợi lối văn kỳ diệu và giá trị luân lý cao siêu của Kiều, Nguyễn Tường Tam còn tha thiết đề nghị lấy Kiều làm một tập văn mẫu rất bổ ích cho người làm văn. Nguyễn Tường Tam đã nói và đã làm. Thực vậy, ta thấy Nguyễn Tường Tam đã thực hiện trong mấy tác phẩm đầu tay của ông ra đời trước 1932, tác phẩm mà ta thấy đặc sệt những câu lẩy Kiều.

Lễ kỷ niệm Tiên Điền

Mấy bài khảo cứu trên đây cho ta thấy suốt từ 1919, nhất là từ 1923 trở đi, hầu như không có số báo Nam Phong nào là không có bài bình luận Kiều, ca ngợi Kiều. Lòng sùng mộ Kiều lên đến cực điểm năm 1924, nhất là nhân ngày lễ kỷ niệm Nguyễn Du.

Báo Nam Phong số 86 ra vào tháng 8 dương lịch năm 1924 đã cho biết đầy đủ chi tiết về cuộc lễ kỷ niệm của Nguyễn Du.

Xem bài: Lễ kỷ niệm cụ Tiên Điền

Bài diễn văn bằng quốc văn của Phạm Quỳnh

Xem bài: Phạm Quỳnh diễn thuyết về Nguyễn Du và Kiều

Bài diễn văn của Phạm Quỳnh thực là một bài cực tán Kiều với những lý luận hoàn toàn độc đoán, giáo điều.

Qua bài diễn văn này, Phạm Quỳnh minh chứng giá trị tuyệt vời, kỳ diệu của Kiều ở ba điểm: 

  1. Thứ nhứt, Kiều giá trị vì Kiều là cuốn sách được toàn quốc yêu mến, ham thích.
  2. Thứ hai, truyện giá trị vì nó liên hệ mật thiết đến vận mệnh của cả một dân tộc?
  3. Thứ ba, giá trị truyện Kiều so sánh với văn học thế giới

Rồi để kết luận, Phạm Quỳnh lại một lần trịnh trọng tuyên bố: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Bài diễn thuyết của Trần Trọng Kim

Sau bài diễn văn nảy lửa của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim lại đăng đàn, đọc một bài diễn văn rất dài bàn về thân thế Nguyễn Du, nghiên cứu nguồn gốc truyện Kiều, phân tích tâm lý Nguyễn Du qua vai Kiều, đánh giá văn chương truyện Kiều. Tựu trung cũng toàn là lời cực tán, ca ngợi Kiều là tác phẩm tuyệt vời, kỳ diệu, tán dương Nguyễn Du là một bậc đại tài đại danh nước nhà.

Như vậy ta thấy tất cả những bài viết về Kiều trong mấy năm vừa qua đều do Nam Phong chủ trương, nghĩa là đều do Phạm Quỳnh khởi xướng. Mà thực những lời tuyên bố to tát nhất về Kiều cũng đều do phe phái Phạm Quỳnh cả. Tựu trung những lời thẩm định về Kiều thường là khen tính cách phổ thông của truyện Kiềutrong dân gian, ca ngợi lối văn kỳ diệu của Nguyễn Du, đề cao giá trị luân lý và triết học của câu truyện, coi sự nghiệp của Nguyễn Du là quốc hồn quốc túy đáng phải nêu gương cho muôn đời soi chung. Sự sùng mộ Kiều lúc đó trở thành một thứ tôn giáo, con người Kiều thành nên như một nhân vật còn đang sống giữa đời với một thân phận số kiếp bi đát tuyệt vọng. Những mối tình lãng mạn, nhân thế, phát triển ồ ạt. Khoảng năm 1924, ta nên nhớ là là khoảng ra đời của Tố Tâm, của Tuyết Hồng Lệ Sử, là thời kỳ phong trào lãng mạn phát triển mạnh nhất, trai gái đua nhau chìm đắm vào trong con đường tình ái rồi tuyệt vọng, rồi thi nhau mà tự tử.

Tình trạng đó, có phải nguyên nhân do cái phong trào sùng một Kiều hay không? Có lẽ còn nhiều nguyên nhân khác, nhưng truyện Kiều hẳn phải có phần ở trong. Mà cho ngay rằng Kiều chưa tác động gì đến sự trụy lạc kia, thì cái công việc đưa truyện Kiều ra mà tuyên truyền cổ võ trong tình trạng xã hội lúc đó cùng là thổi thêm vào cái lò lửa lãng mạn kia cho cháy hồng to lên. Có lẽ vì thế mà sau khi Nam Phong cho đăng các bài diễn văn của Phạm Quỳnh tháng 8 dương lịch 1924, thì đến mồng 1 tháng 9 dương lịch cũng năm ấy, Ngô Đức Kế viết bài công kích Phạm Quỳnh và các nhà tuyên truyền cho Kiềutrên báo Hữu Thanh số 21 ra ngày 1-9-1924.

Ngô Đức Kế

Chủ trương của Phạm Quỳnh bênh vực và đề cao Kiều, không phải là chủ trương của mọi người Việt Nam, nhất là nó càng không phải chủ trương của các nhà đạo đức hồi đó, còn có thái độ rất ngặt đối với việc đọc Kiều. Ngô Đức Kế đại diện cho phái đó và tiếng nói của Ngô Đức Kế là tiếng nói của cả một môn phái. Chính vì thế mà ở Hữu Thanh tạp chí số 21 ra ngày mồng 1 tháng 9 dương lịch 1924, Ngô Đức Kế đã viết bài đề là Luận về chánh học cùng tà thuyết, Quốc văn, Kim Vân Kiều, Nguyễn Du.

Xem bài: Luận về chánh học cùng tà thuyết

Bài đả kích của Ngô Đức Kế tựu trung cũng chỉ là một lối phê bình chủ quan, duy ngã, giáo điều. Tiêu chuẩn để dẫn đường lối phê bình của Ngô Đức Kế là việc chấp nhận văn chương phải có sức mạnh tuyên truyền cho luân lý, đạo đức. Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế đối lập nhau vì mỗi người bắt đầu từ một khởi điểm khác nhau, nhưng cả đôi bên đều gặp nhau ở một điểm, mà cái điểm đó là văn chương phải có luân lý, phải đề cao đạo đức.

Điểm khởi của Phạm Quỳnh là việc chấp nhận một cách tiên thiên rằng truyện Kiều vươn dịch đến một trình độ văn chương nghệ thuật tuyệt vời. Nhưng đã ngấm ngầm nhận không thể có văn chương, có nghệ thuật vô luân lý, phi luân lý, cho nên Phạm Quỳnh phải bào chữa cho luân lý truyện Kiều. Rồi từ chỗ bào chữa đến chỗ ca tụng, đề cao, giới hạn không xa bao nhiêu.

Điểm khởi của Ngô Đức Kế, ngược lại, là thái độ chấp nhận một cách tiên thiên rằng luân lý truyện Kiều là một thứ luân lý đồi bại, rằng đạo đức trong Kiều là thứ đạo đức giả dối, trụy lạc. Mà bởi đã ngầm nhận không thể có văn chương, nghệ thuật trong những cái phản bội luân lý, cho nên Ngô Đức Kế, sau khi nêu ra lên tính cách vô luân lý trong truyện Kiều thì lại phải tiến tới chỗ biện minh cho tính cách vô văn chương, vô nghệ thuật của truyện Kiều.

Như vậy, ta thấy lối phê bình của Ngô Đức Kế là một lối phê bình quan điểm. Quan điểm của Ngô Đức Kế là quan điểm của nhà đạo đức đứng nhìn và thẩm định sự vật theo các tiêu chuẩn đạo đức; quan điểm của Phạm Quỳnh là quan điểm của nhà nghệ sĩ đứng nhìn và cắt nghĩa một tác phẩm nghệ thuật.

Kết cục, hai bên không hiểu nhau, không hiểu tiếng nói của nhau và do đấy cuộc đối thoại của họ không đi đến một kết quả nào.

Thái độ của Nam Phong và Phạm Quỳnh

Bài đả kích của Ngô Đức Kế trên tạp chí Hữu Thanh không những không được Phạm Quỳnh trả lời mà không một người cộng tác nào với báo Nam Phong đả động đến. Nhưng không phải vì vậy mà người ta thôi viết về Kiều, thôi ca tụng Kiều.

Sau bài đả kích Ngô Đức Kế, trên Nam Phong còn một loạt bài sau đây xuất hiện:

  1. Bài Bàn góp truyện Kiều của Vũ Đoan Trang nữ sĩ, Nam Phong số 87.
  2. Bài Bàn về truyện Kiều của Mai Khuê, Nam Phong số 99.
  3. Bài Bàn về nhân vật truyện Kiềucủa Tùng Hoa, Nam Phong số 104
  4. Bài Bàn về truyện Kiều do Cao Hữu Tạo sao lục Nam Phong số 106
  5. Bài Nghiên cứu và phán đoán về truyện Kiều của Đồ Nam, Nam Phong số 125

Tất cả loạt bài trên đây, có cái đặc điểm là phần nhiều còn ca ngợi Kiều nhưng không hăng hái như hồi trước 1924 nữa. Nhất là ít thấy ai đề cao triết lý và không một ai ca ngợi luân lý Kiều coi là thần thánh, cao siêu như hồi trước 1924. Phải chăng do ảnh hưởng của Ngô Đức Kế mà các tay bỉnh bút của Nam Phong thay đổi thái độ? Có điều lạ là người ta nhắc nhiều đến bài nọ bài kia hoặc đã khen hay chê Kiều mà tịnh không bao giờ đả động đến bài của Ngô Đức Kế đả kích Phạm Quỳnh ở Hữu Thanh tạp chí.

Phan Khôi cảnh cáo các nhà học phiệt

Phạm Quỳnh tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du và cực lực ca ngợi Kiều tháng 8 năm 1924, Ngô Đức Kế đả kích Phạm Quỳnh ngay trong số báo ra tháng 9 năm 1924. Từ đó, kẻ bàn đi người bàn lại, nhưng cả Ngô Đức Kế cả Phạm Quỳnh không ai nói năng gì thêm. Sự việc tưởng đã lịm hẳn đi. Nào ngờ đột ngột vào hồi đầu năm 1931, Phan Khôi đem khơi nó dậy ở Phụ Nữ Tân Vănkịch liệt đả kích và kết án Phạm Quỳnh là học phiệt, là khinh dư luận. 

Xem bài: Cảnh-cáo các nhà “học-phiệt”

Tựu trung lối phê bình của Phan Khôi trong bài này là một lối phê bình thái độ, là công việc đả phá công kích một nhân vật. Đặc tính của lối phê bình của Phan Khôi là sự thành thực, sốt sắng, thẳng thắn, mà nhất là tươi tắn trẻ trung có duyên lạ thường, Phạm Quỳnh có thể bị chết điếng đi mà khôn thể giận được Phan Khôi.

Phạm Quỳnh trả lời bài «cảnh cáo các nhà học phiệt» của Phan Khôi

Bài của Phan Khôi đã dồn Phạm Quỳnh đến chỗ không thể không lên tiếng để biện bạch.

Xem bài: Trả lời bài “cảnh-cáo các nhà học-phiệt” của Phan-Khôi tiên-sanh

Đại để là Phạm Quỳnh tự thanh minh, nhưng không vin được lẽ chi thích đáng, không bẻ lại các lẽ mà Ngô Đức Kế đã đưa ra để công kích ông mà chỉ hạ những lời lẽ đầy chua cay, phỉ báng ông Ngô Đức Kế mà ông cho là một anh đồ gàn, một người ghen tị, một tên tù đồ, cục mịch. Cái lỗi của Phạm Quỳnh là chỗ ấy. Người ta mất cảm tình đối với Phạm Quỳnh cũng là ở cái điểm ấy. Lời lẽ của Phạm Quỳnh không còn là lời lẽ của một nhà văn hóa, ông đưa vấn đề chánh trị ra để mà đe dọa, phỉ báng Ngô Đức Kế.

Huỳnh Thúc Kháng lên tiếng

Sau bài Phạm Quỳnh trả lời Phan Khôi, trong đó, như ta đã thấy, có nhiều lời lẽ phỉ báng Ngô Đức Kế, thì trên báo Tiếng DânHuỳnh Thúc Kháng lên tiếng kịch liệt phản đối Phạm Quỳnh. Bài của Huỳnh Thúc Kháng đề là: Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? Rồi trong ngoặc đơn, tác giả chua thêm mấy lời sau đây: «chiêu tuyết những lời bài báng cho một nhà chí sĩ mới qua đời». 

Xem bài: Chánh-học cùng tà-thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không?

Cũng như Phạm Quỳnh, cũng như Ngô Đức Kế, lối phê bình của Huỳnh Thúc Kháng rút cục cũng là lối phê bình quan điểm, nó thiên về bút chiến hơn là thẩm định. Mà nếu có thẩm định đi nữa, thì cũng chỉ là thứ thẩm định chủ quan, duy ngã, tiêu chuẩn không ngoài chủ trương đạo đức luân lý. Nhà phê bình trước tiên là nhà đạo đức học. Với bài lên tiếng của Huỳnh Thúc Kháng ta thấy phong trào chống Kiều đã lên đến tột bực: Kiều lần đầu tiên công khai bị gọi là «con đĩ». Sau cuộc tranh luận nảy lửa này, vụ án truyện Kiều kết liễu.

Nhân vụ án Kiều này, chúng ta rút ra được mấy nhận định sau đây:

Một cái hố chia rẽ, nghi kỵ đang cứ đào sâu giữa các nhà học giả, một bên là cựu học, một bên là tân học, một bên là những người như Ngô Đức Kế, như Huỳnh Thúc Kháng, một bên là những người như Phạm Quỳnh, như Nguyễn Tường Tam, như Trần Trọng Kim.

Cái thái độ đôi khi có hơi kiêu căng của phái tân học, ý thức được năng lực của mình đang làm chủ tình thế và bên kia là thái độ cứng rắn, hàm chứa nhiều cái đau đớn, tuyệt vọng của một lớp người đang thâm cảm sự “rút lui” đang cứ mỗi ngày lại trở nên rõ rệt hơn cái vang bóng một thời.

Những băn khoăn nhiều khi đến bi đát của một thế hệ, tuy thái độ có khác nhau, mà cũng cảm thông cho một lo lắng chung, cái lo lắng đó là cố giữ lấy được cái tinh thần dân tộc trong khi mà chúng ta đã mất chủ quyền về đường chính trị.

Đó là một thế hệ gồm toàn những người, mới cũng như cũ, nặng tính cổ điển, nặng những giá trị nhân bản truyền thống.

Đó là một thế hệ đang vươn mình, chuyển mình, vươn chuyển để đập vỡ cái mu cứng khuôn đóng họ bấy lâu; nhưng vừa bước ra khỏi cái mu kín ấy, còn lạ lẫm nhiều với cái làn khí mới mẻ ở bên ngoài, nên thành ra có nhiều thái độ ngượng ngập: chính vì vậy mà các nhà văn nghệ sĩ thấy mâu thuẫn bế tắc trong khi phải xác định một sự nghiệp nghệ thuật.

Do truyền thống và tập tục, họ quan niệm đạo đức luân lý phải lãnh đạo và chỉ huy mọi hoạt động nghệ thuật. Thành thử khi gặp những tác phẩm nghệ thuật ít tính cách đạo đức, luân lý như Kiều, mà tài nghệ thuật cao, nhà phê bình phân vân, khó nghĩ, thành ra mới có những thái độ giải thích gò bó miễn cưỡng để bênh vực cho luân lý đạo đức của Kiều.

Nói tắt là văn nghệ sĩ của thế hệ này còn luẩn quẩn chưa phân biệt hai lãnh vực đạo đức, luân lý thuần túy với văn chương, nghệ thuật thuần túy. Sự mâu thuẫn gây nên giữa hai phái cũ và mới về vấn đề Kiều chính là tại thái độ không dứt khoát của phái trẻ về nghệ thuật. Phái này chưa làm chủ trương một hình thức nghệ thuật phi luân lý, cho nên gặp trường hợp mà nghệ thuật va chạm luân lý, họ gò bó, miễn cưỡng, để biện minh cho nghệ thuật – trong những trường hợp kia – không xúc phạm cho đạo đức luân lý. Rồi từ chỗ biện bạch, người ta dễ đi đến chỗ tung hô.

Trịnh Nhật Tuân

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Chủ Biên: Người Tình Hư Vô. huvoanxuyen@yahoo.com.au

%d bloggers like this: